Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè

Collapse
X

Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè

    Nhân tin KQ Niên Trường Lê Bá Định hiện đang nằm nhà thương tại Sài Gòn, Việt Nam với tình trạng sức khỏe nguy ngập, tôi xin được chuyển đến tin này cùng tất cả các chiến hữu tại hải ngoài.
    Ông Lê Bá Định là cựu Trung Tá KQ/QLVN/CH, nguyên Không Đoàn Trưởng KĐ72/CT, cũng là cựu “con chim đầu đàn” đầu tiên của Phi đoàn Skyraider, 530 Thái Dương trú đóng tại vùng đất hỏa tuyến Pleiku. Chức vụ sau cùng của Ông trong tháng ngày cuối cùng là Giám đốc trường phi hành TTHL/KQ tại Nha Trang.
    Trong tinh thần “Không quân không bỏ anh em không bỏ bạn bè”, mọi sự giúp đỡ của tất cả chiến hữu xin gửi về cựu hoa tiêu Thái Dương Vĩnh Thuận theo địa chỉ :
    3513 Flowingway
    Plano, TX 75074
    469-406-2601

    nguyenphuocvinhthuan@gmail.com
    Kèm theo đây là đoạn văn của cựu Phi đoàn Trưởng 118 Bắc Đẩu Võ Ý viết về cựu Trung Tá Lê Bá Định, một huyền thoại của KL/VHCH.

    Vĩnh Hiếu


    TIN ĐỒN CHẾT NGƯỜI

    Thân kính tặng Khóa 58KQ, NT Tarin và KQ Võ Trung Nhơn
    Riêng tặng Thái Dương 01 Lê Bá Định


    Tiền Phi

    Cùng với đà bành trướng Quân chủng, Không Đoàn 72 Chiến Thuật (KĐ72CT) hình thành tại Pleiku năm 1970 và biến thành Sư Đoàn 6 Không Quân (SĐ6KQ) một năm sau đó.
    Không quân Lê Bá Định (KQ LBĐ) đang là Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến thuộc Căn Cứ 92 Chiến Thuật (sau biến thành Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku), được bổ nhiệm vào chức vụ Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 530 Thái Dương (PĐ530TD, danh từ Thái Dương là do KQLBĐ đặt), là một trong bốn Phi Đoàn và một Phi Đội tải thương tân lập thuộc KĐ72CT.
    Khoảng năm 1972, ông LBĐ được đề cử giữ chức vụ Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 72 Tác Chiến (LĐ72TC). Chẳng bao lâu sau, ông được đề cử giữ chức vụ Không Đoàn Trưởng KĐ72CT, thay thế Đại tá Nguyễn Văn Bá thuyên chuyển về Bình Thủy Cần Thơ.
    Gần một năm sau, KQ LBĐ “được” (hay bị?) bổ nhiệm làm Giám Đốc Trường Phi Hành tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang (TTHLKQNT).
    Những ngày cuối cùng của Miền Nam, nghe nói ông được đề nghị thăng cấp Đại tá và giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Không Quân Vũng Tàu.
    Nhưng không còn kịp nữa!
    Sau 04/75, KQ LBĐ đi tù cải tạo từ Nam ra Bắc và ra khỏi trại khoảng năm 1985 sau mười năm nếm mùi lao tù của cộng sản.

    Ông không xin đi HO như hầu hết các cựu tù chính trị mà quyết định ở lại Việt Nam sinh sống bằng nghề dạy học các sinh ngữ Anh Pháp và Tây Ban Nha đang là mốt thời thượng của hầu hết nam phụ lão ấu trong chế độ cộng sản hà khắc nầy.
    Ba mươi năm qua, cuộc đời KQ LBĐ coi như êm đềm trôi qua tại căn nhà tương đối tươm tất trong hẻm Nguyễn Thiện Thuật Sài Gòn, bỗng một tin đồn không kiểm chứng đã tạo cơ hội cho ông gợi nhớ hình ảnh hào hùng xa xưa qua hai mắt long lanh giọt lệ bùi ngùi tình chiến hữu trong phút chia tay hai chú em KQ tìm đến nhà thăm ông cho rõ thực hư một tin đồn...
    Và đó là ly do thúc đẩy chúng tôi viết tin đồn chết người liên quan đến ông, một phi công tài hoa tầm vóc của Không Lực Cộng Hòa...

