Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tưởng nhớ niên trưởng Phạm Long Sửu (1925-2011)

Collapse
X

Tưởng nhớ niên trưởng Phạm Long Sửu (1925-2011)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tưởng nhớ niên trưởng Phạm Long Sửu (1925-2011)

    Tưởng nhớ niên trưởng Phạm Long Sửu (1925-2011)


    - Nguyên tham mưu trưởng Không Quân
    - Nguyên tổng giám đốc Hàng Không Việt Nam


    Sáng sớm hôm đó, trong lúc đang mơ màng ngái ngủ, chuông điện thoại nhà reo. Ai gọi vào giờ này nhỉ? Mới chưa đầy 6 giờ sáng! Thói quen nghe điện thoại mỗi sáng sớm vào 6 giờ đã lâu không còn nữa, kể từ ngày chị Thân Thị Hảo, người chị cả trong Hội Ái Hữu QH/ÐK chúng tôi qua đời cách đây gần một năm. Nhấc điện thoại lên, bên kia đường dây một giọng nói quen thuộc, yếu ớt:

    - Anh Dật ơi, tôi Sửu đây.

    - Tôi chắc không còn sống được bao lâu nữa anh ạ! Xin anh nhớ những điều tôi nhờ anh trước đây.

    - Khi tôi qua đời, xin đừng phủ quốc kỳ cho tôi.

    Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao? “Anh là người đã từng vào sinh ra tử, từ Nam ra Bắc, chinh chiến nhiều năm vì tổ quốc, anh quá đủ tư cách và xứng đáng được phủ quốc kỳ. Tại sao anh lại khước từ.”

    Anh không trả lời câu hỏi của tôi mà bâng quơ hỏi lại tôi:

    - Anh còn nhớ không? Tôi qua đây đã hơn 20 năm, hầu như ai qua đời cũng được phủ cờ, có phải thế không anh Dật?

    Tôi lặng yêu không trả lời. Tôi hiểu ý anh.

    Anh nói tiếp:

    - Sau khi tôi qua đời, không muốn bạn bè, người thân nhìn khuôn mặt khô héo, tiều tụy của mình, chỉ nên để di ảnh, bình tro của tôi, bên cạnh bàn thờ Phật trang nghiêm là đủ.

    - Ngày tang lễ tôi, nên tổ chức lễ cầu siêu, thăm viếng, di quan, an táng, chỉ một buổi, để khỏi phiền hà con cháu, bạn bè.

    Những lời dặn dò ấy khiến tôi bùi ngùi xúc động, vì tôi biết rằng đây là những lời trăn trối cuối cùng của anh. Anh là một người bình dị, được tất cả anh em bạn bè cũng như thuộc cấp mến phục, và tính bình dị của anh vẫn còn thể hiện trước khi nhằm mắt lìa đời.

    Hai ngày sau, cũng vào khoảng 6 giờ sáng, tôi được tin anh ra đi, thanh thản, nhẹ nhàng. Anh qua đời ngày Hai tháng Bảy, 2011.

    Xin ơn trên phù hộ cho anh và mong anh siêu thoát về miền lạc cảnh.

    Anh Phạm Long Sửu hưởng thọ 87 tuổi.

    Niên trưởng Phạm Long Sửu tại trường bay phi cơ phản lực ‘Ecole de Chasse at meknes’, thập niên 1950s.
    (Hình: Tác giả cung cấp)


    Kỷ niệm về anh lại dồn dập trở về trong ký ức tôi. Vào một ngày đầu hạ năm 1990, tôi tổ chức một buổi họp mặt, gây quỹ của nhóm “không gian thâm tình” để giúp đỡ các anh em Không Quân và gia đình cô nhi quả phụ gặp khó khăn tại quê nhà. Tình cờ gặp lại anh sau nhiều năm tháng, anh đến nhà tôi cùng với người bạn thân cùng khóa, phi công Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Oánh. Cuộc họp mặt thân tình và kết quả tốt đẹp. Trước khi ra về, anh xiết mạnh tay tôi, nói: “Việc làm của anh có ý nghĩa rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, trong vấn đề tài chính cần phải rõ ràng, minh bạch, và sử dụng đúng.”

    Tính anh vốn cương trực nên lời nói của anh thẳng thắn, chân tình. Tôi càng quý mến anh hơn từ dạo đó.

