Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nỗi Đau Một Mình - Nguyễn Thừa Bình

Collapse
X

Nỗi Đau Một Mình - Nguyễn Thừa Bình

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nỗi Đau Một Mình - Nguyễn Thừa Bình

    NỖI ÐAU MỘT MÌNH

    NGUYỄN THỪA BÌNH


    Hằng năm, vì sự kiêng cử “đạp đất”, “xông nhà” mà đã hơn hai chục năm qua kể từ ngày tới Mỹ đến giờ, vợ chồng tôi chỉ tới nhà người quen “chúc Tết” vào ngày Mùng Hai. Hơn nữa, ngày đầu năm Mùng Một Tết, chúng tôi phải ở nhà cúng đầu năm như thể mời ông bà về Ăn Tết với con cháu. Dẫu xa quê hương, nhưng việc cúng kiến, vợ chồng tôi không bao giờ xao lãng mà năm nào cũng như năm nào, xin nghỉ làm một tuần để ở nhà.


    Phong tục cúng bái đầu năm

    Năm nay Quý Tỵ, Mùng Hai Tết là ngày Thứ Hai, dù tuyết đầy đường, nhiều anh chị em chắc vẫn đi làm nên cửa khóa then cài lạnh tanh, không thấy hơi hám gì hết tết nhứt. Ở đây, xứ lạ lạnh lẽo lại nhỏ nhoi người Việt Nam, cái Tết cổ truyền dân tộc sao quạnh quẽ, heo hút dữ! Ở lâu, bây giờ cũng quen quen đi rồi và người Việt Nam đông đông lên, mình còn thấy đỡ nhiều. Hồi mới qua năm 1992, những cái Tết đầu tha hương thấy sao buồn thúi ruột. Bà vợ với mấy đứa con lớn sụt sùi nước mắt! Sáng nay, đầu tiên chúng tôi đến nhà chú Huệ, không thấy ai ngoài 3 con chó nhỏ lông xù Australian Terrier sủa rân trời. Mấy con chó nầy mà mỗi lần vợ chồng tôi tới là mỗi lần sợ tính hung hăng và dữ tợn của chúng. Ði ngược xuống nhà chú Lực mới vừa được nghỉ hưu thế nào cũng có ở nhà, nhưng không, ông Chí nói: “Hai vợ chồng đi vắng cả rồi”. Vợ tôi hỏi: “Ði đâu anh?” Ổng cười hề hề: “Chồng coi cháu nội ở một nơi; vợ coi cháu ngoại ở một nơi”! Vợ tôi quay qua tôi nói nhỏ: “Nghĩ hưu tưởng thong dong, ai dè làm babysitter còn cực hơn!” Ghé nhà ông bà Vinh gần tiệm Quang Trung cũ, hồi mới qua ở cùng một building trên đường Brownell. Tới đây để chúc nhau ba ngày Tết vui đâu không thấy, chỉ thấy buồn chuyện gia đình của hai mẹ con bà bạn của ổng bả từ Oregon qua kể lại nỗi đoạn trường kèm theo những giọt nước mắt mà không e dè gì Ba Ngày Tết:
    “Gia đình tôi từ miền Trung vào đất Vĩnh Long năm 1965 lúc tôi mới 17 tuổi. Hồi đó nhà tôi nghèo, ai ai cũng lo bương chải tìm đường mưu sinh. Tôi được may mắn vào làm “Sở Mỹ” trong Thị Xã đã gần nhà lại lương phạn khá cao. Làm gần một năm, tôi bị mang bầu với một Trung Sĩ người Mỹ trắng. Ba má tôi, anh chị em tôi giận lắm và xóm làng dè bỉu. Ðể dễ chịu cho mình và không đau lòng cho gia đình, tôi ra ở riêng một nơi xa cũng trong Thị Xã Vĩnh Long. Ðầu năm 1969, tôi sinh ra đứa con gái giống Mỹ y hệt, không có chút gì Việt Nam hết trơn. Người ngoài, trong nhà bởi nhiều thành kiến “chửa hoang”, “lấy Mỹ”, “con lai”, nên mẹ con tôi cúi mặt sống đời côi cút, phiền muộn. Sau, vì cám cảnh đứa con, đứa cháu đơn chiếc hiu quạnh, ba má tôi tha thứ mọi điều, kêu về lại nhà. Có lẻ, tôi “gái một con trông mòn con mắt” hay sao, một ông Thiếu Úy hơn tôi vài tuổi đang làm ở Tiểu Khu để ý thương. Tôi rời gia đình, mướn nhà ở chung với ông ta sống đời già nhân nghĩa, non vợ chồng. Gần một năm sau, chúng tôi có với nhau một đứa con trai. Mấy tháng sau, năm 1970, ổng chuyển qua Không Quân, lái máy bay trực thăng. Ðời phi công lả lướt như cánh chim bằng rày đây mai đó, quen thói “cơm hàng, cháo chợ, vợ người ta”, ổng đã ít khi về nhà lại không bao giờ thư từ. Lúc đầu, tôi trách móc đủ điều, nhưng thét rồi cũng quen cảnh một mình nuôi con chờ chồng. Ổng thì vi vút tận đâu đâu vui thú trăng hoa với ai ai mà mỗi lần về thì làm bộ làm tịch như yêu em nhất trên cõi đời! Cuộc đời ai biết mà mò!?


