Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Người Bạn Bất Thường

Collapse
X

Người Bạn Bất Thường

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người Bạn Bất Thường

    NGƯỜI BẠN BẤT THƯỜNG

    Ninh Thuận



    Vào giữa năm 1978, sau thời gian “tập trung cải tạo” ba năm, như các cán bộ Cộng Sản thường tuyên truyền, cho các “ngụy quân, ngụy quyền” đã khờ khạo tự chui đầu vào tù vừa chấm dứt, thay vì được trả tự do, tôi cùng các bạn tù khác bị di chuyển từ Long Giao về Xuyên Mộc, được “biên chế” [1] ở cùng một đội rau xanh với hắn và được chia chỗ ngủ bên cạnh hắn ở tầng trên sạp gỗ. Hắn cũng vừa bị đưa về Xuyên Mộc từ trại Suối Máu cùng ngày với tôi.

    Tôi không buồn mà cũng chẳng vui trước sự chỉ định đó. Thân tù tội thì làm sao mà phản đối cho được! Không khéo lại bị cùm chân trong các thùng sắt do quân đội Mỹ bỏ lại cùng bị cắt bớt phần cơm tù vốn đã rất khiêm nhường rồi. Ở trong tù thì cai tù như là ông trời con hay hơn nữa là hung thần. Ðể cho loại sứ giả của ma vương này chú ý đến thì cuộc đời tàn ngay. Thế cho nên tôi “hồ hởi phấn khởi” thu xếp chỗ ở mới như bao lâu nay tôi thường cố gắng tạo một bộ mặt bề ngoài như vậy để tạm yên thân, làm quen với khung cảnh chung quanh cũng như các bạn tù mới. Cộng Sản vốn tính đa nghi nên cứ khoảng 12 đến 18 tháng là họ lại xáo trộn các nhà, các đội, hoặc chuyển tù cải tạo từ trại này đến trại khác như xóc bầu cua lộn tùng phèo để các tù nhân không bén rễ tại một chỗ quá lâu có thể liên kết với nhau mà chống đối hay vượt ngục.

    Qua lời tự giới thiệu của người bạn nằm sát bên tôi này thì hắn tên là Khắc, ba mươi tuổi, tốt nghiệp khoá 6/69 Thủ Ðức, phục vụ tại Phòng Ba Tiểu Khu Ðịnh Tường, vừa được lên Trung Úy thì “đứt phim”. Như vậy thì tôi gìà hơn hắn gần mười tuổi, tuy cùng cấp bậc như hắn nhưng tôi bị động viên vào quân trường Thủ Ðức trước hắn năm khoá và làm Trưởng Ban Một tại Chi Khu Du Long, Tiểu Khu Ninh Thuận. Hắn trơ trọi không vợ con, thân nhân. Hắn cho biết cha mẹ, em trai và cô em gái của hắn đều chết thảm trong kỳ Cộng Quân tấn công tỉnh Phước Long vào đầu năm 1975 hầu thăm dò ý định bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa của Hoa Kỳ. Nhìn hắn không ai có thể tưởng tượng được hắn lại là sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Khổ người bé nhỏ, hom hem, không ai biết được tang người hắn vốn dĩ ốm yếu như vậy từ trước đến nay hay là vì hắn đã cho không, biếu không Bác và Ðảng ít ký lô da thịt của hắn trong thời gian ở các trại cải tạo đã qua. Cách ăn nói ngây ngô làm các bạn tù đều ái ngại và thương cảm cho hắn chẳng hạn như:

    - Tôi thường nghe câu thất bại là mẹ thành công, vậy chứ bố của thành công là ai mà chẳng hề nghe nhắc đến, không lẽ thành công ngon lành như vậy mà lại là một đứa con hoang?

    Hoặc như khi nghe những bạn tù gốc miền Bắc mỗi lần nói đến một việc gì xẩy ra đã lâu lắm rồi thường ví von là chuyện xẩy ra từ đời ông Tám Tỏng thì hắn lại phán:

    - Lạ nhỉ! Tôi chẳng hề nghe thấy các ông nhắc đến bà Tám Tỏng bao giờ cả, tại sao lại trọng nam khinh nữ như vậy? Nam nữ phải bình quyền chứ. Hay là bà Tám Tỏng đã chết từ lâu rồi nên chẳng ai nhắc đến cả Nếu như vậy thì các ông nên giúp ông Tám Tỏng nối duyên với một bà nào đó để bớt cô đơn mới phải phép chứ!

    Xin các bậc thức giả làm ơn cho tôi biết bố của Thành Công là ai cũng như bà Tám Tỏng còn sống không và hiện giờ đang ở đâu để tôi mách cho người bạn này biết kẻo hắn cứ thắc mắc hoài tội nghiệp.

    Ðôi lúc cao hứng hắn nghêu ngao nửa như hát, nửa như ngâm thơ vài câu mà không ai hiểu nổi ý nghĩa:

    - Cô lô, cô lốc, cô trốc cái đầu, cô lầu bầu cô đi.

    Ðại loại những câu chuyện hắn nói ra hàng ngày đều là như vậy nên nhiều người nghĩ hắn nhận đại là sĩ quan từ lâu để lấy oai với mấy sến nương trong xóm khi trước, đến khi đổi đời sợ bị chòm xóm tố cáo sẽ mang họa vào thân nên mới phải đi trình diện cải tạo theo diện cấp Úy như nhiều trường hợp đã xẩy ra. Nhưng sau khi bị cật vấn về tên cùng cấp bậc của các sĩ quan huấn luyện viên về địa hình, chiến thuật, vũ khí…. ở quân trường Thủ Ðức lẫn về tổ chức Tiểu Khu và Chi Khu thì hắn kể ra vanh vách, không sai một ly ông cụ nào cả nên mối nghi ngờ là sĩ quan giả đã giảm bớt.

