Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Người bạn già

Collapse
X

Người bạn già

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người bạn già


    NGƯỜI BẠN GIÀ.
    ***

    Kha Lăng Đa


    Mẹ tôi thường làm thuốc gia truyền, chữa bệnh ngoại khoa cho bà con láng giềng, nhứt là bệnh thiếu nhi. Tôi học được nhiều bài thuốc do mẹ tôi dạy như thuốc chữa bệnh lỗ tai có mủ, thuốc trị nha cam, trị bệnh sản hậu, trị vết lở vì bị “dời ăn”, trị bệnh nhức răng... Khi tôi từ trong tù được trả tự do, trở lại mái nhà xưa thì mẹ tôi đã gần tám mươi tuổi thọ, vậy mà mẹ tôi vẫn làm việc nhân đức như lúc mẹ còn trẻ. Mẹ thường sai tôi đi tìm các vị thuốc để mẹ bào chế ra thuốc nam, cứu người nghèo khổ bị lâm bệnh ngặt.
    Hôm nọ, mẹ tôi đi tìm cái móng chân heo đen (phải đen hoàn toàn mới được) để mẹ làm thuốc trị bệnh nhức răng. Bài thuốc này tôi nhớ nằm lòng vì nó chỉ có hai vị mà thôi: thứ nhất là móng chân heo đen đem đốt cháy thành than, tán nhuyễn ra thành bột, thứ hai là với một cục thanh phàn nhỏ (phèn xanh) cũng phi chín sốp và tán nhuyễn ra. Hai vị hòa lại, trộn đều là thành thuốc. Khi bị nhức răng, cứ lấy thuốc ấy nhét vào lỗ răng bị sâu ăn, sau vài phút sẽ hết nhức. Thuốc này không được nuốt vì thanh phàn là chất độc. Tôi quen chú Cáo lái heo nhờ bài thuốc chữa bệnh nhức răng của mẹ tôi dẫn lối. Tôi đến căn nhà sàn của chú Cáo bên bờ rạch, gần bến đậu ghe thuyền ở làng tôi. Chú ở nhà sàn vì chú nuôi nhiều heo để làm thịt, bán ở chợ hàng ngày nên cần nước mặn để tắm heo, mổ heo. Khi tôi ngỏ lời nhờ chú nếu có làm thịt heo đen thì hãy dể dành những cái móng chân loại heo ấy cho tôi.Chú ngạc nhiên hỏi:
    - Nị xin cái móng heo “len” để làm chi dzậy?
    Tôi trả lời cho chú biết công dụng của móng chân heo đen thì chú tươi cười, nói:
    - Ngộ cũng “pị” nhức dzăng hoài! Liệt dzồi, lể ngộ kiếm móng heo len cho nị. Nhờ nị chữa pịnh nhức dzăng cho ngộ lữa.
    Mấy ngày sau, tôi trở lại gặp chú thì nhận được nguyên bộ móng chân của một con heo đen. Tôi giữ lời hứa, chữa tuyệt căn bệnh nhức răng của chú. Chú hớn hở vui mừng, mời tôi nhậu một chầu thịt heo “mệt nghỉ” để đền ơn thầy thuốc. Trong lúc đối ẩm với chú, tôi đã viết bài cổ thi “Hoài Thượng Biệt Hữu” của Trịnh Cốc bằng chữ Tàu mà tôi đã học được cho chú xem. Hân hoan như lữ khách ngộ cố tri, chú hỏi gốc gác tôi có phải là người Trung Hoa không mà viết được chữ Tàu? Tôi trả lời chú trong hơi men chếnh choáng:
    - Ông ngoại của tôi gốc người Triều Châu sang Việt nam, võ nghệ cao cường, làm quản đốc cho đồn điền cao su Tịnh Biên ngày trước. Ông ấy họ Lưu, có lẽ thuộc dòng dõi của Lưu Bị đó chú!
    Chú cười rối rít:
    - Dzậy là mìn có pà con ló nị!
