Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhà Văn Võ Ý Với Bài Tạp Ghi: BÙA

Collapse
X

Nhà Văn Võ Ý Với Bài Tạp Ghi: BÙA

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhà Văn Võ Ý Với Bài Tạp Ghi: BÙA


    Người ta thường nói Không quân là một quân chủng hào hoa phong nhã, ăn chơi lịch lãm, đặc biệt là giới phi hành. Tại sao Không quân lại “được mang tiếng” không như các quân binh chủng khác?

    Lý do cũng dễ hiểu: hoàn cảnh và phương tiện! Các hoa tiêu sau khi được tuyển chọn kỹ càng, nhất là về mặt sức khỏe, đa số đều được gửi đi thụ huấn chuyên môn tại Hoa Kỳ. Từ những cậu học trò ngơ ngáo, chập chững bước vào đời, họ đã được nếm mùi, cũng như hấp thụ một phần nào nền văn minh tân tiến xứ người.

    Trở về nước, những phi công trẻ tuổi được bổ nhiệm vào các phi đoàn tác chiến, hầu hết trấn đóng tại những thành phố lớn. Với một cuộc sống tuy bấp bênh, cực kỳ nguy hiểm, trực diện với cái sống cái chết từng giây phút, nhưng họ được sống gần gũi với người thân yêu, với vợ con gia đình... Họ là những người lính tác chiến nhưng được hưởng những ưu đãi tiện nghi của thành phố. Đó là một yếu tố hoàn toàn khác biệt với những quân binh chủng tác chiến khác! Và thêm vào đó, không có một đơn vị tác chiến ngoài trừ Không quân, mà số tử vong trên mặt trận 90% là sĩ quan. Riêng ngành khu trục hay quan sát số tử vong của sĩ quan là 100%. Điều này có nghĩa là chỉ có sĩ quan ra mặt trận!

    Tất cả những yếu tố nêu lên đã tạo nên phong cách và sắc thái đặc biệt của một tập đoàn tinh hoa, ưu tú. Những chàng trai “ăn chơi”,“bay bướm” trong bộ đồ bay hào hùng đó vẫn có thể nói là “thần tượng” của giới trẻ thời chinh chiến, cũng như là đối tượng “lý tưởng” của các cô gái xuân thì.

    Trong những chàng trai đó có nhà văn Không quân Niên Trưởng Võ Ý, với bài viết “Bùa”, trong cuốn tạp ghi “Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo” xuất bản trong thập niên vừa qua, trong nội dung về một cuộc tình lãng mạng của chính tác giả với một nàng ca sĩ làm việc cho một phòng trà tại Đà Lạt. Câu chuyện nói lên tính chất liều lĩnh, ngang tàng, đôi khi đến “buồn cười” nhưng không kém phần thú vị về cuộc sống một phi công thời chiến: khi đánh giặc thì đánh hết mình nhưng chơi thì chơi “tới bến”; nhất là khi yêu ai thì không bao giờ buông tha, dám làm những điều có thể nói là táo bạo hay “kỳ cục”…- một từ ngữ rất ‘dễ thương’ trong bài viết “Bùa”- chỉ với một mục đích chiếm được trái tim của người đẹp.

    Nhà văn Niên trưởng Võ Ý đã đóng góp rất nhiều “chữ nghĩa” cho Không quân. Khởi đầu văn nghiệp từ Đặc san Lý Tưởng khi mới bước chân vào cuộc đời bay bổng, cho đến sau này với cuốn tạp ghi “Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo” cũng như cuốn “Tổ Ấm Bay Về” vừa xuất bản và sắp ra mắt gần đây tại Quận Cam. Nội dung tất cả những bài viết ghi lại cuộc đời “dọc ngang” từ quê nhà cho đến những ngày tháng sống tha phương trên xứ người của tác giả.

    Nhà văn Võ Ý cũng là một nhà thơ, mang theo một hành trang binh nghiệp vững mạnh được hấp thụ từ khóa 17 của Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, nơi đào tạo những sĩ quan chỉ huy ưu tú của QLVN/CH, đã gia nhập quân chủng Không quân và sau bao năm tháng thăng trầm trong cuộc đời binh nghiệp với chức vụ sau cùng: Trung tá Phi Đoàn trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu trú đóng tại Pleiku.

