Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trường Phi Hành Hải Quân Hoa Kỳ Pensacola

Collapse
X

Trường Phi Hành Hải Quân Hoa Kỳ Pensacola

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trường Phi Hành Hải Quân Hoa Kỳ Pensacola

    Trường Phi Hành Hải Quân Hoa Kỳ Pensacola

    Phượng Hoàng Kim Cương


    Lời cảm tạ: Với sự nhiệt tình đóng góp nhiều chi tiết của các Phượng hoàng: Phạm Đình Khuông, Lê Thuận Lợi, Tạ Thượng Tứ, & những hình ảnh, dữ liệu đã thu lượm được trên các trang mạng ‘google.com’ ‘wikipedia.org’ , và tài liệu cá nhân. Nhứt là lấy trong quyển ‘The Flight Jacket’ cadets classes 1-48/ 1962, chúng tôi xin mạn phép được giới thiệu công lao của Trường Phi Hành Hải Quân Hoa Kỳ Pensacola: đã trang bị cho KLVNCH những tài năng hiếm quí; đã từng đóng góp một phần xương máu cho Thế Giới Tự Do nói chung, và cho đất nước Việt Nam Cộng Hòa nói riêng.

    Phượng Hoàng Kim Cương

    ***

    Không Quân Pháp rất kiêu hãnh về Trường Võ Bị Không Quân Salon-de-Provence (École de l’Armée de l’Air et de l’Aéronavale Française) thì Hoa Kỳ cũng không kém tự hào về Trường Phi Hành Hải Quân Pensacola (U.S. Naval Air School Pensacola) của họ. Trường là cái nôi của Hàng-không Hải-quân Hoa Kỳ (Cradle of Naval Aviation), nơi đã đào tạo nhiều nhân tài, điển hình là các phi hành gia không gian, như Đề đốc hồi hưu Alan B. Shepard Jr., người Mỹ đầu tiên du hành trong không gian. Tr/tá Neil A. Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Nguyệt cầu, và gần đây nhứt là hai cha con cựu Tổng thống Hoa kỳ George H. W. Bush và George W. Bush, và ứng cử viên Tổng thống Thượng nghị sĩ Tiểu bang Arizona John S. McCain III.

    Lịch sử Hàng không Hải quân HK bắt đầu từ Pensacola, thành phố đã có từ thế kỷ XVI. Mãi đến 1825 Bộ trưởng Hải quân HK mới cử một phái đoàn đi tìm đặt một căn cứ hải quân tại đây. Đến năm 1910 Hải-quân Đ/úy T.G. Ellyson là người đầu tiên thọ giáo hai anh em Orville và Wilbur Wright và Ông Glenn Curtiss, để học bay tại căn cứ này. Trường này đã đào tạo 999 phi công vào Thế chiến I và trên 28,000 vào Thế chiến II.

    Người ta gọi nó là “Annapolis of the Air” Võ bị Hải Quân của Không gian. Bộ Chỉ huy Phi huấn HQHK (Naval Air Training Command) đã chọn nơi đây để đặt đại bản doanh. Toán phi diễn nổi tiếng của HQHK “Blue Angels” tạm dịch là "Thiên Sứ Xanh" cũng chọn nơi đây làm tổ ấm. Với những thành tích trên, chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng: “Xuất thân từ Trường Pensacola là những phi công ưu tú nhứt thế giới” - “Through the gates of the Naval Air Station Pensacola pass the finest pilots in the world”.

    Nằm ngay cuối cán xoong của Tiểu bang Florida, sát ranh giới Nam Tiểu bang Alabama, dọc theo vịnh mang cùng tên là hải cảng to lớn và thành phố Pensacola. Khí hậu ôn hòa mát mẻ của Vịnh Mễ-Tây-Cơ, rất thích hợp cho các công tác thao luyện nhọc nhằn và nhiều tập trung của trường bay. Căn cứ bay Naval Air Station Pensacola là một mũi đất (langue de terre), chiếm trọn phần còn lại phía Tây-Nam vùng vịnh, tiếp giáp thành phố trên một địa thế rộng 5,804 acres; phía Bắc là cửa sông Bayou Grande, và phía Nam là phần còn lại của vịnh Pensacola Bay trước khi đi vào Big Lagoon; một đầu là ụ tàu navy yard và bãi đáp trực thăng Chevalier Field (1) ở Đông-Nam, và sân đánh golf A.C. Read (2) ở Đông-Bắc; đầu bên kia là phi trường Forrest Sherman Field (3) ở Tây-Nam.


    Chỉ một căn cứ hải quân thôi mà có tới 3 Bộ Chỉ huy đồn trú: ngay cột cờ màu xanh nước biển với một sao trắng trước tòa nhà Bldg 45: là BCH Phi huấn Căn bản Chief of Naval Air Basic Training. Cờ với hai sao trắng trước Bldg 628 là: BCH Phi huấn Hải quân Chief of Naval Air Training. Cờ đỏ với huy hiệu binh chủng Thủy-quân Lục-chiến Hoa Kỳ là: BCH Liên đoàn Trợ Huấn Phi hành Marine Aviation Training Support Group. Không đoàn VI Phi huấn gồm Phi đoàn VT-4 Warbucks (Chiến lộc). Phi đoàn VT-10 Wildcats (Linh miêu) và Phi đoàn VT-86 Sabrehawks (Kiếm ưng). Phi đoàn Phi diễn Blue Angels và Biệt đội Trực thăng Tìm Cứu NAS Pensacola Search and Rescue Detachment, đóng ở phi trường Sherman Field.

    Ngoài ra, Viện Bảo tàng Quốc-gia Hàng-không Hải-quân National Museum of Naval Aviation trưng bày nhiều phi cơ, và phi thuyền với lịch sử của nó. Pháo đài cổ Fort Barrancas và Nghĩa trang Barrancas National Cemetery là những di tích của thời Nội chiến Civil War. Ngọn hải đăng Pensacola Lighthouse, nằm phía bên kia đường cách Viện Bảo tàng là một địa danh lịch sử hiếm quí, và một phong cảnh ngoạn mục cho những cặp tân hôn và nhiều người đến chụp hình trong những dịp lễ đặc biệt.

    Trung tâm Huấn luyện Kỹ thuật Naval Air Technical Training Center nằm ở Chevalier Hall, Trường Phi hành Naval Air Schools gồm có Trường Địa huấn School of Preflight. Trường Sĩ quan Phi hành Naval Aviation Officers School. Trường Y khoa Phi hành School of Aviation Medicine đã cung cấp hoa tiêu, nhân viên phi hành và kỹ thuật hàng không, bác sĩ phi hành cho cả Hải quân Navy. Thủy quân Lục chiến Marine. Lực lượng Duyên phòng Coast Guard Hoa kỳ và một số Quân đội đồng minh Allied Forces.

    Tại Trường Địa huấn, hằng tuần có một lớp nhập học và một lớp ra trường. Bỏ qua các mùa lễ lớn, mỗi năm có 48 lớp. Số người không nhất định. Có lớp đến 70 người như lớp 48-62, còn có lớp chỉ có 16 người thôi, như lớp 16-62.