    Đập Helmet Ra Tìm Lấy Bóng (1)

    KQ LBĐ theo học Khóa 58 KQ (K58KQ) tại TTHLKQNT. Khóa nầy ước chừng 30 thanh niên ưu tú của Miền Nam bấy giờ, sau khi tốt nghiệp, họ biến thành những phi công ưu tú của Không Lực Cộng Hòa, được đề bạt giữ những chức vụ Chỉ huy và Tham mưu quan trọng từ cấp Đoàn đến Sư Đoàn như Trần Trung Chính (hiện ở Houston), Nguyễn Văn Chín tự Chín Chùa, (thủ khoa khóa 58B, Cựu Đại Tá Tham Mưu Phó Hành Quân SĐ4KQ, hiện ở Virginia), Đặng Thành Danh, (hiện ở Las Vegas), Lê Xuân Lan, (bay giỏi nhất K58AKQ và là người bay thử chiếc Thần Phong 01 do KQVN lắp rắp), Chế Văn Nghĩa, (thủ khoa K58A), Nguyễn Văn Nghĩa, và Trần Trọng Khương (cả ba vị đã hy sinh), Võ Trung Nhơn, tự là Nhơn Nhọn, (hiện ở Georgia), Lê Văn Ấn, tự là Ấn Cọp, (hiện ở Seattle), Vũ Hồng Lượng, Mai Đức Hường, Trần Văn Nguyên...

    Thời trung học, ông LBĐ học trường Tây, trường Chasseloup Laubat Sài Gòn nên ông nói tiếng Tây như...đầm là chuyện dễ hiểu! Vốn có năng khiếu về sinh ngữ nên từ tiếng Pháp chuyển qua tiếng Anh cũng dễ dàng và lưu loát như khi ông học và nói tiếng...mẹ đẻ của mình vậy! KQ Võ Trung Nhơn, cựu Phi Đoàn Trưởng các Phi Đoàn 110 và 124 cho biết trong Khóa 58KQ còn có KQ Trần Trung Chính nói tiếng Anh rất lưu loát nhưng KQ LBĐ vẫn là người có năng khiếu ngoại ngữ đặc biệt. Chính năng khiếu đặc biệt nầy đã gây xúc cảm đến rơi lệ trước khoảng 500 các khóa sinh sĩ quan KQ Hoa kỳ, Đồng minh và gia đình của họ trong Hội trường của Trường Chỉ Huy Tham Mưu Trung cấp KQ Hoa Kỳ (SOS) vào năm 1968 qua bài thuyết trình “Cuộc Chiến Bảo Vệ Miền Nam Việt Nam” của ông.
    Phải là người có tài ăn nói, nhất là nói thuyết phục, phải là người giỏi Anh ngữ mới mong hấp dẫn người nghe. Tài ăn nói và giỏi Anh ngữ cũng chưa đủ gây rơi lệ cho thính giả người bản xứ mà còn do tâm huyết của thuyết trình viên nữa. Tâm huyết đó được thể hiện qua hai câu thơ do ông sáng tác trong thời gian phục vụ tại Pleiku là, Trung kiên một lòng vì Tổ Quốc, Sắt son một dạ với Không Gian, đã giúp bài thuyết trình của ông thành công qua tiết lộ đầy tự hào của KQ Võ Trung Nhơn về tai ba của bạn đồng khóa của mình.

    Theo Tuyển Tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến xuất bản năm 1974, KQ LBĐ sinh năm 1939, tính theo âm lịch là năm Kỷ Mẹo. Người xưa bảo, tuổi Mẹo vừa khéo vừa khôn. Chúng tôi thật tình không biết rõ cái khôn của ông LBD, nhưng cái khéo của ông thì thể hiện rõ ràng qua tài ăn nói kể chuyện, tài bay bổng nhảy nhót và tài viết lách.

    Mỗi lần nghe ông kể chuyện, người nghe như bị cuốn hút vào câu chuyện kể qua giọng nói trầm bổng, hai mắt nhấp nháy, hai tay và toàn thân của ông diễn đạt sinh động trước mỗi tình cảnh. Ông có trí nhớ phi thường, nên những chuyện kể hầu như y chang trong sách. Ông thông minh và quyền biến, hễ gặp chỗ...quên mất thì ông biết cách pha chế nên câu chuyện vẫn giữ được tính hấp dẫn liên tục và hợp lý.

    Chính tài ăn nói đã giúp ông thành một giáo sư Triết được ưa chuộng tại Trường Trung hoc Pleme tỉnh Pleiku trước 1975 và là một giáo sư Anh văn nỗi tiếng nhất Sài Gòn sau ngày ông ra tù (1985) cho đến nay.
    Nhờ trí nhớ phi thường và tính hiếu học nên trong thời gian phục vụ tại Phi Đoàn 514 Biên Hòa (Phi Đoàn Trưởng là NT Tarin Nguyễn Quâng Tri, đầu thập niên 60, hiện cư ngụ Cali), ngoài việc bay bổng, ông dành thì giờ rãnh rỗi để chăm lo đèn sách. Và trời đã không phụ kẻ có chí như ông: ông tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, là một tấm gương hiếu học hiếm có trong Không Quân thời chiến.