    Sau đây, xin mới các Niên Trưởng cùng các cựu Chiến Hữu đọc bài “Bùa” nói về một mối tình đẹp và đáng nhớ của một chàng phi công “bay bướm”, cho dù đang sống trong một bối cảnh khói lửa chiến tranh nhưng không thiếu những giây phút sung sướng hạnh phúc thỏa chí tang bồng hồ thỉ…




    BÙA

    Võ Ý


    Không quân Lưu Ly phục vụ căn cứ Đà Nẵng hơn một năm thì thuyên chuyển vào Nha Trang. Lý do: cự nự với xếp rồi tự ý xin đi (như vậy mới anh hùng, chứ để xếp tống cổ thì mất mặt bầu cua sao?) Lý do cự nự chẳng có gì quan trọng, tựu trung chỉ vì mấy cái huy chương anh dũng. Chuyện ngồi mát ăn bát vàng, chuyện xếp không tham dự hành quân mà nhận anh dũng bội tinh với nhành dương liễu là chuyện bình thường ở bất cứ đơn vị nào, vậy mà hà cớ gì, Lưu Ly lại công khai nêu vấn đề bình thường nầy trong buổi họp phi đoàn, làm không khí buổi họp ngột ngạt không chịu được? Lúc lửa si bốc cùng cực, Lưu Ly cho tới luôn, sợ để lâu cứt trâu hóa bùn :

    - Xin xếp đừng bận tâm trả đũa, tôi biết cách tự giải quyết vấn đề!

    Mặt xếp đỏ gay, hai mắt rực lửa, ấp a ấp úng hai tiếng giải tán nghe tội nghiệp. Sáu tuần sau, Lưu Ly khăn gói đi Nha Trang, hoán chuyển cho một không quân cùng chỉ số ở Nha Trang muốn về Đà Nẵng. Đúng là há miệng mắc...quai! Quai ở đây là...chia ly. Và cuộc chia ly nầy là một khúc ngoặt quan trọng trong đời chàng. Dù một ngày cũng là tình đồng đội, nghĩa bạn bè, huống hồ chàng ở Phi Đoàn Cú Mèo hơn một năm, đã cùng đồng đội vào sinh ra tử khắp vùng trời Quân Khu I, từ A-Shao, A- Lưới, Khe-Sanh cho đến Nam-Đông, Gia-Vực, Khâm-Đức, Đèo-Giang v.v..., toàn là những địa danh heo hút trực diện tử thần, thì lúc chia tay tránh sao khỏi bịn rịn bùi ngùi?

    Nhưng người buồn nhất trong cuộc chia ly nầy là...Mẹ chàng! Xa cách Mẹ hiền theo nghiệp kiếm cung ở các quân trường trên bốn năm, tưởng ngày vinh quy bái tổ Mẹ con sớm tối có nhau, ai dè mới chừng một năm đoàn viên chưa đủ ấm lòng già, chàng lại từ giả Mẹ hiền ra đi. Mà ra đi theo tiếng gọi réo rắt của trái tim...mê muội mới thật là đứa con...bất hiếu!

    Mấy tháng trước đây, Lưu Ly được phép dưởng sức 15 ngày tại biệt thự Phi Vân Đà Lạt. Thập niên 60, biệt thự nầy là nơi gặp gở của dân phi hành khắp 4 vùng chiến thuật về đây nghỉ ngơi mỗi năm 15 ngày theo luật định. Trở lại Đà Lạt lần nầy, lòng chàng vẫn rộn ràng náo nức như thuở còn là Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia. Nhưng sau một tuần, chàng thấy nhớ vẩn vơ. Nhớ con tàu. Nhớ bầu trời. Nhớ các các tiền đồn heo hút. Nhớ biệt đội. Nhớ mấy thằng bạn. Nhớ lung tung.

