Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tìm Hiểu Vấn đề Biển Đông (The South China Sea)

Collapse
X

Tìm Hiểu Vấn đề Biển Đông (The South China Sea)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tìm Hiểu Vấn đề Biển Đông (The South China Sea)

    Biển Đông (The South China Sea).
    VÀI NÉT CƠ BẢN VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG
    Trần Hoà : Sưu tầm trích dẫn (from NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG) and Multiple other sources

    A - TỔNG QUAN VỀ BIỂN ĐÔNG
    Biển Đông trải dài trên khu vực đại dương có diện tích 1.4 triệu dặm vuông, bao gồm hàng trăm các đảo, đá, bãi cạn, bãi san hô nhỏ với tổng diện tích là 6 dặm vuông . Các đảo ở đây không có người dân bản địa sinh sống mà chỉ có một số lượng nhỏ người cư trú do các quốc gia đưa ra để thúc đẩy yêu sách của mình. Biển Đông có trữ lượng tài nguyên biển giàu có, vốn được khai thác từ lâu đời bởi các nước trong khu vực. Trữ lượng dầu và khí vẫn còn chưa được xác định rõ, phần lớn trong số đó thuộc diện khó khai thác nên cho đến nay vẫn chưa được khai thác. Hơn một nửa tổng lượng giao thương hàng hóa trên biển và gần một nửa tàu chở dầu trên toàn thế giới phải đi qua vùng nước Biển Đông.Biển Đông bao bọc bốn nhóm quần đảo chính:

    • quần đảo Đông Sa (Pratas) nằm ở phía Đông Bắc,
    • quần đảo Hoàng Sa (Paracel) tại phía Bắc,
    • quần đảo Trường Sa (Spratly) tại phía Nam
    • và bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough Shoal) tại vùng trung Đông.
    (Bãi Macclesfield chỉ là một quần thể đá ngầm chìm hoàn toàn dưới mặt nước nằm ở trung tâm Biển Đông.)



    Tất cả những quần đảo này đều được Trung Quốc lục địa và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.
    Trong khi đó, Việt Nam đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa còn Philippines khẳng định Trường Sa và Hoàng Nham là của mình, Malaysia và Brunei chỉ yêu sách một vài đảo ở Trường Sa.
    Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát Hoàng Sa kể từ khi nước này dùng vũ lực xâm lấn quân đội miền Nam Việt Nam đóng tại đảo vào Tháng Một năm 1974. Tuy nhiên, tại Trường Sa, Việt Nam lại là nước kiểm soát nhiều đảo nhất (khoảng 25 đảo tất cả). Trung Quốc và Philippines chiếm đóng khoảng 7 - 8 đảo tại đây, Malaysia chiếm 4 đảo và Đài Loan chiếm 1 đảo.

    History - Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông
    • Các sự kiện chính liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Viet Nam :
    • 14/9/1958 :Công hàm của Phạm Văn Đồng về tuyên bố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ấn định chiều rộng lãnh hải Trung Quốc 12 hải lý.

    • 1973:Việt Nam Cộng Hòa sát nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

    • 15-20/1/1974:Trung Quốc dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm phía Tây của quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hòa chiếm đóng. Kể từ đây, Trung Quốc chiếm trọn Hoàng Sa.

    • 1974:Tại hội nghị Luật biển lần thứ 3, kỳ 2 tại Caracas, đại biểu của chính phủ Việt Nam Cộng hòa tố cáo Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực, và khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam

    • 14/3/1975:Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã sách trắng về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lên án mạnh mẽ Trung Quốc dùng vũ lực cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và tỏ rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo.

    • 11/11/1975:Bộ Ngoại giao Việt Nam DCCH gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    • 1976:Việt Nam công bố bản đồ của nước Việt Nam thống nhất, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
    .
    • 12/ 5/ 1977:Việt Nam ra Tuyên bố thứ nhất về đường cơ sở để xác lập vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

    • 17/2/1979:Bắt đầu chiến tranh biên giới Trung-Việt

    • 3/1979:Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố Bị vong lục về vấn đề biên giới Việt – Trung, trong đó có điểm 9 tố cáo Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1974.

    • 30/7/1979:Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố sách trắng xuyên tạc một số tài liệu có liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để chứng minh rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc với hai quần đảo này.


    • 28/9/1979:Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giới thiệu thêm 19 tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo.

    • 14/3/1988: Trung Quốc đã đánh chìm 2 tàu lớn của hải quân Việt Nam, , bắn hỏng một tàu khác, làm chết và bị thương 20 người, mất tích 74 người. Chiến dịch này kéo dài đến ngày 6/4/1988 đã kết thúc với việc Trung quốc chiếm 6 nhóm đảo và đá ngầm gồm Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Xubi.

    • 12/11/1982: Việt Nam ra Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải. hỏng một tàu khác, làm chết và bị thương 20 người, mất tích 74 người. Chiến dịch này kéo dài đến ngày 6/4/1988 đã kết thúc với việc Trung quốc chiếm 6 nhóm đảo và đá ngầm gồm Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Xubi.


    • 3/1/1989: Trung Quốc đặt bia chủ quyền trên các đảo và bãi đá đã chiếm được của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

    • 28/4/1989: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố lên án Việt Nam xâm phạm trái phép một số “bãi Vạn An và bãi Nhã thuộc quần đảo Nam Sa” ( cụm KT – KH – DV Vũng Tàu – Côn Đảo của Việt Nam.)

    • 1990: Tại Hội nghị Thành Đô, lãnh đạo hai nước Việt-Trung đã quyết định bình thường hoá quan hệ hai nước sau hơn 10 năm biến cố.

    • 7/1992: Việt Nam tham gia vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC)

    • 9/1992:Trung Quốc khoan thăm dò tìm dầu ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ thuộc phía Việt Nam.

    • 4/1994:Việt Nam ký hợp đồng với công ty dầu khí Mobil oil của Mỹ thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực Thanh Long

    • 12/5/1994:Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối Việt Nam cho phép công ty dầu khí Mobil-oil thăm dò khai thác ở khu vực Thanh Long là vùng biển phụ cận của quần đảo Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc.

    • 19/10/1995:Trung Quốc phản đối Việt Nam thăm dò địa chấn trong Vịnh Bắc Bộ.

    • 15/12/1995: Trung Quốc đưa dàn khoan Nam Hải-02 vào Vịnh Bắc Bộ, cách đường trung tuyến 5-6 hải lý về phía Việt nam.

    • 10/3/1996: Trung Quốc đưa dàn khoan Nam Hải-06 hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ, vào sâu trong vùng biển của Việt nam 3 hải lý.

    • 12/1997: Việt Nam phản đối tàu khai thác số 8 và hai tàu hộ vệ 615 và 616 của Trung Quốc thăm dò khảo sát dầu khí cách phía Tây bãi Phúc Tần 15 hải lý thuộc khu vực DK-1, bãi Tư Chính của Việt Nam. Tàu hải quân Việt Nam phải áp tải buộc các tàu này ra ngoài.

    • 4/11/2002: ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong khuôn khổ của cuộc họp cấp cao ASEAN 8 tại Phnompenh (Căm-pu-chia)

    • Cuối năm 2007 :Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý 03 quần đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động này dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức phản đối việc làm của Trung quốc thông qua người phát ngôn.

    • 7/5/2009: Việt Nam nộp báo cáo đăng ký thềm lục địa mở rộng khu vực phía bắc nộp lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS). Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc phản đối, trong đó đính kèm bản đồ “đường lưỡi bò” . Việt nam phản đối công hàm của Trung Quốc
    • Xem tiếp sử ký tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông từ thế kỷ 19 đến nay (gồm tất cả các nước tranh chấp liên hệ) Click Nguồn

    Bên cạnh các tranh chấp chủ quyền được trích từ nguồn 'nghiencuubiendong' ở trên, xin post thêm ở đây, đoạn trích của bài viết : Phan Châu Thành (nguồn: Danlambao):
    Công nghệ bán nước và cạp đất của CSVN

    "Từ khi cướp được chính quyền ở miền Bắc năm 1945 rồi cả nước năm 1975 đến nay, CSVN đã liên tục tìm mọi cách bán lãnh thổ quốc gia Việt Nam ta cho Tàu cộng theo nhiều đợt, nhiều cách (nhiều công nghệ bán nước) khác nhau, tùy điều kiện, tình hình và đối tượng bán. Đó là vào những đợt 1956-1958 -1974 (bán quần đảo Hoàng Sa), 1979 (cắt đất biên giới), 1988 (bán 7 nhóm đảo đá Trường Sa), 2000 (lại bán đất biên giới như Ải Nam quan, Thác Bản Giốc, Lão Sơn), 2005 (bán 13% lãnh hải trong Vịnh Bắc Bộ), 2005-2010 (bán trên 300,000 ha rùng biên giới, Bauxite Tây nguyên, Vũng Áng và hàng chục Khu công nghệ, hàng trăm “dự án” khác),

    Trong tất cả các phi vụ bán nước cho Tàu đó, CSVN đều thực hiện mục tiêu bán nước dần dần, vì chúng phải lừa dối cả dân tộc Việt Nam, qua bốn bước như sau ....
    Bước 1 - Lừa bịp nhân dân ...
    Bước 2 - Giúp Tàu âm thầm đổi chủ ...
    Bước 3 - Âm thầm công nhận Chủ quyền Tàu và bảo vệ lãnh thổ cho Tàu
    Bước 4 - Đổi màu ..."


    Xem toàn bộ chi tiết @ Sinh nghề tử nghiệp...


