Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chú rể KQ của xứ biển

Collapse
X

Chú rể KQ của xứ biển

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chú rể KQ của xứ biển

    CHÚ RỂ KQ. CỦA XỨ BIỂN
    *** Kha Lăng Đa


    Hôm ấy, trên đường đi đến bến đậu phi cơ của Phi Đoàn 122, tôi bỗng chú ý đến một cô gái trông rất quen. Nàng đi với một chàng Chuyên Viên Không Quân. Nàng cũng nhìn tôi như cố nhận ra người quen. Sau giây phút ngỡ ngàng, tôi nhận ra nàng là cô Bên ở cùng quê với tôi và cũng có... liên hệ bà con với tôi theo lời người anh cả của tôi, khi tôi còn đi học ở trường làng.
    Tôi chưa dám chào hỏi cô Bên vì sợ mình nhìn lầm người. Thế rồi, tôi lại tiếp tục bước đi. Hôm sau, tôi hỏi một đứa cháu ở Liên Đoàn Phòng Thủ mới biết người con gái ấy đúng là cô Bên. Nàng nầy ngày trước ở tuổi “trăng tròn lẻ”, là một cô thợ may, đẹp và giống nữ ca sĩ Tuyết Minh như hai chị em song sinh.
    Lần sau, gặp lại cô Bên và anh chàng KQ. kia, tôi mới chào hỏi và được biết anh ấy tên là Ninh, quê quán ở Bà Rịa, học Trường Trung Học Châu văn Tiếp và cũng là Hướng Đạo Sinh nữa. Động lực khiến Ninh gia nhập Không Quân vì biến cố Tết Mậu Thân, VC mở cuộc tổng công kích vào tỉnh thành. Sau khi VC rút lui, anh và bè bạn Hướng Đạo Sinh đã tham gia khiêng xác của dân chúng bị lũ vô thần thảm sát ở những nơi công cộng như chợ búa, đền chùa và rạp hát...Vì sự ưu tư trước cơn quốc biến và hoàn cảnh gia đình không khá giả lại có đến 13 anh em nên Ninh quyết định xếp bút nghiên để nhập ngũ tòng chinh.
    Ninh dự tính sẽ nộp đơn xin gia nhập Không Quân vào năm 1970. Lúc đó, “Quân Chủng Hào Hoa” đã nhận 1.400 đơn và cần tuyển 300 khoá sinh, hết hạn nộp đơn vào ngày 15-4. Trong lúc đó, trại Trần Nguyên Hãn đang tuyển Hạ Sĩ Quan Truyền Tin, đã nhận 400 đơn, nhưng chỉ tuyển 100 khoá sinh mà thôi và hết hạn nộp đơn vào tháng 11 năm đó. Ninh có vóc dáng ốm yếu nên lúc nộp đơn dự tuyển, không hy vọng gì được vào Không Quân. Anh nghĩ nếu không vào được Không Quân thì sẽ dự thi vào học Khoá Hạ Sĩ Quan Truyền Tin, nhưng may mắn thay! Ninh được Không Quân chọn lựa.
    Sau khi học xong phần Quân Sự, Ninh được định nghiệp học Khoá Kế Toán Tiếp Liệu tại Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật và Tiếp Vận Không Quân. Tháng 2 năm 71, Ninh ra đơn vị đầu tiên là Không Đoàn 72 Chiến Thuật ở Pleiku. Nơi đây, có người anh cả của Ninh là anh Trần Diễn, làm Văn Thư cho Trung Tá Võ Ý (tức Nhà Thơ Võ Ý) - Trưởng Phòng Kế Hoạch. Do đó, Ninh quen được anh Ý và nhiều sĩ quan khác thuộc Liên Đoàn Tác Chiến. Ninh và anh Trần Diễn - biệt danh là “Diễn kiwi” - cùng những người bạn làm chung phòng với anh, ăn, ở trong cái “barrack” nhỏ phía sau Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Tác Chiến. Ninh phục vụ trong Đoàn Điều Hành thuộc Liên Đoàn Tiếp Liệu, vì quân số thiếu, Ninh được giữ chức vụ Trưởng Ban Cấp Phát Vật Liệu Một Đổi Một, trách vụ của một Trung Úy với cấp số đủ.
    Đối với tôi, anh Võ Ý như người anh cả khi tôi còn phục vụ tại Phi Đoàn 114 và thường đi biệt phái miền cao nguyên với anh nên có rất nhiều kỷ niệm buồn vui. Bây giờ giữa anh Ý, Ninh và tôi lại có mối dây thân ái ràng buộc.