    Hỗn loạn chạy giặc Việt Cộng trước ngày 30/4/1975

    Năm 1972, một đứa con gái tiếp theo ra đời. Ổng cứ “Anh đi bay” nay chỗ nầy, mai chỗ kia xa rất xa Tỉnh Vĩnh Long. Tôi ở nhà cặm cụi nuôi ba đứa con còn rất thơ dại mà ngày tháng đợi bóng hình cha của mấy đứa con về thăm nhà, thăm vợ, thăm con heo hút ngóng trông! Mình đợi, đợi mãi. Ổng đi, đi mãi. Lâu lâu gặp nhau một lần, tôi vui niềm vui vô cùng và các con mừng reo vang “ba, ba”, nghe như hạnh phúc róc rách từng ngõ ngách tâm hồn. Rồi lại, “Anh đi bay”, bay bổng như cánh chim trời, bay đi là đi vun vút vào cõi không gian bao la nghìn trùng. Mình trở vào ôm con thổn thức đời vợ người lính hào hoa…Và cuối tháng 3 năm 1975, tôi đã có thai thằng con trai út mà khóc không hết nước mắt không biết bây giờ ổng ở đâu hay đã “vị quốc vong thân” nơi tiền tuyến. Dọ hỏi bạn bè, giao mấy đứa nhỏ cho ông bà ngoại với các dì, các cậu trông giữ giùm, tôi chạy ngược ra Nha Trang, rồi Phan Rang, Phan Thiết và vào Bình Tuy, Vũng Tàu cho tới Sài Gòn, vẫn không nghe thấy gì tin tức, bóng dáng của ổng. Rồi chiều tối mấy ngày trước ngày 30 tháng 4, ngày Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ổng hớt hải chạy về nhà với bộ quần áo “civil” tơi tả, rách nát, bẩn thỉu, hôi hám và nói mau trong hơi thở “May lẫn lộn được trong đám đông hỗn loạn mới chạy thoát được”.



    Sau 30 tháng 4 năm 1975 bụng mang dạ chửa, tôi cứ phải lùng sục nơi nầy, chỗ kia tìm ra ở đâu chồng bị nhốt “học tập cải tạo”. Từ những năm quen nhau đến có mấy mặt con, tôi chưa lần nào nhận từ tay ổng một đồng bạc để gọi là một chút tình với vợ và trách nhiệm với con. Việc ổng có đi tù Cộng Sản hay có “học tập cải tạo” lâu, mau bao lâu cũng không ảnh hưởng gì đến đồng tiền, bát gạo cho gia đình một mẹ đang bụng mang dạ chửa nuôi ba đứa con còn bé bỏng. Ổng bị Việt Cộng nhốt chỉ đau lòng người vợ là vợ lúc nào cũng nhớ thương chồng mà một đám cưới đơn sơ cũng chưa có; không có một tờ giá thú vợ chồng; ngay cả trong giấy khai sinh của các con phải ghi là “cha không có”. Tôi, người đàn bà cô đơn quạnh quẻ bao nhiêu năm dẫu có chai đá chừng nào đi nữa cũng là người đàn bà còn tấm lòng trắc ẩn tâm sự làm sao chịu nỗi đêm về nhìn con mà không giọt vắn, giọt dài giòng nước mắt chảy!? Cũng may, ổng đi tù Cộng Sản lòng vòng cũng trong Miền Nam, tôi cứ “thăm nuôi” hoài, đỡ khổ cho tôi và không đến nỗi chết đói cho ổng. Bạn tôi, có những người chồng “học tập cải tạo” tận rừng thiêng nước độc ngoài Trung, ngoài Bắc …thường chưa tìm ra chồng ở đâu đâu thì chồng đã ra người thiên cổ, thân xác không biết vùi lấp nơi nào thâm sơn cùng cốc hoang vu, cô liêu! Ðiều đáng phàn nàn là, trước khi trình diện “học tập cải tạo”, ổng đã gởi cho ông anh ruột, cho bà chị ruột của ổng mỗi người một số tiền nhờ giữ giùm trong khi tôi ôm ba đứa con và một cái bầu chờ sanh đẻ trong một chế độ “đổi đời” của cái gọi là Giải Phóng luôn luôn làm khó dễ và kỳ thị vợ “Sĩ Quan Ngụy Quân Ngụy Quyền” và máu mủ đứa con lai là “liên hệ Ðế Quốc Mỹ” một cách khắc nghiệt. Tôi chạy vạy đủ thứ nghề để kiếm tiền vừa nuôi con lớn lên từng ngày vừa nuôi chồng không đến nỗi chết trong tù vì không có cái ăn, cái mặc. Năm 1979 thằng út lên 4 tuổi, ổng được thả về. Tiền gởi nơi ông anh, nơi bà chị ổng đòi hoài đâu ai trả lại một đồng xu, và trả làm sao, bây giờ xài tiền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam? Tiền bạc, tình anh chị em không còn, chẳng ai thèm nhìn mặt ai. Một chế độ mà cái gì cũng quốc doanh, cái gì cũng tem phiếu, cái gì cũng “Ðảng Cộng Sản Quang Vinh”, người Miền Nam Việt Nam ngày một nghèo đói cùng kiệt, nói gì gia đình những người bị miệt thị bằng cái tên“Ngụy”, cái tên “Me Mỹ” khô khan, cộc lốc, thù hằn.

    Bấy giờ không còn phi công, không còn Sĩ Quan, không còn tiền mà còn đèo thêm cái tên “giặc lái” và người ta không coi ra gì, ổng mới chịu ở nhà với vợ, với con, với công ăn việc làm và thằng con trai út trong giấy khai sanh may mắn mới có tên họ người cha của nó. Buôn bán trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, người dân dễ bị chết lên chết xuống vì bọn “Công An Khu Vực”, “Quản Lý Thị Trường”. Ổng về, bị “quản chế” một năm có làm ăn được gì, giỏi lắm là trông coi mấy đứa nhỏ cho tôi bay nhảy kiếm tiền nuôi gia đình. Không làm sao tránh khỏi được những cặp mắt diều hâu, cú vọ rình rập, tôi bị cái thứ đầu trâu mặt ngựa “Quản Lý Thị Trường”, “Công An Khu Vực” đó bắt và bị bỏ tù cả nửa năm trời. Nhà cửa không có tôi, mấy cha con may lắm có được hai bữa húp cháo lỏng độn khoai lang hay khoai mì. Ðứa con gái Mỹ lai của tôi mới 10 tuổi, rách rưới, nghèo hèn như con bé lọ lem, ổng bắt “Mầy phải tự túc kiếm ăn”. Con bé tờ mờ sáng đã ra khỏi nhà và tối mò mới lén lút về để tránh đôi mắt dữ dằn của ông dượng ghẻ như lúc nào cũng sẵn sàng giáng cho nó những cái tát tai tá hỏa tam tinh. Nó, có khi phải đi xin ăn ngoài chợ có gì ăn nấy; có khi giúp những công việc người ta sai vặt cho có miếng ăn qua bữa; có khi là đứa nhỏ gái lang thang bụi đời đầu đường xó chợ. Khi được thả ra, nghe con kể lại, tôi đâu có tin tâm địa của ông chồng mình lại tàn tệ với một đứa nhỏ, con gái riêng của vợ mình như vậy!



