Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nguyễn Kỳ, “Điểm hẹn của nữ sinh Sài Gòn” ngày xưa

Collapse
X

Nguyễn Kỳ, “Điểm hẹn của nữ sinh Sài Gòn” ngày xưa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nguyễn Kỳ, “Điểm hẹn của nữ sinh Sài Gòn” ngày xưa


    Trò Chuyện Với Lan Chi
    Nguyễn Kỳ Photo, “Điểm hẹn của nữ sinh Sài Gòn” ngày xưa.


    Cali một ngày không ấm, tôi ghé Nguyễn Kỳ Photo trên đường Bolsa của Quận Cam.

    Nguyễn Kỳ, một tên tuổi không xa lạ.
    Nguyễn Kỳ, điểm hẹn của nữ sinh Sài Gòn thập niên 60-70.
    Nguyễn Kỳ, người chụp hình cho “Em Gái Dạ Lan” của Đài Phát Thanh Quân Đội và 2,500,000 ảnh đã được phát hành để tặng cho chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và cả các thính giả.

    Ẩn trong một diện tích vừa phải, chung với một cơ sở khác, Nguyễn Kỳ Photo NKPT là nơi đón nhận khách theo hẹn của chủ nhân.

    Bước vào trong, điểm thu hút tôi là hai tác phẩm nhiếp ảnh “Tiếng Sáo Thiên Thai” và “Cung Đàn Năm Xưa”.

    Bàn làm vịêc của chủ nhân ở một góc. Sau khi chụp cho tôi vài kiểu, chủ nhân đã “retouche” ngay tại chỗ. Khi tôi nhìn thấy một bức hình rất đẹp và người mẫu trong hình trông rất sang, lại ở một vị trí “luôn kề cận chủ nhân”, tôi hỏi, Nguyễn Kỳ dí dỏm “Bà xã tôi đấy, bà kiểm soát tôi coi như ngày đêm, Lan Chi thấy sợ không!”



    Nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ đang sửa hình Hoàng Lan Chi trên “computer” 2011. Bên phải ông là chân dung bà Nguyễn Kỳ

    Nói về tác phẩm “Tiếng Sáo Thiên Thai”, Nguyễn Kỳ chia sẻ: Năm 2003, tác phẩm này đoạt Bằng Danh Dự cuộc thi Nhiếp Ảnh Quốc Tế của Hội Photographic Society of American (PSA) tại Houston. Qua năm sau, 2004, đoạt 5 huy chương vàng thế giới: 2 huy chương ở Châu Mỹ, 2 ở Châu Âu và 1 ở Châu Á. Các cuộc thi này đều được tổ chức bởi các quốc gia sở tại, dưới sự bảo trợ của PSA (Hoa Kỳ). Nguyễn Kỳ giải thích thêm về các cuộc thi “Mỗi quốc gia nào , khi tổ chức nhiếp ảnh mang tính quốc tế thì phải được một trong hai tổ chức nhiếp ảnh lớn của thế giới công nhận là PSA ( Châu Mỹ) và Fiat ( Châu Âu).” “Tiếng sáo thiên thai” còn có một vinh dự khác, đó là sau khi đọat giải Huy Chương Vàng Châu Á tổ chức ở Ấn Độ thì đã được nước này xin phép treo ở Bảo Tàng Viện Nhiếp Ảnh ở IIPC.

    Đặc biệt, tuy đoạt giải Huy Chưong Vàng ở Áo năm 2004 nhưng năm 2005, Nguyễn Kỳ mới qua Áo lãnh vì Ban Tổ Chức muốn mời tác giả tham dự nhân dịp khánh thành Trung Tâm Văn Hóa lớn nhất của Áo ở Linz là Design Center.



    Tiếng Sáo Thiên Thai



    Nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ (bên phải hàng trên) và BS Chris Hinterrobermaier tại Áo năm 2005.

    Ngoài “Tiếng Sáo Thiên Thai”, còn có số tác phẩm khác đọat Huy Chuơng Bạc và Đồng như Tiếng Đàn Năm Xưa, Xuân Thì, Ưu Phiền, Cao Sang, Cô Đơn…



    Cung Đàn Năm Xưa


    Trò chuyện về cuộc đời mình những ngày đầu tiên ở vùng đất mới, Nguyễn Kỳ cho biết ông đến Hoa Kỳ năm 1999 trong một chương trình đòan tụ. Cùng đi với ông là bà xã và một con, còn lại Việt Nam là bốn.