    Chú cụng ly tôi bốp chát rồi quơ đũa gắp lỗ tai heo luộc đút cho tôi ăn. Tôi biết chú Cáo về nhập tịch ở quê tôi sau thời gian Việt Cộng đánh đổ tư sản mại bản. Chú làm công cho một cửa hàng bách hóa ở Chợ Lớn, được chủ thương mến, cho chú một số vốn truớc khi tiệm lọt vào tay Cộng sản. Chú xa lìa cảnh phồn hoa đô hội của Sài Gòn để về vùng biển, sống bằng nghề lái heo và mổ heo. Tháng nào, chú cũng mướn ghe về Sài Gòn chở heo xuống bến nước làng tôi. Một số heo, chú bán lại cho khách hàng, một số chú xẻ thịt, đem bán tại thớt thịt của chú ở trong chợ. Chiều chiều, chú hay đến rủ tôi nhậu lai rai với chú, có khi tại nhà tôi, có khi tại nhà chú. Tình thân mến giữa tôi và chú ngày càng thêm sâu đậm.
    Biết chú thích ăn đồ biển, sau những chuyến ra khơi, tôi thường đem cua, ghẹ, tôm tích... đến luộc cho chú nhậu. Mấy lần trong tiệc nhậu, chú đã làm rớt tiền, rớt bóp, tôi nhặt được và hoàn trả lại cho chú. Sau này tôi mới biết chú muốn thử xem tôi có lòng tham hay không để chú đặt niềm tin và tình cảm cho tôi, một người bạn vong niên của chú. Tôi hiểu được người Trung Hoa có nhiều thủ đoạn trong thương mại, nhưng rất trọng chữ tín.
    Chuyện làm ăn của chú ngày càng thêm khấm khá. Chú đã mướn được một thanh niên có thân hình vạm vỡ, vai u, thịt bắp, tên là Mun để phụ giúp chú mổ heo hàng ngày. Chú đối xử với Mun rất tốt, thỉnh thoảng chú mời Mun nhậu với tôi và chú. Chú còn dạy nghề “đồ tể” cho Mun. Anh chàng thanh niên đen đúa này cũng khá thông minh, chẳng bao lâu, anh ta đã mổ heo một mình, khỏi cần “sư phụ” chỉ bảo nữa. Hôm nào nhậu say quá, hừng đông không dậy nổi, chú Cáo để cho đệ tử thay thế chú làm thịt heo còn chú thì nằm ngáy khò khò. Bà con láng giềng, ai cũng thương mến chú vì chú hay giúp đỡ người bị hoạn nạn. Biết được những sản phụ nghèo khó, chú thường đem thịt nạc đến cho người chồng và sốt sắng nói:
    - Lấy thịt nạc dzề cho dzợ ăn li!
    Bọn công an Việt Cộng thấy chú làm ăn phát tài nên la cà tới xin thịt heo, lòng heo về nhậu rồi lâu ngày chúng trở thành chai mặt, cứ bắt bén đến làm tiền chú Cáo nhiều lần. Đã thế mà chúng còn đánh thuế nặng vào lò heo của chú. Bọn kiểm dịch hay đến làm khó chú để dồn chú vào thế bí, phải đút lót tiền cho chúng. Chú hay đem chuyện bọn công an đem đến cho chú cái bánh vẽ “tự do, ấm no, hạnh phúc” để than thở với tôi những khi ngồi uống rượu:
    - Hồi chước đâu có như dzậy, bây giờ tụi ló ăn quá chời quá lất! Hèn chi người ta đi vượt piên hết dáo. Cây cột đèn li lược ló cũng li mà nị.
    Tôi chỉ biết an ủi chú mà thôi vì lúc đó tôi là “đối tượng chính trị” của chúng, tuy đã ra khỏi nhà “tù nhỏ” nhưng lại ở trong “ngục tù lớn” của “xã hội chủ nghĩa” cộng sản, như con cá đang nằm trên thớt, không biết chúng sẽ “chặt” hay “múm” tôi lại ngày nào. Tôi dùng hình ảnh con heo để ám chỉ bọn ăn bẩn nầy:
    - Chú Cáo đừng có buồn! Phải biết khôn mới sống được với
    đám “hạm heo” này. Thằng cán bộ nào cũng vơ vét của dân để làm giàu. Nó ăn từ “thượng vàng” đến “hạ cám” nên nó mập còn hơn con heo... nọc!
    Chú Cáo nhìn dáo giác chung quanh để coi có ai nghe lén không rồi đưa tay lên che miệng, nói với tôi:
    - Nị lói nho nhỏ, đừng có lói lớn, tụi ló nghe thì nị pị pắt ở tù!

