Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngai Vàng

Collapse
X

Ngai Vàng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngai Vàng

    Ngai Vàng

    ~~~



    "Ngai Vàng" trong Điện Thái Hoà



    Ước chi tới bến sông Hương
    Đốt nhang mà lạy nắm xương lưu đày
    Thế là đã trở về đây
    Một con người tận chân mây cuối trời
    Thịt da phiêu dạt quê người
    Linh hồn vẫn ở lại nơi quê nhà
    Ngai vàng vừa cũ vừa xa
    Ánh vàng vương miện cũng là hư không
    Mặt trời vẫn mọc đằng đông
    Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người
    Bao triều vua phế đi rồi
    Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ!

    Nguyễn Duy
    Tưởng niệm vua Duy Tân
    (Cải táng về Huế tháng 4/1987)



    1)- Năm mười tuổi tôi được đi thăm Đại Nội. Đại Nội, trong Thành Nội Huế, theo tiếng Huế là nói tới chỗ ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia. Thứ hai, nói đi thăm thì không đúng. Phải nói là du ngoạn thì đúng hơn. Theo cách nói của bọn học trò trước 1945 là “promenade”. Thỉnh thoảng, học sinh tiểu học được thầy giáo dẫn đi du ngoạn.

    Thật ra, tôi không phải là học sinh “chính thức” của lớp Nhì trường Tiểu Học Thành Nội Huế vì học “ngoại sổ”.
    Chính thức thì tôi là học sinh lớp Nhì trường Tiểu Học Quảng Trị, nhưng năm đó, cuối niên khóa 1949-50, ông anh cả của tôi làm chủ báo Ý Dân ở Huế, bị Tây bắt bỏ tù vì đợt Tây khủng bố sau vụ tên Kock, lính Lê Dương, vào tận phủ Thủ Hiến bắn chết ông Hà Văn Lang, đổng lý văn phòng. Ý Dân là tờ báo chống Pháp và chống chính quyền Bảo Đại nên bọn Tây, nhân vụ ám sát nói trên, mở đợt đàn áp những phần tử chống Pháp, dù có theo Việt Minh hay không!

    Ông anh tôi bị giam ở Lao Thừa Thiên, sau nầy là trường Đại Học Luật Khoa Huế, mỗi tuần cho thăm nuôi hai lần. Mẹ tôi biểu tôi nghỉ học vô ở Huế để lo thăm nuôi cho ông anh cả. Vậy là tôi phải bỏ học ở Quảng Trị. Cũng may, thầy trợ Khiêm là bạn thân ba má tôi, lúc đó đang dạy ở trường Tiểu Học Thành Nội, bèn cho tôi vô học lớp Nhì ngoại sổ để khỏi quên bài vở. Ngày nào không đi thăm nuôi thì tôi đi học. Khi thầy trợ Khiêm tổ chức cho học trò du ngoạn Đại Nội thì tôi được thầy cho cùng đi. Xem ra, thì tôi may mắn hơn các bạn tôi đang học tại trường Tiểu Học Quảng Trị.

    Đại Nội chia làm nhiều khu. Chúng tôi không vào thăm khu hoàng gia ở, lúc đó bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại, cũng còn ở trong cung, chưa dọn về cung An Định của vua Khải Định ở An Cựu. Khu điện Kiến Trung, chỗ ở của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu cùng các hoàng tử, công chúa thì đã bị hư hại. Vua cùng hoàng hậu và các con thì thay vì “Hoành Sơn nhất đái…” đã bọn qua ở bên… Tây. Khu điện Thái Hòa và điện Cần Chánh thì bỏ không. Cũng may, hoàng gia còn cắt giữ người chăm sóc, dọn quét nên không đến nỗi như “Đền Vũ Tạ nhện giăng cửa mốc” như câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc.

    Trong Tử Cấm Thành, có ba điện lớn: Càn Thành là nơi vua ở. Phía trước là điện Cần Chánh, theo thầy Khiêm giải thích là nơi họp “Thiết triều nhỏ”, tức là nơi vua họp với các quan, bàn bạc những việc bình thường vào các ngày 5, 10, 20, 25 âm lịch. Điện nầy cũng là nơi vua thết tiệc các quan hay sứ thần các nước đến “thăm” như sứ Tầu, hoặc đến “chầu” như sứ Lào hay Cao man (Đúng ra là Cao Miên. Khi gọi Cao man như ngày xưa hay như thầy Khiêm của tôi là không coi trọng xứ Miên chút nào, cũng giống như vua Tầu xách mé gọi sứ Việt Nam là “Nam man” vậy). Lần chúng tôi vào du ngoạn thì điện Cần Chánh đã bị hư hại nhiều. Khỏi điện Cần Chánh, ngó ra cửa Ngọ Môn và cột cờ cao ngất là điện Thái Hòa. Điện Thái Hòa là nơi thiết triều lớn, nơi làm lễ đăng quang của vua khi mới lên ngôi, hoặc tiếp rước sứ thần các nước lớn và các buổi thiết triều quan trọng vào các ngày 1 và 15 âm lịch, v.v…

