Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Gặp lại Miss Saigon

Collapse
X

Gặp lại Miss Saigon

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Gặp lại Miss Saigon

    GẶP LẠI MISS SAIGON


    ..”Năm 1996, tôi được phép đến Mỹ bằng Visa chính thức; ngay đêm đầu tiên ở Newyork, nhóm chúng tôi lại được bạn ưu ái tặng vé xem nhạc kịch tại nhà hát lớn Broadway, nơi cách khách sạn không xa. Thật ra, với nhạc kịch, anh em chúng tôi không mặn mà cho lắm, nhưng cái tên “Miss Saigon” ghi trên ticket của Nhà hát lớn Broadway đã làm chúng tôi tò mò phải đi xem cho dù mới bay một chặng đường dài hơn nữa vòng trái đất ” ..

    Trước khi rời Sài Gòn, K có nói với tôi “Có thời gian, bạn nên đi xem vỡ nhạc kịch Miss Saigon... thấm thía và sâu sắc lắm”. Ấy vậy mà tôi lại được trải nghiệm vở kịch ấy ngay ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ. Người hướng dẫn nói: Anh K dặn phải cho các anh xem kịch trước khi rời Newyork, vì lộ trình của các anh là sẽ không có thời gian quay lại.

    Năm đó, tôi rời Newyork với tâm trạng của một người Việt ‘tha hương ngộ cố tri”, cố tri của tôi chính là nội dung của vỡ Miss Saigon . Tôi cũng chưa kịp nhớ được hai cái tên tác giả (Claude-Michel Schonberg-soạn nhạc và Alain Bublil-Biên kịch), chỉ nhớ được vài ba nhân nhật chính như Kim (Miss Saigon), Christ (lính Hải quân Mỹ), John (MP Mỹ) và đặc biệt là tên Engineer (kỹ sư) mà ngay khi hắn xuất hiện trên sân khấu chúng tôi đã ngầm hiểu ngay chính là tên “ma cô” không hơn không kém. Vai anh Kỹ sư lúc nầy do một diễn viên người Trung Quốc đóng, vai Kim do diễn viên trẻ Philippine đóng, dù không đạt 100% nhưng cũng thể hiện được tính cách của những người Á đông; bởi nhân vật trong vở diễn là người Việt Nam.

    Đêm ngủ lại ở Newyork, tôi cứ suy tư mãi về vở diễn với ao ước khá đơn giản: nếu vở diễn nầy đến được tay kỳ nữ Kim Cương chuyển thể thành kịch Việt Nam thì hay biết mấy! Chỉ là suy nghĩ vậy, bởi tôi cũng tự khẳng định đó là điều không tưởng .

    Và rồi, ấn tượng về một vở nhạc kịch châu Âu đầy ắp hơi hướng Sài Gòn những ngày 30 tháng tư 1975 đã vương vấn mãi trong tôi cho đến bây giờ .

    ***

    Như một sự tình cờ, vào trang mạng của bạn hữu, tôi lại bắt gặp bài phê bình của một tác giả Việt xa xứ về nhạc kịch Miss Saigon viết năm 1996, đúng vào thời điểm tôi được xem vở nầy tại nhà hát Broadway. Cùng lúc là những thông tin vui của những nhà tổ chức tái diển Miss Saigon tại chính nơi xuất phát điểm của nó là Luân Đôn (Nhà hát Theatre Royal hay Sân khấu kịch West End?). Hai mươi lăm năm sau Miss Saigon ra đời mà nó vẫn có sức hút mãnh liệt công chúng yêu thích kịch nghệ Anh Quốc. Ngay ngày đầu tiên bán vé, nhà sản xuất đã thu được đến 4,4 triệu bảng Anh (hơn 147 tỷ đồng VN).

    Với tôi, tác giả bài phê bình là bậc trưởng thượng, ông viết rất hay, nhận định rất sâu sắc. Bài viết của ông mang đầy tính u uất của một người Việt ly hương. Ông buồn cho thân phận người đàn bà Việt Nam trong cuộc chiến tranh, đồng thời oán hận tác giả, nhà biên kịch và những nhà sản xuất đã khơi lại đống tro tàn tưởng như đã nguội lạnh từ mấy mươi năm qua.

    Nhưng với tôi, nhìn Miss Saigon với một góc độ khác, thì nội dung vở diễn đã thể hiện được nỗi đau, cái hiện thực xã hội của Sài Gòn thời kỳ 75 và sau 75. Kim, cô gái Sài gòn là hiện thân của xã hội đổ nát thời đó. Là một nạn nhân của xã hội, là một nhân chứng sống của chiến tranh , nhưng cao cả hơn là một người đàn bà biết chịu đựng và biết hy sinh cho hạnh phúc của con mình.

