Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Biển sau nhà

Collapse
X

Biển sau nhà

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Biển sau nhà


    BIỂN SAU NHÀ
    ****
    Kha Lăng Đa



    Nhà tôi quay mặt về hướng Nam. Ban đêm, đứng trước thềm nhà, tôi thường trông chòm sao Nam Tào nhấp nháy cuối trời xa. Phía sau nhà là biển. Đêm nào trời không u ám tôi cũng thấy được sao Bắc Đẩu. Xa tít về hướng Bắc, có cụm núi thấp tên gọi là Long Sơn. Phía Đông nhà tôi là một xóm nhỏ khoảng mấy chục nóc nhà mà đầu xóm là bờ đá kè làm phòng tuyến chống đỡ sóng dữ xâm thực đất liền. Sát cạnh bờ biển còn sót lại di tích của một đồn lính Pháp ngày xưa. Đồn này sau thuộc một đơn vị Địa Phương Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nay đồn bị sóng đánh lỡ mất phân nửa và đã bị phế bỏ, hoang tàn.

    Đứng trong lô cốt của đồn cũ trong những chiều lộng gió, tôi thường đứng ngắm xa xăm về phía biển Vũng Tàu có ngọn hải đăng với vệt sáng của đèn pha xoay vòng, sáng soi tận bờ biển quê tôi cách đó tới 13 cây số. Cái vịnh nhỏ hình cánh cung tên là Gành Rái mà bờ chạy dài từ đầu núi Vũng Tàu đến cửa Soài Rạp của sông Sài Gòn là nguồn sống của dân quê tôi vì nó có nhiều tôm cá.

    Phía Nam nhà tôi là xóm rẫy. Xa hơn nữa là bờ biển với bãi cát trắng tinh có rặng thùy dương réo rắt như tiếng thông reo khi gió xa khơi thổi lộng về xứ biển. Bãi cát dài hơn 10 cây số với những đám rau muống biển có lá hình móng ngựa, trổ hoa tím lác đác, màu hoa nổi bật trên cát trắng. Phía Tây nhà tôi giáp với xóm Chợ, xóm Cồn rồi tới cánh rừng Sát chi chít cây xanh. Sông Rạch chằng chịt chạy qua vùng đất sình lầy màu xám.

    Tôi trở lại nơi chôn nhao cắt rún sau khi được trả tự do từ ngục tù Cộng Sản. Ngày đầu tiên nhìn lại quê hương, tôi đã khóc vì xúc động trước cảnh đời thay đổi với bao mất mát đau thương. Gian nhà kỷ niệm của mẹ cha tôi ngày trước bị sóng biển gậm nhấm mất hơn cả nửa sào đất phía sau. Bây giờ biển đã tiếp cận nhà bếp. Nhờ bờ đá kè ngăn sóng nên nhà tôi còn nguyên vẹn nhưng ở trong tình trạng báo động sẽ phải di cư.

    Vì có gia đình của đứa em trai út đang sống với mẹ tôi trong gian nhà cũ nên tôi che tạm một “túp lều lý tưởng” phía sau nhà để làm chỗ đụt nắng che mưa cho vợ con tôi trong thời kỳ khốn đốn. Nhà lợp bằng tôn cũ, vá víu và vách lá không đủ để che kín gió biển. Vách sau nhà tôi nằm ngay trên bờ đá chắn sóng. Đêm nào biển thịnh nộ, sóng đánh ầm ầm, nước văng vô vách sàn sạt. Có khi nước biển tràn vô trong nhà làm trôi mất guốc, dép. Sáng sớm thức dậy tôi phải đi ôm những tảng đá nặng nề bị sóng đánh lăn ra xa làm hở trần bờ đất để xếp lại cho kín, cho thật kiên cố. Vậy mà đá vẫn bị sóng đánh tuột xuống thấp. Tôi lại phải hì hục khiêng đá lên để tái lập bờ đá kè cho cái tổ ấm của tôi không bị cuốn trôi ra biển cả.

