Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thành Phố Có Người Yên Nghỉ

Collapse
X

Thành Phố Có Người Yên Nghỉ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thành Phố Có Người Yên Nghỉ

    Thành phố có người yên nghỉ

    Hoàng Nga




    Gửi chị.

    Tôi rủ chị về Mộ Đức. Một nơi mà dễ chừng gần bốn mươi năm rồi tôi chưa có dịp ngang qua lần nữa, huống gì là về lại. Nhưng tôi tin chắc tôi sẽ dẫn chị đến được tận nơi ấy và sẽ đi xem được giòng sông Trà Khúc. Tôi nói với chị con đường Quang Trung chạy từ phía nam cầu Trà Khúc về đến bưu điện anh từng nhắc đến dẫu không nguyên vẹn như hình ảnh anh mang đi ngày nào, nhưng vẫn còn đó.

    Nên tôi hứa thêm sẽ đưa chị đi hết con đường, đi cùng với chị hết con đường. Bất kể trời nắng đổ hay mưa tuôn, bất kể là hoàn cảnh sông ngăn núi cách.


    (Thư Cố Thiếu Úy Nguyễn Trung Thành)

    Nghe tôi nói, chị cười im lặng. Đôi mắt chị thật trong. Thật buồn. Lát sau chị đáp từ Sàigòn ra Quảng Ngãi không xa, nhưng chắc có lẽ đối với chị đó là đoạn đường dài nhất thế giới. Đoạn đường hun hút tít xa. Và là nơi chị không bao giờ tới được.

    Anh về doanh trại hai giờ.

    Hai giờ ba mươi nhận lệnh hành quân. Anh chỉ biết mình tăng cường cho tiểu đoàn 7.
    Nhưng như vậy là chúng mình xa nhau. Như vậy có lẽ thật lâu anh mới được tới đón em ở cổng trường tươi mát.

    Đừng buồn nghe em. Anh rồi sẽ bình an trở về với em. Ra đơn vị mới anh sẽ cho KBC sau.


    Nơi tôi rủ chị về, những tháng năm của đất của trời đã hoàn toàn xa lăng lắc, hoàn toàn thuộc về một dĩ vãng mịt mù nào đó, nhưng những mùa mưa nắng, những xuân hạ thu đông vẫn chưa mất hẳn trên giòng sông, con sóng nước nơi ấy.

    Tôi nói không như thành phố của chị, cảnh lạ xa, người lạ xa, mà cả đến thời tiết mỗi ngày cũng mỗi lạ xa, kỳ dị. Nắng bây giờ là những con nắng quái ác phủ chụp xuống người như chỉ muốn thiêu hủy từng phân vuông da thịt. Nắng là những con nắng tàn nhẫn, khốc liệt và hãi hùng, không chỉ giết chết thân xác, mà còn ày ải được cả linh hồn.

    Bây giờ về thành phố của chị, không cần bước ra ngoài, không cần phải đi dưới cái nắng địa ngục hừng hực ấy, cũng có thể cảm nhận ra sức nóng kinh rợn, ghê người.

    Tôi hỏi chị đâu rồi quá khứ, đâu rồi ngày xưa thơ mộng. Đâu rồi những hàng cây xanh bóng mát, đâu rồi những chiều vàng phai.

    Chị bật cười hiền hòa, kể ra tên những con đường hiếm hoi còn lại chút màu xanh của lá, chút thấp thoáng bóng mát trải xuống mặt đất ít ỏi như chỉ còn đếm được trên mười đầu ngón tay. Tôi buồn rầu bảo chị, những con đường khi đọc lên tên nghe chừng quen tai lắm, nhưng dường như chỉ còn lại cái tên ngày cũ, còn đôi ba hàng cây đứng lặng lẽ hai bên lề, và chút ánh vàng buông khi chiều xuống, mà thật sự phố đã không còn là phố, đường đã không còn là đường, và chốn cũ đã không còn là chốn cũ.

    Tôi nói phố xá giờ là phố xá của kẻ lạ người xa. Phố xá của nhức đau, của ngậm ngùi.

    Tin hành quân đã đến với anh thật bất ngờ. Buổi chiều khi tới cứ điểm Carolyne, một cánh rừng nào đó tít xa, hiu hắt trong rừng núi Tây Ninh, anh cứ tưởng ngay từ đó mình đã mất hết đi tất cả.

    Chiến trường thật sôi động. Đầu óc lúc nào cũng căng thẳng. Mỗi bụi cây mỗi gò cao đều như che dấu một nỗi bất trắc ghê gớm. Anh đã không đủ bình tĩnh để viết thư cho em. Anh cố đọc thư em để quên đồng đội mình ngã gục, để quên những ngôi mộ sơ sài của hàng chục xác Việt cộng chôn vội vàng, quên mùi cay nồng của súng đạn.

