Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Korea trong cục diện thế giới

Collapse
X

Korea trong cục diện thế giới

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Korea trong cục diện thế giới


    Kim chánh Nhật. Nghề nghiệp chế tạo bom và chuyên in tiền giả.


    Đại nguyên soái Kim Chánh Ủn. Một đại tướng chưa từng khoác áo lính.

    Trong cái nhiễu nhương của tình hình thế giới, lâu lâu chúng ta lại thấy Bắc Hàn hăm dọa cái gì đó để vòi vĩnh gạo. Được gạo xong, Bắc Hàn liền yên ắng cho đến khi đồng chí họ Kim vét nồi cậy miếng cháy cuối cùng đút vào miệng, lại bắt đầu chu kỳ mang bom đạn hăm dọa. Chiến thuật của đồng chí họ Kim luôn là nói chuyện với Mỹ chứ không nói chuyện với người anh em Nam Hàn hay các đồng chí Trung Quốc. Vì rằng, Trung Quốc không dư thừa gạo biếu không và một mình gạo Nam Hàn cũng không bằng gạo của Mỹ.

    Các quốc gia Cộng Sản luôn khó chịu vì ở nơi đâu Mỹ cũng xía vào, nhất là xía vào chuyện nội bộ nước khác. Báo chí các xứ Cộng Sản luôn lên án việc can thiệp của Mỹ như là một tội ác ghê gớm. Họ tạo cho người dân trong nước họ rằng Mỹ là một kẻ đạo đức giả, dùng chiêu bài nhân quyền để gây bất ổn ở các nước thù nghịch. Thời chưa mở cửa, chúng ta chưa từng nghe đến cụm từ "phi chính trị" vì rằng trong những quốc gia bế môn tỏa cảng xây dựng xã hội chủ nghĩa, người dân không hề tiếp cận tin tức bất lợi với bên ngoài. Muốn mở cửa tất phải đương đầu với biết bao tội ác của chính mình gây ra từ trước đến nay, mà người dân tưởng đó là công ơn đảng qua tuyên truyền, giáo dục một chiều. Làm thế nào cái "nhân đạo" ngời ngời chính nghĩa của ta trong việc giam hãm tù đầy những con người phản cách mạng bị hiểu lầm thành áp bức, bạo ngược? Làm thế nào ngăn ngừa trong nhân dân cái tư tưởng đạo đức cách mạng là một cái tên gọi đẹp đẽ của tệ nạn tham nhũng, quan liêu phong kiến? Làm thế nào che chắn cho việc Đảng phải là tổ chức độc nhất lãnh đạo đất nước một khi ở bên ngoài người ta rao truyền ý tưởng độc hại rằng đất nước không của riêng ai?

    Thế là cụm từ Phi chính trị ra đời. Trong nước, ai mà nói chuyện chính trị đều bị liệt vào hạng người phá hoại xã hội. Ngoài nước, ai xía vào nội bộ chúng ta, ắt có âm mưu chống phá tổ quốc ta.

    Trong khi lên án Mỹ là tên sen đầm quốc tế chuyên lợi dụng những vấn đề nhân quyền phá hoại ổn định các nước khác, mỗi khi thế giới xảy ra chuyện cần đến an ninh có lợi cho Cộng Sản, ví dụ chuyện khủng bố, chuyện thiên tai, chuyện ma túy v.v... người ta lại lôi tên sen đầm ra cáng đáng. Chuyện Bắc Triều Tiên, siêu cường số 2 là Trung Quốc không trực tiếp đứng ra dàn xếp, bởi nó là vấn đề gạo, tiền. Một Bắc Hàn võ trang nguyên tử là điều Trung Quốc không muốn, dù rằng nó chính là đồng minh ý thức hệ. Tình cảnh giống như sát nách Việt Nam, tự dưng Lào, Kampuchia rục rịch chế bom nguyên tử, dù rằng tình hữu nghị Việt Lào muôn đời thắm thiết, bằng mọi cách, kể cả quân sự, ta phải dậy Lào một bài học. Thế nên trong các cuộc đàm phán với Bắc Hàn, Trung Quốc luôn đòi sự can thiệp của sen đầm Mỹ. Bắc Hàn tỏ ra bộc tuệch hơn, chỉ muốn nói chuyện tay đôi với Mỹ. Chỉ vì Mỹ có nhiều gạo hơn Nam Hàn. Các trường hợp liên quan đến gạo, tiền, người ta muốn Mỹ can thiệp. Còn các trường hợp tham nhũng, nhân quyền, bất công v.v... thì đó là chuyện nội bộ, không ai được xía vào.