    Mỗi khi cán bộ ra lệnh cho hắn làm một việc gì thì phải hét lớn như quát vào tai hắn thì hắn mới nghe thủng lệnh, còn không thì hắn cứ đứng đực mặt ra với hai mắt mở lớn như tỏ vẻ không hiểu. Riết rồi các cán bộ đều cảm thấy chán, không muốn nói năng, ra lệnh gì với hắn cả. Thỉnh thoảng hắn chạy ra bá cáo với cán bộ những sự việc chẳng ra làm sao, chẳng hạn như:

    - Bá cáo cán bộ, tối hôm qua có một “sự cố” : trong lúc cả nhà ngủ thì có nhiều chuột lớn chạy phá phách lung tung, còn kêu chít chít rất lớn sợ anh em mất ngủ rồi ngày hôm sau sẽ mệt làm giảm năng suất lao động. Ðề nghị cán bộ lập một toán giết chuột.

    Vì đã rõ tính nết có lẽ không được bình thường cho lắm của một anh tù tứ cố vô thân, hiền lành, lãng tai và có phần ngớ ngẩn này nên người cán bộ đó bèn hét lên để trả lời hắn:

    - Thôi được, anh cứ về chỗ lao động lại đi rồi tôi sẽ cho nghiên cứu sau.

    Vì thương cảm cho hoàn cảnh côi cút của hắn nên tôi đề nghị hắn ăn cơm chung với tôi hàng ngày. Tôi may mắn được vợ con còn đoái hoài đến và chịu khó tảo tần ngoài chợ trời để mưu sinh nên còn có chút đỉnh khả năng thỉnh thoảng lên thăm và tiếp tế một ít gạo, đường, mắm muối, cá khô, mắm ruốc cùng các thứ cần thiết khác để mỗi buổi chiều sau khi đi lao động về lại trại thì “tranh thủ” thời gian ít ỏi được ở ngoài sân trước khi bị lùa nhốt vào chuồng khoá kín cửa mà nấu một ít cơm, một ít thức ăn nóng để ăn thêm hầu còn có sức sống sót mà trở về lại với vợ con. Hắn thì xưa nay trại phát sao ăn vậy, không phải tất bật vì củi lửa, đun nấu “linh tinh” như hầu hết các bạn tù khác, có lẽ đó cũng là một trong những lý do góp phần vào việc tạo nên tấm thân còm cõi của hắn chăng Vào lúc đó hắn thường chắp hai tay sau lưng với cái mặt hếch ngược lên trời như thể đang lục lọi ý thơ ở khoảng trống trên cao, thơ thẩn đi qua đi lại trước những bếp dã chiến của các bạn tù đang tỏa khói mít mù một cách an nhàn y hệt một triết nhân chính hiệu con nai vàng, không thèm tơ vương đến thế sự tầm thường mà ngoác miệng để rống lên bản nhạc Trăng Rụng Xuống Cầu mà đôi song ca Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết thường ra rả hát trên Ðài Phát Thanh Sàigòn vào cuối thập niên 50. Ðặc biệt là hắn cứ nhai đi nhai lại câu cuối cùng “vì đâu ố hay sao trăng rụng xuống cầu” như một dĩa hát cũ bị cà lăm. Không hiểu là hắn thích bản nhạc này hay chỉ vì đó là bản nhạc duy nhất hắn thuộc lời mà hắn cứ nghêu ngao hát mãi không biết chán. Sau một thời gian ngắn có lẽ vì một bạn tù nào đó nghe mệt lỗ tai đi báo cáo nên hắn bị cán bộ kêu kên làm việc cùng viết kiểm điểm vì hát “nhạc vàng” thì hắn đổi tông, chơi qua nhạc “cách mạng”. Cũng như trước đây , giờ này hắn chỉ nhai đi nhai lại một bản nhạc duy nhất: “Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo”. Lần này thì hắn tự do, thoải mái hát vì trình diễn nhạc “cách mạng” chính hiệu, không ai có thể càm ràm hay phản đối gì được cả vì nếu làm như vậy sẽ bị gán cho tội chống phá cách mạng.

    Từ khi ăn chung với tôi thì hắn có vẻ lanh lợi hơn được chút ít. Chịu khó đi tìm cành cây khô để về chụm bếp, hái rau tầy bay, lá chua, lá chùm bao, lá hà thủ ô, thỉnh thoảng còn bắt được thêm một vài con ếch, nhái, rắn, chuột, cào cào, châu chầu kể cả bọ cạp và rết cũng không từ để “cải thiện” bữa ăn. Phần tôi thì cũng đỡ bận rộn về việc nấu thêm bữa cơm chiều vì đã có hắn chia bớt việc bếp núc. Cũng vì hắn sau này phải chung lo việc nấu nướng với tôi nên đã không còn thì giờ để trình diễn không công bản nhạc Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo đã từng làm phiền lòng màng nhĩ của các bạn tù không ít.

