Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Giã Biệt Miền Cao

Collapse
X

Giã Biệt Miền Cao

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giã Biệt Miền Cao

    GIÃ BIỆT MIỀN CAO
    Kha Lăng Đa


    Sau lễ mãn khóa tôi được ưu tiên chọn Phi Đoàn 114 thuộc Không Đoàn 62 làm đơn vị đầu tiên để phục vụ. Điều mà tôi vui mừng nhứt là gặp lại Bố Già Đặng Văn Hậu, người thầy cũ đã dạy khóa tôi, nay là đương kim chức vụ Phi Đoàn Trưởng. Ngày tôi đến trình diện, bố Hậu tươi cười bắt tay tôi khiến tôi vơi bớt nỗi ưu tư của một người lính mới. Trước ánh mắt bao dung của bố, tôi vui mừng hỏi:

    - Thưa thầy, khi nào tôi mới được đi bay?

    - Anh yên chí, tôi sẽ cho người xác định hành quân để anh sớm đi bay với anh em.


    Tôi hân hoan chờ đợi. Đúng như lời hứa hẹn của bố Hậu, một tháng sau, tôi được xác định khả năng hành quân. Những phi vụ đầu tiên của tôi là hộ tống xa đoàn (Escort Convoy), hộ tống hỏa xa (Escort Train). Sau đó, tôi được đi biệt phái ở Kontum để thực tập hành quân. Biệt đội Kontum yểm trợ cho Biệt Khu 24. Sau những phi vụ hướng dẫn khu trục (Forward Air Control) ở những mục tiêu oanh kích tự do hoặc phi vụ quan sát hành quân (Combat Observation), tôi được anh La Kim Điệp gấp rút huấn luyện tôi lái xe Jeep và nhảy đầm. Đó là môn sơ đẳng mà lính hào hoa mới ra lò phải biết để lả lướt với đàn anh. Tôi được thả solo rất sớm và nhận lãnh nhiệm vụ đưa đàn anh tới nhà… đào sau bữa cơm chiều và rước mấy ổng về sau mười giờ đêm. Chiều nào tôi cũng lái xe Jeep đi … rải quân y như đi thả team biệt kích qua nhiều nhà của các giai nhân xứ Thượng yêu lính tàu bay. Để được như đàn anh có … đào cho vơi bớt cái lạnh lẻo của miền cao, tôi lái xe đi ground show khắp phố Kontum. Mấy ngày sau, tôi giao trách nhiệm tài xế đưa đón lại cho anh Thái cơ khí viên vì tôi vừa quen được một cô nữ sinh thơm như … mít, có mái tóc huyền óng ả, khuôn mặt trái soan, đôi mắt đẹp lúc nào cũng ươn ướt, mày rậm, lông mi cong vút. Đặc biệt nàng có hai cái răng khểnh càng làm tăng thêm nét duyên dáng. Thân hình nàng cân đối, hấp dẫn, lộ ra những đường cong tuyệt mỹ trên chiếc áo dài trắng nữ sinh.

    Buổi tối đầu tiên đến nhà nàng, tôi khám phá ra người đẹp có tài thổi … tiêu. Tôi yêu cầu nàng thổi vài khúc cho tôi thưởng thức. E ấp, ngại ngần giây lát, nàng mới chịu thổi tiêu cho tôi nghe. Trong buổi sơ ngộ đó, nàng tắt đèn điện và thắp lên một ngọn nến. Tôi hỏi:

    - Sao em không để đèn sáng? (Không chịu đèn hả)

    Nàng mỉm cười, nhìn tôi:

    - Em thích ánh sáng của những ngọn nến hơn đèn điện vì nó làm dịu mắt.

    Tiếng tiêu trầm bổng của nàng nghe như tiếng tiêu đệm trong những khúc ngâm thơ tao đàn. Thổi xong, nàng hỏi:

    - Nghe được không anh?

    Tôi phát biểu cảm tưởng:

    - Nghe du dương lắm, tiếng tiêu khiến tâm hồn anh hoài cổ. Anh tưởng tượng em là nàng Kiều xưa còn anh là Kim Trọng trong đêm gặp gỡ đầu tiên. (Cải lương quá!)

    - Sao em cũng có cảm nghĩ giống như anh vậy đó.


    Về nhà trọ của biệt đội, đàn anh bắt tôi phải báo cáo kết quả. Tôi báo cáo láo với họ là tôi đã tiến chiếm … mục tiêu (Dóc tổ!). Nghe tôi nói nàng thổi tiêu rất hay, một anh diễu cợt, trêu chọc tôi:

    - Chắc là em thổi kèn còn giỏi hơn thổi tiêu nữa đó!

    Tôi cười nói:

    - Vậy thì tôi quá sướng, các bác ạ!

