Thông báo

Collapse
No announcement yet.

30 Tháng 4, coi dĩa nhạc Asia Golden 3

Collapse
X

30 Tháng 4, coi dĩa nhạc Asia Golden 3

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • 30 Tháng 4, coi dĩa nhạc Asia Golden 3

    30 tháng 4, coi dĩa nhạc Asia Golden 3
    NGUYỄN THỪA BÌNH


    Có những thứ trên đời đã xẩy ra cho đời mình, cho gia đình mình và lớn hơn là cho đất nước mình, cho dân tộc mình, mình muốn quên đi, nhưng không làm sao quên đi được và cũng không được quên đi được. Làm sao không nhắc đời nầy qua đời khác chứng tích lịch sử gần một ngàn năm nô lệ của giặc Tàu; gần một trăm năm đô hộ của giặc Tây; và mới đây bọn Cộng Sản Bắc Việt chiếm Miền Nam Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã 38 năm nay? Nếu không còn nhớ gì thì vô hình trung, chúng ta là những kẻ vô ơn bội nghĩa xương máu của tiền nhân nơi thanh sử và ngay trong cuộc chiến Quốc- Cộng nầy, ai đã nằm xuống “vị quốc vong thân” vì tự do, vì an bình cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam chống Cộng khát máu? Nhớ để chúng ta không quên tâm địa kẻ thù gian manh; nhắc nhở nhau những kinh nghiệm xương máu mà un đúc trong lòng nỗi niềm giang sơn, tổ quốc.


    Hôm nay, đúng ngày, đúng tháng của 38 năm về trước, Miền Nam Việt Nam của Nước Việt Nam Cộng Hòa đã phải bị thua và đương nhiên phải bị thua cái khối Cộng Sản Quốc Tế vừa thủ đoạn trí trá lại vừa to lớn hùng mạnh mà đại diện là bọn mang cái tên ngoại lai Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Từ ngày chúng ta như bầy chim vỡ tổ, tán loạn khắp năm châu, tưởng sẽ mõi mòn chết trên đất khách quê người, nói gì sức lực đâu mà kiên cường chống Cộng! Nhưng không, cũng từ ý thức được trách nhiệm, bổn phận của một người dân trong cơn quốc biến, họ đã tập họp được lại với nhau thành một sức mạnh vô địch không nhất thiết bây giờ, nhưng chắc chắc ở tương lai. Ở tương lai, những người con, những người cháu của họ là những kẻ hậu sinh có trí tuệ, có bản lảnh và tâm huyết sẽ kế thừa “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm” như nhiệm vụ thiêng liêng của cha ông đã làm và để lại. Những người con, những người cháu của họ hoặc đã lớn lên hoặc đã sinh ra và đã lơn lên ở ngoại quốc văn minh sẽ cho họ bước đi những bước chắc chắn, vững vàng, sáng suốt đầy sức sống và sáng tạo…sẽ không phải quá lạc quan mà nói rằng, tương lai nước Việt Nam độc lập, hùng cường, tự do, thái bình sẽ trong tầm tay với. Dĩ nhiên, hàng hậu duệ của chúng ta khắp đầy, nhưng vì bài viết trong giới hạn ngày 30 tháng 4, coi băng nhạc Asia Golden 3, nên chỉ đề cập một ít mà thôi.