    Những đêm mới hồi cư trong “túp liều lý tưởng”, vợ con tôi và tôi không tài nào ngủ được. Sau quen dần nên cả nhà tôi ngủ ngon giấc mà tiếng sóng là điệu nhạc của trùng dương ru giấc ngủ thần tiên. Vách sau nhà có một khung cửa sổ. Ban đêm, nằm trên giường tôi nhìn ánh đèn của thuyền ngư phủ lung linh trên bến nước.

    Láng giềng của tôi đa số là dân đánh cá sống cuộc đời đạm bạc nghèo nàn. Sau những ngày dạn dày mưa nắng trên biển, lúc về nhà họ thường tụ năm, tụ ba uống rượu để quên hết những nhọc nhằn. Có khi họ vừa nhậu vừa đàn, ca vọng cổ. Đến khi say lè nhè, họ lăn ra ngủ, sáng tinh sương thức dậy, họ lại ra khơi. Nhiều lúc buồn, tôi đã đến chung vui với họ để học hỏi kinh nghiệm đi biển vì tôi đã trở thành một “ngư phủ bất đắc dĩ”, sống bằng nghề lưới dầm.

    Lưới dầm là loại lưới bủa chìm xuống tận đáy biển để bắt cua và tôm kẹt (tôm hùm). Một thớt lưới dầm gồm 6 tấm lưới, mỗi tấm dài khoảng 80 mét được buộc nối tiếp nhau dài gần nửa cây số. Phía trên của lưới là viền phao, phía dưới là viền chì. Hai đầu lưới được buộc vào hai cái neo lớn. Trên hai cái neo có buộc hai đường dây dài hay ngắn tùy theo độ sâu của biển. Hai đầu dây này có buộc hai cây cờ nổi trên mặt nước bởi hai phao lớn gọi là cờ dọi để đánh dấu vị trí của thớt lưới bủa ngầm dưới đáy biển.

    Thớt lưới của tôi do Cha Điệp ở giáo xứ Cần Giờ cho gia đình tôi làm phương tiện mưu sinh. Sáng sớm khi sao mai vừa mọc, tôi cùng bè bạn ngư dân theo thuyền đánh lưới dầm ra khơi, kéo lưới lên để gỡ lấy tôm kẹt, cua và cá bị vướng vào lưới. Xong công việc, thớt lưới nào thu được nhiều hải sản thì sẽ được bủa lại chỗ cũ, ngược lại sẽ được dời đi bủa nơi khác. Nhiều khi tôm, cua đóng đầy lưới, gia đình tôi có được những ngày no đủ. Lắm lúc ra khơi, kéo thớt lưới lên trống trơn. Thế là tôi ngồi tựa vào mạn thuyền rầu rỉ, ủ ê mà nghĩ đến sự thất vọng của vợ con tôi khi tôi về đến nhà, lòng tôi se thắt.

    Hôm nọ ra khơi, thớt lưới của tôi không thấy cờ dọi đâu cả. Tôi phải mất mấy tiếng đồng hồ thả đường dây buộc một cái neo cùn để rà ngang, rà dọc mà cũng không tìm được. Vợ con tôi đã khóc khi hay tin thớt lưới, mạch sống của gia đình đã mất. Tôi đi lang thang trong mấy ngày như kẻ mất hồn với nỗi buồn đau, nuối tiếc. Cha Điệp biết được chuyện xui xẻo của tôi nên gọi tôi đến nhà thờ cho tôi 3 tấm lưới nữa. Tôi cảm động muốn rơi nước mắt trước tình thương của Cha đối với gia đình tôi. Tôi rối rít cám ơn Cha và vác 3 tấm lưới về nhà. Còn 3 tấm nữa mới đủ một thớt lưới, tôi biết vay mượn ai để mua cho đủ. Đang lúc lo âu, bối rối thì một người bạn của tôi cho mượn 2 chỉ vàng để tôi mua lưới.

