Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đêm Thánh Vô Cùng

Collapse
X

Đêm Thánh Vô Cùng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đêm Thánh Vô Cùng

    Đêm Thánh Vô Cùng
    ~~~



    Silent Night (tranh Viggo Johansen)


    Mùa Giáng sinh còn gọi là mùa Nô-en, một danh xưng phiên âm từ tiếng Pháp. Gọi là mùa nhưng thực ra là một ngày. Một ngày nhưng thực chất là một đêm, mà một đêm lại không giống những đêm thường. Các tín đồ, các văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ hay ca ngợi gọi đêm đó là Đêm Thánh và một trong những bản nhạc đưọc phổ cập nhất là bản ‘O Holy Night’ có tên Việt là Đêm Thánh Vô Cùng thường được hát suốt mùa Giáng sinh từ nhiều thế kỷ qua. Chỉ hai năm trước, một bé gái người Mỹ tên Jackie Evancho mới 10 tuổi nhưng đã là một tài năng âm nhạc đáng nể. Album mới nhất của em mang tên bài hát bất hủ này chỉ trong một tuần đã bán ra 250,000 đĩa được coi là album đầu tay thành công nhất từ trước tới nay dành cho một ca sĩ chưa vào tuổi teen (nhưng đã đoạt giải á quân trong chương trình tuyển lựa tài năng của truyền hình Mỹ).


    Jackie Evancho – O Holy Night

    Đêm Nô-en tại những xứ thuộc bắc bán cầu trong đó có quê ta hay trùng vào tiết lập đông, một đêm thường không có trăng nhưng có nhiều sao, trong đó thế nào cũng có một ngôi sáng nhất. Theo truyền thuyết được ghi trong Thánh kinh thì đó là ánh sao dẫn đường cho ba thầy bác sĩ, một từ chỉ những người thông thái, được điềm báo trước đã từ phương Đông lặn lội đi tìm một đấng minh quân cai trị thế gian sắp ra đời tại một vùng sa mạc xứ Trung Đông. Ánh sao đêm soi đường cho suốt cuộc hành trình về sau quen gọi là Ngôi sao Bết-lê-hem, vì mầu nhiệm thay chính giờ phút giáng sinh của Chúa Hài đồng thì ngôi sao đã ‘trụ lại’ tại một thành nhỏ có tên là Bết-lê-hem, một địa danh gần thánh địa Giê-ru-sa-lem ngày nay, giữa một đêm khuya thanh vắng, bên một máng cỏ nơi đồng không mông quạnh, với các bầy cừu và đám chăn chiên trú đông. Chúa Giê-su đã sinh ra tại thành này trong sự im ắng thinh lặng cả về không gian lẫn thời gian khiến có hai tu sĩ đã sáng tác bản ‘Đêm thinh lặng’ (Silent Night) thường được hát chung cùng ‘Đêm Thánh’ vào những mùa Nô-en trên khắp địa cầu.

    Ngày nay thế giới kỷ niệm ngày Chúa ra đời như một sự kiện mang tính lễ hội, nhưng nếu lần về những chuyện tích từ thuở Thiên Chúa Giáng Sinh với câu hát dân gian mộc mạc ‘đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời… nằm trong hang đá nơi máng lừa…’ thì người ta mới chỉ cảm thương cho số phận cơ hàn của một hài nhi chào đời tại một vùng quê nơi thung sâu đồng vắng, mà chưa cảm nhận hết được sự diệu kỳ trong giờ khai hoa nở nhụy của người trinh nữ Ma-ri được Thiên Chúa chỉ định làm mẹ phần đời của Chúa Giê-su vì vừa lúc Chúa Hài Đồng đến với thế gian thì “bỗng chốc có muôn ngàn thiên binh trên các tầng trời rất cao đồng thanh tụng ca sự kiện một Đấng Thánh ra đời mà thiên sứ đã rao báo trước đó là Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa”.