    Tại sao Bắc Hàn với quân đội hùng mạnh hàng triệu người cộng với vũ khí có tầm hủy diệt rộng lớn lại không thể xua quân tiến chiếm Nam Hàn mà chỉ dọa dẫm hàng bao năm nay? Tại sao các nhà chiến lược nói một cuộc chiến Bắc Nam xảy ra là một hành động tự sát của chế độ Cộng Sản Bắc Hàn? Tại sao Nam Hàn không thể thua trong bối cảnh thế giới hiện tại? Hãy cùng Meta xét các quan hệ tròng tréo giữa các nước trên thế giới.

    Tại sao Nam Hàn không thể thua trận nếu xảy ra chiến tranh?

    Muốn biết tại sao Nam Hàn không thể thua trong cuộc chiến nếu xảy ra giữa Bắc và Nam Hàn, ta phải đảo tầm mắt nhìn vào các quan hệ quốc tế. Với Việt Nam và Trung Quốc, Nam Hàn có mối liên hệ mật thiết về kinh tế. Ngược lại với Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam chỉ có một mối liên hệ duy nhất là đồng minh ý thức hệ. Khi Việt Nam và Trung Quốc đổi mới, chính 2 nước này đã từ bỏ ý thức hệ để chuyển sang tư bản chủ nghĩa. Làm sao họ có thể cứu vớt đồng minh Bắc Hàn một khi chính họ không thể cứu vãn ý thức hệ tại nước mình? Ta thấy từ đấy, Việt Nam, Trung Quốc chỉ động viên Bắc Hàn hãy kiên trì trên con đường của mình. Có thể nói tất cả quan hệ ngoại giao giữa Bắc Hàn và đồng minh là điện văn chúc mừng, chia buồn hoặc ca ngợi thành quả gì đó. Còn nếu Bắc Hàn cần gạo, cần tiền thì hãy để cho sen đầm quốc tế Mỹ lo. Việt Nam và Trung Quốc không dính líu đến tiền bạc với Bắc Hàn, ngoại trừ việc Bắc Hàn hay in tiền giả tung sang nước lân cận.

    Tháng Tư năm 1988 ngày sinh nhật của Kim Nhật Thành, bố của Kim Chánh Nhật, Sô Viết tặng Kim một chiếc xe limousin. Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Triệu Tử Dương, gởi tặng một bó hoa. Nó hàm ý Bắc Hàn chịu ảnh hưởng của Sô Viết và cũng hàm ý Trung Quốc đã bỏ rơi đồng minh ý thức hệ. Chẳng may, sau đó vài năm, Sô Viết sụp đổ và Bắc Hàn bắt đầu đói.

    Vậy thì ngày nay giữa Bắc Hàn và Nam Hàn thì Trung Quốc Việt Nam chọn ai? Ý thức hệ hay kinh tế? Ngày 28 tháng 7 năm 2004, bất chấp phản đối từ Bắc Hàn, 2 chuyến bay từ Việt Nam trực chỉ Seoul, chở 450 người tị nạn Bắc Hàn vượt sông Hoàng Hà qua Trung Quốc và sau đó qua Việt Nam xin tị nạn. Bắc Hàn kêu gọi Việt Nam giao trả người tị nạn nhưng cũng như Trung Quốc, Việt Nam chọn Nam Hàn, 1 đối tác kinh tế quan trọng thay vì 1 đồng minh ý thức hệ. Hiển nhiên đồng minh ý thức hệ chỉ là trao đổi điện văn hữu nghị chẳng tốn tiền. Mặt khác, quan hệ kinh tế với Nam Hàn vẫn là chính. Hãy liếc nhìn quan hệ kinh tế giữa Nam Hàn và Trung Quốc, Bắc Hàn với Việt Nam. Xin mở ngoặc, Việt Nam ta không ảnh hưởng gì lắm với vấn đề Bắc Hàn, Meta kéo Việt Nam vào vì nó là chuyện chúng ta muốn biết. Thế thôi. Bất chấp phản đối từ Bắc Hàn, VN cho phép những người tị nạn này đáp máy bay sang Nam Hàn trước sự ngạc nhiên của các nhà quan sát chính trị trên thế giới. Thời điểm này, Việt Nam tỏ ra ngoan ngoãn trước khi nộp đơn xin gia nhập WTO (nộp đơn ngày 4 tháng 1 năm 2005). Cùng với việc trả tự do hàng loạt cho các nhà dân chủ từ 2005 - 2006, cuối cùng Việt Nam được gia nhập WTO ngày 11 tháng 1 năm 2007.