    Thớt lưới hoàn thành, tôi lại ra khơi với nỗi vui mừng khôn xiết. Cách mấy tháng sau, tôi bắt gặp 2 tấm lưới cũ của tôi nằm trong thớt lưới của một người đồng nghiệp đi chung thuyền với tôi. Khi tôi nhận ra dấu tích đặc biệt trên 2 tấm lưới thì mặt anh ta tái xanh. Hai đứa cháu đi biển chung với tôi đề nghị tôi lấy lại 2 tấm lưới và đưa người trộm lưới ra chính quyền địa phương xét xử. Tôi khuyên hai đứa cháu hãy vì tôi mà bỏ qua chuyện này khi tôi được biết người trộm lưới của tôi mới mãn tù về, gia đình nghèo khổ, đông con, cảnh bẩn chật, thiếu thốn đã đưa anh ta đến tình trạng bần cùng sanh đạo tặc.

    Tôi trở về đây với ý định vượt biển nhưng khi xin được cái thẻ “Hành Nghề Trên Biển” thì các trại tập trung nhận dân tị nạn ở các đảo đã đóng cửa. Tôi thất vọng, thấy cuộc đời không lối thoát. Vợ con tôi cũng bị lâm vào hoàn cảnh khổ cực với tôi. Làm sao tôi có thể đưa vợ con tôi đến miền đất hứa tự do để xóa bỏ những ngày gian lao, tủi nhục, đứng bên lề xã hội. Cũng may là tôi còn bám víu được vào hy vọng cuối cùng đó là hồ sơ xin đi định cư ở Mỹ theo diện Cựu Tù Nhân Chính Trị Của VNCH mà người ta hay gọi là “Diện H.O”. Hy vọng là liều thuốc kích thích giúp tôi và vợ con tôi phấn đấu trong cuộc sống cơ hàn để chờ đợi đến ngày được ra đi.

    Nhìn vợ con tôi cặm cụi vá những tấm lưới cho tôi ra khơi mà tôi nghe lòng đau nhói. Những năm tôi bị giam cầm trong ngục tù Cộng Sản, họ đã chịu biết bao tủi nhục đau thương, vậy mà khi tôi trở lại với đời, tôi đành bó tay để cho họ tiếp tục chịu khốn khổ. Tôi tự nguyền rủa tôi là kẻ bất tài. Nhiều khi quá buồn đau cho hoàn cảnh hiện tại, tôi uống rượu say chí tử. Chuyện nhân tình thế thái khiến tôi chuốc thêm phiền não. Tôi và vợ con sống thanh bần vậy mà cũng bị đồng hương khinh rẽ. Đạo lý, lương tri của con người đã bị lở lói theo từng mảnh đất bị sóng biển cuốn ra xa.

    Tôi thường ngồi trên gộp đá sau nhà, nhìn mông lung ra biển, suy nghĩ miên man. Những chiếc tàu ngoại quốc chạy ngang qua tầm mắt của tôi để vào cửa Soài Rạp khiến tôi liên tưởng đến miền đất hứa tự do. Tôi ước mơ được đến đó để vợ con tôi được hưởng tự do, no ấm, thoát khỏi địa ngục trần gian. Niềm mơ ước võ vàng, xanh xao theo năm tháng mà ánh tương lai chưa lóe lên trong đêm tối của cuộc đời.

    Tôi như những ông lão trong điển tích Hải Ốc ngày xưa, về với biển để chứng kiến bao cảnh thương hải, tang điền. Chỗ gộp đá tôi ngồi, ngày xưa ở trên phần đất rộng, tiếp giáp với một đầm nước lợ khoảng 2 sào mà cha tôi đã làm sàn phơi cá trên ấy. Sàn chiếm diện tích phân nửa đầm nước. Bên kia sàn nước là một xóm nhà sàn với những cây me rậm lá.

    Theo lời mẹ tôi kể thì phía ngoài xóm nhà sàn, ngày trước còn có nhiều xóm khác nữa. Cuối những xóm ấy là những cánh rừng cây đước, cây bần, cây mắm ngăn che gió và sóng biển để bảo vệ xóm làng. Năm 1945, phi cơ Nhật oanh tạc một tàu dầu của Mỹ gần biển quê tôi. Dầu loang thành những mảng khổng lồ trôi dạt vào bờ làm chết rụi cánh rừng chở che thôn xóm.

