Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hoàng Hôn Bùng Sáng - Về 46 Năm Hội Ngộ của Khoá 2 Học Viện CSQG

Collapse
X

Hoàng Hôn Bùng Sáng - Về 46 Năm Hội Ngộ của Khoá 2 Học Viện CSQG

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hoàng Hôn Bùng Sáng - Về 46 Năm Hội Ngộ của Khoá 2 Học Viện CSQG


    Nguyễn Thừa Bình

    Vợ chồng tôi qua Cali rồi Texas gần cả nửa tháng trời mới về. Vừa bước vào nhà thì hay tin cháu trai 19 tuổi của cô em bạn cùng quê vì tò mò cây súng lục của ba má mà chết trong ngày Halloween với bộ đồ đen ngòm ma quỷ đang mặc trong người. Ngày hôm sau lại tiếp theo là cha của một người em bạn quen biết nơi cửa Chùa Từ Bi, 95 tuổi đang khỏe ru, thình lình cỡi Hạc về Trời không thèm nói với con cháu một lời từ biệt. Người ta buồn rầu, đau khổ đã đành, vợ tôi người dưng nước lã cũng rưng rưng những giọt nước mắt thương người! Ðời là bể khổ! Phật đã dạy.” Tuy nhiên, con người là cây sậy có tư tưởng như Blaise Pascal đã nói “L’homme est un roseau pensant”nên biết luồn lách mà tìm ra cho chính mình niềm vui riêng tư thoát vòng tục lụy.


    Phải qua: Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Văn Sáu

    Niềm vui đó, có khi hiếm hoi, mong manh như tơ mành nhưng cũng có lúc ào ào như mưa giông, bão tố…Có điều, chúng ta có biết tận dụng hay không một khi nó đến? Nên lấy làm trọng lời cổ nhân: “Nhân sinh bất mãn bách, thường hoài thiên tuế ưu”. Cuộc sống con người vốn không quá một trăm năm, sao cứ ôm hoài mối sầu ngàn năm? Tôi, nhiều buổi sáng ngồi một mình uống nước trà, ngâm nga mấy câu thơ của Tô Thùy Yên “ta về qua những truông cùng phá. Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may. Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ. Nghe tàn cát bụi tháng năm bay…” mà thương mình, thương bạn bè mình thân già đã quá già sao cứ bon chen vì cuộc sống đến nỗi không có cho mình vài năm cuối đời những ngày giờ ngắn ngủi thảnh thơi, thong dong …!? Và nghĩ như vậy, tôi đã qua Cali 2 lần dự 45 Năm, 46 Năm Hội Ngộ Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Từ 2 lần nầy, nhất là lần 46 Năm Hội Ngộ Khóa 2 vừa qua, tôi mới thấy rằng, suy nghĩ và việc làm của mình là đúng đắn và có ý nghĩa biết chừng nào với niềm vui giăng giăng mây trời hạnh phúc tưởng chừng không bắt gặp được bao giờ và không có bao giờ mà bắt gặp.

    Vợ chồng tôi lên máy bay Southwest Airlines tại phi trường MCI, thành phố Kansas City lúc 8 giờ 35 sáng ngày 24 tháng 10 năm 2013, và tới Phoenix, Arizona sau hơn 2 tiếng đồng hồ bay. Ngồi chờ, chúng tôi đi vòng vòng coi thiên hạ sự, đến gần 12 giờ trưa theo dòng người mà tiếp tục đi con đường còn lại để tới Orange County đúng 1 giờ trưa cùng ngày. Vậy là, chúng tôi đã mất hơn 6 giờ đồng hồ đi và chờ máy bay để qua một khoảng đường dài từ nơi tôi ở là Kansas City của Missouri đến Phoenix của Arizona vào khoảng 1,049 miles tức 1,689 cây số cộng với khoảng đường cuối sẽ tới là 334 miles tức 538 cây số nữa, tuổi già bảo sao không “mệt ứ hự”. Nói cho công bằng, chặng đường dài và thời giờ “chờ lâu quá”, vợ chồng tôi cũng bắt gặp được nhiều điều thú vị biết chừng nào, chắc chắn là không có nếu ở nhà. Kỳ nầy kinh nghiệm hơn năm ngoái, chúng tôi ì ạch kéo hành lý lên lầu mà vào khu vực departute để ra là gặp ngay ông bạn Vĩnh với ông bạn già bệnh hoạn Kỳ- dân đồng hương Phan Thiết- đang chờ sẳn chở về Little Saigon Inn trên đường Brookhurst.


    Ðiều nầy cũng nhờ ông bạn Phạm Hoài Dĩnh làm việc lâu năm trong phi trường John Wayne ở đây nhắc tới nhắc lui. “Ði một ngày đàng, học một sàng khôn” là ở chỗ đó. Người bạn sau 46 năm gặp lại đầu tiên là ông bạn Nguyễn Thái Bình tức là Bình Nam ở phòng 116 kế phòng tôi 115. Dù thời gian có có đẽo gọt bao nhiêu đi nữa và dù đang bệnh Parkinson mà khập khiễng chống gậy 4 chưng đi ngã đi nghiêng thế nào đi nữa, tôi vẫn nhìn ra người bạn già Nam Kỳ Quốc điềm đạm của tôi hồi đó và bây giờ không chút nào suy suyển. Tay bắt mặt mừng, anh cười như đang khóc và nói năng hết sức từ tốn và nhỏ nhẹ là bản tính muôn thuở muôn nơi của anh, cộng thêm tuổi tác, bệnh hoạn: “ tôi đi đây là tôi tùy tiện làm một việc như thể đã rồi mà vợ và các con tôi không thuận tình chút nào. Tôi nghĩ, không đi được lần nầy thì tôi sẽ không bao giờ đi được lần nào hết”. Thật là chí tình! Chút sau, hai ông bà già có vẻ tâm đồng ý hiệp đi ngang qua văn phòng Little Saigon Inn, tôi la to “ anh chị Thân, Phạm Trọng Thân” trước vẻ ngơ ngác con nai vàng của hai vợ chồng. Mừng quá! Vui quá! Anh Thân, vài năm nữa sẽ là ông cụ 80 mươi vẫn còn nhanh nhẹn, tráng kiện, đầu đội cái “beret francais” kiểu mấy chú chệt Chợ Lớn. Anh chị cho hay là đã đóng cửa tiệm sửa xe hơi để có mấy ngày với anh em nửa đời người mới gặp nhau. Tôi có nhắc trường hợp ông Vưu Hùng Kiến bận coi cái tiệm Phở VietNam mà không đi được. Chị Thân và anh Thân cùng nói là, tại ổng không muốn đi mà thôi, nếu đi thì đóng cửa vài ngày “có chết thằng Tây nào” như vợ chồng tôi đây. Anh chị nói đúng, khi không muốn đi thì đủ trăm phương ngàn cách mà biện giải. Tôi, không ai bắt phải làm nhưng cứ coi như trách nhiệm là mời gọi anh em về tham dự