    Quan hệ kinh tế Nam Hàn với Việt Nam
    Hiện nay Nam Hàn đóng một vai trò rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế khu vực. Theo BBC, "South Korean investors accounted for about a quarter of all the cash injected into Vietnam"
    Ngày 14 Tháng 11 năm 2007 đồng chí Nông Đức Mạnh viếng thăm 3 ngày tại Seoul, diện kiến tổng thống Roh Moo Hyun. Cả 2 đồng ý hợp tác kinh tế đặc biệt trong đầu tư, lao động, đóng tàu, luyện kim, hải sản, chuyên chở, du lịch và thể thao. Việt Nam và Nam Hàn có nghĩa vụ tương trợ nhau để cùng phát triển. Họ cũng hứa sẽ gia tăng hợp tác trong những tổ chức quốc tế tại khu vực cũng như hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hai nước sẽ cố gắng gia tăng thương mại lên đến 10 tỉ đô la trong 5 năm tới trong khi trù hoạch những biện pháp cân bằng thương mại song phương.
    Ngày 15 tháng 11, Nông Đức Mạnh được phong tặng công dân danh dự thành phố Seoul, ngỏ lời trong cuộc gặp gỡ các thương nhân Hàn Quốc, Mạnh nói Việt Nam luôn tôn trọng sự đối tác thông cảm lẫn nhau, đời đời bền vững với Nam Hàn và gắn bó với quyết tâm giúp đỡ các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Đối lại, tổng thống Roh Moo Hyun cũng khẳng định sự thừa nhận Việt Nam đang nỗ lực phát huy nền kinh tế thị trường một cách nhanh chóng và sự thừa nhận này sẽ giúp thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi giữa 2 nước. Sự kiện này có lẽ chẳng cần giải thích, các bạn cũng biết ở Bình Nhưỡng, Kim Chánh Nhật buồn như trấu cắn. Ở đời tình cảm mới là chính chứ tiền bạc nhằm nhò gì. 10 tỉ đô thì Kim Chánh Nhật cũng có nhưng Hàn Quốc lại có tiền thật, in tại Mỹ đàng hoàng. Còn Kim Chánh Nhật thì in tiền giả.
    Nguồn http://news.vnanet.vn/vietnamlaw/Rep...7&NEWS_ID=2357

    Quan hệ kinh tế Nam Hàn với Trung Quốc
    Từ khi Trung Quốc thiết lập bang giao với Hàn Quốc năm 1992, trao đổi thương mại giữa 2 bên ngày càng tăng. Năm 1998 thương mại giữa 2 nước khoảng 3 đến 4 tỉ năm 1998 cho đến năm 2005 vọt lên đến 100 tỉ đô la và chỉ 3 tháng đầu năm 2006, tổng chi thu vượt quá 26 tỉ. Hàn Quốc đã nghiễm nhiên thành đối tác lớn nhất và nguồn đầu tư quan trọng nhất của Trung Quốc năm 2006.
    Các nhà đầu tư Hàn Quốc được khuyến khích đầu tư vào tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc, phát triển 4 khu kinh tế đang tiến hành trong tỉnh. Tỉnh trưởng Hắc Long Giang, ông Wang Limin, tuyên bố sẽ thành lập 4 khu kỹ nghệ trong tỉnh, ông nói: Đầu tư vào 4 khu sẽ lên đến 1.7 ngàn tỉ quan (tương đương 215.19 tỉ đô la Mỹ) trong 5 năm tới. Dự án có mục tiêu là làm mạnh các ngành sản xuất nhiên liệu hóa chất, năng lượng, thực phẩm xanh, dược phẩm và chế biến sản phẩm mộc. Hàn Quốc hiện nay là đối tác đứng hàng thứ tư và cũng là nguồn đầu tư đứng hàng thứ tư vào tỉnh Hắc Long Giang. Nhưng về mặt quốc gia, Hàn Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất. Nguyên văn: China has become the largest trade partner and foreign investment destination of South Korea. (Nguồn: Trung Hoa Nhật Báo http://www.ipr.gov.cn/ipr/en/info/Ar...926&dir=200610).
    Không còn tham vọng nhuộm đỏ thế giới nữa, ngày nay Trung Quốc đang theo đuổi mộng nhuộm xanh đất nước bằng đô la. Họ là nước phát triển nhanh, mạnh nhất thế giới. Trong vị trí ấy, không ai dại gì để mọi thứ xáo trộn. Bắc Hàn muốn giải phóng Nam Hàn thì phải coi chừng Trung Quốc. Một Bắc Hàn thống nhất đất nước kiểu Việt Cộng thì toàn bán đảo Đại Hàn thành nơi xuất phát những làn sóng tị nạn đổ tràn vào Trung Quốc. Ngay đến người dân Trung Quốc còn không được phép sinh sản quá 2 đứa con, họ không muốn nuôi hàng triệu người Đại Hàn tị nạn. Một Nam Hàn thống nhất đất nước có lẽ tiện hơn cả, nó thẩm thấu mọi nghèo đói của Bắc Hàn và Trung Quốc trút được mối lo nuôi người tị nạn. Chỉ có điều lực lượng phe xã hội chủ nghĩa ta thế là hẻo quá. Nhưng như chúng ta ngầm biết, Trung Quốc dứt khoát đoạn tuyệt với ý thức hệ Cộng Sản. Nó chỉ là một nước độc tài đảng trị thối nát như chế độ phong kiến xa xưa thôi. Điều Trung Quốc muốn lại là điều Hàn Quốc chưa muốn. Kinh tế Hàn Quốc sẽ ra sao một khi thống nhất Nam Bắc? Một Hàn Quốc thống nhất mang lại viễn ảnh hàng chục năm trì trệ kinh tế trước khi có thể hồi phục. Họ không muốn thế. Đúng ra, Hàn Quốc chưa từng có mộng thống nhất Nam Bắc, tuy biết rằng không sớm thì muộn, điều ấy phải xảy ra.
    Tóm lại, Trung Quốc (và ngay cả Mỹ) không thể để Nam Hàn sụp đổ vì như thế Mỹ sẽ mất ảnh hưởng trong khu vực. Riêng Trung Quốc sẽ gánh một cái gánh nặng hàng triệu nhân khẩu người tị nạn trong khi nếu giữ yên tình thế như bây giờ (vì Hàn Quốc không muốn giải phóng Bắc Hàn), cả Hàn Quốc và Trung Quốc thi nhau hốt bạc.