    Khoảng 3 tháng sau khi đến Mỹ, từ Canoga Park ông dọn về Little Sài Gòn và Nguyễn Kỳ bắt tay vào làm việc ngay. Đầu tiên là “designer” cho báo Người Việt nhưng sau đó ông xin nghỉ vì mức lương khá khiêm nhường. Tiếp đó ông nghiên cứu để mở riêng. Trong khi tìm hiểu thị trường nhiếp ảnh của cộng đồng người Việt, ông khá bất ngờ khi khám phá ra rằng, lúc đó, Little Sài Gòn hoàn tòan chụp hình theo kiểu cũ, nghĩa là chưa có “digital”. Chẳng riêng gì Little Sài Gòn mà toàn Hoa Kỳ, chưa có một phòng nhiếp ảnh digiatl nào của người Việt cả.

    Một trong các nguyên do, theo Nguyễn Kỳ phỏng đóan thì người Việt mình cứ nghĩ rằng, chi phí cho một phòng hình “digital” quá tốn kém, trên vài trăm ngàn mỹ kim theo đúng tiếu chuẩn của Hoa Kỳ. Do đó nhiều nhiếp ảnh gia ngần ngại. Riêng Nguyễn Kỳ, với kinh nghiệm từ thuở xưa, ông biết rằng nếu khéo léo theo kiểu các cụ “khéo ăn thì no khéo co thì ấm” nên ông đã thiết lập một studio với giá chỉ vài chục ngàn Mỹ Kim.

    Thời gian đầu, để chuẩn bị cho tiệm ảnh riêng, người mẫu của Nguyễn Kỳ lúc đó hòan tòan là con cháu trong nhà. Cuối năm 1999, Nguyễn Kỳ triển lãm những tác phẩm digital của ông tại Thương Xá Phúc Lộc Thọ, đồng thời cũng là ngày khai trương studio riêng. Nhiều người ngạc nhiên vì họ không thể tưởng được một anh “coi như nhà quê vì mới từ Việt Nam qua” lại đã có thể hoạt động được trong lãnh vực “digital imaging” ở bên Mỹ này.

    Nhắc lại chuyện này, Nguyễn Kỳ cười vui “ Đúng là nhiều người hồi đó khi nghe tôi nói, họ tưởng tôi nói xạo. Thật ra tôi sử dụng kỹ thuật digital từ 1995. Lúc ấy, tôi đang cộng tác với công ty Agfa của Đức. Họ thiêt lập dây chuyền sản xuất ảnh mầu tự động bằng máy minilab của Đức, thế hệ mới nhất MSC-2. Agfa mời chúng tôi dự hội chợ photo Kina ở Đức năm 1994. Tại hội chợ này, tôi được thấy kỹ thuật nhiếp ảnh digital đầu tiên. Khi trở về, tôi đặt mua máy móc, sofware từ CA qua một công ty nhà nước, tự học và mở riêng cho mình một phòng thiết kế mẫu. Thời gian này tôi thiết kế mẫu lịch, bao bì, flyer… hoàn toàn bằng digital”.


    Chụp chung với Giám Đốc Agfa ở Cologne (Đức)



    Buổi triển lãm và khai trương tiệm hình Nguyễn Kỳ ở Phuớc Lộc Thọ Little Sài Gòn năm 1999

    Khai trương tiệm hình xong, Nguyễn Kỳ có khách ngay nên không gặp khó khăn về tài chánh. Công việc thuận buồm xuôi gió đến 2000 thì biến cố 911 xảy ra. Vốn dĩ Phước Lộc Thọ “mạnh” về khách du lịch, nay nguồn này giảm hẳn nên Nguyễn Kỳ phải dọn studio về 18042 Magnolia, Westmingter. Địa điểm mới này rộng và có thể thực hiện được cả hình cho đám cưới.

    Năm 2006, do tình trạng sức khỏe cá nhân, Nguyễn Kỳ nhường tiệm cho người cháu và đến 2008 thì đóng. Qua 2009, Nguyễn Kỳ dọn đến địa chỉ hiện tại 9351 Bolsa Ave, Westmingter CA 92683, và người con trai trông nom chính. Bản thân ông làm việc theo sở thích, đó là chụp theo hẹn. Đam mê nghề nghiệp và cả ước muốn cống hiến những hình ảnh đẹp cho mọi người, Nguyễn Kỳ cũng nhận lời đi các tiểu bang nếu có người đứng ra tổ chức. Điều này có nghĩa là nếu một cá nhân hay một nhóm nào đó tổ chức, lấy danh sách khách hàng tại địa phương, cho hẹn và Nguyễn Kỳ sẽ bay đến.