    Quần đảo Trường Sa:
    Người Pháp gọi là Archipel des ile Spratley, người Anh, người Mỹ gọi là Spratley Islands hay Spratlies. Trung Quốc gọi là Nansha (Nam Sa) hay Nan Wei quần đảo. Philipines gọi là Kalayaan. Nhật gọi là Shinan Guto.

    Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa tính đến đảo gần nhất là khoảng 350 hải lý, đảo xa nhất là khoảng 500 hải lý, cách Vũng Tàu 305 và các Cam Ranh 250 hải lý, cách đảo Phú Quốc 240 hải lý, cách Bình Thuận (Phan Thiết) 270 hải lý. Quần đảo trải dài từ 6o 2’ vĩ B, 111o28’ vĩ B, từ kinh độ 112 o Đ, 115 o Đ1.4) trong vùng biển chiếm khoảng 160.000 đến 180.000 km2. Biển tuy động nhưng diện tích các đảo, đá, bãi nổi trên mặt nước lại rất ít, chỉ tổng cộng 11km2.

    Về số lượng đảo theo thống kê của tiễn sĩ Nguyễn Hồng Thao (Vụ Biển thuộc Ban Biên giới Chính Phủ) năm 1988 bao gồm 137 đảo, đá, bãi (1.5) không kể 5 bãi ngầm thuộc thềm lục địa Việt Nam (gồm bãi Phúc Trần, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tứ Chính).

    Theo thống kê của Pháp năm 1933 gồm 9 đơn vị chính là các đảo, đá, bãi phụ cận. Philipines đã liệt kê mộ danh sách 53 đơn vị gồm hòn đảo và cù lao trong một khu vực 976 dặm vuông. Căn cứ vào hải đồ vẽ năm 1979 của Cục Bản đồ Qân Sự Bộ Tổng Tham Mưu (Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam), quần đảo Trường Sa có thể chia ra làm chín cụm chính kể từ Bắc Xuống Nam.

    Danh sách các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa: Click Nguồn


    Quần đảo Hoàng Sa:
    Quần đảo Hoàng Sa nằm trong một phạm vi khoảng 15.000 km2, giữa kinh tuyến khoảng 111 độ Đông đến 113 độ Đông, khoảng 95 hải lý(1 hải lý = 1,853 km), từ 17o05’ xuống 15o45’ độ vĩ Bắc, khoảng 90 hải lý; xung quanh là độ sâu hơn 1000m, song giữa các đảo có độ sâu thường dưới 100m.
    Quần đảo Hoàng Sa năm ngang bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi
    Về khoảng cách với đất liền, quần đảo Hoàng Sa nằm gần với đất liền Việt Nam hơn cả: Từ đảo Triton đến Mũi Ba Làng An(Cap Batangan:15 vĩ độ B, 108 độ 6’ kinh Đ), tức đất liền lục địa Việt Nam đo được 135 hải lý, cách cù lai Ré chỉ có 123 hải lý, trong khi đó cách đảo gần nhất tới bờ đảo Hải Nam xa tới 140 hải lý (đảo Hoang Sa Pattle: 16 độ vĩ B 111 độ 6’ Đ và Ling-Sui hay Leing Soi: 18 độ vĩ B, 110độ 03 kinh Đ); nếu tính tới đất liền lục địa Trung Hoa thì còn xa hơn nhiều, tổi thiểu là 235 hải lý.
    Đoạn bờ biển Quảng Trị chạy dài xuống đến Quảng Ngãi đối mặt với các đảo Hoàng Sa luôn hứng gió Mùa Đông Nam hay Đông Bắc thổi vô, nên thường tiếp nhận các thuyền hư hại bị bão làm hư hại ở vùng biển Hoàng Sa. Các vua chúa Việt Nam hay chu cấp phương tiện cho các thuyền ấy về nước nên họ thường bảo nhau tìm cách dạt vào bờ biển của Việt Nam để nhờ cứu giúp. Chính vì vậy Hoàng Sa từ rất sớm đã được người Việt biết tới, hết sức quan tâm, cùng xáp lập và thực thi chủ quyền của mình.
    Trong khoảng 30 đảo, đá, bãi, cồn, hòn trên, hiện có 23 đã được đặt tên, gồm 15 đảo, 3 bãi, 3 đá, 1 cồn, 1 hòn. Các đảo trên không cao, nhất là đảo Hòn Đá(50 feet), đảo thấp nhất là đảo Tri Tôn(10 feet). Các đảo chính gồm hai nhóm:
    - Nhóm Lưỡi Liềm (Crescent group) ở Tây Nam.
    - Nhóm An Vĩnh ở (Amphitrite group) ở Đông Bắc.

    Danh sách các thực thể địa lý thuộc quần đảo Hoàng Sa: Click Nguồn


    Các vùng chồng lấn do tuyên bố của các bên

    Đường Chữ U - Yêu sách tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông

    Yêu sách của các bên tại Biển Đông.

    Yêu sách của các bên tại Biển Đông.


    B - Địa chiến lược và Tiềm năng kinh tế Biển Đông
    Tài liệu trich từ nguồn: NghienCuuBienDong - Trần Bông (gt)


    Biển Đông còn gọi là biển Nam Trung Hoa theo tên tiếng Anh (The South China Sea) là một biển rìa Tây Thái Bình Dương.
    Theo quy định của Uỷ ban Quốc tế về biển, tên của các biển rìa thường dựa vào địa danh của lục địa lớn gần nhất hoặc mang tên của một nhà khoa học phát hiện ra chúng. Biển Đông nằm ở phía Nam đại lục Trung Hoa nên có tên gọi là biển Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, địa danh biển không có ý nghĩa về mặt chủ quyền như một số người ngộ nhận.
    Vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển được xác định và giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi tám nước khác là Trung Quốc, Philippin, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia.
    Theo ước tính sơ bộ, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu người dân của các nước này. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn cả của châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ.

    Tiềm năng của Biển Đông
    Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển.
    Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippin, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 - 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 - 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới.

    Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu qui đổi, trữ lượng khai thác khoảng 02 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ mét khối.
    Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 - 20 năm tới. Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính. Trữ lượng và sản lượng dầu khí của Việt Nam đứng vào hạng trung bình trong khu vực, tương đương Thái Lan và Malaysia.
    Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Chính tiềm năng dầu khí chưa được khai thác được coi là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh hai quần đảo.

    Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông
    Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á.
    Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm:
    - Tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê,
    - Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Úc, Niu Di Lân;
    - Tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe;
    - Tuyến Đông Á đi Úc và Niu Di Lân, Nam Thái Bình Dương;
    - Tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Công. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực.
    Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông.
    Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar). Đặc biệt eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau eo biển Hormuz).
    Nạn cướp biển và khủng bố trên Biển Đông ở mức cao, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố tự sát vào tàu chở dầu của Pháp tháng 10 năm 2002. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa - chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế, nhất là đối với Mỹ và Nhật Bản.

    Biển Đông còn có liên hệ và ảnh hưởng đến khu vực khác, nhất là Trung Đông. Vì vậy, việc Biển Đông bị một nước hoặc một nhóm nước liên minh nào khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của các nước khu vực.
    Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.

    Tầm quan trọng chiến lược của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông
    Các đảo và quần đảo trong Biển Đông có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với nhiều nước.
    Nằm ở trung tâm Biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những khu vực có nhiều tuyến đường biển nhất trên thế giới.

    Trên các tuyến đường biển đóng vai trò chiến lược của Châu Á có hai điểm trọng yếu:
    1) Thứ nhất là eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của lndonesia và Malaysia). Vị trí này vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hoá của các nước Đông Nam Á và Bắc Á phải đi qua.
    Ba eo biển thuộc chủ quyền của lndonesia là Sunda, Blombok và Makascha đóng vai trò dự phòng trong tình huống eo biển Malacca ngừng hoạt động vì lý do gì đó. Tuy nhiên, nếu phải vận chuyển qua các eo biển này thì hàng hoá giữa Ấn Độ Dương sang ASEAN và Bắc Á sẽ chịu cước phí cao hơn vì quãng đường dài hơn.

    2) Điểm trọng yếu thứ hai là vùng Biển Đông, nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua, đặc biệt là khu vực xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Các tuyến đường biển chiến lược nói trên là yết hầu cho giao lưu hàng hoá của nhiều nước Châu Á.

    Xuất khẩu hàng hoá của Nhật Bản phải đi qua khu vực này chiếm 42%, các nước Đông Nam Á 55%, các nước công nghiệp mới 26%, Australia 40% và Trung Quốc 22% (trị giá khoảng 31 tỷ đô la). Nếu khủng hoảng nổ ra ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải thậm chí sẽ tăng gấp năm lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới
    Ngoài ra, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược, có thể dùng để kiểm soát các tuyến hàng hải qua lại Biển Đông và dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm ra đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu bè... Các nhà chiến lược phương Tây cho rằng quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa sẽ khống chế được cả Biển Đông.