    Niên trưởng Phạm Long Sửu sinh ngày 25 tháng 11 năm 1925 (Ất Sửu) tại Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình trung lưu, chỉ có hai anh em, một trai và một gái. Anh là con trưởng. Thân phụ anh mất sớm, lúc anh mới 17 tuổi, người mẹ đảm đang, tảo tần, ở vậy nuôi còn thành tài.

    Sinh ra ở Hà Nội nhưng tuổi thơ và cuộc đời của anh lại gắn bó với xứ Huế thân thương. Ðỗ tú tài năm 20 tuổi (1945) Ất Dậu. Vào thời điểm này, phong trào chống Pháp bùng phát khắp nước. Anh từ giã gia đình, mẹ và em gái để gia nhập lực lượng thanh niên tiền phong yêu nước ấy. Sau một thời gian, anh thấy phòng trào bị Việt Minh lợi dụng và anh bỏ về hậu phương tìm nguồn an ủi bên mẹ và em gái. Anh dành nhiều thì giờ trau dồi thêm ngoại ngữ và quyết tâm thực hiện giấc mộng trở thành phi công.

    Trong thời gian này, anh gặp người yêu Hà Thị Bích Hà, thứ nữ của cụ Phó Thủ Hiến Trung Việt Hà Văn Lan. Năm sau, hai người thành hôn, hôn lễ Phạm Long Sửu và Hà Thị Bích Hà được cử hành tại Sài Gòn. Dịp may đến, mộng trở thành phi công của anh trở thành hiện thực. Vào năm 1951, khóa phi công đầu tiên được tổ chức, khóa thi và thụ huấn tại căn cứ Nha Trang. Anh là một trong 15 khóa sinh trúng tuyển. Trong kỳ thi tốt nghiệp, anh đậu thủ khoa với cấp bậc thiếu úy. Ðến bây giờ, hơn 60 năm qua, khóa anh chỉ con lại hai chiến hữu là Chuẩn Tướng Võ Dinh và Ðại Tá Trần Bá Quy. Ðặc biệt khóa học này có người hùng phi công Mai Văn Hạnh, nay cũng đã qua đời.

    Ngày họp mặt của nhóm không gian thân tình tại tư gia ông Trần Dật vào mùa Thu 1990. Hàng ngồi, đầu tiên bên trái là niên trưởng Phạm Long Sửu. Hàng đứng, thứ nhì từ phải là tác giả Trần Dật. (Hình: Tác giả cung cấp)

    Sau khi tốt nghiệp khóa phi công đầu tiên (bằng phi công số I của Không Quân VNCH), anh được điều động về phục vụ Phi Ðoàn I quan sát. Không lâu sau, anh được đề cử làm Biệt Ðội Trưởng sân bay thành nội Huế.

    Ðầu năm 1954, anh lại trúng tuyển khóa phi công khu trục phản lực của trường “Ecole de L'Air at Salon de Provence,” trường không quân nổi tiếng của Pháp. Thời gian thụ huấn bốn năm, sau khi tốt nghiệp, sẽ được cấp bằng tương đương kỹ sư. Với tất cả ý chí, nghị lực, sau hai năm rưỡi miệt mài địa huấn và phi huấn, anh đỗ và được chuyển tiếp sang trường bay phi cơ phản lực “Ecole de Chasse at Meknes,” khóa học này thêm một năm rưỡi nữa, khóa sinh được huấn luyện trên các loại phi cơ khu trục và khu trục phản lực gồm có T33 của Hoa Kỳ, loại Vampire của Anh Quốc và Ouragan của Pháp Quốc. Trường gồm nhiều khóa sinh ngoại quốc, và bản xứ; với niềm đam mê, lòng quyết tâm và năng khiếu, lại một lần nữa anh tốt nghiệp thủ khoa.

    Trước tài năng xuất sắc của anh, một người ngoại quốc, nhà trường và quân đội Pháp mời anh ở lại, sẵn sàng trả lương, với cấp bậc và quyền lợi như sĩ quan hiện dịch của quân đội Pháp. Ðiều này là một ước mơ của nhiều người. Nhưng với anh, dù vợ con, hiện đang sống trên đất nước Pháp đã lâu, vẫn không hề bị tiền bạc, danh lợi làm lung lạc. Anh từ chối lời đề nghị ấy, và nói: “Tôi đi du học để thêm kiến thức, trau dồi kỹ thuật mới để về phục vụ quê hương, đất nước đang cần tới.” Một quyết định đầy khó khăn, sáng suốt và can đảm!

