Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Người xưa

Collapse
X

Người xưa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người xưa


    Người xưa

    *** Kha Lăng Đa


    Từ đường đèo “M’Drak” đi xuống phía nam, Hùng bỗng dừng bước, nhìn lại đỉnh núi Mẹ Bồng Con cao vòi vọi, còn vương vấn sương mù của buổi ban mai mà nghe lòng lo ngại bao nguy hiểm, gian nan đang chực chờ con người nhỏ bé giữa chốn sơn lâm trùng điệp. Trung đi trước dẫn đường, hối thúc, Hùng vội vã đi theo cho kịp bước chân của chàng “lính rừng” ngày trước đã từng in dấu giày trên dãy Trường Sơn và đã dày dạn nắng mưa khắp bốn Vùng Chiến Thuật.

    Trung có vóc dáng giống như pho tượng người lính gác nghĩa trang quân đội ngày trước. Chàng rất gan lì và chịu đựng khổ nhọc rất dẽo dai. Ngày xưa, còn là nam sinh của một trường trung học ở xứ biển thơ mộng, chàng đã chiếm nhiều giải điền kinh bơi lội và chạy bộ. Hùng thì có vóc dáng thư sinh và nghệ sĩ, trói gà không chặt, “nắng không ưa, mưa không chịu”. Đôi bạn Hùng và Trung yêu thương nhau như huynh đệ một nhà kể từ khi còn ở bậc tiểu học. Họ khắng khít nhau như hình với bóng nên bạn bè cùng lớp gọi họ là “cặp bài trùng”. Cả hai đều học hành rất khá nhưng không biết tại sao lại cùng “trợt vỏ chuối” trong kỳ thi tú tài phần 1. Lấy câu “học tài thi mạng” để an ủi nhau, Trung và Hùng cố học lại và dự khoa thi năm sau, nhưng “cặp bài trùng” lại cũng bị “trợt vỏ dưa”!

    Hai chàng sầu đời, rủ nhau đi lính. Sau khi mãn khóa Hạ sĩ quan ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, Hùng trở thành hạ sĩ quan Quân Nhu làm việc ở Sài Gòn, Trung ra đơn vị tác chiến Biệt Động Quân. Sau những cuộc hành quân, Trung về đô thành, tìm gặp Hùng để cùng nhau đối ẩm ở những phòng trà ca nhạc, có khi tiệc nhậu được tổ chức tại nhà của Trung với vài người bạn thân thương cùng chung nghiệp lính, uống rượu, ca hát cho quên mọi gian khổ của đời quân nhân kề cận với tử thần. Tình nghĩa kim bằng ngày càng sâu đậm, gắn bó qua bao tháng năm vật đổi, sao dời.

    Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Hùng về náu nương với Trung ở Bến Hàm Tử – Sài Gòn. Trung chỉ còn một người cha tuổi đã sáu mươi. Mẹ Hùng đã qua đời từ khi Trung đi lính được ba năm. Hùng mồ côi cha mẹ khi còn bé, được ông bà nội nuôi dưỡng. Đến khi Hùng trưởng thành thì ông, bà nội của chàng lần lượt ra đi vĩnh viễn bên kia cuộc đời.

    Nghề sống của cha con Trung là sửa xe đạp, xe Honda trên hè phố gần nơi trú ngụ. Hùng thì nương tựa nơi hành nghề của cha con Trung để vá ép, bơm bánh xe, bơm ga hộp quẹt, làm chìa khóa sống qua ngày. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng mười âm lịch, Trung rũ Hùng vào rừng, tìm hoa phong lan đem về để bán cho những người giàu có, dự cuộc thi trong Đại Hội Hoa Xuân. Trung còn nhận tìm thảo dược, mộc dược cho ông thầy thuốc nam ở gần nhà và chàng cũng biết cách tìm trầm trong những cánh rừng già. Do đó, Trung và Hùng đi rừng một công mà hai, ba việc. Ngoài lương khô, nước uống, thuốc men, nồi nấu cơm, tất cả những vật cần thiết để kiếm thức ăn như lưới bén, lưỡi câu, ná dây thun, dây để đánh bẫy thú rừng, võng ni-lông,quần áo.. được mang theo trong hai cái ba-lô. Trung thủ trên tay cái rựa để phát bụi rậm, gai gốc cản trở, Hùng mang theo một cái nỏ của người thượng với mục đích mưu sinh và cái búa đẻo để khi cần hạ cây rừng.

    Mấy ngày qua, từ Sài Gòn ra Dục Mỹ,Trung và Hùng đã tìm được một số hoa phong lan và một số cây thuốc nam trong những cánh rừng lân cận, đem về gởi nhà của một người bạn cũ mà hai chàng xin tá túc. Hôm nay, Trung dẫn Hùng leo lên cao độ của dãy Trường Sơn, dùng đỉnh núi Mẹ Bồng Con làm điểm chuẩn để khi bị lạc lối sẽ leo lên cây cao, tìm đỉnh núi ấy mà định hướng, quay về nơi xuất phát. Trước vẻ hùng vĩ, bao la của núi rừng, Hùng thấy lo sợ sẽ phải đương đầu với thú dữ, rắn độc, sơn lâm chướng khí, Trung thì thản nhiên như người dạo phố, vừa đi vừa ca hát nghêu ngao.

    Đi sâu vào phía Tây Nam, rừng càng rậm hơn, cây cao che khuất ánh sáng mặt trời. Trung bảo Hùng dừng lại quan sát, không thấy được bụi hoa phong lan nào bám trên thân cây, hai người tiếp tục đi xa hơn nữa. Qua khoảng rừng già âm u, cây cối thưa hơn, ánh nắng mai đổ xuống trên những tàng lá xanh um, lóng lánh những giọt sương đêm. Tiếng chim hót véo von như chào đón hai người ở thành đô tìm nơi hẻo lánh để làm bạn với cỏ cây. Hương hoa thoang thoảng trong hơi thở của núi rừng. Trung khám phá ra mấy bụi phong lan ký sinh trên thân cây cao với nhiều loại dây leo. Tức tốc, chàng trèo lên cây, gỡ từng bụi, ném xuống cho Hùng. Mãi mê tìm hoa phong lan, Trung và Hùng đã đi lọt vào một thung lũng, dưới sườn núi phía tây, có suối nước ngọt, rất xa điểm khởi hành. Hai chàng dừng chân để ăn trưa. Trung đem lưới bén chắn ngang dòng suối bạc bắt được nhiều cá trắng, con nào cũng to bằng ba ngón tay. Hai chàng nhóm lửa, nướng cá bên bờ suối và nấu cơm trưa.