    Bán xăng

    Dù có chồng về, có “thuận vợ thuận chồng tát biển Ðông cũng cạn”, nhưng gia cảnh càng ngày càng túng quẩn, cơ hàn. Tôi liều mạng, chùng lén mua bán lậu xăng, dầu, nhớt lẻ tẻ và ổng bày biện dụng cụ vá, sửa giầy, dép cao su kế bên giả như có công ăn việc làm để tránh bị dòm ngó mà thực ra là để canh chừng bọn Công An, bọn Quản Lý Thị Trường. Ðứa con gái lai đã lớn, làm nghề mua bán vặt vãnh mấy thứ nông sản cho người đi qua đi lại ngang nhà. Hai vợ chồng với bốn đứa con tạm sống qua ngày không quá cơ cầu như trước nữa. Sau năm 1988 nghe có “Chương Trình Con Lai” và “Chương Trình HO”, mừng hết sức. Chúng tôi nghe ngóng, tìm kiếm, chạy chọt, mong được qua Mỹ sớm chừng nào tốt chừng nấy. Ổng bàn “Ði “Diện Con Lai” dễ hơn, mau hơn “Diện HO”, dù có qua Phi Luật Tân ở vài tháng cũng không sao”. Lúc bấy giờ, đứa con gái lai của tôi đã 19, 20 tuổi rồi, nhất định không chịu đi vì đã có bạn trai. Một đứa con trai nhà quê hiền hậu, cũng nghèo, cũng chỉ có một năm, hai năm đến trường học chữ như nó ở gần bên nhà. Ổng dỗ dành, nào là “Nhà mình ở Việt Nam không sống nổi”; nào là “Qua Mỹ rồi, ba giúp con bảo lảnh bạn trai con mấy hồi”; nào là “Còn gặp ông ba người Mỹ của con nữa chớ”. Ổng hứa hẹn đủ điều và ngọt sớt “con” với “con” luôn miệng mà nó chưa bao giờ được nghe. Một mũi tên bắn ba mục tiệu, con nhỏ thất học, lam lũ, đơn giản thì làm sao biết gì tâm địa tàn độc của ổng. Huống hồ, ổng còn mượn ông giáo xóm dưới cầm một cái thơ viết ba xí ba tú mấy chữ Anh với hình một ông Mỹ nào đó nói là thơ và hình ba nó ở Mỹ gởi qua hết sức trông mong gặp nó. Con nhỏ vui quá, thích quá, đồng ý liền dù có ngậm ngùi bỏ lại người bạn trai buồn vô cùng với lời an ủi đầy tin tưởng, rằng “Em qua Mỹ rồi là bảo lảnh anh ngay”.



    Bỗng, cuối năm 1989, ổng vô ý làm sao mà cái thùng phuy đầy xăng phát hỏa, vài nhà kế cận bị cháy, họ tức giận rượt chạy, chửi bới ổng hết sức thậm tệ. Ổng phải trốn chui trốn nhủi chờ bà con nguôi ngoai mới dám mò về. Nhà cầm quyền Việt Cộng ra lệnh “Bồi thuờng thiệt hại cho người ta”. Nhà tiền đâu mà bồi thường, đành hứa cho qua ngày? Nghe tin vợ chồng tôi sắp đi Mỹ, một mặt họ tới đòi tiền, một mặt họ làm đơn ra Công An Phường yêu cầu trì hoãn việc xuất cảnh cho tới khi nào thanh toán nợ nần mới được. Chúng tôi khóc lóc, lạy lục, van xin, năn nỉ, hứa “Trả có lời cho bà con rất sớm sau khi qua Mỹ”. Gia đình mấy nhà bị cháy ít tin tưởng tính tráo trở, gian ngoa của ổng, nhưng nghĩ “Thà đồng ý cho tụi nó đi còn hy vọng có ngày vợ chồng nó trả. Chúng nó ở đây ăn mặc còn chưa đủ, lấy gì bồi với thường?” Năm 1991, hai vợ chồng tôi với bốn đứa con qua Phi Luật Tân ở vài tuần. Cuối năm, chúng tôi tới phi trường Portland International Airport, PDX vào một tối mùa Ðông tuyết rơi mịt mùng. Không thấy ai người Mỹ ra đón, con tôi hỏi: “Ông Ba Người Mỹ của con đâu?” Ổng la to “Không ba với má; không Mỹ với mẽo gì hết”. Biết gạt rồi, con nhỏ khóc từ đó và khóc nhiều tuần liền, nhưng biết làm sao bây giờ nơi xứ lạ quê người!? Việc nầy tôi có dự phần mà mỗi lần thấy con sụt sùi, lòng tôi cũng chột dạ, xốn xang. Còn nợ nần hẹn với người ta, sẽ “Trả lời cho bà con rất sớm sau khi qua Mỹ” đến bây giờ đã trên 20 năm không thấy ổng nhắc nhở gì hết. Tôi có hỏi, ổng trả lời “Qua Mỹ mà đòi”. Lòng tôi cũng cảm thấy nhột nhạt, khó chịu lắm. Bây giờ, đứa con gái lai của tôi cũng tới 44, 45 tuổi rồi có thằng chồng vừa dở dở ương ương lại vừa khắc nghiệt với nó và hai thằng con trai không đứa nào lo học, chỉ biết lêu lỏng theo bạn bè hút xách, mèo mở. Ngày ngày ngoài giờ làm ở hảng còn thì giờ nào là nó phải trông coi đứa cháu nội mà ba nó, mẹ nó còn quá trẻ con, đẻ ra không màng bổn phận nuôi dưỡng. Chạnh nhớ người bạn trai ngày xưa nó có hứa “Em qua Mỹ rồi là bảo lảnh anh ngay” bây giờ vẫn ở vậy, không lấy vợ, nó khóc hết nước mắt và oán hận ổng và tôi đã giết chết tương lai và cuộc đời của nó. Nó con lai, cả nhà nhờ nó mà đi Mỹ, nhưng ba ghẻ của nó, ngay cả tôi mẹ ruột của nó và ba đứa em một mẹ khác cha của nó, ai ai cũng không thương nó một chút nào. Có lẻ nó là con lai, lại nghèo nàn và chồng con của nó không ra gì nên bị gia đình chối bỏ!?



