Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chim gãy cánh

Collapse
X

Chim gãy cánh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chim gãy cánh

    CHIM GÃY CÁNH
    Kha Lăng Đa


    Tôi đi làm “Tù tự nguyện” tại trại Thanh Hóa – Hố Nai 3 vào cuối tháng 5 năm 1975. Trại này là cư xá Sĩ quan Biệt Động quân trước kia, nay cộng sản chiếm, làm trại “cải tạo”.

    Những con người Quốc Gia chân chính thừa hiểu rằng chữ “cải tạo” mà cộng sản Bắc Việt dùng thật vô cùng bịp bợm. Thực chất của nó là những trại tù có hơn, không kém mà chúng còn che giấu trước nhân dân miền Nam và tù binh của bọn chúng được gán cho cái mỹ từ là “Cải tạo viên”. Rút tỉa từ kinh nghiệm Tết Mậu Thân năm 68, chúng đã thảm sát và chôn tập thể hàng mấy ngàn người quân, dân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa ở cố đô Huế nên bị sự căm phẫn cực độ của nhân dân mền Nam. Nay, chúng đem chính sách “khoan hồng nhân đạo” để thay thế súng đạn, mã tấu vì ai cũng lo sợ miền Nam sẽ trở thành “biển máu” khi Việt cộng “chiến thắng”. Tiềm ẩn trong chính sách cải tạo là sự trả thù vô cùng thâm độc. Đó là sự đày đọa dài hạn đưatới bao thảm trạng đói rét, bệnh tật... để giết dần mòn anh em quân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa.

    Những ngày đầu tiên vào trại là những ngày buồn nhớ nhà và hồi tưởng lại thời oanh liệt vàng son mà nuối tiếc, đớn đau, uất hận vì bị bức “tử ” phải buông súng đầu hàng trong khi quân đội ta vẫn giữ vững tinh thần quyết chiến đấu đến gọt máu cuối cùng!

    Có phải chăng cơ trời xui khiến cho dãy giang sơn gấm vóc rơi vào tay lũ vô thần, độc tài đảng trị, bần cùng hóa nhân dân, đưa đất nước lui về thời văn minh ... đồ đá.

    Tôi nằm quằn quại bên bờ dư ảnh mà nghe hao gầy thể xác, nỗi sầu gặm nhấm tâm hồn. Cuốn phim dĩ vãng cứ quay đi, chiếu lại mãi trong đầu óc khiến tôi ngơ ngẩn, bơ phờ. Tôi làm sao quên được những kỷ niệm êm đềm ở Phi đoàn 114 – Nha Trang mà tôi đã cùng anh em đồng đội bay yểm trợ hành quân từ miền duyên hải đến cao nguyên. Tôi nhớ bóng thùy dương lả ngọn trong đêm thanh bên bờ biển xưa lấp lánh ánh trăng vàng. Tôi nhớ Phi đoàn 110 Thiên Phong ở Đà Nẵng mà tôi đã bay qua các miền từ cầu Hiền Lương – Bến Hải đến miền biển Phan Thiết rồi lên miền cao nguyên rừng núi điệp trùng. Tôi nhớ ngày tôi rời bỏ miền Trung yêu dấu để đi theo người “anh cả” Trần Trọng Khương về miền đất lành, thành lập Phi đoàn 122 kề cận Phi Đoàn 116 để cùng bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đại gia đình Sư Đoàn IV Không Quân với “đại huynh” Nguyễn Huy Ánh, vị tướng chỉ huy đức độ, tài ba đã gieo vào lòng tôi sự thiết tha kính mến.


    Nhớ những buổi sáng tinh sương, mặt trời còn ngái ngủ, tôi và anh em đồng đội đã cất cánh, bay đi biệt phái cho những đơn vị bạn nằm trong khu vực tiền Giang, Hậu Giang đến Cà Mau, Năm Căn và hải đảo Phú Quốc. Những buổi chiều vàng, đàn chim “Bà già” bay về tổ ấm, nhìn thảm lúa vàng trải tận chân mây mà nghe lòng dạt dào tình yêu mến quê hương. Trút bỏ bao sự mệt nhọc sau một ngày bay bao vùng hành quân, tôi hân hoan trở về cư xá “Thanh Diệp” trong phi trường Trà Nóc, cưỡi xe Honda, chở vợ con đi phố Cần Thơ, hóng gió trên Bến Ninh Kiều rồi về căn nhà ấm cúng dùng bữa cơm tối trong cảnh đoàn tụ, vui vầy.