    Về nước, đầu năm 1958, anh được bổ nhiệm trưởng phòng hành quân Phi Ðoàn 1 khu trục đóng tại Biên Hòa. Suốt thời gian này, anh huấn luyện nhiều phi công nòng cốt cho Không Quân VNCH. Sau đó, chính anh thành lập và cũng là chỉ huy trưởng Phi Ðoàn 2 khu trục đồn trú tại Nha Trang.

    Năm 1964, Không Quân VNCH bành trướng, anh là người tiên phong tổ chức đưa căn cứ Không Quân Ðà Nẵng trở thành Không Ðoàn Bốn Mươi Mốt Chiến Thuật. Khi còn là một chỉ huy trưởng Phi Ðoàn 1, và Phi Ðoàn 2 khu trục, cũng như lúc đảm nhiệm chức vụ Không Ðoàn Trưởng Bốn Mươi Mốt chiến thuật, anh là cấp chỉ huy luôn nhận lãnh nhiệm vụ trong các phi vụ hiểm nguy. Ðặc biệt trong các phi vụ Bắc phạt, anh tiên phong chỉ huy 6 phi tuần khu trục nặng, gồm 24 phi cơ chiến đấu trực chỉ không tập Vĩnh Linh, Quảng Bình. Mặc dầu hỏa lực phòng không của địch ác liệt và vô cùng nguy hiểm, anh vẫn bất chấp và can đảm tiếp tục các phi vụ sau này. Trong những phi vụ Bắc phạt ấy, anh hùng Phạm Phú Quốc - người từng là chỉ huy phó Phi Ðoàn 1 khu trục của anh trước đây - đã hy sinh trên đất địch.

    Ðầu năm 1965, anh được bổ nhiệm chức vụ tham mưu trưởng Không Quân. Ngay sau khi nhậm chức, anh muốn cải thiện và xây dựng quân chủng Không Quân có tầm cỡ. Ý định chưa được hoàn tất thì tháng sau anh lại được thuyên chuyển vào một chức vụ hoàn toàn dân sự: Tổng Giám Ðốc Hàng Không Việt Nam.

    Ðối với gia đình, bạn bè, đây là một thăng tiến, một vinh dự cho gia đình; nhưng trái với sự vui mừng trước quyết định bổ nhiệm này, anh tâm sự: “Ðó là họ đuổi khéo mình ra khỏi Không Quân đấy!” Mặc dầu biết vậy, sau ngày nhậm chức tổng giám đốc Hàng Không Việt Nam, chỉ trong vòng hai năm, anh chỉnh đốn lại và đưa hàng không Việt Nam vào hàng tầm cỡ trong khu vực Ðông Nam Á. Trong việc canh tân này, cần phải tạo mãi thêm nhiều phi cơ tối tân và hiện đại hơn. Trong suốt thời gian đảm trách chức vụ tổng giám đốc trên đà phát triển, đã có nhiều đại diện hãng thầu cung cấp tiếp cận và thương lượng để được trúng thầu, dĩ nhiên là kèm theo những đề nghị huê hồng cho vị tổng giám đốc. Anh khước từ những đề nghị này. Sau đó, anh chỉ chấp thuận ký hợp đồng với hãng nào cung cấp đúng tiêu chuẩn, giá cả phải chăng, có lợi cho quốc gia, mà không cần đem lợi nhuận, huê hồng về cho cá nhân anh. Việt Nam Hàng Không đang trên đà vươn lên, thì được lệnh thuyên chuyển giã từ chức vụ về làm giảng viên trường chỉ huy Tham Mưu Trung Cấp Ðà Lạt. Với tinh thần của một quân nhân, anh luôn hoàn thành trọng trách được giao phó, cho mãi đến ngày mất nước.

    Rồi biến cố tháng 4, 1975 xảy ra. Ðà Lạt thất thủ, anh trở về Sàigòn. Trong những ngày đầu rối ren, hỗn loạn của thủ đô, người người chạy tìm bằng mọi cách để ra khỏi nước. Gia đình các con anh cũng tìm được phương tiện và chuẩn bị di tản. Anh vẫn thản nhiên, các con anh năn nỉ và van xin anh hãy cùng ra đi. Anh bảo: “Ba đã từng này tuổi, đã từng sống và làm việc nhiều nơi ở nước ngoài, bây giờ chỉ muốn ở lại quê hương, dù sống nghèo ở quê nhà vẫn tốt hơn sống giàu ở nước ngoài.” Ðây là quyết định sai lầm quá lớn trong cuộc đời anh, anh phải trả một cái giá quá đắt: 13 năm tù.