    Khóa sinh gồm có:

    - Các sinh viên đã tốt nghiệp 4 năm Võ Bị Hải Quân US Naval Academy, Annapolis, Võ Bị Quốc Gia US Military Academy at West Point, và Đại học Universities hay Colleges, là những AOC (Aviation Officer Candidates).
    - Các sinh viên đã tốt nghiệp Junior Colleges là những NAVCAD (Naval Aviation Cadets) hoặc MARCAD (Marine Cadets);
    - Các sĩ quan, hạ sĩ quan đã tốt nghiệp Đại học, muốn chuyển qua ngành phi hành.
    - Các khóa sinh SQ hoặc SVSQ đồng minh (Allied Students) trong chương trình trao đổi hoặc viện trợ quân sự.

    Sinh viên Sĩ quan (Cadets) thì phải qua 16 tuần lễ huấn luyện, còn Sĩ quan chuyển ngành thì có 8 tuần để vào khuôn khổ (indoctrination). Chương trình Địa huấn bao gồm 3 lãnh vực: Văn hóa, Thể lực, Quân sự. Khóa sinh phải đạt được điểm chuẩn cho từng ngành thì mới được tốt nghiệp.

    Tất cả khóa sinh mới phải trình diện ở Phòng Trực OOD (Officer of the Day) tại Bldg 624. SVSQ và khóa sinh dân sự thì bị tước đoạt hết mọi thứ đồ xi-vin, khi ra trường mới được trả lại. Họ phát cho mỗi người một bộ áo liền quần (poupie suits) và một đôi giày đi rừng (boondockers, loại giày da lộn sần sùi), rồi tống cổ tất cả vào một hầm tối tập thể (squad bay), đóng sầm cánh cửa sắt và khóa lại. Đây là một loại khám tối (cachot), không có đèn đuốc chi cả. Một nửa bức tường ngăn ở giữa. Sát hai bên tường này là một bậc thềm cao, và rộng vừa đủ để có thể nằm ngủ trên đó. Đi tiểu thì ở cái mương dọc theo vách phía bên kia, có nước nhểu rỉ rả. Cánh cửa sắt có cái cửa chớp (shutter), cái khe nhỏ vừa đủ rộng để mắt nhìn ra ngoài; khi có đại tiện thì gọi SVSQ trực mở cửa. Sáng sớm hôm sau, họ đánh thức bằng tiếng chuông reo inh ỏi và loa hô to:




    Cổng chánh vào Trường Phi hành Pensacola

    “Reveille! Reveille! Reveille! All hands hit the deck”. Tất cả chạy ra ngoài, nghe giảng một hồi, rồi co tay chạy đều lên phòng ăn sáng, không thấy thằng nào đánh răng, rửa mặt chi cả. Ăn xong là tất cả xếp hàng chạy bộ về lớp học. Tiểu đoàn trưởng Khóa sinh Battalion Officer chào mừng khóa sinh mới đến: “Welcome aboard!” và giới thiệu chương trình lớp Indoctrination Class tạm dịch là lớp Huấn Nhục. Sau đó họ đưa đi cạo đầu sát rạt (như mấy thầy chùa vậy đó). Các cadet đến phòng quân trang, lấy ni nón, áo quần, giày, rồi được lãnh quân phục, chụp hình làm thẻ căn cước và cấp cho thẻ bài dogtag…
    Huấn luyện viên là US Marine Sergeants. Họ truyền thụ, từ lời ăn tiếng nói dõng dạc to lớn, đến cách đi đứng chặt góc vuông, chào hỏi. Ngồi ăn phải thẳng lưng và nâng thức ăn ngang miệng, rồi mới đưa vào.

    Khóa sinh ngoại quốc phải mất thêm ít nhất 2 tuần lễ nữa để học Anh văn của Hải quân Hoa kỳ. Sau khi khám sức khỏe tổng quát lại, thấy tốt, thì mới được xếp vào lớp.
    Mỗi sáng khi nghe tiếng chuông reo và loa phóng thanh đánh thức, mọi đứa, mắt nhắm mắt mở, đều chụp lấy nùi lau, quơ quàu cái màn lá sách che cửa sổ (venitian blinds), tấn drap giường cho thẳng thớm, làm vệ sinh cá nhân, ôm bồn cầu lau sạch sẽ, bồn rửa mặt cũng phải khô ráo, cục xà-bông phải xài, chớ không được để chưng thờ, mà phải lau khô sau mỗi lần xài. Khi tới phiên trực còn phải biết sử dụng máy vacuum cleaner hút bụi, hoặc dùng cây broom đẩy bụi vào một góc rồi hốt, lấy mop lau nhà với nước sáp nóng (hot wax), rồi đánh bóng sàn nhà lại với floor buffer, ngoài ra còn cleaning details nữa, nghĩa là đánh bóng mấy ổ khoá cửa, tay nắm/ quả đấm cửa (knob/ poignée). Sau 8 tuần huấn nhục thì các khóa sinh được sinh hoạt bình thường.

    Chương trình Huấn luyện Quân sự (Military Training) rèn luyện khóa sinh thi hành công việc hằng ngày mà một sĩ quan thật sự làm, dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của các sĩ quan huấn luyện viên và sinh viên cán bộ trong Trung-đoàn Khóa-sinh. Thường thì huấn luyện quân sự nhắm vào việc cai quản hành chánh, quân phong quân kỷ, và khả năng tác chiến. Ngoài ra khóa sinh còn học cách sử dụng vũ khí cá nhân, chào kiếm chuẩn bị lúc làm lễ ra trường.

    Mỗi sáng, sau khi thức dậy và vệ sinh cá nhân xong, loa gọi “All hands fall in for morning spiffy (inspection)”, thì tất cả chạy ra xếp hàng ngoài sân, quần áo thẳng nếp, giày bóng loáng, cà vạt và bâu áo phải có kim gài (collar and tie pins). Sinh viên cán bộ đến trước từng người ngắm nghía xem quân phục có đúng cách không, rồi hỏi những câu về lịch sử, chính quyền, quân đội, thời sự…. Mọi câu hỏi đều có chuẩn bị câu trả lời. Các trưởng lớp class leader họp với ban tham mưu của Trung-đoàn Khóa-sinh sau mỗi bữa cơm chiều, và đem về phổ biến lại cho lớp mình. Nói một cách khác là ngoài quân phong quân kỷ, tinh thần đồng đội (esprit de corps) lúc nào cũng được rèn luyện.

    Đi ăn ở mess hall (nhà ăn tập thể) vẫn đi từng lớp và theo đúng cơ bản thao diễn. Mỗi thứ tư có bữa cơm chiều dưới ánh đèn cầy (candlelight dinner), có bồi bàn đứng hầu bên cạnh để phục vụ rượu vang, trông thật là quí phái. Thực đơn luôn thay đổi theo từng dân tộc một, tuần này món ăn Ý với spaghetti và rượu Chianti. Tuần sau món ăn Pháp với civet de lapin và Beaujolais. Món Đức thì có sauerkraut với Riesling. Còn món Nga thì có caviar với Rkatsiteli…. Mỗi thứ sáu có buffet ăn xả láng tự phục vụ, có khi cả một đùi bê thui, hoặc một con trừu quay, hoặc một con cá tầm (sturgeon) đút lò to lớn để nguyên trên một cái bàn dài ở giữa phòng ăn. Thứ Bảy, Chúa Nhựt thì nhà ăn mở cửa trể, điểm tâm và ăn trưa nhập chung lại làm một bữa gọi là brunch.