    Có một điều tôi vẫn còn khổ sở với hắn mà chưa nghĩ ra được cách để sửa đổi đó là chuyện hắn không chịu đi tắm. Sau một ngày lao động chân tay vất vả ngoài nắng chói chang, mọi người đều mệt nhọc, thấm đầy mồ hôi, được di chuyển xuống dòng sông Ray đục ngầu với mực nước khoảng ngang đến thắt lưng chảy qua phía sau trại tù để gột rửa phần nào những nhọc nhằn và dơ bẩn trong ngày là một hạnh phúc. Bữa nào bị cán bộ phê bình lề mề hay “chây lười” trong lao động là bữa đó cả đội bị cấm tắm, mặt anh nào anh nấy chẩy dài ra vì ngứa ngáy, khó chịu. Ấy thế mà hắn ít khi nào xuống tắm. Khó mà tả nổi cái mùi bốc ra từ người hắn. Có lẽ cán bộ cũng không chịu nổi cái mùi đặc biệt toát ra từ người hắn nên đôi khi ra lệnh hắn phải xuống sông tắm cùng với các bạn cùng đội. Lúc đó thì hắn mới miễn cưỡng bước xuống dòng sông đục ngầu đó cho ướt hết cả người rồi lại mau mau đi lên bờ như để chứng tỏ với cán bộ là hắn đã tuân lệnh đi tắm rồi đó. Người cán bộ chỉ còn biết nhìn hắn mà lắc đầu như chịu thua sự dơ bẩn của hắn. Vậy mà tôi phải nằm bên cạnh hắn từ đêm này qua đêm khác. Buổi chiều nào mà tôi nhắc hắn đến việc tắm rửa cho sạch sẽ trong lúc ăn cơm chung thì y như khuya ngay hôm đó khoảng độ một hai giờ sáng là hắn đánh thức tôi dậy và rủ tôi đi tắm vì từ hồi chiều hắn có mang sẵn một thùng nước để trong phía nhà cầu. Sau hai lần bị phá giấc ngủ như vậy tôi không còn dám nhắc hắn đi tắm nữa. Không còn cách nào hơn tôi chỉ biết nhắn về nhà mỗi lần đi thăm nuôi tôi thì nhớ tiếp tế thêm một ve dầu nhị thiên đường hoặc dầu gió xanh để mỗi tối tôi bôi lên mũi cho dễ ngủ.

    Một hôm hắn nửa đùa nửa thật bảo tôi:

    - Này, ông có tin tôi là con út của nhà văn Vũ Trọng Phụng không?

    Ðang lơ mơ nghĩ về vợ con, nghe hắn nói vậy tôi ngồi bật ngay dậy:

    - Thế à? Ừ, mà tên mày là Vũ Trọng Khắc thì đúng quá rồi còn gì nữa, kể tiếp cho tao nghe đi.

    Tôi vẫn thường mày tao với hắn vì hắn ngang tuổi với đứa em nhỏ nhất của tôi, hắn cũng chẳng lấy đó làm phật lòng.

    Hắn ngùi ngùi nói:

    - Vũ Trọng Phụng thường than là : Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu, còn tôi thì hơn ông ấy một chữ Trai vì tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu trai. Tôi xấu thật ông ạ. Kể từ ngày lớn lên, biết rung động trước sắc đẹp của phái nữ thì chẳng có cô nào chịu quen tôi cả mặc dù tôi theo sát nút, tán tỉnh hết ga và cũng gửi kèm theo không biết bao nhiêu là lá thư tỏ tình lâm ly, ai oán, thống thiết có tẩm thêm chút ít dầu thơm cho có vẻ điệu nghệ đến nhiều cô khác nhau. Vậy mà ai ai cũng chê tôi, không màng đáp lại tình yêu của tôi.

    Té ra là hắn than thân trách phận, thế mà tôi bị mắc hỡm, tưởng hắn là con nhà văn Vũ Trọng Phụng thật. Thấy hắn tỏ vẻ muốn ứa lệ vì tủi thân tôi đành phải vỗ về, an ủi hắn.

    Người bạn thân của tôi còn đặc biệt là không bao giờ đội mũ, nón, luôn để đầu trần như thách thức với ánh nắng chói chang. Hắn cũng chẳng chịu mặc áo, trừ lúc sắp hàng “điểm số” trước khi đi ra cổng trại tù để bắt đầu lao động vì lúc đó bị bắt buộc phải mặc áo. Có ai hỏi thì hắn bảo vì không có ai thăm nuôi nên hắn phải để dành cái áo duy nhất còn lành lặn. Lối hắn lý luận làm nhiều bạn tù phải chào thua:

    - Da thịt mình rách thì còn có thể tự lành được, chứ cái áo đâu thể tự nó lành được đâu nên tôi mới ở trần. Chẳng thà chịu rách da thịt chứ để rách áo thì không bao giờ.

    Hắn còn làm cho nhiều người sợ cho tính dị hợm của hắn bằng cách đi chân đất chứ chẳng hề mang guốc dép chi cả. Tôi cũng đã phải ngạc nhiên về sự chịu đựng của hắn, có lẽ hắn không còn biết đau đớn là gì cả. Sỏi đá, gai góc hắn cứ dẫm bừa lên mà chẳng thấy hắn lộ vẻ gì khác thường trên khuôn mặt. Ðôi khi trước khi đi ngủ hắn khoe đôi bàn chân đen đủi, hôi hám của hắn một cách tự mãn:

    - Ông có thấy da bàn chân tôi dầy hơn da chân voi không?

