Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hương Kiều Loan, con mắt trời cho

Collapse
X

Hương Kiều Loan, con mắt trời cho

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hương Kiều Loan, con mắt trời cho





    Hương Kiều Loan (Potomac River, VA)



    “Nhà nhiếp ảnh là người đã đặt tên
    cho bức ảnh trước khi bấm máy.”


    “Hãy cho tôi xem tấm ảnh nào bạn chụp và ưng ý nhất, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào.”
    Câu ấy tôi vẫn thường nói với những người bạn thích chụp ảnh, chuyên nghiệp hay tài tử. Không rõ việc tiết lộ cho tác giả bức ảnh biết “bạn là người như thế nào” có giúp gì được cho họ, nhưng có giúp cho tôi… xem được nhiều ảnh đẹp.

    Thực sự, ai cũng biết rằng “hiểu” được một con người không đơn giản và dễ dàng chút nào. Qua những bức ảnh, nhiều lắm ta chỉ có thể “đọc” được phần nào tính cách, sở thích, khuynh hướng thẩm mỹ của người cầm máy. Vì thế, đấy chỉ là cái test nho nhỏ cho cả người chụp ảnh và người xem ảnh: thứ nhất, liệu người chụp ảnh có thể hiện được cái ý tưởng muốn gửi vào bức ảnh; thứ hai, liệu người xem ảnh có “bắt” đúng được cái ý tưởng ấy.


    Tặng vật của thượng đế

    Riêng với chị Hương Kiều Loan, một nhà nhiếp ảnh quen tên, thì tôi lại nói khác đi một chút, “Cho tôi xem bất kỳ tấm ảnh nào của chị, tôi sẽ ‘đặt tên’ cho tấm ảnh ấy”.

    Tôi nói thế là có lý do, chị vẫn thường đặt tên cho các tác phẩm nhiếp ảnh của chị. Cách nói này cũng là một trò chơi “trắc nghiệm” khá thú vị, tựa như hai người cùng viết vào lòng bàn tay mình cái gì đó, không cho người kia biết, rồi cùng xòe tay ra một lúc xem thử (những) chữ ấy có giống nhau. Kết quả cho thấy chị và tôi nhiều lần “gặp” nhau, chẳng hạn bức ảnh chị đặt tên là “Thắp sáng” thì tôi gọi là “Nỗi buồn thắp sáng” (tên một truyện của Cung Tích Biền), hoặc chị đặt tên là “Rối như tơ vò” thì tôi gọi là “Ngổn ngang trăm mối”, chị đặt tên là “Giá buốt” thì tôi gọi là “Giá băng” (khác một chữ, tên của chị nghe “lạnh” hơn), chị đặt tên là “Nắng sớm” thì tôi gọi là “Nắng mới” (khác một chữ, nắng của chị đến “sớm” hơn)… Ở đây không phải là chuyện đặt tên sao cho hay mà là cho đúng với nội dung, ý tưởng của bức ảnh.

    Đôi lúc chị và tôi cũng chia sẻ những mối đồng cảm giữa người chụp ảnh và người xem ảnh. "Không phải là đặt vào tay ai chiếc máy ảnh đắt tiền, bảo người đó chạy ra ngoài bấm lách cách là mang về được những tấm ảnh đẹp”, chị vẫn nhắc câu tôi nói đùa. Hoặc, một vài “định nghĩa” linh tinh của tôi cũng được chị tỏ ý tán thành, chẳng hạn:

    “Nhà nhiếp ảnh là người đã đặt tên cho bức ảnh trước khi bấm máy; hay nói cách khác, đã ‘chụp’ được bức ảnh ở trong đầu trước khi làm động tác bấm máy.”

    “Tấm ảnh đẹp là tấm ảnh nói với ta điều gì và ‘đọng’ lại lâu dài trong ký ức người xem.”

    “Nghệ thuật nhiếp ảnh là nghệ thuật giúp con người nhìn được cuộc sống ở cận cảnh.”


    “Chiếc bóng”, ảnh Hương Kiều Loan (PPS “Dấu tích thương đau”)

    Chị có cái thú chụp ảnh, tôi có cái thú xem ảnh. Có đôi lúc tôi nhìn thật lâu vào một tấm ảnh, cố đoán xem tác giả nghĩ gì vào thời khắc bấm máy. Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, tôi cho rằng trên hết vẫn là ý tưởng nằm trong tấm ảnh. Ý tưởng có được từ “con mắt nhiếp ảnh” ở phía sau ống kính. Không phải ai cũng có được “con mắt nhiếp ảnh” ấy. Người ta có thể sắm được chiếc máy ảnh đắt tiền nhất, nhưng không sắm được cho mình “con mắt nhiếp ảnh”, để có được những bức ảnh “đắt tiền”.

    “Chị có con mắt trời cho,” tôi nói với chị Hương Kiều Loan.