    Chương trình Văn hóa (Academics) thì có các môn Toán và Vật lý áp dụng cho ngành hàng không, phải dùng thước slide rule để tính, một dụng cụ mới lạ mà sinh viên ở VN có bao giờ xài đến đâu. Môn Naval Orientation dạy cho biết về lịch sử và tổ chức Hải quân Hoa kỳ. Aerodynamics là khí động học áp dụng cho phi cơ và bom đạn sử dụng. Study Skills dạy cách học bài trong đó có Speed Reading Skills (Speedy Skills) kỹ năng đọc nhanh và Communication Skills kỹ năng thông đạt. Leadership là nghệ thuật lãnh đạo. Engineering trong đó có môn Động-cơ-nổ và Động-cơ phản-lực.

    Aviation Science dạy cách điều khiển các bộ phận của phi cơ, luật lệ lưu thông hàng không, phương sách bảo trì phi cơ, phương thức liên lạc vô tuyến, Code Morse và Recognition nhận dạng các phi cơ đồng minh và phi cơ địch. Weather and Meteorology Thời tiết và Khí tượng. Navigation (không hành) trong đó có Celestial Navigation nhắm hướng ban đêm bằng vị trí các sao trên trời, cách sử dụng các phi cụ. Ngoài ra còn có môn Chính-trị FNP (Foundation of the National Power) phần lớn dạy về lịch sử thế giới với những chế độ khác nhau, những tổ chức quốc tế, như UNO, NATO, WAPA, những lắc léo ngoại giao, những hiệp ước, công ước cận đại, nhứt là quá nhiều những ngày tháng (date) phải thuộc lòng. Tất cả đều có phim ảnh, trợ huấn cụ cho từng ngành, từng môn một.

    Chương trình Thể Lực và Mưu sinh Thoát hiểm (Physical Fitness-Survival) phát triển sự kết hợp sức mạnh vào kỹ năng chuyên môn. Tập dượt các môn võ đô vật truyền thống (collegiate wrestling), quyền Anh có đội nón độn nệm (smokers boxing). Bơi lội thì phải bơi suốt 2,000 m (40 vòng tới lui) có bận đồ bay. Còn nói tới “Dilbert Dunker” thì khỏi chê: người ta đặt anh ngồi vào một cái ghế sắt tương tự như cockpit (phòng lái) của phi cơ nhỏ T-34, gài dây an toàn shoulder harness và safety belt, kéo anh lên tuốt trên đỉnh của giàn phóng, cao khoảng chừng 10 m, rồi khi nào nghe huấn luyện viên thổi tu huýt một cái, thì họ buông cái ghế cho rơi theo đường ray chúi xuống chừng 60° vào hồ bơi. Cái ghế lật úp. Nước bắn tung tóe tùm lum. Anh phải đếm thầm: “One thousand one, one thousand two,…one thousand five”, rồi nhanh nhẹn tháo gỡ dây an toàn bụng và vai. Hai chân ngồi chồm hổm lên ghế, hai tay vói thẳng lên miếng gổ, giả làm windshield (kính che gió), ngửa đầu ra phía sau, rồi hai tay, hai chân tống thẳng cẳng mạnh ra khỏi cái “Dilbert Dunker”. Tứ chi vẫy vùng như con ếch, cố ngoi đầu từ dưới đáy hồ lên khỏi mặt nước. Ngoài ra còn phải biết đánh vào quai hàm của nạn nhân, để làm cho họ bất tỉnh trước khi lôi họ vào bờ cứu họ, biết làm hô hấp nhân tạo CPR. Ngoài Đoạn đường Chiến binh (Obstacle Course) còn biết chơi trampoline, không phải chỉ nhún nhảy, mà còn phải biết nhào lộn, như thế sau này khi lên trời sẽ mạnh dạn làm mấy động tác phi hành (flight maneuvers) hơn.

    Nhảy dù trên đất liền và dưới nước. (Jungle/ Swamp/ Sea Survival) mưu sinh thoát hiểm trong rừng, sinh lầy và cả dưới biển. Nói cho cùng là môn thể lực huấn luyện sức chịu đựng dẻo dai trong tinh thần thể thao (spirit of sportmanship) và ngay thẳng (fair play).

    Sau 16 tuần lễ quần quật với đèn sách, đoạn đường chiến binh, lúc nào cũng ship shape, sạch sẽ ngăn nắp thứ tự như ở dưới tàu. Tuần lễ cuối cùng cả lớp bị bỏ vào khu sình lầy của rừng Eglin AFB từng huấn luyện Biệt Kích Mỹ, để học lớp Mưu Sinh Thoát Hiểm. Khi trở về trại nhà, thì mỗi khóa sinh được phát một tờ khai chọn lựa ngành nghề Career of Preference. Có người chọn ngành phi hành gia Astronaut. Phần đông là phi công fixed wing pilots. Còn lại là phi công trực thăng rotary wing pilots. Khóa sinh Việt-Nam không có đường chọn lựa mà chỉ ghi fighter pilots, để điền cho đầy đủ rồi nộp với người ta.


    Tại buổi lễ mãn khóa Địa-huấn, SVSQ nhận bằng tốt nghiệp Diploma, là quyết định bổ nhiệm chức vụ sinh viên cán bộ Cadet Officer gồm có: Trung đoàn trưởng SVSQ Cadet Regiment Commander (5 gạch). Trung đoàn phó SVSQ Cadet Regiment Sub-Commander (4 gạch). Nhạc trưởng Dàn nhạc & Ban hợp ca Trung đoàn Regimental Band & Choir Commander (4 gạch). 4 Tiểu đoàn trưởng SVSQ Battalion Commander (3 gạch), 4 Tiểu đoàn phó Battalion Sub-Commander (2 gạch), 12 Đại đội trưởng Company Commander (2 gạch), 36 Trung đội trưởng Platoon Leader (1 gạch) phụ trách 36 lớp còn lại (8 lớp Huấn nhục không tham dự). Người nào xuất sắc về một lãnh vực nào đó, thì được gắn thêm lên trên bảng tên ở nắp túi áo bên mặt một badge màu đen có tên lãnh vực đó chữ trắng, nếu được hai lãnh vực xuất sắc thì badge đỏ chữ trắng, còn cả ba lãnh vực thì badge vàng chữ xanh nước biển....

    Tới ngày ra trường, mấy Officer Candidates Mỹ được gắn lon thiếu úy: Hải quân và Lực lượng Duyên phòng là Navy/ Coast Guard Ensign; còn Thủy Quân Lục Chiến là Marine Second Lieutenant. Mấy anh tân sĩ quan phải có sẵn trong mình một đồng đô-la bằng vàng. Hể người nào đầu tiên chào và chúc mừng họ “Sir, Congratulations, Sir!” thì được tặng đồng tiền vàng đó. Sau đó thì họ chia tay nhau, ai đi ngành nào thì lên đường qua trường đó.

    Khóa sinh Kỹ thuật không phi hành (aviation ground officers), Điều hành viên, Cơ khí Phi hành (air crewmen) chẳng đi đâu xa mà đã có Trường Naval Aviation Officers School ngay tại Căn cứ Pensacola này rồi.

    Căn cứ phụ Naval Air Auxiliary Station Ellyson Field là Trường Phi hành Trực thăng Helicopter Training Squadron EIGHT HT-8 ở cách Căn cứ Pensacola 16 mi về hướng Đông-Bắc.
    Căn cứ phụ NAAS Saufley Field là Trường bay Vỡ lòng VT-1 (Primary Flight Training) ở cách 10 mi về hướng Bắc của Mainside (nickname của căn cứ chánh NAS Pensacola). Tất cả khóa sinh Student Naval Aviators đều phải qua trường này và đã tìm thấy cái cảm giác mạnh lúc đơn phi đầu tiên (first solo) tại đây.