    Sau bữa ăn, Trung và Hùng vừa hút thuốc lá vừa tiếp tục đi tìm hoa phong lan. Đến khi nắng ngã về chiều, họ gom tất cả được mười sáu bụi hoa phong lan, có vài bụi đang nở hoa, toả hương thơm ngát. Họ chia các bụi hoa ra làm bốn nhóm, buộc dây lại gọn gàng để ngày mai, mỗi người sẽ gánh hai bó. Một số dược thảo tìm được, Trung dồn vào hai bao cát, chàng nhận trách nhiệm gánh luôn cả cây thuốc nam cho Hùng đỡ bớt nặng nhọc. Đêm ấy, họ giăng võng trên cành cây cao, được che chở bởi tàng lá rậm, cẩn thận hơn, họ cột dây phía trên mỗi chiếc võng, phủ hai tấm “Poncho” như mái nhà, đề phòng những trận mưa đêm. Mặt trời vừa khuất thì đêm xuống thật nhanh cho núi rừng chìm đắm dưới màn sương lạnh. Nhạc côn trùng trổi lên nghe rả rích hòa cùng tiếng kêu oang oác của lũ chim ” Bù-chao” chưa chịu ngủ yên. Bỗng rừng nhuộm ánh vàng mông lung của vầng trăng 18 vừa lên giữa bầu trời, rải rác những đám mây trắng trôi bồng bềnh về phương vô định. Tiếng cú xa xa vọng lại giữa đêm trường cô tịch. Trung và Hùng nằm võng, hút thuốc nói chuyện về dự tính tương lai của cuộc đời mình. Qua hai lần vượt biên bất thành, chạy trối chết mới thoát khỏi tay bọn công an vây “bến hẹn”. Vậy mà họ vẫn nuôi hy vọng, chờ cơ hội để đi tìm tự do. Họ tiếc nuối thời vàng son đã vùi lấp trong quá khứ mịt mùng, bây giờ phải sống cúi mặt bên lề xã hội mà họ không muốn sống, cái xã hội mà loài người văn minh, yêu Dân Chủ, Tự Do không chấp nhận nó.

    Hùng nói bằng lời rất chân thành:

    _ Tao rất sợ thú dữ và rắn rít, vì chỗ thân tình với mầy nên tao mới đi theo mầy. Không biết tại sao mầy lại thích vào rừng vậy, hả Trung?

    Trung cười hồn nhiên:

    _ Tại vì tao muốn xa lánh cảnh đời mà mình phải sống bất đắc dĩ, thà lên rừng sống với khỉ còn hơn. Mầy biết hôn, rừng là người ban tốt, là ân nhân của mình đó! Lúc mới lọt lòng mẹ, rừng đã cho ta củi, than để sữi ấm. Cái giường, bộ ván ta nằm, cái tủ đựng quần áo, cái thớt, cái chày giả gạo..vân ..vân do rừng cung cấp cho ta, đến khi chết, rừng còn tặng ta một cổ quan tài để theo ông theo bà về âm phủ. Đó, mầy thấy rừng đáng ca tụng hay không? Hoa phong lan, thuốc nam mình tìm được, đem về bán lấy tiền cũng nhờ rừng, còn nhiều nữa, tao kễ chưa hết đâu. À.. à .. còn một thứ rất quan trọng với mình nữa, đó là thuyền vượt biển để tìm tự do cũng nhờ có cây rừng để thợ đóng ra nó.

    Hùng cảm thấy vui trước lý luận về rừng của Trung. Có lẽ đời lính phong sương, đã từng vượt núi, băng rừng, san bằng mọi trở lực, gian nan nên Trung coi rừng là bạn. Mấy chàng Biệt Động Quân ngày trước có sợ gì “Rừng núi, sình lầy”. Hùng là lính thành phố nên sợ núi rừng là lẽ tất nhiên.

    Đôi bạn lại kể cho nhau nghe chuyện tình buồn của mình. Trung có người yêu ở hai năm học cuối của cấp Trung Học. Chàng đã cùng nàng hẹn biển thề non, nhưng lúc Trung thi rớt Tú Tài và đi lính thì nàng cất bước sang ngang, theo một anh sĩ quan Mỹ về nước Hoa Kỳ. Trung ôm mối hận tình đến nay vẫn chưa có người yêu mới. Hùng thì yêu say đắm cô nữ sinh Nguyễn Thị Giáng Hương cùng lớp. Chàng không dám ngỏ lời tha thiết của trái tim mình và cũng không dám gởi thư tỏ tình, dù chàng có nhiều lần đệm đàn Tây Ban Cầm cho nàng ca trong những buổi trình diễn văn nghệ do nhà trường tổ chức. Trung mê giọng hát ngọt ngào, truyền cảm của Giáng Hương, nhứt là khi nàng hát bản “Mộng chiều Xuân”, nhạc bản mà nàng ưng ý nhứt. Cuối năm học Đệ tứ, nàng về quê, chàng ở lại xứ biển nghe lòng buồn như sóng nước mênh mông trong những buổi hoàng hôn, đi lang thang một mình trên bãi biển. Chàng ốm tương tư, trút hết tâm sự như vắt cạn máu tim để viết một lá thư tỏ tình, định đến ngày tựu trường sẽ thu hết can đảm, gởi cho nàng. Nhưng, năm ấy Giáng Hương không trở lại mái trường xưa nữa. Trung chờ trông mòn mỏi mà bóng nàng vẫn biền biệt ở phương nào. Đến nay đã chín năm rồi mà Trung vẫn còn cất giữ lá thư tỏ tình để... làm kỷ niệm. Hình ảnh nàng với suối tóc huyền buông xuống ngang lưng, đẹp diễm kiều trong chiếc áo dài trắng nữ sinh luôn in đậm giữa tâm hồn chàng, không bao giờ phai nhạt. Làm sao Hùng quên được đôi mắt đẹp và đôi môi hồng tươi thắm khi Giáng Hương nở nụ cười duyên. Tiếng hát học trò của nàng như còn vọng dư âm trong cuộc đời chàng.

    Hùng ngáp dài thành tiếng, Trung bảo:

    _ Thôi ngủ đi Hùng ơi! Ngày mai mình trở về Dục Mỹ.

    Hùng hút hết điếu thuốc, ném tàn xuống gốc cây rồi nói:

    _ Nghe nói đi về tao mừng quá Trung ơi! ngủ ngon nhe cưng!

    Trung ca nho nhỏ:

    _ ” Ngủ đi mộng vẫn bình thường, à.. ơ..có tiếng thùy dương mấy bờ…”

    Chỉ trong vài phút sau, trên cây cao chỉ còn nghe tiếng ngáy đều đều của hai chàng ngủ võng. Bỗng giữa canh khuya, Hùng thức giấc, gọi Trung. Trung giựt mình tĩnh dậy, hỏi:

    _ Có chuyện gì vậy?

    Hùng nói với giọng sợ sệt, mất bình tĩnh:

    _ Trung ơi! Tao nằm mộng thấy một chàng phi công mặc áo bay đen, trạc 25 tuổi, khuôn mặt đẹp trai, có đôi mắt buồn. Anh ta nói với tao: ”Ngày mai, hai anh có về Sài Gòn làm ơn cho tôi theo về nhà mẹ tôi, tôi chờ ở đây lâu lắm rồi mà không gặp được ai cả, tôi đói, lạnh lắm! Hai anh hãy xuống phía nam khoảng bốn trăm thước thì gặp tôi. Xin hai anh giúp dùm tôi!”