    Vào những ngày cuối tuần, bác sĩ Thạch của Bệnh Viện 2 Dã Chiến thường mời chúng tôi đến nhà để dự dạ vũ do vợ chồng ông tổ chức. Cái máy Aikai thay cho nhạc sống nhưng cũng rất hào hứng, tưng bừng. Có khoảng hai chục cặp nam nữ đến nhảy nhót, kể cả chúng tôi trong bầu không khí ấm áp thân mật. Chiều thứ Bảy nào được biệt đội Pleiku gọi điện thoại mời họp mặt thì chúng tôi bay xuống Hội Quán Phượng Hoàng để nhảy đầm. Thỉnh thoảng, chúng tôi chở bác sĩ Thạch xuống Pleiku, phối hợp với Đại úy Nguyễn Chánh Tôn của đơn vị tôi, đi săn thú rừng. Hai tay thiện xạ nầy đã hạ được nhiều con thịt, đem về cho biệt đội nấu nướng rồi đánh chén cả đêm.

    Nhân viên phi hành của Phi Đoàn tôi luân phiên nhau đi biệt phái, mỗi nơi mười lăm ngày. Anh nào bị mỹ nhân trói chân, cột cẳng trên đường biệt phái thì xin phép đóng đô dài hạn ở cái nơi mà chàng bị vướng lưới tình nàng. Sau nửa tháng ở biệt đội, về phi đoàn, tôi bay những phi vụ do Trung Tâm Hành Quân Không Trợ II điều động, có khi phải khăn gói lên đường đi tăng phái cho những biệt đội đang yểm trợ những cuộc hành quân lớn.

    Nửa tháng làm việc ở Phi Đoàn, vào những ngày cuối tuần, tôi thường hướng dẫn người yêu đi xi nê, đi dạo phố Nha Trang rồi ra bãi biển, ngồi bên nhau trên cát trắng, nhìn trăng buông tơ vàng trên sóng nước bao la mà hẹn ước chuyện tương lai. Có khi tôi dẫn nàng đi ngoạn cảnh ở Hòn Chồng, vào Hải Học Viện hay ra Cầu Đá ăn phở. Người yêu của tôi lúc đó là một nữ sinh, con của một gia đình đạo dòng. Nàng thường dẫn tôi đi xem lễ ở nhà thờ Núi trong những chiều Chúa Nhật. Tôi lại có cái thú riêng qua cầu Xóm Bóng để vui chơi với ngư dân. Họ lái thuyền đưa tôi ra Hòn Yến, Hòn Cò…, ném chất nổ xuống biển để vớt cá đem về làm bữa cơm chiều, mời tôi ra ăn rồi cùng nhau đờn ca cổ nhạc miền… Nam. Những lúc vui chơi với dân đánh cá có tâm hồn mộc mạc, hiền hòa, lòng tôi vơi bớt niềm thương nhớ quê xưa vì nơi chôn nhao cắt rún của tôi là một làng đánh cá nghèo nàn. Sáng nào không có tên trên bảng phi lệnh, tôi cũng chạy ra bãi biển để bơi lội. Khi mệt mỏi, tôi ngồi trên cát trắng nhìn vầng dương từ từ nhô lên ở chân trời phía Đông ửng hồng. Thuyền ngư phủ tấp nập ra khơi. Tôi nằm trên bãi cát trắng vài phút để lắng nghe nhạc trùng dương vọng về giữa buổi ban mai. Hàng cây dừa mượt lá mang những buồng trái xanh trĩu nặng và rặng thùy dương lả ngọn đang xôn xao chào đón ánh bình minh. Tôi sống thân cận với biển từ thuở ấu thơ. Hơi thở của gia đình tôi hòa nhập và tùy thuộc vào hơi thở của biển. Trong huyết quản của tôi cũng chất chứa đầy chất biển mặn nồng. Đáng lẽ tôi phải gia nhập Hải Quân để được gần biển cho thỏa mộng hải hồ nhưng định mệnh bắt tôi làm kiếp chim trời nhớ biển. Nghĩ cho cùng, hai cõi biển, trời bao la đều cho tâm hồn tôi chắp cánh.