    Khi tên thực dân De Courcy đến Huế, vua tiếp y ở điện Thái Hòa. Rắc rối là từ ngoài vào điện Thái Hòa phải đi qua cửa Ngọ Môn rồi đi qua một con đường lớn, hai bên có hồ sen. Sau đó đi vào sân chầu, cũng rất lớn, mới vào tới điện.

    Thầy Khiêm chỉ cho chúng tôi xem cửa Ngọ Môn, giài thích rằng đây là cửa Tam Quan, gồm một lối đi chính ở giữa và hai lối đi nhỏ hai bên. Khi vào cửa, chỉ một mình sứ thần mới được vào cửa chính. Tùy tùng thì phải vào hai cửa nhỏ hai bên.

    Như vậy thì chỉ có một mình De Courcy vào cửa chính. Y không chịu. Y đòi đoàn tùy tùng của y cùng đi vào cửa chính với y. Như vậy là y vi phạm nghi lễ của Nam Triều. Nhưng đi vào cửa chính một mình thì y sợ. Thầy Khiêm nói: “Thằng Tây ni làm to mà nhát gan. Y sợ bị phục binh đổ ra giết y.” Đọc lịch sử Việt Pháp bang giao, tôi không thấy sách nào nói về tâm lý của De Courcy như thầy dạy tôi. Nhưng tôi nghĩ ràng thầy tôi không nói sai.

    Sau đó, thầy dắt chúng tôi đi xem Cửu Đỉnh, (9 cái đỉnh đồng), Thế Miếu (điện thờ các vua) và Vạc Đồng. Khi được xem Cửu Đỉnh, bọn học trò chúng tôi thích lắm vì trên Cửu Đỉnh có khắc chạm phong cảnh Việt Nam. Xem Thế Miếu thì hơi “lạnh giò” vì là nơi thờ phượng, cõi âm như lẩn khuất đâu đây. Tới khi xem Vạc Đồng thì sợ lắm. Mấy đứa bạn tôi giải thích Vạc để nấu dầu. Ai có tội thì đem quăng vào vạc, thành ra đứa nào cũng muốn đi qua cho mau, sợ linh hồn người chết còn trong vạc vói tay ra nắm lấy chúng tôi chăng?!

    Sau đó, thầy dắt chúng tôi vào xem điện Thái Hòa. Điện Thái Hòa là một gian nhà kiểu cổ nhưng lớn và dài lắm. Theo kiến trúc xưa thì nhà gồm một gian hai chái, hay ba gian, năm gian hai chái, bao giờ cũng có hai chái ở hai đầu nhà. Điện Thái Hòa có lẽ tới 9 gian hai chái. Tôi không nhớ rõ lắm. Tuy nhiên, vì chúng tôi chỉ từng thấy những gian nhà nhỏ, nay thấy điện Thái Hòa thì quả thật lớn lắm. Vào trong điện thấy những cột là cột, điêu khắc, chạm trỗ rất đẹp. Điện vua ở chính giữa. Các quan đứng ở dưới, trên 9 bệ gỗ là ngai vàng. Bên cạnh ngai vàng có một cái tủ kính treo áo hoàng bào, là áo vua mặc khi thiết triều. Tủ nầy có lẽ mới có vì trông có vẻ hơi “Tây”. Có lẽ người ta mới đặt ở đây để cất giữ và để du khách được xem chiếc áo vua mặc ngày xưa. Có lẽ ông Bảo Đại cũng từng mặc áo nầy, khi ông chưa thoái vị.