    Trung Quốc và vấn đề Bắc Hàn.

    Đồng minh ý thức hệ
    Trung Quốc gửi chí nguyện quân sang Bắc Hàn năm 1950 trong chiến dịch Kháng Mỹ viện Triều. Từ khi chia đôi đất nước, Trung Quốc đã viện trợ kinh tế, quân sự, chính trị cho Bắc Hàn dưới chế độ của 2 cha con nhà họ Kim. Ngày 4 tháng 7 năm 2006 Bắc Hàn bắn thử một số hỏa tiễn tầm xa mặc dù có sự phản đối của Bắc Kinh, Đông Kinh và Hoa Thịnh Đốn. Sau đó là một phản đối ngoại giao công khai của Trung Quốc như một dấu hiệu rạn nứt bang giao. Dù là tình đồng chí mồm răng thắm thiết, các chuyên gia chính trị nói bắc Kinh không thể chế ngự Bình Nhưỡng. "Nói chung, Mỹ có vẻ quan trọng hóa ảnh hưởng Trung Quốc trên Bắc Hàn." Ông Daniel Pinkston, một chuyên gia về các vấn đề Đại Hàn phát biểu như thế. Đồng thời, Trung Quốc đã đầu tư quá nhiều vào Bắc Hàn tới mức "bỏ thì thương vương thì tội". Ông Adam Segal, viện sĩ viện nghiên cứu Trung Quốc nói tại Hội Đồng Liên hệ Đối Ngoại:" Bỏ rơi Bắc Hàn là việc không thể xảy ra."
    Bình Nhưỡng lệ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh về kinh tế, đặc biệt thực phẩm và năng lượng. Bắc Hàn nhận 70/100 thực phẩm và 70 đến 80 phần trăm nhiên liệu từ Trung Quốc. Bình Nhưỡng là thị trường lao động lớn nhất của Trung Quốc, nơi có 300 ngàn hợp tác lao động sinh sống, làm việc gởi tiền về quê nhà. Trung Quốc còn là đồng minh chính trị nữa. Khi một chính thể độc tài đổi mới, họ hiểu mối lo ngại lớn nhất của Kim Chánh Nhật là làm sao để tồn tại. Ông Segal nói vậy. Trung Quốc nhiều lần dùng quyền phủ quyết bác bỏ các biện pháp của Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc đối phó với Bắc Hàn. Trugn Quốc cũng tổ chức nghị hội 6 nưóc đàm phán về vấn đề vũ trang nguyên tử. Những nghị hội khác, Trung Quốc đều đứng ra làm trung gian giữa Mỹ, Nhật và Bắc Hàn trong đó Mỹ và Nhật luôn đòi hỏi các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Bình Nhưỡng tử bỏ mộng vũ trang nguyên tử.