    Những ngày cuối tuần, tôi thường cùng bằng hữu họp mặt trong bữa tiệc được bày ra dưới giàn hoa tím trước nhà dể cụng ly rượu tràn đầy tình nghĩa anh em, kể cho nhau nghe chuyện chiến trường. Bao kỷ niệm vui buồn mãi in đậm giữa lòng tôi, không bao giờ phai nhạt. Đâu những mùa xuân làm xanh mát bóng dừa Bến Tre, vườn cây đơm đầy trái chín bên kinh rạch Cao Lãnh, Long Xuyên. Giữa chợ Tết Tây Đô với hoa Xuân ngàn tía, muôn hồng, tôi cùng vợ con chen lẫn trong rừng người tấp nập, rộn ràng trước thềm năm mới. Tôi luôn tin tưởng cảnh sống sẽ hiền hòa như dòng sông Hậu Giang lững lờ trôi theo năm tháng, nào ngờ cơ trời khiến xui đưa đến ngày mất nước đau thương!

    Đầu óc tôi hỗn loạn, quay cuồng, chán chường và tuyệt vọng. Trại cải tạo mà tôi đang ở vẫn chưa có hàng rào kẽm gai, nhưng có đặt vọng gác và có “Vẹm” canh giữ nghiêm ngặt. Tôi và bạn bè đồng cảnh ngộ đã bắt đầu bị Việt cộng nhồi sọ bằng những bài học tập chính trị. Sự sơ hở của tên chính trị viên nên anh em chúng tôi khám phá ra bài vở để “lên lớp” của hắn có tựa đề là “Tài Liệu giáo dục tù hàng binh”.

    Giữa một đêm trong thời gian chúng tôi mới nhập trại, Việt cộng bỗng đồng loạt nổ súng vang rền, hò hét y như có cuộc tấn công của lực lượng ta từ bên ngoài để giải thóat tù binh, tôi và mấy người bạn cùng phòng ngồi ước đoán hướng súng, tầm đạn và ai cũng quả quyết:

    - Đây là một cuộc tấn công “dỏm” dể dò xét phản ứng của tù binh. Ai mà bộp chộp chạy ra là bỏ mạng (cái trò này ấu trĩ quá!).

    Trước sự thăm dò của Việt Cộng đêm ấy, không ai bị lầm mưu bọn chúng. Ấy vậy mà mấy ngày sau, chúng đem nhiều kẽm gai của Trung cộng đến, tập họp chúng tôi lại, phân bố công việc phải làm. Tên cán bộ cộc cạch nói bằng giọng dân... Đồng Hới:

    - Các anh phải rào kẽm gai thành vòng đai để bảo vệ các anh, vì nhân dân rất thù hận các anh, chúng tôi e rằng họ sẽ xông vào đây để hỏi tội các anh! (Đồ xạo!)

    Lại thêm một trò lừa bịp láo khoét nữa. Chúng tôi nhìn nhau miûm cười, rồi uể oải thi hành công việc rào kẽm gai để tự nhốt mình. Kẽm gai Trung Quốc có hình những sợi dẹp, bề bản khoảng một phân. Hai bên rìa của dây là những lưới búa nhỏ rất sắc bén, nằm đều nhau như răng cưa. Hàng rào kẽm gai vừa thực hiện xong thì những tháp canh cũng mọc lên ở bốn góc của khung rào hình chữ nhật.

