Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Vĩnh Biệt Bạn Phạm Trần Dương - Khoá 7/68

Collapse
X

Vĩnh Biệt Bạn Phạm Trần Dương - Khoá 7/68

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Vĩnh Biệt Bạn Phạm Trần Dương - Khoá 7/68

    Dưới đây là một bài viết ngắn của một cựu chiến hữu Không quân để chia buồn cùng một người bạn đồng ngũ đã ra đi...Với lời văn nhẹ nhàng trong sáng, tuy rất ngắn nhưng gói ghém đầy tình thương cũng như tình đồng đội đáng yêu một thời của những người trai trẻ đã sẻ chia trong cuộc đời lính chiến.
    Xin gửi đến tất cả các cựu chiến hữu để chiêm nghiệm cuộc sống vô thường mà chúng ta đang đối diện, cũng như để nhớ lại một thời trai trẻ đầy nhiệt huyết mà chúng ta đã dâng hiến cho Quê Hương Tổ Quốc thân yêu.

    Vĩnh Hiếu




    Vĩnh Biệt Bạn Phạm Trần Dương
    Khoá 7/68 Không Quân


    Sau khi tham dự Hội Ngộ 45 năm Khoá 7/68 KQ ở Nam Cali về. Bỗng nhiên vào cuối tuần sau đó. Trong lúc ngồi xem TV thì chuông điện thoại nhà reo lên. Đầu dây bên kia cho biết là Phạm Trần Dương. Tôi biết Dương đang bệnh. Nên liền hỏi thăm” Bộ khoẻ rồi sao gọi cho tôi? Dương trả lời là “kha khá” một chút! Muốn nghe kể về Hội Ngộ vừa qua thế nào? Nên gọi hỏi Phước, vì biết Phước có tham dự. Tôi trả lời là vui lắm! Phải chi Dương có mặt thì sẽ gặp nhiều bạn bè cùng khoá, mà sau bao nhiêu năm biền biệt mới gặp lại trong lần hội ngộ này.

    Tôi nhớ lại năm 2012 Dương dự định tham dự họp khoá thì bận chuyện gia đình bất ngờ. Năm nay cũng dự tính đi thì lại bị bệnh, nên không thể đi xa được. Dương mong sức khoẻ tốt lại để năm sau - 2014 sẽ tham dự hội ngộ khoá 7/68 KQ. Tuy nhiên niềm hy vọng của bạn tôi đã không được toại nguyện vì Dương đã ra đi vĩnh viễn sau một thời gian dài nằm trên giường bệnh.

    Dương ra đi, bỏ lại người vợ hiền, đứa con gái ngoan, hai cháu ngoại, những người thân yêu và bạn hữu vào ngày Thứ Bảy 08 tháng 02, năm 2014 tại: Eden Medical Center, 20103 Lake Chabot Rd. Castro Valley, CA 94546

    Giữa Dương và tôi không có nhiều kỷ niệm vì chúng tôi không cùng một ngành và không cùng một đơn vị. Tuy nhiên trong thời gian thụ huấn quân sư thỉnh thoảng gặp nhau trò chuyện đôi câu xã giao. Tôi thấy ở nơi Dương là một mẫu người kín đáo, khiêm nhường. Tôi cam đoan một điều” Dương được mọi người thương quý vì hiền hoà và đôn hậu. Tánh tình rất tốt, hay giúp đỡ bạn bè. Trên môi lúc nào cũng nở nụ cười thân thiện, dễ gây cảm tình khi tiếp xúc với mọi người.

    Một kỷ niệm mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như mới ngày nào. Lúc đó, khoảng giữa tháng 07, năm 1970. Sau khi tốt ngiệp khoá Weapons Controller ở Tyndall (Florida) cùng một anh bạn đồng khoá về nước. Cả hai trình diện Phòng Nhân Viên Bộ Tư Lệnh để bắt thăm chọn đơn vị. Ông Chuẩn úy già làm ở đây mời cả hai vô phòng và mời chúng tôi ngồi xuống ghế. Ông nói:” Có hai đơn vị đang cần Sĩ Quan bổ sung. Một ở Sàigòn (Tân Sơn Nhất) và một ở Đà Nẵng (Sơn Trà.) Liền lúc đó, ông cho biết bạn tôi có lý do gia cảnh đặc biệt, đã làm đơn xin được phục vụ ở gần nhà và được thượng cấp cứu xét, chấp thuận đồng ý cho phục vụ ở Sàigòn. Đương nhiên là tôi phải ra Đà Nẵng. Thú thật! Tôi chỉ biết Đà Nẵng khi nhìn trên bản đồ. Còn Sơn Trà thì địa danh này quả là xa lắc, xa lơ đối với tôi.