    Trung Quốc và Bắc Hàn có lợi gì trong quan hệ?
    Yểm trợ Bình Nhưỡng, Trung Quốc bảo đảm an ninh biên giới phía Đông Bắc cũng như có được trái độn chắn giữa Trung Quốc và Nam Hàn. Đồng minh với Bắc Hàn cũng rất quan trọng như một bờ đê ngăn chận ảnh hưởng quân sự Mỹ và Nhật trong khu vực trong trường hợp chiến tranh. Mặt kinh tế, Trung Quốc cũng thu lợi vì đã đầu tư độc quyền và sử dụng hải cảng. Thương mại và đầu tư của Trung Quốc ở Bắc Hàn lên đến 2 tỉ đô la một năm (Nhưng Nam Hàn đổ vào Trung Quốc 100 tỉ một năm. Dự kiến 200 tỉ trong 5 năm tới.) Xem thế đối với Bắc Hàn, Trung Quốc là một người thầy vĩ đại. Ngược lại, Trung Quốc lại coi Nam Hàn như người thầy vĩ đại.

    Nhưng Bình Nhưỡng không phải là một đệ tử dễ dạy. Chính sách đối ngoại của Kim Chánh Nhật rất là bất trắc. Ông Daniel Sneider, giám đốc viện nghiên cứu ở Trung Tâm Nghiên Cứu Á Châu Thái Bình Dương Stanford nói:" thương thảo với Bắc Hàn cực kỳ khó, ngay cả nếu bạn là đồng minh. Đây không là một liên hệ nồng ấm, Bắc Hàn luôn tìm lý do để thách đố Trung Quốc." Nhiều chuyên gia cho rằng vụ thử bắn hỏa tiễn là một thí dụ cho việc đẩy lùi ảnh hưởng Trung Quốc lên Bắc Hàn. "Đó là chỉ dấu của độc lập và một ngụ ý gởi thông diệp cho những ai muốn biết lòng kiên cường bất khuất của Bắc Hàn." Thủ tướng Ôn Gia Bảo thường khuyến cáo Bắc Hàn một cách riêng tư, đã chẳng đặng đừng công khai khiển trách Bắc Hàn trong vụ phóng hỏa tiễn dù rằng Trung Quốc đã khuyên can. Vụ này khiến Trung Quốc cảm thấy mất mặt với thế giới.

    Hỏi Trung Quốc có lợi chăng?
    Thưa rằng có lợi nhưng răng chả còn.

    Vấn đề người tị nạn
    Từ lâu, Trung quốc phải đối đầu với vấn đề người tị nạn Bắc Hàn. Là một nước đông dân nhất thế giới, Trung Quốc lại thường xuyên tiếp đón, nuôi báo cô những người tị nạn. Thoạt tiên các người tị nạn Bắc Hàn đều do kinh tế. Họ trốn chạy vì đói. Nhưng một khi khăn gói lên đường vượt biên, họ biến thành tị nạn chính trị, vì đối với Bắc Hàn, hình phạt cho những người vượt biên là xử bắn. Trung Quốc không thể trao trả người tị nạn vì như thế là gián tiếp xử tử họ. Hai tỉnh Cát Lâm và Liêu Ninh có hàng chục ngàn người Bắc Hàn nhập cảnh lậu và ngày càng đông. Nó là một gánh nặng cho kinh tế không những cho 2 tỉnh mà còn đè nặng lên kinh tế cả nước. Đấy là thời bình. Nếu Bắc Hàn gây chiến, làn sóng tị nạn sẽ tràn ngập 2 tỉnh. Nếu Bắc Hàn sụp đổ vì kinh tế hay thua trận, Trung Quốc gánh chịu mọi hậu quả chiến tranh.

    Vấn đề chiến lược
    Ngoài những quan tâm có tính cách cục bộ, Trung Quốc có những quyền lợi lớn hơn về Bắc Hàn. Một cách chính thức, dĩ nhiên, Bắc Kinh chống đối bất cứ mọi nỗ lực nguyên tử hóa bán đảo Đại Hàn. Trung Quốc đã có 3 anh hàng xóm là đối thủ nguyên tử (Nga, Pakistan, Ấn Độ), họ không muốn có thêm nữa. Cả 3 đều chặn đứng mọi ý đồ bành trướng của Trung Quốc. Chỉ còn một hướng có thể xâm lấn đó là tiến về hướng Nam, nơi có một quốc gia mệnh danh Việt Nam, dễ bảo, dễ dạy và sẵn sàng bán nước.