    Trong suốt thời gian tù đày, anh luôn giữ đúng tư cách của một sĩ quan, một cấp chỉ huy của QLVNCH, không luồn cúi, không nịnh bợ, không sợ sệt, không cầu xin, anh trải lòng sống với mọi người, biết hy sinh, san sẻ nguồn tiếp tế dồi dào của gia đình anh đến các bạn tù mà mọi người và ngay cả chính anh đã và đang đói lạnh triền miên.

    Anh nhớ lại một sự việc khó quên. Vào một buổi sáng Mùa Ðông giá lạnh ở rừng núi Việt Bắc, tên cán bộ quản giáo cho gọi anh lên văn phòng và bảo: “Tờ khai lý lịch của anh thiếu sót.” Với thái độ hách dịch cố hữu, tên quản giáo quát lớn: “Anh ngoan cố! Anh có biết đại sứ Hà Văn Lâu không?” (Hà Văn Lâu là anh họ vợ anh). Anh vẫn từ tốn và bình tĩnh trả lời: “Vâng, tôi từng nghe tên ông ấy cũng khá nhiều nhưng chưa hề quen biết. Vả lại, suốt gần hai năm rồi, tôi vẫn ở trại giam này, chưa từng nhận được sự thăm hỏi, thư từ, hay viếng thăm của ông ấy. Ông đại sứ chẳng biết tôi là ai. Xem ra tôi cũng như mọi người trong trại giam này, thì tại sao tôi phải khai báo trong tờ khai lý lịch.” Sau câu trả lời rõ ràng và dứt khoát đó, tên cán bộ để anh về trại.

    Suốt thời gian mười ba năm tù đày trong các trại chuyển tiếp từ Bắc vào Nam, anh cảm nhận thấm thía được sự quý giá của tự do. Vì vậy, vừa ra khỏi tù sau mười ba năm khổ nhục, anh quyết định bằng mọi giá phải rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn này, càng sớm càng tốt. Nhờ sự vận động của người con gái làm việc ở tòa đại sứ Pháp, anh được rời Việt Nam sang Pháp vào cuối năm 1988. Một năm sau, anh sang Mỹ do sự bảo lãnh của con gái đầu.

    ***

    Hơn hai mươi năm, chúng tôi sống cùng trong một thành phố nhỏ ở miền Nam Cali, giữa anh và tôi có nhiều kỷ niệm. Anh còn nhớ không? Cách đây gần hai năm (2009), một buổi sáng cuối Thu đẹp trời, anh gọi tôi thật sớm, sớm hơn mọi ngày và hỏi: “Anh Dật ơi! Hôm nay trời đẹp, có rảnh không? Chúng mình cùng đi ăn trưa và tiện thể ghé lại thăm chị Hạnh Nhơn, bạn thân của em gái mình, nhưng đừng báo trước.” Khi hai anh em chúng tôi đến, chị Hạnh Nhơn đã rất đỗi ngạc nhiên, niềm nở trách: “Ôi! Răng mà không điện thoại trước để cho tôi sửa soạn đón tiếp quý khách”. Nhìn trên bàn làm việc của chị, một chồng hồ sơ thương phế binh và cô nhi quả phụ đang còn làm dang dở. Anh Sửu nói đùa: “Thượng cấp đi thanh tra mà báo trước thì còn ý nghĩa gì nữa hè!” Cả ba đều cười, trong lòng chúng tôi, mọi người mang cùng một niềm vui chung. Lúc ra về, anh nói: “Chừng ấy tuổi mà chị Hạnh Nhơn vẫn con hăng say làm việc, đáng phục!” Cầu mong sao chị ấy khỏe mạnh và sống lâu.

    Mỗi độ Xuân về, anh thường đến nhà tôi, tâm sự, có một lần anh hỏi tôi: “Năm nay, anh có về quê không?” Tôi đáp: “Dạ có.” Có lẽ anh đang buồn, hỏi tiếp: “Dân quê mình ở vùng xa xôi, hẻo lánh vẫn còn nghèo khổ lắm phải không anh?” “Thưa anh, dạ vẫn còn.”

    Anh trầm ngâm, suy tư, anh lại hỏi tiếp: “Tại sao đất nước mình giàu tài nguyên mà dân ta vẫn cứ nghèo mãi thế?” Tôi chưa kịp trả lời, anh cười tự tin và nói: “Anh cứ yên trí đi, tin tưởng vào thế hệ tương lai con cháu mình sẽ đưa đất nước đến phú cường, thịnh vượng và tự do trong một ngày không xa.” Chúng tôi mỉm cười, xiết chặt tay nhau với ý nghĩa đồng tình và hy vọng.