    C - NGUYÊN TẮC VÀ LỢI ÍCH CỦA MỸ

    Trong tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc đối đầu với 5 bên yêu sách chủ quyền khác, bao gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan. Trong số đó, rất nhiều tuyên bố chồng lấn với nhau. Tranh chấp Biển Đông xoay quanh:
     Tuyên bố chủ quyền dựa nhiều vào cảm tính đi kèm với chủ nghĩa dân tộc dâng cao trong khu vực
     Nguy cơ xảy ra các xung đột bất ngờ có thể leo thang
     Những yêu sách đối lập nhau về các nguồn tài nguyên phong phú (có tiềm năng khai thác)
     Hiểm họa đối với tự do hàng hải trong các Vùng Đặc quyền Kinh tế
     Xung đột về cách diễn giải và khả năng ứng dụng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

    Tranh chấp Biển Đông cũng liên quan đến lợi ích của Mỹ, đặc biệt là về vấn đề tự do hàng hải, luật và quy chuẩn quốc tế, quan hệ với các đối tác và đồng minh quan trọng và việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
    Mỹ có lợi ích cốt yếu trong việc bảo đảm với các đồng minh và đối tác của mình trong khu vực và rằng Mỹ sẽ duy trì hiện diện mạnh mẽ về an ninh tại đây để ngăn chặn nguy cơ “khoảng trống quyền lực” (power vacuum) xuất hiện khi Trung Quốc trỗi dậy. Điều này đòi hỏi Mỹ tiếp tục tham gia tích cực tại Biển Đông, tiến hành các bước đi khuyến khích cách hành xử có trách nhiệm và ngăn chặn những hành động cưỡng ép từ tất cả các bên. Philippines, một trong số các bên tranh chấp, là đồng minh hiệp ước của Mỹ. Mỹ cần phải tôn trọng hiệp ước an ninh của mình, trong đó bao gồm cả các hòn đảo chính của Philippines cũng như “tàu và máy bay công của nước này.”
    Mỹ cần phải đánh giá một cách đúng đắn về vấn đề Biển Đông, định hình một chiến lược nhằm giảm thiểu tối đa khả năng bị cuốn vào đối đầu hay xung đột có thể khiến hàng loạt các vấn đề cốt yếu khác (như chương trình hạt nhân tại Iran và Bắc Triều Tiên; thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế; chống biến đổi khí hậu hay gìn giữ hòa bình ổn định eo biển Đài Loan và Hoa Đông) trở nên khó giải quyết hơn rất nhiều.

    Các quy tắc định hướng chính sách của Mỹ đối với khu vực Biển Đông: Trong cuộc họp ARF vào tháng 7/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đưa ra các nguyên tắc và đã tạo thành nền tảng, mặc dù không phải toàn bộ, cho các lợi ích của Mỹ trong khu vực.

    Vậy thì, những nguyên tắc này hé lộ điều gì về những lợi ích cụ thể Mỹ? Những lợi ích nào Mỹ cần phải tập trung bảo vệ?
    1) Tự do hàng hải/quân sự: Quyền tự do tại biển cả được UNCLOS ghi nhận là điều tối quan trọng với vai trò toàn cầu của Mỹ với tư cách là người đảm bảo an ninh tại tất cả các vùng biển trên thế giới kể cả những vùng biển xa xôi nhất. Dưới cách diễn giải Luật biển của Bắc Kinh, các hoạt động tình báo hay tàu quân sự quá cảnh qua Vùng Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc đều phải được sự đồng thuận của nước này trước khi thực hiện. Mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ thành công trong việc áp dụng cách diễn giải này với Mỹ, lập trường này có thể mang hậu quả tiềm tàng đối với quân đội Mỹ nếu như các tuyên bố chủ quyền bành trướng nhất tại Biển Đông của Trung Quốc trở thành hiện thực. Hiện giờ, lập trường của Trung Quốc vẫn được xem là quan điểm thiểu số trong cộng đồng quốc tế và Mỹ cần đảm bảo điều này sẽ không thay đổi.
    2) Tự do hàng không: Khi Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông, các nước khác, bao gồm Mỹ, lập tức lo ngại về việc một vùng tương tự được Trung Quốc đưa ra tại Biển Đông. Nếu như ADIZ của Trung Quốc được lập tại Biển Đông, bao trùm cả các vùng mà các nước yêu sách, khu vực sẽ trở nên bất ổn, căng thẳng sẽ dâng cao và do vậy, khả năng này cần được loại bỏ. Tuy vậy, giả sử như khả năng này có xảy ra thật, chúng ta cũng có thể tin tưởng rằng vùng này sẽ không được thực thi theo hướng làm ảnh hưởng tiêu cực tới các tuyến hàng không, cũng giống như ADIZ tại Hoa Đông cho đến nay vẫn chưa gây ra ảnh hưởng nào trầm trọng tới các tuyến đường bay.
    3) Thương mại không bị cản trở: Do tất cả các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm chính Trung Quốc, đều có lợi ích lớn trong việc gìn giữ tự do thương mại trên Biển Đông nên khả năng lợi ích chung này bị đe dọa một sớm một chiều là rất hiếm.
    4) Giải quyết tranh chấp hòa bình, tránh các biện pháp cưỡng bức: Điều này nên được coi là mục tiêu cốt yếu của Mỹ tại Biển Đông, cũng như tại các khu vực khác, bởi đây là nguyên tắc nền tảng xây dựng nên trật tự quốc tế và là nguyên tắc thiết yếu để duy trì ổn định khu vực. Trung Quốc là bên tranh chấp với khả năng sử dụng ngoại giao cưỡng bức lớn nhất. Cái Trung Quốc gọi là “trỗi dậy hòa bình” (hay “phát triển hòa bình” như các quan chức nước này thường nhắc đến) là điều mà cả thế giới kỳ vọng, đang được đem ra kiểm chứng ở Biển Đông. Mới đây, Trung Quốc đã triển khai hành động trong vùng xám: Trung Quốc không tấn công các đảo do các nước khác kiểm soát, không sử dụng Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) mà dựa vào lực lượng cảnh sát biển để củng cố yêu sách. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đẩy quân Philippines khỏi Bãi Hoàng Nham – ngư trường truyền thống người dân Philippines. Trung Quốc cũng đã điều một hạm đội cảnh sát biển và tàu cá đến khu vực giàn khoan tại Hoàng Sa để ứng phó với tàu Việt Nam. Những hành động kiểu như vậy càng làm gia tăng nghi ngại đối với các bên yêu sách cũng như các nước khác trong khu vực Đông Á về những hành động gây hấn mà Trung Quốc có thể gây ra trong tương lai.
    4) Các tuyên bố chủ quyền phải phù hợp với UNCLOS: Yêu sách các quyền bành trướng nhất tại Biển Đông là Đường chín đoạn – đường khoanh vùng hầu như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc và Đài Loan đều không thể giải thích ý nghĩa của Đường chín đoạn – liệu nó vạch ra yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền trên toàn bộ vùng biển nằm trong đường này (và nếu quả thực như vậy thì chính xác là các quyền gì?) hay nó chỉ đơn giản biểu thị yêu sách của Trung Quốc đối với các thực thể đất liền nằm trong đó? Mỹ phải để tâm tới vấn đề này bởi tôn trọng luật lệ và quy chuẩn quốc tế là nền tảng quan trọng của hệ thống quan hệ quốc tế. Việc áp đặt những tuyên bố chủ quyền với phạm vi rộng lớn như Đường chín đoạn sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới quyền lợi của nhiều nước khác và gây bất ổn nghiêm trọng. Không chỉ có vậy, các công ty và chủ thể Mỹ có thể sẽ muốn tiến hành thăm dò hay đánh bắt tại những khu vực đáng nhẽ ra là biển quốc tế này.
    5) Một tiến trình ngoại giao mang tính hợp tác để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ: Mỹ có lợi ích khi các bên tranh chấp đàm phán để dàn xếp yêu sách của mình, dù tiến trình đó là song phương như mong muốn của Trung Quốc hay đa phương như mong muốn của các nước ASEAN. Tuy nhiên, khả năng đàm phán nghiêm túc các yêu sách lãnh thổ trong tương lai gần là không có. Vì vậy, mối quan tâm hiện nay của Mỹ nằm ở việc ngăn ngừa các bên tranh chấp tranh sử dụng các biện pháp cưỡng chế để làm thay đổi hiện trạng hơn là dồn nguồn lực ngoại giao để các bên ngồi lại đàm phán giải quyết các yêu sách.
    6) Đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC): Trong “Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông” (DOC), được kí kết vào tháng 11/2012 vốn không mang tính ràng buộc, các bên yêu sách trong ASEAN có tuyên bố chủ quyền cùng với Trung Quốc đã nhất trí rằng việc áp dụng Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông sẽ góp phần hơn nữa vào việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. Dựa trên nền tảng của sự đồng thuận, các bên đã đồng ý sẽ theo đuổi mục tiêu này đến cùng. Do các tranh chấp về chủ quyền của các thực thể đất liền tại Biển Đông khó có thể được giải quyết trong tương lai gần, một Bộ Quy tắc Ứng xử với những quy định rõ ràng về cách khẳng định quyền của các bên sẽ là công cụ thiết yếu cho việc quản lý tranh chấp.