    Chúng tôi được thầy cho lên tận chỗ đặt ngai để xem ngai vàng và áo hoàng bào. Trong số chúng tôi có anh ĐVL (xin được dấu tên), rất nghịch ngợm. Trong khi chúng tôi đang nghiêm chỉnh quan sát thì anh ta leo lên ngồi trên chiếc ngai, lại còn nói: “Tau là vua”. Tôi thấy mặt thầy Khiêm đỏ bừng lên. Có lẽ thầy giận lắm. Thầy bảo: “Xuống! Lại đây!” Anh L. vừa bước tới thì thầy xán một bạt tai rất căng bởi vì chúng tôi nghe tiếng “bốp” to lắm. ĐVL. khóc thút thít, có lẽ không dám khóc to vì thấy thầy đang giận dữ.
    Thầy bảo:
    - “Các trò có biết cái ngai nầy là cái gì không? Nó tượng trưng cho đất nước và dân tộc đó.”
    Một chốc, thầy giảng giải tiếp:
    - “Ai làm vua mà biết lo cho dân cho nước, dân chúng được ấm no hạnh phúc thì được gọi là minh quân, được rước lên ngai vàng nầy ngồi. Biết không?”
    Vì đang sợ thầy, chúng tôi trả lời lí nhí:
    - “Dạ biết!”
    Thầy nói tiếp:
    - “Ai làm vua mà chỉ lo ăn chơi hoang phí, làm dân chúng khốn khổ lầm than thì gọi là hôn quân, đang ngồi trên ngai vàng cũng bị truất phế, hạ bệ, không xứng đáng ngồi trên ngai đó. Biết không?
    Chúng tôi lại trả lời thầy lí nhí:
    - “Dạ biết!”
    - “Vậy thì cái ngai vàng tượng trưng cho đất nước, dân tộc, không phải để cho các trò lên ngồi chơi. Biết không?”
    - “Dạ biết!” Chúng tôi lại trả lời.
    Thầy bảo, giọng còn gắt: “Tập họp lại mà về.”

    Thế là chúng tôi im lặng, lục tục kéo ra sân sắp hàng, không còn nói cười vui vẻ, ồn ào như trước nữa. Lòng chúng tôi không vui, không phải vì cái tát tai của Thầy nhưng chính là vì sự nghịch ngợm vô ý thức của anh bạn học. Cuộc du ngoạn thú vị đã mất đi cái vui nhiều lắm.
    Chuyện xảy ra thế mà đã hơn 50 năm.


    2)- Năm ngoái đây tôi về Cali thăm người bà con. Ông ấy cùng gia đình qua Mỹ theo “diện” HO vì ông là sĩ quan cấp tá quân đội VNCH và đã về thăm Việt Nam sau khi định cư ở Mỹ được mấy năm.

    Trong khi chuyện trò, ông bà con đem ra cho tôi xem những tấm hình chụp khi ông về thăm quê. Ông và gia đình ghé Huế, thăm Đại Nội và chụp một tấm hình đặc biệt để làm kỷ niệm. Đặc biệt là vì trong tấm hình ấy, ông mặc áo vàng của vua, ngồi trên ngai. Vợ ông mặc áo và đội khăn vàng hoàng hậu, đứng bên cạnh. Phía bên kia ngai là con gái lớn của ông mặc áo hoàng gia, đứng làm công chúa. Hỏi chụp ở đâu, ông bảo trong điện Thái Hòa, quần áo vua chúa thì bây giờ người ta kinh doanh, cho thuê mặc vào để chụp hình chơi.

    Điện Thái Hòa bây giờ không những là nơi du lịch mà còn là chỗ kinh doanh cho ai muốn mặc áo hoàng bào, cùng vợ con làm hoàng hậu, công chúa để chụp hình.

    Tôi bỗng thấy đau lòng, thấy thương cho anh bạn ngày xưa bị thầy cho một bạt tai, và thấy thương cho thầy giáo cũ. Thầy ơi! Nếu thầy con sống tới bây giờ, thầy sẽ đau lòng như thế nào và thầy có xán cho người trong hình đang ngồi trên ngai vàng một tát tai như thầy đã từng tát tai anh ĐVL?
    Nên lắm chứ đấy thầy ạ!