    Ở xứ Thượng đìu hiu có núi Hàm Rồng nằm hớ hênh như trêu cợt khách phi hành trong những chiều thi hành xong phi vụ, về đáp xuống phi trường Cù Hanh vương đầy bụi đỏ. Những chiều lạnh lẽo, sương mờ phủ che rừng núi điệp trùng. chàng lính trẻ xa nhà bỗng thấy cô đơn khi nghe Duy Khánh rên rỉ qua nhạc phẩm “Kẻ ở miền Xa”. Ninh tìm vui qua đường dây điện thoại tán gẫu các cô ở Tổng Đài Tiger (toạ lạc tại đường Công Lý, gần Trường Marie Curie). Lúc ấy cô Bên hay trực Tổng Đài. Ninh thường qua văn phòng của nhà thơ Võ Ý để gọi nhờ điện thoại về Sài Gòn. Qua mấy lần liên lạc, Ninh và Bên đã yêu nhau. Đường dây điện thoại đã trở thành dây tơ hồng ràng buộc hai người quyết cùng nhau kết mối lương duyên. Ninh đã về Xứ Biển Cần Giờ gặp gia đình Bên mấy lần, rồi hai người đã thành chuyện trầu cau.
    Đó là khúc phim quay lại chuyện nguyệt lão đã khiến anh lính hào hoa trở thành chú rể của miền biển mặn quê tôi, trong khi tôi sinh ra ở nơi nầy lại phiêu bạt ra miền Trung là làm chú rể của xứ Quảng Ngãi có kẹo mạch nha, kẹo gương và núi Ấn, sông Trà. Ngày mà Ninh và Bên gặp tôi lần đầu tiên là lúc Ninh thuyên chuyển về Sư Đoàn IV Không Quân sau 2 năm ở miền cao đất đỏ Pleiku và anh cùng hiền thê phụ trách bán Câu Lạc Bộ Liên Đoàn Tiếp Liệu qua sự đồng ý của Liên Đoàn Trưởng, Trung Tá Trần Hữu Phước.

    ***

    Mấy hôm gần đến ngày quốc hận đau thương, phi trường Trà Nóc bị VC pháo kích ban đêm, đạn rớt vào cư xá Thanh Diệp gần căn nhà của tôi và vợ con đang cư trú khiến người thầy cũ của tôi là Trung Tá Trương Hữu Hạnh – Giám đốc Trung Tâm Hành Quân Không Trợ IV bị thương. Hôm sau, vợ tôi lo sợ quá mới năn nỉ tôi tháp tùng vợ chồng người bạn đồng nghiệp, lên Long Xuyên ở trọ nhà người quen để tránh pháo kích. Tôi đưa vợ tôi đi tị nạn rồi trở về đơn vị ứng chiến. Đến giờ phút xảy ra biến cố đau thương của đất nước, tôi lên Long Xuyên cùng với một người bạn bằng chiếc L.19 của Phi Đoàn 112 nằm ở bến đậu gần sân cờ của SĐIVKQ, chỉ còn nửa bình xăng bên cánh trái. Tôi gặp lại vợ con tôi và bị kẹt lại đó một đêm. Sáng hôm sau, tôi đưa vợ con tôi về Cần Giờ để họ nương tựa gia đình của mẹ và anh, chị, em tôi vì lúc đó, tôi chưa biết số phận mình sẽ ra sao.
    Tôi phải dầm mưa dãi nắng, đi dốn củi trong rừng, chèo ghe ra biển, lặn bắt sò để mưu sinh cho gia đình. Bỗng Ninh cũng theo vợ về xứ biển nghèo nàn nầy. Họ đến thăm gia đình tôi trong nỗi vui mừng và lo âu. Gia đình cô Bên ở trong Xóm Rẫy, cách nhà mẹ tôi khoảng 4 cây số. Chúng tôi chưa kịp bàn tính với nhau phải ứng biến với hoàn cảnh thế nào thì tôi phải vào trại tù Thanh Hoá - Hố Nai 3, còn Ninh vì không tìm ra cách sinh sống ở miến biển mặn quê tôi nên đưa vợ và 3 đứa con về nguyên quán của Ninh ở Bà Rịa. Từ đó, tôi và Ninh không biết tin nhau nữa.