    Nhân tố cơ bản cho một chiến lược tren cac NGUYÊN TẮC VÀ LỢI ÍCH CỦA MỸ

    Mỹ có thể xây dựng một vai trò tích cực tại Biển Đông dựa trên các nguyên tắc mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã vạch ra vào năm 2010, nhưng điều này chỉ xảy ra nếu như chính sách ngoại giao của Mỹ tại Biển Đông là một chính sách toàn diện, rõ ràng, hợp lý và hướng tới tương lai. Vậy đâu là nhân tố cơ bản cho một chiến lược như vậy?
    • Chính sách của Mỹ phải được dựa trên các nguyên tắc, chứ không đi theo bất kì bên nào. Washington cần phải làm rõ lập trường của mình về việc không yêu sách của bất kì bên nào. Đây là lập trường hiện tại của Mỹ, và nó cần được giữ vững trong tương lai.
    • Những nguyên tắc được vạch rõ bởi cựu Ngoại trưởng Clinton, và nay được tiếp nối bởi Ngoại trưởng Kerry là những nguyên tắc đúng đắn nếu được áp dụng như mô tả dưới đây: Mỹ cần triệu tập không chỉ Trung Quốc mà tất cả các bên có tranh chấp khi các bên này có động thái vi phạm những nguyên tắc trên. Tuy nhiên, các quan chức và người phát ngôn của Mỹ nói chung cũng cần phải “hạ nhiệt” trong các nhận định công khai của mình. Lấy ví dụ, trong các tuyên bố của mình, Mỹ đã nhiều lần lên án hành động của Trung Quốc là “khiêu khích” và “gây hấn” nhưng lại im lặng đối với những động thái làm thay đổi nguyên trạng của các bên khác. Điều này có thể khiến Bắc Kinh càng có lý do để tin rằng Mỹ thiên vị các bên có tranh chấp khác và sử dụng vấn đề này để kiềm chế Bắc Kinh.
    • Mỹ cần tập trung tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với hai mục tiêu cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Mỹ ở Biển Đông, đó là: 1) tuân thủ quy định của UNCLOS trong việc phân định tất cả các quyền trên biển vốn được phát sinh từ các thực thể đất liền có liên quan; và 2) ủng hộ việc đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các nước ASEAN với Trung Quốc mà trong đó quy định rõ thống nhất các luật lệ, thủ tục và quy tắc, bao gồm cả cam kết giải quyết tranh chấp mà không sử dụng vũ lực.
    • Thượng viện Mỹ cần phê chuẩn UNCLOS. Mặc dù hiện nay Mỹ vẫn tôn trọng và tuân thủ những điều khoản của UNCLOS tuy chưa phê chuẩn công ước này, lập trường của Mỹ sẽ có giá trị hơn rất nhiều nếu Mỹ chấm dứt sự tách biệt của mình với cộng đồng quốc tế vốn được hình thành dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Reagan đối với công ước này. Đây từ lâu đã là quan điểm của Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ và các nhân vật chủ chốt trong cộng đồng doanh nhân Mỹ. Do vậy, Thượng viện Mỹ nên chiểu theo quan điểm của họ.
    • Để UNCLOS được thực thi một cách hiệu quả, Mỹ và cộng đồng quốc tế cần kêu gọi Bắc Kinh làm rõ lập trường của mình Về đường chín đoạn sao cho phù hợp với các điều khoản liên quan của UNCLOS mà Trung Quốc đã phê chuẩn và kí kết. Tương tự, Mỹ cũng cần gây áp lực để Đài Loan làm rõ lập trường đối với đường chín đoạn. Việc làm rõ ý nghĩa của đường chín đoạn cũng là vấn đề chính mà Philippines đệ trình lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) để được phân xử.

    • Với bất cứ tranh chấp nào còn tồn tại liên quan tới ranh giới Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ), Mỹ cần khuyến khích các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận toàn diện hoặc từng phần về các vùng đánh bắt cá để cho phép ngư dân của tất cả các bên có tranh chấp đều được quyền đánh bắt tại vùng biển của mình mà không bị can thiệp. Tuy nhiên, phải có giới hạn về mức độ đánh bắt để tránh tình trạng đánh bắt quá nhiều và đe dọa tới sự tồn tại của các sinh vật biển. Mỹ cũng nên ủng hộ nguyên tắc về khai thác chung giữa các bên yêu sách để phát triển nguồn tài nguyên đáy biển của những vùng EEZ tranh chấp.
    • Mỹ nên ủng hộ tất cả các diễn đàn đàm phán và các phương thức đàm phán không thể hiện sự ưu ái của Mỹ đối với bất kì diễn đàn hay hình thức đơn lẻ nào, trừ khi có sự đồng thuận của cả khu vực. Những đàm phán song phương, như vừa thực hiện giữa Philippines và Indonesia, là rất hữu ích. Những đàm phán đa phương giữa các bên liên quan trực tiếp chắc chắn sẽ là cần thiết trong tương lai để giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn bao gồm nhiều bên. Tòa trọng tài quốc tế là một công cụ hữu ích và lý tưởng nếu có sự đồng thuận của cả hai bên có tranh chấp và trong mọi trường hợp ít nhất chúng cũng cho thấy được quan điểm của tòa quốc tế.
    • Mỹ cần phải hành động để chứng tỏ rằng những động thái mang tính cưỡng bức của một bên có tranh chấp sẽ khiến bên đó phải trả giá. Cách hành xử của Trung Quốc những năm gần đây đã khiến cho một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines tìm cách tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ. Mỹ cần đáp ứng lại những yêu cầu của các bên có yêu sách, trong đó có Việt Nam, để nâng cao khả năng bảo vệ an ninh biển của những bên này. Nga, Hà Lan và Pháp đều đã bán vũ khí cho Việt Nam; do đó Mỹ cũng nên dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí của mình đối với Hà Nội để cho phép hai bên xây dựng các điều khoản về điều khiển và kiểm soát cũng như các trang thiết bị phục vụ công tác hải giám.
    • Washington cũng cần tái khẳng định lập trường về tự do hàng hải và hàng không dành cho các tàu quân sự và dân sự và máy bay, kể cả đối với những Vùng Đặc quyền Kinh tế, và cần phải có hành động phù hợp trong trường hợp bị thách thức. Việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Mỹ tại Hawaii hồi tháng 7/2014 trong thời gian diễn ra cuộc tập trận RIMPAC 2014 đã cho thấy sự hai mặt của Trung Quốc trong việc diễn giải những hoạt động được phép thực thi trong Vùng Đặc quyền Kinh tế.
    • Mỹ cần khuyến khích tất cả các bên có tranh chấp, nếu có thể, “đóng băng” các hoạt động xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo hay thực thể nửa chìm nửa nổi đang có tranh chấp, hoặc nếu không thì chí ít cũng kiềm chế những hoạt động này. Mỹ cũng cần thúc đẩy các bên cùng nhất trí rằng những căn cứ quân sự này phải được sử dụng với mục đích tuần tra chứ không phải là mục đích triển khai sức mạnh.
    Những kiến nghị trên được đề ra nhằm tạo nên sự cân bằng giữa các mối lợi ích đối nghịch nhau: để giảm thiểu những căng thẳng có chiều hướng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và giữa các bên có yêu sách ở Biển Đông; để bảo vệ lợi ích của Mỹ đối với các vấn đề biển mà Mỹ quan tâm; để tạo dựng lòng tin đối với các chủ thể trong khu vực rằng sự hiện diện an ninh của Mỹ là lâu dài; và để tránh gây ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ trong những tình huống mà Mỹ khó có thể sử dụng biện pháp quân sự để bảo vệ lập trường của mình. Những đề xuất này cũng có mục đích bảo vệ lợi ích rộng lớn hơn của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc và giúp Mỹ tránh trở thành nạn nhân trong các vấn đề Mỹ không thể kiểm soát được.
    Nếu Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận của mình tại Biển Đông sang một hướng quyết tâm gây hấn bằng quân sự và đe dọa nghiêm trọng tới ổn định khu vực, thì Mỹ cần tìm kiếm những phương án khác để ngăn chặn tình hình diễn biến theo chiều hướng đó. Để ngăn cản một diễn tiến như vậy, Mỹ cần đảm bảo rằng chiến lược ngoại giao của mình tập trung vào các vấn đề cốt lõi như tự do hàng hàng hải, sự tôn trọng các quy tắc quốc tế và việc tạo dựng một môi trường mà việc sử dụng vũ lực và các hành vi cưỡng ép là không khả thi. Để làm được điều này, Mỹ nên giảm bớt giọng điệu chỉ trích của mình, cùng hợp tác với tất cả các bên (chứ không chỉ một vài chủ thể) và đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông.

    D- Yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với Biển Đông là không dựa trên UNCLOS
    Nguồn trích dẫn: Nghiên Cứu Biển Đông.

    Theo người của Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế của Bộ Ngoại Giao (Trung Quốc), những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông được thể bằng đường đứt khúc 9 đoạn trong bản đồ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (còn được gọi là “đường Lười bò” hoặc “đường 9 đoạn”) là không căn cứ theo Công ước Luật biển LHQ UNCLOS 1982. Vị quan chức này lập luận rằng, “như một phản ánh của lịch sử”, yêu sách của Trung Quốc còn ra đời trước UNCLOS, và mặc dù những yêu sách này xung đột với các yêu sách của các quốc gia láng giềng trong khu vực, Trung Quốc sẽ đệ trình yêu sách của họ lên cơ quan giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Trong khi cả quan chức của Bộ ngoại giao và một học giả nghiên cứu về Châu á của Trung quốc cố gắng khẳng định chứng cứ lịch sử tồn tại nhằm chứng minh cho yêu sách đường chín đoạn, nhưng không ai trong số họ có thể chỉ ra cho Tham tán chính trị những căn cứ cụ thể.
    ...Xem tiếp ---
    NghienCuuBienDong - Wikileaks

    (Đường đứt đoạn màu đỏ thể hiện cho yêu sách "Đường Lưỡi Bò" vô lý của Trung Quốc)

    !!! Trong nội dung của bài viết dưới đây của Daniel Schaeffer/tranbong, đã phân tích được rõ quá trình hình thành “đường lưỡi bò” trong các loại bản đồ do Trung Quốc xuất bản là hoang đường, không có cơ sở pháp lý và khoa học, không phù hợp với Công ước quốc tế về luật biển và cũng như chưa thuyết phục được hết người dân Trung Quốc. !!!

    oOo


    Biển Đông: Những điều hoang đường và sự thật của đường lưỡi bò (tranbong)
    Sau đây là bài viết nhan đề: “Biển Đông: Những điều hoang đường và sự thật của đường lưỡi bò” của tướng Daniel Schaeffer, nguyên Tùy viên quốc phòng Pháp tại Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, hiện là Tư vấn cao cấp của chuyên mục “Tiêu điểm quốc tế”, tạp chí Diplomatie 36 - tháng 1 và 2/2009.