    Sau vài ngày làm thủ tục đến và làm quen (Orientation) với cách ăn ở và làm việc tại Căn cứ và Trường phi hành VT-1, là hai tuần địa huấn (ground training), học để hiểu biết chiếc phi cơ mà mình sẽ bay trong nay mai:

    Cockpit Procedures chỉ cách sử dụng các bộ phận và làm quen với các đồng hồ phi kế, lúc mở máy, đang bay, trường hợp khẩn cấp và lúc đáp; ở đây có nguyên cái cockpit (phòng lái) của phi cơ làm trợ huấn cụ nên rất dễ hiểu. Engineering và Flight Characteristics cho ta biết khả năng của phi cơ, chịu đựng được bao nhiêu G’s, hỏng bánh ở tốc độ nào, và chạy được bao xa mới hỏng bánh. Vòng đáp touch-and-go (chạm bánh-bay lại) như thế nào. Phương thức liên lạc vô tuyến với đài kiểm soát không lưu ra sao; ở đây có skull practice, nghĩa là mỗi khóa sinh được mang một cái headset để thực tập, gọi báo cáo với đài không lưu và được nghe đài trả lời y như trên thực tế. Ngoài ra còn có link trainer (phòng lái giả) để cho khóa sinh thực tập ôn lại mấy động tác bay trong lúc chờ đợi có phi cơ khả dụng để bay.

    Rồi đến sáu tuần phi huấn. Giai đoạn pre-solo (tiền đơn phi) có 13 phi vụ. Trừ phi vụ làm lễ ra mắt (baptême de l’air), khóa sinh sẽ bay 10 phi vụ thực tập các động tác bay căn bản, sử dụng bộ phận điều chỉnh phi cơ bay bình phi, phương thức làm vòng đáp và kỹ thuật đáp, đồng thời học cách đối phó với các trường hợp khẩn cấp, luôn luôn phải giữ sự bình tĩnh và an toàn của một phi công (good airmanship and safety). Phi vụ 12 (safe-for-solo check flight) khóa sinh sẽ bay với một thầy khác, nhiều kinh nghiệm trong nghề huấn luyện, để khảo hạch. Nếu check pilot ra dấu “thumbs up” , thì phi vụ 13 là phi vụ đơn phi đầu tiên “first solo”.


    Tiếp theo là giai đoạn precision stage (nhuần nhuyễn) với 18 phi vụ, ôn lại mấy động tác học trước đây, và cứ xen kẽ một phi vụ có thầy (dual) với một phi vụ đơn phi (solo). Phi vụ có thầy thì học những ‘chiêu thức’ (figure) mới: loop/ boucle (nhào lộn 360 ), cuban eight (vòng số 8), wingover/ renversement (lật ngược 180 ), barrel roll/ tonneau barriqué (lăn xoắn ốc), spin/ vrille (xoáy vòng), phi vụ đơn phi thì khóa sinh dượt lại cho nhuần nhuyễn. Phi vụ khảo sát bay với một thầy ở khác flight (phi đội).

    Xong phi huấn vỡ lòng, Khóa sinh Phi công Cánh quạt qua NAAS Whiting Field ở Milton, cách Pensacola khoảng 40 mi về hướng Đông-Bắc. Ở đây trường bay VT-2 và VT-3 có chương trình Phi huấn Căn bản (Basic Flight Training).

    Trường bay VT-4 ở Sherman Field ngay trong Căn cứ Pensacola thì dạy bay Căn bản Phản lực (Basic Jet Training) và đồng thời dạy đáp hàng không mẫu hạm cho các Khóa sinh Phi công Phản lực.
    Trường Phi hành VT-6 cũng ở khu Bắc Whiting với VT-2, dạy Vỡ lòng Phi hành với phi cơ nhiều máy (Primary Multi-Engine Training) và phi cụ cho phi công trực thăng.

    Trường Phi hành VT-2 chuyển tiếp (transition stage) khóa sinh từ một chiếc phi cơ nhẹ và yếu như T-34B Mentor cân nặng 2,960 lb với công suất 225 mã lực, qua chiếc T-28B/C Trojan, nặng hơn gấp đôi 6,424 lb và mạnh trên 6 lần, công suất là 1,425 mã lực. Giai đoạn này kéo dài 9 phi vụ, 8 phi vụ bay với thầy và phi vụ thứ 9 là phi vụ đơn phi. Phương thức bay căn bản (basic air work) tương tự như mấy phi vụ đầu tiên ở Saufley, thêm vào đó là phương thức báo cáo lấy cao độ và xuống cao độ vào vòng đáp (climbing and letdown), thực tập đáp khẩn cấp (giả máy tắt) từ cao độ cao (simulated high altitude emergency), vòng đáp ở các sân bay phụ (outlying fields) cùng với phương thức đáp hạ toàn cánh phụ (full flap landing).

    Giai đoạn nhuần nhuyễn (precision stage) ở VT-2 là 7 phi vụ. Ở một sân bay phụ, người ta vẽ một hình chữ nhựt có gạch chéo màu trắng ở đầu phi đạo, vừa đủ an toàn để phi cơ chạm bánh lúc đáp. Khóa sinh phải tập chạm bánh trong ô này lúc hạ cánh. Những động tác bay căn bản (basic air work) được luyện cho đến mức dịu dàng (smooth) và wingover hay hammerhead/ renversement luôn được luyện tập, vừa kéo mũi phi cơ lên thẳng đứng, vừa quẹo gắt, gần vào triệt nâng (stall), rồi nhả cánh lại ở 180° đổi hướng và hạ mũi phi cơ xuống, để lấy lại tốc độ bình phi. Khảo sát thấy bay nhuần nhuyễn và đủ an toàn thì được qua giai đoạn kế tiếp.

    Giai đoạn nhào lộn (acrobatic phase) có 10 phi vụ gồm 4 phi vụ dual và 6 solo. Những chiêu thức căn bản như làm loop, lăn tròn (aileron roll/ tonneau), lăn xoắn ốc (barrel roll), immelmann/ rétablissement normal, cuban 8 (vòng số 8), half-Cuban eight/ rétablissement tombé (½ vòng số 8), spin (xoáy vòng), snap roll/ déclenché, split-S/ retournement. Mỗi chiêu đều bắt đầu bằng tốc độ bay (airspeed) khác nhau và phải luôn giữ hòn bi của đồng hồ chỉ độ quẹo (turn-and-slip indicator) ngay giữa.

    Sau 8 tuần ở VT-2, khóa sinh được chuyển qua VT-3 ở khu Nam để học 20 tuần phi huấn và 14 tuần địa huấn gối đầu lên nhau.

    Giai đoạn đầu là Huấn luyện Phi cụ Căn bản (Basic Instrument), suốt thời gian này bay với thầy và luôn chui vào hood (mui che), thực tập scan (nhìn lướt qua lại) mấy phi kế như attitude gyro (thế bay), turn-and-slip indicator (độ quẹo), rate-of-climb (độ lên xuống cao độ), altimeter (cao độ kế), airspeed indicator (tốc độ kế), accelerometer (gia tốc kế chỉ G’s). Khi làm slow flight còn cần phải theo dõi cylinder head temperature indicator (đồng hồ nhiệt độ đầu xy-lanh), lập lại mấy chiêu bay nhào lộn sử dụng phi kế, và vào cận tiến có đài hướng dẫn/ shoot GCA (ground control approach).