    Sau khi có bằng Cử nhân Luật, ông làm đơn xin đi làm tùy viên quân sự, nhưng Thượng cấp bấy giờ không chấp thuận ước nguyện của ông. Thật đáng tiếc!
    Từ đó, KQ LBĐ có thể đã trở thành con ngựa bất kham dưới con mắt của các cấp chỉ huy bấy giờ chăng? Và chuyện ông “tình nguyện” lên Pleiku hay “được” thuyên chuyển lên cái căn cứchó ăn sình lầy , gà ăn đất đỏ nầy? (chứ làm gì có đá có muối dư mà ăn?), thì chỉ có ông mới rõ nguyên do của sự việc nầy.

    Và tại căn cứ KQ Pleiku trong mùa hè đỏ lửa 72, KQ LBĐ đã chứng tỏ một KQ bất khuất can trường, quyết thí mạng cùi để bảo vệ danh dự và uy tín của Không Lực Cộng Hòa, không chịu nhịn nhục trước những nhận định trịch thượng và hỗn xược của viên cố vấn Quân Đoàn II (Q ĐII) bấy giờ là John Paul Van.

    Viên cố vấn báo cho QĐ II rằng, các phi công Việt Nam lạnh cẳng không dám bay vào giải cứu đồn Tân Cảnh, một căn cứ ở vùng ba biên giới đang bị địch uy hiếp. QĐ chuyển nhận xét của Paul Van cho KĐ72CT, Ông Định nghe đến tức hộc máu, dọa sẽ dội bom QĐ nếu QĐ đồng tình với nhận xét coi thường khả năng của Không Quân Pleiku. (Sau nầy, hình như Chuẩn tướng Tư Lệnh Phó KQ đã bay lên Pleiku gặp Tư Lệnh QĐII để giải quyết ổn thỏa vụ hăm dọa nầy).

    Số là, ở Cao nguyên, trời hay mưa giông vào mùa hè nên việt cộng lợi dụng mưa và mây mù để tấn công đồn bót mà không sợ KQ can thiệp. Do thời tiết quá xấu nên khu trục không thể cất cánh, chứ không phải KQ lạnh cẳng như nhận xét ác ý nêu trên. Và để chứng tỏ nhận xét của Paul Van là hàm hồ, ông LBĐ một mặt mời Paul Van cùng bay với ông, một mặt ra lệnh cho tôi (lúc bấy giờ là Trưởng phòng Kế Hoạch, dưới quyền Liên Đoàn Trưởng LĐ72TC LBĐ), cất cánh một U17 (Cessna) bay thẳng lên Tân Cảnh để canh chừng đám mây đang phủ kín vùng trời nầy. Hễ thấy mây tan thì báo cho đài phi chiến Peacock biết để đài điều động khu trục cất cánh ngay lên mục tiêu.
    Việc làm của chúng tôi được mô tả như là người lính gác mây. Và kiểu phối hợp đầy sáng kiến xem ra hữu hiệu, vì đã giải tỏa được nỗi oan lạnh cẳng. Cũng theo KQ Võ Trung Nhơn thì ông LBĐ không muốn đi định cư ở Mỹ sau khi ra tù vì sợ hệ lụy của vụ Paul Van ngày xưa. Còn chúng tôi thì nghe đâu ông Định cho rằng, tụi Mỹ là chúa kỳ thị mà ông đã từng du học và nhận biết điều này, rằng ở đâu cũng phải có làm mới có ăn, nên ông quyết định ở lai Việt Nam làm ăn sinh sông bằng khả năng của mình.

    Cũng có người đoán rằng, vì lý do gia đình nên ông Định không muốn đi Mỹ.
    Thì cũng chỉ là nghe nói và...suy đoán mà thôi!
    Cá nhân tôi cũng đoán mò là ông Định tin vào tử vi bói toán! Thời còn đương quyền, hễ có cơ hội là ông rũ tôi đi coi bói. Chúng tôi từ Pleiku bay ra Qui Nhơn mấy bận vì nghe nói có một cô thầy bói trẻ đẹp, được thần linh nhập mạng nên nói quá khứ vị lai đúng như thần. Trên đường bay về Pleiku, tôi hỏi dò kết quả coi bói thì biết đời binh nghiệp của ông xán lạn nhưng cũng gian nan lắm.