    Ba tháng đầu ở trại tù, Việt Cộng không cho tù nhân gặp mặt người thân, chỉ cho phép gửi ba ký quà hàng tháng cho mỗi người. Một hôm, vợ tôi bồng đứa con trai út của tôi mới được hai tuổi đến cổng trại để gởi quà cho tôi. Vì quá nhớ thương vợ con, tôi đã bất chấp mọi điều nghiêm cấm của trại tù, leo len nóc nhà gần cổng để nhìn mặt vợ con tôi. Tôi ra dấu cho vợ con tôi thấy và nhận ra tôi rồi nhìn nhau trong phút giây ngắn ngủi cho lòng vơi bớt nỗi nhớ thương.
    Đã vào tháng Tư Âm lịch rồi mà tiết trời vẫn còn lạnh như những ngày cận Tết. Hai hàng cây khuynh diệp dọc theo hai dãy cư xá đang xây nở đầy hoa vàng. Từng cơn gió lướt qua, hoa rụng phủ đầy mặt đất. Tôi chạnh nhớ câu thơ trong bài “Hoài Thượng Biệt Hữu” của Trịnh Cốc:

    Dương hoa sầu sát độ giang nhân”
    (Hoa dương sầu chết người qua chuyến đò)

    Đúng là chúng tôi đã qua chuyến đò để vào chỗ lao lung như những con cá nước ngọt đổi sang môi trường nước mặn!
    Những đàn chim én vẫn bay dập dìu trong trại, phải chăng húng còn luyến tiếc mùa xuân, mùa Xuân ấm no, hạnh phúc của Việt Nam Cộng Hòa đầy ý nhạc, hồn thơ. Một hôm, tôi ngồi sau phòng giam, mắt ưu tư nhìn ra rẫy mì lưa thưa, cành lá khẳng khiu, èo ọt. Chim én bay dọc ngang trên rào kẽm gai trong gió chướng. Tôi nhìn những con chim mang biểu tuợïng của mùa xuân, mà nhớ miên man thuở đi mây về gió. Rồi đây cuộc đời của những con chim phiêu bạt, giang hồ bị xếp cánh giữa lồng giam, xa lìa “Tổ Quốc Không Gian” chan hòa nắng ấm buổi ban mai, tràn ngập ánh trăng vàng những đêm nguyệt lộng.

    Bỗng một con chim én bay xẹt vào hàng rào để đớp mồi bị vướng cánh vào lưỡi búa sắc bén của rìa kẽm gai, rơi xuống đất. Nó cố tung cánh bay lên mấy lần, nhưng đành bất lực. Tôi vội chạy đến nhặt con chim én lên thì thấy cánh bên phải của nó bị gãy, lòi cả xương ra ngoài, máu chảy ướt lông cánh và hông. Nó đau đớn, mắt khi nhắm, khi mở, nhìn tôi. Tôi thương xót, đem chim vào phòng, lấy pomade Péniciline xức vết thương cho nó và nuôi nó trong một cái hộp giấy có khoét lỗ thông hơi. Hàng ngày tôi đập ruồi, đút cho chim ăn. Tôi biết chim sẽ không sống nổi vì nó mang thương tích trầm trọng và dù cho nó có lành được vết thương cũng không thể nào bay được. Nó đành nằm cô độc, nhìn không gian xanh biếc, bao la mà nhớ tiếc thuở bay lượn giữa bầu trời Xuân lành lạnh gió đông về. Tâm trạng của chim nào khác chi tâm trạng của tôi. Dù cho chim hay tôi có chết đi cũng không ai màng biết đến vì “một con én không tạo được mùa xuân”.