    Ông tiến hành làm thủ tục, ngay chiều hôm đó tôi quay lại nhận sự vụ lệnh thuyên chuyển. Tôi được mười ngày phép để thu xếp việc nhà và tìm phương tiện ra đơn vị. Thời tiết Đà Nẵng vào Tháng Bảy rất là nóng bức và khó chịu. Vừa bước chân xuống phi cơ, mồ hôi ra nhễ nhại, ướt đẫm cả áo và hoa cả mắt. Ngước nhìn phi đạo làm bằng những tấm vỉ sắt đang bốc khói, mà trong lòng buồn vô hạn. Vì lẽ vừa chân ướt, chân ráo ở Hoa Kỳ về và mới được hưởng vài ba ngày phép hàn huyên bên gia đình ở Sàgòn chưa được bao nhiêu.

    Bây giờ chỉ hơn hai tiếng đồng hồ ngồi Phi Cơ C-123K cất cánh từ Sàigòn ra Đà Nẵng.Tôi đã xa gia đình, xa những người thân yêu hàng ngàn cây số. Không biết đến bao giờ mới được đi phép về thăm nhà. Bước đôi chân mệt mỏi. Tay kéo lê chíếc Sac Marin với những thừ lỉnh kỉnh tiến về phía trạm Hàng Không Quân Sự Đà Nẵng để tạm nghỉ chân và hỏi đường đi đến Sơn Trà.

    Chợt! Phước, Phước, Phước. Nghe tiếng gọi. Tôi nhìn quanh chẳng thấy ai hết! Thì lúc đó một chuẩn uý trong trạm hàng không bước ra, với nụ cười rạng rỡ chạy đến bên tôi.
    -"Phước nhớ tôi không?”
    Tôi định thần vài giây và trả lời:
    -” Bạn là Phạm Trần Dương, Trung Đội 381, Đại Đội 38 Không Quân phải không?
    Dương cho biết là đang phục vụ ở Trạm Hàng Không Quân Sự này. Dương hỏi lại tôi tại sao có mặt nơi đây? Tôi nói, vừa mới xuống phi cơ tức thì, đang kiếm người để hỏi đường và tìm phương tiện trình diện đơn vị, thì may mắn gặp bạn.

    Tôi đưa Sự Vụ Lệnh thuyên chuyển cho Dương xem và hỏi Dương có biết đơn vị này ở đâu không?
    Dương kéo tôi ra ngoài và đưa ngón trỏ tay trái chỉ “ HaiTrái Bầu Tròn Khổng Lồ Màu Trắng” ngự trị chót vót trên đỉnh núi Sơn Trà ở tận xa tít mù khơi, đang bị mây mù bao phủ.
    Dương nói: “Đơn vị Phước sẽ phục vụ đó! Còn có tên” Panama- Monkey Mountain hay Núi Khỉ, vì núi này có rất nhiều khỉ, mà dân địa phuơng gọi chúng là con Vá Hoàng. Trên mình nó có màu vàng, xám, nâu. Chúng được xếp vào loại thú quý hiếm, chỉ còn lại rất ít. Ngoài ra, nơi đây quanh năm có sương mù. Đường đi lên Đài Radar quanh co, uốn khúc. Lâu lâu thời tiết xấu thường xảy ra tai nạn. Nghe xong tôi thấy lùng bùng lỗ tai vì tôi vẫn nghĩ trong đầu “Đơn vị tôi nằm ở thành phố, đường xá dễ đi lại.” Tôi tình nguyện đi vào quân ngũ, chứ đâu phải tìm đường lên núi “TU” để thành Tiên, thành Thánh?