    Tôi chán nản không muốn câu chuyện kéo dài để còn đi ngủ giữ gìn sức khỏe nên bèn phang ngang:

    - Ðến ông cố nội tao cũng không dám sờ chân voi chứ nói gì đến tao mà biết da nó dầy hay mỏng.

    Ðôi khi hắn cũng tỏ vẻ ngang bướng bất ngờ. Có lẽ vì ít khi tắm nên hắn bị ghẻ lở đầy người. Mỗi tối trước khi đi ngủ hắn đều tẩn mẩn, tỉ mỉ vừa gỡ từng vết ghẻ đã đóng vẩy vừa lim dim đôi mắt như tỏ vẻ khoan khoái hết mực. Lạ một điều là hắn không chịu gỡ hết, để rồi tối hôm sau lại tiếp tục làm một cách say mê. Ngứa mắt, tôi bèn lấy giọng người anh cả để nạt hắn:

    - Tại sao mày không chịu gỡ mẹ nó hết ghẻ đã đóng vẩy đi cho rồi. Mày có ăn được cái thứ đó đâu mà cứ để dành mãi như thế?

    - Ông ngu bỏ mẹ đi, tối nay gỡ hết thì đến tối mai lấy đếch gì để tôi gỡ?

    Tôi ngẩn người ra trước câu trả lời thật bất ngờ của hắn. Người như hắn mà chê tôi ngu thì chắc là tôi ngu thật rồi. Tôi tự nhủ:

    - Ừ nhỉ, ở trong tù có gì vui đâu. Ban ngày thì lao động chết bỏ, đến tối có khoảng một tiếng đồng hồ tự do nói chuyện trước khi trại đánh kẻng bắt đi ngủ là tạm thoải mái. Vào lúc đó các bạn tù thường bù khú kể chuyện này, chuyện kia thì cũng đến lúc phải hết chuyện để nói với nhau. Ăn hàm thụ tức là kể chuyện về các món ăn để tự đánh lừa bao tử thì thấy xốn xang khó chịu, nước miếng tự nhiên cứ ứa ra khỏi miệng, ruột gan cồn cào, cũng có ngày tẩu hỏa nhập ma mà chết không kịp ngáp ngáp. Nhớ gia đình hoài thì cũng có lúc phát điên mà riêng phần hắn thì có gia đình nào đâu để mà nhớ. Như vậy hắn chỉ còn tìm niềm vui nơi việc gỡ ghẻ mà thôi, thế mà ta cũng không nghĩ ra để hắn mắng cho, thật là đáng đời.

    Có lần tôi sợ cho tính ngớ ngẩn, điên dại của hắn khi nghe hắn kể:

    - Khi lần đầu tiên được đi máy bay quân sự từ Phước Long về Sàigòn, tôi bị ù tai quá, chịu không nổi, tôi bèn than phiền với một quân nhân ngôi bên cạnh tôi. Người này bèn đưa cho tôi miếng kẹo cao su và bảo dùng thử. Tôi thấy tốt thật ông ạ. Hết hẳn chứng ù tai, tiếng động cơ máy bay trước đây rú lên điếc cả tai tôi cũng không còn nghe nữa. Chỉ có điều phiền toái là sau khi xuống đến phi trường Tân Sơn Nhất rôi không làm sao tôi tự lấy được miếng kẹo cao su đã được tôi ngắt làm đôi để nhét thật sâu vào cả trong hai lỗ tai được. Tôi phải vào Tổng Y Viện Cộng Hòa để họ lấy ra hộ !!!

    Nói cho công bình tuy khật khùng và khác thường như vậy, tôi cũng đã học hỏi được từ hắn nhiều điều mà tôi không thấy được đề cập đến trong môn Thoát Hiểm Mưu Sinh được giảng dậy từ Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Hắn chỉ cho tôi cách giữ lửa trong người mà không cần đến diêm quẹt: lấy ba dây vải nhỏ xé từ quần áo, dài ngắn tùy mục đích của từng người, từng trường hợp rồi tết lại như các cô gái thắt tóc bím mà hắn gọi là cây cúi. Lúc đầu tiên thì phải châm lửa rồi thổi tắt chỉ còn một đốm hồng nhỏ như đầu cây nhang. Khi cần có lửa thì hứng một ít tro than từ đầu cây cúi đó rồi bọc trong một mảnh vải hay miếng giấy mỏng nhỏ rồi đưa lên miệng thổi vào đầu đốm hồng đó thì một ngọn lửa nhỏ sẽ bùng lên như người ta nhóm bếp vậy. Tôi đã thử đôi ba lần những điều hắn chỉ thì đều thành công. Tôi khoe với hắn về việc đó thì thấy đôi mắt hắn chợt sáng rực lên một cách lạ thường khác hẳn với vẻ lừ đừ, ngái ngủ cố hữu của hắn. Hắn dậy tôi khi bị mắc mưa bất ngờ thì khum lòng bàn tay mà hứng nước mưa từ giữa trời rơi xuống rồi uống vài ngụm thì sẽ không bao giờ bị cảm lạnh cả. Hắn khuyến khích tôi ăn nhiều ớt, tiêu, tỏi để ngừa phần nào chứng sốt rét rừng. Hắn còn chỉ cho tôi một vài điều nữa để sinh tồn trong hoàn cảnh đơn độc và khắc nghiệt mà không thể tìm thấy trong một cách vở nào cả. Tôi thầm cám ơn hắn hắn và tự nhủ biết đâu một ngày nào đó tôi lại chẳng cần đến những điều hiểu biết thực dụng quý báu này.