    Biệt thự Phi Vân coi vậy mà không phải vậy. Gọi là Trung Tâm Dưỡng Sức mà không phải...dưỡng sức! Phần lớn các không quân gốc gác Sài Gòn, Biên Hòa, Cần Thơ lợi dụng 15 ngày nầy đi tứ tung bạt mạng với vợ, với đào, với bồ nhí hoặc lo chuyện riêng tư khác. Chư vị chỉ cần có mặt ở Trung Tâm mấy ngày đầu để gặp Thiếu Tá N. V. Liêm, Trung Tâm Trưởng, ký nhận giấy tờ tiền nong, xong thủ tục nầy là mạnh ai nấy dzọt!

    Lưu Ly vẫn còn cuki, chưa tìm đâu ra giai nhân, đành ở lại Phi Vân đơn độc buồn chán. Mấy bạn Vĩnh Khều, Khôi Con, Vinh Rô...đều có xe nhà, có đào thơm mang theo, nên kỳ dưỡng sức của họ rất chi là thi vị và hào hứng. Mấy mống đơn độc, chẳng biết dưỡng sức kiểu gì, bèn ra phố ăn phở, uống cà phê, tắm hơi, bát phố ngắm người đẹp, nhảy đầm...Chán thì về Trung Tâm...đánh bài! Tay nào may mắn (hay xúi quẩy đây?) bắt được chim sa bò lạc thì dẫn độ về Trung Tâm...thử sức! Trung Tâm Dưỡng Sức biến thành Trung Tâm...Phí Sức, điều đó ngấm ngầm ai cũng hiểu, nhưng chẳng bao giờ được ghi trên văn bản.

    Trong những ngày qua, một biến cố đã xẩy ra cho đời chàng tại Phòng Trà La Tulip Rouge, mà người mang sấm sét đến chính là ca sĩ Thiên Thu. Lưu Ly trở thành cây si từ đó. Khi Khôi Con dông về SàiGòn, nghĩa là phương tiện tầm gởi bị cắt, chàng đành dày vò nỗi nhớ nhung với bài bạc. Một đêm đang hồi hộp với cơ rô chuồn bích thì Khôi Con chạy về Trung Tâm giục giả :

    - Ê Lưu Ly, ra gấp! Nàng đang than thở khiếp quá! Lẹ lên, tớ chở cậu ra ngay!

    Lưu Ly đang xui. Mà xui là phải. Cờ bịch trong khi lòng không yên ổn, cứ phập phồng trông ngóng nhớ nhung thì làm sao mua được suốt, làm sao không bị thấu cáy đến lùng bùng lỗ tai cho được? Đang thua mà bỏ ngang cũng ấm ức như đang mùi mẫm bỗng có chuông điện thoại gọi đi bay gấp! Nhưng nếu không bỏ ngang thì không có cơ hội gặp nàng. Không gặp được nàng thì ruột thắt gan bào, thà chết sướng hơn. Lưu Ly từ bỏ canh bài trong tâm trạng như thế đó, kể cũng oan khiên. Chàng theo Khôi Con, lên chiếc Ford Mustang mui trần, phóng thẳng ra La Tulip Rouge. Đoạn đường nầy khá xa, lại lên dốc xuống dốc. Đêm ĐàLạt lạnh buốt, cuốc bộ chỉ có nước thác. May mà Khôi Con có xe, lại thương bạn, nên những cuốc xe yểm trợ nầy thật...nhớ đời!

    Khôi Con đưa bạn gái mình và Lưu Ly đến ngồi cạnh bàn Thiên Thu. Nàng đang trình diễn bài Nỗi Lòng với lời ca đầy trách móc như anh nỡ lạnh lùng đến thế sao...Lưu Ly nghĩ thầm trong bụng, ở đó mà lạnh với lùng, yêu muốn chết, đang tìm cách chinh phục trái tim nàng đây, ở đó mà lạnh với lùng...Những ngày còn lại sau đó, chàng tìm đến nhà Thiên Thu, rủ nàng ngắm thác Cam Ly, thưởng thức cà phê Tùng hoặc dạo bước hồ Than Thở...

