Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thầy Tôi

Collapse
X

Thầy Tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thầy Tôi

    Thầy Tôi

    hoa lê

    Ngôi trường tôi học là một trường đạo, bề thế nằm cạnh một bên là khu xóm luôn ồn ào náo nhiệt và một bên là ngôi giáo đường cổ kính lúc nào cũng u trầm tĩnh mịch. Ngoài chương trình học của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, bọn học sinh chúng tôi bắt buộc phải học thêm các môn Giáo lý và Pháp văn ngay từ lớp đầu tiên của bậc Tiểu học. Trong trường, chúng tôi chỉ ớn các frères dòng La-San mà thôi, bởi thế, giờ học giáo lý nghiêm trang như thế nào thì ngược lại, giờ học ngoại ngữ là lúc chúng tôi thể hiện châm ngôn "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Vào giờ Pháp văn, chúng tôi không ngớt miệng chào nhau bằng câu... Ta soeur chị mầy, mou mềm, long dài... mặc kệ ông thầy luôn mồm hò la chửi mắng.

    Lên bậc Trung học đệ I cấp, chúng tôi theo trào lưu lúc bấy giờ nên lấy Anh văn làm Sinh ngữ 1 mà cách dạy và cách học vẫn như xưa... nghĩa là học đọc, học viết, học văn phạm, học từ vựng mà không chú trọng đến việc học nghe, học nói.

    Vào đầu niên học lớp 9, lớp chúng tôi có một giáo sư Anh văn mới toanh. Theo lời giới thiệu của frère hiệu trưởng, chúng tôi biết ông thầy nầy có học vị cao và đã từng du học bên Mỹ. Ông có tướng đi tuy khoan thai nhưng rắn chắc. Lời nói chậm rãi, rõ ràng... có nét uy dũng của con nhà võ.

    Theo phong tục tập quán của riêng chúng tôi, giờ học sinh ngữ được xem như giờ giải trí, nên lớp học rất ồn ào vô trật tự... Đứng trên bục giảng, ông thầy bình tĩnh theo dõi chúng tôi thao diễn màn phá rối trị an... chợt thầy yêu cầu thằng quậy nhất bọn đứng lên và nói:

    - Trưởng lớp đâu? Lấy tên trò nầy cho tôi!

    Cả lớp nhao nhao trong tiếng cười khoái trá:

    - Chính nó là trưởng lớp đó thầy ơi!

    Mắt thầy sáng lên nhìn người đại diện đạo đức của lớp học, tay chỉ ra cửa mà gằn từng tiếng

    - Trò là trưởng lớp hả? Đi ra khỏi đây ngay!

    Lớp học bỗng dưng im phăng phắc... trong khi trưởng lớp riu ríu đi ra đứng ngoài hành lang nhìn vào lớp bằng ánh mắt rất ư là bất mãn. Thấy thế, thầy theo ra hành lang ban thêm lời đưa tiễn:

    - Đi chổ khác! Không được lởn vởn ở đây!

    Trở vào, nhìn lớp học tĩnh lặng như đang lúc cầu nguyện mà một chiếc lá rơi ngoài sân cơ hồ nghe thấy được, nét mặt phớt tỉnh Ăng-lê, thầy chậm rãi tuôn vài câu tiếng Anh mà bọn chúng tôi không tài nào hiểu nổi.

    Có vài tiếng xầm xì bên dưới:

    - Trời! Ổng nói tiếng Anh y như Mỹ vậy bây!

    Khi ngộ ra vốn liếng tiếng Anh sẵn có của chúng tôi, thầy than bâng quơ:

    - Học tới cuốn 3 rồi mà nghe những câu thông thường... mặt mày cứ đực ra như vịt nghe sấm vậy!

    Chúng tôi không hề tự ái hay xấu hổ vì câu đay nghiến nầy, bởi lẽ đó là sự thật, chúng tôi chưa từng có dịp đàm thoại bằng ngoại ngữ. Thầy là vị giáo sư đầu tiên dạy chúng tôi học Anh văn bằng Anh văn.

    Cách dạy của thầy chậm chạp, kỹ lưỡng. Thầy chỉ chuyển sang phần mới khi biết chắc chắn mọi học trò đều thấu đáo phần cũ, do đó sau vài tháng học, khả năng tiếng Anh của chúng tôi tiến bộ một cách đồng đều và câu tâm tình "Tao giỏi hơn mầy, mầy giỏi hơn thằng kia" hầu như không còn nghe trong lớp nữa.

    Điều chúng tôi thích thú nhất là xen kẽ trong các bài giảng, thầy thường kể cho chúng tôi nghe những sinh hoạt trên đất Mỹ, những sinh hoạt hãy còn lạ lẫm đối với chúng tôi vào lúc bấy giờ. Nhờ những chuyện kể nầy, chúng tôi hiểu được ý nghĩa của vài chữ tiếng Anh mà khi dịch ra tiếng Việt sẽ không trọn nghĩa.