    Có lạ gì, bên Portland có ai hỏi gia đình tôi qua diện gì, không ngần ngừ một chút nào, mọi người trong nhà tôi cũng trả lời gọn bâng như nhau: “Là Diện HO chứ diện gì nữa” và không quên nói thêm: “Ổng là phi công, một Ðại Úy đó”. Chỉ trừ nó, đứa con gái lai có gì mà giữ gìn, nói hoạch toẹt ra là Diện Con Lai. Nội việc nầy, ở bên đó người ta đã chê chúng tôi là “thứ không ra gì” rồi. Tôi biết chớ, ổng biết chớ, huống gì sau nầy tôi mới nghe ra và biết thêm nhiều chuyện ổng làm còn tệ vô cùng. Năm đầu mới qua, ổng làm công mười hai tiếng đồng hồ một ngày cho một tiệm Tàu Chợ Lớn mà lảnh tiền mặt chưa tới hai đô la một giờ. May mắn, ổng được ông chủ Tàu đó giới thiệu vào làm leader và sau lên supervisor cho một hảng người Mỹ chuyên lắp ráp đồ gia dụng cho đến nghỉ hưu năm 2009. Ổng mang tiếng luồn cúi và “nịnh thần” của thằng manager và “đì” anh, chị, em Việt Nam hết chỗ nói.
    Ổng dụ dỗ, sắp xếp các cuộc hẹn hò những người đàn bà, những cô gái Việt Nam chân ướt chân ráo mới tới đất Mỹ với thằng xếp ham gái của ổng. Ổng làm khó dễ người ta để kiếm chút quà hối lộ tình cảm của những phụ nữ chưa chồng hay không còn chồng và rượu mạnh, tiền đổ xăng, sữa xe hư, giúp việc nhà, quà biếu từ Việt Nam qua… của những ông đàn ông, những đứa con trai…Việc ổng bị đốt xe, bị đập bể kiếng xe, bị xì bánh xe, bị chửi rủa, bị chận đường đánh là chuyện thường như ăn cơm bữa, nhưng tật xấu xa của ổng, ổng vẫn cứ giữ suốt đời không chừa. Cuối năm 2010, ổng theo lời giới thiệu của một người bạn trạc tuổi của ổng về Việt Nam “ăn ở” với con vợ nhỏ 34 tuổi, nhỏ hơn ổng 35 tuổi và cũng nhỏ hơn con gái út của ổng 7 tuổi. Ông bạn nầy của ổng lấy con chị, ổng lấy con em. Tưởng đâu xa, hai con nhỏ đó ngày xưa ở gần nhà, hỉ mũi còn chưa muốn sạch. Con chị tên là Xí, con em tên là Muội ngày nào cũng như ngày nấy cứ một cái quần xà loỏng, đen thủi đen thui chạy lăng quăng khắp xóm như những đứa con trai. Ai ngờ bây giờ tụi nó hấp dẫn làm sao, ổng thèm.
    Chuyện cũng kỳ kỳ, ba của hai đứa nó lại là lính của ổng thời làm ở Tiểu Khu Vĩnh Long trong những năm 1968, 1969. Không biết mấy người đó ăn làm sao, nói làm sao bây giờ hở? Chắc cũng không gì phải lo lắng, bận bịu, vì ổng vốn đã mặt dầy mày dạn từ thời ở Vĩnh Long trong nước đến bây giờ trên Oregon đất Mỹ. Có điều, mấy đứa con của ổng cảm thấy hổ thẹn mà nói “Sao ba làm điều các con thấy nhục không chịu nỗi”? Những người Việt ở đây, đâu coi ổng là “cái thá gì”, cho nên đếch có ai đá động đến “cái thằng cô hồn cát đảng đó” làm gì. Tôi, thì cúi mặt mà sống âm thầm trong nhà quanh năm với mấy đứa cháu nội, cháu ngoại cho hết một kiếp người đọa đầy! Tôi nhớ không lầm, ngày mùng 5 Tết Tân Mão cách đây hai năm, nhằm ngày 7 tháng 2 năm 2011, ổng đưa tôi một xấp giấy, bảo: “Ký giấy ly di”. Tôi vừa hết sức ngạc nhiên vợ chồng lấy nhau đã gần năm chục năm nay, không có gì xích mích, chẳng có bao giờ nói tới ly dị, ly thân đâu. Vừa chạm tự ái quá sức một cách thình lình, không chịu nỗi, tôi bèn “Ký thì ký”.
    Không có một phiên toà xử ly dị, nhưng chúng tôi tự biết với nhau rằng, “từ đây chúng ta không còn ai vợ chồng với ai nữa”. Và ổng đi biền biệt từ đó đến nay không hề liên lạc gì với nhau. Con chim đã sổ lồng, nó bay là bay đi vào cõi mịt mùng vô tăm, biệt tích. Dù tôi cũng như mấy đứa con không muốn liên lạc với ổng nữa, nhưng hai người anh, một ở Mỹ và một ở Việt Nam thỉnh thoảng gọi điện thoại nói cho tôi nghe hoài mỗi khi ổng có chuyện nầy, chuyện kia. Ở Mỹ, ổng ở với gia đình ông anh cả cùng vợ chồng đứa cháu trai trong thành phố Dorchester của Massachussetts. Ở đây, nhà không còn chỗ, ổng ở một góc garage dưới basement. Ổng thường nói với ông anh của ổng rằng “Tôi không bảo lảnh con nhỏ đó qua. Qua rồi nó sẽ bỏ mình đi lấy thằng khác trẻ, khỏe hơn mình là chắc. Tôi thỉnh thoảng đi qua, đi về và cho nó một ít tiền là đủ. Ngày nào còn ở chung thì hay ngày đó”. Ông anh ổng nói: “Sẽ tới một ngày không xa, chú tan tác xách gói trở về lại Mỹ là cái chắc” Ở Việt Nam, ổng ở với con nhỏ đó trong căn nhà đối diện với nhà ông anh kế. Căn nhà mà ổng phải bỏ ra hơn ba chục ngàn đô la để xây lên. Ông anh ở bển nói: “Bây giờ chú với con nhỏ đó che sạp bán hủ tiếu và mì hoành thánh ở đầu xóm chợ nhỏ.