    Trung nói lè nhè:

    _ Mộng mị đó mầy ơi! Không có gì đâu, ngủ tiếp đi!

    _ Tao thấy rõ ràng mà Trung! Người ta báo mộng đó Trung ơi!

    _ Ngủ đi, mai nói tiếp!

    Trung lại ngủ. Hùng nằm suy tư không ngủ được, thầm van vái xin linh hồn người phi công mà chàng thấy, hãy báo mộng cho Trung hết hoài nghi. Hùng nằm trằn trọc, lo sợ, đến khi chàng mệt mỏi, vừa ngủ thì Trung bỗng gọi chàng dậy và nói với giọng hồi hộp:

    _ Đúng rồi Hùng ơi! Tao cũng nằm mộng thấy chàng phi công như mầy diễn tả và anh ta cũng cầu xin tụi mình cho anh ta theo về Sài Gòn.

    Trung nghe ớn lạnh xương sống, tim đập dồn dập. Chàng run run nói:

    _ Chắc là anh phi công bị tử nạn vì máy bay bị rớt trong khu rừng nầy!

    _ Vậy sáng mai, tụi mình đi về phía nam, tìm xác phi cơ.

    Hai người đốt thuốc, vừa hút vừa suy luận giấc mộng vừa qua. Họ cố dỗ giấc, nhưng không ngủ được. Đến khi gà rừng eo óc gáy, họ thiếp đi lúc nào không biết.

    Mặt trời lên cao. Chim rừng hót vang, đánh thức Trung và Hùng tỉnh giấc. Họ khui đồ hộp, ăn sáng trên võng xong, thu xếp vật dụng hành nghề, mang ba-lô, gánh hoa phong lan, nhắm hướng nam đi tới. Đi băng rừng được một khoảng ước chừng bốn trăm thước, Trung bảo Hùng dừng lại, tìm một gốc cây lớn, dễ nhận dạng, để tất cả những thứ mang theo ở đó rồi họ cùng nhau đi lục soát, tìm kiếm dấu vết phi cơ lâm nạn. Họ đi dọc, đi ngang, mở rộng bán kính tìm kiếm suốt hai giờ đồng hồ mà không thấy được môt mảnh vụn của phi cơ. Trung thất vọng, ngồi dưới gốc một thân cây cổ thụ hút thuốc, Hùng cũng dừng lại nghỉ mệt, miệng phì phà điếu thuốc mà lòng thầm van vái vong linh của người phi công hãy chỉ đường, dẫn lối cho họ tìm được xác máy bay. Họ quay lại gốc cây, nơi để dụng cụ đi rừng để lấy bi-đông nước uống. Trung uể oải, thở dài:

    _ Mình tìm quá kỷ mà sao không thấy dấu vết gì cả.

    Hùng có vẽ kiên nhẫn hơn:

    _ Mình nghỉ ngơi một chập rồi tiếp tục tìm kiếm thêm trong khoảng một giờ đồng hồ nữa, nếu không tìm được, mình đành phải về Dục Mỹ.

    Lúc hai người đang ngồi nghỉ mệt thì có một đàn chim cu bay đến đậu trên nhánh của một lùm cây rậm rạp. Hùng để ý nhìn lùm cây rất đặc biệt, gốc cây mọc chen chúc như muốn đan lấy nhau, dây leo chằng chịt, nhìn vào bên trong tối om. Một con trong đàn cu đậu trên cành cất tiếng gáy. Trung nhìn cái ngực của nó phơi ra như khiêu khích, vội vàng rút cái ná dây thun, nạp một viên đá ong bằng lóng tay trỏ, nhắm mục tiêu, giương ná bắn. Một tiếng “rẹt” phát ra, con cu trúng đạn, rớt xuống lùm cây rậm, những con còn lại hoảng hốt vỗ cánh, bay đi. Trung lấy cái rựa phát lối đi để vào lùm cây rậm, lượm xác con cu. Hùng đi theo sau lưngTrung. Bỗng Trung reo lên:

    _ Xác phi cơ! Hùng ơi!

    Hùng vội chạy lên, thấy xác một chiếc phi cơ L.19 nằm ở vị thế đầu cắm xuống đất, hai cánh gãy cụp xuống, chân đáp một bên bị gãy, một bên cong về phía sau, khung phòng móp méo, kiếng bể vụn ra. Thân phi cơ nằm xiên khoảng 45 độ đối với mặt đất. Xác phi công ngồi gục về phía trước. thịt đã tiêu tan từ lâu, chỉ còn lại bộ xương nằm trong chiếc áo bay đen nay đã bạc màu, bị mối, mọt, côn trùng đục khoét nhiều lỗ, cái xương sọ còn nằm trong chiếc “helmet”, khẩu P.38 mang bởi dây nịt đạn đã rỉ sét. Trung dùng rựa cắt dây choàng bụng và dây choàng vai trên ghế ngồi rồi cùng Hùng đem xác phi công xuống đất. Trung đi lấy cái bao cát để đựng tất cả xương trong chiếc áo bay, trong đôi giày, trong nón bay mà họ đã gom góp được, luôn cả dây thẻ bài kim khí mang tên họ, số quân và loại máu của phi công. Thẻ căn cước quân nhân, thẻ căn cước dân sự, bằng lái xe hạng nhẹ, thẻ mang vũ khí cá nhân trong cái bóp da nhiều ngăn vẫn còn nguyên vì có bọc “plastic”, một số tiền cũ, giấy tờ, hình ảnh đã phai màu, loang lổ và bị mối nhấm. Hùng xem căn cước dân sự, biết được địa chỉ của người quá cố ở đường Lê Lai. Hình cá nhân trong thẻ căn cước giống hệt như khuôn mặt chàng phi công trong giấc mộng mà hai người đã thấy.

    Hùng và Trung nghe lòng ngậm ngùi, thương xót cho một kếp trai hùng đã đi đáp lời sông núi, lướt gió, tung mây cho thoả chí tang bồng, nặng mang lý tưởng cao cả “Bảo Quốc Trấn Không” với lời thề “Đi không ai tìm xác rơi!”. Trung hồi tưởng lại những cuộc hành quân tiếp cận với địch quân, có đơn vị của chàng tham chiến, phi cơ quan sát L.19 đã nhiều lần hướng dẫn những phi tuần khu trục oanh kích mục tiêu rất chính xác, giúp cho quân bạn làm chủ được tình hình và tạo được chiến thắng vẻ vang. Giờ đây chim bằng đã gãy cánh, xác thân nằm cô quạnh, rục rã giữa rừng xanh, oan hồn vất vưởng chốn thâm u, lạnh lẽo, không tìm được lối về quê mẹ. Không biết nguyên do nào anh bị lâm nạn, có lẽ vì giông tố, bão bùng hay vì trục trặc máy móc. Nghiệt ngã thay! Anh lại rơi xuống giữa lùm cây rậm, chắc chắn là vùng nầy chưa có quân bạn hay quân thù lui tới, nếu có thì chắc cũng không nhìn thấy xác phi cơ. Hùng nghĩ rằng có lẽ linh hồn của phi công đã xui khiến bầy chim cu bay đến đậu trên lùm cây rậm, nhờ Trung bắn trúng một con chim cu mới tìm ra xác máy bay. Hùng van vái:

    _ Nếu anh linh thiêng đã hướng dẫn chúng tôi tìm được hài cốt của anh thì xin anh phù hộ cho chúng tôi đi đường được bình an, không bị bọn công an lục soát đồ đạc. Nếu chúng nó thấy được hài cốt của anh mà gạn hỏi thì chúng tôi rất khó trả lời.