    Ngày Tiền Hội Ngộ và Ngày Hội Ngộ Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia nên biết rất nhiều lý do mà lý do nào các bạn mình nại ra cũng chính đáng hết trơn làm anh em cứ “đắp chăn” nằm nhà, ai dám làm phiền nữa?! Ông thì “nuôi 2 con chó giữ nhà, đi ai coi?”. Ông thì “phải chở bà xã đi làm và chở mấy đứa cháu đi học”. Ông thì, bà vợ cho biết “ổng mê câu cá quá trời, đi sao câu?” Ông thì than vắn thở dài “nằm chờ chết đây, đi với đứng!”. Ông thì “muốn đi lắm, tiền đâu?” Ông thì giận cá chém thớt mà dỗi với hờn “tụi nó tổ chức, nhất định không đi”. Ông thì “tui đã gác kiếm giang hồ”, nói mấy cũng “đã gác kiếm giang hồ”. Ông thì “sợ di họa cho thân nhân còn ở Việt Nam”. Chưa nói tới việc điện thoại gọi hoài không thèm bắt. Email gởi hoài không thèm trả lời. Thật không phải dễ ai cũng đi. Việc tổ chức cho có một ngày như Ngày Kỷ Niệm 46 Năm Hội Ngộ của Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia không dễ chút nào. Cái khó là tìm đâu ra nhiều người hợp tác nhiệt tình mà sẳn sàng nhận sự phân công và cái khó hơn hết là làm sao mời gọi cho được anh em về dự đông đảo. Lữ quán Little Saigon Inn mấy ngày nầy ồn ào tiếng anh chị em phe ta. Huỳnh Ngọc Thuận ở phòng 109 mới tới là nhảy vào phòng tôi đang để cửa hở nhá đánh cùi chỏ và đá xông phi tôi mấy cái rồi cười hì hì. Thuận có biệt danh là Thuận Bình Ðiền theo tôi ở tù từ Biên Hòa tới Yên Bái, Văn Bàn, Lào Cai và Vĩnh Phú, người nhanh nhẹn, chí tình, hiền hòa, thủy chung…Trên lầu phía đối diện, Huỳnh Hồng Quang bí danh Quang 3 Ca nguyên là Thiếu Tá Trưởng Phòng 3 của Biệt Ðoàn 222 lại trú ngụ ngay trong phòng mang số 222. Cũng là điều lạ! Quang, người cao ráo, đẹp trai trong Toán Hầu Kỳ thời Học Viện năm 1967 nay cũng còn dềnh dàng đẹp lão, chính chắn, điềm đạm, ít nói mà nhiều suy nghĩ. Thuận Bình Ðiền và Quang 3 Ca là hai người bạn thân của tôi những tháng ngày Sinh Viên Sĩ Quan trong Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia ở Biệt Khu Thủ Ðô. Qua mấy chục năm chúng tôi mới gặp lại nhau ở đây, vui biết chừng nào, mừng biết chừng nào! Kế phòng Quang là phòng Mai Viết Ðịch từ Grand Prairie của Texas tới. Ảnh người Vĩnh Yên, cùng sanh năm Nhâm Ngọ 1942 với tôi và cũng bươn chải dữ. Một con người đã qua Thanh Niên Quốc Gia Ðoàn rồi Trường Bộ Binh Thủ Ðức, qua Xây Dựng Nông Thôn, về Dân Sự Vụ, vào Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, học Tình Báo Trung Cấp, phục vụ Kế Hoạch Phụng Hoàng Trung Ương, Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên…lên Thiếu Tá cũng là hên mà cũng là đương nhiên.


    Lắm, Sáu, Hàm, Bình, Triệu và Thái

    Nhìn anh ta là thấy ngay cái vẻ vừa đạo mạo lịch lãm lại vừa phong trần mà phong lưu, ngày 24 tháng 4 năm 1975 có máy bay loại của cơ quan tình báo CIA Mỹ bốc qua Wake mà tránh khỏi cảnh tù đầy của Cộng Sản Việt Nam. Bốn anh em chúng tôi cứ 5, 6 giờ sáng tinh mơ là gõ cửa nhau mời đi uống cà phê nơi quán Tip-Top kế bên mà nói chuyện đời thời bè bạn năm xữa năm xưa đã gần nửa thế kỷ. Thật là thú vị! Thật là ý nghĩa! Vị ngọt cuộc đời là những gìờ phút nhè nhẹ, êm êm nầy đây! Một sáng, chúng tôi những Nguyễn Kim Hàm, Nguyễn Thái Bình, Phùng Quang Triệu, Trần Văn Thái, Trịnh Công Danh và tôi đồng ý với nhau đến viếng an anh bạn đồng khóa Hồ Văn Lắm tại tư gia đang bệnh hoạn, cô đơn. Anh Lắm, nhìn biết ngay là một người thông minh, đĩnh ngộ. Ðời, có những xui khiến bất ngờ làm người ta ngã quỵ một cách thảm thương, xót xa biết chừng nào! Bây giờ là phế nhân, nhìn đời mà buồn thúi ruột thúi gan, ngồi nhà một mình anh nghe chết tâm hồn từng giây từng phút?! Chúng tôi biết làm sao?!
    Gặp nhau từng người bạn đã xa nhau từng nửa thế kỷ sinh bất phùng thời, việc không nhìn ra nhau thì có gì đâu đáng trách phải không? Việc “đố ai đây?” cũng là một thú vui nho nhỏ tìm được trong những ngày anh em tụ về dự Ngày Hội Ngộ năm nay. Ông Nguyễn Duy Thành tự là Thành De Gaulle thì ai, dẫu có trí nhớ mõi mòn tới đâu cũng phải nhìn ra “Thành De Gaulle”vẫn tính tình bình dị và tươi tắn. Có điều, anh ta không nhớ ai với ai hết trơn và vui vẻ tuyên bố một cách tiếu ngạo giang hồ rằng thì là “thần dân phải nhớ Tổng Thống chứ Tổng Thống đâu nhớ thần dân bao giờ?” Một ông Trịnh Công Thanh, tục danh là Thanh Bốc Khói đố ai nhìn cho ra. Ngày xưa, ổng tóc quăn quăn, người cao cao, ốm ốm mà bây giờ tóc chải mướt ra sau, lùn có lùn đi một chút nhưng mập mạp ra, sáng người ra và sang trọng ra lúc nào cũng nở nụ cười trên môi một cách thân thiện và bắt quen. Ông Trần Văn Bảy vốn thường gọi là Bảy Rổ nếu không nhìn thấy tờ giấy đeo nơi ngực mang chữ Bảy thì làm sao mà biết. Ổng “rổ” đâu nữa mà “Rổ” bây giờ trắng trẻo, hồng hào và có lẻ nụ cười nhiều hơn ngày xưa, không biết phải vì thay lòng đổi dạ hay tại hôm nay Ngày Hội Ngộ?
    Hai ngày sau, ngày 26 tháng 10 năm 2013, ông bà Nguyễn Văn Lợi đãi khách phương xa, mời tới nhà những anh em có những người đã 46 năm bây giờ mới gặp lại. Tôi thấy vài người bạn tôi, có người không nhìn ra, nhưng có người dòm thấy là biết ngay. Ông Huỳnh Văn Thanh là Thanh Cổ Cò ở tù với tôi ở K2, Z.30C Hàm Tân vẫn cao, nhưng ngày đó là cao lồng ngồng mà bây giờ là cao to dềnh dàng. Tù ra, chúng tôi vẫn thường đi lại với nhau và tôi có vài lần ăn cơm, uống cà phê đá trên căn gác xép nhà vợ chồng Thanh ở Chợ Lớn. Huỳnh Văn Thanh, người thông minh, vui tính, dễ dãi…Nguyễn Văn Tua lanh lợi, linh hoạt như hồi nào còn trong Học Viện, cùng bị tù “học tập cải tạo” với tôi ở K1 Tân Lập, Vĩnh Phú và Thanh Lâm, Thanh Hóa nhiều năm. Năm 1967 còn là Sinh Viên Sĩ Quan, có lần Tua dắt tôi, Trần Ngọc Ánh, Bùi Bình, Trần Khánh Thiện xuống nhà ở Củ Chi ăn uống, ca hát từ sáng đến chiều mới về. Trên đường về, Bùi Bình là Bình Phan Thiết bị một xe Honda của thằng chết tiệt nào đó quẹt vào. Tua giận lắm, nhưng không tìm ra “phạm nhân” đành hậm hực mà đi. Ông bạn Ðỗ Khanh, từ sau ra trường cuối tháng 10 năm 1967 đến bây giờ đúng y bon 46 năm tròn mới gặp lại, duy chỉ cái đầu tóc trắng phơ là khác , còn con người và đặc biệt giọng nói Quảng Ngãi đặc sệt của anh thì, chắc anh em ai cũng nhận ra. Ông Lê Ðình Phát tự là Phát Xệ, một bí danh mà ông bạn nào đó đặt cho, tôi nghĩ không được chính xác lắm vì Phát thuộc hàng đẹp trai hồi đó và đẹp lão bây giờ. Tôi nhớ, cuối tháng 12 năm 1970, ổng đã chở tôi vào Quang Trung để học Khóa 6/70 Thủ Ðức. Khóa học kéo dài 3 tháng ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và 8 tháng ở Trường Bộ Binh Thủ Ðức làm tôi mệt đừ 11 tháng trời ròng rã quân trường. Một người anh em bạn Ðặng Kim Hàm, vui vẻ, mau mắn và nhạy bén tôi mới quen biết kỳ nầy đã có công chở tôi tới nhà anh bạn Hồ Văn Lắm mà thăm và chở vợ chồng tôi tới đây tối nay. Anh là người rất linh hoạt, dễ được cảm tình? Còn các bạn Nguyễn Ngọc Thụy, Nguyễn Văn Hiền, Lê Sỹ Tài, Hà Thức, Phạm Hoài Dĩnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Hữu Hải…thì đã “thân cận” rồi từ hồi năm ngoái, nhưng quý bà Tua, bà Ðiệp, bà nào nữa nhỉ mới thấy lần đầu? Người ta nói “tha hương ngộ cố tri” mà cố tri đó lại là cố tri đồng môn, đồng khóa thì “cửu hạn phùng cam vũ” là không chạy đâu cho thoát. Anh em hôm đó nói chuyện ngày mai Ngày Tiền Hội Ngộ; chuyện quá khư một nửa trăm năm đi qua; chuyện bây giờ sống tuổi già trên đất Mỹ…thật là vui hết sức làm cho nụ cười tròn trịa trên đôi môi rung rung cảm xúc và niềm vui vời vợi.


