Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Vivaldi và tấu khúc Bốn Mùa

Collapse
X

Vivaldi và tấu khúc Bốn Mùa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Vivaldi và tấu khúc Bốn Mùa


    Vivaldi và tấu khúc Bốn Mùa




    Antonio Vivaldi (1678 - 1741) không là nhạc sĩ duy nhất sáng tác nên những tác phẩm âm nhạc kinh điển về bốn mùa trong năm. Ông cũng không phải là người duy nhất đã vẽ nên bức tranh âm nhạc tuyệt đẹp bằng những bản concerto cho nhạc cụ trình tấu. Nhưng bộ bốn concerto về bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của ông được biết đến như những tác phẩm đẹp đẽ nhất về những bước đi của thời gian trong năm với những nét nhạc trong sáng, thuần khiết có sức ám ảnh dài lâu và khiến người ta mê đắm. Bốn concerto mang tên chung “Bốn Mùa” của ông đã trải qua hàng trăm năm tồn tại và lưu lại trong tâm khảm của giới nghệ sĩ và người yêu nhạc như một mẫu mực tuyệt diệu của âm nhạc thời kỳ Baroque (nói chung là âm nhạc cổ điển của Âu châu vào những năm 1600 đến 1750).


    Sinh ngày 04/03/1678, tại thành phố Venice xinh đẹp, Vivaldi lớn lên trong bầu không khí âm nhạc bởi thân sinh của ông là một nhạc công vĩ cầm chuyên nghiệp tại nhà thờ St. Mark. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc thiên bẩm và thường được biểu diễn cùng bố trong các buổi hoà nhạc của nhà thờ. Lớn lên, ông theo học tại trường dòng và được phong linh mục vào năm 1703. Nhưng vì lý do sức khoẻ, ông không theo con đường truyền giáo mà trở thành nhạc sư vĩ cầm tại trường nữ mồ côi ở Venice, mang tên Ospedale della Pietà. Ngôi trường này đồng thời là một trường dạy nhạc chuyên nghiệp với nhiều học sinh tài năng. Vừa giảng dạy vừa sáng tác âm nhạc, tổ chức các chương trình hoà nhạc, các buổi biểu diễn opera, điều khiển dàn nhạc và biểu diễn vĩ cầm... có thể nói rằng, Vivaldi đã dành trọn vẹn cuộc đời mình cho âm nhạc.

    Tuy nhiên, ông và những bản thảo âm nhạc quý giá từng bị chìm vào quên lãng trong những ngăn tủ bám bụi của giới quý tộc và những nhà sưu tầm một thời gian dài sau khi ông mất lặng lẽ và cô đơn tại Vienna, Áo (ngày 28/07/1741). Những nhạc sĩ đi sau, đặc biệt là J.S.Bach đã tìm thấy những bản thảo không còn hoàn chỉnh và đưa âm nhạc của Vivaldi trở lại. Nhạc sĩ thiên tài người Đức từng chuyển soạn nhiều tác phẩm của Vivaldi cho cây đàn phím và người ta nói rằng, không khó để nhận thấy những dấu ấn của Vivaldi trong âm nhạc của Bach.

    Đến đầu thế kỷ XX, một số lượng lớn tác phẩm của Antonio Viavaldi được khôi phục và nhanh chóng được toàn thế giới đón nhận và yêu thích. Cho đến ngày nay, di sản âm nhạc của ông, quả thực rất đáng nể, với khoảng 550 bản concerto, hơn 100 bản nhạc thính phòng cho một số loại nhạc cụ, hàng chục tác phẩm opera cùng những bài thánh ca cho nhà thờ như oratorio, motet... Trong số đó, nổi bật nhất là các concerto, bởi đó là những đóng góp quan trọng và có tầm ảnh hưởng sâu sắc của Vivaldi trong lịch sử phát triển của concerto trong âm nhạc. Và dấu ấn đẹp đẽ và mẫu mực nhất chính là bộ bốn concerto mang tên Bốn Mùa (Le Quattro Stagioni - The Four Seasons) gồm Concerto No.1- Mùa Xuân (La Primavera - Spring), No.2 - Mùa Hè (L’Estate - Summer), No.3 - Mùa Thu (L’Autunno - Autumn) và No.4 - Mùa Đông (L’Inverno - Winter).