    Asia Golden 3 có chủ đề “Hùng Ca Sử Việt 2” với Giòng Nhạc Việt Dzũng và Nguyệt Ánh. Chúng ta, chắc không ai còn lạ gì Việt Dũng với Nguyệt Ánh là con giòng cháu giống Việt Nam Cộng Hòa. Việt Dzũng, con của Thiếu Tá Quân Y Nguyễn Ngọc Bảy, Y Sĩ Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu và Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, Dân Biểu thời Ðệ II Cộng Hòa và mẹ là Nguyễn Thị Nhung, Giáo Sư của Trường Nữ Trung Học Gia Long. Nguyệt Ánh, con của Ðại Tá Nguyễn Văn Y, Tư Lệnh Quân Khu Thủ Ðô, Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Công An kiêm Ðặc Ủy Trưởng Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, xuất thân Khóa 3 Trường École Militaire Inter-Armes de Dalat ( tiền thân của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam). Với khả năng âm nhạc thiên phú và tâm huyết với quê hương và dân tộc Việt Dzũng và Nguyệt Ánh đã nắm tay nhau dùng lời ca, tiếng nhạc để phục vụ đồng bào Việt Nam khắp năm châu, bốn biển và chí nguyện xây dựng một nước Việt Nam tự do, độc lập, phú cường không Cộng Sản. Hôm nay, vợ chồng tôi ngồi coi và nghe những ca sĩ của Trung Tâm Asia trình bày những bản nhạc của Việt Dzũng và Nguyệt Ánh mà lòng không khỏi bồi hồi, xúc động, nhiều khi chảy dài những giọt nước mắt. “Ðoạn trường, ai có qua cầu mới hay” là đúng! Từ sau 30 tháng 4 năm 1975, những người Việt Nam Cộng Hòa thật sự hãi hùng nỗi sống chết trong cơn lửa khói trời long đất lỡ ầm ầm. Những người Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa như những hung thần, ác quỷ rầm rập tới đâu gieo rắc chết chóc, máu xương, hoang tàn khắp hang cùng ngõ cụt tới đó. Nguời người chết ngoài biển cả, chết trong rừng sâu, chết vì uất hận mà tự tử, chết trong lao tù không có ái ăn cái mặc đủ sống, chết nơi vùng kinh tế mới oan khiên sơn lâm chướng khí…ngụt trời xác người, máu, lửa, cơ cầu, vất vưởng…!

    Bây giờ đã 38 năm rồi, thời gian có qua đi như người ta thường nói, là liều thuốc quý để xóa mờ những nỗi đau kiếp người, nhưng không vơi nỗi khủng khiếp quá sức chịu đựng đời người đã hằn sâu vào tâm khảm như những dấu chạm, dấu khắc sâu quá là sâu vào tận cùng xương tủy làm sao mà mờ đi cho được cái ngày mất nước với thảm cảnh nói bằng nước mắt thay lời nghẹn ngào không nói ra tiếng! Mới mở đầu “Quân Lệnh Cuối Cùng” của Việt Dzũng, ta nghe sao chát chúa trong lòng hun hút tiếng súng đồng vọng, nghe như xé nát tâm can đưa vong linh thiêng liêng những người anh hùng vào nơi vĩnh cữu thiên thu “sinh vi tướng, tử vi thần”. Nhìn khuôn mặt những hậu duệ Philip Huy, Nguyễn Hồng Nhung, Lâm Nhật Tiến hằn lên nỗi xót đau với lời ca thống thiết bên cạnh đằng sau có Quốc Khanh, Nguyên Khang, Mai Thanh Sơn…nét mặt dàu dàu buồn hiu hắt, vợ chồng tôi không nói một lời, lắng động tâm tư, nhìn nhau rưng rưng nước mắt: “Nhắm mắt lại, anh có còn nhìn thấy quê hương? Quê hương buồn giờ phút thê lương! Nhắm mắt lại, anh có còn thấy rừng lửa cháy? Ðêm tăm tối khóc than vời vợi người lính chiến đấu trong lẻ loi. Nhắm mắt lại, anh có còn nhìn thấy anh em trong hoang tàn giờ phút oan khiên? Nhắm mắt lại, anh có còn nhìn thấy người tình cũ ngồi trong bóng tối đêm đau buồn, đêm mãi mãi nhớ anh vô cùng….tin anh tuẩn tiết, tướng chết theo thành, ngàn năm bất khuất, ghi vào sử xanh…”