    Sáng thứ Bảy, ngày 26 tháng10 năm 2013, khoảng chừng 10 giờ, các anh bạn Khóa 2 của mình dắt các bà vợ đến nhà anh chi Tuất ở 2525 W Chandler Ave, Santa Ana, CA 92704, nơi diễn ra Ngày Tiền Hội Ngộ càng lúc càng đông, càng chuyện trò thăm hỏi xôn xao đã làm bối rối, lúng túng các anh chị nơi bàn tiếp tân, ghi danh và nhận tiền không ít, nhưng không ai một lời phiền hà nhau. Mà phiền hà cái gì khi vui với nhau chưa đủ, mừng cùng nhau chưa bưa? Nói chí lý, chí tình, anh em ít ai nhìn ra ai khi ai ai cũng ăn mặc tươm tất, lịch sự đi cặp kè một bên với bà xã.


    Nếu không có Huỳnh Văn Thanh gọi tên Tươi thì tôi đâu biết cái ông già tóc hoa râm, hớt cao và người thon ốm kia là ông bạn Võ Văn Tươi của mấy chục năm trước? Ông Tôn Văn Pháp nhờ ông Nguyễn Văn Linh là Linh Già nói chuyện với nhau mà lòi ra cái tên là nhớ Pháp Thầy Pháp chắc thời Học Viện ưa làm bùa làm phép “úm ba la”? Ông Trà Văn Tứ thì không thay đổi bao nhiêu ngoài cái đầu có mấy sợi tóc đòi đi chỗ khác chơi mà hói trán, vẫn “nụ cười cầu tài” đậm đà tình anh em và lúc nào cũng quấn quít bên bà xã không hở, không rời, sợ lạc nhau chăng? Ðỗ Văn Trực mang xú danh Trực Thối, ai thì tôi không biết, nhưng tôi thì dù ổng có “bạch vân thiên tải không du du” trên trời cao lồng lộng và lâu bao nhiêu chục năm đi nữa, tôi cũng nhận ra “Trực Thối” vì cái mặt phúc hậu và cái miệng cười hề hề, bây giờ vừa đạo mạo lại vừa phong lưu ra phết. Ông Nguyễn Văn Sơn là Sơn Con của Trung Ðội 22 ngày nào của 46 năm về trước vốn hiền lành, ít nói năng thì bây giờ cũng tánh nào tật nấy giữ y nguyên, chỉ khác là khác con người ngày hôm nay có dáng dấp của một ông chủ Tây đồn điền cao su Dầu Tiếng.


    Nói tới đây mà không nói tới mấy anh em cùng khóa nằm bên Tiểu Ðoàn 2 là một thiếu sót đáng trách đáng chê. Nhiều, nhưng tôi chỉ nhắc đến vài anh em với tính cách tượng trưng, tiêu biểu. Anh Trịnh Công Danh nhìn qua là đã thấy ngay một con người hoạt bát, nhanh nhẹn lại hết sức nhiệt tình đi với một người vợ vô cùng vui tính thẳng tính và có lẻ là một hiền thê hay hát và hát cũng hay của ông bạn tôi? Hình chụp ở nhà anh Hồ Văn Lắm là Trịnh Công Danh làm phó nhòm. Anh Phùng Quang Triệu có bộ râu chết gái nằm ngang môi trên mà mỗi khi cười hình như mang mang sự kích khích thâm giao ân nghĩa tình bằng hữu. Vợ ảnh, tôi chưa được nghe nói hay có nói mà tôi quên nghe, chỉ thấy chị có lẻ là một “đồng vợ đồng chồng tát biển Ðông cũng cạn” của ông bạn Phùng Quang Triệu mà tôi gán cho cái danh mà cũng là lời chúc Triệu Triệu Phú mới quen mà đã thấy tình anh em cố cựu. Anh Trần Văn Thái, nghe nói là một trong những anh em ở Houston đã lập ra Nhóm Thân Hữu CSQG Houston Và Vùng Phụ Cận mà các Cựu SVSQ Khóa 2 là nồng cốt? Hèn gì, nhìn anh ta lúc nào cũng có những nụ cười xã giao mời mọc một cách chân tình hết lòng. Vợ ảnh có lẻ là một cô nử sinh xinh đẹp lắm thời cắp sách đến trường mà vẻ đẹp bây giờ vẫn còn vương vấn. Tôi chỉ thấy bà ta cười nhiều hơn nói và có nói thì nói rất ít và từ tốn. Ổng bả cứ bảo với vợ chồng tôi “khi nào xuống Houston thì ở nhà vợ chồng em”. Thật là “đồng thị thiên nhai lưu lạc nhân. Tương phùng hà tất tằng tương thức…”. Ðiều mà tôi lo nhất trong ngày nầy là chụp hình và quay phim từng anh chị em một để lưu niệm và nhà anh chị Tuất có đủ chỗ cho trên 100 người tham dự?


    Việc chụp hình và quay phim từng anh chị em một để lưu niệm tuy không được như ý Ban Tổ Chức mong muốn, nhưng “chín bỏ làm mười” thì cũng qua đi được. Ðiều đáng nói là điều quý hồ biết mấy tấm lòng của anh chị Tuất, có khi cả các cháu nữa. Thật là chu đáo từ việc căng lều tránh nắng, từ việc sắp xếp bàn ghế cho có chỗ mấy ông bà vừa ngồi ăn vừa nói chuyện, đến thức ăn vừa rất ngon lại vừa quá nhiều và nước uống thì nước ngọt, nước chai, cà phê nóng…Chị phải nghỉ làm một ngày và ảnh phải vác thân già gầy guộc với các con phụ giúp mới có được cho chúng ta một ngày “ngon cơm”. Xin lấy triết lý ăn uống nói một cách dài dòng, lượn thượm của cụ Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu ra mà minh thị “Ðồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, người ngồi ăn không ngon, không ngon. Ðồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, người ngồi ăn không ngon, không ngon. Ðồ ăn ngon, người ngồi ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, không ngon”. Chúng tôi xin cám ơn anh chị Tuất và cũng xin chuyển những lời nghe được của bạn bè từ đó đến giờ “cám ơn gia đình ông bà Tuất”. Phải nói, Ngày Tiền Hội Ngộ nơi nhà anh chị Tuất đã làm cho các cụ ông cụ bà như trẻ lại và bùng sáng thời son trẻ. Những ông Hà Thức, ông Nguyễn Một, ông Nguyễn Văn Lợi, ông Ngô Văn Quang, ông Nguyễn Văn Bé, ông Lê Ðức Tuân…tặng vợ cành hoa hồng sao mà tình tứ đến thế, “nịnh đầm” đến thế! Những ông bà ca sĩ già cứ bảo nhau “anh không chết đâu” em và em không chết đâu anh rủ nhau sống nhăn răng ra chờ đến ngày hôm nay ca hát mà hát thật hay, thật tình, thật lãng mạn thiệt. Hoan Hô các ca sĩ gạo cội bà Trịnh Công Danh, bà Hà Thức, bà Bùi Xuân Hoan, ông Nguyễn Duy Thành, ông Tôn Văn Pháp…đã cho nhiều cảm xúc bồi hồi, mang mang, thênh thang...vui thì vui biết mấy mà buồn cũng buồn lảng đảng quanh đây quanh đó. Ông Thành với vóc dáng cao lều khều, lưng đã còng thườn thượt và tóc thì chải tém ra sau, hát bài ca “thương hoài ngàn năm” của ông giáo sư triết học Phạm Mạnh Cương mà tôi cứ tưởng Thành De Gaulle của chúng ta đang than thở trận thua Weterloo tháng 6 năm 1815 hay thương nhớ góa phụ 2 con Josephine lớn hơn mình 2 tuổi của ông hoàng lùn xủn Napoléon Bonapart đảo Corse mà buồn tận đáy lòng.