    Ðêm đêm, chú một mình trùm chăn ngủ lại tại sạp để canh giữ chiếc xe, sợ bị người ta cưỡm đi. Bà con qua lại thường chỉ chõ, chế diễu “Già dịch”, “Việt Kiều dại gái”. Anh chị nghe mà thúi cả ruột gan. Ði Mỹ mấy chục năm tưởng được gì, cuối cùng chú cũng chỉ là thằng “cu li” bưng tô hũ tiếu, bưng tô hoành thánh mà chìu lụy người nầy tới người kia. Phải vậy cũng còn đỡ, đằng nầy xóm làng còn dị nghị con nhỏ đó thường đi lại, ăn nằm với thằng bạn trai của nó một cách công khai ngay trong nhà chú bỏ tiền ra xây lên. Chú làm gì nó bây giờ? Nó còn nói “Lớ mớ tôi tống cổ ổng ra khỏi nhà vác thân chạy không kịp hoặc vô đồn Công An ngồi tù như chơi”. Nghĩ, chắc luật bù trừ, ổng chưa bao giờ xí một đồng cho vợ, cho con ngay cả mấy ông anh ruột, mấy bà chị ruột của ổng sống từ nhỏ đến già bây giờ. Có hôm ổng mua cho tôi một cái Big Mac của Mc Donald, ổng lấy tôi y giá 3 đô la. Thôi thì, bây giờ để con nhỏ đó xài đi cho rồi 178,800 đô la của ổng đã keo kiết để dành trong ngân hàng trên hai chục năm qua và tiền hưu trí hằng tháng 1,200 đô la nữa đi cho rồi.
    Mới đầu, tôi buồn lắm, nhưng bây giờ đã hai năm rồi còn gì, tôi rất dững dưng, huống gì ngày nào tôi cũng hết sức bận bịu trông coi mệt đừ bốn, năm đứa cháu nội, ngoại nhõng nhẽo khóc, réo”. Nhìn ông bà bạn, bà tiếp “Mấy lần anh chị gọi điện thoại bảo tôi nói chuyện chồng con của tôi cho anh chị biết. Nhân qua đây thăm anh chị, hôm nay dù là đầu năm, biết anh chị chẳng tin vào những chuyện dị đoan, mê tín bao giờ, nên tôi kể ra chuyện không vui chút nào gia đình tôi. Và anh chị đã rõ là làm sao chúng tôi thôi nhau”. Quây qua phía hai vợ chồng tôi, bà nói lời xin lỗi, rằng “Mong ông bà bỏ qua cho chuyện không mấy hay ho gì gia đình tôi trong những ngày năm mới tươi cười mới phải”. Phả lả cho qua, vợ chồng tôi dầu có không vui trong lòng vì chuyện người ta, nhưng cũng cười nụ cười gượng gạo gọi là. Ông bạn Vinh già, chủ nhà như phụ họa, như an ủi, như lời thở than vu vơ, nói: “Việc mấy ông, mấy cậu về Việt Nam lấy vợ thời buổi nầy sao nhiều chuyện rắc rối, éo le, phiền não dữ.
    Nói gì đâu xa, ở thành phố nhỏ như thành phố nầy vợ chồng tôi đang ở đây, cũng xẩy ra biết bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt. Một cặp vợ chồng con lai còn trẻ, mới thấy hạnh phúc với nhau đó, không lâu đã “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”. Nghe ra, tại cả vợ lẫn chồng ham Casino ở Ameristar, ở Harrah’s, ở Isle of Capri, ở Argosy…mà hết tiền. Tụi nó bàn nhau “Chúng mình ly dị giả để về Việt Nam anh kiếm một con, em kiếm một thằng lấy làm vợ làm chồng giả mà kiếm mỗi đứa bốn chục ngàn đô la để gỡ gạc”. Chuyện không như ý. “Anh kiếm một con” anh lấy thiệt con nhỏ, nhỏ hơn anh hai mươi mốt tuổi ở Việt Nam dắt qua Mỹ làm vợ. “Em kiếm một thằng” không phải người Việt Nam kiếm được “bốn chục ngàn đô la để gỡ gạc” mà dính với một người Mỹ già, già hơn em gần ba chục tuổi nghèo nàn biết nói lời phĩnh gạt mà em tưởng lầm là giàu sang, em về nông trại vùng quê ngoại ô thành phố hắt hiu mà ở. Hai đứa bây giờ ứa gan, nhìn nhau như kẻ thù truyền kiếp. Ba đứa con, đứa nào đứa nấy đều oán giận cha mẹ, đã bỏ nhà đi, không biết đi đâu!