    Qua 7 năm bị đoạ đày trong trại tù của cộng sản, tôi được chúng trả tự do vào tháng 7 năm 1982. Tôi về sum họp với vợ con tôi ở xã Xuân Tâm, Quận Xuân Lộc, Tỉnh Đồng Nai, gần khu Rừng Lá trên quốc lộ 1, đường đi Phan Thiết. Trong những năm tháng tôi bị giam cầm trong ngục đỏ, vợ tôi phải truân chuyên, khổ nhọc, dày dạn gió sương để nuôi đàn con thơ dại nên lúc trở về đời, tôi phải thay thế vợ tôi đi bán than một thời gian để vợ tôi ở nhà nghỉ ngơi, săn sóc các con. Nhưng. những chuyến xe chở than của tôi từ Căn Cứ 3 vào Sài Gòn bị các trạm kiểm soát của công an tịch thu hết. Chúng sỉ vả tôi buôn lậu lâm sản. Bị dồn vào thế cùng, tôi phải đi phá rừng làm rẫy “chuôi” để tạo ra lúa gạo, khoai, sắn... nuôi sống gia đình. Để cho kịp vụ mùa, tôi phải cuốc đất trong những đêm trăng sáng vì mùa nắng, ban ngày rất nóng bức.
    Có lần chị tôi ở Cần Giờ lên thăm tôi, chị cho biết tin Ninh cùng vợ con đã vượt biển và đã đến Úc Châu an toàn. Tôi rất vui mừng vì Ninh và “bầu đoàn thê tử” đã may mắn đến được bờ bên Tự Do, thoát khỏi ách thống trị độc tài, bần cùng hoá nhân dân, trong xã hội chủ nghĩa đầy dẫy áp bức, bất công, quyền sống của con người bị chà đạp, thủ tiêu. Ngày đêm, tôi mơ ước, cầu nguyện được như Ninh
    Sau khi đất đai khẩn hoang của tôi và nhân dân lao động của xã Xuân Tâm bị VC tịch thu để trồng cây bạch đàn, tôi quá phẩn uất, đưa vợ con trở về miền biển mặn quê tôi để sinh sống. VC không cho phép tôi hành nghề trên biển bằng ghe thuyền, tôi phải lặn lội dọc theo bờ biển ban đêm để đẩy “te” bắt tôm cá nhỏ. Căn nhà “ổ chuột” của tôi nằm sát bở biển quê hương, vách không đủ kín để che gió chướng, mái dột tơi bời, ban đêm ngữa mặt nhìn lên trời thấy sao lấp lánh. Tôi trở về đây mang kiếp nghèo xơ xác, đau thương như “Hàn Mạc Tử xuôi về quê cũ giấu thân nơi nhà hoang...”
    Khi những trại tập trung người vượt biển ở các nước láng giềng đóng cửa, không nhận thuyền nhân nữa, VC mới cấp giấy cho tôi hành nghề trên biển và khi ấy, tôi đã hoàn tất thủ tục xin đi dịnh cư trên đất nước Hoa Kỳ theo diện Cựu Tù Nhân Chính Trị của VNCH mà người ta thường gọi là Diện HO. Bỗng một hôm, khoảng cuối năm 1989, sau chuyến đi biển, tôi được tin vợ chồng Ninh về VN để thăm thân phụ của anh đang hấp hối vì bệnh ung thư phổi. Tôi biết được họ về chỉ trong 2 tuần rồi sẽ trở lại Úc Châu để quản lý công việc làm ăn cho mấy đứa em kịp về nhìn mặt cha già lần cuối. Ninh đến tìm vợ chồng tôi, nhưng tôi đi vắng. Ninh nhắn tôi đến nhà cha mẹ vợ của anh ở Xóm Rẫy để gặp nhau.