    Sống bên biển và người yêu qua hai tuần lễ, tôi lại thu xếp hành trang đi biệt phái. Hình như tôi có duyên nợ với… miền Cao Nguyên nên hết biệt phái Kontum lại đến Pleiku, xứ Thượng phủ đầy bụi đỏ trên cỏ cây, hoa lá, trên căn cứ, phố phường. Vào những chiều mù sương, khí lạnh toát ra từ rừng núi âm u. Chờ anh em đi bay về đông đủ, chúng tôi ngồi đầy nhóc trên chiếc xe Jeep rất … bụi đời, chạy ra phố, vào những phòng tắm nước nóng để tẩy sạch phong trần trước khi ăn cơm chiều rồi đi du hí. Biệt đội L19 của chúng tôi nằm trong Căn Cứ 92 do Thiếu Tá Phùng Ngọc Ẩn làm Chỉ Huy Trưởng (1965), người đại huynh của chúng tôi văn võ song toàn và rất … chịu chơi! Tôi có đi bay với anh hai phi vụ yểm trợ hành quân ở chiến trường Đức Cơ. Bên cạnh chúng tôi còn có biệt đội Khu Trục AD6. (Phi Đoàn 524– Thiên Lôi) và biệt đội trực thăng H34 (Phi Đoàn Thần Tượng). Thời gian tôi thường đi biệt phái ở miền Cao Nguyên là lúc có nhiều cao thủ của Phi Đoàn 114 tình nguyện dẫn… phu nhân lên Pleiku để biệt phái dài hạn. Đó là những cặp vợ chồng anh Châu Điên, Nghĩa Ruồi, Vĩnh Méo, Hà Thuyên… Có lẽ các chàng nầy đã bị cái lạnh đêm trường của miền cao nhiều đêm dày đạp các chàng dưới gót giầy đồng nên cần phải có người bạn gối chăn để ấp ủ. Do đó mà các chàng khó lòng chém vè để đi lả lướt được (kể như hết nhúc nhích). Còn độc thân như tôi thì mặc sức mà đi dọc về ngang, không bị ai ràng buộc. Có lần đi biệt phái với anh Nguyễn Triết cũng còn độc thân như tôi (không biết có còn origin không), sau phi vụ hành quân ở vùng Dakto (Tân Cảnh) chúng tôi đáp xuống phi trường Phượng Hoàng, rủ Trung úy Nghĩa, Trưởng Trại Biệt Kích gần đó lái xe chạy đến quán Lệ Thanh để nhậu thịt rừng. Tửu quán nầy nằm cạnh ven rừng đợi chờ tiếp đón những chàng trai thời loạn từ chiến trận trở về. Các nàng chiêu đãi viên xinh đẹp không kém chi gái thành đô. Hỏi ra mới biết các nàng từ Sài Gòn đến. Chẳng biết các nàng chán đời hay sao mà lên tới chốn non cao, rừng rậm, cu kêu, vượn hú để phục vụ khách tang bồng. Sau chầu nhậu no say, trước khi bay về Kontum, chúng tôi còn bay rà sát nóc quán của các nàng tiên hạ giới.

    Mấy ông có vợ nhiều khi còn láu táu hơn bọn độc thân. Ở phía Tây Bắc Pleiku có một cái buôn Thượng gần bờ suối mà già, trẻ, gái, trai đều tắm thoát y một trăm phầm trăm. Chiều nào các ông có vợ của biệt đội Pleiku, sau khi thi hành xong phi vụ, trước khi về đáp phi trường Cù Hanh cũng bay lượn thật thấp trên cái buôn sexy kia để xem dân Thượng tắm. Nhiều nàng đang đứng bên bờ suối, phô cái … hơ hớ ra ngoài, thấy phi cơ bay quần mãi nên hoảng hốt, lấy tay mà bụm…

    Không biết tại sao cái chất tếu thường tiềm ẩn trong tâm hồn lính hào hoa. Chất tếu đã làm cuộc đời bay bổng nở vạn đóa hoa cười dù trong vùng lửa đạn, giữa cơn mưa to, gió lớn chúng tôi vẫn đùa giỡn và cười vang trên tần số máy vô tuyến. Cái tếu nhiều khi làm tăng sức quyến rũ cho kẻ đi mây, về gió đối với giai nhân. Các chàng luôn tếu, luôn yêu đời có lẻ vì thân thể tráng kiện, tim, gan, phèo, phổi, tai, mắt, mũi, họng,… cái gì cũng tốt. Mỗi năm các chàng phải đi khám sức khỏe hai lần, một lần tại bệnh xá của Sư Đoàn Không Quân đang phục vụ, một lần tại Trung Tâm Giám Định Y Khoa ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Có năm tôi gặp cả chục cô chiêu đãi viên của Air Vietnam đi khám sức khỏe định kỳ. Lúc ấy bác sĩ Bôi đang làm việc tại Trung Tâm Giám Định Y Khoa. Một người bạn cùng đi khám sức khỏe với tôi, nhìn thân hình lồ lộ của các nàng mà tặc lưỡi, hít hà, nói:

    - Phải chi tớ được thay thế bác sĩ Bôi hôm nay để khám tổng quát cho các nàng.

    Anh bạn nầy muốn được no mắt nhưng không nghĩ tới hậu quả của việc khám thân thể các nàng đã có nhiều giờ bay chắc chắn anh ta sẽ tưởng tượng và … lên như điên, thêm tức ngọc hành chứ sung sướng gì mà ham.