    Tôi nói với người bà con, vẫn với cái ý mà thầy tôi đã dạy như khi tôi còn nhỏ:
    - “Sao anh chụp hình như vầy?”
    - “Chụp chơi mà!” Người bà con trả lời.
    - “Chỗ nầy đâu phải chỗ chơi. Đại Nội mà!” Tôi nói.
    - “Nhưng người ta ai cũng chụp hình rứa cả.” Người bà con giải thích.
    - “Vâng, người ta không hiểu biết thì người ta làm vậy. Nếu hiểu biết ra thì cái ngai nầy là tượng trưng cho đất nước, dân tộc. Ai phục vụ đất nước dân tộc mới lên ngồi đây.” Tôi lặp lại cái ý của thầy giáo cũ.
    - “Vua quan, ngai vàng nầy là phong kiến phản động, có giá trị gì?” Người bà con nói.
    - “Tôi không nghĩ như anh.” Tôi nói. “Phong kiến phản động là cách nói của Cộng Sản. Tôi không phải là Cộng Sản nên tôi không bắt chước cách nói của họ. Đã kích vua chúa là phong kiến phản động thì nghĩ sao về các đấng minh quân? Các vua nhà Trần đánh đuổi Mông Cổ giữ gìn đất nước thì sao? Các ông vua ngồi trên ngai vàng rồi vì dân vì nước bị lưu đày như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân thì sao? Đây là nơi người ta đến thăm viếng và tỏ lòng tôn kính chứ không phải là nơi đến mặc áo vua ngồi ngai vàng mà chụp hình. Trò chơi nầy chướng quá, không chứng tỏ mình là người biết suy nghĩ chút nào!”
    - “Nhưng đây là việc nhà nước tổ chức cho dân chúng!” Người bà con vẫn cố cải.
    - “Nhà nước nào? Nhà nước Việt Cộng thì nói làm chi! Họ không vô tình tổ chức cho dân chúng vui chơi đâu. Họ có chủ trương cả đấy. Thành ủy Huế, chính phủ Cộng Sản Hà Nội, ngay cả cái gọi là “Bảo tồn bảo tàng” cũng muốn dùng việc nầy mà đánh phá phong kiến, đánh phá tư bản. Họ không ngây thơ như chúng ta!”

    Một chốc tôi nói tiếp: “Cái gì có lợi thì họ làm, cả về phương diện tài chánh vá chánh trị. Thăng Long cũng vậy thôi. Họ đang muốn kinh doanh thành Thăng Long đấy trong khi Thăng Long là nơi tượng trưng cho mấy triều đại của dân tộc. Khi Bà Huyện Thanh Quan viết “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” là đâu có phải bà thương tiếc cho một ông vua nào, cho một tầng lớp quan lại nào. Bà thương tiếc cho một kinh đô cũ nay vắng vẻ không người bởi vì Thăng Long từng là nơi một thời tượng trưng cho dân tộc Việt Nam. Huế, Đại nội hay điện Thái Hòa hay cái ngai vàng trong điện, ý nghĩa cũng tương tự như thế mà thôi.”

    Người bà con lại nói:
    - “Rứa lăng ông Hồ Chí Minh thì sao?”
    - “Lăng ông Hồ Chí Minh là của cá nhân ông ấy.” Tôi nói. “Cũng có thể nó là biểu tượng của đảng Cộng Sản do ông đẻ ra. Lịch sử sẽ phán xét. Nếu ông có công thì lăng ông sẽ còn đó. Còn nếu ông có tội thì xác ông không còn “lộng kiếng” mà chỉ còn đem “liệng cống” mà thôi. Cái xác khô đem đi thì đảng của ông cũng tiêu tùng. Anh không thấy xác Stalin, Lénin cũng đem ra khỏi điện Cẩm Linh chớ ai còn cho để trong đó nữa. Một thời đại qua đi trong sự bất hạnh của dân tộc là niềm đau của con người trong đất nước đó. Triều đại nhà Nguyễn có những ông vua tốt xấu nầy khác nhưng khi người Pháp xâm lăng nước ta và đánh đổ triều Nguyễn là cướp mất quyền tự chủ, độc lập của người Việt Nam. Đó là cái đau chung. Triều đại ấy biểu tượng cho dân tộc ấy. Hai cái ấy quyện vào nhau, và dù muốn dù không thì cả hai đều mang cái số phận chung của một dân tộc bị trói buộc vào vòng nô lệ. Trong cách nghĩ như thế, người ta không thể phủ nhận triều Nguyễn không tượng trưng cho một dân tộc và biến những biểu tượng của triều đại ấy thành một thứ đồ chơi là điều sai lầm.”

    Thế rồi tôi đứng dậy kiếu chào ra về, lòng không vui. Vợ tôi, bà con bên phía người bà con ấy, cũng về theo.
    Hôm sau, người bà con ấy gọi điện thoại nói chuyện với vợ tôi. Nghe xong, vợ tôi nói với tôi: “Anh ấy bảo anh là người nhiều chuyện!”

    Trong cách nghĩ của tôi, tôi thấy thầy giáo cũ tôi đã nghĩ đúng và làm đúng. Từ đó lòng kính phục và yêu mến thầy của tôi càng thêm sâu nặng. Tôi chỉ là một người học trò ngoan, biết vâng lời và gìn giữ lời thầy dạy bảo. Thấy sai thì tôi nói, tại sao bảo tôi là người nhiều chuyện.

    Có phải tôi là người nhiều chuyện không nhỉ? Hay tôi chỉ là người biết vâng theo lời dạy một ông thầy học cũ, cách nay đã hơn nửa thế kỷ rồi vậy./

    hoànglonghải
    Last edited by chieutim; 11-01-2013, 05:35 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X