    Trong nỗi hân hoan tay bắt, mặt mừng với 2 người bạn cũ, tôi nghe buồn tũi ngập lòng. Họ cho tôi tiền và an ủi tôi sẽ có ngày “bỉ cực thới lai”. Tôi thử mời họ đến gian nhà rách nát của tôi xem họ có đến hay không? Ninh và Bên nhận lời và đêm ấy vợ tôi làm gỏi cuốn với tôm biển để mời Ninh uống rượu với tôi. Biết tôi nghèo, Ninh tế nhị nói rằng anh chỉ thích uống rượu thuốc. Tôi vào tiệm thuốc Bắc mua một bầu rượu thuốc đặc biệt gần 2 lít - loại rượu mà ông chủ tiệm người Hoa quảng cáo: "Nị uống dzô, tối nay piết liền!" Tôi mời người anh cả của tôi cùng ngồi uống với tôi và Ninh. Cô Bên thì trò chuyện với vợ tôi.
    Ninh kễ cho tôi nghe, khi ở Cần Giờ trở về Bà Rịa, mướn nhà cho vợ con cư trú và làm đủ nghề, từ thợ nhuộm, đến làm rẫy, trồng thuốc lá, làm nấm rơm... Đến Trung Thu năm 1978, nhờ Trời ban phước, Ninh mua nhiều bánh, lồng đèn từ Sài Gòn về bán và được kiếm được tiền lời khắm khá. Ninh mua đứt luôn gian nhà đang mướn dù giá mắc gấp đôi - một triệu bạc - vì thấy ở nhà đó hợp với mình và làm ăn phát đạt. Ninh lại được thân phụ hướng dẫn cách rang cà-phê hột và làm dấm Tây, vô chai, bỏ mối cho nhiều tiệm nên công việc mưu sinh ngày càng phát triển.
    Đến năm 1981, va chạm với thực tế, nhận thấy ở xã hội VN, con cái khó mà thành đạt và chen chân vào xã hội để làm việc được vì sự phân biệt đối xử của chính quyền CS nên Ninh có ý định dưa vợ con vượt biển tìm Tự Do. Qua công việc hành nghề trên tuyến đường từ Bà Rịa đến Phú Mỹ dọc theo quốc lộ 15, Ninh biết được nhiều tổ chức vượt biên, nhưng với nhân số của gia đình Ninh – 9 nguời, phải chia làm 2 tốp, họ lại đòi giá cao. Ninh nghĩ nếu đi 2 chuyến khác nhau, biết có được gặp lại nhau không?! Mang nặng nỗi ưu tư nầy, Ninh quyết định mua ghe để cho cả gia đình cùng đi, sống chết có nhau.
    Đầu năm 1982, thấy có một chiếc ghe công an VC mới bắt được của người vượt biên, máy một, Đầu Bạc, Yanma, còn mới. Ninh chạy chọt để mua hoá giá. Kết cuộc, chúng chịu bán cho Ninh với giá 7 cây vàng, nhưng làm giấy tờ chỉ 6 cây thôi. Bọn chúng thừa biết Ninh mua ghe để vượt biên, nhưng vẫn bán để canh chừng, theo dõi mà bắt tiếp. Sau đó, họ bám sát Ninh rất ngặt, nhứt là tên Trưởng Phòng Chấp Pháp, nhưng trong đám công an nầy, Ninh có đăt được tình báo. Ninh đã đấu trí với tên Trưởng Phòng nhiều phen và hắn bị Ninh cho vào xiếc. Riêng gia đình Ninh thì chuẩn bị trong tư thế sẳn sàng, bất cứ lúc nào cũng có thể ra đi được.