    “Con mắt” ấy là có thật, từ câu chuyện có thật. Nhiều năm trước rất ít khi chị cầm đến chiếc máy ảnh. Những cô bạn học Trưng Vương ngày xưa vẫn nhắc đến tên chị như con người nghệ sĩ đa tài, nào vẽ tranh, nào viết văn, nào làm thơ…, nhưng chưa nghe ai nói đến tài nhiếp ảnh của chị. “Hương Kiều Loan nhiếp ảnh” là một khám phá lý thú, cũng lý thú như câu chuyện được chị kể lại: sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh, tưởng đã phải chia tay với cuộc sống, chị như được “tái sinh”, như hóa thành một… Hương Kiều Loan khác. Cũng kể từ đó, chị có cái nhìn khác về cuộc đời này, và cũng nhìn ra được bao điều kỳ diệu của thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. “Làm cách nào để ghi lại, chụp lại được những khoảnh khắc kỳ diệu ấy?” chị tự hỏi, và tìm đến chiếc máy ảnh, một phát minh cũng được xem là “kỳ diệu” của con người.

    “Dường như sau cơn bệnh chết đi sống lại ấy”, chị nói, “thượng đế cho mình cái gift. Đôi mắt mình như được sáng ra, được mở to hơn. Mình ngắm nhìn cảnh vật, con người khác với ngày xưa và cũng biết yêu quý mọi loài mọi vật ở quanh mình. Thế nhưng không phải là thượng đế cho không đâu mà muốn mình phải sử dụng cái gift ấy. Ngày nào mình ra khỏi nhà với chiếc máy ảnh thì thấy khỏe hẳn ra, ngày nào ngồi nhà thì muốn… phát bệnh.”

    “Như vậy thì chị được thượng đế ban cho tặng vật ấy để thi hành sứ mạng của ngài,” tôi nói đùa.

    “Nói vậy thì hơi quá,” chị cười, “nhưng đúng là chiếc máy ảnh cho mình thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.”


    “Hoa nắng”, ảnh Hương Kiều Loan (PPS “Trái đắng”)

    Với con mắt trời cho ấy, chị “bắt” được những rung cảm của thiên nhiên (bằng sự rung cảm của tâm hồn), và thu gọn thiên nhiên muôn màu muôn vẻ vào trong ống kính.

    Với con mắt trời cho ấy, chị nhìn thấy những vẻ đẹp mà “mắt thường” khó mà thấy được: một bụi cỏ khô, những xác hoa tàn, cánh đồng hoang vu, ngọn đèn leo lét trong đêm tối, cụm rác vật vờ bên dòng nước, nỗi buồn trong khóe mắt, tình yêu trong mắt nhìn…

    Con mắt ấy là ân sủng, là tặng vật của thượng đế dành cho chị.

    “Con người được thượng đế ban cho nhiều tặng phẩm quá,” chị nói, “không bao giờ tận hưởng hết được.”
    Làm bạn với chiếc máy ảnh, chị len lỏi đến mọi ngóc ngách, mọi góc cạnh của cuộc sống. Chị nhìn ra cái đẹp ẩn giấu nơi mỗi sự vật, mỗi cảnh vật, mỗi con người trong những mảng đời sống tầm thường nhất, nhỏ nhặt nhất để thu vào ống kính.

    Đôi lúc tôi cũng gọi chị Hương Kiều Loan là “người thợ săn ảnh”. Khẩu súng săn của chị không phải lúc nào cũng kềnh càng, có khi chỉ là chiếc máy ảnh mỏng, gọn và nhẹ, tiện cho chị giắt theo bên mình. Người thợ săn Hương Kiều Loan có năng khiếu đặc biệt là bấm máy nhanh như chớp. “Có những cảnh vụt hiện ra chỉ trong vài tích tắc, nếu không nhanh tay lẹ mắt thì không tài nào bắt kịp,” chị nói. Tôi chắc ít ai “tác xạ” nhanh hơn chị. Chị làm công việc săn ảnh ấy không mệt mỏi, và cũng không hề cạn đề tài vì cuộc sống đổi thay từng ngày, từng giờ, từng phút giây.

    Không chỉ bằng những giác quan thật tinh tế, thật bén nhạy, chị còn có “góc nhìn” độc đáo để cho ra những ảnh thật độc đáo. Những ảnh chụp của chị hiếm khi phải vay mượn đến các thủ thuật photoshop. Ảnh chị không có những chi tiết thừa mà người cầm máy thường tham lam đưa hết vào ống kính khiến người xem chẳng biết nhìn vào đâu, và đâu là chủ thể chính của bức ảnh. Chính vì vậy, không khó lắm khi đặt tên cho những bức ảnh của chị.