    Nhớ ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi và một người bạn cùng đơn vị lấy một chiếc L.19 của Phi đoàn 112 ở bến đậu của Sư Đoàn IV Không Quân, bay lên Long xuyên để gặp vợ con tôi vì những ngày trước Việt Cộng pháo kích phi trường Trà Nóc, đạn rớt gần cư xá Thanh Diệp nên tôi và bạn tôi phải đưa gia đình lên tạm trú của nhà người quen ở Long Xuyên, còn chúng tôi phải trở về ứng chiến tại đơn vị. Sau khi hạ cánh, chúng tôi liên lạc với đơn vị Điạ Phương Quân phòng thủ phi trường dể nhờ xe chở ra phố thì bất ngờ một chiếc L.19 của đơn vị tôi từ hướng Đông bay tới, vào vòng phi đạo để đáp. Không biết tại sao khi phi cơ ở mạch gió ngang quẹo vào cận tiến thì bị triệt nâng, rơi xuống cánh đồng trước đầu phi đạo. Tôi hoảng hốt chạy đến thì thấy phi cơ bị cắm đầu xuống đất, cánh phải bị gãy, khung phòng bẹp xuống khiến phi công bị dồn về phía trước và bị ép lại. Đầu của phi công (đeo headset) bị vỡ xương sọ, óc phụt ra ngoài vai áo. Tôi nhận ra người phi công ấy là Trung úy Thân ở gần nhà tôi trong cư xá Thanh Diệp, còn quan sát viên là Đại úy Tấn bị cụp xương sống đang đau đớn, quằn quại, rên la. Tôi cùng bạn tôi, anh Nguyễn Viết Trường thuộc phi đoàn Thần Ưng 116 từ sân bay khác đến, vừa hạ cánh và anh em Địa Phương quân dùng cây xeo, nạy cánh phi cơ lên mới lôi xác của Thân ra được. Mọi người hợp nhau khiêng Đại úy Tấn và xác Trung úy Thân vào bến đậu để gọi xe chở vào bệnh viện. Tôi nghe lòng đớn đau, quặn thắt trước cảnh tượng đau thương.

    Trong biến cố cực kỳ quan trọng của đất nước, không ai ngờ sẽ xẩy ra, chắc vợ con của Thân và Tấn đang nóng lòng trông đợi hai anh trở về. Thế mà hai anh lại lâm nạn bất ngờ giữa ngày vận nước đổi thay. Rồi đây biết lấy ai che chở, dìu dắt vợ con hai anh trong tình thế dầu sôi, lửa bỏng này. Tôi nhớ lại hình ảnh đàn con thơ dại của Thân chạy ra mừng cha khi anh từ Phi doàn trở về cư xá. Từ đây chị Thân và các con anh sẽ không bao giờ nhìn lại được mặt anh nữa. Tôi càng nghe lòng đau xót, nghĩ rằng chị Thân chắc không tìm được xác chồng khi quân Việt Cộng tràn vào chiếm tỉnh Long xuyên. Nước mắt tôi trào tuôn ướt má lúc nào tôi cũng hay biết. Chưa đầy mười phút sau thì một chiếc L.19 của Phi Đoàn 116 từ phía Nam bay đến, hạ cánh và di chuyển vào bến đậu. Tôi nhận ra phi công của chiếc phi cơ ấy là Hiệp. Vừa tắt máy, Hiệp đã nhảy ra khỏi phi cơ, la lớn:

    - Thằng Trung bị trúng đạn chết rồi anh em ơi! Nhờ anh em phụ tôi đem xác nó xuống.

    Tôi chạy đến, nhìn thấy Trung đang nằm bất động trên “Back seat”, hai chân duỗi thẳng ra phía trước. Đôi mắt Trung đã đứng tròng, nhưng còn mở rộng. Một viên đạn ác nghiệt đã xuyên thủng cái nón Helmet của Trung đội từ phía sau ót. Đại úy Trường đã cầm lấy cái mặt dây chuyền có tạc hình vị “Thánh bổn mạng” mà Trung đang đeo để cầu nguyện cho anh. Sau đó, chúng tôi đem xác Trung xuống khỏi phi cơ và nhờ xe của Địa Phương quân chở vào bệnh viện. Tôi lại đau buồn, tiếc thương cho một chiến hữu đã hy sinh đúng vào ngày cuối cùng của chế độ Dân Chủ, Tự Do mà chúng tôi đã cống hiến tuổi xuân cho lý tưởng “Bảo Quốc Trấn Không”.