    Chuyến đi mua heo ngày hôm đó, chú Cáo đưa từ Sài Gòn về nhà một cô nàng trạc ba mươi tám cái xuân xanh. (lúc ấy, người bạn già thân mến của tôi đã 57 tuổi). Dáng nàng cao khoảng một mét sáu mươi phân, gương mặt bầu bĩnh, mũi lân, đôi mắt mơ huyền như luôn ươn ướt, lông mày rậm ri rậm rịt và đen mướt, đôi môi hơi dày. Dung nhan của nàng đã bước vào mùa hạ, nhưng còn phảng phất một chút xíu mùa xuân. Nàng có thân hình lồ lộ và nổi bật những gò nổi, đường cong, thật đúng là “khuôn mông đầy đặn, nét đùi nở nang”. Nhìn nàng rồi nhìn chú Cáo, tôi bỗng lắc đầu, bất mãn. Chú thì lùn, khoảng một thước năm mươi tám phân, gương mặt hiền lành nhưng lại xấu... “lão”, tóc lởm chởm như rễ tre, tướng mạo phục phịch, bụng bự, hai cánh tay thì lớn mà bộ giò lại tong teo. Tôi lo sợ hiểm họa sẽ đến với chú, nếu chú không bị “mọc sừng” thì theo năm rộng tháng dài “trả bài” không thuộc, cứ bị “again” hoài thì chú Cáo của tôi chắc sẽ bị... “lột dên”!
    Hôm nàng về với chú, chú đã làm tiệc đãi tôi, đệ tử Mun của chú và bà con láng giềng. Chú giới thiệu với mọi người nàng ấy tên Mít, là vợ của chú. Chà! Hèn chi mới gặp gỡ lần đầu mà chú Cáo đã ngất ngây hồn vì cái mùi mít chín (không biết mít khô hay là mít ướt?!) Khi khách khứa đã ngà ngà say, từ giã chủ nhân để ra về, chỉ còn tôi và chú đối ẩm thì chú mới thuật lại chuyện “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” cho tôi nghe:
    Đêm ấy chú Cáo đi chơi với bạn bè ở Chợ Lớn về, xuống ghe heo, nằm nghỉ để sáng sớm cho ghe tách bến. Bỗng có một nàng, đầu tóc rối bù, mắt đầm đìa ngấn lệ, từ trên cầu tàu của Bến Bạch Đằng, chuyền qua hai chiếc ghe đậu cặp nhau ở phía trong, leo qua chiếc ghe heo của chú Cáo, toan nhảy xuống khoảng sông nước bên ngoài để.. tự tử. Có người trên bến tri hô lên:
    - Hãy bắt cô đó lại, cổ nhảy xuống sông tự tử đó bà con ơi! Chú Cáo ngồi bật dậy như cái lò xo, kịp lúc nàng vừa “thủ bộ” nhảy xuống sông. Chú ôm lấy nàng từ phía sau cái eo ếch của “khách hồng nhan”. Nàng vùng vẫy mạnh quá khiến chú Cáo và nàng té ngửa ra sàn ghe. Nàng vừa khóc vừa nói:
    - Buông tôi ra! Để cho tôi chết!
    Chú Cáo thở hổn hển, năn nỉ nàng:
    - Nị lừng có chết, có chiện gì puồn lể ngộ giúp cho.
    Những người trong ghe heo đến phụ chú Cáo ngăn cản và khuyên lơn nàng hãy bỏ ý định quyên sinh. Đến khuya nàng mới nguôi ngoai nỗi buồn “chết người” và nhận lời mời của chú Cáo lên bờ để đến một quán ăn.
    Đêm đó, chú Cáo không trở xuống ghe heo để ngủ mà cùng nàng Mít “xe mối tơ duyên” ở một khách sạn. Chú Cáo được biết nàng Mít bị chồng phụ bạc nên quá đau khổ, tìm xuống Bến Bạch Đằng, định đi chầu “Hà Bá” để kết liễu đời hoa bạc số. Riêng tôi cứ mãi băn khoăn, lo lắng cho chú Cáo bị nàng Mít “dàn cảnh” để trở thành bà chủ lò mổ heo, tha hồ mà “bắt địa” chú Cáo. Chú Cáo sẽ trở thành “thằng Lãnh” như trong tuồng cải lương “Thằng Lãnh bán heo”
    Chỉ một thời gian ngắn về làm vợ chú Cáo, nàng Mít được chú “tân trang” quần nầy, áo nọ, đẹp và hấp dẫn như... con gái hơ hớ đào tơ!. Nàng đeo vàng đỏ tay, đỏ cổ. Thấy nàng biết chiều chuộng, săn sóc cho chú Cáo và tiếp đãi tôi rất nồng hậu, tôi cũng mừng thầm và tự trách mình nghĩ “bậy” cho nàng.