    Thuở còn đi học ở trường làng, cứ vào đầu mùa mưa, tôi thường theo anh chị tôi đi khai mương từ cái đầm sau nhà cho nước chảy xuống biển. Cá chốt sẽ lội ngược từ biển lên đầm chui vào cái lờ do anh chị tôi đặt ở giữa mương. Những đêm sáng trăng trong mùa Hè nóng nực, cả nhà tôi thường hay giăng mùng, ngủ trên sàn phơi cá. Có khi nửa đêm trời mưa, chúng tôi vừa chạy vào nhà vừa cười khúc khích. Những nơi chốn ngày xưa nay đã nằm trong lòng biển sau nhà và những cánh buồm trắng hình tam giác giữa cái thời cực thịnh của quê tôi đã mất hút trong dĩ vãng mịt mùng.

    Tôi nhớ khoảng không trước nhà, cứ vào mùa gió chướng báo hiệu Tết sắp đến thì mỗi buổi chiều, trẻ con trong xóm thả diều. Những cánh diều căng gió giữa bầu trời xanh trong vắt không gợn áng mây. Tiếng sáo diều nghe du dương, vọng đến những thôn xa. Chim én bay ngược xuôi trên con đường làng lộng gió.

    Tôi sống hòa mình với dân ngư phủ trên xứ biển thân yêu nghèo xơ xác. Ai cũng nhắc nhở đến quá khứ ấm no, thuyền về bến khẳm, đầy tôm cá để mà xót xa nuối tiếc. Trong cảnh thiếu trước hụt sau, dân quê tôi vẫn chấp nhận bám lấy mảnh đất mồ mả của ông cha, sống với nơi chôn nhao cắt rún đậm đà tình thương mến.

    Trong những năm tháng đi chinh chiến khắp bốn vùng chiến thuật, tôi đã mang nỗi niềm thương nhớ quê xưa, nhứt là khi đến những xứ biển như Nha Trang, Qui Nhơn, Thuận An, Mỹ Khê, Rạch Giá, Phú Quốc. Tôi thường ra biển để được nhìn lại màu nước xanh, cát trắng, nghe điệu nhạc của thùy dương trong những cơn gió lướt, ngắm rặng dừa xanh xõa tóc ven bờ. Những lúc ấy, tôi thường nhớ tới đoạn thơ của thi sĩ Tế Hanh:

    Nay xa cách, lòng tôi luôn tưởng nhớ,
    Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi.
    Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
    Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.


    Đã mấy mùa Xuân qua đi mà tin vui vẫn chưa đến với gia đình tôi. Nhìn thiên hạ rộn ràng mua sắm Tết mà lòng tôi nghe nặng nỗi ưu tư. Nỗi lo âu in hằn lên gương mặt xanh xao, hốc hác của vợ tôi. Tôi đọc được nỗi buồn trong đôi mắt các con tôi, nỗi buồn cam chịu cảnh nghèo, không dám phiền lòng cha mẹ, không dám đòi quần áo mới, không dám nhắc tới hương vị ngày Xuân.

    Tôi chạnh nhớ đến cảnh sống êm đềm, tự do, no ấm của thời Đệ Nhứt Cộng Hòa. Nhà tôi năm nào cũng ăn Tết lớn. Dưa hấu chất hai, ba lớp trên bộ ván gõ. Bánh mứt ăn đến Rằm tháng Giêng cũng chưa hết. Tôm biển xỏ xâu phơi khô, treo lủng lẳng đầy nhà bếp. Cái gì cũng dư dả nhưng lúc ấy tôi còn nhỏ chưa biết hưởng thụ nhiều. Pháo Tết đốt tới mồng Năm vẫn còn.

    Bây giờ nhớ lại cuộc sống đầy đủ của ngày xưa mà thương cho sự nghèo khổ, thiếu thốn của vợ con tôi. Nghĩ lại từ cái thuở mang hia, đội mão đến cái thời bị phế võ công thì vận mạng của tôi ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh. Tội nghiệp cho bầu đoàn thê tử cũng bị dính theo vận mạng không khá của tôi. Bằng hữu thân thương chỉ còn 3 người bạn học của tôi ngày trước ở trường làng và trường Trung Học Vũng Tàu thường giúp đở, an ủi những khi tôi gặp hoạn nạn và thường mời tôi uống rượu. Mặc cảm vì mình không đáp lại được mảy may nào trước tình thương của người bạn tốt nên tôi thường lánh mặt họ. Tôi thực sự trở thành một người thất chí đúng như câu “nhân bần chí đoản”.

