Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ấn-Độ du ký: Rajasthan – xứ sở của thần thoại, người, thú và rác (phần 1)

Collapse
X

Ấn-Độ du ký: Rajasthan – xứ sở của thần thoại, người, thú và rác (phần 1)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ấn-Độ du ký: Rajasthan – xứ sở của thần thoại, người, thú và rác (phần 1)

    ấn-độ du ký: rajasthan – xứ sở của thần thoại, người, thú và rác (phần 1)
    Ngô Nguyên Dũng






    Tôi cùng bạn đến với Ấn-độ, hay đúng hơn với miền Tây Bắc Ấn, thuộc tiểu bang Rajasthan, là một hạnh ngộ ngẫu nhiên.

    Ước nguyện của bạn tôi từ thuở hoa niên là một lần trong đời được đặt chân lên đất Ấn. Rồi, vì nhiều lẽ, anh ấy chưa có cơ hội thực hiện. Cho tới hè 2011, tình cờ đọc được mẩu quảng cáo hai tuần du hành sang Rajasthan với giá hạ, bạn tôi vội vàng đặt hai vé. Phân nửa giá, bạn tôi bảo, là quà tặng sinh nhật lục tuần cho tôi. Ý lành của bạn bắt tôi phân vân. Bởi lẽ, với tôi, du lịch sang Ấn không phải là ước vọng hàng đầu. Lẽ khác quan trọng hơn, tôi e ngại cho hoàn cảnh khuyết tật của bạn tôi, không biết có thích hợp với phương tiện lưu thông và hệ thống đường sá nơi ấy. Vì vướng phải bệnh MS (Multiple Sklerose), đã nhiều năm nay anh ấy phải ngồi xe lăn.

    Đã nhiều lần chúng tôi tranh luận sôi nổi về chuyến du lịch sắp tới. Tôi không háo hức lắm khi vẽ vời trong trí những bất trắc có thể xảy đến cho bạn. "Rất có thể đây là chuyến du lịch sau cùng trong đời tôi", là lời nói của bạn buộc tôi chấp thuận với ít nhiều miễn cưỡng.

    *

    Máy bay từ Munich đáp xuống phi trường Indira Gandhi, thủ đô Tân Đề-li vào một sáng cuối tháng mười. Nắng phương đông tươi rói. Sau khi cùng hai nhân công phi trường ráp xong chiếc xe lăn, tôi hỏi họ chỗ đổi tiền và ngỏ ý muốn tặng họ một ít tiền thưởng. Xong xuôi, tôi thản nhiên rút ra vài tờ một trăm Rupees, trao cho một người. Lạ thay, anh ta giãy nảy từ chối, mặt mày lấm lét. Nhưng cử chỉ dùng dằng rõ ràng "không lấy thì tiếc, mà lấy thì sợ". Nhưng sợ ai? Đảo mắt ngó quanh, tôi thấy vài người lính, súng quàng vai, đang dò xét nhất cử nhất động của chúng tôi. Anh nhân công ra dấu, ý bảo từ từ… Khi dẫn chúng tôi ngang qua một nơi văng vắng, anh len lén xoè tay, cặp mắt đen nhánh chớp nhanh, đầu gục gặc. Tôi hiểu ý, vội dúi tiền vào lòng tay anh. Tôi hiểu ra, tại những nơi công cộng trên đất Ấn, nhân viên tránh "nhận tiền" một cách lộ liễu!

    Hướng dẫn phái đoàn chúng tôi, gồm 28 du khách, là một người Ấn 36 tuổi thông thạo Đức ngữ, rành rẽ văn hoá và lịch sử Ấn. Mỗi người chúng tôi được chào mừng bằng một vòng hoa vạn thọ hai màu cam và hổ phách, thứ màu sắc thường thấy sơn phết, trang hoàng nơi đây. Trên xe, anh giải thích cho chúng tôi ý nghĩa tam sắc của quốc kỳ Ấn-độ: màu vàng nghệ biểu tượng cho Ấn-độ giáo, màu trắng cho Phật giáo và màu xanh lục cho Hồi giáo, và chính giữa là pháp luân.

    (Kiểm soát lại tin mạng, tôi tìm thấy nhiều cách giải thích khác nhau. Tôi xin phỏng dịch cách giải thích của vị tổng thống Ấn-độ thứ nhì, S. Radhakrishnan (1888-1975), như sau [1]: Bhagwa hay là màu vàng nghệ biểu tượng cho đức tính thanh liêm [2]. Các vị lãnh đạo của chúng ta phải biết thờ ơ với lợi lộc vật chất và hiến mình cho bổn phận. Màu trắng ở giữa là ánh sáng, là con đường chân lý dẫn dắt tư cách chúng ta. Màu xanh lục chỉ mối tương quan giữa chúng ta với đất đai, với cỏ cây, là những thứ mà tất cả sinh vật đều lệ thuộc. Vòng quay Ashoka ở tâm điểm màu trắng là bánh xe giới luật của pháp. Chân lý hay là Satya, Dharma hay là phẩm hạnh phải là nguyên tắc cho những ai phục vụ dưới lá quốc kỳ này. Bánh xe còn có nghĩa tính động. Trong sự trì trệ tiềm tàng cái chết. Trong tính động là sự sống. Ấn-độ không nên cưỡng lại những thay đổi nữa, mà phải chuyển mình và tiến tới. Vòng luân xa tượng trưng cho động lực của những biến chuyển ôn hoà.)

    Đoạn đường ước chừng 250 cây số từ phi trường Tân Đề-li tới Mandawa bằng xe buýt vào một đầu ngày tiết trời nắng ráo. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi trên đất Ấn là luật lệ giao thông bên trái. Ðường sá thủ đô náo nhiệt với nhiều xe gắn máy. Kèn bấm inh ỏi. Ở những trạm đèn lưu thông vắng mặt cảnh sát công lộ, xe và người thản nhiên vượt đèn đỏ. Hai lề đường, có chỗ đầy rác. Và, lạ chưa, thỉnh thoảng lại thấy đàn ông đứng xoay lưng, vạch quần tiểu tiện ven đường, một thói tục quen thuộc trong đường phố Sài gòn thuở trước, lâu lắm mới thấy lại.