    Khi được công bố vào năm 1725, tác phẩm là một trong những bộ 12 concerto, opus 8, có tựa đề Il Cimento dell' armonia e dell' invenzione (The Contest of Harmony and Invention). Mỗi concerto gồm 3 chương. Không giống như những bài concerto khác của Vivaldi, bốn bài concerto của Bốn Mùa được gọi là program music là một thể loại đặc biệt. Đính kèm với mỗi bài concerto là một bài sonnet, in trong quyển nhạc phần dành cho vĩ cầm, để minh họa cho bản đàn. Sonnet là một thể cổ thi của Ý gồm 14 câu có 10 chữ mỗi câu (iambic pentameter) được dùng làm lời ca (lyrics). Mỗi bài sonnet minh họa một mùa. Không ai biết chính xác tác giả của những bài sonnet này, tương truyền có thể chính Vivaldi là tác giả.


    Mùa Xuân
    Concerto No. 1 in E major, Op. 8[3], RV[4] 269, “La primavera” (Spring)
    Lũ chim đua nhau ca hót trong vườn xuân. Ta nghe từng tiếng thở của những chồi non mới nhú, từng đôi chim cất tiếng hót đối đáp, lảnh lót, trong veo, quyện vào nhau, xuyên qua từng kẽ lá, bay xa. Những tia nắng ấm áp của mùa xuân như biến thành những dòng sông, chảy trên từng chiếc lá xanh non. Mùa xuân mở đầu với đầy đủ thanh âm và cảm xúc đọng lại là sự phấn khởi, tươi mới, căng tràn trề sức sống.
    Chương 2 của một bản Concerto luôn là chương lãng mạn nhất, trữ tình nhất. Tiếng Violin nổi bật trên nền nhạc, du dương, ấm áp… như một lời thì thầm trìu mến. Trên thảo nguyên xanh xa xôi đang thấp thoáng bóng người.
    Những âm thanh vui tai lại nổi lên. Violin Solo và dàn nhạc hoà quyện âm thanh vào nhau, tìm được nhịp thở chung. Mùa xuân bừng sáng.




    Julia Fischer - 'Spring'




    Mùa Hạ
    Concerto No. 2 in G minor, Op. 8, RV 315, “L’estate” (Summer)
    Mùa hạ mở đầu bằng những nốt nhạc chậm rãi, sau đó tiếng violin của nghệ sĩ solo bỗng vút cao, dồn dập, thôi thúc, hối hả. Rồi tiếp theo sau đó là dàn giao hưởng hoà chung. Nhưng ngay lập tức, thể tổng hoà này dừng lại, để một mình tiếng Violin cất lên, lúc nhanh, lúc chậm. Một cảm giác nóng nực, bức bối. Những cơn gió bắt đầu xuất hiện, bầu trời bắt đầu sấm chớp, tiếng vĩ cầm dằng xé. Những cơn bão đầu hạ chuẩn bị kéo đến.
    Tiếng Violin của Samuelsen mang một chút gì đó ảm đạm, mệt mỏi… nhưng đầy sức mê hoặc lòng người. Một sự yên bình khác thường trước cơn bão lớn.
    Cuối cùng thì nỗi lo sợ cũng đã xảy ra, cơn bão kéo đến. Nó cuốn phăng tất cả mọi thứ trên đường đi của mình. Nó mang đi tất cả những bình yên vốn có trước đó của thiên nhiên, của con người. Ruộng đồng, cây cối, nhà cửa. Một mùa hạ khắc nghiệt của nắng, gió, bão táp…




    Mari Silje Samuelsen - 'Summer'