    Đôi khi ngồi buồn, ôn lại những kỷ niệm mà tôi đã sống với bè bạn tại quê cha đất tổ, lúc còn đi học ở trường làng . Vào những mùa mưa, tôi cùng bạn bè vào rừng Sát để hái trái chà là chín trên cây, đốn bặp chà là có con đuông giống như con sùng trắng bên trong để nướng ăn. Con đuông được ngâm trong chén nước mắm sẽ nở to bằng ngón chân cái, có mùi thơm phức khi bị than hồng làm nứt thịt, ăn rất béo. Trong rừng còn có hai loại ốc rất ngon, đó là ốc len và ốc ngựa thường bám trên rễ cây đước. Ốc len xào dừa là món ăn đặc biệt của quê tôi. Những chiều nước ròng chúng tôi thường lội ra bãi sình lầy để bắt tôm tích, sò lông, cá mao ếch, ốc đụn, ốc dá. Đêm nào cũng tụ họp đờn ca, rồi ăn cơm khuya khi trời sáng trăng vằng vặc. Tuổi hoa niên đã đi qua, làm sao tìm lại được, tơi âm thầm sống trong dư ảnh ngày xưa.

    Đến lúc sang Vũng Tàu học Trung Học, hằng năm chúng tôi về quê trong dịp nghỉ Hè và dịp Tết với một ban văn nghệ mang tên Hồn Quê để trình diễn giúp vui cho dân làng và một đội túc cầu, một đội bóng chuyền, nhiều cây vợt bóng bàn để đấu giao hữu với Thanh Niên Cộng Hòa ở các xã trong quận lỵ. Nhớ những đêm quây quần bên nhau viết Đặc San Xuân để chuyền tay nhau đọc vào những ngày Tết. Nhớ những đêm ngồi quanh thau rượu đế pha xá xị, chén thù, chén tạc để đón Giao Thừa khi cành mai vàng đua nở trên bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương.

    Cả ban văn nghệ Hồn Quê chỉ có một cô đào do anh chàng Trương Tấn Vương giả gái vì các cô đào thiệt mắc cỡ, không dám đóng cặp với mấy chàng đực rựa. Anh diễn viên Trần Văn Làm xấu trai nhưng tuồng nào cũng thủ vai chánh để được cặp với đào sexy Trương Tấn Vương. Còn tôi khá đẹp trai lại bị thủ những vai ông lão chèo đò, vai hòa thượng. Vương giả gái đẹp khiến tôi phải “ghen” với chàng kép chánh. Lúc vào hậu trường, cô đào ngồi hút thuốc y như một cô gái snack bar.

    Nhớ có lần chúng tôi viết báo để chỉ trích những anh công an hống hách với nhân dân. Bích báo được dán tại tiệm cà phê Chiêu Hiền của chú Ba, cha của Khanh, một người bạn trong nhóm Hồn Quê làm chủ. Công an đến quán uống cà phê đọc được lời chỉ trích liền nổi giận lột tờ báo, bắt chú Ba đứng cầm tờ báo cho họ chụp hình. Họ định chụp mũ chúng tôi là Việt Cộng mà chú Ba là người ủng hộ cho cái cơ quan ngôn luận của chúng tôi công kích chính quyền. Họ truy lùng bắt tôi và Làm khiến hai đứa tôi phải trốn qua Vũng Tàu. Anh tôi lúc đó giữ chức vụ Ủy Viên Hộ Tịch trong Ủy Ban Nhân Dân xã đã cậy nhờ Quận Trưởng dàn xếp nên chuyện mới yên.
    Bằng hữu dần dần chia tay nhau đi vào cuộc chiến. Chúng tôi vẫn duy trì nhóm Hồn Quê, do đàn em chúng tôi lên thay thế đàn anh. Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, Trần Văn Làm tử trận An Điền, Rạch Bắp; Phương chết trong trận Quảng Nam. Khi Phương còn đóng đồn ở núi Tròn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, tôi có bay đến thả báo cho nó hai lần. Sau đó nó đổi ra Quảng Nam rồi ra đi vĩnh viễn. Anh chàng hay đóng vai quân sư là Huỳnh Văn Ngọc đã anh dũng hy sinh trong một trận ở Bình Ba. Tôi theo cánh chim sắt đi khắp miền Trung, miền Cao Nguyên rồi trở vào Nam, đồn trú tại phi trường Trà Nóc – Cần Thơ.