    Trung tháo gỡ cái la bàn định hướng gắn trên trần của phòng lái, trước mặt phi công, bỏ vào túi áo. Hùng lấy rựa đào lỗ, chôn xác con chim cu mà chàng vừa tìm được gần cánh phi cơ. Trung xách cái bao cát đựng hài cốt cùng Hùng trở lại gốc cây, gánh hoa phong lan và tất cả đồ đạc, nhắm hướng Bắc đi ra. Họ đi lầm lũi bên sườn núi, thỉnh thoảng Trung lấy la bàn ra xác đinh lại hướng đi. Hai giờ sau, họ dừng lại để ăn trưa và nghỉ mệt. Trung leo lên một cây cao, nhìn thấy núi Mẹ Bồng Con ở hướng Đông Bắc. Núi nầy có tảng đá lớn, dựng đứng trên đỉnh, trông xa giống như người đàn bà bồng con, mặt hướng ra biển. Trung nói với Hùng, giọng hăm hở:

    _ Gần tới đường đèo rồi Hùng ơi! Đi theo hướng nầy, mình sẽ lọt ra phía chân đèo, gần Khánh Dương. Mình sẽ đón xe đò về Dục Mỹ kịp chiều nay, nhậu với bạn vàng của tụi mình một chầu, ngày mai sẽ về Sai Gòn.

    Hùng thấy phấn chấn như trút hết mọi sự mệt mỏi, nở nụ cười rạng rỡ:

    _ Tao mừng quá Trung ơi! Thèm nhậu bia với lẫu dê quá đi!


    **

    Tất cả hoa phong lan của Trung và Hùng tìm kiếm, đem về Sài Gòn đã được một ông nghệ sĩ già giàu sang mua hết với giá cao. Ông ta còn đặt thêm hàng và khuyến khích Trung hãy đem về cho ông ta mười hai bụi hoa phong lan nữa, càng sớm càng tốt. Ông tặng tiền đi xe đò và thưởng tiền ăn nhậu cho hai chàng tìm hoa trong rừng thẳm. Những thứ dược thảo tìm được cũng đã giao cho ông thầy thuốc cùng phường, Trung và Hùng xách bao hài cốt, mướn xe Taxi chạy đến nhà của anh phi công quá cố ở đường Lê Lai, theo địa chỉ trong thẻ căn cước dân sự, vào một ngày cuối tuần.

    Đến nơi, Hùng hồi hộp gõ cửa căn nhà ở mặt tiền đường phố khá khang trang. Một người đàn bà trạc 50 tuổi, vóc dáng trông rất quí phái, hé cửa hỏi với vẽ hoài nghi, sợ sệt:

    _ Hai cậu muốn gặp ai trong nhà nầy?

    Trung trấn an và trả lời:

    _ Xin thím đừng lo sợ, hai cháu không phải lả kẻ xấu, hai cháu vừa tìm được xác máy bay và hài cốt người phi công, giấy tờ tùy thân ghi địa chỉ nhà nầy.

    Người đàn bà sửng sốt, mở cửa ra:

    _ Mời hai cháu vô nhà rồi mình nói chuyện.

    Bà mời chúng tôi ngồi rồi nôn nóng hỏi:

    _ Hai cháu tìm được những gì xin cho tôi coi.

    Trung mở bao cát lấy thẻ căn cước dân sự và căn cước quân nhân của chàng phi công cho bà ta xem hình. Bà bỗng run rẩy vì xúc động, miệng mếu máo, đôi dòng lệ tuôn trào ra khoé mắt:

    _ Trời ơi! Con tôi đây mà!

    Bà ôm hai cái thẻ căn cước vào lòng, khóc nức nở. Một cô gái khoảng 25 tuổi từ trong phòng bước ra, giựt lấy hai cái thẻ căn cước trên tay bà, nhìn xem rồi cũng khóc oà theo:

    _ Anh ơi! Là anh! Lâu nay em nuôi hy vọng mong manh anh còn sống, nay... quả thật... anh đã... chết rồi!..

    Hùng xúc động rươm rướm nước mắt. Trung ngồi cúi mặt. Chờ cho hai người qua cơn bi lụy, Hùng trao thêm cho cô gái dây và hai tấm thẻ bài kim khí. Trung nói với người đàn bà:

    _ Thím lấy cho cháu một tấm vải sạch, khăn lông cũng được, để cháu lấy hài cốt của ảnh trong bao cát ra, sau đó thím gói lại cất giữ, chờ ngày giờ tốt, đem đi mai táng.

    Lúc Trung sắp hài cốt trên chiếc khăn lớn trải trên cái bàn, hai mẹ con lại khóc sướt mướt. Để thu ngắn thời gian vì còn lo việc khác, Trung nói:

    _ Thưa thím và chị, anh em tôi xin kiếu từ vì còn bận việc.

    Người mẹ gạt lệ, kề miệng vào tai con gái, nói nhỏ. Cô gái đi vào phòng rồi trở ra, trao cho Trung và Hùng, mỗi người một phong bì, trân trọng nói:

    _ Xin hai anh cầm lấy món quà nhỏ nầy gọi là sự biết ơn và nhớ ơn của mẹ con tôi.

    Trung và Hùng cầm lấy phong bì, biết là tiền trong ấy nên cả hai trả lại cho cô gái. Cô gái không nhận, hai chàng đặt phong bì trên bàn, Trung nghiêm nghị, nói:

    _ Cám ơn thím và chị, hai đứa con không nhận tiền đâu, tụi con cũng là quân nhân ngày trước. Đó là bổn phận tụi con phải làm, xin thím và chị đừng ái ngại.

    Người con gái có vẻ ngậm ngùi:

    _ Mẹ tôi rất thành thật, số tiền mà mẹ tôi tặng cho hai anh chỉ có tính cách tượng trưng, ơn nghĩa cao trọng của hai anh, không biết lấy chi đền đáp cho xứng đáng. Nếu hai anh không nhận tiền thì xin nhận một lạy nầy của tôi, xin ghi nhớ công ơn của hai anh trọn đời.

    Cô gái xúc động, ứa lệ, quì xuống trước mặt Trung và Hùng. Hai chàng đỡ cô gái đứng dậy. Hùng ôn tồn nói:

    _ Cô đừng làm như vậy, anh em tôi rất đau lòng. Chúng tôi đã nói đó là bổn phận của chúng tôi mà. Anh của cô và chúng tôi cùng chung chí hướng với tình thương “huynh đệ chi binh”, chúng tôi không thể làm việc trái với lương tâm được, mong thím và cô thông cảm.