    Mùa Thu
    Concerto No. 3 in F major, Op. 8, RV 293, “L’autunno” (Autumn)
    Bão táp rồi thì cũng qua đi, mùa thu là lúc những người nông dân thu hoạch thành quả lao động vất vả cả năm trời của mình. Những cánh đồng ngũ cốc trải rộng tít tắp. Một màu vàng ươm của mùa thu làm phông màu chủ đạo cho cả bức tranh. Người nông dân phấn khởi với vụ mùa thắng lợi. Họ ngồi bên nhau, những bản nhạc vui được tấu lên, dân làng tay trong tay ca hát, nhảy múa theo những vũ điệu truyền thống… Một không khí lễ hội tươi vui sau những tháng ngày lao động mệt nhọc. Rồi mọi thứ lại từ từ chìm vào sâu lắng, những nét mặt vẫn còn ánh lên nét rạng ngời trong giấc ngủ sâu, êm đềm…
    Tiếng nhạc du dương, mọi thứ đã chìm vào trong giấc ngủ, một mùa thu tràn ngập tiếng cười, niềm vui, yên bình… thật quá khác so với những mùa thu làm lòng người buồn rười rượi mà ta thấy đâu đó trong những tác phẩm âm nhạc (và cả văn học) khác.
    Đã bước vào ngày một ngày mới, vụ mùa hạnh phúc kia đã ở lại sau lưng.
    Bình minh lên, cuộc sống mới lại bắt đầu.




    Frederieke Saeijs - 'Autumn'




    Mùa Đông
    Concerto No. 4 in F minor, Op. 8, RV 297, “L’inverno” (Winter)
    Ngoài cửa sổ, tuyết đang rơi, mỗi lúc một dày. Từng đợt gió lạnh căm căm của mùa đông làm người ta sởn gai ốc. Mặt đất phủ dày tuyết. Bầu trời ảm đạm, mặt trời chiếu sáng yếu ớt. Những ánh đèn leo lét, chập chờn trong những căn nhà gỗ là dấu hiệu duy nhất cho sự sống của con người. Bão tuyết nổi lên, từng cơn gió thổi mạnh như muốn đập tan chút ánh sáng nhỏ nhoi cuối cùng. Cô đơn và lạnh lẽo.
    Bên cạnh bếp lửa, nồi canh đang sôi sùng sục, gần đó chú mèo tự quấn chặt thân mình tìm thêm một chút hơi ấm. Gia đình người nông dân quây quần bên nhau, một mùa đông ấm áp, yên bình…
    Mùa Đông thật khắc nghiệt, nhưng đó là giây phút con người cảm thấy ấm áp khi được đoàn tụ bên nhau. Mùa Đông qua đi sẽ lại là mùa xuân, nắng ấm sẽ lại đến. Tuyết bắt đầu tan, gió phương Nam bắt đầu thổi đến… . Rồi mùa Xuân sẽ tới … và rồi sẽ về lại mùa Đông.




    Julia Fischer - 'Winter'




    Tấu khúc Bốn Mùa của Vivaldi mãi là những giai điệu trác tuyệt đưa tâm hồn ta bay bổng, đưa ta đến với thiên nhiên tươi đẹp. Âm nhạc của ông là tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu thương những con người bất hạnh mà cuộc đời ông là một minh chứng. Mỗi người cảm nhận âm nhạc Vivaldi theo một cách riêng, nên không có gì lạ khi có đến hàng trăm cách thể hiện khác nhau của nhiều dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng. Và cho đến nay Bốn Mùa là một trong những tác phẩm âm nhạc cổ điển được thu âm nhiều nhất trên thế giới. Xin mời thưởng thức bản thu của "Musici di San Marco" với nhạc trưởng Alberto Lizzio (1993).






    (Sưu tầm trên internet, từ nhiều nguồn khác nhau.
    Xin cảm ơn tất cả các tác giả có bài viết về A. Vivaldi và dòng nhạc bất tử.
    May 13, hh)
    Last edited by Chopper; 11-14-2017, 03:30 PM.

  • #2
    Sarah Chang and The Orpheus Chamber Orchestra
    The Four Seasons (A.Vivaldi)



    Spring



    Summer



    Autumn



    Winter



    Last edited by Chopper; 11-14-2017, 03:23 PM.

    Comment


    • #3

      Vivaldi và Bốn Mùa thay lá



      Với nhiều người thì bốn bài concerto cho bốn mùa của Vivaldi có thể là tác phẩm tiêu biểu cho nhạc cổ điển Tây Phương vì cứ trỗi lên là ai cũng biết. Với nhiều người ưa nhạc cổ điển mà hơi khó tính thì "Bốn Mùa" của Vivaldi chỉ là loại nhạc bình dân để nghe trong thang máy.