    Trong những năm tháng đi theo tiếng gọi của núi sông, có lúc tôi gặp lại bạn bè trong nhóm Hồn Quê ngày trước, như tôi đã có lần gặp Trần văn Làm (lúc nó còn sống) ở Mỹ Tho khi tôi được biệt phái qua Bình Đức bay yểm trợ cho cuộc hành quân ở Long Định, có đơn vị Thiết Giáp của Làm tham chiến. Tôi đã gặp Nguyễn văn Tâm tại Kontum khi tôi bay phi vụ hộ tống đoàn xe từ Pleiku đến Kontum, và gặp Ngô văn Trì tại căn cứ Hải Quân Năm Căn. Những lần gặp gỡ, chúng tôi tay bắt mặt mừng, cùng nhau nhậu say lúy túy, hàn huyên tâm sự rồi lại chia tay nhau để trở về đơn vị.

    Từ khi ra trường, tôi đã sống kiếp xa nhà. Càng đi xa tôi mới thấy tình quê hương nấu nung trong lòng. Có một lần thi hành phi vụ huấn luyện Quan Sát Viên ở vùng Gò Công trên một chiếc Cessna mảnh khảnh, tôi nhìn về hướng quê tôi mà nghe nhớ thương dào dạt cả tâm hồn. Bầu trời trong xanh, dãy núi Vũng Tàu hiện rõ trên sóng nước. Làng tôi với rặng thùy dương chạy dài theo ven cát trắng. Lấm tấm bóng thuyền ngư phủ trên biển xanh lộn bóng mây trời. Nghe xao xuyến con tim vì nỗi nhớ chất chồng theo năm tháng, tôi quyết định bay về thăm làng cũ. Tôi viết vội vã mấy dòng chữ thăm mẹ tôi, thăm anh chị em tôi, thăm bè bạn, thăm bà con láng giềng vào tấm panel màu cam, cuốn tròn lại. Trên cao độ 300 bộ, tôi nhìn bao quát quê tôi xinh đẹp vô cùng. Rặng thùy dương đang lả bóng, sóng biển từng đợt xô vào bờ cát trắng tinh. Những cánh hải âu chao liệng trên bến nước. Nhìn xuống xóm cũ, tôi thấy người ta đổ xô ra đường để xem chiếc máy bay đang lượn dọc ngang. Tôi thấy được bóng dáng mẹ tôi đang đứng sau nhà che tay cho đỡ chói nắng để nhìn lên chiếc phi cơ. Tôi nhận ra dạng người anh cả và mấy người bạn cũ của tôi đang đứng trên cầu tàu. Họ vẫy tay với tôi. Xuống cao độ thấp 40 bộ, tôi thả tấm panel ngay sân chợ nhưng bị gió đánh bạt ra gần cầu tàu. Anh tôi nhận được thư, đưa lên cho tôi thấy. Chúng tôi đảo lại một vòng, lắc cánh rồi lên cao độ bay về hướng Cần Thơ.

    Đó là những ngày tôi lên voi còn bây giờ thì tôi đã xuống chó rồi! Nhắc lại thêm buồn. Cái thực tại đi biển, lội biển hàng ngày để nuôi sống gia đình đã biến tôi thành một thứ người thấp hèn có bản năng sinh tồn như một loài cầm thú. Nghĩ đến lý tưởng Quốc Gia càng thêm tủi nhục cho thân danh.