    Ngược dòng quá khứ, chia sẻ về đam mê nhiếp ảnh đến với ông khi nào, Nguyễn Kỳ kể rằng năm 1954, di cư vào Nam, lúc đó ông đang học đệ tứ. Nhân một buổi dã ngọai cuối năm, Nguyễn Kỳ mượn máy hình của người anh và đã chụp hư. Thật ra hồi đó máy hình phức tạp hơn bây giờ nhiều nên để chụp được thành thạo sau vài giờ học là điều không tưởng. Tức tối, Nguyễn Kỳ tự học và sau vài lần chụp thành công, ông trở nên đam mê bộ môn này. Những người mẫu của ông lúc đó chỉ là em gái trong nhà, rồi sau lan đến bạn các cô ở trường Văn Lang. Điểm đặc biết là lúc đó nl hoàn tòan chụp “miễn phí”.

    Tiếng lành đồn xa, khách đến càng ngày càng đông. Lúc đó, Nguyễn Kỳ thầm nghĩ không thể chụp miễn phí mãi được. Vậy là ông chế biến gara (nơi đang là phòng học) thành studio. Về máy móc, lúc đó Nguyễn Kỳ chưa đủ tiền để mua. Thời may, một người bạn thân của Nguyễn Kỳ, Phạm Mạnh Tuấn, con trai Long Biên (một công ty nhiếp ảnh lớn ở Sài Gòn) tặng cho Nguyễn Kỳ một ống kính cũ, loại cổ điển nhà nghề để chụp mờ. Nguyễn Kỳ phải dùng ống nước và gỗ để tự đóng lấy máy ảnh cho phù hợp với ống kính này. Cũng chính từ ống kính này, Nguyễn Kỳ đã cho ra đời những hình chụp mờ lạ mắt.



    Nữ sinh Trưng Vưong Thanh Hà, ( Nguyên Hội Trưởng Trưng Vương Nam CA), năm 1961



    Nữ sinh Trưng Vưong (Nhà văn Bích Huyền) năm 1962

    Về phòng tối rửa hình, Nguyễn Kỳ cũng phải tự học, tự chế biến ngay tại “studio-gara” . Nhưng cũng chính từ phòng tối, kỹ thuật làm “mờ ảo” đã khiến Nguyễn Kỳ thành công rực rỡ. Từ gara khiêm nhường của thuở ban đầu, sau này Nguyễn Kỳ đã phát triển thành 3 địa điểm: địa điểm chính nơi Nguyễn Kỳ chụp theo hẹn cho khách quen là 27 B Trần Nhật Duật, Tân Định địa điểm số hai ở Lê Văn Duyệt Quận 3 và địa điểm số 3 ở Công Lý, cạnh chùa Vĩnh Nghiêm.

    Bùi ngùi nhắc lại quá khứ nhưng cũng rất nhân hậu khi Nguyễn Kỳ nhắc đến người em họ: Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Xuân Mậu. Nguyễn Kỳ kể rằng khi tiệm đông, ông mời Nguyễn Xuân Mậu về hợp tác. Lúc đó , Mậu nguyên là từ “lò” nhiếp ảnh “Lợi Ký” Đà Lạt, đang ở Lào, Vientiane. Chính kỹ thuật phòng tối chuyên nghiệp của Mậu đã giúp Nguyễn Kỳ nổi tiếng. Hiện nay Nguyễn Xuân Mậu đang ở Maryland và Phạm Mạnh Tuấn thì ở Virginia.

    Biến cố 1975 xảy đến. Để bà xã và cô em gái trông coi tiệm, Nguyễn Kỳ ra Phan Rang làm nghề chài lưới và sản xuất nước mắm. Tại đây, ông mua tàu, chuẩn bị vượt biên cả gia đình vào năm 1976. Việc không thành, vợ con ông được thả còn bản thân ông thì bị tù mãi đến 1980.