    Ngừng một chút, mời chúng tôi ăn mứt, uống nước trà, ổng tiếp: “Nói gì sấp nhỏ, ngay cả ông già thường mỗi chiều đi bộ với tôi ở Công Viên Budd Park nằm ngay ngả tư đường St. John Ave và Brighton Ave đã bảy mươi tuổi cũng mất nết thay. Vợ chồng ông nầy lấy nhau cũng gần năm mươi năm rồi, con bầy, cháu đống. Vậy mà, ổng cũng về “bợ” một cô gái ở Bình Ðịnh lớn hơn cháu nội gái ổng vài ba tuổi. Hơn ba chục năm chịu khó làm lụng ở Mỹ có một chút tiền, về xây nhà cho cô vợ trẻ ở bển, gọi là “tổ uyên ương”. Ổng sống riết ở Việt Nam, không đoái hoài gì bà vợ già ở Mỹ mòn mỏi trông chờ. Bốn đứa con, mười mấy đứa cháu và hai đứa chắt được hai, ba tuổi gì đó cũng chẳng mong gì ngày trở về của ổng nữa. Chừng hai năm, bây giờ ổng về lại Mỹ thì không còn gì hết. Tiền cũng hết. Vợ cũng bỏ. Con không nhận cha; cháu không nhận ông. Ổng bây giờ ở gần nhà vợ chồng tôi đây, “share phòng” ở chung với hai đứa thanh niên bợm trợn, tụi nó gọi ổng là “ông già cô đơn”, “ông già bụi đời”, “ông già gân”. Thấy cũng quá nhiều chuyện thị phi Ba Ngày Tết, vợ chồng tôi đứng dậy trước khi ra về, ngó ông bà bạn “Chúc gia đình anh chị an khang và thịnh vượng” và nhìn ái ngại hai mẹ con bà bạn của ổng bả, cũng “Mong chị và cháu an vui, hạnh phúc”.
    Lên xe, tôi lái chạy lòng vòng ngang qua chợ Kim Long, chạy thẳng lên chợ Hương Quê, quẹo phải qua phía chợ Hùng Vương, chợ Ðông Phương như thể chạy trốn nỗi bi quan rục rịch trong lòng và đi tìm một chút thanh thản cho yên bình tâm trí. Phố phường, hôm nay Thứ Hai, đâu đâu xe cộ cũng tấp nập, ngược xuôi, có ai đón Tết? Các chợ Việt Nam vẫn kẻ bán người mua vô vô, ra ra gặp nhau may ra có lời chúc tụng “Năm mới an khang, thịnh vượng”. Có ai thấy gì tết nhứt trên đất xa, người lạ ở đây vắng ngắt, buốt giá và hôm nay lại sà sà bầu trời chùn thấp, u ám màu xám xịt vừa qua mấy ngày tuyết rơi lạnh lùng! Lại nhớ những cái Tết ê chề thời ở tù Việt Cộng ngoài Bắc, trong Nam sao mà đau buồn quá sức đời lao lý biệt xứ khổ sai! Lòng luyến tiếc những ngày Tết thời thơ ấu vô tư, hạnh phúc. Tết được mặc áo quần mới, được tiền lì xì, được đốt pháo, được đi Chùa Núi đầu năm lạy Phật, được đánh bầu cua cá cọp...



    Thình lình, vợ tôi chắc lưỡi, nói nhỏ bên tai “Cũng một phận đàn bà” đã dắt tư tưởng tôi về hiện tại. “Dù gì thì dù, nói gì thì nói, người đàn bà Việt Nam thường khi phải chịu thiệt thòi, cô đơn, đau khổ một mình hơn người đàn ông nhiều”, vợ tôi nói thêm. Tôi im lặng như thể đồng tình. Thật ra, kể từ ngày tụi Việt Cộng tỉ tê “khúc ruột ngàn dặm” thì quanh tôi đây, các ông muốn li dị vợ nhiều hơn mấy bà, nhất là mấy ông đã già tuổi, già đời. Việc đi qua đi về Việt Nam dễ như trở bàn tay, nhiều gia đình, các ông các bà đã sống với nhau nhiều chục năm rất dễ dàng tan hoang đầu hôm sớm mơi. Các ông đã bỏ các bà về Việt Nam ở lì với các con vợ nhí, bồ nhí vừa trẻ, vừa đẹp lại vừa biết chìu chuộng. Các bà khóc không còn nước mắt, sống thui thủi tuổi xế chiều cô đơn, hiu quạnh. Các ông cũng không lâu, thân xác tơi tả, khô cằn, không còn manh giáp, tiu nghĩu về lại Mỹ tìm vợ, vợ không còn; tìm con, con không còn; sống đời bơ vơ những ngày quạnh quẽ hồn ma bóng quế, chờ ngày đất lấp, cỏ vùi nơi xứ lạ âm u, mông mênh, hiu hắt!


    NGUYỄN THỪA BÌNH
    Mùng Ba Tết Quý Tỵ, 12/2/2013
    Last edited by Phòng Trực; 05-14-2013, 08:51 PM.

  • #2
    Qua cách viết của tác giả,thì ông cựu ĐẠI ÚY PHI CÔNG VIỆT NAM CỘNG HÒA này hết sức bần tiện với con cái,bội tín với hàng xóm,nâng bi và làm ma cô cho cấp trên,không chung thuỷ với vợ,trâu già còn thích gặm cỏ non,vân vân và vân vân...nói tóm lại là hết sức cà chớn và mất tư cách!
    Rồi sẽ ra sao khi độc giả trong nước đọc được bài nầy ngay trên chính trang Phi Dũng (" À há! Bác và đảng nói có sai đâu!")
    Không biết quý vị ra sao,với tôi sau khi đọc bài nầy trên chính trang báo của không quân VNCH nầy,tôi thấy nhục !
    Last edited by chim canh cut; 05-16-2013, 04:39 PM.