    Đường đi Mandawa hẹp, hư hao lỗ chỗ, nối liền nhiều làng mạc xơ xác, băng ngang những thị trấn đang giờ họp chợ, tấp nập kẻ bán người mua. Những quán xá, cửa tiệm san sát hai bên đường. Quán ăn chay, tiệm bán điện thoại bỏ túi, cửa hiệu tạp hoá, … Có cả "tiệm" hớt tóc lộ thiên một ghế, một bàn, một tấm kiếng treo tường hay đóng vào cội bồ đề, tàn lá xum xuê. Trẻ con vây quanh xe bán nước ngọt, xe chiên bánh tiêu Ấn-độ. Sạp hoa, trái cây, rau củ lấn ra mặt lộ. Thấy bày bán cam, chuối, táo, bưởi, nhiều mãng cầu ta (na) và một loại củ trông lạ mắt. Hỏi anh hướng dẫn viên, anh nói đó là củ năng Ấn-độ. Tôi mua ăn thử, thấy cũng… vui miệng. Tôi cũng mua vài trái mãng cầu ta, nhưng có lẽ nhằm loại không đạt tiêu chuẩn, vì thấy thịt mỏng, không dai và nhiều hột.



    Một sạp bán củ năng Ấn độ

    Anh hướng dẫn viên quảng cáo bánh Naan, một trong nhiều loại bánh nướng Ấn-độ làm bằng bột mì, ăn kèm với xúp hoặc các món có nước sốt sền sệt nêm nhiều gia vị đặc thù nghệ thuật ẩm thực Ấn-độ.



    Xe bán bánh tiêu Ấn độ

    Cảnh tượng nhắc tôi nhớ về quê nhà. Nhưng nơi đây có nhiều điểm khác. Đa số người Ấn có nước da nâu sẫm. Đàn ông phần đông vận âu phục, nhưng cũng không ít người lớn tuổi mặc quốc phục trắng với quần Dhoti thắt đáy, vấn thắt lưng và áo Kurta, một kiểu sơ-mi không cổ áo. Đàn bà quấn váy Sari, áo chẽn Choli với khăn voan trùm đầu, hoặc để những người đã có gia đình dùng che mặt khi gặp người lạ khác phái. Y phục phụ nữ Ấn màu mè sặc sỡ. Có thể nói, họ chuộng vải vóc loại mỏng nhẹ, màu sắc loè loẹt, thêu hoa, viền đăng-ten, dệt chỉ vàng chỉ bạc lấp lánh. Ngay cả phụ nữ bán hàng, làm đường, chăn thú, làm rẫy cũng mặc loại áo quần như vậy,


    Phụ nữ bán hoa ở thôn quê



    có điều không được tươm tất như phụ nữ thành thị dưới đây.


    Và thú vật sinh hoạt chung đụng ngoài đường phố với người: bò, lừa, chó và chim bồ câu. Thỉnh thoảng lại kẹt xe, vì có người chăn thú đang xua một bầy dê, cừu hay bò nghênh ngang qua phố. An nhiên tự tại nhất là bò, một trong vài giống thú được đa số dân Ấn theo Ấn-độ giáo coi là linh thiêng. Kinh Vệ-đà ghi lại, bò là hiện thân của thần nữ Prithivi Mata tượng trưng cho đất. Sữa bò dùng làm thức uống, bơ Ghee, phân bò phơi khô làm chất đốt, thậm chí nước tiểu bò còn được dùng làm dược phẩm trong y học cổ truyền Ayurveda. Nhưng xẻ thịt để "bồi dưỡng" cho hơn 1 tỷ 200 triệu miệng ăn, tuyệt đối không. Theo lời anh hướng dẫn viên, chỉ có bò đực mới bị bắt lao động, chứ bò cái được nuôi chỉ để vắt sữa và thường được chủ thả rông đi ăn chực, ăn xin tại các buổi chợ phiên, hay ăn mót các đống rác, coi như một công giải quyết được hai chuyện. Ngoài ra, có cả "viện dưỡng lão" cho bò già và bò bệnh, được các nhà hảo tâm quyên tiền xây cất, nuôi nấng cho tới cuối đời.



    Bò đi ăn chực trong chợ phiên

    Có thể nói, Ấn-độ là thánh địa cho muông thú. Rất nhiều giống thú được dân Ấn thánh hoá: Thần Hanuman là hoá thân khỉ, thần Ganesha là voi (thường đồng hành với chuột), và bò, hổ, rắn, chim công, lạc đà … Mỗi loài biểu tượng cho một thánh tích, là hoá thân hoặc được coi như linh thú thân cận với một vị thánh trong Ấn-độ giáo.


    Báo hỷ hôn lễ hoạ tranh thần Ganescha và chuột nhắt, biểu tượng cho sự sung túc

    Tại Deshnoke có đền Karni Mata thờ chuột. Karni Mata là hậu thân của nữ thần Durga, một trong vô số thần thánh trong thần thoại Ấn-độ giáo, biểu tượng cho tính hoàn hảo, tri thức và nhiều phẩm hạnh khác. Anh hướng dẫn viên du lịch thuật chuyện, vào thế kỷ thứ 14 và 15 Karni Mata thuở sinh thời được một vương gia ở thành phố Bikaner sùng bái xem như thần hộ trì. Theo truyền thuyết, bà được một đại vương, Maharadscha, nhờ làm phép hoàn sinh cho người con trai nối dõi vừa qua đời. Trong cơn đồng thiếp, bà thỉnh cầu tử thần Yama trao trả sự sống cho đứa trẻ. Ngài phán, ngài không thể làm chuyện đó được, vì linh hồn của đứa trẻ đã được đầu thai kiếp khác. Thất vọng, Karni Mata thể nguyện, sẽ làm phép không cho một ai trong bộ tộc bà sau khi chết bước vào cõi tử của Yama, mà tất cả sẽ đầu thai làm chuột. Sau kiếp chuột, họ sẽ hoá thân làm Charans (thi sĩ hoặc ca sĩ) để bảo tồn cho giới này tại Rajasthan.