    Thành De Gaulle “thương hoài ngàn năm »

    Ông Tôn Văn Pháp là Pháp Thầy Pháp hát bài “tuyết trắng” không thấy tuyết đâu mà thấy ổng hát nghe cũng “đã” cũng “phê” dữ, có điều ổng diễn ca như một kịch sĩ cải lương miệt vườn điệu nghệ và như một thầy pháp đang vẽ bùa, ếm chú…luyện thần thông phù thủy. Bởi vì đi tới đi lui nói chuyện ông bà nầy, gạ chuyện ông bà kia nên không nghe được bao nhiêu mấy “bà nhà” của bạn mình hát ra răng, chỉ thấy và nghe vỗ tay rần rần thì biết là “hay lắm”. Những chị vợ thường được các ông gọi là “nhà tôi”, “bà xã”, “má cu Tý”…bây giờ ví như những cô dâu Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia ít tập mà đồng ca nghe cũng ngon lành như mấy ổng rủ nhau đi “ăn phở” những nơi “grand opening” mới toanh. Một tấm hình chụp chung hết thẩy anh chị em để làm kỷ niệm trước nhà anh chị Tuất là ngày vui Tiền Hội Ngộ chấm dứt trong nỗi niềm tràn đầy ấm áp, thâm tình. Ai ai cũng nở những nụ cười “tươi như hoa hồng thắm” nhắc nhau “ngày mai gặp lại”. Vợ chồng tôi được ông bạn Nguyễn Văn Sơn là Sơn Con, còn là Sơn Sữa chở về Little Saigon Inn. Sơn ở Trung Ðội 22 với tôi, chắc hồi đó trẻ quá và bụ bẫm quá nên được anh em đặt cho 2 bí danh một lượt, nhưng đã có Lê Sữa và Lâm Babylac rồi, Sơn phải là Sơn Con để “dứt sữa” chứ? Chiều hôm đó về, tuổi già sức yếu “quật” tôi vào cơn mê thụy du hun hút tới 7, 8 giờ tối, nhưng vợ tôi từ xứ nhà quê qua đây nơi đô hội đã theo người bạn gái chở đi mua sắm không biết mệt, không muốn biết đường về.
    Chủ nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2013 ông bạn Nguyễn Văn Vĩnh chở vợ chồng tôi tới nhà hàng Diamond Seafood Palace ở 8058 Lampson Ave, Garden Grove, CA 92841 đúng 10 giờ sáng, nơi Khóa 2 Học Viện CSQG sẽ tổ chức Ngày Kỷ Niệm 46 Năm Hội Ngộ 1967-2013. Tôi đã thấy nhiều anh em trong Ban Tổ Chức chạy ngược chạy xuôi nhiều việc một cách vội vã, cập rập. Nơi cửa bước vào, một cái bàn vuông có chị Lê Sỹ Tài và chị Phạm Hoài Dĩnh ngồi ghi chép. Tôi hỏi 2 chị giấy bảng tên và markers kẻ chữ. Hai chị nói chưa có và đưa tôi xem những cây viết ballpoint pens, company pens đầu nhọn và nhỏ chút xíu. Tôi la lên “chết cha rồi”, may có anh Nguyễn Văn Trình đi mua giùm và mua về kịp. Nhà hàng Diamond Seafood Palace bề ngoài trông không bề thế, sáng sủa gì bao nhiêu nhưng bên trong với số người tham dự chừng 200 thì cũng ấm cúng và không đến nỗi nào. Khách mời lần lượt đến, chúng tôi thấy có 4 vị niên trưởng Học Viện CSQG có cùng một họ Trần là Cựu Viện Trưởng Trần Minh Công đi một mình, các cựu giảng sư đi với quý phu nhân là các ông Trần Quan An, Trần Quang Nam, Trần An Bài và ông bà Nguyễn Kim Hương Giang, ông bà Ngô Bá Phuớc, Ông bà Phan Tấn Ngưu cùng anh em Cựu SVSQ /CSQG huynh đệ…
    Những anh em Cựu SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG đã đến đông đảo, trong đó có những bạn không tham dự Ngày Tiền Hội Ngộ hôm qua tại nhà anh chị Tuất như ông bạn Trương Minh Quang, ông bà Nguyễn Hữu Trân, ông Trương Ðình Minh…Ngày Hội Ngộ bắt đầu lúc 11 giờ 05 phút là “rất đúng giờ” ấn định 11 giờ theo chương trình. Tôi nói “rất đúng giờ” là thói thường chúng ta không coi trọng giờ giấc, có khi trể cả 20, 30 phút không phải là lạ mà rất là luôn luôn. Trể 05 phút coi như không trể mà xí xóa để lấy lòng bà con lần sau cố “đi đúng giờ nghen”.


    Trái qua: quý phu nhân Trần Quan An, Nguyễn Văn Sáu và Hà Thức

    Hình như ngày Tiền Hội Ngộ quý anh chị em chúng ta lời qua tiếng lại chưa đủ đã và chưa đủ vui nên bây giờ mới “xáp” lại nhau là rôm rả, xôn xao rào rào tiếng nói tiếng cười tức thì. Cũng vì thế, trên sân khấu Cựu Giảng Sư Trần Quan An đang nói chuyện và âm thanh thì không đủ lớn để nghe cho rõ, tôi có nói với ông bạn già Nguyễn Văn Hiền “nhỏ nhỏ một chút”. Bị dị ứng, ổng phạng cho tôi một cú đá “ngạch lân” vào chấn thủy “ê, mầy là cái thá gì mậy…”. Tôi bỏ đi, không nghe gì nữa ổng nói thêm. “Bạn bè mình già, khó tính thấy mẹ, cố chấp thấy mẹ”, tôi thường nói với Huỳnh Hồng Quang như vậy khi Quang 3 Ca của ta nói rằng “có gì chúng ta nói thẳng”. Nói thẳng để mà đứt dây à!?
    Dù gì, Ngày 46 Năm Khóa 2 Hội Ngộ cũng là ngày hội của những anh em Khóa 2 sau gần nửa thế kỷ ra trường nên, không lạ gì ông bà nào cũng sáng ra, đẹp ra, sang trọng ra với khuôn mặt rạng rỡ, ăn mặc tươm tất lịch sự, nói năng hoạt bát, vui vẻ…khác thường. Tiếc hết sức, có những ông đã vì lý do nầy, lý do khác không có bà xã đi theo cho có “bách hoa tề phóng” nghĩa là “trăm hoa đua nở” thì hay biết mấy. Nếu tính con số anh em ra trường ngày đó năm 1967 so với con số anh em hiện ngày hôm nay cùng với gần 70 anh em đã ra người thiên cổ thì rõ ràng, anh em Khóa 2 Học Viện CSQG đã về tham dự Ngày Họp Mặt Khóa không phải ít, nếu không muốn nói rõ hơn một chút là phân nửa lận. Một con số thật đáng khích lệ cho Ban Tổ Chức và cho cả những anh em đã là những cụ ông dắt theo những cụ bà già yếu, bệnh hoạn, xa xôi, khó khăn đủ thứ về đông đảo. Quý hóa biết chừng nào, con tim ai mà không xúc động, bồi hồi, xao xuyến!? Tôi nghĩ, làm sao chúng ta có được lần thứ 2 như vậy, nói gì lần thứ 3, lần thứ 4!?
    Trên sân khấu, các ông bạn Nguyễn Ngọc Thụy, Lê Sỹ Tài, Nguyễn Văn Lợi với bộ đồ đại lễ của SVSQ Học Viện CSQG sau nầy trông rất đường bệ, có điều tôi thấy hơi hơi chột dạ một chút, hơi hơi khó chịu một chút vì những bộ đồ đó có hồi nào cho các SVSQ Khoá 2 Học Viện CSQG? Nhưng nghĩ lại, vậy thì các ông Tướng, các ông Tá lớn tuổi cho đến những anh em Chuẩn Úy trẻ măng mới ra trường trong những năm cuối cùng của Trường Bộ Binh Thủ Ðức, họ có ăn mặc gì khác nhau?