    Đến mùa Trung Thu năm 1984, có tin báo cho Ninh biết là tên Trưởng Phòng sẽ về Biên Hoà khoảng một tuần lễ để học tập. Ninh quyết định trong tuần lễ đó phải nhanh chóng thoát thân. Hôm ấy, cả gia đình Ninh xuống ghe và xuất phát từ Bến Súc ở Cát Lở - Rạch Dừa. Trong chuyến đi nầy, ngoài vợ con Ninh gồm 8 người còn có thêm 6 đứa em của Ninh và 1 đứa em vợ. Trên đường đi ra khơi, bị Tập Đoàn Đánh Bắt Tiền Giang rượt bắt, nhưng rồi chúng thả cho đi, sau khi đã vơ vét tất cả những gì quý giá trên ghe. Ghe của Ninh dến được dàn khoan dầu ngoài khơi Indonesia vào rạng ngày 17 tháng 9 năm 1984, nhằm ngày 22 tháng 8 Âm lịch, sau 76 giờ lên đênh trên biển. Mười một tháng sau, gia đình Ninh đến Úc Châu ngày 10 tháng 9, trên chuyến bay cất cánh từ Singapore.
    Tôi được biết vợ chồng Ninh đã gầy dựng được một xưởng may để nuôi sống gia đình. Ninh được kết hợp với anh em toà soạn Đặc San Lý Tưởng của Không Quân Úc Châu. Nghe Ninh kễ về đời sống ấm no, hạnh phúc ở đất nước Tự Do mà tôi thèm thuồng, mơ ước ngày nào được cùng vợ con bước chân lên máy bay, đi định cư ở Hoa Kỳ. Càng uống càng thấy rượu ngon, có lẽ vì tôi được đối ẩm với người tri kỷ. Dân Việt kiều về nước mà ăn nhậu với một thằng bạn nghèo xơ nghèo xác, đến nỗi không có bàn để dọn thức ăn đãi khách mà phải dùng cái sạp và ghế thấp như ở “chợ chồm hỗm”. Lúc nầy, Ninh đã phát tướng, ngồi ở tư thế gò bó hồi lâu, chắc bị tức bụng lắm! Vậy mà Ninh còn ca hát nổi mới hay chớ! Người anh cả của tôi ít nói, chỉ ngồi lầm lì uống rượu, nghe tôi và Ninh nói chuyện. Lâu lâu, anh mới xen vào đôi câu. Lúc tửu hứng, tôi và Ninh đã đồng ca bản “Không Quân Việt Nam Hành Khúc”. Tiếng ca hoà trong tiếng sóng biển vỗ rì rào sau nhà. Nếu tên công an khu vực nghe được bài ca ấy, chắc nó sẽ “chụp mủ” chúng tôi là phản động (Giờ đó, chắc nó cũng nhậu say và ngủ vùi rồi!) Đêm ấy, khi vợ chồng Ninh và anh tôi ra về, tôi nằm trằn trọc mãi, không ngủ được vì mơ mộng chuyện xa xôi về miền đất hứa Tự Do mà tôi đang mong đến đó để cho vợ con tôi thoát khỏi cảnh sống nghèo khổ, đứng bơ vơ bên lề xã hội VN vì bị phân biệt đối xử.