    Vén bức rèm che đường lưỡi bò hoang đường.

    Vấn đề đặt ra đối với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay là phải biết cách làm cho những đòi hỏi ẩn chứa phía sau đường lưỡi bò phù hợp với việc nước này tham gia Công ước về luật biển với những đường ranh giới của các khu độc quyền và các thềm lục địa.

    Các cuộc hội kiến của các tác giả tại Việt Nam và tại Trung Quốc cho thấy Chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ đề cập một cách chính thức đến đường lưỡi bò như một ranh giới bất khả xâm phạm đối với chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây là một trong những nhân tố cơ bản đầu tiên cần nhấn mạnh. Đúng là việc duy trì biểu tượng của đường này trên các bản đồ do Bắc Kinh xuất bản tiếp tục gây ra tình trạng mập mờ về thực chất của những yêu sách của Trung Quốc, một tình trạng kéo dài xuất phát từ thực tế là hầu hết người dân Trung Quốc đều cho rằng đây đơn giản là sự khẳng định đối với “việc đã rồi” và vì thế không việc gì phải bàn đi cãi lại.

    Đường lưỡi bò xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 1947, trong một tập bản đồ tư nhân (chứ không phải do nhà nước xuất bản) dưới dạng một đường nét liền được vẽ bằng tay. Cần phải có những nhiên cứu cụ thể hơn để xác định được nguồn gốc chính xác của đường này. Trong thực thế, không tìm thấy bất kỳ một tọa độ nào của những điểm khác để có thể xác định vị trí chính xác của đường lưỡi bò.

    Sau khi xuất hiện, đường lưỡi bò tiếp tục thay đổi thành một đường gián đoạn 11 nét, rồi 9 nét bắt đầu từ những năm 1950, tức sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời. Ba giai đoạn như vậy hợp thành một nhân tố quan trọng để làm cơ sở xem xét các cuộc tranh luận về sau. Những tấm bản đồ về Biển Đông và về đường lưỡi bò mà chúng ta có thể tìm thấy đều được phát hành sau năm 1950. Trên những bản đồ này có ghi những chứ cái Trung Quốc được đơn giản hóa (chứ không có các chữ cái Trung Quốc truyền thống mà những người dân tộc chủ nghĩa vẫn còn sử dụng) hoặc những chữ cái Latinh được viết theo cách phát âm (dạng viết được nhà nước Trung Hoa nhân dân chấp nhận, khác với những hệ thống chuyển biên mà Trung Hoa dân quốc đã sử dụng trước đó). Trong những điều kiện như vậy, có thể hiểu rằng một đường ranh giới như vậy không phải là sự thể hiện chính thức ý trí áp đặt chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông. Đúng hơn đó là đường xác định phạm vi lãnh hải mà toàn bộ phía trong của nó là đối tượng của các cuộc thảo luận mà Trung Quốc muốn tiến hành để xác định chủ quyền trước hết là của Trung Quốc, sau đó mới là của các quốc gia khác, đối với những vùng đất nổi và đôi khi cả những vùng đất chìm như trường hợp của bãi Macclesfild. Đó như thể là giới hạn mà Trung Quốc đặt ra đối với “khu vực tranh chấp”.
    Nếu phân tích kỹ thì có thể thấy được nhiều chi tiết. Thứ nhất là những đường cơ sở mà Trung Quốc xác định xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Phải nói rằng Trung Quốc diễn giải một cách quá lạm dụng Phần IV của Công ước về luật biển khi gán cho Hoàng Sa quy chế “Quốc gia quần đảo”. Thực tế, Hoàng Sa không thể có quy chế này vì không thỏa mãn các tiêu chuẩn được quy định trong Điều 46 của Công ước về luật biển, theo đó để có quy chế “Nhà nước quần đảo” thì lãnh thỏ đó phải độc lập, chỉ bao gồm các hòn đảo và hoàn toàn không có mối liên hệ với lục địa. Kể cả khi Hoàng Sa thỏa mãn 2 tiêu chuẩn cuối cùng thì nó cũng không thỏa mãn tiêu chuẩn đầu tiên, tiêu chuẩn về sự độc lập, vì đang là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Về logic tổng thể, cần áp dụng quy chế của các đảo đối với Hoàng Sa, tùy thuộc vào việc tại đây con người có thể sinh sống hay không như quy định trong Phần VIII của Công ước về luật biển.
    Ngoài ra, chúng ta thấy rằng các đường cơ sở được áp dụng đối với Hoàng Sa không trùng với đường lưỡi bò và ngược lại. Nếu Trung Quốc không muốn mâu thuẫn với chính mình, họ không nên đặt ra những đường cơ sở xung quanh Hoàng Sa. Khi câu hỏi về mâu thuẫn này được đặt ra, người ta chỉ có được những câu trả lời mập mờ thay cho những lời giải thích có tính thuyết phục.

    Chi tiết thứ hai đó là việc Trung Quốc đưa ra định nghĩa về lãnh hải của họ trong Luật ngày 25/2/1992. Trong luật này, Biển Đông không được nêu như là “biển lãnh thổ”. Chỉ có các quần đảo – một trong những cấu thành của Biển Đông – được nêu một cách dứt khoát là lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc. Như vậy, các khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc cũng cần được xác định trên cơ sở của luật này.

    Chi tiết thứ ba nảy sinh từ những lời phát biểu kỳ quặc của vị đại diện của một trong những viện nghiên cứu mà tác giả đã gặp khi vị này cho ràng đường lưỡi bò không phải do thể chế cộng sản tạo ra mà là sự kế thừa của thể chế dân tộc chủ nghĩa trước đây. Ta có thể hiểu: Việc đường lưỡi bò tồn tại như bây giờ không phải là lỗi của chính quyền Bắc Kinh. Nói một cách nghiêm túc hơn: Dù diễn đạt khó hiểu đi chăng nữa thì vị quan chức này cũng cho thấy rằng điều mà Trung Quốc đòi hỏi trước tiên là các bên tranh chấp phải công nhận rằng hiện đang có tranh chấp tổng thể và quan trọng hơn là họ cong nhận rằng hiện đang tồn tại những khu vực tranh chấp và thực sự đang tồn tại sự tranh chấp đối với những vùng nêu trên. Điều đó có nghĩa là:
    - Trung Quốc muốn Việt Nam công nhận rằng không có trnah chấp đối với Hoàng Sa – điều mà Hà Nội không chịu. Điều mà Trung Quốc muốn đạt được ở đây là hai nước chấp nhận thực trạng được áp đặt bằng quân sự giữa hai nước trong những năm 1947-1974 và rằng vấn đề Hoàng Sa từ nay trở đi vĩnh viễn là vấn đề đã quyết với phần thắng thuộc về Trung Quốc. Nếu Việt Nam có những tư liệu đích thực có giá trị pháp lý để chứng minh rằng các vua Annam thực sự đã thực thi chủ quyền của họ trên những hòn đảo này vào thời kỳ tiền thực dân (chủ quyền này sau đó được thực dân Pháp đảm nhiệm) thì lý lẽ của Trung Quốc về chủ quyền đối với những hòn đảo này sẽ yếu hơn nhiều so với những lý lẽ của Việt Nam, kể cả khi Trung Quốc cho rằng chủ quyền của họ được thực thi đối với Biển Đông từ thời triều Song (960 – 1279). Ít nhất đó cũng là điều mà trẻ em Trung Quốc học trong các cuốn sách lịch sử của họ. Vấn đề cung cấp thêm những bằng chứng đáng tin cậy (chứ không phải cứ to mồm kêu loa “đã từ lâu các ngư dân Trung Quốc thường xuyên đến các vùng biển này”) là điểm quan trọng hiện nay và đây đúng ra phải là nhân tố cho phép xác định chủ quyền thực tế đối với Hoàng Sa.

    - Trung Quốc lẩn tránh việc thảo luận thực tại của vấn đề chủ quyền đối với bãi Macclesfield, khu vực đang là "vấn đề đặc biệt" như đánh giá của một trong các chuyên gia của Trung Quốc về luật biển. Thực tế, dù không đáp ứng bất kỳ tiêu chuẩn nào của Công ước về luật biển về mặt thực tại lãnh thổ trong trường hợp như thế này vì Công ước chỉ chế định những bãi nổi hay những mỏm ngầm nhìn thấy được (trong điều 6 của Công ước có định nghĩa các bãi đá ngầm mặc dù định nghĩa này còn chưa rõ ràng), việc khẳng định chủ quyền đối với khu vực này là điều khó đối với mọi quốc gia.

    - Trung Quốc có thể sẽ tỏ ra sẵn sàng thảo luận về Trường Sa để phục vụ chiến lược lừa dối để thế giới tưởng rằng Trung Quốc cũng có khả năng nhân nhượng hoặc vì Trung Quốc không có đủ các nhân tố khẳng định chủ quyền chắc chắn đối với quần đảo này. Các diễn giải như vậy càng được củng cố hơn khi Viện Nghiên cứu về Biển Đông đóng tại Haikou, rất có uy tín đối với Chính quyền Trung ương Trung Quốc, có một bộ phận chuyên nghiên cứu về TS, trong khi về các quần đảo khác thì không có bộ phận nghiên cứu chuyên trách.