    Thực sự, có những bức ảnh không cần phải đặt tên. Người xem “thấy” được, “đọc” được và “cảm” được cho dù chỉ là bức ảnh không lời, chẳng hạn bức ảnh chụp chiếc bóng mờ mờ của cô gái Mỹ ngồi gục đầu in hình trên Bức Tường Đá Đen (Washington, DC), như lẫn vào trong phiến đá đen tuyền, lẫn vào những dòng chữ ghi khắc chi chít tên tuổi bao nhiêu là lính Mỹ đã nằm xuống hay mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Một bức ảnh khác là một super shot được nhiều người tán thưởng: chị đã “bắt” được mặt trăng; nói đúng hơn, chị đã “điều khiển” bức tượng bằng sắt khổng lồ “The Keeper of the Plains” biểu diễn một “pha” rất ngoạn mục là đón bắt kịp thời vầng trăng tròn vằng vặc rơi xuống dòng sông Arkansas River lung linh vắt ngang thành phố Wichita (Kansas) vào đúng khoảnh khắc mặt trăng thật gần quả đất (Supermoon Time) để không cho “trăng rụng xuống cầu” và nhân loại không phải chìm đắm trong đêm tối mịt mùng.


    “Supermoon Time”, ảnh Hương Kiều Loan (5/5/12)


    Phòng triển lãm ảnh thu nhỏ

    “Có những ngày tôi ‘một mình một máy ảnh’ đi dọc theo những lối đi ven sông khi mà thu đã gần tàn, những rặng cây bên con dốc lá đã đỏ rực như mầu phượng chín. Tôi đã say mê ghi lại những hình ảnh đó, từ những cành thu hồng lả ngọn xuống hàng liễu xanh đến những cánh lá thu lìa đời phủ ngập nền cỏ. Thu đủ mầu, đủ nhan sắc. Và cứ thế… tôi lang thang suốt mấy dặm đường, đi không biết mỏi, đi không biết mệt. Thế giới riêng của tôi là những lúc như vậy. Tôi tìm thấy chính mình, chỉ mình tôi với cảnh vật vắng lặng, với tiếng nước trôi, với tiếng chim hót, với gió rì rào, với mây trên đầu, với lá dưới chân.

    Tôi nhìn thiên nhiên thay đổi từng ngày mà lòng bâng khuâng. Tôi lưu luyến nét đẹp hôm trước và ngẩn ngơ trước vẻ đẹp hôm nay. Cây aspen mới hôm qua thân trắng mầu sữa, hôm nay dưới ánh nắng, lá đã khoe sắc vàng óng mầu tơ... Thế rồi cỏ hết xanh, chuyển mầu nâu khô, mầu trắng ngà. Những đám cỏ dại ven sông trơ mầu khô trắng, chúng chả còn gì ngoài cái thân khô héo. Sức sống đã hết, chỉ còn lại những xác lá trơ xương, thế nhưng tôi vẫn thấy chúng đẹp trong cái tàn tạ hết một đời lau lách, không tên.

    Khi không còn gì trên lối đi để thu vào ống kính, tôi tìm cái đẹp trên con nước bên dòng. Có những khúc sông nước đổi mầu. Một con sông mà hai dòng nuớc, tuy cũng là xuôi dòng nhưng đã khác mầu, có khác chi đời sống lứa đôi khi đã hết mặn nồng, hai kẻ vẫn đi cùng chiều nhưng tâm tư thì đã khác biệt nhau...”

    Những dòng trên có thể gọi là những dòng nhật ký ghi chép về “một ngày của người thợ săn ảnh Hương Kiều Loan”. Người ta “đọc” thấy một tâm hồn phong phú và nhạy cảm.

    Có những mẩu chuyện thực ở ngoài đời còn ly kỳ, gay cấn, bi thảm… hơn cả tiểu thuyết nữa. Người viết văn chỉ việc ghi lại câu chuyện ấy trên giấy là có được một tác phẩm làm “chạm đến trái tim” người đọc. Chị Hương Kiều Loan đã làm công việc tương tự với chiếc máy ảnh, thay cho cây cọ, giá vẽ và những hộp màu. Trong mỗi nhà nhiếp ảnh có một nhà họa sĩ. Với con mắt trời cho phía sau ống kính, chị đã “vẽ” lên những cảnh thực ở ngoài đời. Điểm khác biệt giữa bức ảnh “đẹp như tranh vẽ” và bức họa đẹp như cảnh thực là bức ảnh bao giờ cũng “thật” hơn.

    “Thế thì họa sĩ biết vẽ gì bây giờ?” chị Hương Kiều Loan hỏi.