    Phi Đoàn của tôi có nhiều cao thủ tiếu lâm như cặp bài trùng Tỏ và Tố, thường đi biệt phái Qui Nhơn, Tuy Hòa, chuyên đáp sân ngắn, gió ngang. Không biết hai anh lấy ở đâu cái quần tam giác của phái yếu dùng để che chở cái tòa thiên nhiên đem về đóng đinh dính vào vách tường của biệt đội Qui Nhơn và viết phía dưới một câu: “Các Phi Hành Đoàn trước khi bay, nhớ rờ vô cái này để lấy hên”. Bố già Hậu, Phi Đoàn Trưởng có lần ra thăm biệt đội, đọc cái câu Tiêu Lệnh Hành Quân kia, ông đứng lắc đầu mà cười (không biết bố có lấy hên trước khi bay về Nha Trang hay không). Một danh tiếu của Phi Đoàn 114 đã làm cho những em gái hậu phương cười muốn đứt .. lưng quần là anh Minh Mọi. Anh nầy đen đúa, khuôn mặt dài, xương xẩu trông giống như sắc dân da đỏ của nước Cờ Hoa. Anh ta mặc áo bay xanh đi biệt phái cao nguyên, lúc trở về đơn vị, áo ngã thành màu đất đỏ. Có lẽ anh quá nặng nợ phong trần nên qua mười lăm ngày chinh chiến, anh không cần thay mảnh phi bào. Có lần trong một phi vụ, anh và cố vấn của đơn vị bị hạ cánh ép buộc xuống một khu rừng rậm của Ban Mê Thuột. Anh đã áp dụng mọi phương thức mưu sinh thoát hiểm, đưa người bạn Mỹ đến chỗ an toàn và liên lạc được với máy bay trực thăng Rescue. Vì rừng cây quá cao và rậm, nên trực thăng phải thả biệt kích xuống cưa cây để dọn bãi đáp mới bốc được phi hành đoàn lâm nạn. Tội nghiệp anh đã qua đời một cách đột ngột vì bị bịnh cảm nặng ở biệt đội Qui Nhơn.

    Trong khoảng thời gian tôi phục vụ tại Phi Đoàn 114, chỉ có một phi hành đoàn mất tích trong phi vụ hộ tống đoàn xe từ Dục Mỹ đến Khánh Dương. Đó là anh Tiên và Nhi. Một tai nạn xảy ra tại sân bay Dakpet khiến anh Huỳnh Tước phải vĩnh viễn lìa xa tổ ấm khi vợ anh đang mang thai ba tháng. Anh đã ha cánh ở một sân bay không được xác định hành quân. Lúc cất cánh lại vì sân quá ngắn, chiếc L19 chạy gần hết chiều dài phi đạo mà vẫn chưa lên được, anh hoảng hốt kéo cần lái, phi cơ vừa lên tới ngọn cây thì bị triệt nâng rớt xuống. Kể ra thì số tử vong của Phi Đoàn lúc ấy không nhiều và người chỉ huy đơn vị là bố già Đặng Văn Hậu không bị mang tiếng … sát quân.

    Tôi như có ký hợp đồng dài hạn với hai biệt đội Kontum và Pleichim (đó là cái tên do anh chàng mắt một mí, râu mép cứng như rễ tre, bụng bự như Trư Bát Giới, biệt danh là Long “Heo” của Phi Đoàn tôi đã đặt cho Pleiku. Anh ta nói: Cu, Chim gì cũng vậy thôi!). Tôi cứ mãi gắn bó với miền Thượng nầy hoài như gà què ăn quẩn cối xay. Có phải chăng tôi bị hấp lực của núi Hàm Rồng. Cái núi ngộ nghĩnh nầy nằm ở phía Đông Nam Pleiku, có dạng giống cái dày dày sẵn đúc của cái phái mà từ ngàn năm xưa đã làm nghiêng thành đổ nước và không thể thiếu được ở cõi trần gian như lính tàu bay không thể thiếu cái phi đạo vì không có nó thì lấy chi mà đáp.

    Đã có mấy chiếc máy bay rớt ở núi Hàm Rồng, gần kề cái lạch Đào Nguyên, chắc là bị nó hút. Vậy mà khi bay hành quân về, trước khi đáp chúng tôi cũng lượn một vòng ngắm cái núi dễ thương ấy để lấy hên (chúng tôi đặt tên cho nó là núi Lìn).

    Tối thứ Bảy nào biệt đội cũng chia làm hai phe. Một phe đi nhảy đầm ở Hội Quán Phượng Hoàng. Một phe lái xe Jeep chạy dọc quốc lộ 19 để săn thỏ rừng. Những con thỏ đi ăn đêm ở hai bên vệ đường thấy đèn pha sáng, chúng dừng lại nhìn đèn. Mục tiêu rất dễ bắn trúng vì súng đạn chài nên đêm thứ Bảy nào chúng tôi cũng ăn món thịt thỏ nấu rượu chát. Thỉnh thoảng lại đổi sang món thỏ rô-ti. Chúng tôi không dám đi săn ở xa vì sợ gặp lũ Vẹm. Con đường huyết mạch nầy từ Qui Nhơn đến Pleiku, đã có lần Việt Cộng phục kích đánh tan tành đoàn xe của lực lượng ta. Phi vụ hộ tống xa đoàn hôm ấy do anh Trần Chấn Sơn và một cố vấn Mỹ của Phi Đoàn 114 thi hành. Phi Hành Đoàn nầy đã can đảm đáp xuống quốc lộ, bốc một anh Trung úy của đơn vị nhảy dù khi anh ta bị thương, lết ra đường vẫy tay cầu cứu phi cơ. Anh sĩ quan nầy được cứu mạng trong sự may mắn hiếm có. Kể ra anh được phi hành đoàn gan lì của chiếc L19 đa năng, đa hiệu kia cải tử hoàn sanh!