    *****

    Tôi và vợ con tôi được sang Mỹ vào ngày 3 tháng 3 năm 1993, định cư ở Thành Phố St.Louis, Tiểu Bang Missouri, thuộc miền Trung Tây Hoa Kỳ. Tôi không ngờ lại được tái ngộ với đại huynh Võ Ý ở vùng tuyết lạnh nầy. Anh đã dẫn anh, chị, em Không Quân trong “Nhóm Không Gian Thân Tình” do anh thành lập tới thăm và tặng quà cho gia đình tôi, Dĩ nhiên là tôi cũng gia nhập nhóm nầy để sinh hoạt với anh em. Vợ chồng Ninh hay tin đã gọi điện thoại sang thăm và chúc mừng gia đình tôi đã đến được bến bờ Tự Do. Tôi hân hoan khi được viết thơ, văn cho Đặc San Lý Tưởng ngày xưa và cũng cộng tác với Đặc San Lý Tưởng của Không Quân Úc Châu qua sự giới thiệu của Ninh
    Năm 2003, vợ chồng Ninh qua Mỹ thăm bạn bè và vận động cho quyền Quân Sử. Họ ghé St.Louis để thăm anh Ý và tôi trước. Hôm đó, tôi phụ bếp cho vợ tôi làm bữa tiệc để tiếp đón 2 người bạn thân ở phương xa đến. Anh Ý thì ra phi trường đón vợ chồng Ninh về nhà tôi. Tôi không mời anh em trong Nhóm KGTT, nay là “Hội Không Quân St.Louis” vì muốn 3 anh em có dịp hàn huyên tâm sự thoải mái không bị chi phối bởi đám đông.
    Hôm sau, anh Ý và tôi đưa vợ chồng Ninh đi vòng quanh thành phố, ngoạn cảnh ở bờ sông, chụp hình lưu niệm dưới cái “Arch” - biểu tượng của Thành Phố St.Louis - Tiểu Bang Missouri. Một ngày cuối tuần, anh Ý mời vợ chồng Ninh tham dự buổi sinh hoạt chung với anh chị em thuộc Hội KQ/St. Louis trong sân cỏ sau nhà anh với buổi tiệc “babecue” rất hấp dẫn do chị Ý và mấy đứa em của chị đứng nướng thịt. Anh Ý giới thiệu vợ chồng Ninh với anh em và giới thiệu Đặc San Lý Tưởng của Không Quân Úc Châu mà Ninh là một người trong nhóm chủ biên. Và Ninh cũng đã tường trình về diễn tiến việc biên tập, việc thực hiện cũng như tổ chức gây quỹ cho quyển Quân Sử được phát hành. Những ngày sau, vợ chồng Ninh từ giả chúng tôi để sang California thăm bạn bè khác và tiếp tục công việc vận động cho quyển Quân Sử rồi trở về Úc Châu.
    Trong dịp Kỷ Niệm Ngày Không Lực VNCH 1-7-2005, cuốn Quân Sử Không Quân do Liên Hội Ái Hữu Không Quân Úc Châu được ấn hành mà Ban Thực Hiện Quân Sử gồm 6 thành viên: - KQ. Vũ văn Bảo (Phi Đoàn 237): Đặc trách kỹ thuật và ấn loát. - KQ.Trần Ninh (Liên Đoàn Tiếp Liệu SĐIVKQ): Đặc trách liên lạc và vận động. - KQ.Phạm Công Khanh (Phi Đoàn 219): Đặc trách liên lạc và vận động. - KQ.Nguyễn Văn Hùng (SĐIKQ): Đặc trách tài chánh. - KQ.Nguyễn Hữu Thiện (BCH/KT&TVKQ: Đặc trách biên soạn.
    Tôi vui mừng đón nhận cuốn Quân Sử Không Quân như đón nhận một báu vật trong cuộc đời và hãnh diện vì Trần Ninh - Chú rể KQ.của xứ biển”nghèo nàn đã phối hợp với 5 huynh đệ Không Quân Úc Châu làm được việc lớn cho Quân Chủng Hào Hùng và Hào Hoa. Quân Sử Không Quân sẽ được lưu truyền cho thế hệ mai sau và những người mang phù hiệu “Tổ Quốc Không Gian”ghi nhớ mãi tình nghĩa của “Lục Vị” đối với Không Lực VNCH.