    Thêm vào đó, một cách sâu xa hơn, vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn sẽ tràn lan khắp khu vực. Chắc chắn, Nhật sẽ hợp tác với Mỹ một cách mật thiết hơn trong vấn đề phòng thủ bằng hỏa tiễn tầm xa, chứ không lơ là như hiện nay. Năm 1998, Bắc Hàn bắn thử hỏa tiễn và các tiết lộ năm 2002 khiến Nhật đã có những thương thảo mật với Mỹ. Thực ra việc canh tân quốc phòng Nhật đang diễn ra một cách lặng lẽ. Chỉ các quốc gia liên hệ như Nhật, Mỹ và Trung Quốc được biết. Trung Quốc coi việc phát triển hệ thống phòng thủ bằng hỏa tiễn của Nhật là một đe dọa nghiêm trọng, chỉ có thể ngăn chận bằng cách ngăn chận Bắc Hàn.

    Tệ hơn nữa, trên quan điểm Bắc Kinh, là việc chính thức nguyên tử hóa của Nhật. Nhật có thừa khoa học, kỹ thuật võ trang nguyên tử mà không cần trợ giúp từ bất cứ đâu. Ai cũng biết Bắc Hàn là nguyên do chính cho một cuộc chạy đua võ trang nguyên tử mà Nhật có thể bắt kịp và vượt xa Trung Quốc trong 1 năm. Ví dụ, Đô Đốc Dương Nghị (Yang Yi) giám đốc viện nghiên cứu Học Viện Quốc Phòng Trung Quốc viết về mối quan tâm này:

    Không chỉ là một cuộc võ trang nguyên tử Bắc Hàn, nhưng còn là một công việc khó khăn cực kỳ thuyết phục các nước khác chạy đua võ trang. Một số nước Đông Á có tiềm năng cũng như khả năng phát triển vũ khí nguyên tử. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng Nhật và Nam Hàn là 2 nước ở Đông Á sẽ phát triển vũ khí nguyên tử.

    Cơn lốc nguyên tử dự kiến sẽ là một tai họa cho Trung Quốc và điều này đang được thảo luận một cách rộng rãi ở Bắc Kinh. Dù không được thảo luận công khai, nhưng dự kiến là cơn lốc nguyên tử sẽ bắt đầu từ Nhật sang Nam Hàn và chấm dứt ở Đài Loan. Việc Đài Loan phát triển vũ khí nguyên tử từ lâu đã là một casus belli (nguyên nhân gây chiến) đối với các lãnh đạo Bắc Kinh, điều mà một quốc gia đang nở rộ kinh tế như Trung Quốc không muốn.

    Từ đó Trung Quốc đang phải đối đầu với 2 mối lo: ổn định ở khu vực bán đảo Đại Hàn và ngăn ngừa sự lan tràn vũ khí nguyên tử ở Đại Hàn trước khi nó lan tràn đi nơi khác. Cũng nên nhớ rằng Mỹ cũng có mối lo giống như vậy. cái khác nhau là Mỹ quan tâm nhiều hơn về nguyên tử, Trung Quốc quan tâm nhiều hơn về ổn định. Nhắc lại, Trung Quốc đang nuôi báo cô người Bắc Hàn tị nạn, còn Mỹ thì không.

    Chính sách Trung Quốc đối với khu vực
    Trung Quốc có ảnh hưởng lớn với Bắc Hàn. Trên phương diện tổng quát, Trung Quốc chưa áp đặt tối đa ảnh hưởng của mình vào Bắc Hàn. Nó có nghĩa là, Trung Quốc tiến hành nhiều bước nhỏ ngầm chuyên chở một thông điệp son sắt: nên đối thoại hơn là đương đầu với đế quốc Mỹ. Một lượng định khác về chính sách Trung Quốc là dùng sự việc vũ trang nguyên tử của Bắc Hàn như một cách cân bằng ảnh hưởng Mỹ trong khu vực. Nhưng lượng định này có vẻ kém thuyết phục. Thực ra, Bắc Kinh có vẻ cân bằng chính sách họ một cách cẩn thận giữa việc ngăn chận vũ trang nguyên tử và ổn định trong khu vực. Hãy xét đến hội nghị 6 bên.