    Trời, Chúa, Phật ơi! Bây giờ tôi phải làm cách nào để đi đây? Bằng phương tiện gì? Làm sao để đến một nơi mà tôi chưa từng nghe? Trình diện trễ thì không thể được. Dương cho biết muốn đến đó phải đi đò Sông Hàn. Tiếp đến, đón xe Lam ba bánh đi ngã ba Sơn Trà và từ đó phải dùng lô ca chân, hay đón xe các đơn vị quân đội xin quá giang mới vào được. Vì đơn vị đóng trong khu vực quân sự, nên xe dân sự không được phép chạy vào. Còn nếu như dùng phương tiện cá nhân thì đi vòng qua cầu Trịnh Minh Thế, rồi cứ thế tiếp tục đi thẳng hoài sẽ gặp Sơn Trà.

    Tôi đang phân vân chưa biết phải tính thế nào? Dương nói tiếp:
    -“Thôi! Phước đừng lo gì hết! Hãy tạm nghỉ chơi vài ngày với Dương cho vui. Vì khi trình diện đơn vị xong, Phước sẽ ít có dịp qua Đà Nẵng. Nhất là những hôm mưa to, gió lớn và bão tố. Ở đây mỗi khi mưa thì dai dẳng, dầm dề đến thúi đất lận! Chờ cuối tuần này nghỉ làm. Dương thu xếp, rồi sẽ lái xe đưa bạn qua bên đó.”

    Tôi sợ trình diện đơn vị trễ sẽ gặp phiền phức. Nhưng Dương bảo là có quen với Thiếu tá Chỉ Huy Trưởng mà! Chỉ cần nói với ông một tiếng là xong ngay! Thế là tôi an tâm xách hành lý theo Dương về phòng ở cư xá độc thân, nằm trong phi trường.

    Ngoài thời gian làm việc ở trạm. Chiều chiều Dương chở tôi đi vòng quanh Đà Nẳng để giới thiệu thành phố mà Dương đã đến đây trước tôi. Vào đầu thập niên 1970 Đà Nẳng có nhiều hàng quán, chợ Cồn bán hàng hoá lấy từ PX Mỹ, Cổ Viện Chăm, Các trường: Trung Học Phan Chu Trinh, Nữ Trung Học Sao Mai, Phan Thanh Giản, Bồ Đề, Nguyễn Công Trứ, Bán Công…. Bánh Xèo, Bánh Khoái đường Lê Đình Dương, Hủ Tíu Mỹ Tho đường Nguyễn Thị Giang đối diện sân Vận động Quang Trung, Quán ăn của Hoạ Sĩ tên Mùi, Cà phê Thằng Cuội, Cà Phê Chiều Tím, Cà Phê Rừng…Rạp Hát Kim Châu, Rạp Hát Trưng Vương, Mè Xững, Kẹo Gương Song Hỹ, Nem Tré Bà Đề, Khu Tam Toà, Các quán Phở Bình Dân trên đường Ông Ích Khiêm và đường rầy xe lửa gần chợ Cồn với giá tương đối bình dân, nên vừa túi tiền những chàng lính chiến độc thân xa nhà…Đặc biệt có Bún Bò Bà Đào ở đường Trần Bình Trọng mà ai đã từng ở Đà Nẵng cũng đều biết tiếng. Nếu không một lần ghé thưởng thức là coi như thiếu sót. Bà chủ có nét lai Ấn và những cô con gái rất duyên dáng, làm mê mệt những anh hùng tứ xứ đang lưu lạc vùng đất đi dễ , khó về này .

    Rồi những ngày phù du qua mau. Cuối tuần đó Dương thu xếp công việc xong chở tôi qua Sơn Trà bằng xe Pick Up màu xanh đậm của Trạm Hàng Không Quân Sự. Trước tiên Dương cùng tôi dùng điểm tâm ở tiệm ăn Thời Đại, nằm mé bên sông Hàn và đối diện với Nhà Thờ Lớn Đà Nẵng, còn gọi là nhà thờ Con Gà, hay nhà thờ Chánh Toà. Sau đó cả hai trực chỉ Sơn Trà. Trên đường đi Dương chỉ cho tôi biết cây cầu Trịnh Minh Thế, tên cũ là De Lattre, Đò Xu, An Hải, biển Mỹ Khê, các Xóm An Cư 1,2,3,4, quán thịt chó có tên “Đúng Rồi tại Đây”, Xóm Mân Quang, nơi trồng toàn những cây Mai đẹp, cho hoa vào dịp Tết Nguyên Đán. Nhìn về phía xa xa thấy Non Nước.