    Ông ghé thăm Phi Đoàn 118 và thấy bàn làm việc của tôi vẫn an vị như cũ (do cựu Phi đoàn trưởng Võ Công Minh bàn giao ra sao để vậy), ông bảo không được, mỗi người mỗi số mạng nên phải nghiên cứu lại phương hướng bàn giấy sao cho phù hợp. Nói xong ông bèn mời ông Trung tá Bi bên Quân Đoàn (chắc có nghiên cứu về phong thủy?), mang cẩm nang gồm có la bàn và thước dây qua Phi đoàn gặp tôi hỏi han tuổi tác ngày tháng năm sinh, rồi đo đạc, rồi lấy hướng, rồi kê lại cái bàn làm việc sao cho hợp tuổi, sao cho tương sinh, sao cho mát tay cầm quân và cầm...cần lái!

    Biết đâu, qua mười năm luyện ngục, ông nghiên cứu thêm nhâm độn dịch lý và thông hiểu được mệnh trời, nên ông quyết ở lại quê nhà lại tốt hơn là lưu lạc chăng? Biết đâu? Thì cũng chỉ là suy đoán thôi! Trong Khóa 58 KQ, có bốn khóa sinh được ghi nhận là bay giỏi. Đó là, nhứt Nghĩa nhì Lan tam Danh tứ Định. Dân gian thường ghép động từ bay với động từ nhảy thành bay nhảy. Ông LBĐ tuy xếp hạng tư về bay giỏi trong Khóa, nhưng về nhảy thì xét ra trong toàn khóa, (và có thể trong toàn Quân chủng), không ai qua mặt ông ta.

    Thời ông phục vụ căn cứ KQ Nha Trang và Pleiku thì các sàn nhảy ở hai thành phố nầy đã bị chinh phục bởi các bước nhảy điệu nghệ nhuần nhuyễn và mới lạ của ông. Cứ mỗi lần ông dìu giai nhân ra sàn nhảy là y như rằng, các cặp khác ngồi tại chỗ để thưởng thức những bước đi thật lả lướt điêu luyện do ông vẽ trên sàn nhảy (cũng giống như khi ông vẽ những đường bay ngoạn mục trên trời xanh với chiếc Skyraider)

    Về phương diện văn chương viết lách, KQ LBĐ lại là một cây viết thường trực của Đặc San Lý Tưởng trước 75. Cá nhân chúng tôi biết tên LBĐ là nhờ đọc những bài viết của ông đăng trên Lý Tưởng và chính vì chỗ quen biết qua chữ nghĩa nầy đã đẩy chúng tôi tình nguyện lên Pleiku để có dịp cùng làm việc với ông.

    Theo tôi, thủ đắc đặc biệt trong văn chương của KQ LBĐ là những bài phú. Đặc biệt là vì, chỉ có một mình ông trong toàn Quân chủng sáng tác thể loại nầy từ trước 75. Sau 75, xuất hiện thêm một KQ chuyên viết phú nữa, đó là nhà văn KQ Kha Lăng Đa.
    Sau đây là trích dẫn một bài phú của KQ LBĐ, được trích trong “Tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến” do Vàng Son xuất bản năm 1974. Bài phú mang tựa Hòa Bình, chắc hẳn có liên quan đến Hiệp Ước Ngưng Bắn bốn bên năm 1973 do Kissinger tìm cách bán đứng Miền Nam qua việc đã thúc ép Việt Nam Cộng Hòa ký vào Hiệp Ước Hòa Bình kiểu “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” này. Mời quý vị thưởng thức.

    Hòa Bình phú

    Ô hô!
    Xưa kia, lũy Đồng Hới một lần phân tranh Trịnh Nguyễn!
    Nay đây, giòng Bến Hải hai phen cắt đất Việt Nam!
    Nghĩ mà đau lòng!
    Suy thêm nát óc.
    Than ôi!
    Máu chảy thành sông
    Thây chồng như núi!
    Chiến, tưởng đâu chống Tàu, thắng Pháp
    Bình, những mong phạt Tống bình Chiêm?
    Xua quân rầm rầm rộ rộ, nghe như tướng Lý đánh hai châu,
    kẻ Bắc quân có thấy lòng thêm tủi lúc tràn qua vĩ tuyến?
    Ngăn giặc thù như vách sắt tường đồng, giống như tướng Trần
    mấy bận chống quân Nguyên,
    người Nam quân có thấy mắt rưng rưng khi chống giữ Đông Hà?
    Ấy vậy mà đã mười tám năm qua đánh đấm,
    Xem thế mà đã năm năm tròn đàm hội nghị
    Bây giờ thì,
    Dù có chửa trâu, chửa bò gì, cũng đã “ba bề bốn bên”
    đẻ ra được mấy giòng “Ngưng Bắn”,
    Tuy rằng nghẹn họng, nghẹn hầu chi, cũng được “ba phe bốn phía”
    bảo đảm cho hai chữ “Hòa Bình”
    Ôi cha, Hòa Bình!
    Úy mẹ, Hòa Bình!
    Hòa Bình ơi, mi là cái chi chi mà mi khó thế?
    Kẻ nói mi giống như chim cu,
    Người xem mi như đồ trang sức.
    Coi ra thì mấy đứa Hippy mua mi cũng dễ, chúng đeo mi trên cổ, trên đầu...
    trong quần áo lót!
    Xét thấy thì các trự nhà giàu nhai mi không khó, họ vào tiệm kêu cháo kêu mì
    xực cho đả rồi liệng xương mi vào sọt rác!