    Bầu trời đêm đông tĩnh lặng bỗng như một vở kịch thay màn trở nên chói lòa, sáng láng tỏa ra từ các thiên sứ thánh khiến cảnh vật trần gian như được nối kết bởi ánh sáng thiên đàng trong sự vinh hiển của đất trời hòa hiệp chứng giám cho một một sự kiện có một không hai trên thế gian mà cả ngàn năm sau khi nhắc đến người ta vẫn ngợi ca đêm đó là Đêm Thánh Vô Cùng vì hiện thân của hài nhi nơi máng cỏ chính là biểu tượng của Đấng Thánh Yêu Thương, và tin mừng giáng sinh trở thành Ơn Thánh Cứu Rỗi cho chúng sinh trên đất.

    Trải qua bao thế đại chuyện tích Giáng Sinh cũng chỉ xoay quanh hình ảnh Chúa Cứu Thế – hiện thân con một của Đấng Chí Cao – xuống trần gian này chẳng phải để làm Vua cai trị thế gian như người đời lầm tưởng, mà sứ mạng của Ngài trong thân xác thế nhân chỉ để làm một việc là cứu loài người thoát ra khỏi cảnh trầm luân, mà sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá là cái giá cuối cùng phải trả cho tội lỗi thế gian. Từ đấy người ta nhận biết Ngài là Đấng Cứu Thế, người ta thờ phượng Ngài vì họ tin Ngài là con của Đức Chúa Trời. Người ta thương cảm Ngài vì đã sinh ra trong cảnh bần hàn nơi chuồng chiên máng cỏ, làm con trong một gia đình có người cha phần đời là người thợ mộc, có mẹ phần đời là một thôn nữ nết na. Người ta xót xa cho Ngài vì suốt quãng đời ngắn ngủi trên trần thế đã trải nghiệm bao khốn khó, bị đòn roi trên thân thể, bị tát bị vả trên mặt, bị sỉ nhục mắng nhiếc, bị đe dọa săn đuổi. Người ta trân trọng Ngài vì những điều dạy dỗ của Ngài luôn cổ xúy cho tình yêu thương cho niềm bác ái, biết thương người nghèo khó, kẻ góa bụa, cởi ách cho người bị áp bức, thương cảm cho người đau ốm tật nguyền. Dù được hiểu là con Thiên Chúa nhưng Ngài vẫn được người đời xưng tụng là Đấng Lạ Lùng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An, là Vua trên muôn vua, là Chúa trên muôn chúa, là niềm Tin Yêu và Hy Vọng, là Vầng Đá Muôn đời cho những kẻ tin Ngài làm chốn nương thân.

    Hơn hai ngàn năm sau hãy còn nhiều người vẫn chưa biết Chúa, nhưng trong lòng họ mỗi dịp Nô-en về tự thân cũng cảm nhận được điều gì đó về một Đấng Thánh, mà chẳng phải ngẫu nhiên sự ra đời của một hài nhi lại làm thay đổi cả tiến trình lịch sử nhân loại khi dòng thời gian từ buổi Sáng Thế bỗng nhiên chia đôi thành hai kỷ nguyên: ‘trước’ & ‘sau’ Thiên Chúa (B.C.& A.D.).

    Cho nên trong niềm hân hoan của mùa lễ hội quốc tế, dù là người tin hay chưa tin Chúa, ta hãy cùng cộng đồng nhân loại lắng lòng mình hướng về Đêm Thánh năm xưa để theo dấu chân Chúa Hài Đồng tìm về những giá trị tâm linh của món quà vô giá khi chính vị Cha chung ở trên trời đã vì loài người mà sai con một của mình xuống thế gian làm của hy sinh cho hồng ân cứu rỗi trải đều cho muôn dân trên đất.

    Đỗ Xuân Tê



    sangtao.org
    Last edited by Hoanghac; 12-20-2013, 01:25 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X