    Tôi nhớ đến vợ con tôi ở ngoài phố Long Xuyên chắc đang thấp thỏm lo âu, chờ đợi tôi về, tôi vội vã di ra dường cái, đứng bên lề để đón xe. Lòng tôi đang nóng như lửa đốt mà không có một chiếc xe nào chạy qua để cho tôi ra phố. Có lẽ tình hình đang căng thẳng nên ai cũng lo lắng cho bản thân, cho gia đình nên mọi sinh họat đều bị đình trệ. Gần một giờ chờ đợi, tôi may mắn vào tỉnh Long Xuyên được trên một chiếc xe lôi. Vợ con tôi mừng rỡ chạy ra đón tôi ở đầu ngõ. Lúc ấy, lưc lượng Nhân Dân Hòa Hảo đang võ trang, giàn trận trên phố với xe thiết giáp M.113 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, quyết tử chiến khi việt Cộng vào thành phố. Tôi cũng dự định đưa vợ con tôi về sống trà trộn trong một thôn ấp của người Hòa Hảo, nhưng đến xế chiều thì lực lượng này rút về bên Thánh Địa theo sự thỉnh nguyện của nhân dân ở thành phố. Tôi không biết rồi đây số phận của tôi và vợ con tôi sẽ ra sao khi quân thù chiếm tỉnh Long Xuyên. Tôi muốn về vùng Hòa Hảo thì không có ai giới thiệu làm sao họ tin tưởng tôi được. Đến khi Việt Cộng vào thành phố, phân chia hai, ba tên ở trọ một nhà thì tôi có ý định đưa vợ con tôi về quê cũ ở miền rừng sát Cần Giờ. Tôi và vợ con tôi phải chịu khổ nhọc trong ba ngày đi đường mới về đến quê tôi. Tôi tạm yên lòng khi Việt Cộng quảng cáo “chính sách khoan hồng nhân đạo” của chúng trên đài Phát thanh.

    Tôi ra trình diện chính quyền Cộng sản địa phương vào ngày 4 tháng 5 năm 1975. Chúng hỏi tôi sao không nộp vũ khí? Tôi trả lời vũ khí của tôi đã bỏ lại dơn vị chớ không mang theo. Từ một Sĩ quan của một binh chủng nổi tiếng “hào hoa, phong nhã”, tôi trở thành một thường dân sống bằng nghề tiều phu và ngư phủ. Số phận tôi có khác chi “cá nằm trên thớt”, đang chờ đợi vào trại “tập trung cải tạo”.

    Chim én vẫn bay từng đàn trên đường rộng giữa hai dãy nhà của cứ xá làm trại tù với hai hàng cây khuynh diệp đứng rũ bóng u buồn. Chỉ có một con chim én không may gặp phải nạn tai, đang nằm chờ chết. Tôi vẫn lo săn sóc, bôi thuốc lên vết thương hàng ngày cho chim. Bạn bè ở chung phòng với tôi thấy vậy, bảo tôi:

    - Hãy đem chim nhổ lông, nướng ăn cho rồi! Anh có nuôi nó cũng không sống nổi đâu!

    Tôi buồn, trả lời:

    - No béo gì mà ăn một con chim đáng thương này. Số phận của chúng mình không khác gì nó đâu.

    Một buổi sáng, tôi giở cái hộp giấy ra để cho chim ăn thì nó đã chết cứng từ lúc nào. Cái hộp hộp nuôi chim trở thành cái quan tài của nó. Tôi đem chôn xác chim ngay chỗ mà nó đã thọ nạn, rơi xuống, cạnh hàng rào kẽm gai. Bỗng trong một một buổi ban mai, bọn Việt cộng bắt chúng tôi phải rào thêm một vòng rào kẽm gai nữa phía bên ngoài mà không tuyên bố lý do như lần trước. Chúng tôi uể oải làm theo lệnh chúng. Gương mặt người nào cũng đượm vẻ ưu tư. Mặt trời lên cao. Mồ hôi tôi đổ nhễ nhại vì nắng gắt. Tôi than thở với anh Lê Ngân ở cùng phòng với tôi:

    - Chết cha rồi anh Ngân ơi! Càng ngày tụi nó càng xiết mình lại.

    Anh Ngân lắc đầu chán nản, không đáp lời tôi, vẻ mặt buồn thảm nhìn vòng rào kẽm gai thứ hai đang dần dần khép kín.

    Còn tiếc gì mùa Xuân đã chết mà đàn chim én vẫn bay, vẫn lượn!
    Last edited by chimtroi; 04-23-2013, 10:29 AM.

  • #2
    Hôm nay có dịp đọc lại bài viết củ của nt Kha Lăng Đa, vẩn cảm thấy bùi ngùi như lần đọc đầu tiên.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X