    Cổng vào đền chuột Karni Mata ở Deshnoke

    Chúng tôi viếng thăm đền chuột Karni Mata vào một sáng nắng ráo. Vào đền, phải cởi giày, mang bao chân. Dưới mái hiên, bên cổng chánh điện, chuột từng bầy đang dùng điểm tâm, bu quanh một thau ăm ắp sữa. Trong đền bốc nồng mùi xú uế chuột. Chốc chốc lại có người quét dọn. Ðiện thờ đang giờ hành lễ, treo bảng "cấm chụp ảnh". Khách bản xứ đang dâng hương hoa bánh trái và được thầy cúng điểm son đỏ lên huệ nhãn ban phước lành. Chuột lớn chuột bé, chuột cha chuột con bò ngang dọc, tứ tung. Du khách phải thận trọng từng bước, vì nếu lỡ giẫm toi mạng một chú, không biết số phận sẽ ra sao. Nhưng có vẻ như chuột, vốn dĩ thông minh quỉ quái, biết rõ đâu là giang sơn của chúng và đâu là cấm địa, vì chẳng thấy chú nào vượt rào sắt, léo hánh ra lối đi dành cho khách thập phương.



    Bữa ăn sáng của chuột trong đền Karni Mata

    Ngay cả các loại thú không được thần thánh hoá vẫn được dân Ấn coi trọng. Có những nơi trong phố, thấy bày bán ngũ cốc cho bồ câu.



    Bé trai rải mồi và đùa giỡn với đàn bồ câu ở Udaipur
    Trong các đền đài, khách bón mồi cho sóc. Dơi ngủ ngày sắp lớp dưới mái các cổng thành. Chim én, chim sẻ và két xây tổ, liệng đàn loen loét khắp nơi. Quạ, ó và kên kên lượn lờ trên đỉnh trời cổ thành, bói tìm xác thú.



    Khách bón mồi cho sóc rằn

    Địa điểm du ngoạn đầu tiên là Mandawa, một thị trấn nhỏ nằm cạnh sa mạc Thar, giáp ranh Hồi quốc. Nơi đây thấy ít bò, nhưng nhiều lạc đà một bướu. Mandawa, một thời, là một trong những giao điểm thương mại sầm uất nằm trên "lộ trình Tơ Lụa" nối liền Trung Đông với Trung hoa vào thế kỷ 2 trước Công nguyên. Tàn tích của thời kỳ giao thương phồn thịnh này là những dinh thự của các thương gia vừa là nhà ở vừa là hiệu buôn với kiểu kiến trúc đặc thù và những bích hoạ Havelis.



    Bích hoạ vẽ thần Hanuman ở Mandawa

    Nhiều bức tinh xảo hoạ Hanuman cưỡi voi, một vị thần mang cốt khỉ trong truyền thuyết Ấn-độ giáo. Thần Hanuman này không bà con thân thích gì với Tề Thiên đại thánh trong thần thoại Trung hoa "Tây du ký" được lưu truyền rộng rãi ở Việt nam; và có vẻ như hoàn toàn xa lạ với dân Ấn, vì khi tôi hỏi anh hướng dẫn viên về chi tiết này, anh không biết gì cả.



    Cửa khắc hoa văn và dấu vết bích hoạ ở Mandawa

    Ðược dân Ấn tôn kính hơn cả là thần voi Ganesha. Hội hè đình đám nào cũng phải được vị thần này chứng giám mới nên chuyện, hoặc sống hay chỉ là tranh tượng bày trên kệ thờ. Một lễ cưới sang trọng phải có voi, lạc đà, xe ngựa rước rể. Ở vùng đất "dương thịnh âm suy" này, phải nói "đàn bà cưới chồng" mới đúng. Vì vậy mà sinh chuyện sát sinh. Theo thống kê năm 2011, tại Ấn- độ có tới 6 triệu vụ phá bào thai nữ [3]. Nếu ở Trung cộng, phá bào thai nữ vì chính sách kế hoạch hoá gia đình "một con" và hủ tục "trọng nam khinh nữ" thì ở Ấn- độ, con gái là một gánh nặng tài chính cho những gia đình có lợi tức thấp. Ngay cả các phòng mạch bác sĩ sản khoa còn quảng cáo: "Thà bỏ ra 1.000 (khoảng 15,00 €) Rupees để thử nghiệm phái tính bào thai còn hơn phải tốn 100.000 Rupees cho một hôn lễ." [4] Những tệ trạng xã hội tế nhị này, anh hướng dẫn viên du lịch không đả động tới. Anh chỉ tâm sự, vì bất đồng tôn giáo, anh được vợ cưới tới hai lần, và thầy cúng Bà-la-môn thuộc giai cấp Brahmane, đẳng cấp cao quí nhất trong Ấn-độ giáo, bảo phải làm vậy mới yên bề gia thất về sau. Anh kể, Ấn-độ giáo là một hệ tín ngưỡng với những giới luật phân chia đẳng cấp rặt ròi. Con người được tái sinh làm tín đồ Ấn-độ giáo, cho tới mãn kiếp. Người khác tín ngưỡng không thể cải đạo để theo tôn giáo này. Vì lẽ này, Ấn-độ giáo khó lòng phát triển rộng rãi, và có lẽ sẽ mãi mãi là một đặc ân của hoá công dành cho dân tộc Ấn.

    Đó là chưa kể tới tục lệ tuẫn táng bằng cách hoả thiêu người vợ theo xác chồng theo truyền thống Ấn-độ giáo, để chứng tỏ lòng chung thuỷ và tính phục tòng tuyệt đối. Đặc biệt trong trường hợp các vương gia tử trận, hành động tự thiêu của các thê thiếp cũng là cách để khỏi sa vào bàn tay… nhơ nhuốc của giặc. Trước khi lên giàn hoả, theo lời anh hướng dẫn viên, họ để lại dấu bàn tay trên tường thành cho hậu thế ngưỡng bái, và được phép sử dụng cần sa để bớt đau đớn. Tập tục này khiến tôi nhớ lại, sử sách nước nhà có ghi chuyện Huyền Trân Công Chúa đời trước được tướng quân Trần Khắc Chung cứu thoát cảnh tuẫn táng theo Chiêm vương Chế Mân, đưa về Đại Việt bằng đường thuỷ. Chèo chống kiểu gì không biết, cà rịch cà tang cho tới năm sau mới ghé bến kinh thành. Lúc đó, có lẽ goá phụ Huyền Trân đã một bụng chè bè, khó lòng chối cãi chuyện tư tình trăng mật với Trần tướng quân suốt chuyến hải hành đạt kỷ lục lâu nhất lịch sử này.