    Trước những năm Việt Cộng nối “khúc ruột ngàn dặm”, ai ra đi cũng nghĩ là đi mãi mãi biệt tăm. Ði mãi mãi không về có thể bỏ xác khắp nơi đó đây trên đường; có thể “chừng nào còn Việt Cộng, chừng đó tôi chưa về”; có thể không được cho về bởi lòng lang dạ thú người Cộng Sản Bắc Việt ngăn cấm…mà ra đi là chết thân xác, chết cả trong lòng, mất hết, không còn gì…Tổ quốc, cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, người yêu, bè bạn, kỷ niệm, nhà cửa, ruộng vườn, tài sản…chỉ là tay trắng, trắng tay mà bơ vơ, lạc loài, cô quạnh tha phương nơi xứ người, thê lương theo ngày tháng. Nguyệt Ánh cho ta một bài hát nghe sao tê tái, thấm, lịm tận trong ruột, trong gan, trong từng tế bào thớ thịt. Giọng ca trầm, buồn, âm hưởng gốc gác Huế của Ðan Nguyên làm não lòng những ai nghĩ về, nhớ lại và làm sao quên đi được một giai đoạn lịch sử đời người Việt Nam sao thống thiết đến thế: “Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng, một lần đi là một lần vĩnh biệt; một lần đi là mòn lối quây về; một lần đi là mãi mãi thương đau. Người tình ơi, ta có ngờ đâu rằng, một lần đi là nghìn trùng cách biệt; một lần đi là muôn kiếp u sầu; một lần đi là vĩnh viễn xa nhau. Giọt nước mắt cho anh. Giọt nước mắt cho em. Giọt nước mắt cho bạn bè. Lệ khóc cho mẹ già. Lệ khóc cho người tình ở lại quê hương…” Bài hát nào là bài hát hay? Bài hát hay không phải là bài hát có kỹ thuật già dặn, lời lẻ trau chuốt. Bài hát hay là bài hát đi vào được trong ruột gan, trong tâm trí, xoáy được vào chiều sâu thăm thẳm trái tim người nghe, nhất là nhắc cho nghe, nhắc cho thấy lại một khoảng thời gian bi thảm khốn cùng mà mình là chứng nhân, đã trải qua. Những bài hát trong HÙNG CA SỬ VIỆT 2, Giòng Nhạc Việt Dzũng và Nguyệt Ánh đã gõ trúng nhịp đau, nỗi thổn thức của từng hơi hít thở và mạch máu trái tim một thời người dân Việt Nam đã sống qua, đang và sẽ sống tới, làm người ta nghẹn ngào, không làm sao không khóc những giọt nước mắt xót xa, u buồn!
    Vì bài viết có giới hạn, nên ở đây tôi chỉ nói đến một số bài hát cũng như vài ca sĩ có tính cách biểu tượng mà thôi. Trong HÙNG CA SỬ VIỆT 2 nầy còn có: “Vẫn Còn Ðây Các Con Của Mẹ”, “Hát Cho Tự Do”, “Em Vẫn Mơ Một Ngày Về”, “Mưa Sài Gòn Còn Buồn Không Em”, “ Những Ðứa Con Của Mẹ”, “Mời Em Về”, “Hát Cho Người Dân Oan”, “Xin Hãy Làm Ánh Ðuốc”…, tổng cộng tới 35 bài. Sau đây, tôi chỉ xin nói thêm những bài “có tính cách biểu tượng” đó như: “Lời Kinh Ðêm” của Việt Dzũng, “Cái Cò” của Nguyệt Ánh, “Một Chút Quà Cho Quê Hương”của Việt Dzũng, “Em Nhớ Màu Cờ” của Nguyệt Ánh. Tù cho Quân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa là “ngụy quân, ngụy quyền” được bọn Việt Cộng đặt cho một cái tên là “học tập cải tạo” đầy khắp nước Việt Nam mới được thống nhất hai miền. “Học tập cải tạo” là hình thức tù tập trung không án, âm u không biết ngày nào được về và đầy đọa, và nhồi sọ, và khổ sai lưu đày biệt xứ, là giam cho chết dần chết mòn trong đói khát, trong rách rưới, trong “lao động là vinh quang” vắt cho cùng kiệt hơi sức. Những anh bạn tôi ao ước có được một bữa ăn no rồi chết cũng cam. Những anh bạn tôi bị thứ “cháu ngoan bác Hồ” xúm lại đánh chết tươi, không kịp lời trối trăn. Những anh bạn tôi hết hơi sức không còn mà thở, mắt mở trừng trừng trông vợ, trông con vời vợi…mà chết oan ức. Những ngưòi vợ, một thời chưa từng sương gió, bị lùa đi kinh tế mới, đi “nghĩa vụ lao động” đào mương, vét suối, làm đường mà đói không có miếng ăn. Các con cái còn quá nhỏ, biết làm sao sống trong nỗi khốn cùng cái ăn bữa có bữa không. Những người mẹ già dù ăn uống có bao nhiêu cũng không được một bữa ăn qua loa cho có. Một xã hội loài người sống kiếp “quỷ tha ma bắt” như dưới chín từng địa ngục, đau đớn không làm sao nói cho hết đoạn trường.