    Xã hội Việt Nam trước 75 có “me Mỹ” nào được coi trọng không?, nó được xếp vào hàng của những gái bán ba, đỉ điếm đứng đường. Xem Miss Saigon, tôi thấy thương cảm cho nhân vật Kim, trân trọng tấm lòng của anh lính Hải quân Chris, của người bạn MP John, tức tối nhưng thán phục bộ mặt đạo đức giả của anh Kỹ sư đã bám theo Kim suốt từ thời kỳ Sàigòn chưa thất thủ đến lúc Kim tìm lại được người yêu cũ là Chris tại Vương quốc Thái Lan. Nỗi đau của Kim, thân phận hẫm hiu của cô gái Việt ấy luôn gắn liền với những địa điễm nổi tiếng của hai thủ đô: Các quán bar Sải gòn và khu Pạt Pong (Bangkok). Cái hay của vở diễn chính là những cái nút thắt rồi mở, có lúc tưởng chừng như vở kịch sẽ kết thúc có hậu vậy mà lại khác. Kim tự sát để tìm lấy ánh sáng tương lai cho con trai, đồng thời bảo vệ hạnh phúc cho Chris, trong đó cũng có một chút tự ái của người phụ nữ Á Châu trước một người phụ nữ Mỹ là vợ hiện tại của Chris-chồng mình.


    Cái ấn tượng ban đầu của tôi, một người khán giả xa lạ với nước Mỹ ở nhà hát Broadway, chính là tiếng động cơ quen thuộc khi màn vừa mở. Đó là tiếng “đổi sải“ của chiếc UH1 đang vào “final” bãi đáp. Quen thuộc đến xúc động lạ thường!.

    Màn mở, sân khấu rõ dần với tầng trên của Tòa Đại sứ Mỹ-Sài Gòn, nơi chiếc UH1 vừa đáp. Đó là một hoạt cảnh hết sức hổn độn, dòng người hòa trộn với dòng kẽm gai đong đưa bần bật rung dưới cánh quạt trực thăng. Không có bao nhiêu người được kéo vào lòng chiếc UH1, một số người bị xô ngược rơi xuống và chiếc UH vội vàng cất cánh. Đó là những hình ảnh sau cùng của người Mỹ và Việt Nam tại Sài Gòn vào những ngày cuối cùng 30 tháng 4.

    Nhạc kịch châu Âu cũng giống những vở cải lương của Việt Nam, âm nhạc và lời hát, vũ điệu liền một mạch, cố gắng lắm tôi mới nghe lõm bõm được vài tiếng, nhưng lại hiểu rõ được cốt truyện.

    ... “ Nhân vật Miss chính của vở nhạc kịch là Kim, tiếng Sài Gòn đuợc ghép theo chỉ là một “từ mượn” vì Kim không phải người Sài Gòn. Là một cô gái quê nghèo, gia đình ly tán vì chiến tranh phải lên Sài Gòn kiếm sống, rồi trở thành gái bán bar ở khu “Bar Mỹ”. Trong số muôn ngàn anh GI đến đây mua vui, Kim lại gặp và thương Chris, một anh lính Hài quân trẻ được biệt phái làm việc tại Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Hai người cưới nhau trong vội vã. Ngày Sài gòn vào cơn hấp hối, Chris được lệnh ra đi, anh muốn đưa Kim theo nhưng bất lực, chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh rời tòa Đại sứ Mỹ trước ánh mắt đau khổ của Kim và sự vật vã, tiếc nuối tột cùng của Chris.

    Sài Gòn thất thủ, Kim gặp lại người yêu cũ thời học sinh, giờ là cán bộ CS. Về tìm Kim, tưởng như nối lại được mối tình hình học trò trong trắng thơ ngây, nhưng ý thức hệ cộng với đứa con lai của Kim đã làm mối tình chấp nối ấy sớm tan vỡ. Trong một cơn giận dữ, anh cán bộ CS rút súng định giết đứa con lai, nhưng rồi lại bỏ đi để lại khẩu súng ngắn –cái nút mở cho đoạn kết nhạc kịch.

    Trong cơn đau khổ tuyệt vọng ấy, tên Kỹ sư lại xuất hiện với những hứa hẹn tìm cho Kim một ánh sáng cuối đường hầm. Nhà biên kịch muốn dùng tên Kỹ sư để nói về một người có trình độ học vấn, biết ngoại ngữ, nhưng thực chất hắn chỉ là một tên ma cô đội lốt. Bởi thời gian Kim và Chris quen nhau đã có sự chứng kiến, đưa đẩy của anh Kỹ sư trong vai trò của một “Mettre “ nhà hàng. Ba mươi tháng tư, hắn thay áo ma cô thành “Cách mạng 30 “, một thời gian chân tướng bị lộ lại tìm nới bám, khổ thay lại là Kim.

    Ma cô tìm mọi cách đưa Kim và con trai vượt biên sang Thái Lan với mong muốn là tiếp xúc được với bộ phận di dân Mỹ để có cơ hội vào miền đất hứa. Và hắn đã làm được, mẹ con Kim đã đến Bangkok, nhưng trong thời gian chờ đợi để tìm gặp bộ phận di dân Mỹ tại Thái Lan, hắn lại buộc Kim phải vào làm khu “Pat Pong“, một địa điễm ăn chơi nổi tiếng của Băngkok với lời giao ước “hắn phải được đi Mỹ trong vị trí của người cha nuôi con lai”.