    Comment


    • #3
      Tôi đồng ý với anh Chim Cánh Cụt

      Nguyên văn bởi chim canh cut View Post
      Qua cách viết của tác giả, thì ông cựu ĐẠI ÚY PHI CÔNG VIỆT NAM CỘNG HÒA này hết sức bần tiện với con cái, bội tín với hàng xóm, nâng bi và làm ma cô cho cấp trên, không chung thuỷ với vợ, trâu già còn thích gặm cỏ non, vân vân và vân vân...nói tóm lại là hết sức cà chớn và mất tư cách!
      Rồi sẽ ra sao khi độc giả trong nước đọc được bài nầy ngay trên chính trang Phi Dũng (" À há! Bác và đảng nói có sai đâu!")
      Không biết quý vị ra sao, với tôi sau khi đọc bài nầy trên chính trang báo của không quân VNCH nầy, tôi thấy
      nhục
      !
      _________

      Tôi rất đồng ý với anh Chim Cánh Cụt trong lời trich dẫn ghi trên kia. Cám ơn anh.
      Sau khi đọc bài viết dài của ô. NTB, tôi nghĩ tác giả muốn lột trần sự kiện & sự khác biệt giữa HAI CON NGƯỜI: Hai thái cực hoàn toàn trái ngược nhau! (tình yêu, cuộc sống, tư tưởng) & giữa VỢ và CHỒNG. - Một "Đại Uý Không-quân" đào hoa phong nhã bay bướm "phải lòng" gái một con... có đầy đủ phẩm hạnh: "Công. Dung. Ngôn. Hạnh & tứ đức tam tòng" Ha ha ha... Họ đã "sản xuất" ra mấy mụn con; để rồi... tình yêu mang lại cho "bà ấy" tự phác thảo bức tranh tô vẽ đậm nét hận thù... anh SQ.KQ.VNCH bần tiện, hèn hạ, tồi tệ... xấu xa vô cùng! Quả thật tiếc lắm thay!
      Tuy nhiên xin "Bà Chị" chừa cho một lối thoát... Chắc chắn "bà ấy" không lập lại từ: chồng là "Sĩ quan Không Quân Việt Nam Cộng Hoà"... Ồ... là la... (vơ đũa cả nắm)... và không quên nói thêm" "ổng là phi công, một Đại-uý đó" Ôi... "là... là... diện HO chứ diện gì nữa")!
      Xin thưa, đại đa số phụ nữ có chồng HO - không phải khoe, chứ chồng những người ấy xứng đáng là QUÂN NHÂN VIỆT NAM CỘNG HOÀ chính trực, không hèn hạ như ai đâu.
      Vã chăng, nếu đây là câu chuyện có thật, thì "bà chị" ăn ở chưa có đức, quá ư vô phước, mới vớ phải "đức lang quân đốn mạc" như thế. Âu cũng do số Trời ép "bà chị" tự lột mặt trái ra, nên vợ chả tiếc lời mạ lỵ, ra rã chửi chồng tàn tệ, (đành rơi mặt nạ cho xứng "ngôn hạnh" cũng đành!) Vậy thì, im trong "nỗi đau một mình" lùi vào bóng tối, đừng "phơi ra" trên diễn đàn (nhất là HQPD) có lẽ tốt hơn có ý đồ bôi nhọ, bêu rếu SQ.KQ.VNCH. (nói riêng) và sĩ quan đi tù "cải tạo" (là diện HO nói chung)!
      Có thất thố trong sự trung thực và xấu hổ nầy, tôi tạ lỗi nhá.
      Last edited by Tinh Hoai Huong; 05-22-2013, 01:34 AM.
      Bút trần nào tả được lưu luyến!
      Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
      Tình Hoài Hương

      Comment


      • #4
        Có thể vì "Tự do ngôn luận" hoặc "Thông tin 2 chiều" nên bài này được đăng lên diễn đàn HQPD. Tôi không hiểu nổi lý do bài viết này được đăng lên trang chọn lọc. Chọn lọc từ...cái gì? Theo tiêu chuẩn nào?
        Last edited by HaiAu50; 06-20-2013, 05:06 PM.

        Comment


        • #5
          Kính thưa quí anh chị độc giả gần xa

          Hôm nay TL xin phép được bày tỏ vài cảm nghĩ về truyện ngắn "Nỗi Đau Một Mình" của tác giả NTB. Theo TL, bài viết này nếu đem post trong một diễn đàn phụ nữ thì phù hợp hơn là ở diễn đàn PD. Bởi, nội dung nói lên nỗi đau của một người đàn bà không may có ông chồng vô trách nhiệm với gia đình, thêm cả tính trăng hoa. Đáng buồn hơn nữa ông lại là một sĩ quan KQ. Bài viết càng không thích hợp khi được đưa lên trang chọn lọc là bộ mặt chính trên diễn đàn. TL nghĩ, trang chính sẽ đặc sắc hơn nếu chúng ta được tiếp tục đọc thêm những bài viết mà BĐH đã từng chọn. Đó là những câu chuyện nêu lên hình ảnh cao quí, những tấm gương sáng, những hy sinh thầm lặng của bao nhiêu người chiến sĩ VNCH trong chiến tranh. Hoặc những bài tường thuật về tình hình đất nước đang lâm vào thảm họa mất quyền làm người hiện nay, sẽ tôn vinh giá trị bài vở của trang web chính.