    Vậy mà:
    Gọi mi một ngàn năm!
    Kêu mi suốt thế kỷ!
    Chờ mi hai trăm năm!
    Bây giờ thì mi lò dò mi tới, tới thiệt hay tới giả, nói thiệt ta nghe,
    nếu không ta bẻ cổ!
    Phút nầy mi nhấp nháy mi ra, ra luôn hay rụt cổ, nhìn nhận cho ta biết
    nếu xạo ta thui lông!
    Này này ta nói cho mà biết!
    Một ngàn năm giặc Tàu nó nhốt mi, ta xực bào ngư vi cá
    xong rồi ta bắt được mi qua khói thuốc phiện!
    Một trăm năm thằng Tây nó dấu mi, ta đớp phó mách sửa bò
    xong rồi ta còn tóm được mi qua hơi rượu xâm banh!
    Giờ đây, gần hai mươi năm vuột tới vuột lui,
    mi chớ có hòng giở cái trò năm bốn (1954)!

    Hòa bình bớ hòa bình!
    Nói phải biết nghe, dạy cho biết phép,
    Lần nầy mi rán trở về, sướng gì mà nhìn xáo thịt nồi da?
    Phen ni mi cố ở luôn, tôi tình chi mà xé mất bức dư đồ?

    Thôi thôi:
    Ngôn bất tận ý,
    Ta đã nhiều lời,
    Nay mi đang lấp ló ngòa song, ta từ tâm cho mi trở lại,
    Giờ mi đang thấp thỏm ngoài hè, ta rộng lượng cho mi vào cửa,
    Này Hòa Bình!
    Có mi về, ta cũng thắp hương ba lớp, trước bàn thờ Tổ Quốc,
    ta cúi lạy giống Rồng Tiên thôi ngừng tay kiếm,
    Được mi đây, ta tạm sắp rượu ba chung nhỏ, trên mảnh đất Quê Hương,
    ta nguyện cho nước Việt Nam hết đổ máu thù.

    Ô hô! Hòa Bình!
    Lành thay! Tốt thay!

    Rốckết Phóng Xuống, Cụm Khói Bay Lên
    Giữa chúng tôi và KQ LBĐ có một chút giao tình ban đầu qua tờ báo Lý Tưởng. Từ chỗ giao tình đến thân tình qua những ngày tháng tình nguyện sống chết tại căn cứ lửa đạn Pleiku. Chính những tháng ngày gian khó ở đây đã cho tôi thấy được vẻ hào hùng và nhân bản của một chiến sĩ cộng hòa qua nếp sinh hoạt hằng ngày và qua...bài phú nêu trên.

    Ông LBĐ thực sự là một hiệp sĩ không gian qua tài năng và nhân cách của mình. Ông là típ người đói cho sạch rách cho thơm. Ông vẩn thường hỏi xin khẩu phần cơm xấy của các Phi Đoàn trực thuộc cho cả nhà cùng dùng chứ không chịu làm điều phi pháp để sinh lợi.Ông thích phì phèo thuốc lá và chuyên trị Basto Quân Tiếp Vụ chứ không đua đòi Salem hay Lucky. Ông rất bình dị với đồng đội và thuộc cấp. Ông tỏ ra kính trọng và phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh thượng cấp mà ông quý trọng. Nhưng ông cũng ra mặt ba gai bất cần đời như con ngựa chứng đối với thượng cấp mà ông không ngưỡng phục. Đại tá NVB là người đã thu phục được lòng kính mến của ông. Cố Chuẩn tướng PNS thì ngược lại. Và ông đã kiêu mạn thuê xe đò để di chuyển bầu đoàn the tử từ Pleiku về TTHLKQ Nha Trang, chứ không xin phương tiện của Không Quân khi ông được lệnh rời chức vụ Không Đoàn Trưởng KĐ72CT về làm Giám Đốc Trường Phi Hành Nha Trang.