    Ngày vui qua mau và chàng đã mang khối tình si từ xứ Anh đào về miền Hỏa tuyến ấp ủ cho đến ngày xảy ra vụ nổ ở Phòng Họp Phi Đoàn. Chỉ có chàng mới biết tại sao mình có thái độ dữ dội như vậy. Vâng, chàng chỉ muốn đổi vào Nha Trang, hay bất cứ căn cứ nào so với Đà Nẵng mà thấy gần Đà Lạt hơn thì chàng Ô Kê liền. Nếu là Nha Trang, chàng có nhiều cơ hội được gặp Thiên Thu hơn. Nói gì thì nói, tình yêu vẫn là động lực chính chi phối hầu hết những hành động táo bạo của thời thanh xuân.

    Từ sau kỳ dưởng sức tiền định đó, hình ảnh Thiên Thu lúc nào cũng tràn ngập trong trí tưởng Lưu Ly. Một dịp may hiếm có, vì nhu cầu chiến trường, Quân Đoàn II cần tăng cường một phi cơ cho Tiểu khu Phan Thiết. Phi Đoàn chỉ định Lưu Ly thi hành phi vụ nầy. Cùng đi với chàng là Lê Bình, một quan sát viên vưà mới xác định hành quân. Phi đoàn thường cắt một người củ bay chung với một người mới, gọi là để san sẻ chút kinh nghiệm chiến trường cho nhau. Thông thường, những phi vụ gai góc đẩy cho đám bagai, những phi vụ ngon lành dành cho staff và thân cận. Những phi vụ gai góc như vào vùng lửa đạn, đi biệt đội khỉ ho cò gáy, hoặc là hộ tống đoàn xe đoàn tàu đoàn thuyền chậm lì vô vị chán ngắt... Còn những phi vụ ngon lành như liên lạc chở khách hoặc chở VIP (Very Important Person) khả dĩ có lợi về mặt giao tế, lấy điểm thượng cấp hoặc những lợi lộc khác như huy chương, quà cáp v.v...

    Lê Bình người Đà Nẵng, có người yêu làm việc trong phi trường, rất bất bình kỳ biệt phái nầy, vì phải xa cách người yêu! Anh rất dễ thương, phải cái tật ưa lý sự (Quảng Nam hay cải chăng?), nên bị liệt vào danh sách bị đì. Riêng Lưu Ly thì mừng thầm trong bụng, đây là cơ hội ngàn vàng...Hai tuần biệt phái Phan Thiết rất đáng đồng tiền bát gạo. Chiến công trên chiến trường thì không đáng kể, nhưng chiến công trên tình trường thì đáng tưởng thưởng huân chương Valentime! Dù sắt đá cách mấy, Thiên Thu cũng không khỏi mềm lòng trước sức tấn công kỳ cục của chàng. (kỳ cục là tiếng riêng của nàng, hễ thấy điều gì không bình thường, thì nàng kêu kỳ cục )

    Trong một phi vụ yểm trợ quân bạn vùng Võ Đắt, cách Phan Thiết chừng 100 dặm phía tây bắc, sau gần bốn giờ bay, chàng bay ngược về đáp Cam Ly, nói là để lấy thêm xăng và kiếm chút gì dùng bửa trưa. Và Lưu Ly tranh thủ dông về phố Thi Sách thăm người yêu! Thiên Thu đang chuẩn bị túi xách về Sài Gòn bằng đường bộ, thấy Lưu Ly xuất hiện bất ngờ, nàng vưà mừng (!) vừa ngạc nhiên vừa bối rối :

    - Ơ, Anh! Thấy có người lạ, nàng gật đầu chào Lê Bình, Lưu Ly phân trần :

    - Tụi nầy đang hành quân vùng Phan Thiết, ghé về đây đổ xăng! (Làm như ở phi trường Phan Thiết không có xăng vậy đó!)

    Khi biết rõ sự liều lĩnh nầy, Thiên Thu xúc động thì ít mà lo lắng thì nhiều. Lưu Ly mừng thầm trong bụng, có lo lắng là có...cái gì rồi đấy nha! Sau khi nói đôi lời trấn an, Lưu Ly hỏi thăm giờ đến và địa chỉ của nàng ở Sài Gòn, rồi đón xe phóng ra phi trường cho kịp phi vụ yểm trợ buổi chiều. Xong phi vụ hành quân chiều, thay vì về đáp Phan Thiết, Lưu Ly bay thẳng về Sài Gòn. Lê Bình thấy lạ, hỏi qua máy :

    - Ủa, ông bay đi mô rứa?