    Khi đến ngã ba Sơn Trà. Dương cho xe quẹo phải, giới thiệu cho tôi về con đường duy nhất ở đây, dẫn ra bờ biển. Về đêm có hàng trăm thuyền thúng của bà con hành nghề câu Mực. Đèn dầu mù u đốt sáng cả một góc biển. Ven bờ bển có quán bán mực sống thái lát mỏng, đem nhúng giấm ăn với nước chấm đặc biệt rất ngon.

    Và cuối cùng thì Dương cũng chở tôi đến Trung Tâm 2 Kiểm Báo. Bộ chỉ huy của đơn vị nằm đưới chân núi. Tôi vào trình diện Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng có biệt danh thân thương là Dupont. Tôi trình Sự Vụ Lệnh thuyên chuyển cho ông xem và nhận lỗi đã không trình diện đơn vị đúng ngày ấn định. Ông tỏ vẻ thông cảm và bỏ qua cho một Sĩ Quan trẻ ham vui, chưa làm nên trò trống gì mà đã bắt đầu ba gai, vô kỷ luật. Sau đó ông nói sơ qua về đơn vị, rồi ra lệnh cho Thượng Sĩ Thường Vụ hướng dẫn tôi đến chỗ cư xá sĩ quan độc thân. Đó là nơi cư ngụ của Sĩ Quan Hoa Kỳ trước kia. Phòng ốc nơi đây đầy đủ tiện nghi.

    Tôi cảm ơn Dương đã giúp tôi. Dương trả lời;
    -“Bạn bè giúp nhau là chuyện bình thường. Đừng nghĩ ngợi làm gì, Phước ơi!..Thôi! Nhiệm vụ của Dương đến đây là chấm dứt. Xin chào bạn. Chúc bạn ở lại an tâm công tác. Khi nào rảnh rang thì ghé trạm Hàng Không kiếm tôi nhé!"

    Dương bắt tay tôi chào từ giã, rồi trở về lại Đà Nẵng và không quên gửi gấm tôi cho”Xếp” săn sóc. Thỉnh thoảng tôi có dịp sang Đà Nẵng để lãnh lương. Tôi không quên ghé thăm Dương và mời Dương đi uống cà phê và ăn trưa. Một thời gian sau thì Dương được đổi về Sài gòn. Kể từ đó tôi không có dịp gặp lại. Tôi trân quý Dương ở chỗ giúp đỡ bạn bè mà không tính toán, nề hà! Thể hiện đúng câu” Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè.” Ngoài ra cảm tình tôi dành cho Dương sâu đậm hơn, khi được biết lúc còn nhỏ Dương sinh hoạt Hướng Đạo Việt Nam ở Đạo Lâm Viên - Đà Lạt.

    Sau này định cư ở San José, Nghe tin gia đình Dương đang sống ở Hayward, nhưng tôi không có dịp đi thăm. Năm 2007 tôi mới gặp lại Dương trong một lần hội ngộ khoá 7/68 KQ ở San José và thỉnh thoảng vài lần hội ngộ khác. Mỗi khi gặp nhau thường nhắc lại chuyện tôi ra Đà Nẵng và may mắn gặp Dương lúc tôi chân ướt, chân ráo đến vùng đất xa lạ này. Nếu không gặp Dương lúc đó, có lẽ tôi sẽ bơ vơ không biết đường đâu mà tìm được đơn vị.

    Bây giờ bạn Dương đã đi xa. Đối với gia đình. Bạn là người chồng, người cha gương mẫu. Đã làm tròn trách nhiệm với vợ con và người thân. Còn đối với bạn bè bạn không hề làm mất lòng ai! Hầu như tất cả mọi người đều quý mến bạn. Tôi tin rằng, với bản tánh hiền lành, thật thà, khiêm tốn và hết lòng giúp đỡ bất cứ ai của Duơng sẽ để lại cho mọi người sự nuối tiếc, nhớ thương. Dù ở bất cứ không gian và thời gian nào!

    Xin vĩnh biệt bạn Phạm Trần Dương. Một người bạn dễ mến của khoá 7/68 Không Quân và của riêng tôi. Xin cầu nguyện cho linh hồn bạn sớm về cõi vĩnh hằng. Chúng tôi trước sau gì cũng sẽ xếp hàng tiếp nối theo bạn. Chỉ còn là vấn đề thời gian đến nhanh hay muộn mà thôi!

    Trần Đình Phước
    (San José - California – Valentine 2014)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X