    Làng tôi là một làng đánh cá có tên trong lịch sử thời vua Gia Long. Lúc bôn đào, thuyền của vua có qua cửa Cần Giờ. Làng tôi có 2 chàng rể đăc biệt đều xuất thân từ Trường Trung Học Châu Văn Tiếp - Bà Rịa. Chàng rể thứ nhứt là Cựu Thiếu Tá Hải Quân Huỳnh Văn Tỏ - Duyên Đoàn Trưởng Duyên Đoàn 33 – Vũng Tàu. Nay đã yên nghỉ vĩnh viễn trong kiếp sống lưu vong. Chàng rể Hải Quân mà lấy vợ xứ biển thì quá hợp cảnh, hợp tình, nhưng rất thương tiếc vì nay, anh không còn nữa! Chàng rể thứ 2 là KQ. Trần Ninh, lính tàu bay mà làm rể xứ biển mới lạ chớ! Và anh chàng nầy đã làm một việc rất ly kỳ là tự mình lái thuyền, chở cả gia đình đi vượt biển, không có hải đồ, không có hải bàn mà đinh hướng tới dàn khoan dầu của Indonesia ngay chóc!
    Ninh lại đặt được “tình báo” trong hàng ngũ công an và thừa khả năng đấu trí với kẻ thù. Ninh đã chuẩn bị và nghiên cứu rất cẩn thận chuyện tử sinh cho chuyến đi nhờ thuộc nằm lòng câu:”Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng!” Ngoài mưu trí, Ninh còn có bản lĩnh, can đảm nữa. (Dám mua ghe của công an tịch thu của người vượt biển chẳng khác gì thách thức với bọn chúng: “Tôi sẽ vượt biển! Mấy anh rán theo dõi để bắt nhé!”)
    Ninh còn là người có ý chí nên vượt được mọi khó khăn, lại có lòng tốt với bạn bè và tha nhân. Tôi nhớ mãi lần vợ chồng anh đến thăm “căn nhà ổ chuột” của tôi nằm cạnh bờ biển quê hương lúc tôi nghèo mạt rệp, mặc dù thời gian ở VN của Ninh rất eo hẹp. Tình cảm của bạn bè cao quý khi họ đến với mình lúc mình gặp hoạn nạn, sa cơ thất thế hay bần cùng. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm đã than trách đời: “ Giàu thì tìm đến, khó tiím lui”. Khi tôi trở về đời từ trại tù của CS, đã học được nhiều bài học cay đắng của tình đời, nhưng vợ chồng Ninh đã cho tôi được niềm an ủi lớn lao. Ân tình của “Chú rể KQ. của xứ biển” tôi xin nhớ mãi.

    KHA LĂNG ĐA
    Last edited by chimtroi; 03-30-2013, 09:34 PM.

  • #2
    anh co the cho toi biet cach lien lac voi anh Tran ninh de mua cuon quan su KQ duoc ko ? cam on nhieu . Kinh chao anh .

    Comment


    • #3
      Thưa quý anh.
      Quyển Quân Sử Không Quân quý anh có thể liên lạc với anh Bùi Tá Khánh với địa chỉ bên dưới đây. QSKQ sẽ được gửi đến tận nhà với giá $50.00 kể cả cước phí trong nội địa Hoa Kỳ.
      - Bùi Tá Khánh
      3301 E. 102nd Ct.
      Thornton CO80229
      Email: khanhbui@yahoo.com
      Tel: 303 252 9249

      Tn07

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X