    - Về Tân Sơn Nhứt, ông bạn thông cảm!

    - Ông có nhà cửa chi mô ở Sài Gòn không?

    - Lo gì chuyện đó, về đó tính sau!

    - Mẹ! ông liều quá, tôi hết biết!

    Chiếc Alpha Québec #9 đáp Tân Sơn Nhứt gần bẩy giờ tối. Hai người loay hoay cả tiếng đồng hồ mới tìm được số nhà XYZ đường Trương Minh Ký. Lưu Ly liều mạng gõ cửa thì gặp...Thiên Thu! Nàng ngạc nhiên và lại bối rối :

    - Kỳ cục! Bộ anh có khùng không? Bà cụ ở nhà trong, nghe có khách bước ra xem. Mặt cụ thản nhiên mà nghiêm nghị :

    - Cô mời hai anh vào nhà nói chuyện!

    Hai mẹ con cũng vừa từ Đà Lạt về chừng nửa tiếng, đang lo dọn dẹp thì có khách. Nàng lịch sự :

    - Hai anh đã dùng gì chưa?

    Lưu Ly nhìn Lê Bình tìm sự hổ trợ :

    - Đáp xuống là tìm cách về đây ngay...

    -Nhà không nấu nướng gì, mời hai anh dùng tạm phở có bán phía bên kia đường.. Nói xong là nàng vào phòng trong. Có tiếng xì xầm của hai mẹ con. Lưu Ly lo lắng hỏi nhỏ bạn :

    - Có đủ tiền ăn phở không?

    - Không lade, không sôđa chanh đường thì đủ hai tô. Mẹ, ông đã rách mà còn liều, tôi hết biết! Lê Bình đang càm ràm thì có tiếng dép bước ra. Thiên Thu xuất hiện với vẻ ngại ngùng :

    - Xin lỗi, hai anh có nhà quen ở đây không nhỉ?

    Lưu Ly nhìn bạn cười kiểu cầu tài, vừa giữ vẻ mặt tỉnh queo :

    -Tụi nầy chẳng quen ai, xin cụ và cô cho phép nghỉ qua đêm tại đây, sáng mai cất cánh sớm.

    Thiên Thu lại bối rối :

    - Thật là kỳ cục!

    Nàng vừa thốt hai tiếng thân quen vừa bước vào phòng trong một lần nửa. Lại có tiếng xì xầm hai mẹ con. Một đổi sau, nàng trở ra với một ôm mùng màng chăn gối (chắc là hai mẹ con nhường cho hai vị khách ba trợn) :

    - Hai anh tạm nghỉ phòng ngoài nâỳ. Bây giờ mời hai anh dùng tạm cái gì kẻo đói. Rồi nàng dẫn hai ông không quân hào hoa ra quán phở bên đường, gọi hai tô và một ly trà đá chanh đường. Hai chàng nhìn nhau ngại ngần. Lưu Ly ân cần một cách bất đắt dĩ :

    - Bộ Thiên Thu không dùng gì sao?

    - Thu đã dùng xong, mời hai anh tự nhiên, Thu dùng chanh đường cho đở khô cổ.

    Hai ông khách hào hoa ăn một cách ngon lành. Lưu Ly ước gì đánh thêm một tô nửa thì đã biết mấy. Nhưng chàng ở trong cái thế không thể tự nhiên như người Hà Nội được, vừa sợ người đẹp cười (vì ăn uống bặm trợn), vừa rỗng túi nên đành tự an ủi người hào hiệp thực bất cầu no và chàng không quên một điều quan trọng, nàng là dân Hà Nội chính hiệu!.Điều bất ngờ (nhưng cũng nhẹ nhỏm) cho hai chàng không quân danh tiếng muôn đời là, Thiên Thu dành trả tiền, lại còn an ủi :

    - Hai anh thông cảm, bị không chuẩn bị kịp bếp núc, dịp khác mời hai anh đến nhà dùng cơm do Thu thổi. Quay qua Lưu Ly, nàng mắng yêu:

    - Anh thật kỳ cục, liều mạng có ngày vướng!