    Ngày xưa, chúng ta nghe “Con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…”, “Cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non. Chàng đi xa vợ xa con. Chàng đi đến tận nước non Cao Bằng”, “Cái cò là cái cò con, mẹ đi xúc tép để con ở nhà”… để nói lên tấm lòng của một người mẹ, người vợ. Trong hoàn cảnh đất nước tan hoang và không còn gì, làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ Việt Nam đau đớn, khốn cùng đến mức nào nuôi con, thăm chồng…!? Những người vợ của những người mà Việt Cộng gọi là “ngụy quân, ngụy quyền” đã lặn lội thăm chồng nơi đầu ghềnh, cuối bãi; nơi rừng sâu, núi thẳm có khi mình bị chết giữa đường; có khi mình tới nơi thì chồng đã ra người thiên cổ từ hồi nào không biết! Bài ca “Cái Cò”, Nguyệt Ánh đã nói lên được nỗi thống khổ, nỗi bi ai mà Hoàng Thục Linh với nét đẹp dịu hiền như mẫu người phụ nữ Việt Nam trong thời oái oăm, éo le đã buồn buồn than trời thở đất một cách thảm thương: “Cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non. Thương em, dạ sắc lòng son, một thân đơn chiếc, nuôi con thay chồng….Cái cò lặn lội bờ ao, bán giọt máu đào nuôi dưỡng đàn con. Thương em lặn suối trèo non, vùng kinh tế mới, nuôi con thay chồng. Biển dâu đã hóa ruộng đồng, nhà tan, nước mất, vợ chồng chia ly. Chồng đi cải tạo không về, vợ đi tay cuốc, tay cày đất hoang… Cái cò ngày nay, gối mỏi chân mòn, vai gánh vai gồng đi thăm chồng cách núi ngăn non…Cái cò một thân lên vùng đất lạ, đến trại tù tóc quấn vành tang. Ðếm từng mồ hoang, máu lệ hai hàng, đau xót cho chồng không mộ phần, không khói không nhang”.


    Nhớ cuối tháng 12 năm 1980, khi còn tù ở K.1 của Trại Tân Lập Vĩnh Phú ngoài Bắc, chúng tôi không biết từ đâu, lại có được lời ca chắp vá bài “Một Chút Quà Cho Quê Hương”. Gọi là chắp vá vì không có lời hát đầy đủ và theo thứ tự. Lúc đó, trưởng trại là Thiếu Tá Nguyễn Thùy, miệng lưỡi ngọt sớt mà nham hiểm thì tột cùng, sự cai trị của ông ta hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt, đố ai thổ lộ cặn kẻ chuyện gì với ai. Ðã vậy, bài hát đó, chúng tôi còn nghĩ là của Phạm Duy nữa mới thiệt là “bé cái lầm”. Cũng đừng có trách, bài viết hay quá sức là hay, thì “Chỉ có Phạm Duy mới sáng tác được chứ còn ai”? Anh em kháu với nhau như vậy. Hơn nữa, chúng tôi trong tù Cộng Sản bưng bít, kềm kẹp thời buổi đó, ai biết Việt Dzũng là ai với toàn lời ca “phản động”, nói ra chết ngoài pháp trường dễ như trở bàn tay? Từ những ngày cuối tháng 6 năm 1975, những trại tập trung khắp nước dù có hay chưa có “láng trại” đã chứa đầy “ngụy quân, ngụy quyền?” bị sỉ nhục, bị đánh đập, bị giết chết, bị bỏ đói, bị rách nát, bị lưu đày, bị khổ sai, bị hành hạ…một cách oan nghiệt, bi thương. Tôi nhớ, thằng nhỏ con Trung tá Phải, chừng 10 đã chửi “Cha mấy thằng Việt Cộng để ba tao chết đói” khi nhìn thấy ba nó già cả ốm yếu, đi đứng lạng quạng, bốc ăn ngấu nghiến một cách thèm thuồng, tham lam mà quên đi vợ, con đã băng ngàn, vượt suối hoang vu mới ra tới đất Bắc xa xôi ngàn trùng để đem cái ăn cho chồng được sống trong tù. Áo quần may mắn còn được những bao cát thời “Mỹ, Ngụy?” mà may mặc che thân. Thèm từng củ khoai, khúc sắn; mơ cục kẹo, miếng đường; thương cha mẹ, vợ con mà cõi lòng se thắt đời một kiếp tù! Quốc Khanh, một ca sĩ thượng hạng của Trung Tâm Asia, nhìn vừa đẹp trai lại vừa phúc hậu, hát bài “Một Chút Quà Cho Quê Hương” của Việt Dũng, nghe sao ruột gan như đứt từng đoạn với khuôn mặt buồn thảm như cố ngăn nước mắt muốn chảy mà không để chảy dài hai giòng lệ. “Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá. Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay. Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may. Mẹ may hộ tim gan quá đọa đầy. Gởi về cho chị dăm ba xấp vải. Chi may áo cưới hay chị may áo tang. Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang. Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng. Con gởi về cho cha một manh áo trắng. Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây. Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy. Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình…”