    Chú Cáo vẫn lên xuống Sài Gòn để mua heo về. Anh chàng Mun vẫn thay thế chú làm heo vào buổi hừng đông khi chú Cáo chưa về. Bỗng, ngày 28 Tết năm ấy, tôi đến thăm chú khi biết chú về tới nhà lúc 3 giờ khuya thì thấy chú nằm buồn rũ rượi. Thấy tôi đến, chú uể oải bưng đĩa thịt bê thui mà chú đã ướp lạnh từ Sài Gòn đem về và một chai rượu “Ngũ gia bì” đặt lên cái bàn quen thuộc rồi mời tôi nhậu với chú. Tôi nhìn chú để dò xét vì chú hôm nay có vẽ khác lạ quá, không vồn vã tiếp đón tôi nữa mà mặt mày ủ dột, đôi mắt lại đỏ hoe như vừa mới khóc. Tôi đoán chú đã gặp chuyện không may nên vội hỏi:
    - Có chuyện gì xẩy ra khiến chú buồn quá vậy?
    Chú tâm sự với tôi là chuyến lên Sài Gòn vừa qua chú gặp chuyện rất xui xẻo. Chú bị đám “anh chị” dụ dỗ, mời chú nhậu sần sần rồi cho chú coi phim ... “con heo” (đúng là lái heo khoái phim con heo). Sau đó chúng “biệt phái” cho chú một nàng có “tay nghề” thần sầu quỷ khốc đưa chú lên tận đỉnh vu sơn. Qua trận “mây mưa”, chú Cáo bải hoải tay chân, tưởng chừng như mình đã dốc cạn hết...”xí quách”, nằm ngủ quên lúc nào cũng không hay. Thế là chú bị con quái nữ ấy lột sạch hết dây chuyền, cà rá, đồng hồ và lấy của chú hết 1.500.000 đồng tiền mặt đựng trong bóp. Khi chú tỉnh dậy thì nàng đã cao bay xa chạy rồi! Chú buồn thảm nói tiếp:
    - Cũng may, ngộ gởi hết 15 triệu đồng cho pạn ngộ giữ, ngộ chỉ pỏ túi gần một triệu rưỡi để xài. Lếu ngộ lem theo 15 triệu lồng thì chết cha ngộ dzồi!
    Tôi vừa thương hại vừa tức cười cho chú nên buông lời trách móc:
    - Ai biểu chú già rồi mà còn thích coi phim “con heo”. Người miền Nam gọi “phim con heo” là “phim nghèo”, vì tài tử đóng phim “không có quần áo để mặc”. Chú lại khoái coi “phim nghèo”, chút xíu nữa là chú đã trở thành... nghèo thật sự rồi.
    Chú Cáo bẻn lẻn biện hộ:
    - Liền ông mà nị, ai mà không thích cái ló, ngộ biết nị cũng thích cái ló mà nị không dám lói thôi.
    Bỗng tôi nhớ đến “thím” Mít nãy giờ vắng mặt nên thắc mắc, hỏi chú:
    - Thím Mít đâu rồi, chú?
    Vẻ mặt chú bỗng sa sầm rồi chú lắc đầu, tặc lưỡi, kể lại chuyện nát lòng vừa xảy ra trong cái tổ ấm của chú. Ghe heo về lúc một giờ khuya bị mắc cạn ngoài vàm vì thủy triều đang ở con nước ròng, chú phải đợi đến con nước lớn, ghe heo mới vào đậu bến lúc 3 giờ khuya. Chú vừa về đến nhà thì nghe có tiếng của một người đàn ông đang nói chuyện rù rì với nàng Mít. Nàng thì nói như đang bị sốt rét lên cơn, thỉnh thoảng giọng nói bị đứt quảng và xít xoa như bị... đứt tay chảy máu! Sinh nghi, chú len lén nhìn qua kẽ vách, thấy chàng Mun đang đóng “phim con heo” với nàng Mít. Chú cảm thấy xây xẩm mặt mày, đau nhói trong tim. Chú đi vòng ra sau bếp, lấy con dao thọc huyết heo, định xông vào buồng, đâm “xỏ sâu” đôi gian phu, dâm phụ. Nhưng, chú chợt khựng lại vì chú sợ bị ở tù. Chú cố giằn cơn phẩn uất và hét lên:
    - Đồ phản pội, tụi pây li hết li!