    Điều hoang đường khó dẹp bỏ

    Tình hình nêu trên cho thấy rằng vẫn chưa thể loại bỏ đường lưỡi bò khỏi các bản đồ Trung Quốc ngày nay. Thực ra, các chuyên gia về luật biển của Trung Quốc vẫn chưa thành công trong việc thuyết phục người dân Trung Quốc, đặc biệt là dư luận xã hội, về sự cần thiết phải làm cho những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc phù hợp với các điều khoản của Luật biển để những đòi hòi này trở nên tin cậy. Đại diện cho khuynh hướng "tôn trọng pháp lý" này (hãy tạm gọi như thế) là giáo sư Lihai, người được bổ nhiệm thẩm phán tại Tòa án quốc tế về luật biển tại Hambourg tháng 8/1996, nhưng đã chết vào tháng 10/2000 khi chưa kết thúc nhiệm kỳ. Trường phái này đã được một số quan chức Trung Quốc, cả quân sự và dân sự, ủng hộ, nhưng tất cả các cơ quan nghiên cứu thì không đồng tình. Tuy nhiên, cần thấy rằng trước đó giáo sư Zhao trong một thời gian dài cũng đã cố sức bảo vệ cho giả thiết rằng khu vực được giới hạn bởi đường lưỡi bò hoàn toàn thuộc về Trung Quốc.
    Ngày nay, khuynh hướng “tôn trọng pháp lý” còn đang phải đối mặt với hai trường phái truyền thống. Trường phái thứ nhất khẳng định rằng Biển Đông là biển lãnh thổ Trung Quốc, với lý lẽ là đường lưỡi bò đã có trước Công ước về luật biển, là di sản của lịch sử. Trường phái thứ hai cho rằng thể chế của Biển Đông là thể chế của một biển lịch sử như nêu trong các sách giáo khoa lịch sử, mặc dù điều này không được kiểm chứng.

    Kết luận

    Đường lưỡi bò có thể còn tồn tại một thời gian dài nữa mặc dù nó đang trở nên mờ nhạt trong tâm trí của một số người Trung Quốc muốn đất nước mình là một thành viên tin cậy của Công ước về luật biển. Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông thật khó có thể biện minh. Việc từ bỏ hoàn toàn đường lưỡi bò sẽ khắc phục hoàn toàn được tình trạng mập mờ cản trở thực tiễn, làm cho các cuộc đàm phán giữa các nước trong khu vực trở nên khách quan hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cùng khai thác tài nguyên tại một số khu vực ít ỏi không tranh chấp. Cùng một số diễn biến gần đây trong khu vực, điều này có thể sẽ là một triển vọng thực tế đáng khích lệ. Việc Trung Quốc và Nhật Bản ký kết thỏa thuận cùng khai thác mỏ khí Shirabaka (theo cách gọi của Nhật Bản) cho phép hy vọng về một sự tiến triển trong tư duy của Trung Quốc liên quan đến những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông, thậm chí có thể một ngày nào đó Trung Quốc sẽ quyết định bỏ hẳn đường lưỡi bò trong các bản đồ của họ./.



    D - TIN THAM KHẢO / PHÂN TÍCH/ BÌNH LUẬN
    (tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau.)


    >>> 03/08/15 Bình luận / Phan tích: Ký giả 'Nguyễn Xuân Nam' và Luật Sư 'Nguyễn Hoàng Duyên'.

    Đối phó với Trung Quốc: Quốc Hội Mỹ đề nghị TT Obama theo chiến lược khác






    >>>05/22/15: TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG CẬP NHẬT - BUỒN NHIỀU HƠN VUI.
    Bình luận: Nguyễn Thùy Trang

    Như chúng ta mừng rỡ trong mấy ngày qua khi Hai Hàng Không Mẫu Hạm Uss George Washington & Uss Carl Vinson tiến ra Biển Đông và ai cũng nghĩ là sách lược của Mỹ nhằm phản ứng với Trung Quốc.
    Trên thực tế, chúng ta cần nhìn nhận là Chính Quyền Obama rất yếu ớt phản ứng khi Trung Quốc cứng rắn Giàng Chủ Quyền Biển Đông.
    Sau khi Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry sang Trung Quốc kêu gọi biện pháp ứng xử Biển Đông một cách hòa bình nhưng không được phía TQ đáp ứng.
    Mỹ không có động thái nào cương quyết hơn nữa sau khi John Kerry rời TQ sang Nam Hàn. Hai chiếc Hàng Không Mẫu Hạm George Washington & Uss Carl Vinson chỉ ở Biển Đông vài ngày trước khi sang Úc để tập trận cùng với quân đội Úc "Talisman Saber 2015" và sẽ trở về cảng San Diego.
    Phần lớn 20 chiến Hạm của Mỹ còn lại ở Biển Đông đã rút về các căn cứ ở Nam Hàn, Nhật và Phi. Hiện nay KHÔNG có một chiến hạm nào của Mỹ đi tuần ngoài biển Đông. Điều nầy cho ta thấy là Obama đã ra lệnh rút lui có trật tự.
    Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ash Carter là người có quyết tâm trấn giữ biển Đông nhưng không làm gì được hơn khi chính sách Obama có khuynh hướng thân cận với Trung Quốc. Từ lúc Obama lên nắm quyền thì thương mại Mỹ -Trung tăng lên 555 tỷ trong một năm. Hàng hóa Trung Quốc đổ vào Mỹ tăng nhiều hơn gấp đôi.
    Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ash Carter đang cố tìm cách khác là hôm nay đã vận động Hải Quân Úc cùng tuần tra chung Biển Đông với Mỹ. Úc trả lời ởm ờ lời mời nầy vì nước Úc cũng là một trong những nước có thương mại hàng đầu với Trung Quốc, Úc không muốn tổn thương quan hệ nầy.
    Mỹ hiện bị cầm chân tại Ukraine và Irag. Mỹ đưa một số công cụ quân sự sang các nước Baltic có biên giới với Nga và một số chiến hạm đang bị kẹt chân ở Trung Đông.
    Mỹ vừa đưa Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Antony Blinken sang thăm Việt Nam để bàn về tình hình Biển Đông một cách cầm chừng.
    Một ông tướng về hưu của Trung Quốc đưa ý kiến là nếu máy bay và tàu chiến Mỹ vào khu vực 12 Hải Lý của Trung Quốc thì bắn cảnh cáo và sau đó bắn bỏ...
    Tuần sau thì Trung Quốc và Nga sẽ tập trận ở vùng biển Mediterranean để biểu dương lực lượng và nước Mỹ ở thời đại T.T Obama thì.....
    Tin tức Biển Đông làm cho chúng ta lúc buồn lúc vui khi tình hình thay đổi như chong chóng. Thùy Trang đã nói nhiều lần là Trung Quốc sẽ lấn chiếm biển Đông trong thời đại của T.T Obama còn tại vị. Hy vọng nhiều sẽ làm cho chúng ta buồn nhiều hơn!
    Biết đâu ngày mai trời lại sáng!


    Nguyễn Thùy Trang



    (*)...Xem thêm bài bình luận của 'Nguyễn Vĩnh Long Hồ' / TT OBAMA CÔ LẬP BẮC KINH BẰNG CHIÊU: LẤY “NHU THẮNG CƯƠNG (ĐẠO ĐỨC KINH – LÃO TỬ)
    Tựa Đề: Lằn ranh đỏ trong quan hệ Mỹ - Trung

  • #2
    Tin tham khảo / phân tích/ bình luận

    05/22/15
    Mỹ - Trung chạm trán Trường Sa, CSVN chưa chi đã run sợ


    Video: CNN - Người dịch: Bảo Thiên - Mẹ Nấm

    Sau khi CNN công bố đoạn video máy bay quân sự Hoa Kỳ áp sát Trường Sa¸ chạm trán hải quân Trung Cộng hôm 20/5/2015, người phát ngôn bộ ngoại giao CSVN Lê Hải Bình đã vội vàng lên tiếng yêu cầu các nước liên quan, trong đó có Hoa Kỳ ‘không làm phức tạp thêm tình hình’.

    "Chúng tôi kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông…, không làm phức tạp thêm tình hình", ông Lê Hải Bình phát biểu trong cuộc họp báo hôm 21/5/2015.

    Cùng ngày, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Cộng Hồng Lỗi ngang ngược tuyên bố Trung Cộng “có quyền theo dõi không phận và hải phận nhằm bảo ̣đảm an ninh quốc gia”.

    Chiến đấu cơ Hoa Kỳ chạm trán hải quân Trung Cộng

    Những tuyên bố này được đưa ra sau khi CNN công bố một đoạn phóng sự đặc biệt, ghi lại cảnh máy bay quân sự Hoa Kỳ áp sát quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nơi đang bị Trung Cộng chiếm đóng và xây dựng căn cứ quân sự.

    Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Hoa Kỳ cho phép phóng viên được đi theo phi hành đoàn trong một nhiệm vụ trinh sát. Hình ảnh ghi lại cho thấy bãi Đá Chữ Thập của Việt Nam đang bị Trung Cộng bồi đắp, cải tạo với tốc độ chóng mặt.


    Chỉ trong vòng 2 năm, từ một rạn san hô thấp hơn mặt nước biển, bãi Đá Chữ Thập đã bị biến thành một căn cứ quân sự rộng 8km vuông, tương đương với tổng diện tích của 1500 sân bóng đá. Trên đảo nhân tạo này còn có cả một sân bay quân sự với đội tàu chiến túc trực đông đảo.

    Máy bay do thám và săn ngầm P8-A của Hoa Kỳ khi áp sát khu vực này đã bị hải quân Trung Cộng cảnh báo và xua đuổi đến 8 lần khi thực hiện nhiệm vụ hôm 20/5/2015.
    Trong video, có thể nghe rõ âm thanh hải quân Trung Cộng xua đuổi máy bay Mỹ bằng giọng gắt gỏng qua sóng radio:

    Máy bay quân sự nước ngoài, đây là hải quân Trung Cộng. Các ông đang đi vào vùng cảnh báo quân sự của chúng tôi. Hãy rời khỏi ngay lập tức”, “Đi đi”.