    Tôi biệt phái ở Cao Nguyên nhiều lần rồi nên cảm thấy hơi nhàm chán bèn xin ra xứ biển Qui Nhơn để được ngắm trăng treo trên ngọn thùy dương, được nghe lại điệu nhạc trầm của biển cả. Lần đi biệt phái Qui Nhơn mà tôi khó quên được là lần đi với tay hảo hán Trương Hải Yến, biệt danh là Yến Fulro. Anh nầy cao như sếu cồ, khuôn mặt rắn rỏi, lì lợm, da ngăm đen như những chú … Ra-Đê.

    Tôi rất nặng phần trình diễn khi đi bay. Dây nịt da xệ xuống khỏi rốn, gắn đầy đạn P38 như cao bồi Texas, bên hông phải mang súng Ru-lô, bên trái mang cái dao dài hai tấc rưỡi. Yến Fulro còn nặng phần trình diễn hơn tôi nữa. Anh ta trang bị vũ khí giống như tôi nhưng đặc biệt mang một con dao to như cái dao phay. Có lần anh và tôi ghé vào quán nước dừa ở Bồng Sơn, anh rút dao ra phụ cô em chủ quán chặt dừa nhanh như gọt khoai lang khiến người đẹp nhìn anh cười tủm tỉm hoài (Anh nầy dù mặc quần xà lỏn đi chơi vẫn ăn khách như thường). Yến và tôi đã bay yểm trợ hành quân tận ngoài Tam Quan và vùng thung lũng An Lão, có khi hộ tống xa đoàn từ Qui Nhơn qua khỏi đèo Măng Giang (Từ đèo nầy về cao nguyên thuộc trách nhiệm của biệt đội Pleichim).

    Mỗi chiều thứ Bảy, Yến rủ tôi bay xuống Sông Cầu, hạ cánh trên cái phi đạo sát bờ biển (Phi đạo này thuộc loại sân ngắn, gió ngang). Sau khi đáp xuống vẫn để máy phi cơ nổ (Ga-lăng-ti), gài thắng, chúng tôi chạy vô chợ mua tôm biển còn tươi rói và thịt bò mới mổ rồi bay trở về Qui Nhơn, cùng vài thân hữu Bộ Binh làm món Tả-Pí-Lù, cụng ly bốp chát cho tới khi thấy… đời lên hương nồng nàn như mùi rượu. Sau đó, chúng tôi đến vũ trường Hằng Nga ngoài phố hoặc vào những tửu quán có nhạc sống để gầy độ thứ hai. Anh em Không Quân chúng tôi sống với nhau rất đậm tình thân ái, không phân biệt cấp bực, ngành nghề. Qua các biệt đội tôi càng thấy rõ điều đó. Lúc lên xe Jeep, ai lên đầu tiên thì làm tài xế, ai lên ghế trước thì ngồi ghế trước, ai lên ghế sau thì chịu khó ngồi ghế sau. Chúng tôi đối xử với nhau rất bình đẳng đúng như nội dung của bài ca Huynh Đệ Chi Binh.

    Biệt đội Qui Nhơn ở sát bờ biển. Tôi lại được dịp ngâm mình trong nước mặn để nhớ miên man về biển quê tôi. Có một hôm đi chợ ở Sông Cầu về, chúng tôi bay thấp khoảng 100 bộ để nhìn phần mộ của cố thi sĩ Hàn Mạc Tử nằm dưới chân đèo Cù Mông ở phía Nam Qui Nhơn, để tưởng niệm nhà thơ bất hạnh.