      Khó tính nhất thì có Igor Stravinsky, một tay dương cầm và soạn nhạc người Pháp rồi người Mỹ gốc Nga. Stravinsky cho rằng Vivaldi có một bản concerto, mà... viết bốn trăm lần! Ít khi nào lại có sự phê phán khắt khe hơn về sự nhàm chán của giai điệu Vivaldi.

      Antonio Vivaldi là một danh thủ vĩ cầm người Ý vào đầu Thế kỷ 17. Sinh tại Venice, Vivaldi là nhà tu có hỗn danh là "Thầy Tu Màu Ðỏ" vì mái tóc đỏ bẻm. Người ta kể rằng vì mắc bệnh suyễn, và nhiều người còn đồn rằng vì lâu lâu lại muốn lẻn ra nhâm nhi tí rượu, nên Vivaldi không thể dâng thánh lễ quá lâu. Có thể là từ đó ông mới đổi nghề từ thuyết pháp sang viết nhạc!

      Sự thật thì vào năm 1703, Vivaldi được một đề nghị bằng vàng mà ông khó từ chối.

      Thời ấy, giới quý tộc có lập ra một y viện mà cũng là tu viện và viện dục anh tên là "Ospedale della Pietà," để dạy nhạc cho bé gái mồ côi mà thật ra là con ngoại hôn của các bậc vương tôn. Vivaldi được mời vào điều khiển dàn nhạc của viện, mà nhạc công chính là các cô gái trong viện Pietà. Làm việc trong viện suốt 12 năm cho đến 1715, Vivaldi vừa trình tấu vĩ cầm, vừa soạn nhạc vừa điều khiển dàn nhạc và nâng cao uy tín của một dàn nhạc toàn nữ sinh. Sau tám năm hợp tác ở nhiều nơi khác và khá nổi tiếng với các vở opera, Vivaldi quay trở lại viện Pietà ở Venice vào năm 1723 cho đến 1740, một năm trước khi từ trần.

      Tại đây, ông soạn ra nhạc khúc Bốn Mùa được thai nghén từ trước. Nhưng một lý do khá bất ngờ của khúc quanh này chính là... kinh tế.

      Vào năm 1720, một vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ khiến kinh tế Âu Châu bị ảnh hưởng và Vivaldi cần tiền. Vì thế, ông quyết định soạn ra một loạt nhạc khúc với tên gọi là "Một thử nghiệm kết hợp sự hài hòa với sáng tạo" gồm 12 bản concerto. Trong số này, bốn bài đầu tiên chính là bốn mùa Xuân Hạ Thu Ðông, với nét nhạc mới lạ từ chiếc vĩ cầm.

      Là một tay diệu thủ vĩ cầm, Vivaldi khai thác đến tối đa những âm thanh réo rắt của nhạc cụ này để diễn tả nào ánh mặt trời chói chang của mùa Hạ, tiếng reo vui khi uống rượu vào mùa Thu hay tiếng mưa rơi trên mái nhà vào mùa Ðông. Vào thời đại ấy, chưa nghệ sĩ nào có khả năng hát, nói, nhảy múa và rót rượu bằng nhạc như Vivaldi.

      Cũng nhờ vậy mà tác phẩm "Bốn Mùa" đã vang vọng khắp Âu Châu và danh tiếng Vivaldi nổi như cồn. Ông được các vua chúa hay hồng y đặt hàng viết nhạc và tác phẩm của ông còn được truyền tới một nhạc sĩ trẻ là Johann Sebastian Bach. Chính là Bach đã soạn lại hòa âm cho nhiều bản Concerto của Vivaldi.

      Nhưng huyền thoại và danh vọng của Thầy Tu Tóc Ðỏ Vivaldi cũng có mặt trái. Người ta cho rằng ông đã giao du với quỷ dữ vì sách nhiễu đám nhạc sinh yếu ớt và Ðức Giáo Hoàng thời ấy còn hăm dọa khai trừ người nhạc sĩ thầy dòng này! Vivaldi bỗng dưng thất thế và lại bị trắng tay lần nữa.