    Những năm tháng đi mây về gió tôi không hề sợ chết nhưng bây giờ lại sợ đói rách, cơ hàn vì nó lụy phiền đến vợ con tôi. Nghe tiếng chim báo bão tôi cũng sợ vì trong những ngày sóng to gió lớn, tôi phải ngồi co ro nhìn vợ con tôi ăn cơm với cá khô. Vùng biển quê tôi có loài chim mà ngư phủ đặt tên là chim cắc ca. Khi chúng họp đàn bay từ ngoài khơi vào đất liền chúng thường kêu “Cắc ca! Cắc ca!” Mỗi lần nghe tiếng chim cắc ca là tôi thở dài, buồn thảm nhìn đôi mắt của vợ con tôi đượm vẻ lo âu.

    Tội nghiệp cho hai đứa con gái của tôi tuổi còn thơ dại. Chúng nó là kết tinh của tình yêu, của niềm nhớ thương xa cách của vợ chồng tôi sau những tháng năm dài tôi bị giam cầm, đày ải. Chúng nó xấu số nên đầu thai nhằm một gia đình mạt rệp! Khi con tôi đòi mua đồ chơi, tôi phải ra bãi biển sau nhà để lượm vỏ ốc, vỏ sò về cho chúng. Trời tháng Ba biển im và trong xanh như ngọc bích, tôi bế con tôi đi tắm biển và dùng vợt lưới mặt nhỏ để bắt cho chúng những con cá màu sặc sỡ trong những cụm mơ trôi tấp gần bờ. Biết con tôi thích ăn tôm kẹt non, ban đêm sáng trăng, tôi lội biển sau nhà để đẩy te bắt tôm về cho chúng.

    Có lần biển quê hương nổi trận bão tố, tất cả thuyền đánh cá đều đậu bến, không ai dám ra khơi, vậy mà tôi cùng sáu người bạn ngư dân cùng nhau đi đánh lưới tôm hùm ở ngoài khơi Vũng Tàu để nuôi sống gia đình. Bảy thớt lưới bủa nối tiếp nhau dài hơn 3 cây số. Những buổi sáng, chúng tơi ra khơi kéo lưới thật là gian lao, nguy hiểm vì sóng bạc đầu dâng cao và bủa tới tấp, chiếc thuyền lướt trên đầu sóng như con ngựa chứng, rất dễ bị lật úp hay bị sóng nhận chìm. Sóng tạt vào thuyền khiến chúng tơi bị ướt cả áo quần, nhưng vẫn kiên gan đối địch với phong ba để kéo hết ba thớt lưới lên thuyền. Sau khi gỡ xong tôm cá, chúng tơi lại phải bủa lưới rồi mới về đậu thuyền ở Bến Đình. Đêm nọ, chúng tôi ghé vào Bãi Tầm Dương – Vũng Tàu để nghỉ ngơi . Tôi dẫn 3 người bạn về nhà người chị bà con mà trước kịa tôi ở trọ để đi học ở Trường Trung Học Vũng Tàu . Khi đi ngang qua trường cũ, lòng tôi bỗng dâng lên niềm cảm xúc khiến cho đôi dòng lệ tuôn trào. Bảy năm đèn sách miệt mài để bây giờ trở thành một ngư phủ rách rưới, lang thang.

    Đến khi thời vận xuống tới mức bỉ cực thì bất ngờ gia đình tôi được thới lai. Trong ngày đưa vợ con tôi lên Sài Gòn để gặp phái đoàn Mỹ, tôi nguyện rằng nếu không trót lọt qua cuộc phỏng vấn thì tôi sẽ đi nơi khác làm ăn chớ không dám trở về làng cũ. May mắn thay, ước mơ của chúng tôi đã trở thành sự thực. Lúc ấy, tôi hay tin túp lều lý tưởng của tôi trên bờ biển quê hương đã bị sập trong một cơn giông tố.