    - Thì vướng rồi không thấy sao?

    Thiên Thu chợt hiểu. Nàng lại lẩm bẩm hai tiếng kỳ cục nhưng chắc hẵn lòng nàng đang nở một triệu đóa hoa. Về đến nhà, nàng hỏi qua loa công việc rồi chúc hai vị khách ngủ ngon. Không quân Lê Bình vừa ngả lưng là đáp ngay chuyến tàu suốt về tận miền Trung. Tàu đêm năm củ xộc xạch xộc xạch làm Lưu Ly không sao chớp mắt được. Trong đầu chàng cứ lởn vởn ánh mắt trìu mến và âm vang giọng nói ngọt ngào của nàng. Hai tiếng kỳ cục nghe sao tình tứ và đáng yêu quá! Chàng lắng tai nghe, hình như có tiếng dép lẹp xẹp phía buồng trong. Chàng đoán mò rằng, nàng cũng đang trằn trọc và...ước chi nàng bước ra đây cùng chàng dạo một vòng phố khuya thì còn gì thơ mộng cho bằng? Sáng hôm sau, nhị vị khách dậy thật sớm. Chăn màng được xếp gọn gàng. Cụ bà đã đun trà và bảo cô đem trà mời hai ông. Trong khi trang điểm qua loa, Thiên Thu hỏi vọng ra :

    - Hai anh ngủ được không, chắc lạ nhà khó ngủ?

    - Tụi nầy ngáy như sấm động, chắc làm cho cụ và cô không ngủ được thì có!

    Sau tuần trà, nàng lại mời hai ông không quân hào hoa ra đầu ngỏ dùng điểm tâm. Nàng cư xử rất chi là tự nhiên :

    - Hai anh dùng nhanh để còn kịp giờ cất cánh!

    Lưu Ly thật sự cảm kích sự quan tâm nầy, (hay là ngầm mời hai ông dọt nhanh cho khuất mắt?). Chàng vừa vui vừa bẽ bàng mắc cở, nhất là phút chia tay. Phút chia tay người mình yêu (chứ chưa chắc đã yêu mình) phải là giây phút bịn rịn không nói nên lời. Lưu Ly quả đã không nói nên lời về tình cảm lưu luyến thật, nhưng chàng lại nói nên lời kỳ cục nhất trong thế gian, và kỳ cục nhất trong đời bay bổng của chàng. Thấy hai người và nhất là chàng có vẻ bịn rịn, nàng giục

    - Thôi các anh đi kẻo trể, hẹn gặp dịp khác rảnh rỗi hơn...Và sợ hai người không rành đường xá, nàng chỉ dẫn cặn kẽ lối đi nào để đến cổng phi trường. Quay sang Lưu Ly, nàng dặn dò:

    - Anh bay bổng cẩn thận, nhớ viết thư cho Thu, gởi về địa chỉ Đà Lạt đấy nhá.!..

    - Thu à..! Lưu Ly đen hết can trường nói mấy lời đáng giá ngàn vàng :

    - Thu à...! Tụi nầy...không đủ...tiền đi taxi!

    - !!! ?

    Cái giây phút kỳ cục đó đã xẩy ra. Lưu Ly không thể soi gương xem thử cái bản mặt của mình biến đổi như thế nào. Tái mét, xanh lè, đỏ gay hay trơ như mặt thớt? Có điều là, khi giây phút đó xẩy ra rồi thì trong bụng chàng cũng thấy nhẹ hẵn, giống như đang quảy gánh nặng trên đường thiên lý, bổng được một chiếc xe nhà ngừng lại cho quá giang...Không ngờ phản ứng của nàng hết sức lịch sự :

    - Xin lỗi hai anh, Thu quên bẵng chuyện nầy! Nói xong là nàng kín đáo dúi vào tay Lưu Ly ít tiền đủ một cuốc taxi từ Trương Minh Ký đến cổng Tân Sơn Nhất. Nàng lại mắng yêu trước khi hai chàng không quân hào hoa lên xe taxi :

    - Các anh bảo trọng! Nhớ trả tiền lời "cinq six dix douze" cho Thu đấy nhá!