      Ðến tháng 5 năm 1740, ông mới được Hoàng đế Charles Ðệ lục triệu vời đến Vienna để soạn nhạc và một năm sau thì từ trần, chôn cất trong sự nghèo túng. Vivaldi bị lãng quên gần hai thế kỷ cho đến năm 1920 mới lại được khám phá. Nhưng chính là kỹ nghệ sản xuất đĩa nhạc đã quảng bá giai điệu bốn mùa của Vivaldi tới công chúng. Rồi kỹ nghệ điện ảnh làm nốt phần vụ còn lại khoảng 60 năm về trước. Ðó là khi một đệ nhất vĩ cầm trong nhạc phim của hơn 400 tác phẩm điện ảnh là Louis Kaufman đã đoạt giải Grand Prix du Disque vào năm 1950 với Bốn Mùa của Vivaldi. Nhiều người trong chúng ta ít biết rằng Kaufman là danh thủ vĩ cầm có mặt trong dàn nhạc đã thực hiện nhiều nhạc phim nổi tiếng như "Gone With the Wind" hay "Cleopatra"...

      Ngày nay, người ta tính ra là Bốn Mùa của Vivaldi đã được ghi âm ra đĩa cả ngàn lần. Mà không chỉ được ghi âm, tác phẩm còn được soạn lại, viết lại và phổ biến khắp nơi đến độ bị coi là nhàm chán, là nhạc của thang máy hay siêu thị!

      Cũng chính vì vậy mà nhiều nhà soạn nhạc vẫn muốn đổi mới tác phẩm như bốn mùa thay lá. Gần đây nhất, có trường hợp của nhà soạn nhạc người Anh là Max Richter, đã viết lại tuyệt tác của Vivaldi cho một tay diệu thủ vĩ cầm cũng người Anh là Daniel Hope...

      Quỳnh Giao



      Last edited by chieutim; 09-14-2014, 07:23 PM.

      Comment


      • #4
        "Ngũ Đại Tiền Bối"




        Antonio Vivaldi (1678-1741)

        Nền nhạc cổ điển tây phương (Classical Musics) là khoảng thời gian từ năm 1550 tới năm 1900, được hình thành vào thời Phục Hưng (Renaissance, từ thế kỷ thứ 14 tới thế kỷ thứ 16); và phát triển mạnh vào cuối thế kỷ thứ 17 đầu thế kỷ thứ 18.

        Một cách chi tiết, nền nhạc cổ điển ấy được chia ra làm ba thời kỳ – thời kỳ Baroque, thời kỳ Vàng son, và thời kỳ Lãng mạn.

        Trước hết nói về thời kỳ Baroque.

        Tại Ý và các nước Tây Âu khác như Anh, Pháp, Đức, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha…, giai đoạn hình thành và bước đầu phát triển của nền nhạc cổ điển được gọi là thời kỳ Baroque. “Baroque” nói chung là hình thái văn chương, hội họa, và âm nhạc mạnh dạn, tươi sáng, mà Giáo hội Công giáo đã đề xướng sau Công đồng Trento (Council of Trent), nhóm họp vào giữa thế kỷ thứ 16.

        Năm tên tuổi lớn nhất của giai đoạn phát triển nền nhạc cổ điển – mà chúng tôi gọi là “Ngũ đại tiền bối” – gồm ba vị người Ý và hai vị người Đức, đều thuộc thời kỳ Baroque...

        ...Vị đại tiền bối người Ý thứ nhì là Antonio Vivaldi, ra chào đời tại Cộng hòa Venice năm 1678, sau Arcangelo Corelli một thế hệ.

        Cuộc đời của vị linh mục kiêm nhạc sĩ tài hoa này khá ly kỳ và đầy huyền thoại: ông vừa lọt lòng mẹ thì xảy ra một trận động đất lớn ở Venice, nhưng vì con trai quá yếu ớt, èo uột, không biết có sống được hay không, cho nên ngay sau đó, bất chấp động đất, bà mẹ đã cho người đưa con tới nhà thờ để rửa tội, và hứa rằng nếu con mình sống được thì sẽ “dâng cho Chúa”, nghĩa là lớn lên sẽ đi tu làm linh mục.