    Một hôm tại “hiện trường lao động” cán bộ quản giáo nói văn phòng trại đang cần một người biết về máy móc, biết sửa “đài” (ý họ muốn nói đến radio). Hắn dơ tay tình nguyện một cách sốt sắng. Viên cán bộ nhìn hắn có vẻ e ngại, không tin tưởng vì biết rõ hắn hơi nhiều. Hắn gãi đầu, gãi tai nói hắn biết sửa thiệt. Ngày xưa ngoài giờ làm việc chính thức hắn nói là có nhận máy móc đem về nhà sửa để kiếm thêm tiền tiêu, nếu hắn nói sai thì xin chịu kỷ luật, Thấy hắn quả quyết có vẻ mạnh dạn như vậy nên viên cán bộ đành phải miễn cưỡng dẫn hắn về văn phòng trại cách đó không xa. Không biết trên trại trắc nghiệm hắn như thế nào mà kể từ hôm đó hắn không còn trực thuộc cấp số đội rau xanh cùng với tôi nữa. Hắn được xung vào toán lao động đặc biệt. Toán này khi xuất trại để đi lao động không có cán bộ võ trang cầm súng đi theo canh giữ, không phải chân lấm tay bùn, mồ hôi mồ kê tuôn ra dầm dề như trước nữa, sau giờ lao động trở về trại không còn bị khám xét để xem có mang vào trại những thứ bị cấm nữa. Tuy nhiên hắn vẫn còn ở chung một nhà giam với tôi và vẫn ăn chung với tôi. Sau này thỉnh thoảng hắn có góp thêm thức ăn với tôi như vài tán đường vàng, vài miếng thịt trâu, xương gà….tuy hắn chẳng bao giờ có ai lên thăm nuôi, hắn bảo những thứ đó là do cán bộ thưởng công vì đạt chỉ tiêu sửa máy. Hắn cho biết ngoài máy của các cán bộ trong trại, ban chỉ huy trại còn nhận máy hư từ các xóm làng lân cận mang về cho hắn sửa nữa nên việc làm nhiều khi không xuể. Hắn có vẻ được các cán bộ tin tưởng và trọng dụng. Tôi thấy thế đâm ra ngại ngùng, bớt dần nói chuyện tầm sàm với hắn vì sợ đôi khi lỡ miệng rồi đến tai cán bộ thì tàn ngay đời trai. Có lẽ hắn cũng linh cảm được điều này nên cứ luôn luôn tỉ tê bắt chuyện với tôi. Một hôm hắn hỏi tôi với vẻ mặt hết sức quan trọng:

    - Ông có biết nữ cán bộ Gắt không?

    - Cán bộ gái tên Gắt coi đội nhà bếp ai trong trại này mà lại không biết. Ðến phiên trực lên nhà bếp lãnh cơm hầu hết mọi người đều bị chị cán bộ ấy la hét om xòm vì tội làm mất trật tự.

    Vừa trả lời hắn tôi vừa liên tưởng đến người cán bộ gái tên là Gắt ấy. Không hiểu làm sao mà tên nàng lại đúng với tính nết của nàng như thế. Lúc nào cũng thấy nàng gắt loạn xì ngầu, có lẽ nàng bị bấn xúc xích vì một điều gì đó không được thỏa mãn hay không nói ra được nên đành tìm chỗ thoát bằng cách la mắng lũ tù khốn khổ chăng? Khuôn mặt chị ta cũng thuộc vào loại xinh sắn đấy nhưng chỉ phải mỗi một cái tội là lại được gắn lên trên một thân hình phì nhiêu quá thước tấc, trông như một bao gạo chỉ xanh biết đi, có lẽ tại vì cô ả phụ trách nhà bếp chăng?

    - Ông biết không, buổi trưa nay tôi nghe được một câu chuyện khó mà tưởng tượng ra. Số là chỗ tôi sửa máy ở ngay bên cạnh văn phòng trực trại. Các cán bộ nam có chức quyền khi đến phiên trực đều đến đó để làm việc nên tôi không biết rõ cán bộ hôm đó là ai, riêng nữ cán bộ Gắt thì tôi nhớ rõ giọng nói vì tôi có “liên hệ” về gạo, mắm, muối rất nhiều lần. Ðang lui cui, hì hục sửa máy thì tôi nghe tiếng đùa cợt lả lơi giữa cán bộ Gắt và một cán bộ nam mà tôi không nhận ra giọng nói.

    Hắn chợt nhỏ giọng lại:

    - Từ từ tiếng cười nói trở thàng tiếng rên rỉ, tiếng ú ớ, tiếng thở hổn hển và nhất là tiếng cót két đều đặn của chiếc chõng tre vang lên rõ từng chập. Không biết tại sao tim tôi như ngừng đập ông ạ! Tôi như người bị nghẹt thở, miệng há hốc, nước miếng, nước rãi chảy ra ròng ròng, mắt trơn trừng, chân tay dựt dựt như người mắc chứng kinh phong. Tôi tưởng là tôi đã đi theo ông bà, ông vải không về được với ông nữa rồi đấy chứ. Cũng may là những tiếng động quái ác đó chỉ kéo dài chừng ít phút thì im bặt để nhường cho giọng nói bực bội của cán bộ Gắt:

    - Gì đâu mà y như quả ớt hiểm, thế mà cũng bầy đặt. Thật chẳng ra làm sao cả, làm bà mất công mặc quần!