    Trên đường về Phan Thiết, Lê Bình cứ tán thán kiểu càm ràm qua interphone, ông liều quá, ông liều quá, hình như nàng đã chịu đèn ông rồi đó!. Trong khi Lưu Ly cứ như người mất hồn, lòng cứ tơ tưởng đến ánh mắt trìu mến và giọng nói ngọt ngào của nàng. Có lúc chàng quên cả tiếng máy nổ, quên cả thực tại, nghĩa là quên bẵng đi rằng chàng đang điều khiển một khối sắt đang lơ lửng giữa không trung.

    Biệt đội tăng phái Phan Thiết chỉ hai tuần, dù liều cách mấy Lưu Ly cũng không thể ở lại lâu hơn. Những ngày sau đó, từ Đà Nẵng lòng chàng cứ tơ tưởng Đà Lạt. Xảy ra vụ họp Phi Đoàn, chàng bày tỏ thái độ batman như vậy và tưởng rằng, thái độ bất mãn đó sẽ đưa chàng về gần Đà Lạt hơn. Đó là lý do sâu kín của sự kiện mà chỉ có chàng mới biết. Ôi tình yêu, vì mi mà nên chuyện, vì mi mà hỏng chuyện. Mi là nguyên nhân mọi sự kiện xảy ra trong đời một gã con trai.

    Khi Lưu Ly quyết định cưới Thiên Thu, Mẹ và anh chàng đều sững sốt. Gia đình chàng thuộc tầng lớp cổ hủ nên khi nghe chàng định cưới một cô ca sĩ thì...hết hồn. Chàng đâu có phải chỉ quen Thiên Thu, trước đó đã có mấy người đẹp muốn gắn bó với chàng. Như Mây Bay tận Sài Gòn vẫn thường bay ra Đà Nẵng thăm chàng. Còn Đông Tịnh từ Phố Hội thì gặp nhau hằng tuần, hai người quen nhau từ lâu và ai cũng nghĩ rằng họ sẽ gắn bó trăm năm. Vậy mà, cớ làm sao Lưu Ly lại bất ngờ đòi cưới một ca sĩ tận Đà Lạt xa xôi? Duyên nợ? Tiếng sét? Hay là...Đành rằng chuyện vợ chồng do duyên nợ, nhưng trong chuyện nầy Mẹ chàng nghi ngờ có cái gì bất thường. Cái bất thường mà cụ nghĩ ra là, con trai của cụ bị...bùa yêu! Cụ khẳng định như đinh đóng cột :

    - Đúng là thằng ba bị bùa rồi! Nó đâu phải là thằng khờ, vậy mà cớ làm sao cấp sau nầy nó như đứa mất hồn vậy? Bởi bị bùa mê thuốc lú nên nó mới không phân biệt thiệt giả, nên mới ra nông nỗi...Thật tội nghiệp con tôi!!

    Mà cũng có thể Lưu Ly bị bùa thật. Từ ngày đổi về Nha trang, có dịp là chàng ghé Đà Lạt thăm nàng. Mỗi lần cùng đi đây đó, trước khi xuất hành, nàng đều xức một loại nước hoa thơm dịu, lần nào nàng cũng quệt vào trán chàng mấy quệt, làm chàng thích thú ra mặt. Được người yêu cưng chìu, hỏi ai mà không thích chứ?!! Không lẽ trong nước hoa đó có...bùa??? Lưu Ly đang yêu mê mệt, coi như pha cái vụ bùa ngãi nhảm nhí. Mà dẫu có bị bùa đi nữa, chàng cũng thích, miễn được nàng yêu và yêu nàng cuồng nhiệt. Cuồng nhiệt đến nỗi phải quyết định xin cưới nàng.