    Dấu tích bàn tay các thê thiếp trên tường cổng thành Junagadh ở Bikaner trước khi lên giàn hoả

    *

    Sa mạc Thar trải rộng từ tây bắc Ấn qua tới Hồi quốc. Một chiều tà, chúng tôi được hướng dẫn đi cưỡi lạc đà. Ðồi cát mênh mông. Dưa dại mọc hoang, đơm trái vàng nõn. Tôi cưỡi một chú lạc đà tên gọi "Ya-đô". Lúc nghỉ chân trên đồi cát, chúng tôi được uống rượu Rum Ấn-độ, ngắm cảnh hoàng hôn. Như có hẹn trước, một nhóm vũ công nghiệp dư cùng bầu đoàn thê tử tới giúp vui văn nghệ kiếm tiền chạy gạo. Ngay cả trẻ con còn bồng trên tay cũng được điểm son huệ nhãn, vẽ mắt tô son đậm nét. Nắng hoàng hôn sẫm lại, tưới sắc vàng nghệ lên chập chùng biển cát. Bận về là một màn đua lạc đà hào hứng giữa "Ya-đô" và một chú lạc đà khác. "Ya-đô" của tôi về nhì, bởi lẽ ông chăn đã trọng tuổi không địch lại anh chăn trai tơ sung sức kéo chú lạc đà kia.



    Người và thú nghỉ chân ngắm hoàng hôn trong sa mạc Thar
    Tiếp theo là chương trình giúp vui văn nghệ. Trong ban vũ ba người, nữ vũ công chính cao lớn hơn cả, có diện mạo sắc cạnh, trang điểm đậm nét. Tuy dáng dấp thô tháp, nhưng "cô" múa may điệu đà, uyển chuyển vô cùng điệu nghệ. Sau đó anh hướng dẫn viên cho biết, nữ vũ công ấy thuộc giới Hijra là những người có "phái tính thứ ba". Họ là những kẻ có bộ phận sinh dục "lưỡng phái"; hoặc có bản sắc nữ nhưng bị bà mụ nắn lộn giống, sinh nhằm nam nhân. Những ai lỡ sinh ra là Hijra đều bị gia đình ruồng bỏ, xã hội bạc đãi. Vì vậy họ phải kết đoàn để sinh tồn (có cả một đạo sĩ Guru làm chủ tịch), sống bằng nghề múa hát dạo kiếm tiền thưởng trong các lễ cưới, tiệc mừng tân gia hay hạ sinh con trai. Thậm chí họ còn tới xin tiền những đám ma chay cho trẻ con, khấn nguyện cho linh hồn đứa trẻ không phải đầu thai làm Hijra, bằng cách đập giày vào nhau như một hành động trừ tà ếm quỉ. Kiếm kế sinh nhai bằng những cách này không đủ, họ hành nghề mại dâm.

    (Xin được ghi thêm ở đây, phái tính giới Hijra không liên quan gì tới bản sắc đồng tính luyến ái. Mặc dù kinh Vệ-đà có ghi chép nhiều thần thoại trực tiếp hay gián tiếp nhắc nhở tới vấn đề tình dục đồng tính, nhưng xã hội Ấn-độ hiện nay vẫn coi những liên hệ tình cảm này là chuyện phản thuần phong mỹ tục, mặc dù không còn bị luật pháp ngăn cấm như trước nữa. Những người có danh phận trong xã hội, một khi công khai hoá bản sắc đồng tình luyến ái của mình, phải nghĩ tới hậu quả. Đó là trường hợp của Manvendra Singh Gohil, công tử một hoàng thân Maharadscha ở tiểu bang Rajpipla [5]. Sau khi coming out, ông bị gia đình khai từ, truất quyền thừa kế, công chúng phẫn nộ biểu tình hoả thiêu hình ảnh ông. Dù sao, cảnh ngộ gia đình này sau đó được kết thúc có hậu, một happy end, sau lời tuyên bố của đại vương, rằng ông phản ứng như vậy chỉ vì áp lực của thân nhân và bằng hữu. Hoặc như trường hợp của nam tài tử điện ảnh Bolywood Yuvraaj Parasher, chỉ vì đóng một phim có nội dung đồng tình luyến ái, mà anh bị cha mẹ công bố từ bỏ [6].)




    Một vũ công thuộc giới Hijra trong vũ khúc hoa đăng



    (Còn tiếp một kỳ)

    Trích damau.org

    Chú thích:

    [1] http://de.wikipedia.org/wiki/Flagge_Indiens

    "Bhagwa oder Safran steht für Entsagung und Distanziertheit. Unsere Führer müssen materiellem Gewinn gleichgültig gegenüberstehen und sich ihrer Aufgabe hingeben. Das Weiß im Zentrum ist das Licht, der Weg der Wahrheit, der unser Verhalten leiten soll. Das Grün zeigt unsere Beziehung zur Erde, unsere Beziehung zum Leben der Pflanzen, von dem alles weitere Leben abhängig ist. Das Ashoka-Rad im Zentrum des Weiß ist das Rad des Gesetzes des Dharma. Wahrheit oder Satya, Dharma oder Tugendhaftigkeit sollen die Prinzipien jener sein, die unter dieser Flagge arbeiten. Das Rad steht auch für Bewegung. In der Stagnation liegt der Tod. In der Bewegung ist Leben. Indien sollte Veränderungen nicht mehr widerstehen, es muss sich bewegen und vorwärts gehen. Das Rad repräsentiert die Dynamik friedlicher Veränderungen."

    [2] "Entsagung und Distanziertheit": khước từ và giữ khoảng cách (nghĩa đen) trước những cám dỗ vật chất (nghĩa bóng).

