Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Khoảng Chiều Trong Ta

Collapse
X

Khoảng Chiều Trong Ta

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Khoảng Chiều Trong Ta

    Khoảng Chiều Trong Ta
    ~~~



    Chiều. Thời khắc của tàn tạ một ngày. Trời níu kéo những tia nhạt cuối cùng trên nền đỏ thẳm. Tà dương bắt đầu của những thương nhớ xa xôi từ một vùng ký ức mù mờ nào đó nằm lắng sâu trong chiều dài tình cảm. Tại sao như vậy? Vì chiều là triệu chứng của sự tàn phai, ra đi, đồng nghĩa với sự mất mát. Chiều là không còn nữa. Chia tay. Chiều là “Khởi sự đi trong ánh sáng, và bước dần vào trong bóng tối… Bên này đàn Nam Giao là ngày và bên kia thành phố Huế là đêm… Chiều lên dần dần, chiều không xuống…” . Đó là những áng tản văn đẹp nhất của một thời lãng mạn xa xăm: Chiều của Xuân Diệu! Chiều của Hồ Dzếnh trong chuyến tàu lên mạn ngược, thở những làn khói âm u từ núi rừng Việt Bắc đâu kém vẻ tiêu sơ:

    “Trên đường về nhớ đầy.
    Chiều chậm đưa chân ngày.
    Tiếng buồn vang trong mây…”


    Tại sao lại “nhớ đầy” và “tiếng buồn” lại “vang trong mây“như thế trong thế giới của loài người trên mặt đất này trong một buổi chiều núi rừng mà lại không rơi vào một thời điểm khác, ở bất cứ nơi đâu? Mọi cái đều có lý do riêng của nó, chỉ có nhà Thơ họ Hồ mới cảm nghiệm được lúc đó, trong phút giây, mà chúng ta không nên hỏi vì sao? Đó là những chiều trên quê hương êm ả. Chiều của Việt Bắc và chiều của Nam Giao. Nhưng chiều ở đây thì sao? Chiều của lưu vong biệt xứ. Chiều của thương nhớ xa xăm, đâu phải một ngày, mà là của mười năm hay hơn thế nữa. Mười năm của một đời người, chứ đâu phải mười năm của Thiên Thu? Xuân Diệu và Hồ Dzếnh “nuôi” chiều trong chính lòng mình, nhưng tôi “xa” chiều trong nỗi nhớ mênh mông của một ly khách, lận đận ven trời mà trong thâm tâm tự biết chắc mình đã mất hướng tìm về khi bài thơ này được làm ra đã lâu, có tên “Tiếc mùa nắng cũ” vào một buổi chiều tàn trên phố nhỏ Newtown – nơi chốn của những người Thổ dân say khướt:

    “Một mình xuống phố đìu-hiu,
    Thấy mình đứng giữa khung chiều buồn quanh.
    Đưa tay ôm giấc mộng lành,
    Tiếc mùa nắng cũ, ngày xanh qua rồi!
    Mười năm cát lở, sông bồi,
    Chừ, em bèo giạt thuyền trôi phương nào?”


    “Phố” của người, và “Chiều” cũng của người. Chỉ có “Nỗi buồn” là của riêng tôi! Vài trăm năm sau, những người Việt trong nước sẽ thấy cha ông của họ nhìn và chịu đựng chiều như thế nào trên đất khách và họ sẽ hỏi vì sao? Lúc đó chỉ có tiếng trả lời của Hư vô, vang vọng từ một thứ Lịch sử đau thương không ai mô tả nổi mà Mệnh nước đã đẩy đưa, và người ta sẽ xếp trong kho tàng Văn Hiến hơn 4000 năm dựng nước có thêm nền”Văn học lưu vong” buồn thảm không giống ai! Có những buổi chiều, người ta chỉ dùng để “nhớ” và để “đau“, thường được gọi là”Chiều tưởng nhớ“. Nhưng nhớ “ai” và nhớ “gì“, thì mỗi người một khác mà không ai chia xẻ được với ai, ngoài những thổn thức riêng tư âm ỉ giữ kín trong lòng dài lâu, đôi khi chỉ trang trải được với chính mình bằng những giọt nước mắt âm thầm phía sau đời sống…