          Nói tóm lại truyện "Nỗi Đau Một Mình" chỉ là câu chuyện riêng tư gia đình mà nỗi đau này không gắn chung với hoàn cảnh xã hội. Hình ảnh một vị sĩ quan KQ trong vai trò người chồng xấu đã ít nhiều làm mất cảm tình cho những ai đã từng mặc quân phục Không Quân. Khi TL đọc bài viết này trên trang chọn lọc, TL cũng tự hỏi giống như anh (chị ) Hải Âu là " lý do chọn lọc" và "tiêu chuẩn"?

          Đây chỉ là những cảm nghĩ trung thực của TL nhằm mong muốn cho trang web PD ngày càng phong phú hơn, chứ không hề có ý tranh cãi về bài viết cho trang chọn lọc. Nếu như TL nghe một độc giả nào đó mà chê bai bài vở trên diễn đàn HQPD thì bản thân TL cũng cảm thấy mắc cỡ, vì mình là một thành viên và cũng đóng góp bài cho trang web, còn nếu nghe độc giả khen thì TL cũng hãnh diện theo vậy.
          Vài hàng chân tình thô thiển chia xẻ cùng quí anh chị độc giả, và rất mong sự lượng thứ của anh chị nếu TL có những lời vụng về không phải.
          Kính chúc toàn thể quí độc giả sức khỏe, niềm vui và đời sống an lành
          Kính bút
          TL

          Last edited by thien ly; 05-23-2013, 09:28 AM.

          Comment


          • #6
            Người ta nói "oan có đầu, nợ có chủ". Tôi hơi ngạc nhiên khi một bài viết không có gì đặc sắc nầy lại có nhiều người xem và lại được quý NT và hai bà chị thuộc những cây bút hàng đầu của HQPD chiếu cố đến như vậy.
            Cũng hơi ngạc nhiên vì sự im lặng của quý Anh trong BDH về những lời trách cứ nầy. Bài viết được Phòng Trực HQPD đăng lên giùm do NT Nguyễn Thừa Bình gởi (cũng là một thành viên của HQPD, là một HO.16, 70 tuổi, nhưng có lẽ vì tuổi đã cao và thường gặp khó khăn khi đăng bài, có thể xem bài viết của NT Bình tại đây). Chỉ có thể hiểu được vì hai lý do:

            - hoặc BDH không xem nội dung bài viết là một sự bôi nhọ nào đó mà đơn thuần đánh giá chỉ là một bi kịch và bất hạnh của một gia đình do một cá nhân gây ra, chẳng may người nầy lại là một nhân vật thuộc diện úy kỵ . Xét cho cùng thì nếu nhân vật bê bối trên không phải là KQ (tức cùng màu áo với những anh em trong BDH) thì cũng là một SQ thuộc quân binh chủng khác (vì đã đi cải tạo theo như trong bài viết), tức là một SQ cùa QLVNCH. Ở đây có thể lại xuất hiện một vấn đề mới rộng lớn hơn, tức là HQPD có thể bị chụp là bôi bác anh em khác màu áo hay rộng hơn là QLVNCH. Niên trưởng NTB chỉ ghi lại một câu chuyện được nghe thấy như những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống có thể tìm thấy bất cứ ở đâu.

            - Điều thứ hai là những lời khiển trách kèm theo những gán ghép có vẻ bất công và cố tình phóng đại, từ một bi kịch gia đình đã lan sang phạm vi binh chủng, sau đó mở rộng sang diện HO (và có thể biến thành sự bôi bác người SQ của QLVNCH cũng không chừng). Đây là sự gán ghép không cần thiết và BĐH chắc cũng đau lòng không kém, mà trả lời tức là phải rõ ràng, minh bạch, thẳng thừng, lại e sinh ra thất lễ với những bậc trưởng thượng chăng?

            Một điều rõ ràng là từ một nạn nhân trong bi kịch trên, người đàn bà trong truyện đã phạm phải ba điều úy kỵ và đã trở thành "hung thủ" và gây nên những phản cảm của một số người đọc, theo phong tục ngàn đời của VN dành cho một người phụ nữ:
            - Không chồng mà có con, người đó lại là ngoại quốc.
            - Nói xấu về chồng thay vì phải nhẫn nhịn, chịu đựng và im lặng trước những đau khổ do chồng con gây ra.
            - Đầu năm mang xui xẻo đến cho gia đình người bạn khi tỉ tê những chuyện buồn gia đình không đúng lúc và đúng chổ.
            Khó có thể thông cảm cho những bất hạnh mà người đàn bà trên đã chịu đựng, hay có nhưng cũng rất khó nói ra, nhất là trong một diễn đàn KQ mà người gây ra lại là KQ, nếu không muốn làm mất lòng những người anh vốn đã khó tánh.

            Từ kinh nghiệm "đau thương" nầy, tôi xin mạn phép đề nghị hai điều với Phòng trực:
            - Không nhận đăng bài gởi qua email của thành viên hay thân hữu nữa để tránh gặp phải những trường hợp khó xử. Như vậy, có thể mất đi một số bài của một số NT cao tuổi nhưng tránh được tiếng thị phi (như Niên trưởng CCC đã viết trả lời cho những "ông thần nước ngọt" mà tôi có dịp đọc qua trước khi thay đổi nội dung như hiện nay).
            - Thay đổi tựa "Trang Chọn Lọc" thành "trang chính" hay cứ để nguyên chữ tiếng Anh "the frontpage" nhẹ nhàng, vô thưởng vô phạt hơn để tránh thắc mắc của nhiều người (mặc dù tiêu chuẩn đăng trên trang nầy đã được minh định qua bài viết cùa Thuyduong).
            Xin cám ơn quý NT và quý bạn đã mất thời gian kiên nhẫn đọc đến đây. Thời gian quý báo nầy đúng ra đã có thể dành để phê bình những ngợi ca "hồ chủ tịch" hay sự tàn độc của csvn trong diễn đàn nầy.
            Last edited by tieuchuy; 05-21-2013, 05:42 PM.

            Comment



            Hội Quán Phi Dũng ©
            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




            website hit counter

            Working...
            X