    Có lần đang giảng bài, thầy phải dừng lại vì tiếng ồn của một phi cơ đang bay ngang. Ánh mắt xa xăm nhìn lên bầu trời trong xanh xuyên qua khung cửa sổ... bất chợt thầy quay xuống nhìn chúng tôi, rồi hỏi:

    - Trong lớp nầy, trò nào có thân nhân đi lính Không Quân?

    Nhiều cánh tay đưa lên... chỉ từng người, thầy hỏi thân nhân tên gì? cấp bậc? làm việc ở đâu?... Khi nghe, thỉnh thoảng mắt thầy rực sáng lên cười mỉm vì nhận ra người mà thầy quen biết... Hình như đây là lần duy nhất chúng tôi thấy thầy cười trong lớp.

    Tôi có người cậu ruột là một hoa tiêu khu trục. Gặp dịp cậu ghé nhà thăm gia đình, tôi mang câu chuyện ông thầy ra kể cho cậu nghe:

    - Ông thầy của con có lẽ thường đi quá giang máy bay nhà binh nên biết nhiều phi công lắm cậu ơi! Ổng còn biết cậu nữa đó!

    Cậu tôi hỏi:

    - Thầy con tên gì?

    - Dạ, tên Định!

    - Thầy con hút thuốc nhiều lắm phải không?

    Chợt nhớ ra, tôi reo lên:

    - Dạ, đúng rồi! Thầy hút thuốc liên miên hà! điếu nầy tàn, thầy châm đốt điếu khác.

    Cậu tôi cười xòa:

    - A! Đại úy Lê Bá Định! Quá giang cái gì... pilot xịn đó chứ!

    Rồi cậu tôi kể về thầy, thầy đang theo học Cao-học ở trường Luật, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và từng mở lớp dạy khiêu vũ...

    Hôm sau vào lớp học, tôi loan báo tin giật gân nầy cho cả lớp nghe "Ông thầy của mình là phi công lái máy bay tụi bây ơi!". Cả lớp bấy giờ ngưỡng mộ thầy lắm. Chúng tôi hình dung thầy là một con người văn võ toàn tài.

    Sau vài tháng êm đềm trôi qua... thế rồi... những giờ học bổ ích, tươi mát gieo trong chúng tôi niềm hy vọng một ngày nào đó sẽ nói được tiếng Anh lưu loát giống như thầy đã không còn nữa. Chúng tôi lại có một giáo sư Anh văn khác, vì thầy Định không còn thời gian rỗi rảnh để giúp chúng tôi. Vắng bóng thầy, giờ học Anh văn của chúng tôi trở nên ảm đạm, nhạt nhẽo.


    Thời gian trôi nhanh... Cuộc chiến càng lúc càng khốc liệt. Lịnh tổng động viên ban hành. Cũng như bao nhiêu thanh niên khác, tôi xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ để rồi trở thành một chiến sĩ Không Quân và tình nguyện phục vụ tại căn cứ Không quân Phù Cát. Lúc nầy thầy Định đã mang lon Trung tá và làm lớn tại Pleiku. Cuộc đời rong ruổi, thầy trò tôi cùng chiến đấu dưới chung một bóng cờ Sư đoàn 6 KQ.

    Một lần theo Biệt đội Chinook lên Pleiku, tôi tìm thăm thầy, nhưng thầy đã không còn ở đó nữa. Chỉ được nghe kể lại những chuyện hào hùng đầy ân tình về thầy. Như có lần thầy bay một mình quanh quẩn trên bầu trời nơi một phi cơ lâm nạn đến khi trời tối mịch để tìm kiếm một cánh chim rơi.

    Tôi còn gặp lại thầy qua các bài viết ký tên Lê Bá Định trong các truyện ngắn Không Quân và trên nguyệt san Lý Tưởng. Tôi thích thú đọc thầy, thầy có lối viết đơn giản không cầu kỳ. Nhất là các bài phú. Theo tôi, trong vài thập kỷ trở lại đây, thầy là một trong những người viết các bài phú tài hoa trên thi đàn Việt Nam.

    Vận nước đổi thay, thầy tôi cùng chung số phận với bao nhiêu người. Con người hào sảng phong lưu ngày nào đã phải lăn thân vào chốn lưu đày trong nhiều năm trời với ngút ngàn đau khổ. Đời thầy nếm vị đắng nhiều hơn vị ngọt.

    Giờ đây, thầy đã ở vào độ tuổi "cổ lai hy" mà vẫn nhất quyết không rời Việt Nam. Em hiểu thầy! Thầy đã chọn cho mình nơi chốn yên nghỉ vì muốn gắn liền quê hương vào trọn cuộc đời của mình.

    Nơi xứ lạ quê người, em thành tâm kính chúc thầy luôn được an khang.

    hoa lê
    tháng 10/2007
    Last edited by khongquan2; 12-02-2013, 08:48 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X