    Trở về Sài Gòn năm 1980 từ trại giam, Nguyễn Kỳ cũng phải trình diện hàng tháng như người khác tại công an Phường. Lúc đó, số hàng dự trữ cho tiệm ảnh từ trước 75, gia đình đã dùng gần hết. Vì thế Nguyễn Kỳ không chụp chân dung nữa vì hàng của xã hội chủ nghĩa rất xấu. Sau đó thông qua người nhà ở Mỹ, ông mua phim mầu. Tuy nhiên còn vấn đề rửa ảnh! Nguyễn Kỳ tiết lộ, chính ngày xưa, nhờ học một năm “stagère” của Dược Khoa, “cân đong đo đếm” hóa chất mà Nguyễn Kỳ áp dụng và chế biến thành công, thuốc rửa hình mầu từ nguyên liệu mua ở kho Long Bình. Vào thời gian này, Sài Gòn có 3 lò rửa hình mầu nổi tiếng: Nguyễn Kỳ, Thai Thúc Nha và Tân Tiến. Khách hàng đa số là các anh em chụp hình dạo ở các công viên, tụ điểm vui chơi.

    Công việc in lịch, mẫu mã bao bì sản phẩm rất phát đạt và khi công an có vẻ “nhòm ngó” thì may mắn Nguyễn Kỳ được gọi đi Hoa Kỳ do em bảo lãnh.



    Mẫu bao bì Cà phê còn sử dụng bây giờ

    Bây giờ với giọng nửa đùa nửa thật, Nguyễn Kỳ nói với Hoàng Lan Chi rằng “Tôi thật là nửa Thầy nửa Thợ”’ nhưng cá nhân Lan Chi nghĩ khác. Nguyễn Kỳ chính là một tấm gương tiêu biểu cho câu châm ngôn mà các cụ xưa thường dạy “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Vâng, một nghề tinh tường, yêu nghề, sống hết với nghề, thế mà sống vinh quang, giàu có sung túc với nghề…Cho dù với con đường “quan lộ” bình thường thì Nguyễn Kỳ đã không đi trọn như Nguyễn Kỳ thường tự diễu mình là “đầu Ngô mình Sở”. Rớt Tú 1, học Mỹ Thuật. Đậu Tú 1, bỏ Mỹ Thuật để học Tú 2. Rồi học Luật song song với Dược Khoa. Rồi lại bỏ Dược theo Kiến Trúc. Cuối cùng thì khách hàng nữ sinh đến chụp hình nườm nượp làm Nguyễn Kỳ đi hẳn vào con đường “thương nghiệp” và từ giã quan trường.

    Bàn về nghệ thuật đã đưa Nguyễn Kỳ đến con đường “Nhà nhiếp ảnh của nữ sinh”, những tiết lộ thật thú vị. Ông nói rằng khi chụp cho các cô, ông nhận thấy đa số con gái Việt Nam không có mái tóc đẹp và kiểu “mode”. Điều đó làm suy giảm vẻ đẹp của bức hình khá nhiều. Nguyễn Kỳ suy nghĩ và nảy ra ý tưởng cho mái tóc mờ đi. Tất nhiên, “làm mờ” cũng chỉ là một điều trong chương trình học nhưng biết “áp dụng” vào một trường hợp cụ thể nào đó, để có kết quả lớn, mới là đìêu đáng nói.

    Thoạt đầu chỉ là mờ mái tóc. Về sau, mờ cả những cái gọi là ‘khuyết điểm”. Sách dậy làm mờ là bôi vaseline một lớp mỏng và ở giữa là chỗ trong suốt. Trong phòng tối, thì rọi mặt vào chỗ trong suốt, còn tóc và người ở chỗ có vaseline. Nhưng kêt quả là chung quanh mặt bị mờ hết. Làm sao đây? Cuối cùng, Nguyễn Kỳ đã “phát minh” ra được một kỹ thuật chưa từng có và sẽ không bao giờ có: bôi vaseline thật mỏng nhưng bôi bằng cách nào đây để các chi tiêt như sợi tóc nhỏ vẫn xuyên qua và xuống được.

    Nếu dùng ngón tay thì cũng không đạt vì sẽ có vân tay. Nhưng nếu sau khi di mỏng bằng tay mới “ịn” kính vào da mông, thì vân tay bị xóa hết và tạo một độ trong hơi mờ. Và mái tóc vẫn được thấy từng sợi nhỏ nhưng hơi mờ ảo.