    Giai đoạn kế tiếp là Huấn luyện bay Hợp đoàn (Formation). 4 phi vụ đầu bay với thầy, 7 phi vụ kế tiếp bay solo. 3 phi vụ bay 2 chiếc, 4 phi vụ bay 4 chiếc, đều có thầy bay theo (chase). Thay phiên nhau làm lead dẫn phi tuần và làm wingman đeo theo, để luyện tập breakup-and-rendezvous (tách và tập hợp), tập hợp vào hợp đoàn sát cánh (parade formation/ échelon serré). Phi cơ lead (dẫn phi tuần) phải bay thật smooth, không động tới tay ga, giữ tốc độ an toàn cho phi tuần. Khi bay slow flight, không quẹo vào trong echelon (cánh nặng) nếu là phi tuần 4 chiếc.

    Hợp đoàn hành quân là tactical formation với 2 chiếc gọi là phi tuần nhẹ (element) và 4 chiếc là phi tuần nặng (flight/ patrouille). 4 chiếc là 2 phi tuần nhẹ và bay theo hình ngón tay (fingertip formation). Với hợp đoàn hành quân khóa sinh thực tập động tác phi hành flat scissors/ ciseaux.

    Hợp đoàn chiến đấu chase/ combat formation thực tập không chiến dogfight/ combat tournoyant với 2 và 4 phi cơ. Thật ra ở đây phi cơ/ phi tuần số 1 dẫn đầu chỉ làm những phi tác nhào lộn căn bản và phi cơ/ phi tuần đuổi bắt (chase) chỉ đeo theo, áp dụng những kỹ thuật chuyên môn đã thu thập. Không làm spin, hammerhead, snap roll, nói một cách khác là không áp dụng triệt nâng (stall/ décrochage) ở đây.

    Giai đoạn Huấn luyện Không hành (Navigation) ngày lẫn đêm. Không hành ngày làm Round Robin, đi lòng vòng, dạy cho khóa sinh biết chuẩn bị lộ trình (route planning), sử dụng bản đồ không hành (navigational charts), phân biệt những điểm mốc check points như xa lộ, đường rầy xe lửa, sông, hồ, v.v…. Bài học bay đêm nằm trong 2 phi vụ cross country (băng đồng) đêm đi xa ở lại đêm (overnight), một phi vụ sử dụng dead reckoning techniques, định hướng và tính giờ dựa theo tốc độ mình bay, từ điểm này (địa danh/ thành phố) đến điểm nọ; phi vụ kia thì không hành bằng phi cụ (IFR), sử dụng trợ phi kế (Navaid) TACAN, làm letdown (xuống cao độ), holding pattern (vòng chờ) và GCA pickup on final (cận tiến vòng chót có đài hướng dẫn).

    Giai đoạn cuối cùng là Huấn luyện Tác xạ (Gunnery), gồm có 5 phi vụ. Phi vụ đầu được thầy biểu diễn và 4 phi vụ đầu chỉ làm dry run để biết làm vòng tác xạ, phi vụ thứ 5 mới bắn bia.
    Sau suốt một niên khóa học tại Whiting, các khóa sinh trở về Saufley để bắt tay vào chương trình tập đáp hàng không mẫu hạm Carrier Qualification của Trường Phi hành VT-5.

    Sau hai ngày nghe giảng và trắc nghiệm về vòng đáp và những bộ phận trợ phi (flight support) trên hàng không mẫu hạm như hoạt động của hệ thống kính chiếu trên tàu (operation of the mirror landing system), cũng như cơ chế, tốc độ, sử dụng chân đáp, cánh phụ, móc đuôi tailhook (performance characteristics of the aircraft), và biện pháp an ninh phi hành áp dụng trên tàu (carrier safety), khóa sinh bắt đầu tập dượt đáp theo kính chiếu trên đất liền MFCLP (Mirror Field Carrier Landing Practice) tại 2 phi trường phụ Bari và Bronson.

    Ở VT-5 chuông đánh thức reveille đúng 0400 giờ sáng để tránh không khí chao động lúc mặt trời mọc. Mỗi khóa sinh phải trải qua 13 đợt tập dượt, 12 đợt trên đất liền và đợt chót trên tàu.
    Sau 3 phi vụ “demo” biểu diễn bay với thầy ngồi ở ghế sau, mấy phi vụ còn lại bay solo. Mỗi đợt tập dượt có khoảng chừng 8 lần đáp. Trên hàng không mẫu hạm thì 2 lần đầu chạm bánh bay lại (touch-and-go) và 6 lần đáp với móc tailhook (arrested landing) và cất cánh trên giàn phóng (catapult).


    Hệ thống đèn hạ cánh optical landing system (OLS) thường được biết qua tên gọi meatball (cục bò viên) chỉ cho hoa tiêu biết độ chúi (glidepath) của cận tiến vòng chót (final approach) trên hàng không mẫu hạm. Landing Signal Officer (LSO) sử dụng cờ màu (colored flags), ván (cloth paddles) và gậy đèn (lighted wands) để điều khiển phi cơ hạ cánh trên mẫu hạm, Flight Deck Officer (FDO) chỉ huy toán và tất cả những người mặc áo màu vàng sáng chói làm việc rất ăn khớp với nhau (perfect teamwork).

    Hàng không mẫu hạm USS Antietam (CVS-36) được Trường Pensacola sử dụng để huấn luyện hoa tiêu đáp tàu từ 1957, trước đây có boong thẳng (straight deck) theo kiểu “Essex”. Xưởng tàu Brooklyn Naval Shipyard đã sửa lại thành boong xiên góc đầu tiên thế giới vào 1953. Boong xiên góc (angled deck) đã cho thấy ba điểm lợi hơn boong thẳng (fore-and-aft deck): thứ nhứt là cùng một lúc có thể điều khiển cho phi cơ cất cánh và đáp; thứ nhì là, khi phi công nhìn thấy boong trống trải, họ cảm thấy an toàn hơn; cuối cùng là phi cơ lớn có thể đáp trên tàu được.

    Năm 1962 mẫu hạm CSS Lexington (CVS-16) vào thế chổ CSS Antietam trong Vịnh Mể-Tây-Cơ….

    Nhiều khóa sinh khi lần đầu chạm boong tàu (hit the deck), móc được vào một trong sáu dây cáp (arresting cables) cảm thấy cảm giác có vẻ mạnh hơn lần đầu tiên họ được thả solo (first solo).
    Sau lần cuối đáp trên tàu này thì khóa sinh hội đủ điều kiện (qualified) để mang cánh bay vàng của Hoa tiêu Hải quân Naval Aviator.

    Một buổi lễ gắn cánh bay được tổ chức tại Đại Sảnh Đường của BCH Phi huấn Căn bản HQHK (Naval Air Basic Training Command) Bldg 633 ở Mainside Pensacola.

    Tính ra thì chương trình học quân sự, địa huấn, bay ở trường vở lòng, 2 trường căn bản phi hành và trường đáp hàng không mẫu hạm của riêng trường Pensacola đã mất ròng rã hết 2 niên học. Cho nên sau giai đoạn địa huấn và bay vỡ lòng thì sinh hoạt ở đây thật là thoải mái. Ở Whiting Field, đi bay về là khóa sinh có thể giải trí ở ACRAC (Air Cadet Recreation Center), để nghe nhạc, chơi games, bi-da, nhậu bia lai rai. Một vài anh còn ghi danh học thêm cao học nữa. Nhà nguyện Whiting Field Chapel thường hay làm lễ cưới cho khóa sinh ở đây. Hằng năm cứ vào mùa xuân thì nhà trường phối hợp với mấy trường Đại học quanh Pensacola, để tổ chức buổi Dạ vũ Mùa xuân Cadet Spring Formal. Danh sách sinh viên được treo ở Tòa nhà Hành chánh (Admin Bldg) kế bên Phòng Thư tín (Mail Room) để khóa sinh chọn theo kiểu blind date/ rendez-vous arrangé. Căn cứ Whiting có đội đánh golf và ban nhạc Bộ Tứ Quartet riêng của họ. Vào những ngày ấm áp chúng ta không khỏi thưởng thức mùi thịt nướng BBQ thơm phức sau dãy nhà Cadet Barracks của SVSQ.