    Người đàn bà u buồn, nói:

    _ Mẹ con tôi chẳng biết nói lời gì hơn là xin đội ơn hai cháu. Cầu xin ơn trên ban phuớc cho hai cháu và gia đình gặp vạn điều lành. Mời hai cháu ngồi nán lại uống một chén trà, cho tôi hỏi thăm vài việc, được không hai cháu?

    Trung nhìn Hùng, nháy mắt rồi trả lời:

    _ Dạ thưa được.

    Người đàn bà bảo con gái:

    _ Hương ơi! Con hãy mau vô pha trà, mời hai anh.

    _ Dạ.

    Cô gái đi ra nhà sau. Hùng trố mắt nhìn theo với vẽ ngạc nhiên vì cô gái nầy sao giống Giáng Hương quá, chỉ khác là mái tóc của nàng cắt ngắn, uốn úp vào chung quanh cổ và mặt, hình vóc nàng đầy đặn hơn cô nữ sinh mà chàng yêu tha thiết ở Vũng Tàu. Tên của nàng lại là Hương, đâu có sự trùng hợp nào lạ lùng như vậy! Chờ cho cô gái bưng bình trà lên, rót ra chén chung mời khách, Hùng hỏi:

    _ Xin lỗi, có phải cô Hương đi học ở Vũng Tàu ngày trước không?

    Hương nửa thẹn thùng, nửa vui mừng, nhìn Hùng để nhận dạng xem mình có quen từ trước hay không. Nàng trả lời:

    _ Dạ phải, tôi đi học ở Vũng Tàu đến mùa hè năm 67 thì về Sài Gòn, học Trường Trưng Vương. Xin lỗi anh, nhìn anh quen quá mà tôi... không nhớ rõ.

    Hùng vui sướng ngập lòng, tưởng chừng cuộc đời mình đang nở đầy hoa hạnh phúc, một thứ hạnh phúc mà từ lâu bị mất đi khiến cho Hùng tuyệt vọng, héo úa cả quảng đời thanh xuân, nay tìm được nó, có khác nào mò được cây kim đã rớt xuống đáy biển sâu. Hùng trách yêu Hương:

    _ Hương mau quên quá! Tôi là Hùng học cùng lớp với Hương đây! Tôi đã đệm đàn Tây Ban Cầm cho Hương ca nhiều lần những khi nhà trường tổ chức trình diễn văn nghệ trong ngày phát phần thưởng cuối năm học và những ngày trường ăn tiệc liên hoan “Cây mùa Xuân”.Những bản nhạc mà Hương ca, tôi còn nhớ hết, cô thích nhứt là bản “Mộng chiều” Xuân”!

    Hương mừng rỡ, gọi tên và bước tới nắm tay Hùng rồi xúc động nói:

    _ Hơn 8 năm rồi, Hương xa anh, xa trường cũ, không một lần trở lại. Trông anh lúc nầy phong trần quá nên Hương nhìn không ra. Xin anh tha lỗi cho Hương.

    Trung xen vào:

    _ Cô Hương cũng không nhận ra tôi sao? Tôi là Trung,”cặp bài trùng” của Hùng nè!

    Hương nhìn kỷ gương mặt Trung rồi nói:

    _ Hương nhớ ra rồi! bây giờ trông anh khác xưa nhiều lắm!

    Mẹ Hương ngạc nhiên và rất hân hoan vì hai người ân nhân nầy lại là bạn học cũ của con gái bà. Bà Nói lên cảm nghĩ của bà:

    _ Thật chuyện nầy do Trời định nên bạn bè cũ xa cách đã lâu được gặp lại nhau. Cháu Trung và cháu Hùng lại có ân nghĩa đối với gia đình của thím, từ nay, mình có tình thân thiện như bà con, dòng họ vậy.

    Hùng nghe tim mình đập mạnh khi hỏi Hương:

    _ Xin lỗi, Hương đã lập gia đình chưa?

    Hương ngập ngừng, do dự vài giây mới đáp:

    _ Hương có vị hôn phu, trước phục vụ ở Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Ảnh đi tháp tùng bạn bè Không Quân ở Tân Sơn Nhứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, hiện đang ở Santa Ana, thuộc tiểu bang California. Còn hai anh thì sao?

    Hùng nghe lòng se thắt khi biết Hương đã có vị hôn phu, mới tìm lại người mình yêu như tìm lại được nguồn hy vọng của cuộc đời, trong phút chốc lại trở thành vô vọng. Trung đáp lời Hương:

    _ Hùng và tôi vẫn còn độc thân, chúng tôi là hạ sĩ quan nên chỉ bị “học tập tại địa phương” ít lâu thôi.

    Mẹ Hương hỏi Trung và Hùng tìm được hài cốt của con trai bà ở đâu. Hùng thuật lại rành mạch câu chuyện linh thiêng, huyền bí của oan hồn chàng phi công báo mộng cho bà nghe. Nghe xong hai mẹ con lại khóc.

    Hùng tò mò hỏi Hương:

    _ Tại sao Hương đang học ở Vũng Tàu lại chuyển trường về Sài Gòn?

    Hương có vẻ lúng túng, chưa trả lời được thì mẹ Hương nói:

    _ Không nói giấu hai cháu làm chi. Ba của con Hương làm thầu khoán ở Sài Gòn, ổng mê vợ bé, tôi buồn giận ổng nên bỏ nhà, ra Vũng Tàu mua vườn nhãn để sinh sống, nuôi con Hương đi học, còn anh ruột của nó thì ở với ổng, đi học ở trường “Pétrus Ký”. Sau đó, nó đi Không Quân. Đến năm 67, ba con Hương bị bệnh trầm trọng, sắp chết, anh của con Hương xin phép đơn vị về Vũng Tàu, năn nỉ tôi lên Sài Gòn cho ba nó tạ lỗi trước khi ổng chết. Tôi thương nó hiếu thảo nên dẫn con Hương về nhà cũ. Vài ngày sau, ba nó trút hơi thở sau cùng. Khi lễ mai táng ba nó xong, nó trở lại đơn vị và đi biền biệt, không về nữa. Tôi đến đơn vị nó để hỏi thăm tin tức thì cấp chỉ huy của nó cho biết là nó bị mất tích trong chuyến bay lên cao nguyên. Người ta đã tìm kiếm nhiều ngày mà chưa có dấu tích gì cả. Mãi cho tới hôm nay, hai cháu tìm được nó.

    Hùng thở dài rồi ngơ ngẩn, nói:

    _ Âu cũng là số trời, âu cũng là định mệnh!

    Trung đứng dậy, nói với Hùng:

    _ Hùng ơi! Tụi mình xin phép thím và cô Hương đi về lo công việc nhà đi!

    Hùng miễn cưỡng đứng dậy:

    _ Vậy thì tụi con xin kiếu từ thím và Hương.