    Ngày thất tuần của anh được tổ chức trong vòng thân mật, con cháu và một số bạn bè thân hữu tham dự. Ðứng trước bàn thờ Phật uy nghi, trước di ảnh của anh, tôi thầm cầu nguyện cho hương linh anh siêu thoát về miền tịnh độ. Kể từ nay, tôi không còn nghe giọng nói thân thương, tiếng cười hồn nhiên và những tiếng chuông điện thoại vào mỗi sáng sớm nữa. Nhưng hình ảnh hào hùng, khí phách can trường của một phi công đầu đàn trong Không Lực VNCH với nhân cách cao đẹp, liêm khiết, tốt bụng và lòng yêu nước vẫn luôn luôn hiện hữu, sống mãi trong tâm hồn tôi.

    Xin cám ơn anh đã cho tôi cơ hội được gặp quen thân anh ở thành phố Glendale này, và đã học được rất nhiều điều quý giá từ nơi anh.

    Xin vĩnh biệt anh!

    ***

    Trần Dật/Ngô Ái Lan
    (ailanlengo@yahoo.com)

    Nhóm Không Gian Thân Tình
    Last edited by khongquan2; 09-25-2013, 07:13 AM.

  • #2
    “Bác đừng có tin Họ, Họ nói dối đó”

    Gần hết 3 năm “tập trung cải tạo” mà thực chất chính là “tù lao động khổ sai, biệt xứ và tẩy não”, một số cấp cao của Bộ Nội Vụ Hà Nội đến trại tù Quảng Ninh mở đợt “học tập khai báo tội lỗi của mình và của những người mà mình biết”, lúc nào họ cũng lập đi lập lại câu nói:” trong trận cầu, phút chót vẫn có người tung lưới” ý muốn nói là thật thà khai báo thì hết hạn tù 3 năm sẽ được về với gia đình mặc dù sau khi kết thúc đợt khai báo nầy vẫn chưa được thông báo với gia đình là mình đang ở tù tại đâu.

    Có 2 câu hỏi được Họ đặt ra:

    1- Sau 3 năm “tập trung cải tạo”, các anh có tin tưởng nhà nước khoan hồng thả các anh về với gia đình không?
    2- “tập trung cải tạo” lâu, các anh có sợ sinh ra bệnh hoạn chết chóc không?

    Sau những phát biểu của những người ghi tên (mà Họ gọi là đăng ký) gồm hàng Thứ trưởng, Công chức hạng A, một số Đại tá …hoàn toàn tin tưởng thì Họ không cho những người ghi tên lên phát biểu nữa mà Họ sẽ gọi những người không ghi tên.

    “Anh Phạm Long Sửu” một người trong bọn Họ gọi:

    Không giống như những người đã ghi tên quay về phía những cấp cao của Bộ Nội Vụ Hà Nội “Thưa cán bộ” rồi mới quay về phía anh em “Thưa anh em”, Papa Sửu bước lên micro không nhìn Họ mà chỉ nhìn anh em và nói:

    “Thưa anh em, sau 30 tháng 4 người bạn học hồi xưa ở Huế (Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ Hà Nội) có đến nhà và hỏi tôi tại sao anh không đi, tôi đã trả lời đất nước mình thì mình ở bây giờ các anh thắng rồi thì muốn làm gì thì làm. Việc đầu tiên là Họ cho tôi ra khỏi nhà và đến chỗ ở nhỏ hơn…”

    “Anh Sữu nói vào đề tài thảo luận đi…” một người trong bọn Họ nhắc.

    “Thưa anh em, tôi và ông già Long gánh thùng nước cho đội làm mộc nên mỗi lần nhập trại là ngồi chờ trước cổng cho đến khi các đội ở xa về hết mới được nhập, có một chị của đội ngồi kế bên hỏi bác năm nay được bao nhiêu tuổi, tôi sợ bị vi phạm nội quy nên không giám trả lời, chị lại hỏi tiếp bác bị tội gì vậy, tôi sợ vi phạm nội quy nên cũng không giám trả lời, chị lại hỏi tiếp Họ kêu án Bác bao nhiêu năm, tôi không nói gì cả, chị lại nói tiếp Họ kêu án Bác 3 năm tập trung cải tạo phải không, tôi không giám nói gì, vì sợ vi phạm nội quy, chị lại nói tiếp "Bác đừng có tin Họ, Họ nói dối đó…”

    “Anh Sửu nói lẹ lên rồi đi xuống”, một người trong bọn Họ quát lên.