    Ðầu năm 1981 ở trại giam Thanh Phong, Thanh Hóa, một anh bạn tù thân thiết của tôi có kể lại việc vợ ở Sài Gòn đưa hai đứa con trai theo cậu vươt biên đường biển mà trong lòng đứt từng khúc ruột, đứng ngồi không yên. Nhà có bốn đứa con, hai trai lớn 11 và 9 tuổi, và hai gái nhỏ 8 và 5 tuổi, mẹ không đủ sức nuôi, nhiều lần định ôm hết mấy đứa con vào lòng mà tự tử. May, chúng nó thoát được hiểm nghèo biển to, sóng động mà qua được Mỹ. Một anh bạn Thiếu Tá Cảnh Sát ở Ðà Nẳng sống không nổi với chế độ mới, đã “vượt biên” với vợ và hai đứa con gái 19 và 17 tuổi, bị hải tặc Thái Lan bắn chết, chặt khúc quăng xuống biển cùng với vợ và hai đứa con gái sau khi bị nhiều chục đứa thay nhau hảm hiếp. “Vượt biên”, tôi chỉ nói riêng đường biển hãi hùng, khiếp đảm đến như thế, mà người ta vẫn cứ đi, vẫn phải đi, vì trong nước cũng không làm sao sống nổi. Người ta bị mất hết gia sản, bị bắt bỏ tù, bị đánh đập, bị hải tặc, bị tàu hư, bị biển động, bị đói khát đến nỗi phải “ăn thịt người” với nhau mà vẫn “nhắm mắt đưa chân” mà đi. Thiệt, không bút mực nào tả cho xiết nỗi trời cao, đất rộng chứa cho hết ai oán, thảm thương! Năm 1985, một đứa con của một người bạn dạy Anh Văn cho một cô con gái người Tàu ở Chợ Lớn có kể lại rằng: “Cô học trò của con đi “vượt biên” ở Vũng Tàu. Tàu chở quá nhiều người, tàu bị vỡ toang ngoài khơi xa lắm. Người người chìm xuống, chìm xuống. Cô ta ôm được bình nhựa, lềnh bềnh trên măt biển mà lúc nhúc phía dưới xác người. Rồi hai chân cô ta bị vướng như cột và kéo cô ta xuống biển cho chết đuối. Vừa gở ra vừa nhìn xuống, thì rõ ràng ràng cô thấy thân xác mẹ mình với mái tóc như đang muốn cuộn chặt lấy cô kéo xuống biển mà chết với bà. Cô van vái mẹ “cho con được sống. Con sợ chết lắm mẹ” Và cô thấy, thi hài mẹ cô từ từ chìm xuống. Bây giờ, cô như người mất hồn”. Mai Thanh Sơn, hát mỗi ngày một rõ nét là một tài năng. Bài hát “Lời Kinh Ðêm” đã đánh dấu bước trưởng thành hát nhạc và lời Việt của Mai Thanh Sơn đã làm cho người nghe hết sức bồi hồi, đau buồn, cám cảnh: “…Trời mong manh, ôi đời lênh đênh. Thuyền bấp bênh, cuộc sống mơ hồ. Lời kinh cầu từng ngày quen thuộc. Lời mẹ buồn giữa tiếng Nam mô. Thuyền trôi xa, về đâu ai biết. Thuyền có về ghé bến tự do? Trời cao xanh hay trời oan nghiệt. Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ. Trời chơ vơ, ôi người bơ vơ. Người vẫn ôm mảnh ván rũ mục. Lời kinh cầu từng hồi nấc nghẹn. Lời mẹ buồn giữa tiếng Amen. Người buông xuôi về nơi đáy nước. Người có mộng một nấm mộ xanh. Biển ngây ngô hay biển man rợ. Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ”. Việt Dzũng viết bằng cảm xúc hết sức thực về đồng bào mình và chính bản thân mình trong nỗi hãi hùng mà sự sống chết là lằn ranh mong manh “thập tử nhất sanh” trên con tàu đi tìm lẻ sống tự do thì làm sao mà không là những lời cầu nguyện, than vãn, kêu gào thảm thương làm cho ta chết điếng cõi lòng, nhất là ta cũng là người trong cuộc bể dâu.