    Sydney bây giờ đang bắt đầu có những buổi chiều nóng bức ngay trong mùa Đông. Mặt trời đỏ khé sau đồi ánh lên nền thinh không màu quan hà nhức nhối, làm cho tôi có cảm giác máu lửa nảy vọt trong lòng. Tôi sợ. Sợ mình, sợ người, sợ cuộc đời này quá đỗi, mà vẫn không hiểu vì sao? Tôi không lãng mạn như môt nhà thơ kia, để thấy “Lửa đến từ những ngưỡng cửa của cuộc đời, đốt cháy mười đầu ngón tay bằng những khối nhựa đường nóng bỏng”(Nguyên Sa?), mà – với tôi – là lửa đã đổ trên đầu của tuổi hai mươi trong những tháng năm tôi chưa kịp sống!


    Ôm ngang nỗi nhớ – (tranh Nguyễn Tư)

    Chiều nay tôi ngẩn ngơ, nhớ lại một buổi chiều quê nhà tình cờ trên con đường mòn dọc theo bờ sông ngầu đục trong cơn nước rút, ngời lên những về rác bẩn kéo ra biển mênh mông… Trong bộ đồ treillies nhuộm đen đầy phèn, tôi vác cái xẻng, đi chân không, đội nón rơm che nửa khuôn mặt sạm của người tù binh chưa kịp phôi pha, tay cầm khúc mía vừa đi vừa xước sau một ngày công tác thủy lợi ngoài đồng mỏi mệt, tôi đã gặp Nguyễn Đình Sinh – người bạn đồng nghiệp ngày xưa dạy trong cùng vài trường, cùng môn Triết Tây, nhưng hắn được đổi về Sàigòn trước ngày mất nước. Hắn vẫn thư sinh, trắng trẻo như thường vì hắn không hề dính líu gì tới cuộc binh lửa, mà tôi đã hứng chịu nhiều oan khiên. Hắn vẫn mang kiếng cận, bỏ áo trong quần, loại quần còn sót lại của thời “oanh liệt“, chỉ có đôi dép da mang dưới chân là sự đổi thay. Hắn gặp tôi ngỡ ngàng. Tay vịn bờ vai tôi mà cứ tưởng như mộng mị với đôi mắt rưng-rưng hơi nhíu mày một chút, nhớ lại lần sau cùng tôi giao cho hắn ở vỉa hè trường Lam-Sơn cuốn sách quý dày cộm: ”Zarathoustra parlait ainsi“ trong đó có tấm hình trắng đen của tác giả, là Nietzsche: râu ria, đôi mắt sáng quắc, mà hắn nói hắn rất thích. Tôi tặng hắn như một kỷ niệm bạn bè, dù hắn là dân Bắc kỳ chính hiệu mà lại ưa tôi dân Trung kỳ lúc nào cái đầu cũng cứng, vì tôi đã lớn lên trên sỏi đá, xứ chật hẹp đến nỗi tên người dân không cần chữ lót ?! Hắn chỉ chọn tôi để giao cho 7 lớp Triết hắn đang phụ trách dở-dang mà hắn phải bỏ để đổi về Sàigòn như một giấc mơ của mọi giáo sư thời bấy giờ, ngoại trừ tôi. Hắn vịn vai tôi thực lâu, rồi lắc đầu nói trong sự tuyệt vọng: ”Tội toa quá! Thế này là thế nào mới được chứ?”. Tôi chỉ cười buồn, nói nhỏ: ”Người ta lên voi, thì xuống chó đã đành. Chứ tao lên voi ngày khỉ nào đâu! Nhưng thôi, Zarathoustra parlait ainsi, mà toa.? Et j’ai bu ma souffrance jusqu’à la lie!” (Zarathoustra đã nói như thế! Và tao đã uống nỗi đau đến tận cặn…). Nói “linh tinh” vậy, nếu có vài ông “Công an Khu vực” lai vãng gần đó, thì tai họa ngôn ngữ có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho những người vốn tù rạc như tôi! Chúng tôi kéo nhau vào một quán nước bên đường, kêu hai ly cà-phê xây-chừng, uống vào muốn ói vì mùi của hạt còng rang. Hắn khoe với tôi, về Saigòn lấy được cái “Cao học Tâm lý“, dạy được trường lớn Võ Trường Toản, cùng nhiều trường tư, hy vọng có thể về Bộ làm thanh tra ban Triết. Tôi chỉ nói, mừng cho mày lúc ấy, nhưng giờ thì muộn quá rồi. Mày chưa thấy tụi tao sống đâu! Cứ nhìn tao bây giờ, rồi nhân lên cho 100 thì sẽ thành tao lúc đó trong trại tù. Giờ tao sắp được có “quyền Công dân” rồi, nghĩa là ngay bây giờ tao chưa được “làm người bình thường“, mày hiểu chưa!?