    Tôi thất kinh với câu chuyện có vẻ hoang đường này bèn “trấn áp” hắn vì sợ bị gài độ:

    - Mày chỉ nói tầm xàm, đến tai cán bộ mày chết không kịp trối bây giờ.

    Hắn thề bán sống, bán chết:

    - Tôi mà đặt điều thì cho máy bay nó ăn tôi đi (?) Ông biết không, sau khi cán bộ Gắt phàn nàn xong là tiếng tát tai bốp bốp vang lên. Tiếp đó thì toàn là tiếng chửi rủa tục tằn, la hét, tru tréo của cả hai bên. Anh anh, em em được thay thế bằng mày tao đầy vẻ giận dữ, thù hằn. Bên nam thì lên án bên nữ là thứ thối thây, ngựa xé, voi dầy, ngủ hết cả người này tới người khác. Còn cô cán bộ thì bù lu bù loa kể đủ mọi chuyện, từ việc người cán bộ nam này khổ sở lúc mới vào miền Nam sau ngày “giải phóng” ra sao, sau vài năm làm cán bộ thì như thế nào, tán tỉnh các cán bộ gái mới đổi đến trại ra sao.

    Hắn ngừng một đôi giây như để nhớ lại những chi tiết đặc biệt rồi kể tiếp:

    - Có lẽ nhận thấy để một người lắm chuyện như Gắt mà nổi tức lên rồi đi tố cáo lung tung thì thật là nguy hiểm cho công việc làm ăn của mình sau khi chứng kiến tận mắt sự chu tréo của Gắt nên sau đó người cán bộ nam xuống giọng năn nỉ, lại anh anh, em em ngọt sớt, rồi hứa hàng tháng sẽ tặng cho Gắt khi thì “đổng” (đồng hồ), lúc thì “đài” (radio), kể cả quần áo và những thứ khác miễn là Gắt vẫn vui vẻ với hắn, không nói năng lung tung gì về hắn cả và nhất là thỉnh thoảng lại cho hắn “quản lý” như ngày hôm nay nữa. Nghe nói như vừa được vừa cởi lại vừa mở tấm lòng, Gắt đột nhiên nhỏ nhẹ, mềm mỏng, dịu dàng y hệt như con mèo tạm ngừng khoe nanh vuốt, xếp móng lại như để dúi đầu vào chân chủ chờ được vuốt ve, âu yếm hầu tiếp tục rình mồi.

    Rồi hắn kết luận một cách tự mãn:

    - Ông có thấy dễ sợ cho lòng dạ đàn bà chưa? Cũng may mà ngày trước chẳng có cô nào chịu thương tôi cả, chứ nếu tôi mà gặp phải trường hợp này thì thà chết còn sướng hơn.

    Tôi hấp tấp quên cả đề phòng:

    - Mày nói thế mà nghe được. Còn tùy theo sự dậy dỗ, giáo dục của từng gia đình nữa chứ, đâu phải ai cũng súc vật như vậy đâu.

    Vì tỏ ra dễ bảo, ngoan ngoãn và làm mọi việc một cách tích cực không nề hà bất cứ việc lớn nhỏ nào được giao phó, càng ngày các cán bộ trại càng tỏ ra tin tưởng hắn thêm, giao cho hắn những việc tín cẩn như cho hắn đi chung trên “ô tô con” chạy ra các thôn xóm lân cận để mua bán, đổi chác “linh tinh” với dân làng. Nhiệm vụ của hắn là khuân vác những hàng nặng lên xe như gạo, đường, đậu phọng, đậu xanh, đậu đỏ, tới nơi lại phải vác xuống, rồi cân, đo, đong, đếm, làm tính nhân thành số tiền, rồi đổi số tiền đó thành rượu đế, thuốc lào, những thứ mà các bạn tù của hắn rất thèm thuồng và thường mua lén với gía cắt cổ bằng tiền do gia đình tiếp tế lén lút qua những kỳ thăm nuôi. Hắn thường ngồi xe chung với các cán bộ cao cấp của trại đến nỗi những cán bộ võ trang canh gác trại tù đều nhẵn mặt hắn. Thỉnh thoảng hắn mang về cho tôi vài hớp rượu đế cay nồng cùng một ít thuốc lào mà hắn bảo là do cán bộ thưởng công. Hắn kể lại là hắn được di tới nhiều xóm làng chung quanh trại rồi kể ra một lô những tên lạ hoắn như Bà Tô, Bầu Lâm, Suối Nghệ, Suối Ðá cũng một vài điạ danh khó đọc khác mà lâu rồi nên tôi quên mất tên. Hắn thì thầm với tôi là hầu hết dân ở ngoài mà hắn gặp đều có cảm tình với những người bị đi cải tạo. Họ nghèo khổ không có gì để cho hắn khi gặp nhưng qua ánh mắt, qua những câu thăm hỏi, khuyên nhủ, hắn hiểu tâm tình của những người dân thật thà, chất phác này. Ðôi khi cao hứng hắn còn hãnh diện khoe với tôi là hắn có thể nhắm mắt mà đi tới xóm này, xóm nọ không sợ bị lạc. Hắn còn cho tôi biết một chi tiết mà tôi thấy khó tin vì hắn nói nhiều lần hắn được ngồi “ô tô con” chạy ra tận chợ Bà Rịa mà chẳng thấy có lính nào gác ở dọc đường cả. Hắn có vẻ yêu đời thấy rõ khi được làm cho các cán bộ trại, đồng thời thân thể hắn cũng đỡ hẳn, không còn vẻ ốm o, tàn tạ, gầy gò, thảm thương như trước nữa.