    Ước gì bây giờ có em ở bên cạnh, anh sẽ đưa em đi thăm núi rừng nơi đây. Anh tin mình vẫn còn giữ em trong vòng tay dù em xa anh hằng trăm dặm. Anh tin tình yêu em vẫn mãnh liệt trong anh. Anh tin rằng mai này không xa lắm, anh lại dìu em trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy lá vàng. Hãy cầu nguyện cho anh như hằng đêm anh nhớ đến em. Hãy viết cho anh với con đường của tình yêu thiên thần.


    Con đường thật ra không dài. Thật ra không có gì đặc biệt. Hai hàng me bên lề cũng chỉ xanh màu xanh nhàn nhạt hệt như ở những con đường khác có lá me bay. Sắp đến đoạn cuối, cả khu vườn bách thảo xây dựng từ thời Pháp thuộc, chừng như cũng chỉ thu hút được trẻ con.

    Con đường không xôn xao như Tự Do, Công Lý. Không rực rỡ nổi tiếng, không dinh thự kiêu kỳ như Nguyễn Huệ. Cũng không viện nọ phủ kia. Nhưng con đường thật dễ thương, thật trìu mến. Bởi vì có ngôi trường con gái nổi tiếng từ Hà Thành vào đến thủ đô miền Nam đệ nhất, đệ nhị cộng hòa.

    Con đường thân ái với chị vì những tháng năm cắp sách đến ngôi trường con gái ấy, còn có thêm những gốc cây xanh anh từng đứng đợi hằng giờ, những viên sỏi dưới đường từng ghi dấu chân anh. Và con đường đã trở nên yêu dấu với anh, vì có lần anh nhìn thấy hai bàn tay đẫm thấm mồ hôi, tà áo dài quấn quít đôi chân run rẩy khi thấy anh xuất hiện giữa bao người trong quân phục hoa dù, mũ beret đỏ cầm trên tay.

    Rất nhiều lần anh khắc khoải một chuyến trở về, mơ một ước mơ thật bé nhỏ. Rất nhiều lần anh nhắc đến chuyện được đi lại trên con đường lá me, được nhìn thấy ánh mắt chị ngấn lên những giọt lệ hạnh phúc long lanh.

    Đã nhiều đêm anh mơ về thành phố đó nơi em với vẻ ngây thơ đang nghĩ đến anh theo từng gian nguy bất trắc. Thật tội nghiệp cho em trong những ngày sắp tới.

    Suốt buổi chiều anh không làm gì, suốt cả đêm anh không ngủ. Anh nhìn khuôn mặt em cố tìm ở đó một lời nói, anh tìm trong tóc em hàng cây của con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Anh chơi vơi trong mắt em, nghe không gian như rót mật vào người. Anh sẽ không kể cho em nghe những đêm chờ giặc ngột ngạt. Những giờ khói súng đen đầy rừng cây. Nhưng anh biết nơi thành phố thân yêu có em chia xẻ với anh nỗi rợn người đó.

    Anh biết tương lai anh mờ mịt. Anh biết em khổ sở, lo sợ những ngày xa anh, nhưng biết sao khi nghiệp dĩ của anh là làm bạn với núi rừng, với sình lầy nước ngập. Trung đội anh nằm riêng rẽ một khoảng đồng mênh mông, anh càng nhớ em thật nhiều.

    Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm giờ đầy lá vàng phải không em…


    Thành phố của chị bây giờ, người lô nhô, xe cộ lô nhô.

    Rời khỏi nhà từ sáng sớm, vượt qua được cây cầu, vượt qua hàng hàng lớp lớp xe và người dày đặc, chen chúc, tranh giành nhau từng tí chút đường đi để đổ xuống con dốc dẫn về phía bên kia chân cầu, tôi gần như đã không còn đủ sức để ngồi vững phía sau yên xe. Tôi gần như muốn ngã gục xuống trước khi đứng được ở trước sân nhà chị.

    Tôi nói với chị, tôi không hề cảm thấy được sự bình an ở thành phố này cho dẫu súng đạn đã thôi không còn hiện hữu hằng ngày, những vết dấu chiến tranh dường như cũng đã biến mất.

    Ở đây, lòng tôi lao chao như một bóng lá. Chị nói chị cũng lao chao.

    Tiền đồn buồn như hôm anh nhận lệnh hành quân. Anh đang nằm yên lặng để nghe tình yêu hóa thành máu chảy trong tim mình.