    Một KQ từng giữ chức vụ Không Đoàn Trưởng mà di chuyển gia đình bằng xe đò để nhậm nhiệm sở mới thì đúng là...ngoại truyện!
    Trước khi xuôi về miền Gió Cát, ông đến chào từ biệt và báo mộng cho tôi biết là người bị sút khỏi Pleiku sau ông có thể là...tôi!. Nghĩa là tôi sẽ bị ngưng chức vụ hiện hành và chuyển đi đơn vị khác như ông, vì tôi và ông cùng...phe cánh!

    Lời báo mộng của ông chưa hiện thực thì ngày 30 tháng 4 ập xuống. Chúng tôi gặp nhau ở Sài Gòn mấy bận, an ủi vỗ về nhau rồi sau đó cùng rủ rê nhau vào rọ. Chúng tôi cùng chung trại Suối Máu Biên Hòa thời gian đầu, sau đó mỗi người bị chuyển ra Bắc và mất liên lạc.
    Thời ở Long Giao, thỉnh thoảng gặp ông ở trần, mặc xà lỏn đi lại trong trại, phía trên xà lỏn ông nhét một vật điêu khắc mỹ thuật do ông tự đẽo từ một khúc gỗ màu đỏ, giống y chang cái của quý (hay nợ?) của ông Adam. Ai thấy cái của quý nầy cũng đều tức cười!

    Ông ở tù mười năm và ra trại trước tôi ba năm. Khi tôi ra trại thì nghe ông ở đâu đó ở Bình Thạnh. Tôi có ý chờ ông đến thăm người bạn tù ra sau (như thường lệ). Chờ mãi không thấy bèn hỏi thăm nhà và ghé thăm ông. Rất tiếc cả hai lần đều không được gặp ông. Cả hai lần đều để lời nhắn mà vẫn biệt âm vô tín. Mãi đến khi tham dự đám tang KQ Nguyễn Minh Công tại Tân Định vào năm 1991 thì chúng tôi mới gặp nhau. Dịp này ông móc túi lấy ra một cọc tiền hồ, ông giữ lại một phần, còn một phần trao cho tôi và nói:
    -Moa mới lãnh lương, moa lấy một phần, còn một phần xin gởi biếu toa!
    Tôi không nhận ân tình nầy mà lòng cứ tiếc!. Tiếc là tại sao lại từ chối ân tình của một cấp chỉ huy xưa, một bạn tù và một đồng đội đã từng chia sẻ biết bao nguy khốn thời Pleiku lửa đạn và gió bụi mưa sình?
    Từ đó đến nay cũng đã trên mười năm dư (1991-2005), thời gian đã phôi pha, mong ông hiểu được lòng tôi lúc bấy giờ. Còn bây giờ, tuổi đời ngày càng chồng chất, tâm tưởng của tôi càng xích lại thuở xa xưa, càng trân trọng một thời dọc ngang biên trấn, nên khi nghe tin ông...thác,lòng tôi thật sự bàng hoàng, thật sự không đủ kiên nhân để hỏi han cho ra lẽ, cứ thế mà phóngtin buồn cho đồng đội anh em cùng ngậm ngùi chia xẻ.

    Cũng may, chỉ là Tin Thất Thiệt sau khi đã kiểm chứng. Đến nay thì nguyên nhân về Tin Đồn Chết Người đã có giải đáp. Chúng tôi xin phép trích đăng ra đây vài bằng chứng điện thư tiêu biểu chung quanh tin đồn chết người này:

    Ngày 2 tháng 8 năm 2005
    Voy thân mến,
    Tôi gọi điện thoại nhưng không được. Muốn thông báo cho bạn biết là LBĐ đã từ trần tại VN, nhưng không rõ chi tiết. Bạn cho biết Không Đoàn ở Pleiku là K Đ số mấty thuộc SĐ6KQ?
    Thân mến,
    Tarin

    ***
    Kính Anh, (thư phúc đáp)
    Thật sững sờ nghe hung tin KQ LBĐ đã từ trần tại VN. KQ LBĐ là Trung tá Phi Đoàn Trưởng PĐ530 Thái Dương và Không Đoàn Trưởng KĐ72 Chiến Thuật thuộc SĐ6KQ.
    Xin thông báo đến anh Tarin và các Thái Dương vài chi tiết về cố KQ LBĐ.
    Thân kính,
    Voy

    ***
    Ngay sau đó, chúng tôi gởi điện thư về VN, nhờ các KQ Thế Phong (nhà văn, thuộc phòng báo chí Bộ Tư Lệnh KQ, hiện ở Tân Định), Minh Mẫn (PĐ229 Kingbee, hiện ở Quân 3), và Bắc Đẩu Nguyễn Thành Bích (PĐ118 Bắc Đẩu Pleiku, hiên ở Bình Thạnh, như sau:

    Thân gởi Anh TP và Minh Mẫn,
    Được tin KQ LBĐ đã từ trần tại Bình Thạnh.
    1/ Mong hai anh cố gắng tìm thăm gia đình KQ LBĐ ở số xxx, đường Nguyễn Thiện Thuật, Phường xx, quận Bình Thạnh.
    2/ Nhờ MM thông báo cho Bắc Đẩu Nguyễn Thành Bích và anh em KQ trước đây ở Pleiku, thay mặt anh em Pleiku xa xôi, đến thắp nén nhang tưởng niệm KQ LBĐ.
    3/ Nhờ các anh, nếu được, chụp hình và ghi vài dòng về sự ra đi của KQ LBĐ.
    Chân thành cám ơn,
    voy


    ***
    Nhờ vào nhiệt tình của các KQ Minh Mẫn, Thành Bích và Thế Phong ở quê nhà đã bỏ công sức tìm kiếm và đã khéo dọ hỏi nên cuối cùng các anh ấy đã đối diện được nhân vật chính của mộttin đồn:
    Ngày 4 tháng 8 năm 2005

    Kính thăm anh voy,
    Trưa nay lúc 11 giờ, em và anh Bích đã đến gặp anh LBĐ. Người anh trắng trẻo đẹp lão và ăn nói từ tốn. Lúc đầu gặp Mẫn và Bích, anh LBĐ có vẻ ngại ngùng, nói chuyện rất cẩn thận và chỉ nói về thời gian dạy học và thời gian bị bịnh. Sau khi nghe Mẫn và Bích nói những chuyện ngày xưa, lúc đó anh rất vui vẻ và cởi mở. Cách nói chuyện của anh làm cho Bích và Mẫn say mê bằng cái tình thầy trò, bằng cái tình năm xưa. Anh ấy có những ngôn ngữ tế nhị vừa để dạy dỗ chúng em vừa để cho chúng em hiểu về Anh. Thật đúng là một con người có mẫu mực và đầy kiến thức. Cái hiểu biết của Anh bao la thật.
    Rồi đến lúc Mẫn và Bích xin về, Anh đã cố cầm nước mắt. Em thấy Anh súc động rõ ràng, đôi mắt đỏ hoe như chợt muốn khóc và chúng em lại ngồi với Anh một lát nữa. Em xin chụp hình nhưng Anh không đồng ý. Em có xin thỉnh thoảng được ghé thăm Anh, Anh nói được nhưng có khi Anh không có nhà thì cứ hỏi thăm Chị về Anh là được rồi.
    Anh Voy ơi, bịnh của anh LBĐ là bịnh tim và đã mỗ lần thứ ba rồi và đã được thay van tim bằng một chất liệu hóa học nhưng hay làm đau đớn vì thế phải thường xuyên dùng thuốc giảm đau. Anh nói chuyện không được nhiều và phải hít thở nhiều..., hơi mệt nhưng Anh có vẻ vui. Anh nói không muốn để cho các anh bên hải ngoại lo lắng nhiều tội nghiệp họ.
    Anh không còn đi dạy học được nữa vì đứng lớp không được, đi lại rất khó khăn vì mệt, nhưng các đàn em học trò bây giờ là Tiến sĩ và Phó tiến sĩ họ có giúp Anh bằng cách đem những tài liệu đã được dịch sẵn bằng tiếng Anh Pháp Tây Ban Nha để Anh sửa lại lời văn cho hợp với ngôn ngữ người ở xứ đó và gột tẩy hết các lối văn còn dính chút nước mắm hay mắm tôm...Và họ trả thù lao để đền ơn...
    Và sinh hoạt của Anh LBĐ như thế, em báo để các anh yên tâm...
    KQ Minh Mẫn.


    Hậu Phi
    Cùng với cố gắng của các bạn bên quê nhà, anh Tarin cũng đã cố gắng gọi điện về nhà KQ LBĐ hai lần giữa khuya ngày 3 tháng 8, xin được nói chuyện với ông LBĐ. Cả hai lần đều có người bắt ống nghe nhưng chỉ alô rồi cúp máy. Điều này đã không làm anh Tarin bớt ái ngại. Cũng may, ngay trưa hôm sau, chúng tôi thật vui mừng nhận mẫu điện thư nêu trên. Chúng tôi vội vàng chuyển Tin Vui đến anh Tarin và các KQ liên hệ, trong đó có Cơ quan Truyền thông của KQ, các Niên trưởng Khóa 58KQ và các Thái Dương 530 trên khắp thế giới.