    Mẹ Hương ân cần nói:

    _ Cám ơn hai cháu thật nhiều, chiều Thứ Bảy tuần tới, lúc 5 giờ, thím mời hai cháu đến dùng bữa cơm thân mật với mẹ con thím .

    Hùng và Trung nhận lời mời. Hương đưa Hùng và Trung ra trước cửa, niềm lưu luyến hiện lên ánh mắt. Quay nhìn lại, không thấy mẹ Hương phía sau, Hùng hẹn gặp Hương vào buổi chiều ở bến Bạch Đằng, trước nhà hàng Mỹ Cảnh. Hương hứa sẽ đến.

    Chiều hôm ấy, Hương đi xe xích lô đến điểm hẹn, trong khi Hùng đã đến trước, đứng chờ đợi nàng từ lâu. Hương đẹp tha thướt trong chiếc áo dài trắng, có lẽ nàng muốn gợi cho Hùng nhớ lại tuổi học trò đẹp như hoa gấm. Hùng đón Hương và say sưa nhìn nàng, miệng nở nụ cười tươi:

    _ Hôm nay, trông Hương đẹp như ngày còn đi học.

    Hương cười e thẹn, ửng hồng đôi má. Hai người sánh bước bên nhau, đi đến ngồi trên một băng đá. Hương dịu dàng hỏi:

    _ Anh hẹn Hương ra đây chắc là muốn nói với Hương điều gì, phải không anh?

    Gặp lại người xưa, tình yêu phong kín từ ngày xa cách, nay dâng lên dạt dào giữa lòng Hùng như biển dậy phong ba. Hùng bày tỏ cho Hương biết chàng đã yêu nàng qua những lần đệm đàn cho nàng hát, trong những buổi trình diễn văn nghệ dưới mái trường xưa. Hùng trao cho Hương đọc lá thư tỏ tình mà chàng đã viết cách nay chín năm trường, trong một mùa hè, chàng cô đơn, mang nặng nỗi nhớ thương. Lời lẽ trong thư rất chân thành, tha thiết, nồng nhiệt cho Hương hiểu được lòng chàng. Chàng đã viết thư nhiều lần, nhưng khi gặp nàng, chàng lại hồi hộp và không đủ..can đảm để trao thư. Tức giận cho mình quá nhút nhát, về nhà trọ, chàng xé bỏ bức thư để rồi khi thương nhớ ngập lòng, chàng lại viết thư. Đến khi chàng có đủ..nghị lực trao bức thư tỏ tình cho Hương thì nàng đã rời xa mái trường xưa.

    Hương đọc thư mà đôi mắt huyền bỗng giăng màn lệ mỏng vì cảm động. Khi đọc xong, nàng lấy khăn tay lau đôi dòng lệ vừa trào ra khoé mắt. Nàng nắm lấy tay Hùng, giọng run run vì cảm xúc:

    _ Muộn màng quá anh Hùng ơi! Lúc quen nhau trong sinh hoạt văn nghệ của nhà trường, em đã có cảm tình với anh. Em chờ đợi anh mở lời mà anh cứ mãi im lặng gần như lạnh lùng với em. Năm học cuối cùng, trong chương trình văn nghệ của ngày phát phần thưởng, anh đệm đàn cho em ca bài “Nỗi buồn hoa phượng”, bỗng dưng em cảm xúc, rơi nước mắt, linh tính như báo hiệu cho em biết tụi mình sẽ chia tay. Lúc bế mạc, em từ giả anh để ngày mai về quê ngoại ở Long Xuyên, anh chỉ nói với em một câu ngắn ngủn: “Chúc Hương về quê ngoại nghỉ hè vui vẻ”. Tấm hình của bạn em chụp lúc anh đệm đàn cho em ca lần cuối, em còn cất giữ chín năm nay.

    Hương mở bốp, lấy tấm hình đưa cho Hùng xem. Hùng nghe hối tiếc vô cùng và tự trách mình quá..khờ khạo để tự mình đánh mất người mình yêu, bây giờ làm sao mà quay ngược được thời gian, Hương sẽ lấy chồng và Hùng lại bị mất đi niềm vui, ý sống của cuộc đời. Biết được nỗi lòng của Hùng, Hương an ủi:

    _ Anh đừng buồn nữa, chuyện hôn nhân là do duyên kiếp, biết đâu anh sẽ được thỏa lòng mong ước, vì tình yêu giữa em và vị hôn phu khó mà biết được chuyện ngày mai khi người thì nơi góc biển, kẻ ở chân trời. Bây giờ, mình hãy coi nhau như tình bạn của buổi ban đầu, nha anh!

    Câu nói của Hương khiến cho Hùng suy nghĩ vẩn vơ và nuôi ảo vọng, mong cho kẻ đi xa sẽ thay dạ đổi lòng để Giáng Hương sẽ thuộc về chàng. Hùng xua tan ý nghĩ ấy và tự trách mình ích kỷ, đê hèn. Hương xin giữ lại lá thư tỏ tình của Hùng và trao cho Hùng cất giữ tấm ảnh kỷ niệm ngày xưa. Sau khi tạm biệt nhau đêm ấy, Hùng về nhà không an giấc được, tâm hồn luôn ấp ủ bóng hình Giáng Hương trong nỗi nhớ nhung và nuối tiếc khôn cùng.

    Trong bữa cơm thân mật tại nhà Hương, mẹ Hương đã tặng cho Trung và Hùng mỗi người một cái đồng hồ hiệu “Movado” để là kỷ niệm. Không từ chối được, hai chàng phải nhận quà và cám ơn mẹ Hương. Hương cho Trung và Hùng biết mẹ con họ sẽ về Long Xuyên vào sáng ngày mốt để lo mai táng hài cốt người anh bạc số, nơi mảnh vườn xưa.


    **

    Hùng bị cảm sốt mấy hôm, sau khi dự bữa tiệc khoản đãi của mẹ con Hương, không biết vì thời khí hay do tâm bệnh. Trung phải lên đường đi tìm một số hoa phong lan cho ông nghệ sĩ già đúng theo lời hứa hẹn, lần nầy chàng đi môt mình vì Hùng chưa bình phục. Trung định sẽ đi đến vùng Bảo Lộc, Đà Lạt chớ không đi xa nữa.

    Chuyến đi ấy, Trung không trở lại, cha của Trung mà Hùng gọi là Bác Tư ngày đêm thắc thỏm, lo âu. Hùng cũng mang nặng nỗi ưu tư, e sợ cho Trung bị tai nạn trên rừng, không ai cứu giúp. Hằng ngày, Hùng phải phụ việc với bác Tư và an ủi khi thấy bác buồn. Gần tròn một tháng mà vẫn chưa thấy bóng dáng Trung trở lại. Bác Tư và Hùng càng thêm quặn thắt tâm can. Chiều nào xong công việc, hai người cũng ngồi uống một hai xị rượu giải sầu, mỏi mắt chờ mong một bóng hình thân yêu trở lại mái nhà xưa.