    Có lần tôi ngạc nhiên đến độ sửng sốt khi lần đầu tiên nghe hắn hát không phải là “Trăng Rụng Xuống Cầu” mà cũng chẳng phải là “Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo” như trước kia nữa mà là hát bản nhạc nên thơ, tình tứ, lãng mạn “Cô Hàng Nước” nhưng với lời đã bị sửa:

    - Anh còn, còn có mỗi, mỗi,…. là mỗi cái dù. Anh đem, là đem anh chặt quách, rồi anh, anh chui vô tù. Tình tính tang là tang tính tình, cô nàng rằng, cô nàng ơi rằng có tiếc, là tiếc hay không, rằng có nhớ là nhớ hay không?

    Tôi đã nhẫn tâm dập tắt giây phút yêu đời hiếm hoi và ngắn ngủi ấy của hắn bằng cách nói:

    - Ối giời đất ơi, cái cây dùi cui của mày thì ma mút nó mới thèm. Cả người mày còn hôi hơn cả chuột chù thì làm sao ai còn giám sáp vô với mày mà hỏi người ta có tiếc, hay nhớ cái của nợ ấy. Không chừng cái cô đào lộn hột nào đó vô phước đã quen mày lại chẳng mở tiệc ăn mừng thoát nạn khi biết mày đã chui vô tù rồi.

    Tôi lại tiếp tục tấn công hắn:

    - Hơn nữa cái bản mặt mày thì làm sao mà ai có thể du dương với mày được. Mắt thì láo liên, gian hùng thấy rõ, lúc nào cũng bị chuyện trai gái ám ảnh. Mà này, hay là ban đêm kẹt quá rồi mày làm bậy đến nỗi người mày ốm yếu như con cò ma, mặt mũi xanh mướt như tàu lá chuối? Khai rõ đi rồi tao chỉ cách chữa trị cho.

    Trước câu trả lời báng bổ, đầy vẻ chế riễu đó của tôi hắn chẳng tỏ vẻ gì giận dỗi, chỉ nhe hàm răng đen đủi ra mà cười trừ.

    Một buổi chiều cuối tháng 4 năm 1979, đang lúc lao động bỗng có nhiều tiếng súng vang lên từ xa để báo hiệu có tù vượt ngục. Hai cán bộ cảnh vệ vác súng đi theo đội cùng cán bộ quản giáo ra lệnh cho toàn đội ngưng lao động, tập trung ngồi tại một chỗ chờ lệnh mới. Ðây là thủ tục phải làm mỗi khi có trại viên trốn trại.

    Ðến chiều tối khi về đến trại mọi người đều ngã ngửa khi hay tin người bạn tù hiền lành, ngớ ngẩn, khật khùng nhất trại Vũ Trọng Khắc đã đào thoát. Oanh liệt hơn các vụ vượt ngục trước đó thường là trốn vào rừng sâu, thì đằng này hắn lại lấy chiếc Peugeot 504 còn mới cáu cạnh, do một cán bộ trung ương vừa lái đến trại công tác sáng hôm nay rồi đường hoàng lái ra hướng Bà Rịa. Sau đó thì không ai còn nghe được một tin tức gì về hắn kể cả các cán bộ trại cũng không thấy nói đến, khác hẳn với những vụ tù trốn trước đây là sau đó tù nhân thường bị lên lớp rồi đến tối về lại trại phải thảo luận về trách nhiệm cùng bổn phận của trại viên đối với “sự khoan hồng, nhân đạo” của Ðảng và Nhà Nước. Có lẽ họ cảm thấy có lỗi nặng nề vì đã quá tin tưởng vào một anh tù thường bị cho là khật khùng và ngờ nghệch cũng như mặc cảm khi bị một tên tù đánh lừa vì đó là nghề cha truyền con nối của họ chăng?

    * * *

    Anh Khắc thân mến,

    Ðã hơn hai mươi năm trôi qua kể từ ngày vượt ngục hào hùng của anh, tôi đã cố gắng tìm kiếm anh khắp nơi, hỏi thăm nhiều người, liên lạc với nhiều tổ chức cùng hội đoàn để mong gặp lại anh hầu xin lỗi anh, một sĩ quan quả cảm, đầy nghị lực, mưu trí của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhưng rồi tôi vẫn chưa thể tìm ra anh. Giờ đây tôi chỉ còn biết mượn trang giấy này để viết ra tâm tình tôi với một hy vọng ở một nơi yên bình nào đó, trong một thoáng thanh thản giữa một cuộc sống tất bật nơi xứ người anh chợt đọc được những dòng chữ này thì xin anh viết thư cho tôi về địa chỉ: ……

    Anh Khắc thân, tuy tôi hơn anh về tuổi đời nhưng thua xa anh về mưu trí, dũng cảm. Anh đáng là bậc thầy của tôi và của cả nhiều bạn tù khác nữa về đảm lược, về sự chịu đựng gian khổ của anh để tôi luyện thân thể anh trở thành sắt thép vượt qua được mọi mưa nắng, giá lạnh, gai góc, đói khát để sửa soạn cho việc dấn thân vào cuộc hành trình đi tìm tự do. Mặc dù đã hơn hai thập niên qua tôi không có tin tức của anh nhưng tôi vẫn tin và tin chắc rằng với bản lãnh tuyệt vời, với sự chuẩn bị thật kỹ càng cùng kiến thức về thoát hiểm mưu sinh thật sâu rộng của anh đã giúp anh thoát qua mọi gian nguy, đến được bến bờ tự do và hiện giờ thì anh đang vui thú điền viên, gác lại tất cả mọi chuyện quá khứ đắng cay, đau buồn và tủi nhục, dồn hết cả sức lực và tâm trí để lo cho đàn con nên người.