    Sau khi mãn khóa căn bản, được gắn cánh bay vàng Hải quân Navy Wings of Gold, SVSQ được tấn phong sĩ quan và được thuyên chuyển qua BCH Cao huấn Phi hành Naval Air Advanced Training ở NAS Corpus Christi, Texas. Tùy từng nhiệm vụ, khóa sinh nhận sự vụ lệnh để đến các đơn vị mới.

    Tại Corpus Christi, Trường bay VT-30 xuyên huấn hoa tiêu trên phi cơ A-1H Skyraider. A-1H Skyraider là loại xung kích cơ cánh quạt, bánh đuôi, một chỗ ngồi, không có bom đạn cân nặng 11,968 lb và sức nặng tối đa lúc cất cánh là 25,000 lb, động cơ xuyên tâm (radial engine) Wright công suất 2,700 hp (mã lực).


    Địa huấn được gói gọn trong 3 quyển sách:

    - A-1 Skyraider Flight Manual TO-1 gọi tắc là Dash One, gần như phi công nào bay loại phi cơ nầy phải nằm lòng. Nó mô tả đầy đủ phi cơ và tất cả hệ thống máy móc, cách sử dụng với checklists, phương thức điều hành bình thường và khẩn cấp….
    - Aerodynamics, Khí động học dành cho phi cơ và bom đạn sử dụng trên loại phi cơ này.
    - Flight Rules gồm có luật lưu thông hàng không bay bằng mắt VFR (Visual Flight Rules) và phi cụ IFR (Instrument Flight Rules).

    Giai đoạn làm quen Fam Stage (viết tắt của Familiarization) là khó khăn hơn tất cả. Nội mở máy không thôi, đã là một vấn đề ngay từ đầu rồi. Hể nhấn primer lâu quá, thì carburetor bị flooded (ngộp), cơ trưởng lấy hai ngón tay bóp mũi ra dấu; còn hể ít quá, thì bị backfire (lửa sớm), cơ trưởng phải leo lên xem coi butterfly valve có bị bung ra không. Nếu lơ là, không kiểm soát kỹ, dễ bị cháy máy vì xăng rò rỉ. Phi vụ đầu tiên cũng đã phải bay một mình rồi (solo), vì phi cơ chỉ có một chổ ngồi thôi.

    Lúc cất cánh, chân mặt phải kềm bánh lái thật mạnh, và nhanh chóng làm sao cho bánh đuôi hỏng lên mới dễ giữ phi cơ chạy thẳng được. Đáp thì phải giữ đúng three-point attitude để luôn chạm bánh 3 điểm. Chạm bánh rồi thì phải ôm cần lái vào bụng, hai chân phải luôn làm việc để giữ phi cơ chạy thẳng, chân trái đạp mạnh hơn.

    Sau giai đoạn làm quen với phi cơ thì các giai đoạn khác gần như lập lại những gì đã học ở trường bay căn bản. Dash One không cho phép tự động làm xoáy vòng (voluntary spin). Phi cơ có trang bị hệ thống chống G’s (anti-G system), sử dụng G-suit để tránh bị “black-out” lúc kéo nhiều +G’s khi nhào lộn (aerobatics/ voltige aérienne)và không chiến.
    Trong hợp đoàn hành quân, khóa sinh được luyện tập Thach Weave (4).
    Hai chiếc hoặc hai element (phi tuần) bay ngang nhau cách xa chừng 1 nm (dưới 2 km một chút), số 2 bên mặt chẳng hạn. Khi lead muốn đổi hướng thì lắc cánh cho số 2 thấy, rồi quẹo mặt vào số 2. Nếu muốn quẹo trái, thì khi giao nhau, lead nhắp cánh trái (cánh cao) một cái rồi trở cánh quẹo ngược qua trái; số 2 lúc đầu đang quẹo trái vào lead, thấy lead nhắp cánh cao thì tiếp tục giữ quẹo trái, đến khi nào lead roll out (trở cánh bay thẳng) thì mới thôi; bây giờ thì số 2 nằm bên trái.

    Trở lại trường hợp đầu tiên, số 2 nằm bên mặt cho khỏi lộn. Và lead quẹo mặt vào số 2 để đổi hướng. Nếu muốn quẹo mặt, thì lúc giao nhau, lead nhắp cánh mặt (cánh thấp) và tiếp tục giữ quẹo mặt cho đến hướng mình muốn đi thì roll out, số 2 đang quẹo trái, khi thấy lead nhắp cánh thấp thì trở cánh quẹo ngược qua mặt ngay, và cũng roll out theo lead.
    Nếu chỉ muốn đổi bên thôi, thì khi giao nhau, lead nhẹ nhàng trở cánh thăng bằng chớ không nhắp cánh, cross over/ under (bay ngang qua đầu/ dưới bụng) tùy theo cao độ rồi mới quẹo trái về hướng đi ban đầu.

    Còn nếu muốn đổi hướng 180 thì khi giao nhau, không nhắp cánh, không trở cánh thăng bằng, mà cứ tiếp tục quẹo đến hướng mình muốn rồi mới roll out.
    Người lead giỏi phải tính (plan) làm sao cho tất cả được an toàn: trường hợp bay cao thì element luôn giữ ở dưới và còn wingman của họ nữa; ở cao độ thấp thì ngược lại, wingman và element luôn ở cao hơn lead. Scouting formation đội hình thám thính áp dụng cho armed recce (tuần thám võ trang), escort ship/ train/ convoy (hộ tống tàu bè/ xe lửa/ đoàn xe), thường ở cao độ thấp, do đó lead set radar altimeter 100 ft còn wingman thì 50 ft.

    Luyện tập Không hành ngày và đêm đủ kiểu cận tiến ở cao độ cao high altitude approach, xuyên mây penetration và làm vòng chờ holding pattern, sử dụng thiết bị điện tử hàng không TACAN. Lấy cao độ 14,000 bộ, khi qua gần tới 12,000 bộ thì mở bơm tăng nạp supercharger…

    Lời Tuyên thệ của Phi công Hải quân Hoa kỳ lúc làm lễ gắn Cánh bay Vàng

    Luyện tập Oanh kích và Tác xạ (Bombing and Strafing) ngày và đêm.

    Trước hết tập nhào xuống thả bom (dive bombing). Để mục tiêu ở ngay giá bom bên trong (inboard rack), kéo mũi phi cơ lên chừng 30°, lật phi cơ thế nào để thấy mục tiêu ngay hướng 12 giờ, kéo mũi phi cơ xuống để máy nhắm (gunsight/ collimateur) hơi sau mục tiêu (aim short) một chút, rồi trở cánh ra cho phi cơ bay xuống thẳng vào mục tiêu, ngừng crosshairs/ réticule (chữ thập) trên mục tiêu rồi bấm nút bom, xong kéo mũi phi cơ lên 60° và quẹo trở lại, nhìn theo người phía trước. Đó là đánh bom trên cùng một trục (same-axis pattern). Chúng tôi còn tập đổi trục 90 như cánh chuồn (cloverleaf pattern) nữa.