    Một hôm, người cậu ruột của Hùng ở Phước Hòa vào Sài Gòn tìm Hùng để báo tin sắp có chuyến vượt biên bằng ghe “dã cào” đậu ngoài khơi Vũng Tàu, ông ta sẽ “đưa đò” cho Hùng ra ghe lớn ấy, chủ ghe là bà con thân tín của ông ta, Hùng tháp tùng khỏi phải trả tiền. Hùng rất vui mừng, nhưng khi nhớ tới Trung thì nghe lòng đau nhói. Hùng coi Trung như anh em ruột, nay Trung bặt vô âm tín, không biết sống chết ra sao mà chàng bỏ ra đi sao đành. Chiều hôm ấy, Hùng tâm sự với bác Tư và cho bác biết chàng sắp có chuyến đi vượt biên. Bác Tư bảo chàng hãy ra đi. đừng phân vân mà bỏ lỡ cơ hội quí báu ngàn vàng. Tình trạng của Trung, nếu chàng ở lại cũng không giải quyết được gì, thôi thì phó mặc cho số mạng! Hùng cảm động, rơi nước mắt, từ giả bác Tư để theo người cậu ra Phước Hòa. Trước khi đi, Hùng nhớ đến Giáng Hương nên ghé nhà nàng, nhưng chàng sửng sốt khi người chủ mới cho biết mẹ con Hương đã bán nhà để về quê cũ. Lòng Hùng ngổn ngang nỗi ưu tư, như to vò trăm mối, nửa lo cho người bạn thân , nửa lo cho người chàng yêu bỗng biệt dạng, không biết có còn gặp lại nhau chăng?!


    **

    Mỗi lần niên lịch sắp đến ngày Tết Việt Nam, trong tiết trời băng giá của tiểu bang Michigan, ngày cuối tuần, Hùng ngồi buồn nhớ quê hương. Năm năm rồi, Hùng gởi nhiều lá thư về cho bác Tư để hỏi thăm tin tức của Trung, nhưng không thấy thư hồi âm. Cách nay một tháng. Hùng nhờ một người Việt láng giềng về thăm quê hương, ghé lại nhà bác Tư thì mới hay bác đã dọn nhà đi nơi khác, còn Giáng Hương thì bặt tin, không biết hiện giờ nàng ở đâu?

    Một hôm, lúc đang chuẩn bị hành trang để về Santa Ana, ăn Tết với một người bạn cũ cùng đơn vị ngày trước thì Hùng nhận được thư của Trung. Vui mừng như được tin người thân trở về từ... cõi chết, Hùng mở thư ra đọc như một người đói nhai ngấu nghiến thức ăn, mới hay Trung bị nạn tai trong cánh rừng gần Đà Lạt, nhờ người cứu mạng. Khi chàng leo lên một cây cao để gỡ bụi phong lan, rủi ro bị mất thăng bằng, té xuống đất, nằm bất tỉnh một hồi lâu. Khi tỉnh dậy, đứng lên không được vì chân trái bị gãy xương. Hùng cố lết đi, mong tìm đường ra khỏi cánh rừng, đến quốc lộ để đón xe đò, nhưng lết được một khoảng lại phải nằm nghỉ vì chân gãy bị đau nhức. Chàng cất tiếng kêu cứu nhiều lần, nhưng không thấy ai lai vãng qua cánh rừng nầy, chỉ nghe tiếng chàng vọng lại. Đến xế chiều, Trung lo sợ cho mình phải nằm giữa rừng hoang vắng khi màn đêm buông phủ, biết bao sự hiểm nguy đe doạ sinh mạng của chàng. Chàng lại cất tiếng kêu cứu đến khan cả cổ họng, may mắn thay, trời còn thương xót nên có hai cha con người Thái trắng ở Tùng Nghĩa đi tìm dược thảo, đến cứu Trung. Họ chặt cây rừng, làm cái cáng để khiêng Trung đi Tùng đoạn, lúc mệt thì họ dừng lại để nghỉ. Khi ra đến quốc lộ, họ đón xe đò và đưa Trung cùng về Tùng Nghĩa với họ. Cô gái Thái rất xinh đẹp và duyên dáng, tên Nông thị Phương, cha nàng là Nông văn Thạch, một ông thầy thuốc chữa được nhiều thứ bệnh nhờ thuốc gia truyền thảo dược và mộc dược gia truyền của dòng họ ông. Ông khuyên Trung hãy ở lại nhà ông để ông bó thuốc cho chân của Trung mau liền xương rồi sẽ trở về Sài gòn và ông sẽ không lấy tiền thuốc. Trung nhận lời ông và viết thư cho cha biết để an lòng, nhưng cô gái Thái trắng đã thầm yêu chàng trai miền Kinh ngay từ phút ban đầu nên nàng cất giấu những lá thư mà Trung nhờ nàng gởi vì nàng sợ người nhà của Trung hay tin, sẽ ra Tùng Nghĩa đưa chàng về đô thành, nàng sẽ mất người yêu. Do đó mà bác Tư trông chờ mãi, không thấy Trung về, ông lâm bệnh, em ruột của ông đưa ông về Tân Thuận để chữa bệnh và săn sóc cho ông. Vì cảnh nhà đơn chiếc và do sự mong muốn của vợ chồng người em ruột nên sau khi lành bệnh, bác Tư bán nhà, về ở với họ. Thư của Hùng gởi về cho bác Tư, người chủ nhà mới không nhận vì nếu nhận thư thì phải cho tiền người phát thư theo thông lệ.

    Phương thuốc chữa trị của ông Thạch rất hiệu nghiệm nên chỉ hai mươi ngày Trung đã đi đứng được bình thường. Chàng cám ơn cha con ông Thạch đã cứu chàng thoát nạn, nguyện một ngày nào sẽ đề đáp công ơn và xin phép trở về gia đình kẻo cha già trông ngóng. Cô Phương đòi theo chàng về Sài gòn một chuyến cho biết chốn phồn hoa náo nhiệt. Ông Thạch không an lòng để cho con gái về kinh nên hai cha con cùng đi với Trung. Vì tình yêu chân thành của cô Thái Trắng đối với Trung, vì Trung nặng mang ơn cứu nạn và cũng yêu thương đoá hoa rừng phong kín nhụy hương nên hai ông già Kinh, Thượng đồng ý tác hợp lương duyên cho Trung và Phương. Trung mở phòng thuốc cho nhạc gia chữa trị bệnh nhân bị trặc trẹo tay chân hay bị gãy xương và nhiều thứ bệnh khác. Hằng tháng, ông chỉ ở Sài Gòn 15 ngày và trở về buôn cũ 15 ngày. Khi nào có những ai bị bệnh trầm trọng thì Trung chỉ đường cho họ ra Tùng Nghĩa để ông chữa trị. Phương sống với Trung, thỉnh thoảng theo cha về thăm những người thân. Sau khi thoát nạn, Trung và Phương cũng về tạm trú nhà người chú ở Tân Thuận cùng với cha chàng.