    Tưởng Niệm

    Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia dù thời trong Biệt Khu Thủ Ðô hay thời trên Ðồi Tăng Nhơn Phú Thủ Ðức cũng chỉ một tên Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Nhưng Trường Bộ Binh Thủ Ðức thì nhiều tên, từ École d’Officiers de Reserver đến Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức rồi Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức và cuối cùng là Trường Bộ Binh Thủ Ðức đóng ở Long Thành. Vậy thì, mấy anh bạn ta ăn mặc như vậy có sao đâu phải không? Khi tất cả đứng dậy làm lễ chào Quốc Kỳ, tôi liếc mắt thấy anh em ta tuy già thì già thiệt, nhưng đứng nghiêm vào thế nghiêm cơ bản thao diễn thì thiệt y như thời SVSQ trong Học Viện, ngay như anh Nguyễn Thái Bình, anh Nguyễn Thường Sơn đi hay đứng đều phải nhờ cây gây 4 chưn mà chống. Tôi có hỏi anh Bình “sao anh bỏ gậy mà đứng thẳng, đứng nghiêm được?” Anh nói “mấy hôm nay gặp anh em vui quá, hạnh phúc quá, chắc dzậy mà có khi bỏ gậy hồi nào không hay, không sao”. Một phần của Ngày Kỷ Niệm 46 Năm Hội Ngộ có ý nghĩa nhất, có xúc cảm nhất, có trân trọng và lưu luyến nhất là buổi Lễ Tưởng Niệm các đồng môn Khóa 2 Học Viện CSQG, khi nhạc buồn tử sĩ ứa ra những âm thanh trầm trầm, buồn buồn và giọng đọc nhẹ như tơ liễu phất phơ của anh Ngô Viết Trọng, ráng mới nghe ra “…Hôm nay chúng tôi. Những kẻ lưu vong may còn sống sót. Má hóp da nhăn, bạc thếch mái đầu. Tụ về đây ôn lại thuở bên nhau. Lòng chạnh xót cảnh người còn kẻ mất! Vì lẻ đó, chúng tôi. Ðốt hương tưởng niệm những đồng môn đã khuất. Bởi bệnh tật, già nua hay vị Quốc vong thân. Dù nấm ấm mồ cao hay áo đất quan sương, Xin cầu nguyện thảy siêu sinh vĩnh cữu!...” Hai bên sân khấu, slide show hiện tên và hình những bạn bè đã về bên kia thế giới. Ngay trước bàn thờ giữa sân khấu, anh Ngô Viết Trọng quỳ và đọc lời bài thơ Tưởng Niệm Các Ðồng Môn Khóa 2 Học Viện CSQG Ðã Khuất với 10 anh em mặc đồng phục vest đen đứng làm 2 hàng cầm đèn bạch lạp trắng trong 2 tay một cách thành kính, chân tình. Phía dưới 24 chị phu nhân của chúng ta với áo dài xanh đọt chuối chia làm 4 hàng song song đứng nghiêm đối diện cũng với những ngọn bạch lạp đang leo lét cháy trong tay. Một không khí u buồn, lặng như tờ, lạnh như đồng! Nhiều người không giữ đưọc những giọt nước mắt xót xa, thương cảm. Chị Phạm Văn Hết tới gần bên tôi vừa nói vừa thút thít khóc “Thấy các anh, tôi nhớ anh Hết quá”. Rồi như không ngăn được những giọt nước mắt như sóng trào, chị òa khóc. Nghe sao xót xa tận đáy lòng!


    Vũ điệu Hận Ðồ Bàn, 2 chị song vũ

    Hết, năm 1976 tôi có “nhậu” với anh ta một lần ở Thủ Ðức, sát nấm mồ gạch xây của ông Trương Văn Bền? Một bữa nhậu, hai đứa “cùng say chết cha luôn”. Nhớ lại, bây giờ lòng dạ nào ai lại không đau!? Rồi tên và hình ảnh một người anh em bạn đồng lao cộng khổ trong trại tù Việt Cộng ở Yên Bái, ở Văn Bàn, ở Vĩnh Phú hiện ra Võ Văn Sơn làm lòng tôi đau nhói trong ruột, trong gan. Sơn ở Văn Bàn năm 1977 đã bị 8 thằng nhóc loại cháu ngoan bác Hồ thay nhau đánh gần chết; ở Lào Cai năm 1978 ăn từng con trùn đất chỉ có đất và đất; ở K.5, K.1 những năm 1979, 1980 trảy từng vỏ hột lúa cho có hột gạo mà nhai đỡ đói. Sơn chịu khó giúp tôi đóng kịch giả bệnh hơn nửa năm trời nằm nhà “trây lười lao động”. Sơn, tính tình bộc trực, ngay thẳng quý mến tôi hết sức. Ảnh thường chữi thẳng mấy thằng anh em mình vào Ban Văn Nghệ Trại đóng vai chữi bới “Ngụy Quân, Ngụy Quyền”. Theo tính toán trước, tất cả anh em Khóa 2 với quý phu nhân cũng như quan khách đều được yêu cầu đứng dậy, đứng nghiêm trang trong suốt buổi Lễ Tưởng Niệm để biểu lộ một tấm lòng thương tiếc, lưu luyến, quý trọng. Không biết tại làm sao mà ông Thụy hoặc quên hay thay đổi để mạnh ai cứ ngồi với ngồi tỉnh bơ làm mất đi tính cách thiêng liêng và trang trọng?


    Buổi tiệc nào có văn nghệ mà có các sĩ nhất là những nữ ca sĩ vừa trẻ vừa đẹp lại vừa hát hay thì giá trị buổi tiệc đó gia tăng. Nhưng, không phải tôi khen kiểu như “mèo khen meo dài đuôi”. Nếu Ngày 46 Năm Hội Ngộ Khóa 2 có được những ca sĩ danh tiếng đương thời hát có hay biết mấy, có trẻ có đẹp biết chừng nào cũng không thay thế cái hay thâm trầm, cái ý nghĩa bao la, cái thiêng liêng vời vợi hơn các chị bà vợ của anh em chúng ta hát, múa ngày hôm đó nếu không muốn nói, có khi nó còn phá đi cái không khí thân thương, ấm cúng, gần gụi…Một gia đình ngày đoàn tụ, ngày hội ngộ cần gì hào nhoáng người ngoài mà cần êm ấm, thâm tình, hàn huyên những người một nhà với nhau là vui lắm rồi, hay lắm rồi và đầm thấm lắm rồi! Người mình hát, người minh nghe, người mình vỗ tay, người mình tặng hoa…vậy mà rộn ràng không xiết kể niềm vui thênh thang, miên man …Một Ban Văn Nghệ được thành lập trong một ngày từ những người tay ngang San Jose xuống, Florida qua nếu không muốn nói là tài tình, khéo léo thì làm sao chúng ta có được những màn đơn ca, song ca, đồng ca và nhất là màn múa theo vũ điệu Chàm bài ca Hận Ðồ Bàn? Các chị múa sao mà dẽo dai, mềm mại và nhẹ nhàng như các vũ công điệu nghệ; như hồi e lệ, thẹn thùng, khép nép thời mới quen mấy ông chồng? Tôi thật tình khen các chị vợ của các ông bạn mình. Nhớ là, không phải một mình tôi khen mà cả những ai trong nhà hàng cũng đều khen các chị “sao mà hay đến thế” một Ban Văn Nghệ Một Ngày lập ra trong một ngày và cũng tan biến đi trong một ngày. Ðiều tức cười là dưới sân khấu, bà Nguyễn Ngọc Thụy múa dẽo đeo thì trên sân khấu, ông Nguyễn Ngọc Thụy lại cười dẽo đeo dễ làm thiên hạ cười theo sốt ruột