    [3] http://www.spiegel.de/panorama/gesellschaft/0,1518,772246,00.html

    [4] http://www.change-culture.com/abtreibung.html

    [5] http://www.spiegel.de/panorama/gesellschaft/0,1518,457626,00.html

    [6] http://www.queer.de/detail.php?article_id=12809

  • #2
    Ấn-Độ du ký: rajasthan – xứ sở của thần thoại, người, thú và rác (phần 2)

    Ấn-Độ du ký: rajasthan – xứ sở của thần thoại, người, thú và rác (phần 2)
    Ngô Nguyên Dũng





    Ấn-độ là một quốc gia liên bang rộng lớn với hơn một tỷ dân cư, đã một thời bá quyền phong kiến được gầy dựng trên nền tảng tư tưởng Ấn-độ giáo, ảnh hưởng lan rộng cả vùng Nam và Đông Nam Á. Di sản của nền văn hoá vĩ đại này là những thánh tích tôn giáo với vô số đền đài, chùa chiềng và thành quách, cung điện, lăng tẩm các vương gia Maharadscha. Nói chung, kiến trúc Ấn-độ chịu ít nhiều ảnh hưởng văn hoá Ả-rập với lối chạm khắc cầu kỳ, đường nét hoa văn uốn lượn, tô vàng thếp bạc, giát thuỷ tinh lóng lánh. Những ô cửa sổ lắp kính màu, rọi vuông sáng sặc sỡ dưới nền nhà. Ít màu đỏ, nhiều sắc cam và xanh lục.

    Trong suốt hai tuần du ngoạn Rajasthan, để lại trong tôi nhiều ấn tượng sắc sảo là cổ thành Jaisalmer, cung điện Amber ở Jaipur, đền Jain ở Ranakpur và lăng tẩm Taj Mahal ở Agra.



    Tường thành Jailsalmer

    Cổ thành ở Jailsalmer được xây bằng sa thạch màu lưu huỳnh. Trong khi đá cẩm thạch trắng thường được dùng để xây đền đài và lăng tẩm, thì sa thạch là loại vật liệu xây cất thông dụng nhất tại đây. Nội thành là phố cổ ngoằn ngoèo ngõ ngách với tiệm buôn và tư gia, đa số bán quần áo, vật kỷ niệm. Du khách ngoại quốc và bản xứ chen chúc. Trẻ em đánh giày mời mọc, người ăn xin nài nỉ, có cả callboy miệt vườn lẽo đẽo theo đuôi, lộ liễu mời chào các nữ du khách. Và bò. Đi, phải để ý, không thôi đạp phải phân bò chưa được dọn dẹp. Cảnh tượng ồn ào, vô trật tự; không gian thoảng mùi rác rưởi, nhưng đằm đẵm vẻ gì vô cùng "hương xa", đậm đà sắc thái Ấn-độ.



    Hạnh ngộ hai đạo sĩ trước cổng thành Jailsalmer

    Tại đây, lần đầu tiên trong đời tôi được anh hướng dẫn viên mời uống trà Chai hay còn gọi là Masala Chai, là một loại trà đen nấu với sữa đường, gia vị Masala gồm có đậu khấu, hồi hương, đinh hương, quế hương, hạt tiểu hồi hương, gừng, … Hương trà Chai thơm lừng, hậu vị đậm sắc, bắt tôi liên tưởng tách trà Lipton của ba tôi thuở xưa ở quê nhà những xế trưa chủ nhật, pha đậm và uống với sữa đặc có đường.



    Một toà kiến trúc bằng sa thạch trong phố cổ Jailsalmer

    Nói chung, văn hoá ẩm thực Ấn-độ sử dụng nhiều gia vị. Chỉ riêng cà-ri không thôi, một loại gia vị đặc thù Ấn-độ, là một hỗn hợp từ 12 tới 36 (?) loại hương liệu khác nhau như nghệ, bột ớt, tiêu, đậu khấu, gừng, quế, đinh hương, hạt ngò,… Đúng hơn, cà-ri không phải là một thứ gia vị mà là tên gọi những món ăn được nêm nếm bằng các loại hương vị nói trên, gia giảm tuỳ theo người nấu. Có thể nói, cà-ri được hầu hết các giống dân trên thế giới ưa chuộng, ngoại trừ dân Trung hoa, vì ít thấy người Hoa sử dụng loại tạp vị này.



    Bữa ăn trưa đạm bạc ngoài đường phố

    Có lẽ vì tục lệ ăn bốc mà các món ăn Ấn hoặc được chiên nướng hoặc được nấu nhừ, đặc sệt nước sốt, chứ không có món nước như mì, phở, hủ tiếu thường thấy ở các nước Á châu khác. Đa dạng nhất trong phong cách nấu nướng miền bắc Ấn là các loại bánh mì cán mỏng, nướng lò than, tiêu biểu là bánh Naan. Và, cũng vì lý do tôn giáo mà dân Ấn dùng nhiều sản phẩm thực vật hơn động vật, đặc biệt thịt bò và thịt heo là hai loại thịt cấm kỵ tại đây. Thức ăn Ấn nhiều dầu mỡ, lạm dụng tối đa gia vị. Các món bánh ngọt gắt. Ăn không quen, khó nuốt.



    Phụ nữ nướng bánh Naan trong chái bếp một quán ăn

    Hợp khẩu tôi, và cũng là món ăn gợi nhớ thời ấu thơ, là bánh chiên Pakora làm bằng bột một loại đậu xanh (Kichererbse, chick-pea), được gọi chung chung là "bánh rê, bánh cay"; và Lassi là một kiểu nước sinh tố bằng sữa chua với nhiều hương vị trái cây.

    Tôi là người thích mạo hiểm khẩu vị, thấy món lạ hương xa đều muốn thử, nhưng đụng phải kiểu nấu nướng, chiên xào của người Ấn ngoài đường phố, tôi không khỏi chột dạ. Chịu, không dám, sợ phiền hà dạ dầy, mất vui.



    Xe bán thức ăn trong chợ phiên

    Trên đường đến Udaipur, chúng tôi được hướng dẫn thăm viếng đền Jain. Theo lời tán tụng của anh hướng dẫn viên, ngôi đền này là một kỳ quan kiến trúc toàn bằng cẩm thạch trắng xây vào giữa thế kỷ 15 với 1.444 cột đá, mà mỗi trụ cột là một công trình điêu khắc tinh vi riêng biệt.