    Bom nổ và hỏa tiển (rockets) thì ở cao độ cao. Đại bác (cannon) thì ở cao độ thấp hơn và độ chúi lài hơn. Napalm (bom xăng đặc) thì bay sát ngọn cây (low level/ rase-mottes). Tác xạ còn phải ra bãi tác xạ (range) mới có bia để nhắm bắn. Mỗi loại bom đạn đều có mil-lead khác nhau đã có ghi rõ trong quyễn A-1 Weapons Delivery Handbook (Sử dụng Bom đạn trên Phi cơ A-1).

    Khóa sinh trực, ngoài việc ghi tình trạng phi trường Notams, tình trạng phi cơ khả dụng trong ngày, cập nhựt Dash One, còn giúp Sĩ quan An phi ra flight line (phi đạo), lấy mấy yellow sheet xem phi cơ bị trục trặc chỗ nào và dò trong TO-2 (Technical Manual), ghi ra cách sửa chữa, rồi kẹp chung với yellow sheet.

    Hàng không mẫu hạm Lexington hoạt động thường xuyên ngoài khơi các cảng Pensacola, Corpus Christi và New Orleans trong Vịnh Mê-Tây-Cơ. Ngày 1 tháng 1, 1969 CVS-16 được cải danh là CVT-16 và vẫn tiếp tục nhiệm vụ thả đáp tàu carrier qualification (CQ) cho naval aviator 22 năm nữa. Cho đến ngày 8 tháng 11, 1991 mẫu hạm giải nhiệm và được đưa về làm USS Lexington Museum on the Bay, Tàu Bảo Tàng trong Vịnh Corpus Christi, Texas. 1989 USS Kitty Hawk (CV-63) được lệnh thay thế CVT-16 nhưng vẫn ở trong vịnh nhà San Diego, California. Đến 1992 USS Forrestal (CV-59) mới thật sự vào Vịnh Gulf of Mexico, đến 11 tháng 9, 1993 thì giải nhiệm.

    BCH Huấn luyện Phi hành Căn bản Naval Air Basic Training Command trước ở Pensacola, sau đó sáp nhập với BCH Cao huấn Phi hành thành một Bộ Chỉ huy Huấn luyện Phi hành HQHK Naval Air Training Command, đặt trụ sở tại Căn cứ Corpus Christi, Texas.

    Năm 1971, Căn cứ NAS Pensacola được chọn làm tổng hành dinh cho Bộ Chỉ huy Giáo dục và Huấn luyện HQHK Chief of Naval Education and Training (CNET), điều khiển và kiểm soát mọi hoạt động và tổ chức giáo dục và huấn luyện trong quân chủng Hải quân Hoa kỳ.

    Năm 2003, Bộ này được đổi thành Bộ Tư lệnh Giáo dục và Huấn luyện Hải quân Naval Education and Training Command (NETC).

    Theo Chương trình MAP Viện trợ Quân sự Hoa kỳ, Không Lực Việt Nam Cộng Hòa đã gởi sang một toán gồm 3 Sĩ quan và 32 Sinh viên Sĩ quan Không quân thuộc Khóa 61 vỡ lòng để theo học ngành Phi công Khu trục Cánh quạt, là những khóa sinh VN đầu tiên tại Trường Pensacola này.



    (Từ phải) NT Dan Hoài Bữu, NT Lê Như Hoàn, NT Phạm Đăng Cường. NT Vũ Hiệp. NT Nguyễn Văn Phong.

    Danh sách khóa 61 Navy
    1- Tr/úy Hoàng Thanh Nhã
    2- Th/úy Bùi Tam Kỳ
    3- Th/úy Lê Thành Hòa
    4- Đào Trọng Chí
    5- Nguyễn Quang Lãm
    6- Nguyễn Huy Bổng
    7- Dan Hoài Bữu
    8- Vũ Hiệp
    9- Nguyễn Văn Phong
    10- Võ Ngọc Trinh
    11- Hồ Kế
    12- Lê Văn Lâm
    13- Võ Văn Trương
    14- Phạm Đình Anh
    15- Phạm Đăng Cường
    16- Cao Minh Dõng
    17- Lê Như Hoàn
    18- Nguyễn Đình Quý
    19- Nguyễn Tiến Thành
    20- Nguyễn Văn Bé
    21- Nguyễn Trí Kiên
    22- Hồ Viết Thanh
    23- Phạm Xuân Thu
    24- Hồ Kim Giàu
    25- Nguyễn Đình Nghị
    26- Nguyễn Văn Nhơn
    27- Nguyễn Đức Chương
    28- Thang Quất Phan
    29- Nguyễn Văn Phú
    30- Lê Trai
    31- Trần Văn Việt
    32- Nguyễn Văn Tám
    33- Đặng Hùng Thiết
    34- Đào Công Trực
    35- Nguyễn Việt Tước

    Hiệp, Trinh, Nghị: tử nạn trong lúc huấn luyện.
    Bổng: hy sinh trong một phi vụ hành quân vùng Tuy Hòa.
    Lâm: tử nạn trực thăng trong lúc biệt phái tại Bình Thủy, Cần Thơ.
    Trương: hy sinh trong một phi vụ oanh kích ở Tây-Nam Sài-Gòn.
    Dõng: hy sinh trong phi vụ hành quân ở Vùng I.
    Quý: tử nạn sau một phi vụ hành quân về đáp ở Đà-Nẵng.
    Kiên: rớt F-5 lúc cất cánh từ Biên-Hòa đi hành quân.
    Thu: đã hy sinh trong vụ pháo kích Bộ Chỉ huy Tiền phương Phước Long.
    Phan: tử nạn trên F-5 trong phi vụ oanh kích Lộc-Ninh.
    Phú: tử nạn lúc về đáp ở Đà-Nẳng sau khi hành quân.


    Hình chụp Tr/tá Lê Như Hoàn trong bộ Flight Jacket của US Navy sau 50 năm

    Sau cùng Đ/tá Hoàng Thanh Nhã làm Không đoàn trưởng KĐ23CT.
    Tr/tá Lê Như Hoàn Trưởng Khối Đặc trách Khu trục/ TMP Hành quân/ BTLKQ.

    Danh sách khóa 62B Navy
    1- Nguyễn Thế Tế
    2- Phạm Bình An
    3- Nguyễn Văn Linh
    4- Trần Văn Toàn
    5- Trần Văn Xía

    Tế: hy sinh trong một phi vụ Bắc phạt.
    Xía: hy sinh trong một phi vụ hành quân với L-19.

    Trước 30-4-1975, Tr/tá An là Trưởng Khối Nghiên cứu/ TMP Hành quân/ BTLKQ.