    “Chị từng là họa sĩ, chị biết rõ hơn tôi mà. Họa sĩ vẽ những gì mà ống kính máy ảnh không ‘chụp’ được.”
    Nhớ có lần tôi nói với chị, “Tôi thích những ảnh có ánh nắng. Một tấm ảnh mà không có nắng giống như biển không tiếng sóng, như rừng không tiếng chim, như… chai bia không ướp lạnh.” Chị bèn gửi tôi xem bộ ảnh có rất nhiều… nắng. Nắng đủ kiểu. Nắng chan hòa, nắng rực rỡ, nắng lung linh. Những bức ảnh có những cái tên “Nắng xuân”, “Nắng thu”, “Nắng sớm”, “Nắng tươi”, “Bóng nắng”, “Hoa nắng”, “Loang nắng” và cả những “Nắng lạ”, “Nắng ngọt”, “Nắng khuya”… Những bức ảnh như đầy sức sống, như có linh hồn.


    “Bé học bài”, ảnh Hương Kiều Loan

    Chị Hương Kiều Loan không triển lãm, trưng bày ảnh của mình. Chị chỉ “trưng bày” trong các PPS ảnh do chị thực hiện. Xem các PPS này của chị có cảm giác như dạo một vòng “phòng triển lãm ảnh nghệ thuật”. Các PPS ảnh Hương Kiều Loan, trong một nghĩa nào đó, có thể gọi là “Phòng triển lãm ảnh thu nhỏ” (mini photo exhibition), là một chuỗi những tác phẩm nhiếp ảnh xoay quanh một chủ đề hoặc hình thành một chủ đề.

    Các PPS ấy cũng cho thấy sự dụng công đến từng chi tiết của tác giả: từ việc sắp xếp, trình bày các bức ảnh theo một trình tự hợp lý sao cho vừa đẹp mắt vừa thể hiện được nội dung cho đến việc chọn lựa lời thơ, ý nhạc sao cho phù hợp với chủ đề và ý tưởng của từng bức ảnh. Có những chi tiết thật “đắt” tô đậm thêm những cảm xúc mà người xem có khi không để ý, chẳng hạn nốt nhạc cuối cùng của bài nhạc rơi đúng vào bức ảnh cuối cùng đang nhòa dần và biến mất.

    Với khuynh hướng thẩm mỹ đầy cá tính và cách thể hiện nhiều sáng tạo, những bức ảnh mang chữ ký Hương Kiều Loan như có dấu ấn riêng, đẹp và lạ. Cũng là mùa thu nhưng mùa thu trong các PPS của chị thì đúng là “thu quyến rũ” và cho thấy mùa thu “nói” với ta rất nhiều. Cũng là những bông hoa nhiều màu sắc, nhưng trong các PPS của chị ta như đọc được “ngôn ngữ của loài hoa”. Nhiều bức ảnh làm người xem phải dừng mắt khá lâu. Các PPS nhiếp ảnh được tán thưởng nhiều nhất thường là PPS gợi nhiều cảm xúc, xem xong vẫn như còn “đọng” lại chút gì.

    “Ảnh của chị là ảnh biết nói, là ảnh mang hơi thở của cuộc sống,” tôi nói với chị.

    Trước sau chị Hương Kiều Loan vẫn không nhận mình là người cầm máy ảnh chuyên nghiệp. “Điều đó không mang ý nghĩa gì nhiều lắm,” tôi nói. “Chị có sống bằng nghề nhiếp ảnh đâu. Hơn thế nữa, một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp được nhận biết qua tác phẩm hơn là những kiến thức về kỹ thuật nhiếp ảnh.” Những PPS của chị được cả người chụp ảnh và người xem ảnh yêu thích và “đánh giá” là những công trình sáng tạo có giá trị nghệ thuật.

    Chị Hương Kiều Loan không nhớ nổi đã thực hiện bao nhiêu PPS nhiếp ảnh. Mỗi PPS mang cái tên của mỗi chủ đề, mỗi câu chuyện, như “Chút đó đây”, “Chút hồng xưa”, “Chút giá băng”, “Một chút bên đường”, “Một chút quanh tôi”… Chỉ là chút chút thôi, không nhiều lắm, nhưng mà những nỗi niềm bày tỏ thì rất nhiều. Tất cả đều được chị gọi bằng cái tên chung là “Theo những bước chân”, với ý nghĩa là những tác phẩm được thực hiện sau những chuyến đi “săn ảnh” xa, gần.

    Tôi chắc nhiều người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh cũng muốn lần “theo những bước chân” ấy trong lúc dạo một vòng qua “Phòng triển lãm ảnh thu nhỏ” của chị để có được chút niềm vui–như cách gọi của chị–nhìn thấy cuộc sống kỳ diệu mỗi ngày ở quanh ta được “nhà PPS nhiếp ảnh” Hương Kiều Loan thu gọn vào ống kính bằng… con mắt trời cho.

    Lê Hữu

    (http://diendantheky.net)




    * Xem thêm PPS Hương Kiều Loan:
    http://hoiquanphidung.com/showthread...%A1ng-S%C3%A1u




Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X