    Cách nay vài tháng, tôi gặp anh bạn ở đây là Đ.D hỏi tôi có biết N.Đ.Sinh hay không, trước 75 dạy Triết ở ST? Tôi mừng rỡ nói tôi thân với nó lắm – đôi khi là một người ơn, vì hắn có nhường cho tôi một số lớp Triết ở đó trước khi về Saigòn, thì ông bạn nói rằng ông bà con “cô cậu ruột” với Sinh, nên nhờ ông bạn bà con gần với Sinh này, tôi được biết thêm là sau 75 hắn rất sa sút chỉ đi dạy kèm Toán kiếm ăn, lại xào xáo vợ con… Tôi bùi ngùi, nói cho tôi xin địa chỉ hắn để gửi hắn ít tiền, vì tôi vốn là kẻ “nặng tình”. Ông bạn ừ e nói địa chỉ để ở nhà không nhớ, sẽ cho sau….

    Thế rồi chiều nay, cũng trong cái shop bán sách đó, ông bạn cho tôi biết Sinh đã qua đời vì bịnh lao. Lòng tôi chùng xuống thấp. Bạn bè tôi muốn hết, lớp chết trận, lớp chết tù, giờ chết đói và chết bịnh mà tôi có làm gì cho họ được đâu, ngoài những gói quà gửi giáp vòng mỗi người một ít, nhưng biết bao nhiêu cho đủ, khi tôi cũng còn bà con ở Việt nam và bản thân có dư giả gì, ngoài những tiếc thương, ân hận…