    Nhớ lại, ngay sau khi nghe Tin Buồn...Dõm, Thái Dương Nguyễn Tài Cơ đã thông báo ngay cho Gia Đình 530 Thái Dương tin quan trọng này. Nhận được tin khẩn, nhà quý tộc Thái Dương Vĩnh Thuận đã gọi ngay chúng tôi ở sở làm để cho địa chỉ của Thái Dương 01 LBĐ ở Sàigòn để nhờ kiểm chứng. Còn Thái Dương Hiệp VC (Vũ Công Hiệp) thì chuẩn bị các cái cho một...lễ tang! KQ Lưu Huy Cảnh, tức ông Thiên Lôi Cỏ Đầu Bành (xin đọc lái) từ DC gọi điện qua báo cho biết là trang web Cánh Thép đăng lời Chia Buồn, biết ngay là của mày (voy), càng làm chúng tôi thêm bối rối về “cái hố” của mình.

    Cũng may, nhờ vào tình Quân chủng, tình Đơn vị, tình huynh đệ chi binh của những cánh chim cùng chung một bầu trời một lý tưởng trước kia, đã biết chia sẻ lo lắng cho nhau nên mới có kết quả nhặm lẹ và đầy hân hoan nầy.
    Ngay khi nhận Tin Vui, KQ Võ Trung Nhơn liền phóng ngay một email đến NT Tarin và các KQ liên hệ như sau:

    Ngày 08/04/05 8:29:30 AM Central Dayligh Time

    Xin lỗi ông thầy, anh võ ý và tất cả quí anh!
    Không biết từ đâu nhưng anh N.V. Ch emailed cho tôi tin thất thiệt này! Riêng tôi rất mừng vì người bạn của mình vẫn còn trên dương thế.
    LBĐ là người bạn đồng khóa mà tôi phục nhất về bay bổng, về ăn nói, về khả năng, về tánh tình, tư cách...
    Xin bái tạ

    Kính chào và chúc sức khỏe Quí vị .
    KQ Võ Trung Nhơn


    Và chúng tôi cũng rất muốn đánh đu theo email của KQ Võ Trung Nhơn, xin nói lời Tạ Lỗi với các Cơ quan Truyền thông KQ, Gia đình Thái Dương 530 và tất cả những KQ còn chút quan hoài đến nhau, về việc đưa tin thiếu kiểm chứng này...
    Riêng với KQ LBĐ, cấp chỉ huy xưa đã từng nâng đở tôi, cũng là một đồng đội đã từng thông cảm cũng như đã từng chịu đựng trong khi phục vụ, tôi xin gởi lời Tạ Lỗi đến Anh vả Gia đình về sự bộp chộp mang xui xẻo của tôi, qua bài viết Tin Đồn Chết Người này...

    Bắc Đẩu võ ý

    Saint Louis, MO, hè 2005
    Corona, CA, thu 2009


    1. Đập helmet ra tìm lấy bóng
    Xếp phi bào lại để dành hơi
    (Hình như do NT KQ Phùng Ngọc Ẩn nhại lại thơ cổ)
    Last edited by Thần Tượng; 12-03-2013, 07:40 PM.

  • #2
    Thân kính gởi quý Niên trưởng và quý đồng đội KQ khắp nơi,
    Cũng trong Diễn Đàn nầy, Không Quân 2 đã post Tin NT Lê Bá Định nhập viện hơn ba tháng nay, bản tin có ghi địa chỉ của chị Định, tức bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ở số 1B/12 Nguyễn Thiện Thuật, P24, Q Bình Thạnh, số nhà mới là 8/7 Nguyễn Thiện Thuật, P24, Q. BT, sdt 0838411705 - để quý chiến hữu tiện gởi chút ân tình hổ trợ gia đình anh Định.
    Quý chiến hữu cũng có thể gởi ân tình về Thái Dương Vĩnh Thuận (như lời giới thiệu của KQ Vĩnh Hiếu trên đây), Vĩnh Thuận sẽ gom lại và gởi về Saigon cho Thái Dương Nguyễn Tiến Chỉnh và Thái Dương Chỉnh sẽ trao tận tay AC Lê Bá Định ân tình của quý vị.
    Xin điều chỉnh lại cho đúng tên đường của địa chỉ Vĩnh Thuận là, 3513 Flowing Way (viết rời), tất cả chi tiết khác đều chính xác.
    Trân trọng kính báo,
    Bắc Đẩu Võ Ý
    Last edited by Cù Hanh; 12-03-2013, 11:38 PM.

    Comment


    • #3
      Xin cam on

      Comment


      • #4
        Thư cảm ơn của NT Lê Bá Định gởi đến quý chiến hữu Không Quân

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X