    Nhưng cái tài lươn lẹo của tên Kỹ sư chỉ bấy nhiêu, chuyện liên lạc được với bộ phân di trú Mỹ tại Bangkok lại là của Kim. Tình cờ John, anh MP bạn Chris ở Tòa đại sứ Mỹ ngày nào, lại gặp Kim tại khu Pat Pong, giờ John là nhân viên của bộ phận nầy. Biết Kim có con với Chris, John tận tình giúp đỡ và thông tin ngay cho Chris biết về hoàn cảnh của mẹ con Kim tại Thái Lan.

    Sẽ là một kết thúc có hậu nếu tác giả cho Kim, Chris gặp nhau và đoàn tụ tại Bangkok. Nhưng cái nút thắt thứ hai của vở diễn lại nằm ở chỗ Chris đến Bangkok tìm Kim cùng người vợ Mỹ của mình. Rời Sài Gòn về Mỹ, Chris luôn nhớ về người vợ Việt, nhưng vẫn phải lập gia đình, Chris đem chuyện Kim kể hết vợ nghe, người phụ nữ Mỹ - Ellen thật sự xúc động vùng dậy hối thúc chồng bay sang Bangkok tìm Kim với tình cảm của một người đàn bà. Chris mừng lắm. Rồi sự có mặt của hai vợ chồng Chris-Ellen tại Bangkok cũng là thời điểm kết thúc của vở diễn.

    Tìm nhau ở Bangkok, Kim thì đến khách sạn, Chris thì đến nhà trọ, rồi khu Pat Pong... cả hai là một cuộc đuổi bắt tìm nhau theo ý của đạo diễn. Mệt mỏi, hồi hộp, nhà biên kịch phải mở gút bằng Ellen, Kim tìm đến khách sạn thì không gặp Chris, chỉ gặp Ellen. Cả hai đã ngỡ ngàng nhìn nhau, Kim bộc bạch tình cảm của mình với Chrish giờ chỉ còn là nghĩa với sự kết nối của đứa con, Ellen cũng vui vì tìm được Kim theo ý nguyện của mình.

    Nhưng bản tính của người đàn bà, sự ích kỷ của một người vợ trong Ellen lại trổi dậy, Ellen nặng lời với Kim, muốn dùng tiền để bù đắp sự mất mát của Kim, buộc Kim phải hy sinh xa con. Đau khổ, tuyệt vọng, Kim trở về nhà trọ và tự sát bằng chính khẩu súng mà người bạn tình cán bộ CS bỏ lại ngày nào.

    Tiếng súng nổ xé lòng Chris, anh đến nhà trọ chậm mấy bước chân.

    Hình ảnh Chris bế xác Kim trên tay như một thông điệp về cuộc sống, một hiện thực xã hội thời chiến tranh mà đối với người Việt Nam chúng ta không ai muốn nhắc tới nữa.

    Vở kịch kết thúc, đèn bật sáng, quanh tôi nhiều người Mỹ nước mắt rưng rưng giống như tôi. Ôi chiến tranh, thân phận người phụ nữ Việt Nam được thể hiện ở một phương trời Âu, Mỹ xa lạ sao mà hiện thực vậy. Cho dù có một số tình tiết trong vở diễn khá khiên cưỡng như những hình ảnh các bộ đội CS rầm rập diễu hành (bản chất người chiến thắng!), chiếc UH1 màu đất (lý ra phải là màu xanh-trắng, màu của Air America), cách ăn mặc của Kim, chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam bị cách điệu hóa, một nửa như sườn xám, một nửa như áo dài.

    Tôi không buồn vì tác giả phơi bày thân phận người phụ nữ Việt Nam, vì đó là một hiện thực cần nhắc lại để thương cảm và trân trọng. Tôi chỉ trách tác giả ở việc bố trí tên ma cô vào vai anh Kỹ sư với đủ mánh khóe của một tên lưu manh, gian xảo. Trí thức Sài Gòn đâu có vậy. Lý ra tác giả chỉ cần đặt tên nhân vật đó là Ổi, Xoài. Cốc... gì đó giống như Ellen, Kim, hay John là được.

    Dù sao, đó cũng chỉ là một vở kịch. Mà đã là kịch mà không có tính ước lệ của kịch thì không là kịch rồi.

    Gặp lại Miss Sài gòn, nói về Kim, tôi lại bỗng rưng rưng nước mắt. Bởi hình ảnh chiếc UH1 cuối cùng rời Tòa đại sứ Mỹ ngày 30 tháng 4 năm nào cũng là hình ảnh cuối cùng của tôi và người bạn UH1H mãi mãi xa nhau./.

    CAONGUYEN
    Sàigòn, mùa Thu 2013
    Last edited by chieutim; 11-21-2013, 02:08 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X