    Anh như giòng suối ngược nguồn. Bơ vơ tìm đến thời cổ sơ. Anh nhớ ở đâu đó khi một họa sĩ ngoại quốc vẽ về Việt Nam với một khu chợ và hàng rào kẽm gia vây bọc. Nếu anh vẽ, khung cảnh sẽ điêu tàn hơn một chút – khu rừng bốc cháy chỉ còn trơ lại cây cỏ nám đen, một vài vết đạn, bom cày sâu mặt đất, một con bò ốm đang ngơ ngác kiếm vài miếng cỏ xanh. Ở một góc rừng rực hào quang có hai người yêu nhau đang lấp lại hố bom mang cỏ non về và dựng lên nếp nhà bé nhỏ.

    Anh sẽ cố gắng tạo dựng hạnh phúc cho em và anh. Dù anh biết mình không đủ sức. Anh sẽ bằng hy vọng cuối cùng là tình yêu em để cho em khung trời hạ mà em mớ ước. Nơi đó chúng mình sẽ chỉ sống bằng tình yêu. Chúng mình sẽ lắng nghe tiếng chim ca hát. Vỗ về chú nai con với đôi mắt ngơ ngác của Lư Trọng Lư. Có đêm nào trong hiu hắt, em nghe tiếng anh thì thầm. Hãy nói cho anh nghe lời im lặng của thủy chung. Hãy hát cho anh triệu lần lời thánh ca của mật ngọt tình yêu.


    Lần nào tôi về tháng nào thành phố ấy, trời cũng nắng chói chang. Ngồi với chị trong căn phòng nhỏ nhìn ra bóng nắng đọng những giọt vàng trên hiên, chị bảo nơi đây, đàng trước kia, ngày xưa có những hàng cây, có những cụm lá rêu xanh. Và những nhánh cây, lá cỏ chứng kiến bước chân anh đến, giờ phút anh giã từ, bây giờ đã biến mất, đã thay vào đó bằng những ngôi nhà cao tầng làm con hẽm càng ngày càng chật hẹp.

    Tôi đùa với chị, sợ đến một lúc nào đó quá khứ cũng sẽ bị quên mất đi. Chị đáp, đến chị nhiều lần, chị sẽ ôn chuyện quá khứ cho, để mà nhớ.

    Chị nói thêm, chị sẽ ôn chuyện quá khứ cho tôi nghe vì chị sợ thế hệ sau tôi, sẽ không còn ai muốn nghe về anh, về những người như anh.

    Viết cho em buổi sáng, buổi chiều anh lại bị thương. Mảnh B40 còn trong vai nhưng anh chỉ nắm ở tiền đồn Sandra chờ vài hôm rồi tiếp tục những ngày gian nguy.

    Thư em đến như một đột ngột reo vui trong anh. Anh đọc thật nhiều lần giòng chữ thon mềm em viết để tìm thấy lần thứ một triệu kỷ niệm ngày đầu tiên anh đến với em.

    Anh nhớ ngày anh nhìn thấy giọt mồ hôi đọng trên trán em và bảo em “màu tím là màu thắm thiết của yêu thương”. Có một ngày anh đã đi qua khu rừng có vài trăm cây sim tím. Màu tím của hoa sim và trái sim làm anh nhớ em thật nhiều. Anh như thấy em cười và dịu dàng cài hoa sim tím lên tóc em. Anh hiểu là đã tạo khoảng sầu cho em vì chúng mình không chỉ xa nhau một lần hành quân này, mà trong đời anh còn bao nhiêu cuộc hành quân.

    Đêm xuống thật sâu và hàng cây yên ngủ. anh nhìn về Sàigòn thành phố có em đang bằng an yên ngủ. Đêm yên tĩnh và ngây thơ như tình yêu chúng mình. Anh biết tình yêu chúng mình làm em khổ nhưng anh biết làm gì khi cuộc sống của anh bấp bênh như nỗi chết như tiếng súng reo vang trong đêm.


    Anh nói với chị, không người nào cảm thông cho người lính nhảy dù. Những đêm di hành, những đêm vừa đóng quân muộn màng chưa kịp ngã lưng xuống võng, đã phải chồm dậy vì vài bóng địch quân xuất hiện đâu đó trên cánh đồng, thấp thoáng nơi bìa rừng. Những ước mơ của một thời chấp cánh, nhưng rồi những ước mơ đã héo khô đi như vệt máu héo khô trên vết thương còn âm ỉ dưới thịt da. Những dự tính dù bé bỏng cũng không bao giờ thành sự thật, những khao khát dù tầm thường -một lần về, hai mươi bốn giờ phép chóng vánh- cũng dễ dàng vuột mất khỏi tầm tay.