    Trung biết thế nào Hùng cũng gởi thư về địa chỉ cũ, nếu chàng đến được bờ bết tự do, nhưng không biết tại sao qua mấy năm trường mà không được thư Hùng. Tình cờ biết được “thông lệ” phải tặng tiền khi nhận thư gởi từ nước Mỹ nên Trung căn dặn người phát thư quen mặt ở vùng bến Hàm Tử : nếu thấy thư ở Mỹ gởi về địa chỉ cũ cho cha chàng thì hãy đem đến địa chỉ mới ở Tân Thuận, chàng sẽ cho tiền thù lao, nhờ vậy mà Trung nhận được thư Hùng.

    Trong chuyến đi Santa Ana để ăn Tết với gia đình người bạn cũ, chàng gởi thư, tiền, quà về cho cha con Trung và nàng dâu mới. Chàng hứa nếu nhận được thư phúc đáp của Trung, xác định địa chỉ chính xác, chàng sẽ gởi tiền về giúp Trung tạo dựng một mái ấm gia đìmh để phụng dưỡng bác Tư trong tuổi già sức yếu.

    Về vùng nắng ấm California để hưởng một cái Tết đầy đủ hương vị của Tết cổ truyền Việt Nam, trong cảnh sum vầy, hạnh phúc của gia đình người bạn cũ, Hùng cũng thấy ấm áp cõi lòng, đỡ bớt sự cô đơn nơi xứ lạ quê người trong buổi dầu Xuân. Hùng theo người bạn cũ đến một hội trường để xem chương trình văn nghệ do Cộng Đồng người Việt tổ chức. Khách đến xem chật ních, Hùng và người bạn đứng bên ngoài để hút cho hết điếu thuốc lá đang cháy dỡ dang. Bỗng Hùng nghe tiếng ca của một nữ ca sĩ vọng ra đoạn cuối của nhạc bản “Mộng chiễu Xuân”:

    _…. “Hãy trả lời em thêm mấy câu
    Tình duyên với em trong kiếp nào
    Xuân còn thắm tươi
    Em còn mong chờ
    Ái ân kẻo tàn ngày mơ…”.

    Giọng ca như rót mật vào hồn chàng và giống như giọng của Giáng Hương, nhưng có phần điêu luyện hơn. Tim Hùng bỗng đập mạnh, chàng dập tắt điếu thuốc, rũ người bạn rẻ đám đông vào hội trường để nhìn mặt ca sĩ. Hùng ngạc nhiên và vui mừng như mùa Xuân mở hội khi thấy Giáng Hương mặc chiếc áo dài màu hồng, đang hát bản tình ca năm cũ, vẫn vóc dáng đẹp như nàng thơ, vẫn gương mặt đoan trang, thùy mị, chỉ khác lúc ở Sài Gòn là mái tóc của nàng dài ngang lưng như ngày còn đi học. Không cầm lòng được, chàng tiến đến gần sân khấu, gọi tên Giáng Hương và đưa tay lên cho nàng trông thấy. Ai cũng lấy làm lạ, nhìn chàng. Giáng Hương vừa nhận ra Hùng, nàng đưa ngón tay trỏ lên, áp sát đôi môi để ra dấu cho chàng im lặng. Sau khi hát xong, Hương bước xuống sân khấu, đến chào và nắm tay Hùng trong nỗi hân hoan pha nước mắt. Nàng dẫn Hùng đến chỗ mẹ nàng ngồi, hai mẹ con ngồi dồn một ghế, nhường ghế của Giáng Hương cho Hùng. Họ chỉ hỏi han nhau vài câu vì bầu không khí cần được sự im lặng để cho mọi người thưởng thức chương trình văn nghệ.

    Sau khi đại hội vui xuân bế mạc, mẹ con Hương mời Hùng về nhà ăn cơm chiều. Hùng dẫn hai mẹ con đến giới thiệu với người bạn cũ. Anh ta xin địa chỉ và số điện thoại của Hương và nói với Hùng:

    _ Anh hãy đến thăm nhà bác và chị, khi nào muốn về thì gọi điện thoại cho tôi, tôi sẽ đến đón, rất tiếc tôi có hẹn với vài người bạn đến nhà tôi chiều nay nên không cùng đi với anh được.

    Về nhà Hương, Hùng thuật lại chuyện thoát nạn của Trung, đưa đến tình duyên với nàng Thái trắng cho mẹ con Hương nghe, kể lại chuyến đi đầy nguy hiểm, gian nan của mình cho mẹ con Hương nghe. Hùng được biết khi mẹ con Hương về Long Xuyên, bắt được đường dây vượt biên ở Bình Đại. Họ gấp rút về Sài Gòn bán nhà và ra đi, không gặp Hùng để từ giã được. Chuyến đi ấy nhờ mua bến bãi và đi bằng ghe lớn nên đến đảo an toàn. Khi được thanh lọc vô nước Mỹ, Hương gặp lại người cô ruột, vượt biên từ năm 1975, có cửa hàng buôn bán lớn ở California giúp đỡ nhà ở, công việc làm nên mẹ con Hương có được cuộc sống sung túc. Hùng hỏi thăm vị hôn phu của Hương thì được nàng cho biết chàng đã cưới vợ, trước khi mẹ con Hương đến Mỹ. Hùng nghe lòng rộn ràng niềm vui, nhớ lại lời của Giáng Hương an ủi chàng khi hẹn gặp nàng ở Bến Bạch Đằng: _ … “Biết đâu anh sẽ được thoả lòng mong ước, vì tình yêu của em và vị hôn phu khó biết được chuyện ngày mai”.

    Mẹ Hương đi vào phòng cho Hương và Hùng hàn huyên tâm sự.

    Sau giây phút vui mừng, Hùng ngại rằng khi không thành chuyện hôn nhân với vị hôn phu, Hương sẽ có người yêu mới vì với nhan sắc mặn mà của nàng làm sao tránh khỏi sự chinh phục của phái nam. Hùng hỏi Hương:

    _ Hương còn giữ lá thư của... anh không?

    Hương hiểu ý Hùng, mỉm cười, đáp

    _ Em vẫn còn cất giữ và trân quí nó vì đó là sự bộc lộ tình yêu chân hành, tha thiết của anh đối với em. Em có gởi nhiều lá thư về địa chỉ của anh và anh Trung, nhưng không thấy thư hồi âm. Em định sẽ về nước tìm anh vào mùa hè năm nay. Hiện tại em lo phụng dưỡng mẹ em và không dám quen với người đàn ông nào nữa.

    Hùng cảm động nắm lấy tay Hương. Hương nhìn Hùng bằng ánh mắt say đắm và họ trao nhau nụ hôn đầu tiên cho thoả lòng nhớ thương sau những năm dài xa cách. Họ đã đến được bến bờ tự do thật sự và bây giờ tìm được nguồn hạnh phúc vô biên khi họ gặp lại người mình yêu và sẽ đẹp chuyện trầu cau với người thành thật yêu mình.

    Kha Lăng Đa
    Last edited by Phòng Trực; 04-21-2013, 10:38 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X