    Hội nghị 6 bên gồm Trung Quốc, Nga, Nhật, Mỹ (nữa, đúng là sen đầm, chuyện gì cũng xía vào) và Bắc, Nam Hàn. Hội nghị diễn ra đã 3 năm kể từ năm 2003 bàn bạc về chính sách phát triển vũ khí nguyên tử ở Bắc Hàn. Có 2 điểm quan trọng về hội nghị 6 bên ta cần lưu ý. Đầu tiên, họ trình bày chính xác các biện pháp chính quyền Bush đã la lối ầm ĩ trong những năm đầu nhiệm kỳ. Thứ hai, Trung Quốc đã là một lực lượng chính trong việc sáng tạo và duy trì cuộc hội nghị.
    Khi chính quyền Bush vừa chấp chánh, họ hy vọng sẽ tránh khỏi những cuộc đàm phán dài dòng vô tích sự với Bắc Hàn. Một điều không tránh khỏi, khi các cuộc đàm phán thất bại, mỗi bên tố cáo nhau và nước Mỹ một mình gánh vác cái gánh nặng không phải của mình (thực ra là gánh Trung Quốc phải mang), bao gồm cả tiếng xấu đối với thế giới về việc gây ra suy thoái các mối liên hệ trong khu vực. Thay vì cho phép Bắc Hàn "cô lập" nước Mỹ bằng cách này, chính quyền Bush lôi kéo 6 nước khác vào để chịu trách nhiệm chung. Như thế các nước sẽ xét đoán tốt hơn về bản chất của vấn đề, sẽ thôi không đổ thừa tại Mỹ nữa. Điều này cũng cho phép một mặt trận đoàn kết trong các nước binh vực Bình Nhưỡng chịu nhượng bộ.

    Chiến thuật này của Mỹ gặp nhiều thách đố cay đắng và thực ra, Bắc Hàn bất đắc dĩ tham dự trong bất cứ nghị hội nào khác hơn là hội nghị tay đôi với Mỹ. Các nước khác như Trung Quốc, Nga tuy binh vực Bắc Hàn ngoài miệng nhưng lại không chịu bỏ gạo. Cuối cùng, chính quyền Bush thành công khi 6 nước trong khu vực đồng ý tham dự và Bắc Hàn buộc phải tuân theo trong tiến trình ấy.

    Trung Quốc đóng vai trò tổ chức và điều khiển nghị hội. Nó tổ chức cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa 3 nước Bắc Hàn, Mỹ và Trung Quốc để mở đầu cho cuộc hội nghị 6 nước. Mỗi khi hội nghị đi đến chỗ bế tắc, Trung Quốc là người đứng ra giải quyết. Bình Nhưỡng bị thúc đẩy tham dự 5 cuộc hội họp chính thức và một số các hội nghị sơ bộ mặc dù theo thói quen, họ thường tránh tham dự các nghị hội này. Brad Glosserman Giám đốc Pacific Forum CSIS, Center for Strategic and International Studies ( CSIS, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ) kết luận: Toàn thể tiến trình 6 bên là công trình ngoại giao của Trung Quốc.

    Cũng nên biết rõ ràng rằng hội nghị 6 bên không giải quyết vấn đề phát triển vũ khí hạch nhân ở Bắc Hàn. Tuy nhiên, tiến trình này là mục tiêu của Bush nhằm san sẻ gánh nặng Bắc Hàn cho các nước lân cận theo lẽ ra phải chịu trách nhiệm. Chửi tôi là sen đầm chuyên xía vào chuyện người, bây giờ chuyện hàng xóm các người, các người tự lo lấy đi.
    Cái thất bại của việc ngăn chận phát triển vũ khí nguyên tử trong khu vực trở thành một mặt trận liên minh 6 nước nhằm kềm chế tham vọng của Bình Nhưỡng hơn là chỉ phản ảnh kỳ vọng riêng của Mỹ. Điều này là động cơ mà Hoa Thịnh Đốn muốn tiến hành để cho phép vấn đề vượt ra khỏi giới hạn giữa 2 nước Mỹ và Bắc Hàn, đã chứng tỏ là dầm dề, trì hoãn và bế tắc. Chính sách hội nghị 6 bên của Trung Quốc về vấn đề Bắc Hàn không nên bị đổ thừa nếu không đạt được kết quả mong muốn vì quả thực, nó rất khó đạt được kết quả mong muốn.