    Ðã từ tấm bé, chúng ta người Miền Nam Việt Nam trưóc ngày 30 tháng 4 năm 1975, ai không chào cờ, Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ và hát Quốc Ca bài ca Tiếng Gọi Công Dân. Trong Tiến Quân Ca của Văn Cao được nhà cầm quyền Miền Bắc lấy làm Quốc Ca, lời lẻ sắt máu như bản chất của chế độ: “…Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca. Ðường vinh quang xây xác quân thù. Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu…” làm đất nước nghèo đói, lạc hậu. Trần Dần trong bài thơ “Nhất Ðịnh Thắng” đã nói: “Những ngày ấy bao nhiêu thương xót. Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Ba tháng rồi, em đợi, sống bằng tương lai, ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi, lũ lượt dắt nhau đi buồn bã”. Người Miền Nam sau Hiệp Ðịnh Genève với ngọn Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ vừa là biểu tượng Tiền Ðồn Chống Cộng, vừa là biểu tượng cho Hòa Bình, Tự Do, Hạnh Phúc, dù có chiến tranh, cũng ngẫng đầu cao sánh ngang bằng Ðại Hàn, Ðài Loan, Singapore…nói gì Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân. Cho nên, không lạ gì năm 1992 qua Mỹ, tôi được đứng nghiêm, chào Quốc Kỳ là lá Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ và hát Quốc Ca, lời ca “Nầy công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng. Ðồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống. Vì tương lai Quốc Dân cùng xông pha khói tên. Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền…” mà hai hàng nước mắt cứ chảy dài. Không phải chỉ một mình tôi, mấy ông bạn qua cùng thời HO.14 của tôi đứng bên cạnh cũng sụt sùi vì xúc động vô cùng, sung sướng vô cùng. Bài ca “Em Nhớ Màu Cờ” của Nguyệt Ánh trong Hùng Ca Sử Việt 2 với Giòng Nhạc Việt Dzũng và Nguyệt Ánh nghe sao mênh mông nỗi buồn, thắm thiết, da diết. Lâm Thúy Vân, tiếng hát hay thật hay những bài hát dang dỡ, trữ tình, nhất là của Nhạc Sĩ Trúc Hồ, nhưng tôi chưa bao giờ thấy Lâm Thúy Vân hát quá sức xuất sắc đến“xuất thần” như đã hát bài hát nầy trong Hùng Ca Sử Việt 2 với Giòng Nhạc Việt Dzũng và Nguyệt Ánh mà hai vợ chồng tôi đang coi hôm nay là ngày 30 tháng 4 năm 2013. Tôi nghĩ, khó có một ca sĩ nào sau nầy hát được như Lâm Thúy Vân đã làm cho cả hội trường xúc động, nghẹn ngào đứng lên vỗ tay và ngay trong nhà tôi, hai vợ chồng tôi cũng đứng dậy vừa vỗ tay vừa lau nước mắt. Tôi không làm công quảng cáo cho Trung Tâm Asia, lại càng không phải ca tụng vu vơ như thể a dua, phụ họa một tài năng. Không tin, ai ai đó cứ coi thử cho biết. Tôi thật sự khâm phục. Tôi thật sự cám ơn. Một đoạn “Em nhớ ngày nào ngọn cờ vàng thơm mùi lúa quê hương. Lũ Cộng hung tàn xé cờ vàng đào mồ giết dân lành. Cha trong lao tù, em nơi công trường, anh cam tự sát, vợ khóc thương chồng, mẹ góa con khờ lạc loài bơ vơ”, Lâm Thúy Vân đã diễn tả không bút mực nào thống khổ hơn. Và “Ôi em căm thù, ôi em căm thù lũ Cộng hung tàn. Ai nhớ màu cờ, ai thương dân lành về diệt lũ xâm lăng” như bừng bừng nỗi oán thù bùng cháy trong lòng người nghe là khán giả ngày hôm đó trong hội trường? “Em nhớ màu cờ ngày nào phủ xác thân anh. Anh đã nằm yên vì yêu thương từng tấc đất của dân lành. Em nhớ ngày nào màu cờ vàng như hồn phách anh linh. Lũ Cộng thay vào bằng ngọn cờ toàn máu tanh hôi…” như bộc bạch lời tự thán, than oan…làm cho ta buồn nỗi buồn miên mang, thênh thang.