    Hết hạn biệt phái trở về miền nắng vàng, cát trắng, biển xanh của Nha Trang. Trong những ngày cuối tuần tôi cô đơn, đi thẫn thờ trên bãi biển vì người yêu của tôi đã về quê cũ tận ngoài xứ Quảng. Mẹ ruột của nàng thì ở Nha Trang còn cha mẹ nuôi thì ở xứ Kẹo mạch nha. Tôi lại mang hành trang trở về xứ Thượng. Có lẻ núi Hàm Rồng ở Pleiku không còn hấp dẫn nữa nên tôi xin đi biệt phái Ban Mê Thuột, cái xứ được đặt tên là xứ Buồn Muôn Thuở. Biệt đội ở trên lầu 2 của Câu Lạc Bộ Sĩ Quan. Cũng giống như Pleiku, Ban Mê Thuột vương đầy bụi đỏ trên phố phường, cây cối, đường sá. Trời lạnh lạnh khiến khách lạ buồn ngủ hay nghĩ ngợi xa xăm. Chiều nào máy phóng thanh của Phòng Thông Tinh cũng phát ra điệu nhạc Thượng buồn da diết. Cửa phòng chúng tôi ở trông ra đường phố và một cái bùng binh lớn. Bên kia bùng binh là giáo đường với gác chuông cao vượt lên nền trời thường có mây xám phủ giăng. Biệt đội chúng tôi lãnh nhiệm vụ yểm trợ cho Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Những cuộc hành quân của Sư Đoàn nầy thường càn quét địch ở phía Bắc Buôn Hồ và vùng rừng núi phía Tây Nam Ban Mê Thuột. Ngoài ra còn có những phi vụ hướng dẫn khu trục oanh kích mật khu hay điểm tập trung của Việt Cộng làm suy yếu tiềm năng địch. Thỉnh thoảng chúng tôi dướng dẫn đoàn xe từ Nha Trang lên, theo Quốc Lộ 21. Chúng tôi chờ đón xa đoàn ở Khánh Dương và đưa về Ban Mê Thuột.

    Qui tụ ở biệt đội nầy gồm nhiều tay hảo hớn như Võ Ý, Nguyễn Đình Đại, Võ Văn Oanh, Lê Hồng Triển, Trương Tố… lại thêm hai anh sĩ quan Liên Lạc Không Quân chịu chơi là Bùi Hùng và Nguyễn Văn Vàng, coi chuyện tử sanh như chuyện … ăn nhậu. Từ thứ Hai tới thứ Sáu, sau bữa cơm chiều chúng tôi thường đến quán Black Cat của Đài Kiểm Báo Pyramid. Quán nầy là quán nhậu và… nhót, có ban nhạc chơi tương đối khá nên lính Việt, lính Mỹ ngồi chật cả quán. Đêm thứ Bảy hằng tuần, Câu Lạc Bộ Sĩ Quan có tổ chức dạ vũ. Các chàng hào hoa phong nhã lại được dịp lả lướt cùng những người đẹp của xứ Buồn Muôn Thuở (Xứ buồn nhưng các em thì luôn… cười toe toét). Tôi được biệt đội phân công đưa một nàng đi bộ về nhà khi hết dạ vũ, vì xe Jeep phải chở nhiều giai nhân về nhiều nơi trong thành phố. Nàng ấy mang tên của… Hằng Nga. Nhà nàng cách Câu Lạc Bộ Sĩ Quan gần hai cây số. Đường đi xuyên qua đồi dốc, dưới những hàng cây cao, cành lá um tùm. Những xóm nhà rải rác nằm im lìm dưới trời khuya. Nếu một mình tôi đi con đường nầy ban đêm chắc tôi cũng sợ bị ma nhác. Đường thì gập ghềnh khó đi, vậy mà nàng mang giày cao gót sánh vai tôi đi suốt quãng đường dài. Qua những chỗ tối, nàng sợ sệt nắm chặt tay tôi. Vào một đêm trời sáng trăng, tôi đưa nàng về ngang một xóm nhỏ, nghe tiếng hát của Nhật Trường vọng ra từ máy thu thanh của nhà ai trong một bản nhạc trữ tình: Chiến tranh qua rồi, đường về chung lối có anh và em….

    Nàng bấm tay tôi, hỏi:

    - Anh có thích bản nhạc nầy không anh?

    Tôi đan những ngón tay của mình vào những ngón tay mềm mại của nàng, trả lời:

    - Anh thích lắm vì nó hợp với cảnh tình hiện tại của anh và em nhưng chỉ tiếc là đất nước mình chưa hết chiến tranh.

    - Chưa hết chiến tranh nhưng anh vẫn được cùng em chung lối về nhà em.


    Đường về chung lối này đã đưa tôi với nàng đến nẻo tình yêu. Vài người bạn Bộ Binh đã báo động cho tôi biết là nàng có số sát kép. Có một sĩ quan yêu nàng, vừa tính chuyện trầu cau thì bị tử trận. Sau đó, một anh chàng khác cặp với nàng được ít lâu thì ra chiến trường bị thương phải cưa mất một chân. Tôi nghe họ nói mà ớn lạnh xương sống, nổi da gà, dựng tóc gáy nhưng vì tôi thuộc nòi lãng mạn, đã bị thần tình ái cho uống thuốc liều nên trời gầm tôi cũng không… nhả!

    Đêm nọ sau chương trình dạ vũ, mấy hảo hớn của biệt đội tổ chức đi săn dọc theo con đường đi Bandon. Nàng đi theo tôi. Khi trời sắp rạng đông, tôi bỏ bạn bè ở ven rừng, lái xe Jeep chở nàng về. Lúc nàng xuống xe đi vô nhà, tôi trở đầu xe trên dốc nhưng vì đường đất trơn trợt sau cơn mưa khuya nên xe bị tuột xuống suối và nằm ở tư thế dựng đứng, nước ngập đến nửa xe. May mắn là tôi không bị thương tích. Tôi phải lội bộ năm cây số đến cầu viện chồng của người chị bà con cô cậu với tôi đang làm Chỉ Huy Trưởng Công Binh Kiến Tạo trục chiếc xe Jeep đem về, sửa chữa. Tôi phải mượn tạm chiếc xe Jeep của Công Binh đi đón bạn bè về.