    Bằng Đáp Hàng không Mẫu hạm

    Danh sách khóa 63A Navy
    1- Nguyễn Đỗ Toàn (Lắc)
    2- Trần Thanh Vân (Cào Cỏ)
    3- Trần Văn Nghiêm (PĐT 516)
    4- Vũ Ngọc Liễn
    5- Ngô Đức Cửu
    6- Nguyễn Kiểm
    7- Phạm Văn Thặng (Fulro)
    8- Nguyễn Văn Phú (Cà Chua)
    9- Trần Ngọc Hà (Cà Chớn)
    10- Nguyễn Công Bình
    11- Bùi Ngọc Bình
    12- Nguyễn Trung
    13- Cao Văn Luy
    14- Lê Ngọc Yên
    15- Bùi Đại Giang
    16- Nguyễn Phúc Hưng
    17- Diệp Thanh Tú
    18- Phạm Trung Quân
    19- Nguyễn Kim Chung
    20- Bùi Văn Quí
    21- Tạ Thượng Tứ
    22- Bửu Vy
    23- Nguyễn Lễ
    24- Trần Hữu Quang
    25- Trần Kiêm Tuấn
    26- Nguyễn Khoa Phiên
    27- Triệu Ngọc Trình
    28- Nghiêm Ngọc Ẩn
    29- Trần Nhật Thăng
    30- Ngô Văn Trung
    31- Khổng Hữu Trí
    32- Mai Tiến Đạt
    33- Trần Hữu Dụng
    34- Dương Bá Trát
    35- Nguyễn Hoàng Dự
    36- Trần Phi
    37- Lê Văn Luận (chuyển từ khóa 62C)

    Trần Hữu Dụng: tử nạn trong một phi vụ bay solo T-34 ở Saufley Field.
    Thặng: hy sinh trong phi vụ hành quân ở Kontum.
    Bùi Ngọc Bình: hy sinh trong phi vụ đánh napalm ở Tây Ninh.
    Nguyễn Trung: hy sinh trong phi vụ hành quân.
    Giang: hy sinh trong phi vụ hành quân ở Hố Bò, Bình Dương.

    - Sau cùng Tr/tá Dương Bá Trát làm PĐT PĐ514 Phượng Hoàng, - Th/tá Trần Văn Nghiêm PĐT PĐ516 Phi Hổ.
    - Cựu Th/tá Lê Văn Luận, giờ chót là sĩ quan hành quân Phi-đoàn 118 (Pleiku). Sau khi miền Nam Việt Nam lọt vào tay cộng-sản, anh Luận đi tù... Ra tù, anh Luận đi vượt biên; nhưng không may anh Luận đã bỏ mình ngoài biển!

    Danh sách 64A/ B Navy
    1- Đinh Văn Sơn
    2- Trần Lợi Tường
    3- Bùi Văn Thắng
    4- Lưu Kim Thanh
    5- Lại Tấn Tồn
    6- Đàm Chí Dzũng
    7- Lê Hưng Long
    8- Nguyễn Điền Phong
    9- Võ Hữu Huy
    10- Đỗ Tín
    11- Bùi Văn Tài
    12- Lê Văn Ngoạt
    13- Đinh Quang Cứ
    14- Trần Thu Thủy
    15- Đỗ Minh Tăng
    16- Trần Việt Hưng
    17- Lê Thuận Lợi
    18- Dương Bá Khôi
    19- Koan Châu Đạt
    20- Lương Khánh Nam
    21- Nguyễn Văn Trang
    22- Cẩn Thanh Cát
    23- Nguyễn Thanh Bửu
    24- Trần Văn Mười
    25- Lê Văn Sang
    26- Trần Chúc
    27- Nguyễn Đình Thịnh
    28- Nguyễn Đại Điền

    Thanh: hy sinh trong phi vụ hành quân tại Phước Long, Bà Rá.
    Dzũng: hy sinh trong phi vụ hành quân trên phi trường Bình Thủy.
    Phong: hy sinh trong phi vụ hành quân vùng I.
    Tín: tử nạn ở Biên Hòa, Cát hy sinh ở Pleiku.


    Danh sách 64C Navy
    1- Trương Văn Ba
    2- Nguyễn Văn Bé
    3- Lưu Ngọc Điềm
    4- Nguyễn Thành Trung
    5- Nguyễn Văn Xê

    Danh sách 64D Navy
    1- Nguyễn Hữu Bông
    2- Tô Văn Cáp
    3- Nguyễn Ngọc Lành
    4- Nguyễn Văn Quí
    5- Vương Văn Quý

    Danh sách 65A Navy
    1- Chữ Quân Anh
    2- Lương Tứ Cường
    3- Vũ Việt Dũng
    4- Lê Chiêu Hiền
    5- Đỗ Phụng Hoàng
    6- Nguyễn Cao Hùng
    7- Phạm Đình Khuông
    8- Huỳnh Văn Lài
    9- Võ Hiếu Liêm
    10-Nguyễn Huy Lộc
    11-Đoàn Phan
    12-Nguyễn Công Phúc
    13-Tăng Tấn Tài
    14-Trần Văn Tám
    15-Vũ Thể
    16-Phạm Công Thành

    Thể: tử nạn trong lúc huấn luyện.
    Hùng: hy sinh ở chiến trường An Lộc, Bình Long.
    Lài: ở Phước Long, Bà Rá.
    Hiền: ở Vũng Rô.
    Tài: ở Mỹ-Tho.
    Thành: ở Biên-Hòa.

    Danh sách 65C Navy
    1- Lê Đình Hải
    2- Lê Văn Tiên

    Danh sách 65D Navy
    1- Nguyễn Hữu Ân
    2- Hồ Văn Du
    3- Nguyễn Trọng Đức
    4- Trần Hoán
    5- Nguyễn Văn Sao
    6- Nguyễn Văn Tỷ

    Ân: tử nạn ở vòng đai phi trường Pleiku 1969 sau phi vụ hành quân.
    Và đám này là những SVSQKQ/VNCH cuối cùng ở US Navy. Sau đó, không còn ai được gởi sang thụ huấn tại Pensacola nữa.
    Một điểm nữa là hình như từ các khóa 64 đến 65 thì VT-2 và VT-3 huấn luyện giống nhau, trừ việc nhà ở và sân bay khác nhau.




    Chú thích:

    Những chữ viết xiên là thuật ngữ bằng tiếng ngoại quốc mà tiếng Việt không thể diễn đạt một cách ngắn gọn được. Sau đây là những chú thích về tên của các địa danh hoặc những kỹ thuật chuyên môn:
    (1) Hải quân Th/tá Godfrey DeCourcelles Chevalier, xuất thân từ Võ bị Hải quân HK 6/1910, lấy bằng phi công HQ Naval Air Pilot số 7 ngày 7/11/1915 và bằng hoa tiêu Naval Aviator số 7 ngày 7/11/1918.
    (2) Đề đốc Rear Admiral Albert Cushing Read, thủ khoa khóa 1907 Võ bị Hải quân HK và một trong những người đầu tiên đã thụ huấn tại Trường Pensacola, bằng hoa tiêu Hải quân Naval Aviator số 24.
    (3) Đô đốc Tư lệnh HQHK trẻ nhứt lúc bấy giờ và cũng là hoa tiêu hải quân đã thụ huấn tại NAS Pensacola, Admiral Forrest Percival Sherman (cho đến 1970 Đô đốc Admiral Elmo Zumwalt lên làm Tư lệnh HQHK mới chiếm lấy cương vị Tư lệnh trẻ nhứt).
    (4) Đô đốc John Smith “Jimmy” Thach đã phát minh ra kiểu hợp đoàn chiến đấu này, được mang tên Ông, để chống phá thế thượng phong của chiến đấu cơ địch vào Thế chiến II. Ông là một naval aviator, chiến thuật gia không chiến (air combat tactician) của Hải quân Phi hành HK.


    ***

    Phượng Hoàng Kim Cương
    Tết Nhâm Thìn 2012
    Viết mừng ngày Khóa 62 SVSQKQ
    50 năm Nhập Ngũ


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X