    Buổi chiều thật yên tĩnh. Nước từ sông Vàm cỏ Đông êm đềm chảy vào kinh Xáng. Đơn vị anh nằm biệt lập đã 15 ngày rồi. Lượng cỏ úa vàng chạy dài như nỗi nhớ về em. Mỗi sáng mỗi chiều anh thả niềm thương yêu xuôi giòng với với ước mơ chở chất về thành phố thân thiết của em.

    Nhận quà Tết của em. Gói quà bị xé trước khi đến tay anh. Anh đã đọc lời em viết trong rừng đầy vết bom cày xé. Một cây mai rừng ngơ ngác nơi anh nằm. Một không gian trùng màu tưởng nhớ đưa anh vào cơn mộng du ở đó có anh và em với con đường kỷ niệm của hai đứa mình. Sáu mốt ngày xa em khoảng thời gian làm chín muồi thương nhớ trong anh.

    Em yêu, một ngày nào đó mùa hạ có không về trong tâm tưởng của anh, anh cũng sẽ đưa em về vùng quê hương của anh một lần. Biển mùa hè với từng con sóng chất ngất vỗ vào mạn thuyền mặt trời buổi sáng và trăng đêm khuya.

    Thành phố em với xa hoa hào nhoáng có làm em buồn mỗi lần nghĩ đến anh. Thành phố đó có làm em âu lo mỗi lần nhìn trái sáng treo lơ lửng trên vùng trời Đức Hòa Đức Huệ. Hãy cầu xin cho ngày tháng thanh bình trôi qua trong ngày anh xa cách.

    Lính chiến như anh không có quyền hẹn ước. Anh sẽ về bất ngờ và anh đi như một cơn lốc. Em bảo rằng lời chúc an bình không có cho ngày anh giã từ nhưng anh đã thấy rồi, đọc rồi, bằng đôi mắt u uẩn của em, bằng cánh tay thẩn thờ trên khung cửa, bằng ánh mắt dõi theo…


    Quê hương anh, những hàng dừa cao chất ngất, núi non chập chùng, biển xanh biếc như màu xanh tình yêu và sông êm đềm như tiếng thở dịu dàng trên mái tóc. Thật lòng tôi cứ muốn theo chị về nơi ấy, đưa chị về nơi ấy. Nơi có ngôi mộ anh nằm lặng lẽ đâu đó, trong một góc vườn, một sườn đồi, hay một thung lũng nhỏ… Nơi anh thiết tha muốn đưa chị về, chỉ cho chị thấy trăng lên, hoàng hôn buông xuống. Nơi anh muốn cùng thả bộ với chị trên con đường xanh bóng lá. Và hẳn, nơi anh muốn cùng với chị xây dựng một mái nhà.

    Nhưng chị nói với tôi, chị không muốn đi, vì chị không bao giờ nghĩ rằng anh đã về vùng miên viễn. Trong chiếc hộp nhỏ chị đưa cho tôi xem, có hai huy hiệu cánh dù nhỏ, những lá thư anh gửi về từ chiến trường, một bao bìa thuốc lá, một chiếc hộp quẹt nhỏ như chứng tích anh hứa với chị sẽ không hút thuốc nữa. Và một chai dầu nhị thiên đường bé bằng ngón tay út. Chị nói với tôi, xem cho biết thôi.

    Xem cho biết. Tôi đã sững người cầm nắm từng vật trên tay. Ngẩn ngơ vuốt ve những phong thư đã ngả vàng. Ngẩn ngơ đặt những huy hiệu trong lòng tay. Và ngẩn ngơ nhìn chai dầu, ai đó đưa cho chị ngày chi đi nhận xác anh.

    Nhưng chị nói không phải là anh đâu, nằm trong poncho. Không phải là anh đâu, nằm trong quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ. Không phải là anh đâu, trên chuyến phi cơ anh cùng thân nhân bay về Trà Khúc.

    Chị nói không phải là anh đâu. Hoàn toàn không phải là anh đâu, vì anh bảo anh sắp về. anh sẽ kể cho chị nghe chuyện chiến trường, anh sẽ cài lên tóc chị đóa hoa sim tím, anh sẽ đến đón chị lúc tan trường. Và chị nói không phải anh đâu, vì đã hơn bốn mươi năm, vẫn có một người ở thành phố này chờ đợi bước anh về.

    Hoàng Nga


    *Chữ in nghiêng được trích từ thư của cố thiếu úy Nguyễn Trung Thành.

    (http://nguyennaman.wordpress.com)
    Last edited by Hoanghac; 04-12-2013, 10:08 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X