    Gặp lại những người Bộ Binh biết chuyện tôi bị lọt xuống suối, họ lại khuyến cáo tôi:

    - Tụi tao đã nói con nhỏ đó xui lắm mà mầy không nghe, cứ nhào vô. May mắn là mầy gặp nạn nhưng chưa chết. Rút ra mà dọt đi em ơi!

    Tôi vẫn không tin lời họ. Tôi cười bẽn lẽn chứ không trả lời.

    Trở về đơn vị sau khi gặp xui xẻo, tôi bỗng được đi nghĩ phép dưỡng sức ở Đà Lạt mười lăm ngày. Tôi buồn nhớ người yêu của tôi giờ đây đã xa vắng. Đi dưỡng sức một mình thì có thú vị gì đâu. Tôi cũng miễn cưỡng thu xếp hành trang, theo chiếc Cessna của đơn vị lên xứ Hoa Đào. Trong chuyến bay này có hai người độc thân là tôi và anh Đinh Lưu Cương. Anh Cương là người hướng dẫn tôi học kinh thánh để cưới vợ theo đạo Thiên Chúa. Ngày đầu tiên đến Trung Tâm Dưỡng Sức Phi Vân, ở Đà Lạt tôi cùng anh Cương đi dạo phố, ăn kem, uống cà phê. Hai đứa cảm thấy nhớ nhà nên hôm sau chúng tôi ra phi trường Cam Ly, đón phi cơ Mỹ, xin tháp tùng về Sài Gòn. Tôi được hơn mười ngày sống bên cạnh mẹ, anh, chị, em tôi sau một thời gian dài đăng đẳng xa cách, nhớ thương.

    Không biết anh em trong Phi Đoàn có tường trình về sự việc của tôi lên ông Trưởng Phòng Hành Quân biệt danh là Luyện “Cầy” hay không mà lần biệt phái sau khi tôi hết phép, trở về đơn vị ổng cắt tôi đi Quảng Đức (Gia Nghĩa) với anh chàng mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao tên là Lê Hồng Triển chớ không cắt tôi đi Ban Mê Thuột nữa. Nhưng Quảng Đức nằm ở phía Nam Ban Mê Thuột không bao xa nên tôi muốn đi thăm nàng chẳng khó khăn gì, anh Triển lại rất ăn rơ với tôi nữa. Anh chàng hào hoa và đào hoa nầy mới lên Quảng Đức được hai ngày thì đã có… mèo.

    Tỉnh Quảng Đức được thiết lập trên một vùng đồi thấp, cây cối rậm rạp rất khó xác định tọa độ, vì địa thế chỗ nào cũng gần giống nhau. Đặc biệt là phi trường của cái tỉnh lỵ khỉ ho, cò gáy nầy được làm trên một ngọn đồi dài san bằng. Chúng tôi đặt tên cho nó là sân bay Hàng Không Mẫu Hạm. Dưới triền dốc của hai đầu phi đạo có xác mấy phi cơ vụn vỡ chứng tỏ rằng sân bay nầy rất khó đáp nên đã có nhiều tai nạn xảy ra. Nếu không được xác định khả năng đáp sân này như phi công của Phi Đoàn tôi thì khó lòng mà hạ cánh an toàn được. Có một hôm trời vừa dứt cơn mưa, Triển và tôi ra phi trường để đi bay. Bỗng một chiếc Cessna của Air Vietnam vào vòng phi đạo để đáp xuống. Lúc vào cận tiến, phi công phải tống ga bay lại (go around) bốn năm lần mới đáp được, báo hại hành khách lúc bước xuống phi cơ người nào mặt mày cũng phờ phạc vì đã bị ói mửa.