    Ngày gia đình tôi lên phi cơ để sang Mỹ, anh chị tôi cùng bằng hữu tiễn chân đến tận phi trường Tân Sơn Nhứt. Chỉ có mẹ tôi không đi được vì quá già yếu. Khi phi cơ cất cánh, tôi bùi ngùi rơi lệ không biết vì tôi lưu luyến quê hương, lưu luyến những người thân hay vì mừng cho vợ con tôi thoát khỏi cảnh bần cùng. Chắc là cả hai. Tôi đã mang nghĩa nặng ơn dày với nơi mà tôi đã buông tiếng khóc chào đời. Thuở sơ sinh, còn nằm trong ổ với mẹ nhờ có than củi đước của rừng Sát thân yêu sưởi ấm. Tôi lớn khôn nhờ tôm, cá của biển mặn quê hương. Lời ru ca dao của mẹ hiền hòa trong âm vang sóng vỗ như còn văng vẳng bên tai tôi. Tổ phụ của tôi là dân ngư phủ nhưng tôi rất hãnh diện vì họ. Cha tôi, anh tôi là những dũng tướng của bể khơi, yêu quê hương, giàu lòng nhân ái, không ham bả giàu sang, danh vọng, tháng năm vui với con thuyền, tay lưới với tình quê hương muôn thuở vẫn mặn nồng.

    Bây giờ sống trên đất nước Hoa Kỳ, nhiều đêm tôi nhớ cố hương khôn xiết. Nhớ cảnh biển sau nhà, sóng bạc nô đùa trong những chiều gió lộng. Nhớ những sáng ra khơi, tôi ngồi trước mũi thuyền, hút thuốc lá, nhìn về phương trời đang ửng hồng sau núi Vũng Tàu. Nhớ những đêm lội biển sáng trăng để đẩy te đến khuya mới về nhà, nướng cá tươi ngồi độc ẩm. Nhớ xóm cũ tiêu điều với những dãy nhà lá xiêu vẹo, nằm san sát bên nhau. Nhớ những người bạn ngư dân đã thường kéo giùm tôi thớt lưới lên thuyền khi tôi bị bệnh mà vẫn rán sức ra khơi. Nhớ tổ ấm ngày xưa bên bờ biển mặn đã che chở gia đình tôi suốt bốn mùa mưa nắng.

    Cách đây ba năm, tôi được tin trận bão Linda đã đánh chìm hàng ngàn thuyền đánh cá. Riêng xóm cũ của tôi đã bị gió lớn phá tan nhiều căn nhà lá. Tôi hình dung những người láng giềng của tôi trước kia đang lâm cảnh màn trời chiếu đất, chịu đói lạnh triền miên. Tôi vội gọi điện thoại để vận động bằng hữu ở các tiểu bang trên đất Mỹ đóng góp tiền cứu trợ đồng bào đang gặp thiên tai. Số tiền xin được tôi gởi về cho Cha Điệp ở giáo xứ ngày xưa nhờ phân phát cho những gia đình gặp nạn. Cha Điệp gởi thư cho tôi với danh sách hơn 20 gia đình đã ký nhận tiền và lời cảm ơn của họ. Tôi nghe lòng mừng vui rộn rã vì mình vừa làm được một việc chan chứa tình nghĩa với xóm cũ, làng xưa.

    Tôi ước mơ một ngày về thăm lại xứ biển thân yêu. Tôi sẽ cùng bạn bè ngư dân sum vầy trong bửa tiệc họp mặt có đờn ca vọng cổ, có hương vị canh chua cá chìa vôi, gỏi cá đối, mực ống nướng và món tả-pí-lù bằng tôm biển. Tôi sẽ theo con thuyền lưới dầm ra khơi để sống lại những ngày dãi nắng dầm mưa, tuy gian khổ mà vui đời ngư phủ giữa trùng khơi gió lộng.

    Tôi sẽ đi thăm mộ những người thân và sẽ đi thuyền vào vùng sông rạch để nhìn lại cánh rừng kỷ niệm của thời niên thiếu. Tôi sẽ cùng bằng hữu ngồi uống rượu trên bờ biển, nơi mà ngày trước tôi đã dựng túp liều lý tưởng để sống đùm bọc vợ con cho đoạn tháng qua ngày. Chắc biển cũ sẽ giăng đầy hoa sóng như chào đón người xưa trở lại. Tôi sẽ về, nhứt định tôi sẽ về vì nỗi hoài hương đã đong đầy theo năm tháng và ngày xán lạn của Việt Nam không còn xa nữa ./.

    Kha Lăng Đa
    ( Hoa Huệ Trắng )
    Last edited by khongquan2; 05-27-2013, 01:14 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X