    Khách thập phương viếng đền Jain

    Jain hay Kỳ-na giáo, cũng như Ấn-độ giáo và Phật giáo, có hệ thống tư tưởng bắt nguồn từ đạo Bà-la-môn, với những giới luật chay tụng nghiêm ngặt, ngăn cấm sát sinh triệt để. Khác với Phật giáo, Kỳ-na giáo không chống đối triệt để giai cấp Bà-la-môn, vì vậy được giáo phái này miễn cưỡng chấp nhận. Ðạo sĩ Kỳ-na giáo đi chân không, ăn chay trường, từ bỏ tư hữu lẫn tà dục. Vào đền, khách thập phương không những phải đi chân đất mà còn không được mang trên người bất cứ vật dụng làm bằng da, cũng không được mặc quần áo dệt bằng tơ tằm.



    Một sư chú Kỳ-na giáo

    Thật vậy, đền Jain là một kỳ công của kỹ thuật kiến trúc và điêu khắc Ấn-độ. Khó có thể tưởng tượng nổi, đây là thành quả của năng lực và óc sáng tạo của con người. Mọi ngóc ngách, từ trần đền cho tới cột kèo, tường vách đều được đẽo khắc chi ly những phù điêu, bày ra một vũ trụ quan kỳ thú. Kiểu trang trí tròn vuông đối xứng này trông như những bức thiền tập Mandala. Trong đó, thần, thú và người hoà quyện luân hồi vào nhau, kết tủa thành tinh lực là "sự sống."



    Phù điêu linh xà ngàn đầu Dharanendra phò trợ thánh Parshavanatha (một trong 24 giáo chủ Kỳ-na giáo)
    Cõi sinh tạo nên cảnh giới hữu hình và hữu tình. Một khi đã hiện hữu, tất vướng nghiệp. Mọi vật, sẽ có lúc, đều bị cái chết huỷ diệt, tan theo ảo giác của ý thức và sa vòng luân hồi Samsara. Tư tưởng này đã được tài nghệ thủ công và đức tin mãnh liệt của đệ tử Kỳ-na giáo biểu hiện qua cấu trúc kỳ diệu của ngôi đền này. Như thể, trong mỗi phiến đá ẩn một thần hồn. Đúng thời khắc linh hiển, đá sẽ cựa mình, cất tiếng thuyết pháp.

    Rời Udaipur, đoàn du lịch chúng tôi đi Jaipur, thủ phủ của tiểu bang Rajasthan, còn được gọi là "Thành phố Hồng" (Pink City), vì phố sá nơi đây được sơn hồng. Jaipur còn được biết tới vì có "Đài vọng gió" (Palast der Winde) trong phố cổ. Với kiểu kiến trúc tinh vi, chính diện "Đài vọng gió" đặc biệt thoáng khí và mát mẻ, là nơi các hầu thiếp nhìn ngắm sinh hoạt bên ngoài, mà không sợ dân chúng nhìn thấy.



    Đài vọng gió (Palast der Winde) xây bằng sa thạch màu hổ phách
    Tại đây, chúng tôi đi thăm lâu đài Hổ phách (Amber Palast) trên đỉnh một ngọn đồi ở ngoại vi Jaipur. Khách du lịch cưỡi voi lên viếng lâu đài. Những thớt voi dềnh dàng, đầu tô hoa văn sặc sỡ, đủng đỉnh chở khách từ cổng Amber vào nội thành. Từ mái lầu, một giàn vương nhạc cổ truyền thổi kèn, vỗ phèng la chào mừng du khách. Cảnh tượng tưng bừng như một ngày hội lớn.



    Voi chở du khách viếng lâu đài Hổ phách (Amber Palast)

    Nghệ thuật xây cất lâu đài Amber nhắc nhớ kiểu kiến trúc Barock với hình thức cân xứng tuyệt đối, thịnh hành ở Âu châu vào thế kỷ 17. Trang trí nội thất có màu sắc trang nhã, quí phái, không sặc sỡ như các toà lâu đài khác, được biết tới với cung điện và hành lang giát gương, cẩn hổ phách, chạm khắc phù điêu hoa bướm bằng cẩm thạch trắng.



    Lâu đài Hổ phách (Amber Palast)

    Nhằm lúc có một đoàn nữ sinh được giáo viên hướng dẫn thăm viếng lâu đài. Các cô mặc đồng phục quần trắng, áo ngắn tay màu thiên thanh, sóng đôi nắm tay nhau, len lỏi cười nói qua những cột kèo, dưới những mái hiên nghiêng bóng nắng.



    Các nữ sinh đang chăm chú nghe giáo viên thuyết trình trong khuôn viên lâu đài Amber

    Cho tới lúc này, tôi có thể khẳng định mà không sợ quá lời, rằng phụ nữ Ấn có nhiều người xinh đẹp, đặc biệt những người thuộc đẳng cấp thượng và trung lưu theo truyền thống Ấn-độ giáo, như trường hợp các nữ sinh này. Đa số có vóc người thanh mảnh, diện mạo duyên dáng, nước da không quá đen đúa, thô kệch.



    Nữ học sinh Ấn-độ

    Bấy giờ tôi mới để ý, trong các thành phố Ấn, lớn cũng như nhỏ, phố sá hoàn toàn không có một bảng tên đường; nhà cửa cũng không ghi số. Vậy, làm sao du khách dò đường, tìm địa chỉ và cách thức phân phối bưu tín hoạt động ra sao? Anh hướng dẫn viên giải thích, mỗi khu phố đều mang một con số (khu bưu chính?) và người đưa thư thuộc nằm lòng tên các gia chủ trong khu phố đó. Còn khách lạ ư? Trước tiên phải đến đúng khu phố, sau đó chịu khó… hỏi thăm tiếp!!!

    Thành phố Agra có kỳ quan thế giới Taj Mahal là địa điểm du ngoạn sau cùng, với nhiều người là cao điểm tuyệt đối toàn chuyến du lịch, trước khi chúng tôi trở lại Delhi, đáp phi cơ về Đức.