    Trong số những đồng đội ở Nha Trang, có không quân Dương Vĩnh Tiểng, người Nam, nước da ngăm đen, tóc quắn, có thể là lai Miên. Anh chàng lúc nào cũng thấy đeo ở cổ một cái nanh heo rừng chạm hình ông Phật ngồi. Nếu có người hỏi thì Dương Vĩnh Tiểng trả lời một cách thành kính :

    - Bùa đó!

    Bạn nào thắc mắc hỏi tới thì anh tiết lộ thêm :

    - Bùa hộ mạng đó!

    Theo Dương Vĩnh Tiểng thì nhờ bùa hộ mạng mà chàng thoát chết mấy lần. Chàng kể rành mạch một phi vụ bay chung với không quân Trương Hải Yến yểm trợ quân bạn vùng tam biên, lúc trở về Pleiku thì trời bỗng mịt mù mây. Ông Hải Yến cứ thế tống ga cho phi cơ leo lên vì nghĩ rằng, trần mây không cao lắm. Nhưng khi đã lên đến tối đa 13 ngàn bộ, không ngờ mây vẫn mù mịt bốn phía, mà kim đồng hồ xăng lại chỉ xuống vạch báo động đỏ thì thật là khẩn cấp chí nguy. Đây là lúc cần đến bửu bối. Không quân Dương Vĩnh Tiểng bèn điều chỉnh hơi thở, tập trung tư tưởng, nâng cái nanh heo rừng lên hôn ba cái rồi đọc lâm râm mấy câu thần chú, nghe như tiếng Miên hay tiếng Ấn chứ không phải tiếng Việt mình. Câu thần chú dứt thì chừng 30 giây sau, có một lỗ trống hiện ra, Dương Vĩnh Tiểng reo lớn qua interphone :

    - Bên phải 3 giờ, chui lẹ xuống!

    Ào một cái, Hải Yến cúp ga, chúi mủi phi cơ chun qua lỗ mây trống. Bổng thấy xanh xanh phía dưới, tưởng là ruộng lúa ao hồ. Nhưng không phải! Hú hồn, đó là biển Qui Nhơn! Trương Hải Yến lấy hướng bay vào bờ và xin đáp khẩn cấp phi trường Qui nhơn vì đèn báo động hết xăng đang chớp. Không quân Dương Vĩnh Tiểng kết luận :

    - Không có bùa hộ mạng, hai đứa coi như đã đi nghe cỏ mọc từ khuya rồi!

    Có một dịp, Lưu Ly và Dương Vĩnh Tiểng cùng biệt phái Bảo Lộc. Tại Biệt Đội nầy, Vĩnh Tiểng giới thiệu chàng với ông Ba. Ông Ba gốc Miên, sang Bảo Lộc lập nghiệp gần 15 năm và tạo dựng được một đồn điền trà. Vĩnh Tiểng thường trao đổi tiếng Miên với ông Ba trong những dịp gặp nhau. Một ngày đẹp trời, anh báo cho chàng một tin lạ :

    - Nếu bạn muốn, ông Ba sẽ tặng bạn một lá bùa hộ mạng!

    - Ơ! Bộ ông Ba là thầy bùa sao?

    - Thứ thiệt bên Miên đó!

    Lưu Ly thích thú nói lời cám ơn ông Ba. Chàng tò mò hỏi thêm :

    -Thưa ông Ba, ông có làm bùa yêu không? Nghe câu hỏi, ông Ba im lặng một chốc rồi thong thả trả lời :

    - Có chứ! Cháu yêu ai và có muốn xây dựng vợ chồng với người ta không?

    - Dạ có!!

    - Thế thì làm được!

    Sau khi tìm hiểu tuổi tác, nghiên cứu ngày giờ năm sinh của hai bên, xem hình xem ảnh Thiên Thu xong, ông Ba nghiêm nghị hỏi :

    - Cháu có yêu cô ta thật lòng không, và cháu có muốn xây dựng thật lòng không?

    - Dạ thật lòng!

    - Vậy thì cần gì bùa với ngải? Cô ta đang yêu dữ dội, yêu như thể bị bùa yêu của cháu rồi đó!!

    - Trời đất!!!


    St Louis, 06/1999
    Last edited by khongquan2; 03-04-2013, 04:37 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X