    Hai kẻ tội lỗi thất kinh hồn vía, vội mặc quần áo, leo qua cửa sổ, kéo nhau chạy mất. Thì ra sự nghi ngờ của tôi đối với nàng Mít quả không sai.
    Chắc là lúc chú Cáo theo ghe lên Sài Gòn chở heo về, thằng Mun ở nhà đã bẻ trộm “trái mít chín mùi” của chú. Đêm đêm vào lúc 3 giờ khuya, Mun đến nhà chú Cáo mổ heo. Có lẽ nàng Mít “động tình xuân”, thức dậy, bẹo hình, bẹo dạng trước mặt thằng Mun nên nó cầm lòng không nổi vì mùi “mít chín” của nàng tỏa ra như hương hoa dạ lý nở giữa canh khuya. Cơ hội quá thuận tiện cho Mun chiếm được “mục tiêu” là những ngày chú Cáo vắng nhà. Chẳng lẽ “cám treo để heo nhịn đói” nên thằng Mun đành... phản chủ.
    Chú Cáo bị nàng Mít “cắm sừng” vào một ngày cuối năm. Tết năm ấy, chú nhậu với tôi đến lúc “xỉn” nằm lăn trên nhà mới thôi. Chú than thân, trách phận:
    - Năm dzồi ngộ xui quá, làm ăn liệt mà bị dzợ pỏ. Ngộ thiệt là dô phần. Phải chi nhà lước cho phép lốt pháo, ngộ sẽ lốt dây pháo dài mười thước lể lủi cái xui dza khỏi nhà ngộ.
    Tôi phê bình chú:
    - Xui xẻo một phần cũng tại chú quên lời dặn của tiền nhân: “Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng”. Chú là lái heo mà chú lại không nhớ câu ấy. Chú hoàn toàn không biết gốc gác của “trái mít chín” ngoài đường mà dám ôm nó về nhà để rồi nó biến thành quả bom nổ cái “ầm”, văng miểng tùm lum.
    Chú Cáo nhăn mặt, nói:
    - Ngộ lâu có ngờ, ngộ lái heo mà dzợ ngộ lại pị heo láy!
    Vì giọng nói lơ lớ của chú nên tôi không phân biệt được chú nói “heo lái” hay là “heo lấy”. Nhưng xét theo ý nghĩa thì cả hai chữ đều đúng. Chữ “heo lái” nghĩa là bị thú tính lôi cuốn sa vào tội lỗi, còn chữ “heo lấy” có nghĩa là bị heo.. “make love”. Chú kể lể cách đối xử của chú đối với Mun như bát nước đầy mà nó nỡ lòng nào lấy vợ của chú. Như vậy, thằng Mun còn thua cả con heo.
    Sau Tết, chú bị cảm rất nặng. Chú nằm vùi mấy ngày liền, tôi phải nấu cháo cho chú ăn, nấu nồi nước xông và mua thuốc chữa bệnh cho chú. Trong cơn sốt mê man chú gọi tên nàng Mít nghe rất bi thương như tiếng con nhạn lạc đàn giữa đêm sương lạnh. Khi lành bệnh, chú thố lộ với tôi là chú còn yêu nàng Mít. Chú ao ước có một tấm hình của nàng Mít để chú ngắm cho đỡ nhớ.
    Một hôm, chú vui mừng nhận được thư của một người bạn thân ở Chợ Lớn gởi đến, mời chú về hợp tác mở tiệm bán thịt heo quay và vịt quay. Chú Cáo nhận lời và chuẩn bị rời xa tôi để trở lại thành đô náo nhiệt mà trước kia chú đi trốn lánh nó. Tôi nghe nỗi buồn dâng lên như con nước lớn trên bến quê nhà khi sắp xa một người bạn già đã hết lòng mến thương tôi. Chú cho tôi đồ đạc trong nhà, thứ gì tôi thích thì cứ mang về nhà xài. Tôi nói với chú tôi không cần, để cho chú bán lấy tiền làm vốn buôn bán với bạn chú. Tôi chỉ nhận một món quà kỷ niệm của chú, đó là bức tranh Tàu vẽ hình “Câu Tiễn Việt vương” đang “nằm gai nếm mật” để nhớ niềm quốc hận.