    Ngày vui nào rồi cũng đến hồi kết cuộc. Cuộc hội ngộ nào rồi cũng phải chia tay. Tôi coi đồng hồ, đúng 2 giờ 40 anh bạn Nguyễn Ngọc Thụy, người MC chính trong Ngày Kỷ Niệm 46 Năm Hội Ngộ của Khóa 2 Trần Bình Trọng Học Viện CSQG tuyên bố chấm dứt trong nỗi niềm bịn rịn, quyến luyến mà trong lòng ai ai cũng nghĩ rằng có còn ngày gặp lại!? Bây giờ như chim lìa đàn tung cánh uể oải về muôn phương, anh em ngậm ngùi kẻ ở, người đi mà không dấu trong nỗi buồn. Nỗi buồn mai đây bọn mình những người già thất thập cổ lai hy, ai người “bỏ cuộc chơi”!? Thử tính xem, người trẻ tuổi nhất trong chúng ta là người vào Học Viện mới tròn 18 tuổi thư sinh bạch diện mà bây giờ cũng đã là những ông già 64 lụm thụm, mệt mỏi, nặng nề…huống chi những ông bạn lớn tuổi hơn nhiều thì “Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản” đâu có xa lắc xa lơ gì đâu! Những ông bà ở San Jose thì lo dzọt về ngay trong đêm tối để kịp ngày mai đi làm, không thì sáng sớm xách va li đi Xe Ðò Hoàng. Ngay các ông ở Los Angeles kế bên có ráng thêm năm ba câu chuyện nữa rồi cũng tìm đường “chẩu” về “tổ ấm”. Còn những thằng chúng tôi xứ xa lại, thường còn một, hai ngày nữa mới về thì tập họp tìm quán ăn “cà kê dê ngỗng” thêm chuyện đời trùng trùng như may bay trên trời cao bao la, mênh mông…Trong Học Viện, chúng tôi có mấy tên Sáu Lèo, Quang 3 Ca, Thuận Bình Ðiền, Ðức Fulro, Thành Nùng thường giao du nhau chuyện “tào lao Ngũ Ðế” đầu voi đuôi chuột mà thân. Ðức Fulro là Huỳnh Hữu Ðức giờ ở Pháp, mặn về Việt Nam “chơi” với mấy tay Việt Cộng hơn gần gũi với bạn bè xưa Học Viện. Còn ông Hoàng Văn Thành là Thành Nùng thì biệt tăm biệt tích “chết tiệt” ở cái xứ nào rồi trên đất Mỹ, tìm hoài tìm mãi không ra. Bây giờ chúng tôi còn 3 thằng với 2 bà vợ tìm quanh tìm quẩn một quán ăn “không đến nỗi nào một chút”, nhưng biết quán nào ở đâu bây giờ? Ông Thuận lái xe mõi tay, mõi mắt mù đường mãi mới có một quán mới mở không nhớ tên, ngay bên trái Cổng Chợ T & K trên đường Bolsa. Chúng tôi vừa ăn vừa ăn uống vừa chuyện vãn để ngày mai Huỳnh Hồng Quang về lại Salt Lake City, Utah. Thuận thì sau đó một ngày, hai vợ chồng cũng sẽ về Orlando, Florida. Vợ chồng tôi còn ở lại đến ngày 1 tháng 11 sẽ đáp máy bay Southwest Airlines xuống Houston, Texas trước là “ăn thôi nôi”, con đứa cháu hàng xóm hồi ở Việt Nam sau là dự một bữa tiệc Hậu Hội Ngộ Khóa 2 ở đó do những anh em Nhóm Thân Hữu CSQG Houston khoản đãi. cuộc đời tan hợp biển dâu là lẻ thường, nhưng chia tay nào cũng không tránh khỏi bùi ngùi, nhớ tưởng làm xót xa tất dạ, cõi lòng. Mới đó 2 ngày Ngày Tiền Hội Ngộ và Ngày Hội Ngộ qua mau. Mới đó tay bắt mặt mừng anh em, bây giờ mỗi người một ngả mù khơi. Mới đó niềm vui chất ngất bây giờ nghe sao dư âm xa dần xa dần vào cõi tịnh âm. Vẫn biết, cuộc đời có hợp thì có tan, nhưng sao lòng vẫn thấy đìu hiu, mông quạnh xót xót nỗi buồn xa vắng./.
    NGUYỄN THỪA BÌNH

  • #2
    Chẳng qua…một tấm lòng

    CHẲNG QUA…MỘT TẤM LÒNG

    Bốn giờ chiều thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2013, mới nhận được 2 dĩa dvd quây Ngày Tiền Hội Ngộ và Ngày Hội Ngộ 46 Năm Khóa 2 Học Viện CSQG, tôi thật sự không thích thú chút nào. Không thích thú có lẻ nguội lạnh chăng cũng có? Có điều chắc chắn là mình cảm thấy như bị bỏ quên và nảy lòng không thiện cảm, ơ hờ. Việc nầy không phải chỉ một mình tôi, mà tôi còn được biết, đã có rất nhiều anh em trách móc, phiền hà và sẽ còn nhiều anh em nữa trách móc, phiền hà. Con người, đừng ai chê bai tôi có tấm lòng tằn mằn tẳn mẳn khi mà trái tim và khối óc không thường đi một đường và cái lưỡi thì đong đưa luận điệu. Tôi, bề nào cũng phàm phu, tục tử, không phải thánh nhân toàn thiện. Dẫu gì cũng xin cám ơn người bạn đã gởi bộ dvd đó cho tôi để làm kỷ niệm mà đến bây giờ đây, tôi vẫn chưa “khui” ra để coi và cũng chưa biết ngày nào “khui” ra để coi. Ông bạn Huỳnh Ngọc Thuận ở Florida chiều hôm đó cũng nhận được 2 dĩa dvd nầy, vợ chồng coi và khen nhiều lắm, hứa “có tổ chức nữa thì đi nữa”. Ai lại không biết rằng “lời thật thì mếch lòng”, nhưng tôi là tôi từ nhỏ đến lớn “mếch lòng” thì “mếch lòng” vẫn cứ nói ra “lời thật”. Vậy mà, cuộc đời tôi cũng có nhiều bạn bè, những bạn bè cứ bảo nhau: “cứ như nó vậy mà hay”; những bạn bè cứ nói thẳng với tôi “mầy nhiều bạn bè quá là mầy không có bạn bè”. Nói như vậy là không đúng. Tôi bây giờ đã trên “thất thập cổ lai hy” rồi, mà nhìn Ðông, Tây, Nam, Bắc bạn bè tôi đông biết chừng nào. Người ta chơi với nhau có phải đâu bằng cái đầu mà chơi với nhau bằng cái bụng. Cái bụng không biết suy bì, tính toán, lừa lọc…


    NGÀY TIỀN HỘI NGỘ KHÓA 2
    TẠI TƯ GIA ANH TRẦN VĂN TUẤT

    Chiều nay, đài truyền hình CNN Mỹ chiếu tới chiếu lui tin tức 50 năm cũ về cái chết quá trẻ, quá sớm của Tổng Thống Kennedy, người tôi học được câu nói như một danh ngôn: “My fellow Americans: Ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country”. Bật qua băng tần 2072, đài truyền hình SBTN của Việt Nam thì có tin Trung Tướng Tôn Thất Ðính, người mà năm 1963 sau Cách Mạng 1/11 được xem như “người hùng” mới vừa tạ thế ở tuổi thượng thọ 87. Ông bà ta nói cũng không sai nhiều: “sinh hữu hạn, tử vô kỳ”, nên ai dám nói,“ Cái chết thường trước mặt người già và sau lưng người trẻ”? Tôi lại nghĩ câu nói người xưa tôi thường nói với anh em bạn bè rằng: “Ngũ niên, lục nguyệt, thất nhật, bát thời” là tuổi 50 sống chết tính từng năm, tuổi 60 tính từng tháng, tuổi 70 tính từng ngày, tuổi 80 thì sống chết bất kỳ lúc nào”. Bây giờ, tuổi già bạn bè chúng ta cũng đã “thất nhật”, “bát thời” rồi còn gì! Vậy thì, đã có một thời bên nhau hồi đó là Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia đầy kỷ niệm tình nghĩa anh em tứ hải, tình đồng môn đồng khóa, tình chiến hữu đồng nghiệp…nên trân quý, giữ gìn, gắn bó để rồi không còn bao lâu nữa đâu, vĩnh viễn không còn nữa đâu, không có nữa đâu! Có lẻ cũng đồng ý nghĩ như tôi, nên những anh em SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG đã từ tứ phía phương trời về đây rất đông tham dự Ngày Tiền Hội Ngộ và Ngày Hội Ngộ, ngày 26 và 27 tháng 10 năm 2013 vừa qua tại Nam Cali thật vui vẻ, thật cảm động!