    Anh Khắc ơi, những dòng chữ tôi mô tả về con người anh không phải là để bêu rếu anh đâu, ngược lại là đằng khác: Ðể tôn vinh anh. Anh lại còn chọn cuối tháng 4, một thời điểm oan nghiệt cho đất nước Việt Nam thân yêu, một thời điểm đã gây nên không biết bao nhiêu là tai ương bất hạnh, đổ vỡ, chia lìa, mất mát cho toàn dân Việt để vượt ngục, một sự lựa chọn thật có ý nghĩa.

    Sau khi biết được anh đã vượt thoát bằng ngõ chính tôi mới nghiệm ra rằng anh đã đóng kịch thật tuyệt vời trong một thời gian dài, thật dài, qua mặt hết tất cả mọi người có dịp tiếp xúc với anh. Thật vậy anh Khắc ạ, không một bạn tù nào kể cả kẻ thù đã giam giữ và hành hạ anh lại không nghĩ rằng anh là một người không được bình thường: trần trụi trên người chỉ độc mỗi chiếc quần xà lỏn, không mũ, không áo, không cả guốc dép, thường nghêu ngao hát những câu vô nghĩa. Anh lại còn lấy được lòng tin của bọn cai tù để họ cho anh đi theo đến nơi này, nơi kia hầu biết rõ đường đi nước bước cho cuộc vượt ngục toàn hảo sau này. Tôi thật có lỗi với anh vì thực sự tôi cũng có coi thường anh thật, nhìn anh như một người vì quá thất chí và cũng vì không còn ai thân thuộc trên cõi đời này nên mới dở hơi.

    Ðôi khi tôi cũng nặng lời với anh. Tôi thật hối hận khi nhớ lại đã có lần tôi nói với anh rằng:

    - May là mày nhập ngũ vào năm 1969, chứ nếu mày mà vào lính sớm hơn nữa thì miền Nam đã mất trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 từ lâu rồi !

    Tại sao lúc đó tôi lại quá vô ý thức như vậy? Có lẽ vì cuộc sống tù đầy quá tủi nhục, đắng cay không biết trút uất hận vào ai nên tôi đã hèn hạ mang anh ra làm con dê tế thần.

    Tại sao tôi lại không nghĩ đến chính tôi cũng đã góp một phần không nhỏ vào việc làm sụp đổ cả miền Nam qua việc đôi khi tôi đã thờ ơ, tắc trách, biếng nhác trong quân vụ, qua việc đôi khi tôi đã đặt nặng quyền lợi bản thân, gia đình lên trên quyền lợi tối thượng của đất nước?

    Tại sao tôi lại không nghĩ đến đó cũng là hậu quả trực tiếp của tập đoàn tham nhũng, thối nát đã lủng đoạn, đục khoét tài nguyên quốc gia trong suốt thời gian họ độc quyền thống trị với danh nghĩa lãnh đạo cuộc chiến tranh chống Cộng đã giúp phần phần nào vào việc tạo chính nghĩa cho đối phương tuyên truyền, cho phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ bùng lên chống đối cuộc chiến chống Cộng ở Việt Nam. Hành vi tham ô lộ liễu một cách trắng trợn đến nỗi một nhân sĩ miền Nam đã phải than trên báo chí lúc bấy giờ là : “Nếu diệt hết tham nhũng thì lấy ai ra mà làm việc” !!!

    Tại sao tôi lại không nghĩ đến đó là hậu quả của chính sách vắt chanh bỏ vỏ, của “chiến lược toàn cầu”, của phương châm không ai là bạn, chẳng ai là thù vĩnh viễn cả. Chỉ có quyền lợi của các đại công ty là trên hết trong việc hoạch định chính sách quốc gia về đối nội, đối ngoại của người bạn đồng minh vĩ đại. Người bạn thân yêu này đã không ngần ngại thản nhiên nhìn con quái vật Cộng Sản nuốt chửng một giải giang sơn gấm vóc tươi đẹp, nơi mà họ đã từng một thời huyênh hoang tuyên bố sẽ bảo vệ đến cùng cái “tiền đồn chống Cộng” của Thế Giới Tự Do này.

    Thế mà tôi lại đi trách anh. Cuộc sống tù đầy đã làm tôi u mê mất rồi. Tuy vậy, trước sự trách cứ vô lý đó, anh cũng chỉ nở một nụ cười ngây ngô đến là tội nghiệp. Tôi mong với thời gian trôi qua, những gì tôi đối với anh không phải thì xin anh hãy bỏ qua và đừng trách móc tôi gì cả anh Khắc nhé!

    Tất cả những lời chúc lành xin gửi đến anh và gia quyến. Mong nhận được tin anh trong một ngày rất gần và chúng ta lại có những bữa cơm thân mật bên nhau để cùng ôn lại những kỷ niệm nhục nhằn, khốn khổ xa xưa.

    Thân mến,

    New York, Tháng 2 Năm 2002
    Ninh Thuận

    [1] Chữ nghĩa của Cộng Sản để chỉ việc sắp xếp các tù nhân vào một đội khoảng 40 người cho dễ kiểm soát
    Last edited by chieutim; 06-06-2014, 06:56 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X