        Ông bố Giovanni Vivaldi của Antonio là một người thợ cạo kiêm nhạc sĩ vĩ cầm, bắt đầu dạy đàn cho con trai từ năm cậu lên 3 tuổi. Sau đó, vì Antonio tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về vĩ cầm, ông Giovanni Vivaldi đã bỏ hẳn nghề hớt tóc, để cùng con trai đi biểu diễn dạo ở khắp nơi, và trở nên giàu có.

        Nhưng bà mẹ vẫn không quên lời thề hứa năm xưa. Khi Antonio Vivaldi lên 15 tuổi, bà cho cậu đi tu, và 10 năm sau, trở thành linh mục. Tuy nhiên, vì Antonio Vivaldi vốn ốm yếu từ thuở lọt lòng mẹ – mà ngày ấy người ta cho rằng cậu bị suyễn, nhưng ngày nay, y học chỉ coi đó là một chứng tức ngực bẩm sinh – ít lâu sau khi trở thành linh mục, ông đã được miễn hẳn công việc dâng thánh lễ mỗi ngày, và dần dần về sau, ông không còn làm bất cứ công việc gì có liên quan tới chức vụ linh mục nữa, mặc dù suốt đời ông vẫn tuân giữ mọi lề luật của cuộc sống linh mục.

        Tháng 9 năm 1703, sau khi thụ phong linh mục, Antonio Vivaldi được bổ nhiệm làm thầy giáo dạy vĩ cầm tại Pio Ospedale della Pietà – tức (nữ) Cô nhi viện Tình thương, một trong bốn cô nhi viện của thành Venice, nơi ông sẽ phục vụ trong suốt 30 năm liên tục.

        Tại cô nhi viện, ngoài công việc dạy vĩ cầm, Antonio Vivaldi còn dạy nhạc lý và dạy hát, vì thế bên cạnh các bản độc tấu, song tấu, tứ tấu cho vĩ cầm, ông còn sáng tác thánh ca, các vở ca nhạc kịch opera…

        Dưới sự hướng dẫn của Antonio Vivaldi, dàn nhạc và ban hợp xướng của Cô nhi viện Tình thương đã nổi tiếng khắp Cộng hòa Venice, nhờ đó không ít cô bé mồ côi sau này đã trở thành mệnh phụ!

        Về phần Antonio Vivaldi, trong thời gian 30 năm sống và làm việc tại đây, ông đã để lại cho đời 40 vở opera, 60 bản thánh ca, và trên 500 sáng tác cho các loại nhạc cụ.

        Một trong những tác phẩm bất hủ của Antonio Vivaldi là bản tứ tấu dành cho vĩ vầm (violin concerti) có tựa đề “Bốn mùa” (The Four Seasons). Có thể nói “Bốn mùa” là bản tứ tấu dành cho vĩ cầm nổi tiếng nhất, được ưa chuộng nhất từ xưa tới nay, của một nhà soạn nhạc thuộc thế hệ đầu tiên, nhưng không bao giờ bị xem là xưa cũ.

        Chỉ có điều đáng buồn là vào những năm cuối đời, Antonio Vivaldi đã không được thỏa nguyện.

        Nguyên sau 30 năm sống và làm việc tại Cô nhi viện Tình thương, Antonio Vivaldi được gặp gỡ Hoàng đế Charles đệ Lục của Đế quốc Áo, khi ông này tới thăm viếng Venice, và tham dự buổi trình diễn một vở opera của Vivaldi.

        Vị hoàng đế rất thích thú, và ngỏ ý muốn đỡ đầu cho Antonio Vivaldi trong việc phổ biến thể loại ca nhạc kịch này tại kinh đô Vienne của Áo. Nhưng ít lâu sau khi Antonio Vivaldi khăn gói tới thành Vienne, Hoàng đế Charles đệ Lục băng hà. Không có mạnh thường quân tài trợ, giúp đỡ, Antonio Vivaldi sống trong nghèo khổ và chết trong cô đơn nơi đất khách quê người năm 1741.

        Hoài Nam (trích "Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt – Dẫn Nhập")
        Last edited by Nguyen Huu Thien; 11-16-2017, 01:16 AM.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X