    Ban Tổ Chức Khóa 2 Kỷ Niệm 46 Năm Hội Ngộ

    Những người đứng ra nhận nhiệm vụ làm Ban Tổ Chức đã tốn công sức biết chừng nào, chịu “lời qua tiếng lại” cũng nhiều, lo âu đủ thứ thượng vàng hạ cám…cũng chỉ để nối lại mối dây tình cảm thân thương những người bạn trẻ năm đó ngày xưa với những ông bạn già ngày nầy năm nay. Tôi lại nhớ 2 câu thơ của Hồ Dzếnh cũng cùng một nỗi niềm: “..Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ. Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa…”. Nhiệt tình sẵn có và sẵn sàng dù chông gai thấm biết mấy mồ hôi và đôi khi muốn chảy dài những giọt nước mắt không phải một ngày, hai ngày mà “muôn trùng” cả mấy tháng trời đằng đẵng. Là một sự hy sinh đáng trân trọng như sự hy sinh nào cũng đáng trân trọng, quý hóa. Cái lo lắng nhất của Ban Tổ Chức là làm sao có đông anh em cùng khóa về tham dự. Cái “sợ” nhất của Ban Tổ Chức là Ngày Hội Ngộ chỉ lèo tèo vài chục anh em đếm được trên đầu ngón tay. Anh em có rất nhiều lý do mà lý do nào cũng chính đáng để trả lời dứt khoát rằng “không thể tham dự được”. Chưa nói, anh em bây giờ biết ai với ai, ở đâu với đâu? Có nhiều anh em ở sát bên nhau như thể “gần nhà xa cửa ngõ” còn chưa biết mình cùng là người hàng xóm, huống gì thành phố nầy với thành phố kia hay tiểu bang nầy với tiểu bang nọ! Cho nên, việc tìm ra được anh em để “mời mọc” không phải dễ dàng, chưa nói tới việc anh em bãi hãi từ chối “không thể tham dự được”. Cái nhức đầu, cái mõi mắt vẫn là cái “cập nhật” danh sách anh em ghi tên tham dự thậm thà thậm thụt. Anh em mới đó ghi tên thì cũng mới đó rút tên. Anh em khi thì đi, khi thì không; khi hai người khi một người; có những anh em mời tới mời lui vẫn im hơi lặng tiếng, thình lình xuất hiện giờ phút chót…làm khó khăn đặt bàn, đặt ghế nhà hàng làm sao tương đối chính xác, không thì “ôm show” chỉ có “từ chết tới bị thương”. Còn biết bao nhiêu chuyện khó khăn, nhiêu khê biết chừng nào nữa, ai lại nói ra hết giống như một sự kể công thì hay ho gì. Ngang đây tôi cũng phải “nể” ông bạn Khóa 1 đàn anh Khóa 2 của tôi là ông Phan Thấn Ngưu, có một thời ở tù chung với tôi ngoài K.1 Tân Lập, Vĩnh Phú. Ổng dĩ nhiên có bả phụ họa, tổ chức tới tổ chức lui hằng nhiều chục lần tiểu hội, đại hội mà vẫn “khỏe re như bò kéo xe”. Xin hỏi, ông có bí quyết gì? Nói gì nói, tôi cũng dám bảo đảm, ổng bả mỗi lần “gây sòng” cũng lo nơm nớp. Lo bây giờ kinh tế khó khăn; lo bây giờ bạn bè già của mình đã mòn mỏi; lo mọi sự phân hóa, chia rẽ làm hố sâu hun hút…cũng nóng như ngồi trên đống lửa hừng hực cháy. Nói không phải nói vô cớ. Năm ngoái tôi có dự Ngày Tổng Hội CSQG Kỳ VI và Ngày CSQG Năm Thứ 40 ngày 26 tháng 5 năm 2012 tại Nhà Hàng Seafood Kingdom ở Anaheim, California với 50 bàn, khách ngồi gần hết. Tôi thấy khuôn mặt ông bà Phan Tấn Ngưu tiêu biểu cho Ban Tổ Chức hết sức rạng rỡ, hạnh phúc. Cái hạnh phúc, người ngoài nhìn và nghĩ có vẻ đơn sơ, ít ỏi, nhưng người trong cuộc cảm thấy vô vàn, mênh mang...Cuộc đời, vốn dĩ xen kẻ nhiều đau khổ tột cùng thì cũng có nhiều hạnh phúc tràn trề bù trừ. Hạnh phúc không phải đi tìm, đi mua, trao đổi… mà hạnh phúc lượm lặt được từ thành quả của sự cống hiến, hy sinh, tận tụy. Những bạn bè tôi trong Ban Tổ Chức lo Ngày Tiền Hội Ngộ, Ngày Hội Ngộ Khóa 2 Học Viện CSQG vừa qua cũng như ông Phan Tấn Ngưu như đã nói ở trên đã chịu gian đầy biết chừng nào để Lực Lượng CSQG vẫn còn Lực Lượng CSQG cho chúng ta suy niệm, tưởng nhớ dấu ấn một thời nửa thế kỷ đi qua, để làm gì nhỉ và tại làm sao nhỉ? Chẳng qua…một tấm lòng! Xin hiểu cho, con người sống gắn bó nhau, thuận hòa với nhau cũng “chẳng qua…một tấm lòng. Một tấm lòng không suy suyển tấc dạ thủy chung.
    Mình cũng phải nói đến những vị niên trưởng Tuổi Hạc đã cao mà tấm lòng vẫn còn sắc son với Tổ Quốc, với anh em Lực Lượng CSQG, Học Viện CSQG như Trần Minh Công, Trần Quan An, Nguyễn Kim Hương Giang, Trần An Bài, Trần Quang Nam…mà chúng ta vừa thấy nhân ngày họp mặt Khóa 2 Học Viện CSQG cuối tháng 10 vừa qua. Quý vị để lại trong lòng ai không biết, nhưng trong lòng tôi và cả vợ tôi một tấm chân tình trân trọng, cảm phục. Bà vợ tôi cứ nói “thấy mà cảm động biết chừng nào” và đã ngồi bên bà Trần Quan An mấy phút tâm tình mọn “…Cảm động biết chừng nào” vì quý vị niên trưởng là bậc thầy, là đàn anh của chúng ta đã gần đất xa trời mà tâm sự vẫn cứ một lòng với học trò, với đàn em. Ðiều thêm quý hóa là quý vị phu nhân cũng “xuất giá tòng phu” theo chồng phó hội một cách nhiệt tình, vui vẻ. Tôi không phải trong Giang Cảnh nên không biết “xếp” Nguyễn Kim Hương Giang của mình già bao nhiêu tuổi, nhưng đoán cũng đã 80? Thỉnh thoảng nhìn ông bà, tôi bắt gặp được những nụ cười tươi thoáng qua nét mặt tuổi già nặng nề, mệt mỏi. Tôi nghe nói, những anh em trong Lực Lượng Giang Cảnh đã mời thầy “Hội Ngộ” thêm một lần nữa sau đó. Thầy trò nhìn nhau vui thì cũng hết sức vui mà buồn cũng không phải không ít. Họ biết rằng, mai đây người còn, kẻ mất và mãi mãi không bao giờ gặp lại! Từ tấm lòng biết ơn và kính trọng, chúng tôi xin cầu chúc chư vị những ngày bóng ngả về chiều cuộc đời thênh thang hạnh phúc…


    Ông Bà NGUYỄN KIM HƯƠNG GIANG

    Những khách mời của Ban Tổ Chức Ngày Kỷ Niệm 46 Năm Hội Ngộ Khóa 2 Học Viện CSQG ngoài vị Viện Trưởng, những vị Giảng Sư, liệt vị niên trưởng, những bạn bè huynh đệ trong lực lượng CSQG ra, nồng cốt vẫn là những Cựu SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG từ nhiều tiểu bang Hoa Kỳ về tham dự sau 46 năm ra trường. Thành công hay thất bại của Ban Tổ Chức chỉ việc nhìn vào số lượng người anh em đồng môn Khóa 2 Học Viện CSQG tham dự ít hay nhiều. Cũng may, “Kỷ Niệm 46 Năm Hội Ngộ Khóa 2” anh em khắp nước Mỹ về tham dự rất đông đảo, rất vui vẻ. Có phải vì chúng ta nhớ nhau nhiều lắm phải không? Nhớ như nỗi nhớ xót xa của con ngựa Hồ phương Bắc hí vang mỗi khi gió Bấc thổi về; như con chim xứ Việt thường đậu cành cây phía Nam thì cứ làm tổ nơi cành Nam. “Hồ mã tế Bắc phong; Việt điểu sào Nam chi” là thế đó! Nói thì nói như vậy. Mọi việc không phải minh bạch, đơn giản như một cộng với một là hai. Nó có từ tấm thạnh tình, lòng ao ước, tính thủy chung, tâm lý hoài vọng…mà vượt qua biết bao “quản ngại” mới về đây, anh em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi mà không biết ngày mai, ai còn ai mất!? Ðúng, nhưng chưa đủ. Nó còn có sự lì lợm mời mọc, năn nỉ, đốc thúc, khích bác, dè bỉu…anh em chưa chắc đã chịu dời bước. Nếu ai nghĩ, đây là sự thậm xưng hay là sự nói quá, tôi nghĩ chính người anh em đó chưa phải người trong Ban Tổ Chức đứng ra kêu gọi người ta tham dự Ngày Hội Ngộ mình tổ chức, nhất là ngày hội đó lại là Ngày Hội Ngộ Khóa 2 Học Viện CSQG.