    Taj Mahal, theo lời anh hướng dẫn viên, có nghĩa "Vương miện đài", được xem là công trình kiến trúc Hồi giáo tuyệt mỹ nhất đất Ấn. Có thể nhận ra đặc điểm này qua tập quán chôn cất người chết, không theo nghi thức hoả thiêu, và bốn tháp đối xứng trụ quanh lăng mộ. Bốn trụ tháp này được xây nghiêng ra ngoài, đề phòng trường hợp địa chấn làm đổ, gây hư hại phần mộ linh thiêng. Vòm lăng hình chuông vĩ đại, úp lên mộ lăng giát phiến cẩm thạch trắng, nhuộm sắc theo giờ giấc của ngày. Bình minh, khi mặt trời mọc, là thời điểm thuận lợi nhất cho du khách chiêm ngưỡng trọn vẹn ảnh sắc Taj Mahal. Vào những đêm trăng tròn, theo lời kể, lăng tẩm toả ngời sắc trắng huyễn hoặc, như thể khí phách người chết phát quang. Lăng tẩm là mộ phần công chúa Ba-tư Arjuman Bano Begum, còn được phong danh Mumtaj Mahal, chánh phi yêu quí nhất của đại vương Shah Jahan, qua đời sau khi hạ sinh đứa con thứ mười bốn, hưởng dương vỏn vẹn 39 tuổi (thật ra, bên trong có tới hai mộ lăng, một của bà chánh phi và một của đại vương sau khi ông băng hà).

    Từ cổng lăng, cũng đồ sộ không kém, xây bằng sa thạch đỏ giát phiến cẩm thạch trắng vân vi hoa văn cẩn đá quí, du khách đã nhận ra xa xa toà lăng tẩm mờ ảo trong sương mai.


    Mặc dù vé vào cửa tương đối cao so với mức lương trung bình của dân bản xứ, 750,00 Rupees (khoảng 11,00 €), nhưng khách viếng lăng tẩm vẫn nườm nượp như đi trẩy hội. Đúng hơn, như một cuộc hành hương tới lăng thánh tượng trưng cho tình yêu vượt ngoài cõi chết. Đúng vậy, Taj Mahal là biểu tượng kiêu hãnh của dân tộc Ấn. Taj Mahal và Ấn-độ là một. Là thánh thất của tình yêu hoá thạch, bất diệt và chung thuỷ. Đã được thi hào Rabindranath Tagore ví von trong thi phẩm "Shah-Jahan" như "một giọt lệ trên đôi má thời gian" [1].

    *

    Mười bốn ngày du ngoạn xứ Rajasthan đã lưu lại tâm tư tôi nhiều cảm tưởng đối nghịch. Hình ảnh những cổ thành kiên cố, những đền đài nguy nga, lăng tẩm tráng lệ không tẩy xoá được vô vàn cảnh tượng sinh hoạt dân dã thường nhật tình cờ đập vào mắt tôi. Để rồi nằm đó, như những dấu hỏi không lời giải đáp về kiếp nhân sinh, mà bộ ảnh chụp gần 700 tấm không thể ghi khắc trọn vẹn. Hình ảnh cặp vợ chồng ăn xin, người chồng với đôi mắt mù lồi ra trắng dã, lẽo đẽo theo sau đoàn du khách trong cổ thành Jaisalmer. Hình ảnh cậu bé một sáng mai dắt cặp dê băng qua ngã ba, hối hả như sợ trễ phiên chợ sớm. Hình ảnh nam thanh niên cầm sô nhựa nhanh nhẹn, thuần thạo hốt dọn phân voi trong khuôn viên lâu đài Amber, như thể cậu được sinh ra chỉ để hoàn tất công việc ấy. Hình ảnh hai con dê ngẩng đầu ra ô cửa hẹp từ tầng nhà một căn hộ ngắm nhìn phố xá. Hình ảnh đôi chim bồ câu làm tổ ngay bệ cửa sổ phòng khách sạn của chúng tôi ở Udaipur. Hình ảnh người đàn bà ăn xin với gương mặt lở lói khẩn khoản bám theo chúng tôi trước cổng đền Sikh v.v…

    Những ấn tượng ít nhiều bi quan ấy trộn lẫn vào quang cảnh một tiệc cưới với voi, ngựa, lạc đà xênh xang; hoa đăng chói loà. Một giàn nhạc công tháp tùng, mặc đồng phục trắng, cầu vai và thắt lưng đỏ thổi kèn, vỗ trống, nhịp phèng la inh ỏi. Quan khách tưng bừng nhảy múa, đón mừng cỗ song mã chở chú rể đầu đội mũ quấn thêu kim tuyến, mặc quần chẽn, áo dài gấm vàng, chậm rãi tiến vào sân yến tiệc. Nửa đêm tôi tỉnh giấc, văng vẳng bên ngoài tiếng pháo bông đốt mừng đám tiệc. Choàng dậy, vén rèm nhìn ra. Xa xa, bông pháo toả sắc trên trời đêm Jaipur. Gần hơn, hai đốm mắt con bồ câu mái đang ấp trứng ngay bệ cửa sổ xoáy nhìn tôi, lấp lánh không chớp.

    Những hố thẳm nghịch lý này được dân Ấn chấp nhận bằng niềm tin mãnh liệt vào thuyết nhân quả. Họ, những người sinh ra thuộc đẳng cấp hạ tiện, chỉ còn cách "làm lành tránh dữ", tạo nghiệp duyên thuận lợi cho kiếp sau. Có lẽ vì vậy mà dân bản xứ hiếu khách, vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ tha nhân. Mỗi lần dừng xe, thấy bạn tôi đi đứng khó khăn, tôi cùng chú lơ xe loay hoay lắp ráp xe lăn thì đám đông xô lại, ân cần han hỏi. Lẩn thẩn nghĩ ngợi, một phần vì bản tính hiếu khách, phần khác có lẽ họ hy vọng nhận được tiền thưởng sau đó. Dù gì đi nữa, mối quan tâm của người dân bản xứ khiến tôi an dạ. Càng an dạ hơn, khi tôi nhận ra làn sóng văn minh "điện thoại bỏ túi" cùng kiểu kiến trúc "nhà cao ốc" chưa lấn chiếm quang cảnh phố sá nơi đây. Vô vị biết bao, nếu một ngày nào đó, trong cổ thành Bikaner, Jaisalmer, … nườm nượp khách vãng lai tai đeo máy nghe nhạc iPod, iPhone mỗi người cất trong túi, trong xách tay một điện thoại con thỉnh thoảng lại bật lên tín nhạc, hay một máy iPad mỏng như quyển vở trẻ con. Và những phố cổ ở Jodhpur, Udaipur, … bị san bằng, nhường chỗ cho những dự án kiến trúc tân kỳ, là chuyện đã xảy ra ở Trung hoa lục địa và Việt nam hiện nay.