    Đứng ở phi trường nhìn xuống những xóm nhà chung quanh có khác chi đứng trên núi cao nhìn xuống thung lũng. Những ngày mưa tầm tã, chúng tôi lái xe đi ăn cơm ngoài phố rất truân chuyên vì đất đỏ dẻo nhẹo bám đầy bốn bánh xe. Chiếc xe Jeep chạy sàng qua sàng lại như một anh chàng say rượu đi không thẳng đường. Tỉnh nầy còn buồn hơn xứ Buồn Muôn Thuở nữa, phố chợ nghèo nàn, dân cư thưa thớt. Biệt đội chúng tôi nằm trong Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Đức cũng khá đầy đủ tiện nghi. Tôi bỗng gặp Yến, người bạn gái học cùng trường trung học Vũng Tàu với tôi ngày trước. Cô ta làm việc hành chánh ở Tòa tỉnh nầy. Trông cô cũng xinh xắn, duyên dáng như lúc còn là một nữ sinh, chỉ hơi khác xưa là cô ít nói và có vẻ suy tư. Tôi mời cô ăn sáng để cùng nhau nhắc nhở lại những kỷ niệm ngày xưa trong lứa tuổi học trò. Tôi nhớ có lần hội diễn văn nghệ ở trường, tôi đóng vai tráng sĩ trong một vỡ kịch thơ dã sử, Yến đã hóa trang cho tôi. Khi thoa môi son cho tôi xong rồi, cô đứng đối diện với tôi ngắm nghía khuôn mặt son phấn của tôi mãi. Lúc đó, tôi cũng ngắm cô vì cô có cái nốt ruồi hạt mè trên vành môi trông rất hữu duyên. Tội nghiệp cho cô trôi dạt đến cái tỉnh cheo leo nầy để sẽ bị gió núi, mưa ngàn và nỗi ưu tư làm héo úa dung nhan.

    Sau lần đi biệt phái Quảng Đức, lần kế tiếp tôi lên Bảo Lộc với cao thủ binh sập sám Nguyễn Đình Đại. Biệt phái ở đây chẳng khác gì đi dưỡng sức ở Đà Lạt vì chúng tôi ở Câu Lạc Bộ Sĩ Quan bên bờ hồ có nhà thủy tọa rất thơ mộng. Dưới tiết trời mát lạnh, những vườn chè xanh ngát tắm nắng ban mai. Cuộc sống ở đây bình lặng như mặt hồ không gợn sóng trong những đêm Thu trăng sáng khắp núi rừng. Buổi chiều đi bay về, Đại cùng các sĩ quan trong Tiểu Khu gầy sòng để điều binh khiển tướng sát phạt nhau. Tôi ngồi đối ẩm với một người bạn sĩ quan già tâm đắc tới khuya. Một đêm, ông bạn nọ mời tôi về cư xá của ổng cách Câu Lạc Bộ hơn một cây số để nhậu. Quá nữa đêm, tôi chếch choáng hơi men, đi bộ về và bị lạc đường, lọt vào cái đầm nước sâu đến đầu gối, lau sậy um tùm. Tới gà gáy đầu, tôi mới mò được đường về phòng đúng lúc Đại cũng vừa về tới. Tôi thì lạnh run vì quần áo ướt còn Đại thì bị cháy túi, mặt mày ủ dột. Giữa canh khuya, hai hảo hán bỗng nhìn nhau mà cười. Đại cười tôi uống rượu say quờ quạng đến nỗi bị ma men dẫn đi nhận nước, may mà thoát được nếu không thì có đường đi theo anh Minh “Mọi” cho có bạn nhậu dưới âm phủ. Tôi cười anh bị con ma đen đỏ lấy sạch hết tháng lương. Vậy mà sáng Chúa Nhựt hôm sau, chúng tôi vẫn có tiết mục vui chơi như thường. Thi hành xong phi vụ FAC (Forward Air Control), tôi rủ Đại bay lên Đà Lạt, đi ăn sáng rồi ngồi quán cà phê Tùng nghe nhạc. Sau đó hai đứa đi dạo phố, ngắm những cô nữ sinh Trường Trung Học Bùi Thị Xuân trong tà áo trắng thướt tha giữa buổi trưa tan học.

    Trở về Nha Trang lần nầy, tôi vui mừng gặp lại người yêu từ xứ Quảng vào thăm tôi đúng lúc tôi vừa nhận được lệnh thuyên chuyển ra Phi Đoàn 110 – Không Đoàn 41 (Đà Nẵng), Ải Địa Đầu của lính tàu bay. Tâm trạng của tôi lúc đó nửa vui, nửa buồn. Vui vì tôi được ở gần người yêu và buồn vì phải xa nhiều bạn bè thân mến. Tôi sẽ khó có dịp lên thăm lại miền cao yêu dấu đã gắn ghi nhiều kỷ niệm êm đẹp qua những lần đi biệt phái.

    Sau đêm phi đoàn đãi tiệc tiễn đưa anh Dương Vĩnh Tiểng đổi về miền Nam còn tôi thì đổi ra Đà Nẵng, bố già Hậu – Phi Đoàn Trưởng cắt đại huynh Võ Ý lái một chiếc Cessna bay liên lạc kỹ thuật và luôn tiện chở tôi và người yêu đi đến đơn vị mới.

    Chuyến bay Nha Trang – Pleiku – Đà Nẵng đã cho tôi nhìn lại cái núi Hàm Rồng quen thuộc và miền Thượng vừa thức giấc dưới ánh nắng ban mai để vẫy tay chào giã biệt. Từ đây, tôi sẽ ra tận Ải Địa Đầu mà nhớ thương Không Đoàn Biên Trấn ngày xưa ./.

    Kha Lăng Đa
    Last edited by khongquan2; 02-20-2014, 05:16 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X