    Đây cũng là lần đầu tiên âm thanh về cuộc chạm trán giữa quân đội hai nước được công bố với công chúng.

    Hoa Kỳ không được làm phức tạp thêm tình hình?

    Sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông sẽ giúp chặn đà xâm lược của Trung Cộng. Trong đó, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất.

    Tuyên bố của ông Lê Hải Bình yêu cầu các nước liên quan, trong đó có Hoa Kỳ ‘không làm phức tạp thêm tình hình’ chẳng khác nào là một thông điệp quay lưng đối với với các nỗ lực của Hoa Kỳ tại Biển Đông.

    Thay vì lên án hành vi leo thang xâm lược của Trung Cộng, những phát biểu chung chung như trên thể hiện rõ thái độ ra vẻ không liên quan của những chế độ hèn nhát.

    Phải chăng, CSVN đã chấp nhận đầu hàng Trung Cộng một cách vô điều kiện?

    Dù vậy, bất chấp những tuyên bố ngang ngược của Trung Cộng và thái độ sợ hãi của đảng CSVN, bộ ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay tương tự trong tương lai.

    "Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động theo đúng quyền tự do và sử dụng đúng luật vùng biển thuộc Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf khẳng định. (*)

    Hoàng Trần
    danlambaovn.blogspot.com

    (*) ---Xem thêm related article--
    Tựa Đề: Lằn ranh đỏ trong quan hệ Mỹ - Trung




    Tranh chấp Biển Đông

    Xác lập chủ quyền ở Biển Đông đang trở thành vấn đề thời sự trong những ngày qua. Nên giải quyết theo kiểu song phương hay đa phương? Vai trò và lập trường của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong cuộc tranh chấp này sẽ dẫn đến hậu quả gì? VOA mang đến quý vị các ý kiến đa chiều để quý vị tự đưa ra những kết luận cho chính mình.

    Trung Quốc: Mỹ có thể gây tai nạn ở biển Đông

    Chiếc P8-A Poseidon, máy bay trinh sát tối tân nhất của Mỹ,
    bị hải quân Trung Quốc "thách thức" trong vòng nửa tiếng và nhiều lần yêu cầu máy bay này rời đi hôm 20/5.

    Chính quyền Bắc Kinh hôm qua nói rằng hành động mới đây của Hoa Kỳ ở biển Đông có thể “gây tai nạn”, hai ngày sau khi hải quân Trung Quốc cảnh cáo một máy bay trinh sát của Hoa Kỳ bay trên các hòn đảo nhân tạo mà quốc gia đông dân nhất thế giới đang xây dựng ở vùng biển tranh chấp.

    Phát ngôn viên Hồng Lỗi nói rằng quân đội Trung Quốc đã xua đuổi máy bay của Mỹ theo đúng luật, đồng thời cho rằng Hành Động của Mỹ là một mối đe dọa an ninh đối với các hòn đảo và bãi đá của Trung Quốc.

    Ông Hồng nói: “Những hành động như vậy có thể gây tai nạn. Đó là hành động thiếu trách nhiệm, nguy hiểm và gây huy hại cho sự ổn định và hòa bình khu vực. Chúng tôi hết sức không hài lòng, và kêu gọi Mỹ nghiêm túc tuân thủ luật lệ quốc tế, tránh có những hành động khiêu khích và gây rủi ro”.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói tiếp: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ khu vực liên quan và thực thi các biện pháp phù hợp để ngăn chặn hành động gây hại tới sự an toàn của các hòn đảo và bãi đá của Trung Quốc cũng như bất kỳ vụ tai nạn trên biển và trên không nào”.

    Hải quân Trung Quốc đã "thách thức" chiếc P8-A Poseidon, máy bay trinh sát tối tân nhất của Mỹ, trong vòng nửa tiếng và nhiều lần yêu cầu máy bay này rời đi hôm 20/5.

    "Tôn trọng chủ quyền"

    Trong khi đó, khi được hỏi về vụ việc giữa Trung Quốc và Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói hôm 21/5: “Chúng tôi kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải hàng không ở Biển Đông; đồng thời tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển theo đúng quy định của luật pháp quốc tế và Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc 1982; không làm phức tạp thêm tình hình”.

    Mỹ luôn tuyên bố không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp ở biển Đông, nhưng khẳng định quyền lợi quốc gia đối với tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới tại vùng biển này.

    Những tuần qua, quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về các hoạt động lấp biển, xây đảo của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở biển Đông.

    Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Việt Nam trong tuần, Phó Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Trung Quốc đã “đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Đông bằng cách hành động lấp biển”.

    Theo Reuters, MOFA, VOA


    Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi tự chế trong vụ tranh chấp Biển Đông


    Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông tự chế, giữa lúc căng thẳng trong khu vực leo thang với những vụ đối đầu giữa máy bay trinh sát của Mỹ với hải quân Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.

    Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm nay, ông Ban Ki Moon cho biết ông “đã hối thúc các bên liên quan tự chế tối đa để tình hình không leo thang tới mức căng thẳng.” Ông nói thêm rằng “Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại hoà bình.”

    Nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc phát biểu như vậy vài ngày sau khi hải quân Trung Quốc xua đuổi một chiếc máy bay trinh sát của Mỹ bay trên những bãi cạn ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang ráo riết xây đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự.

    Hôm thứ tư vừa qua, Phó Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken đã đả kích Trung Quốc về điều ông gọi là “tìm cách tạo ra đất đai có chủ quyền từ những lâu đài trên cát và vẽ lại ranh giới trên biển, làm xói mòn sự tin tưởng khu vực và gây phương hại tới niềm tin của giới đầu tư.”

    Nguồn: UN, AP


    Mỹ cân nhắc tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp ở Biển Đông


    Máy bay do thám P-8 Poseidon của Mỹ mới đây đã bay gần các đảo Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông

    Giới chức Mỹ loan báo đang cân nhắc gửi tàu chiến và máy bay do thám vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông, sau vụ máy bay do thám của Mỹ mới đây bay bên trên những hòn đảo này, khiến Trung Quốc liên tục phát cảnh báo.

    Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Đại tá Steven Warren, hôm 21/5 tiết lộ ý định vừa kể của Washington thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

    Khi được hỏi liệu quân đội Mỹ sẽ tiến vào vùng nhạy cảm này hay không, ông Warren nói hiện tại họ chưa có thông báo nào về những bước tiếp theo nhưng sẽ tiếp tục những chuyến bay thường xuyên của mình.

    Sau vụ hải quân Trung Quốc xua đuổi máy bay Mỹ ở Biển Đông, Bắc Kinh ngày (21/5) tuyên bố họ “có quyền giám sát vùng không phận và hải phận liên quan để duy trì an ninh quốc gia và tránh những tai nạn hàng hải.”

    Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, được Bloomberg ngày 22/5 dẫn phát biểu rằng những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đang khiến 2 nước Việt-Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn trước đây trong quá khứ.

    Trước các diễn tiến mới nhất ở Biển Đông, Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu các nước không làm phức tạp thêm tình hình.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 21/5 kêu gọi tất cả các nước có liên quan đóng góp có trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

    Nguồn: AFP, AP, Reuters
    Last edited by Trần Hòa; 05-27-2015, 04:58 PM.

    Comment


    • #3
      TIN THAM KHẢO / PHÂN TÍCH/ BÌNH LUẬN (Biển Đông)

      May 25th 2015:

      Hơn một tuần qua, tình hình Biển Đông nhanh chóng "tăng nhiệt". Thay đổi chủ yếu là việc Mỹ thực sự bắt đầu can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Bối cảnh của động thái trên là việc Trung Quốc gia tăng tốc độ cải tạo và xây dựng đảo ở khu vực này.


      Trong tương lai sẽ xuất hiện những tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông với mục đích gia tăng mạnh mẽ năng lực quản lý, kiểm soát vùng biển này. Tình trạng đối đầu chính thức ở Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ nét khiến vùng biển này đang đứng trước nguy cơ trở thành "kho thuốc súng" làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ 3.

      Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã xảy ra từ lâu. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo, vùng biển trong phạm vi cái gọi là "Đường 9 Đoạn", vốn chiếm 3/4 diện tích Biển Đông và do nước này tự ý vạch ra. Từ tháng 3/2014 đến nay, Trung Quốc tiến hành bồi đắp, cải tạo ít nhất 7 đảo, rạn san hô ở Biển Đông bao gồm: bãi Đá Vành Khăn, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập... với diện tích hơn 800 hécta, đồng thời lắp đặt trang thiết bị quân sự tại đây như cứ điểm quan trọng, chống pháo, radar, trang thiết bị thông tin liên lạc, bãi đỗ máy bay trực thăng, cầu cảng... Trong đó, công trình trên bãi đá Chữ Thập bao gồm đường băng cho máy bay chiến đấu với chiều dài khoảng 3km, dự kiến hoàn thành vào năm 2017-2018. Một khi công trình này hoàn thiện sẽ nâng cao năng lực phòng ngự, tấn công của Trung Quốc ở Biển Đông. Diễn biến này khiến Mỹ cảm nhận được nguy cơ to lớn.