    Sinh à, Zarathoustra đã nói như thế, mày đã nói như thế, và tao cũng đã nói như thế trong buổi chiều gặp nhau bất ngờ bên bờ sông nước rút, khi tao mới xong thủy lợi ở Long Phú về, áo quần đầy sình, rách tả tơi. như thằng ăn mày, vai vác cái xẻng cán dài bén ngọt, tay cầm khúc mía, vừa đi vừa gặm cà-tơn... đâu còn là tư cách của anh “giáo sư Triết, lẫn Văn chương” ngày xưa, lúc nào cũng sơ-mi trắng ngắn tay, cà-vat rạng rỡ, quần sậm, giày Ý bảnh bao… như thủa nào? Ngày tình cờ gặp mày, dù đói rách, khổ cực, nhục nhã… nhưng tao vẫn thấy có bạn bè, có Quê hương. Giờ qua đây tao có đủ thứ mà mày mong ước, như hàng triệu người VN khác mong ước, nhưng có một điều tao không nỡ nói ra, vì chẳng ai tin. Đó là tao đang thương nhớ ngày đêm cái mà mày đang chối từ, đang coi thường, lúc mày đã hiểu được vì sao một vị thần Hy-lạp khi bứng chân ông ta lên khỏi mặt đất thì ông ấy sẽ ngã lăn ra chết ngay. Mỗi người lưu vong là chiếc bóng vị thần đó, làm sao họ quên được quê hương mà mình không thể sống được trên đó mới là niềm đau, mới hiểu được vì sao một nhà văn lưu vong Tiệp khắc viết ”Đối với Nghệ sĩ chỉ có một hình phạt hiệu nghiệm nhất, là bắt họ lưu đày đất khách” và dẫn chứng hùng hồn nhất là trường hơp nhà Văn Solzenytsine của Liên xô, giải Văn chương Nobel, khi nghe tin Liên xô sụp đổ, ông từ bỏ hết cả tài sản, vợ con tại Mỹ mà chỉ vội về nước với chỉ 7 thùng sách viết bằng tiếng Nga mà thôi? Và như vậy, tao đã chết trước mày cách nay mấy chục năm khi tao chọn ngồi trên chiếc thuyền con dật dờ trôi ra biển cả mà không biết mình sẽ về đâu, trong một đêm mưa bão. Lần gặp mày trên bờ sông nước rút ngày xưa nơi gần mấy lò Bún phía dưới cầu Quay, mày rưng-rưng lúc nhìn thấy tao như một thằng ăn mày vì trong đầu mày vẫn in bóng dáng tao là một anh Giáo sư Triết bảnh bao, mặt mày rực rỡ của tuổi xanh trước đó, chứ đâu phải một thằng tù rạc, đi chân không, mặc quần nẩy màu phèn, đội cái nón rơm đầy sình, vai vác cái leng và tay cầm khúc mía vừa đi vừa xước lơn-tơn giữa đường như một thằng vô lại. Mày biết không, mỗi lần đào xong được khúc mương do UBND phường chia cho, bề dài 2 thước, rộng một thước rưởi, lòng máng, sâu 1.5 thước, thì tao thường nằm xuống, ngửa mặt nhìn trời, gối cái áo dưới đầu, thấy nó vừa người như một cái huyệt. Mùi đất mới phả ra, tự nhiên tao nhớ tới cái “lòng huyệt lạnh“ trong Thơ Đinh-Hùng và tao muốn nằm luôn dưới đó cho rảnh thân. Tao có nói gian, xin làm con mày suốt đời. Bây giờ ý nghĩ đó đã phai nhạt đi nhiều vì ít ra tao đã có chút tự do để làm người với giá trị sơ đẳng của nó nhưng bù lại tao bị mất mát những thứ khác cũng sơ đẳng không kém, đó là Quê hương, nhưng ý niệm về sự phi-lý của đời sống trong quá khứ thương đau vẫn ám ảnh tao hoài đến nỗi đã gây ra những ngộ nhận cho bạn bè nơi đây khi nơi hồ sơ bịnh lý của tao không hiểu vì sao, dù tao rất kín tiếng, ông Dr tên S. bạn thân của tao ở đây đã ghi rằng: ”Having intention of suicide” vì tao hay xin hắn toa mua thuốc ngủ với liều gấp đôi nhưng không bao giờ hắn chiều lòng tao cả… khiến cho tao nói với hắn nửa đùa nửa thực: “Tớ đã được sống bao giờ đâu mà tự tử cha nội? Dù cuộc đời này có bệ rạc cách nào, thì mình cũng nên rán sống để nhìn rõ mặt nó chứ bạn!” lúc tao đã ra nước ngoài – nơi mà mày rất muốn đến…

    Thôi, giờ mày “đi” cho khỏe tấm thân. Có lẽ về tao – mày chỉ nên nhớ người bạn ngày xưa ở vỉa hè trường Lam Sơn, khi tao giao cuốn sách quý tặng cho mày, có bức hình tác giả màu trắng đen mà mày rất thích là Nietzsche, thằng cha triết gia Đức vĩ đại, đã từng làm đảo lộn tư tưởng Châu Âu thời bấy giờ, không có vợ con, chỉ thích ôm đầu những con ngựa kéo xe hôn vừa khóc vì thấy chúng vất vả quá, tội nghiệp... mới “đau”!? Có tử tế hơn thì mày nghĩ đến dòng sông nước đục tình cờ – nơi đó tao đã gặp mày trong con người thực của tao nhất lúc đó, không e ngại, không hổ ngươi, mặc cảm gì ở một nơi mọi giá trị đều bị đảo ngược hết, mà tao cũng chẳng ân hận gì, vì tao thật sự đã sống:”J’ai vécu!”, như một nhân vật đã nói trong cuốn phim mà tao với mày đi xem tại rạp Nhị Trưng, sau khi hắn lưu lạc khắp nơi, và bất ngờ gặp lại người bạn cũ hỏi: ”Lâu nay, mày đã làm trò gì?“.

    Xin cho mày quên đi mọi thứ, nhưng chỉ nên giữ lại những “buổi chiều” trong lòng, mà cuộc đời này đã trao tặng, như mình đã sống! Nietzsche khi buồn, chỉ biết chơi dương cầm bằng đôi cùi chõ, nhưng khi buồn tao chỉ ra đồi nằm một mình, và muốn uống ực vào lòng những “bóng tà dương”, mà mơ có một chút mặt trời ấm áp trong đó…

    Nguyễn Tư


    sangtao.org
    Last edited by Hoanghac; 01-10-2014, 04:00 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X