    Ngoài việc thực thi chính sách của chính quyền Bush, Trung Quốc còn dùng các phương tiện ép buộc khác đối với Bình Nhưỡng. Theo lời một cựu viên chức ngoại giao Trung Quốc, thì 80-90 phần trăm nhiên liệu và 1 phần 3 thực phẩm của Bình Nhưỡng lệ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc không dùng nó để răn đe Bắc Hàn thì họ đã ngầm thông báo cho Bắc Hàn bằng những tín hiệu nhỏ.

    Tháng 2 năm 2003 Trung Quốc tắt đường ống dẫn dầu duy nhất sang Bắc Hàn rồi mở lại vài ngày sau đó. Đây được coi như một ngón đòn cảnh cáo buộc Bắc Hàn ngồi xuống tham dự cuộc nghị hội 3 bên sẽ tổ chức vào cuối tháng Tư năm 2003. Sau đó vào tháng 6 năm 2003, một cuộc chuyển quân của quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc tại biên giới Hàn - Trung cũng được coi như một thông điệp cảnh cáo. Những vụ việc nhỏ ít chú ý như việc Trung Quốc chặn bắt một chuyến tàu hóa chất có thể dùng tinh lọc plutonium của Bắc Hàn. Bắc Kinh cũng kêu gọi Bình Nhưỡng tự chế không bắn thử hỏa tiễn giữa năm 2006 và phổ biến một phản đối ngoại giao khi cuộc thử hỏa tiễn đã thực hiện. Sau đó, Trung Quốc ủng hộ Nhật trong việc đưa sự việc lên Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc. Cuối cùng, Trung Quốc ủng hộ Mỹ phong tỏa các trương mục của Bắc Hàn ở Mỹ bằng cách cũng phong tỏa các trương mục Bắc Hàn ở Macao trong vụ Bắc Hàn in tiền giả.

    Mỗi sự việc kể trên đều là những tín hiệu cưỡng bức các lãnh đạo Bình Nhưỡng. Rõ ràng là không biện pháp nào có hiệu quả giống như phong tỏa kinh tế toàn diện. Nhưng phong tỏa kinh tế sẽ dẫn đến sụp đổ chính trị, nội chiến và có lẽ hâm nóng mối thù hận quốc tế trong bán đảo Đại Hàn và theo đó, Mỹ lại phải đem quân vượt vĩ tuyến 38 một lần nữa. Những chính sách này chỉ nhằm chuyên chở một thông điệp ngăn cản phát triển vũ khí nguyên tử, nhưng phải làm sao đừng gieo một viễn ảnh xáo trộn ở kế bên Trung Quốc.

    Kết luận và ngụ ý
    Về phần Mỹ, thay vì dập tắt tham vọng nguyên tử của Bắc Hàn qua áp lực Trung Quốc, mục đích của các nhà lãnh đạo Mỹ nên thu gọn lại, tập trung vào việc làm hòa dịu lại các mối đe dọa một cách đoản kỳ, cùng với việc yểm trợ cho tiến trình cải cách đang diễn ra ở Bắc Hàn ( các phái đoàn Bắc Hàn qua Việt Nam và Trung Quốc nghiên cứu về chính sách đổi mới. Tuy chỉ là những bước dọ dẫm, họ biết rằng không thể kéo dài tình trạng tuyệt vọng này lâu hơn được nữa.) Cuối cùng là hội nhập Bắc Hàn vào bối cảnh khu vực song song với việc xóa bỏ thành kiến bài ngoại của họ. Một cách đặc biệt, những hệ thống phòng thủ tên lửa khắp khu vực phải là ưu tiên hàng đầu. Chiến thuật gây sức ép của Nam Hàn hay Trung Quốc chỉ gây hiệu quả ngược. Thúc đẩy Nam Hàn tích cực hơn trong vấn đề ngăn chận phát triển nguyên tử của Bắc Hàn sẽ đẩy Nam Hàn ngả về phía Bắc Kinh. Ép Trung Quốc áp đặt một chính sách gắt gao hơn nữa với Bắc Hàn cũng là điều không tưởng vì quyền lợi Trung Quốc khác hẳn quyền lợi Mỹ. Không gì có thể thay đổi được điều đó.


    References
    http://news.vnanet.vn/vietnamlaw/Rep...7&NEWS_ID=2357
    http://news.bbc.co.uk/2/hi/business/2039887.stm
    http://query.nytimes.com/gst/fullpag...52C1A96E948260
    http://www.ipr.gov.cn/ipr/en/info/Ar...926&dir=200610
    http://www.ccc.nps.navy.mil/si/2006/Sep/twomeySep06.asp
    http://www.cfr.org/publication/11097...ationship.html
    Last edited by metamorph; 08-29-2013, 05:44 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X