    Quý bà, trái qua: Linh, Tua, Tài ( ngồi )
    Quý ông, trái qua: Quang, Linh, Thụy, Tua, Ðiệp, Lâm (đứng )


    Ngồi, trái qua: Thiện, Sáu, Thanh, Giao
    Ðứng, trái qua: Hợi, Huỳnh, Thanh, Tứ, Ðiệp, Bảy, Tua

    Tôi có làm, tôi có biết mà nói ra rằng “không phải dễ chút nào”, phải không các ông bạn Nguyễn Văn Lợi, Lê Sỹ Tài, Phạm Hoài Dĩnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Ngọc Thụy…? Xa hơn nữa, phải không anh Phan Tấn Ngưu, anh Nhữ Ðình Toán, anh Thái Văn Hòa, anh Dư Quang Nê…? Sau thời gian anh em xa nhau quá lâu, quá xa bây giờ nhìn lại, ai không bùi ngùi kiểm điểm kẻ còn, còn thân xác già nua, yếu đuối, khổ trăm bề; người quá cố, “chết làm sao tội nghiệp quá”. Có anh em muốn đi nhưng “mua nhà rộng cho đủ phòng mấy đứa con ở. Nay chúng ra riêng, ở xa. Nhà muốn bán, bán không ai mua. Hai vợ chồng già đã 70 có phải đi làm cho đến ngày tận số cũng chưa trả xong nợ cái nhà”. Một ông ở San Diego California, một ông ở Fortworth, Texas bị “stroke” mấy năm, không chết là may! Bạn Lê Tấn Hợi mới nói chuyện cách đây vài hôm than thở “bao tử đã cắt bỏ một phần” nó hành hạ, mất ăn mất ngủ, đau đớn hơn hai năm nay thì hôm nay đã vào bệnh viện Fountain Valley nằm khu bệnh ung thư. Có những anh em muốn đi, không những đi một mình mà còn cặp kè bà vợ đi theo nữa, nhưng “ai chở ra phi trường, chở về nhà và đi đứng làm sao?” Ô hô cái thân già! Vậy mà, anh em Khóa 2 Học Viện CSQG đã về tham dự Ngày Tiền Hội Ngộ và Ngày Hội Ngộ Khóa 2 thật đông đảo, tính ra cả nửa tổng số anh em còn lưu lạc trên quả địa cầu, làm ai ai cũng phấn chấn, háo hức, vui vầy mà suy nghĩ, không biết có còn lần nào nữa? Tôi nhìn ông Bảy, không nhìn ra là ông Trần Văn Bảy là Bảy Rổ ngày xưa; ông Thanh không nhìn ra là ông Trịnh Công Thanh là Thanh Bốc Khói ngày xưa; ông Pháp không nhìn ra là ông Tôn Văn Pháp là Pháp Thầy Pháp ngày xưa…Các ổng già có già, nhưng đạo mạo hơn, sang trọng và kiểu cách hơn, ước chừng còn lấy vợ trẻ, trẻ hơn vài chục tuổi cũng còn được. Tôi gặp ông Nguyễn Văn Em năm ngoái, tự hỏi : “ông bạn nào đẹp lão dữ?”. Năm nay gặp lại, tôi thấy ổng còn phương phi hơn nhiều. Lạ, người ta càng già càng xấu, ổng thì càng già càng tốt tướng hơn.Tôi hỏi bà xã của ổng “bí quyết nào chị “nuôi” ổng đẹp ra thế nầy?”. Một cách e dè chị nói: “nuôi ổng khổ trăm điều anh ơi”. “Khổ trăm điều anh ơi” nghe bà vợ tôi kể lại: “chỉ bám riết dấu chân tù oan nghiệt của ảnh mà “thăm nuôi” khắp núi rừng trong Nam ra Bắc bất kể mạng sống và cuộc đời”. Ôi, những bà vợ, những bà vợ những người tù “học tập cải tạo” cao cả, thiêng liêng biết chừng nào! Rồi ông Trần Khánh Thiện, ai cũng nói “không biết nó ăn “cái giống gì” sao không thấy nó già, cứ trẻ ra, đẹp ra còn hơn thời Học Viện cách đây gần 50 năm”. Còn ông Nguyễn Duy Thành cao lênh khênh ai không nhớ là Thành De Gaulle trong “Thập Tam Thái Bảo” của Khóa 2. “Thập Tam Thái Bảo” của Khóa 2 là 13 chàng trai cao lồng ngồng, lêu khêu, lều khều dẫu có lâu bao nhiêu mấy chục năm, ai cũng nhìn ra Nguyễn Duy Thành, Võ Thế Long, Cao Quý, Trương Minh Quang, Huỳnh Hồng Quang, Huỳnh Văn Thanh, Trần Văn Ba, Lê Trung Hưng, Nguyễn Hữu Thành, Lê Trung Tài, Huỳnh Văn Cò và 2 anh bạn cao như sếu, như cò nữa tôi quên tên. Hôm qua nói chuyện với ông bạn Trương Vĩnh Hảo có tên trong Học Viện là Hảo Ðen vì có Mai Văn Hảo trắng trẻo hơn là Hảo Trắng hiện đang ở Georgia. Ổng bảo khi nào lên Des Moine, Iowa thì nhớ ghé nhà ổng trước là thăm nhau, sau chở cá bass trắng về ăn thả giàn. Cá bass trắng là white bass còn gọi là sand bass có nhiều ở vùng Midwest của tôi và Hảo cư trú. Loại cá nầy có con cân nặng hơn 6 pound tức khoảng 3 kg, thịt ăn ngon, béo và nấu cháo hay um thì “hết sảy”.


    Người ta thường nói “xa mặt, cách lòng” nghĩ ra cũng đúng. Xa đã 46 năm không nhìn thấy nhau, buổi đầu nói chuyện trên điện thoại, tôi với ổng cũng ngập ngừng, nhưng dần dà anh em tìm lại nhau kỷ niệm thì sự quý mến thật đậm đà, thân thiết như thuở nào tuổi trẻ 20, 25…hồi đó. Tôi cũng biết, nhiều anh em ta có quá nhiều trở ngại, quá nhiều khó khăn…mà muốn đi cũng không đi được làm anh em đó cũng buồn đã đành mà mình cũng buồn cái buồn “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, thì dù sao, niềm vui cũng “cò kè bớt một thêm hai” đi rồi?


    Chiều nay, ông bạn Trương Văn Sang gọi điện thoại nói có nhận điện thoại của tôi mà không trả lời được. Tôi biết và anh em Khóa 2 ai cũng biết, vợ của Sang mấy bữa đó đang nằm bệnh viện. Anh ta lo không xuể, tâm trí còn đâu trả lời ai? Bây giờ vợ anh ta đã về nhà, sức khỏe thì lần lần hồi phục, nhưng bệnh tình thì “đang tìm thuốc ngoại khoa điều trị may ra”. Sang là người hưởng ứng ngay lời mời của tôi về tham dự Ngày Khóa 2 Kỷ Niệm 46 Năm Hội Ngộ. Mọi bất ngờ, ai biết được ảnh không đi. Lại nghĩ tới ông Trần Khánh Thiện là Thiện Anh Khoa trông trẻ đẹp như “lão ngoan đồng” Chu Bá Thiên trong Thần Ðiêu Ðại Hiệp của Kim Dung lần nào Bắc Cali xuống Nam Cali họp mặt với anh em thì y như rằng, bà vợ của ổng lúc nào chứng thấp khớp cũng hành hạ đau nhức, lết không muốn nổi về lại San Jose. Và nhắc lại ông Lê Tấn Hơi, tôi có hỏi: “sao không thấy Ngày Tiền Hội Ngộ ở nhà ông bà Trần Văn Tuất?”. Tôi nghe anh ta nói mà như nghe lời than thở u uất, rằng: “cái bệnh bao tử của tôi, tôi đau lắm, đâu đứng được lâu, đâu đi được lâu tới nửa giờ đồng hồ”. Bây giờ, nghe anh đã nhập viện, nằm trong khu bệnh ung thư, bạn bè lòng ai lại không nhói đau nỗi đau se thắt! Vậy đó! Bạn bè chúng ta già là như vậy đó, chờ nỗi oan khiên đất trời giáng xuống bất kỳ lúc nào mà không làm sao chống đỡ, biết làm sao chống đối?! Có lẻ cảm nhận được những bất trắc tuổi càng già càng nhiều, nên Ngày Khóa 2 Kỷ Niệm 46 Năm Hội Ngộ vừa qua, anh em ta đã tề tựu về đông đảo, mang theo biết bao nhiêu niềm vui như chưa bao giờ vui hơn. Và cũng trong ý nghĩ sâu sắc đó, tôi hết sức mong anh em mình vẫn còn ngày nào trên trái đất nầy, đừng đòi hỏi phải có thuận lợi nầy, thuận lợi kia, hãy tìm về với nhau trong những Ngày Kỷ Niệm, những Ngày Hội Ngộ…mà tự nghĩ trong bụng trong dạ rằng “chẳng qua…một tấm lòng”, để còn nhìn được anh em một đôi lần cuối, rồi tận cùng con đường đời, ai cũng có con đường nấy mà âm thầm ra đi, đi mãi.. đi mãi…vĩnh biệt./.


    NGUYỄN THỪA BÌNH
    Kansas City, đêm 25/11/2013
    Last edited by Phòng Trực; 01-14-2014, 11:30 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X