    Diễm My: Hình gốc



    Diễm My qua vaseline



    Qua ( vaseline và da mông)


    Diễm My,mẫu lịch 1998. Bức hinh ưng ý nhất trong đời nhiếp ảnh của Nguyễn Kỳ

    “Bí quyết” này đã làm nhiều người thợ đến Nguyễn Kỳ học nghề nhưng không học lén được cách dùng làn da mịn ở mông để tán đều vaseline! Tôi bật cười khi nghe Nguyễn Kỳ kể. Cách đây nhiều năm, tôi đến một tiệm hình quen và khám phá ra rằng, hình lịch đẹp, hòan tòan nhờ vào nước miếng và nước lã của người thợ “chấm hình”! Với cây cọ nhỏ và miếng giấy đặc biệt có nhiều mầu, người chấm cứ thế chấm từng điểm li ti cho da mặt mịn, cho sống mũi cao, cho mắt to, cho cả viền môi sắc sảo. Bây giờ qua Nguyễn Kỳ, thì thêm một điều, những hình chụp chân dung đẹp của thời đó lại nhờ vào làn da mông của người thợ hình!

    Từ nghệ thuật này dẫn dắt tôi đến một sự kiện lý thú trong cuộc đời Nguyễn Kỳ: việc chụp hình cho “Em gái Dạ Lan”. Nguyễn Kỳ kể rằng, vào khoảng 1964, Trung tá Lê Huy Linh Vũ, Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến đến gặp và nhờ ông chụp cho Dạ Lan. Lý do, chương trình “Em gái Dạ Lan” trên Đài Phát Thanh Quân Đội thành công rực rỡ, nhiều chiến sĩ đòi xin hình Dạ Lan. Ông đã nhờ vài người chụp nhưng không hài lòng.Trung Tá cũng hỏi một ngày “sở hụi” của Nguyễn Kỳ photo là bao nhiêu. Sau khi Nguyễn Kỳ trả lời, Trung Tá đồng ý sẽ trả trọn vẹn với một điều kiện, Nguyễn Kỳ dành hẳn một ngày để chụp Dạ Lan.

    Sau đó Dạ Lan được Trung Tá Lê Huy Linh Vũ đưa đến. Nguyễn Kỳ kể “Bên ngòai cô ấy không xấu, có duyên là khác. Nhưng đến khi Dạ Lan ngồi trước máy ảnh, tôi toát mồ hôi hột”. Tôi hỏi vì sao, Nguyễn Kỳ kể “Chụp hình chân dung có trường hợp người mẫu ăn ảnh hay không. Dạ Lan là trường hợp không ăn ảnh tức là bên ngòai thì khác nhưng chụp hình thì không đẹp. Vì thế tôi hiểu lý do vì sao các anh em nhiếp ảnh của Cục Tâm Lý Chiến đã không chụp được. Hôm đó cả buổi sáng tôi bấm máy rất nhiều (nhưng đa số là không có phim) để tạo hứng khởi cho Dạ Lan. Đến gần trưa, tôi nghĩ thầm chắc mình cũng thất bại vì chưa có tấm nào ưng ý. Máy hết phim, trong khi chờ thay, Dạ Lan bỗng ngửa cổ “Thôi em mệt quá rồi”. Chính khoảnh khắc đó, tôi bắt được nét đẹp ấy của Dạ Lan. Ở vị trí đó, đã che được rất nhiều những khuyết điểm trên chân dung của Dạ Lan.”

    Sau khi rửa, Trung Tá Lê Huy Linh Vũ hòan tòan hài lòng. Hình đầu tiên là đen trắng. Sau đó, họ yêu cầu dùng mầu nước để tô ảnh mầu. Ấn bản đầu tiên, 1,5 triệu ảnh được in để tặng cho các anh em chiến sĩ khắp bốn vùng chiến thuật. Sau này, Dạ Lan cho Nguyễn Kỳ biết Đài Phát Thanh Quân Đội đã in thêm 1 triệu nữa. Như thế, trong cuộc đời cầm máy ảnh của Nguyễn Kỳ, “Em gái Dạ Lan” là người mẫu có 2,5 triệu tấm hình được in!


    Em gái Dạ Lan của Đài Phát Thanh Quân Đội

    Mới đây, qua phát hiện của net, Nguyễn Kỳ được biết người mẫu cho ông là Dạ Lan số 1 phụ trách chương trình trong hai năm, thời gian còn lại do Dạ Lan 2 đảm nhận đến khi mất nước năm 1975. Dạ Lan 1 còn ở Việt Nam và Dạ Lan 2 đang cư trú Houston.