    Trong bữa tiệc từ ly, tôi và chú đã cụng ly nhau, uống đến say mèm vẫn chưa chịu thôi. Chú biên địa chỉ mới của chú cho tôi và dặn dò:
    - Dzợ chồng nị có li Sài Gòn nhớ tới thăm ngộ. Lếu con Mít ló có dzề tìm ngộ thì nhờ nị chỉ ló lên gặp ngộ.
    Tội nghiệp cho chú, đến bây giờ mà chú vẫn không quên nàng Mít. Có lẽ cái mùi mít chín luôn luôn phảng phất trong cuộc đời chú, như người ta thường nói “Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”. Hèn chi có những lần tôi ngồi nhậu với chú, nghe cái casette của nhà bên cạnh đang mở bản nhạc “Lý chim quyên”:
    -” ..Lia thia quầy, quen chậu quây. Vợ.. ớ.. ơ.. chồng! vợ ..ớ..ơ..chồng, ơi! con bạn quen hơi…”
    Chú Cáo khoái chí nói:
    - Pản nhạc lầy hây ló nị.
    Nửa năm sau, khi chú Cáo về ở đường Tạ Uyên ở Chợ Lớn để làm ăn lớn, tôi nhận được tin tức về nàng Mít và anh chàng Mun.
    Nhân chuyến về Sài Gòn làm hồ sơ để xuất cảnh sang Mỹ theo diện HO, tôi ghé thăm chú Cáo. Chú mừng rỡ, ôm chầm lấy tôi, giới thiệu tôi với vợ chồng người bạn Tàu đang hùn hạp buôn bán với chú rồi nhanh chóng bày tiệc nhậu để thết đãi tôi. Bạn của chú Cáo uống hai ly rồi xin phép phụ giúp vợ bán hàng, còn tôi và chú thì ngồi cụng ly, uống những ly rượu tái ngộ đậm đà tình nghĩa.. Chú hỏi thăm vợ con tôi, hỏi thăm chừng nào gia đình tôi được đi Mỹ. Sau hết chú hỏi thăm tin tức của nàng Mít. Tôi chợt nhớ chuyện của đôi gian phu dâm phụ mà tôi vừa biết được. Tôi phân vân không biết có nên kể cho chú nghe hay không, vì sợ chú sẽ buồn khi biết người mà chú yêu gặp chuyện chẳng lành. Nhưng nếu tôi giấu diếm thì cả đời chú không quên được con người đã phản bội chú. Thà rằng tôi kể ra sự thật mà giúp chú quên hẳn nàng Mít, dù khi nghe tin, chú sẽ đau lòng, thương tiếc người bạn tình “đầu ấp, tay gối” của chú trước kia, nay không còn nữa. Tôi chậm rãi kể:
    - Thím Mít và thằng Mun dẫn nhau qua Vũng Tàu. Hai người mướn nhà ở Bến Đá, gần Thích Ca Phật đài. Thằng Mun đi làm công cho một người chủ vựa cá. Thím Mít chỉ làm việc nội trợ mà thôi. Thời gian làm việc của Mun tùy thuộc vào thuyền đánh cá cập bến ban đêm hay ban ngày. Có khi Mun về nhà lúc canh khuya hay vắng nhà một đêm vì phải đi với chủ, theo xe chở cá ướp lạnh lên Sài Gòn.
    Hôm ấy, Mun nói với Mít là sẽ đi theo chủ đến trưa ngày hôm sau mới trở về nhà. Bất ngờ người chủ đổi ý định, không cần Mun đi theo nữa. Mun về tới nhà, trời vừa tối thì bắt gặp nàng Mít đang ân ái với một chàng trai lạ. Không kềm hãm được cơn nóng giận, và ghen tức đang bốc lên như lửa cháy, Mun đã lấy con dao phay đâm chết cả đôi trai gái gian dâm. Thằng Mun đã bị cầm tù.
    Tôi vừa kể xong câu chuyện thì chú Cáo không cầm được nước mắt. Tôi an ủi chú:
    - Thôi, chú đừng có buồn nữa, hãy lo kiếm vợ khác để làm ăn. Nàng Mít không xứng đáng với chú đâu.
    Chú gạt lệ rồi rót ruợu thêm cho tôi. Chú nói một câu nghe rất... chung tình khiến tôi càng thêm thương mến chú vì chú là người đại lượng, bao dung, hiếm có trên cõi đời nầy:
    - Dù sao con Mít cũng là dzợ của ngộ, “nhứt nhựt phu thê hề pá dạ ân” mà nị.

    KHA LĂNG ĐA
    ( Hoa Hướng Dương )


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X