    “Thưa anh em, còn đề tài thứ 2 là từ ngày tôi cầm cần lái máy bay thì bạn bè tôi đã mất nhiều mà không biết tại sao đến giờ nầy tôi còn sống…”

    “Anh Sửu đi xuống đi’ một người trong bọn Họ ra lệnh.

    Và ngày hôm sau chúng tôi không thấy bóng dáng mấy chị tù hình sự nữa mà Họ chuyển mấy trăm anh tù hình sự đến thay thế.

    KQ Huỳnh Thanh Minh

    TB: Không thấy Papa Sửu tham dự Đại Hôi Khu Trục kỳ 2, kể chuyện này để kính tặng Papa Sữu và tất cả Anh Em Khu Trục.

    Comment


    • #3
      Đây là trả lời của Đại Tá Lê văn Thảo (Thảo nâu):

      Hello Minh ơi.

      Cám ơn em đã kể lại câu chuyện cuả người Anh đầu đàn ngành khu trục, thật hào hùng
      và bất khuất mặc dù nằm trong vòng tay quân thù.

      Rất tiếc em không về dự được ngày họp khu trục, anh em về họp khá đông đủ với một tinh thần họp đoàn khá gắn bó, họp đoàn sát cánh thân thiết như những ngày xưa, bão vệ, lo lắng thân yêu nhau và nhất là vẫn giử được sự kính trọng nhau trong nghề bay.

      Ngày chia tay, họ đã ôm nhau, siết chặc vòng tay, hẹn ngày tái ngộ trông thật cảm đông.

      Bây giờ mỗi người một nếp sống, nhưng anh tin rằng tất cã chúng ta đều nghỉ rằng chúng ta đã chiến đấu hết lòng cho lý tưởng quốc gia, không có một hối hận nào cã.

      Anh mong rằng nếu có ngày họp đàn lần tới, ráng thu xếp về với anh em, thời gian bây giờ không còn bao nhiêu cho cuộc đời, tổ chức buổi họp thật nhiêu khê và cần có thời gian.

      Chúc em được nhiều sức khoẻ và cho anh có lời hỏi thăm gia đình cùng các cháu.

      Thân mến.

      Phượng Hoàng nâu.

      Comment


      • #4
        Và đây là của Đại Tá Trần Phước (mệ Trần Phước):

        Anh Minh thân mến,

        Cám ơn anh đa chuyển cho tôi đọc bài này. Anh Phạm Long Sữu, người Huế học khóa hoa tiêu MS500 đầu tiên tại Nha Trang, đậu đầu. Anh thay tôi, biệt phái ở Trường Đại Học Quân Sự Dalat, khi tôi trở về Không Quân năm 1969. Còn có hồi anh làm TMT KQ và là Giám Đốc Nha Hàng Không Dân Sự khi TT NCKỳ làm Chủ Tịch Hành Pháp Trung Ương, thì ai cũng biết. Anh lớn hơn tôi 4 tuổi.

        Thân mến.

        T.Phước

        Comment


        • #5
          From: ken tai
          To: "huynhthanhminhus@yahoo.com"
          Sent: Sunday, September 15, 2013 1:12 PM
          Subject:

          Anh Minh,
          Khi ở Xuân Lộc, tôi có ở chung 1 đội với ĐT Long Sửu, tôi có hỏi ông về truyện "tụi nó nói láo, bố đừng tin" như anh đã biết, nhưng ông chỉ cười. Có 1 lần ĐT Sửu có kể tôi nghe ông bị cán bộ VC ở bộ nội vụ đến "làm việc" vì khai báo lý lich không đúng: ông có 1 người bà con là đại tá của "cách mạng" tên Hà văn Lâu sao không khai báo để được khoan hông, hay ông Lâu có thể bảo lãnh. ĐT Sửu đã trả lời rằng:" Ông Lâu là bà con bên vợ đã khuất của tôi nên tôi không khai báo, ông Lâu là đại tá, tôi cũng là ĐT việc gì tôi phải nhờ ông ấy bảo lãnh."
          Quân đội mình cũng có nhiều người còn sĩ khí lắm phải không Minh. Có những đàn anh như ĐT Sửu giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua những năm tháng tù đày trong các trại tập trung cải tạo của CS


          Phongnguyen

          Comment



          Hội Quán Phi Dũng ©
          Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




          website hit counter

          Working...
          X