    Trả lời vì sao khách hàng của ông thời ấy đa số là nữ sinh, Nguyễn Kỳ dí dỏm “Hồi đó, học đường hay có vụ Lưu Bút Ngày Xanh, Lan Chi còn nhớ không? Cứ mỗi hè, các cô chuyền Lưu Bút cho nhau, viết mấy câu thơ , tặng tấm hình. Vì thế cô nào cũng thích lưu dấu kỷ niệm trong cuốn Lưu Bút của bạn bè!”. Quả đúng vậy, thời đó, học trò hay sắm một cuốn sổ đẹp, trong sổ cứ mỗi tờ giấy trắng lại có một tờ giấy pelure hồng hay xanh rất “điệu đà”. Và câu thơ “bất hủ” thường được các anh chị viết cho nhau là:

    Thương nhau mới tặng ảnh này
    Xin đừng xé bỏ mà đau lòng mình

    Chính vì thế, giới học trò đặc biệt là các nữ sinh đã đồn nhau về tài nghệ chụp hình của Nguyễn Kỳ để rồi hầu như mỗi nữ sinh đều cố gắng có một kiểu “Nguyễn Kỳ” cho mình. Như đã nói, kiểu chụp của Nguyễn Kỳ với hình ảnh được làm mờ ảo, và còn lồng vào đó nhiều cảnh hay bìa của một bản nhạc, đã đánh đúng vào thị hiếu thời đó của nữ sinh! Những tựa bản nhạc được nữ sinh thời đó ưa chuộng là “Giấc ngủ cô đơn” hay “Đừng bỏ em một mình”.

    Thị hiếu ấy, bây giờ nhìn lại, chúng ta sẽ nghĩ “sao cải lương thế”, nhưng vào thập niên 60-70, thì đấy chính là mode!

    Tò mò hỏi người tình trăm năm của ông có phải là khách hàng không, Nguyễn Kỳ cười “Cô ấy là nữ sinh Trưng Vương và GS Lữ Hồ đã đặt cô ấy tên Dung Calypso chỉ vì cuối khóa cô đã nhảy điệu Calypso trên sân khấu. Vũ Thị Dung có đến Nguyễn Kỳ chụp một lần nhưng không phải tôi ‘cưa đổ’ nàng bằng nhiếp ảnh đâu. Tôi gặp Dung ở sân trường Luật Khoa. Sau đó Dung có lấy một chứng chỉ Anh Văn ở Văn Khoa nhưng cuối cùng thì Dung lại tốt nghiệp ở một đại học khác!” Tôi ngạc nhiên “Đại Học nào?” Nguyễn Kỳ cười lớn “Thì Đại Học Nguyễn Kỳ! Đại Học Nguyễn Kỳ cấp cho Dung thêm 5 chứng chỉ thế là Dung đậu thủ khoa!”. Tôi bật cười khi nghe Nguyễn Kỳ kể về người tình trăm năm như thế.


    Hình cưới ngày 15/1/1966

    Hỏi về mơ ước tương lai, Nguyễn Kỳ bày tỏ “Tôi mong được chụp các nhân vật của cộng đồng và sau đó trưng bày tại một phòng triển lãm”. Một mong ước nhỏ nhưng thực hiện được hẳn sẽ nhiêu khê. Xin chúc Nguyễn Kỳ sẽ đạt được uớc vọng đó trong một ngày gần đây.

    Nhìn về quá khứ với một hiện tượng đã qua nhưng cũng từng là một nét trong đời sống văn hóa của miền Nam trước 1975, hẳn đã gây bồi hồi cho không ít người. Vâng, “Nguyễn Kỳ photo”, một điểm hẹn của nữ sinh Sài Gòn thửa xưa, với chủ nhân, một nhà nhiếp ảnh dễ mến, có một giọng nói trầm ấm, dịu dàng và đặc biệt một bàn tay vàng! Bàn tay vàng ấy đã giúp “hàng hàng lớp lớp” nữ sinh lưu dấu hình ảnh đã qua của mình trong album gia đình, trong Lưu Bút Ngày Xanh của bạn bè.

    Nguyễn Kỳ bây giờ cũng đóng góp cho “Vẻ vang dân Việt” bằng những tác phẩm nhiếp ảnh đọat giải quốc tế.

    Chúng tôi lưu luyến từ giã nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ và xin được gửi những giòng chữ này như một thoáng hương xưa đến quý độc giả.

    Xuân Tân Mão ngày Đinh Dậu

    Hoàng Lan Chi


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X