    Cũng không thể không nhắc đến Ban Nhạc và Ca Ðoàn Ngàn Khơi đã trình diễn nhịp nhàng phối âm, phối khí và giọng ca bè, chính thức và phụ họa qua sự điều khiển tài tình của Nữ Nhạc Trưởng trẻ tuổi tài cao Lee Lee Trương thường phải “dấu mặt” mà quây lưng lại với mái tóc dài tiệp màu đen óng của bộ áo dài truyền thống Việt Nam. Ở đây, tôi không nói tới sự điều hợp, kỷ thuật, âm thanh, ánh sáng, màu sắc,…có tính chuyên môn dĩ nhiên rất cần thiết, mà chỉ nói lên cảm tưởng về âm hưởng, lời lẻ những bài ca, sự trình bày của các ca sĩ đã ảnh hưởng đến suy tư, tình cảm của mình như thế nào mà thôi, dĩ nhiên có tính cách cá nhân và phiến diện. Cái gì đã qua đi trong đời một người cũng để lại ít nhiều dư âm, dấu vết tùy theo cường độ mà mất đi mau hay dăng dẳng mãn đời suốt kiếp. Cuộc chiến Quốc- Cộng giữa hai Miền Nam và Miền Bắc kéo dài 21 năm; hậu quả Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975, Việt Cộng cướp đoạt giang sơn Việt Nam Cộng Hòa, với tôi, những nguời cầm súng chống lại thì không làm sao mà quên cho được. Nó âm ĩ như một vết thương chưa lành lặn, vẫn còn làm mình nhức nhối, vẫn còn làm mình đau khổ mà khi đụng tới thì như cả một trời tan thương ùa về lồng lộng, bão bùng. Cho nên, cũng với bài hát với những lời ca đó, mỗi người một cảm nhận một cách khác nhau. Hùng Ca Sử Việt 2 với Giòng Nhạc Việt Dzũng và Nguyệt Ánh với các ca sĩ của Trung Tâm Asia quen hát những nhạc bản viết cho quê hương thời chinh chiến; những nhạc bản phản ảnh tính nhân bản và sự chiến đấu không ngừng cho một Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, phú cường đã làm cho ai có tâm huyết với quê cha đất tổ xa lắc xa lơ bên kia bờ đại dương cũng phải suy nghĩ, cũng phải động lòng. Văn nghệ có giá trị tuyệt đối về mặt tuyên truyền hoặc xây dựng hoặc phá bỏ một đối tượng nhắm tới. Ở đây, Trung tâm Asia đã đồng hành với những người Việt yêu nước chân chính đứng lên đi viết lịch sử: Lịch Sử Nước Việt Nam Hậu Chế Ðộ Bạo Tàn, Khát Máu Cộng Sản.
    Xin cám ơn vô cùng./.

    NGUYỄN THỪA BÌNH
    Ngày 30 tháng 4 năm 2013

  • #2

    Asia Golden 3- Hùng Ca Sử Việt 2
    (trọn bộ)




    Last edited by Phòng Trực; 05-01-2013, 03:07 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X