    Viễn tưởng một thế giới với những diện mạo kiến trúc đồng dạng, với những đám đông bị lệ thuộc vào hệ thống tin mạng ảo, đối với tôi, là một thảm cảnh kinh hoàng.

    Lại thẩn tha suy tư, không hiểu cớ sao nền văn minh huy hoàng đã một thời gieo ảnh hưởng toàn cõi Nam Á và Đông Nam Á, chợt dừng lại ở biên cương Đại Việt? Đoàn quân viễn chinh trang bị vũ khí tâm linh Ấn-độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo nguyên thuỷ cùng văn hoá ẩm thực cà-ri và ăn bốc từ đại lục Ấn tràn qua Tích-lan, Miến-điện, Xiêm-la, Mã-lai-á, Chiêm thành, Ai-lao, lại không xâm nhập vào lãnh thổ Việt. Vì dãy Trường sơn hiểm trở ở phía tây và đèo Hải vân ở hướng nam khó vượt chăng? Chắc không phải, vì ngoài đường lộ, người Ấn còn giỏi giao thương bằng đường biển, mà ảnh hưởng văn hoá Ấn tại quần đảo Nam dương là một thí dụ điển hình. Chuyện gì lạ lùng vậy? Tôi không rõ. Chỉ biết Phật giáo đại thừa và kiểu cách ăn bằng đũa du nhập vào Việt nam qua ngõ Trung hoa. Văn tự Việt không chịu ảnh hưởng mảy may nào từ Phạn ngữ. Kỹ thuật xây cất sử dụng nhiều vật liệu bằng gỗ, bằng đất nung, chứ không đục đẽo đá tảng như dân tộc Khờ-me đã gầy dựng một Đế thiên Đế thích vĩ đại. Cũng chưa bao giờ thấy người Việt quấn sà-rông, và thả bò chạy tứ tán ngoài đuờng. Trong lãnh vực ẩm thực, cách thức nêm nếm món ăn bằng nước mắm đại thắng vẻ vang vị liệu cà-ri. Và món ăn Ấn chưa hề đóng vai trò quan trọng trong sở thích ăn uống của người Việt nam, ngoại trừ mấy món ăn chơi bánh rê, bánh cay. Cũng như người Ấn tại Việt nam, được gọi lầm là người Chà-và, chỉ là mấy ông chuyên nghề bán vải ở Sài gòn dạo trước.

    Về lại nhà trọ nơi đất khách, tôi trở lại với thói quen đêm đêm lật sách đọc vài trang dỗ giấc ngủ. Quyển ba trong trường thiên tiểu thuyết bốn tập "Das Meer der Fruchtbarkeit" ("Biển năng sinh") của Yukio Mishima. Tình cờ, tới chương nhân vật chính Honda du lịch sang đông bắc Ấn. Ngoài những trang tác giả sắc sảo tả cảnh tế thần súc vật, hoả thiêu tử thi, nghi thức các tín đồ Ấn-độ giáo thanh tẩy bên bờ sông Hằng, có đoạn:

    "Trong khi đó Benares là một thành phố không những mang tính thần thánh tột độ mà còn đầy ắp rác rưởi. Ven lề con hẻm hẹp, hầu như không một tia ánh sáng mặt trời xuyên qua nổi những máng xối mái nhà, san sát những hàng quán bán trái cây, thịt luộc sôi sục, chỗ này một chiêm tinh gia đang bói quẻ, chỗ kia đang cân lường ngũ cốc và bột mì cho khách hàng; tất cả ngập ngụa mùi hôi, hơi ẩm, bệnh tật. Rời nơi đây, Honda và hướng dẫn viên ra tới một quãng trường ven sông, sắp lớp hai bên là những kẻ bệnh tật từ mọi nơi đổ về hành hương, đang mọp người rũ rượi, van xin, trong khi chờ chết. Thêm vào đó là vô số chim bồ câu. Năm giờ chiều, trời nóng như thiêu đốt. Một lon nhôm, một bát ăn xin đựng mớ tiền xu đặt trước mặt một người cùi có con mắt mù đỏ hỏn, bàn tay sứt ngón giơ lên cảnh trời chiều, trông như một cây dâu bị chặt trụi cành." [2]

    Tôi không biết, bao giờ tôi lại có cơ hội trở lại đất nước này. Chắc không. Dù sao, giờ đây tôi đã biết cách nấu trà Chai. Xin ghi lại dưới đây cách thức pha chế, coi như một món quà mang từ đất Ấn gởi tới độc giả Da màu:

    Trà Chai hay trà Masala:

    Vật liệu cho 4-6 tách:

    - Hồi hương (4-5 hoa)

    - Đinh hương (3-4 búp)

    - Quế hương (1 thỏi)

    - Đậu khấu (cardamom, khoảng 6-7 hạt)

    - Một muỗng cà-phê hạt tiểu hồi hương (fennel)

    - Vài lát gừng.

    - Trà Assam Ấn-độ (hoặc trà đen, 3 muỗng súp)

    - Nước (2-3 tách)

    - Sữa tươi (4-5 tách)

    - Đường (ít nhiều tuỳ khẩu vị)

    Cách nấu:

    Cho tất cả gia vị kể trên ngoại trừ trà vào nồi nấu sôi bùng, khuấy đều. Vặn lửa nhỏ, không đậy nắp, nấu liêu riêu thêm 1 phút. Cho trà vào nấu sôi. Lại để lửa nhỏ nấu thêm 10-15 phút. Lược bỏ gia vị. Cho đường tuỳ khẩu vị.

    Chúc quí vị thưởng thức ngon miệng tách trà Chai xứ Ấn.

    (tháng 2. 2012)

    Chú thích:

    [1] http://www.parabaas.com/rabindranath/articles/kMartin1.html

    [2] Trích đoạn "Der Tempel der Morgendämmerung", tr. 64-65, bản dịch từ tiếng Nhật của Siegfried Schaarschmidt, nxb Carl Hanser, München, ấn bản 1987.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X