      Cho đến nay, việc Mỹ can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông rõ ràng được tiến hành theo 2 giai đoạn:

      • Giai đoạn thứ nhất là cảnh cáo bằng lời, và động thái của Quốc hội Mỹ vào năm 2014 mở đường cho việc can thiệp bằng sức mạnh quân sự trong tương lai. Tháng 5/2014, Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan “Hải Dương-981” ở vùng biển cách đất liền Việt Nam 220 km. Sau đó, tháng 7/2014, Mỹ đưa ra 3 kiến nghị cụ thể nhằm đóng băng các hành động khiêu khích của các bên có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm: chấm dứt xây dựng tiền đồn quân sự mới, chấm dứt viếc xây dựng trên các hòn đảo và chấm dứt các hành động đơn phương nhằm vào hoạt động kinh tế của đối phương ở khu vực xảy ra tranh chấp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ đưa ra kiến nghị cụ thể nhằm hóa giải xung đột ở Biển Đông.
      Thượng viện Mỹ cũng thông qua Nghị quyết số 412 nhằm ủng hộ chính sách của chính phủ Mỹ sử dụng phương thức ngoại giao để giải quyết vấn đề tự do hàng hải và tranh chấp lãnh thổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đồng thời lên án bất kỳ hành động nào có ý đồ làm thay đổi hiện trạng như: uy hiếp, sử dụng vũ lực và lợi dụng máy bay quân sự, máy bay dân dụng gây trở ngại đối với tự do hàng không trong không phận quốc tế. Ngoài ra, Mỹ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế thực hiện "Vùng Nhận dạng Phòng không" (ADIZ) trên Biển Hoa Đông mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố hồi cuối tháng 11/2013.

      • Giai đoạn thứ hai là Mỹ bắt đầu các hành động can thiệp thực sự vào Biển Đông trong tháng 5/2015. Từ ngày 11/5 vừa qua, Mỹ phái tàu chiến ven biển USS Forth Worth (LCS-3), (Xem: Thiết giáp hạm USS Fort Worth hải hành tuần tra Biển Đông @ HQPD). một trong những chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, tới tuần tra ở Biển Đông, đồng thời phái một máy bay trinh sát không người lái và một trực thăng Seahawk để tuần tra vùng trời ở các vùng biển có liên quan. Đây là lần đầu tiên Mỹ phái tàu chiến tới tuần tra ở khu vực đang có tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Động thái này của Mỹ nhằm gia tăng sức ép đối với Trung Quốc, đồng thời kiềm chế và đáp trả khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
      Tuy nhiên, động thái của Mỹ hiện mới chỉ dừng lại ở việc tuần tra nên không thể ngăn cản được Trung Quốc tiếp tục "xây đảo" và lắp đặt hệ thống quản lý, giám sát quân sự ở Biển Đông. Trừ khi Mỹ nâng tầm vấn đề lên thành nghi ngờ đối với chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc, bao gồm phủ định hoàn toàn tính chính đáng của "Đường lưỡi bò" (hay đường chữ U) mà Đại lục và Đài Loan công nhận thì mới có khả năng phối hợp lập trường mới, triển khai toàn diện hàng loạt hành động bao vây nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp tục "bành trướng" ở Biển Đông. Kịch bản này nếu diễn ra đồng nghĩa với việc chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông đã có sự thay đổi to lớn bởi lập trường nhất quán của Washington luôn là: duy trì thái độ trung lập đối với vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
      Các nước lớn hàng đầu thế giới gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn đối với việc bảo vệ hòa bình của nhân loại, điều này không có sự khác biệt đối với Mỹ hay Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông phức tạp, Trung Quốc, Mỹ và các bên có liên quan tới chủ quyền ở Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan nên ngồi lại, tái xây dựng cơ chế hiệp thương, tìm kiếm con đường hòa bình để giải quyết vấn đề. Đây mới là con đường đúng đắn.

      Tác giả Lâm Tuyền Trung, chuyên gia nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu Sử cận đại, thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan đăng trên tờ "Minh báo" (Hong Kong).
      Last edited by Trần Hòa; 05-29-2015, 12:51 AM.

      Comment


      • #4
        TIN THAM KHẢO / PHÂN TÍCH/ BÌNH LUẬN (Biển Đông)

        Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích các hành động của TQ ở Biển Đông
        (Tin cập nhật 05/28/15 @ VOI tiếng Việt)

        Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay những hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hoá những bãi cạn ở Biển Đông. Ông nói thêm rằng những hành động của Bắc Kinh trong vùng biển có tranh chấp này “không phù hợp” với các chuẩn mực quốc tế.

        Phát biểu ngày hôm nay ở Hawaii trong buổi lễ bàn giao quyền chỉ huy tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ, Bộ trưởng Carter hô hào cho việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho những vụ tranh chấp ở Biển Đông và kêu gọi các nước có yêu sách chủ quyền gấp rút ngưng chỉ trong thời gian dài những hoạt động lấp biển lấy đất trong vùng biển này.

        "Chúng tôi cũng chống lại việc quân sự hoá thêm nữa các thực thể có tranh chấp. Điều thứ nhì và điều mọi người nên nhớ kỹ là Hoa Kỳ sẽ bay, lái tàu và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn làm như vậy ở khắp nơi trên thế giới. Và sau chót là, với những hành động của họ ở Biển Đông, Trung Quốc không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, những chuẩn mực làm nền tảng cho kiến trúc an ninh của khu vực Á Châu Thái Bình Dương, và sự đồng thuận trong khu vực là nên theo đuổi một phương pháp giải quyết không có tính chất cưỡng ép đối với vụ tranh chấp này và những vụ tranh chấp lâu đời khác."

        Tuần trước Trung Quốc đã chính thức kháng nghị với Washington về việc một máy bay trinh sát của Mỹ bay trên quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự qui mô lớn. Hồi đầu tháng này, Ngũ Giác Đài cho biết Trung Quốc đã lấp biển để tạo ra 800 hécta đất tại 5 bãi cạn và hầu hết những đảo nhân tạo này được hoàn thành trong năm nay.

        Trong bài phát biểu ngày hôm nay, người đứng đầu Ngũ Giác Đài cũng cho biết thái độ hung hãn của Trung Quốc nhất định sẽ gặp phải sự kháng cự.

        "Những hành động của Trung Quốc đang đưa các nước lại gần với nhau trong những cách thức mới và họ đang gia tăng những yêu cầu đòi Hoa Kỳ chủ động giao tiếp ở Á Châu Thái Bình Dương. Và chúng tôi sẽ thỏa mãn những yêu cầu này. Chúng tôi sẽ tiếp tục là cường quốc an ninh chính yếu ở Á Châu Thái Bình Dương trong nhiều thập niên tới đây."


        Bộ trưởng Carter đã họp tại Hawaii với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và tái khẳng định là cam kết của Mỹ đối với công cuộc phòng vệ của Philippines là vô cùng mạnh mẽ. Hai nước có một hiệp ước phòng chung và Manila đang kiện Trung Quốc trước toà án trọng tài quốc tế về những yêu sách của nước này ở Biển Đông.

        Ông Ralph Cossa, một chuyên gia an ninh của Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawaii, cho rằng những phát biểu của bộ trưởng Carter không có gì mới. Ông nói rằng những phát biểu này phù hợp với Tuyên bố của các bên ở Biển Đông, gọi tắt là DOC, mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002. Ông Cossa nói thêm như sau:

        "Phát biểu này đưa tất cả mọi thứ vào một tuyên bố khá thẳng thừng,chắc chắn là rất mạnh mẽ, từ vị bộ trưởng quốc phòng để nêu bật sự thật là Hoa Kỳ muốn mọi người ngưng vi phạm DOC. Như quí vị đã biết, năm 2002, tất cả các bên đồng ý không làm gì để thay đổi hiện trạng nhưng sau đó mọi người đã làm những chuyện để thay đổi hiện trạng. Do đó, lập trường của Hoa Kỳ là “Chớ làm như vậy nữa!” Theo tôi, điều hợp lý duy nhất để làm là quay lại với năm 2002. Đó là lúc mọi người hứa sẽ hành động một cách tử tế, đàng hoàng và chúng ta cần đòi hỏi họ thể hiện lời hứa đó. Và dĩ nhiên Hoa Kỳ đang nói với mọi người “Phải ngưng thay đổi hiện trạng; thôi làm những việc khiến cho tình hình xấu đi.”

        Ông Cossa cho biết ông cảm thấy thích thú khi nghe ông Carter nói về việc binh sĩ Iraq thiếu ý chí chiến đấu và thái độ mỗi ngày một hung hăng hơn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Cossa cho rằng trong cả hai trường hợp sự bộc trực của ông Carter là cần thiết.

        Ông Denny Roy, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Đông-Tây, cho rằng tuyên bố của ông Carter là một cách khác để nói là Washington sẽ không chấp nhận bất kỳ mưu toan nào của Trung Quốc nhằm tạo ra một khu vực đặc quyền kinh tế hoặc hải phận quốc gia quanh những hòn đảo nhân tạo. Ông cho rằng Trung Quốc hầu như chắc chắn sẽ không ngưng những công trình lấp biển lấy đất ở Biển Đông và điều đó có thể gây phương hại cho mục tiêu của Mỹ là duy trì vị trí lãnh đạo trong khu vực. Ông Roy cũng cho rằng điều này làm tăng mối rủi ro xảy ra những vụ việc ngoài ý muốn giữa máy bay và tàu bè của Trung Quốc và Hoa Kỳ.

        Ông Carter đang thực hiện chuyến công du thứ nhì tới vùng Á Châu Thái Bình Dương kể từ khi lên giữ chức bộ trưởng quốc phòng hồi tháng hai. Trong chuyến đi 10 ngày này, ông sẽ đến dự một hội nghị an ninh khu vực ở Singapore (Đối thoại Shangri-La) và tới thăm Ấn Độ và Việt Nam.

        VOI Tiếng Việt



        Vừa lên chức, đô đốc Mỹ chỉ trích Trung Quốc “lố bịch”

        Tân chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc. Harry B. Harris Jr., hôm 27-5 mô tả các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông là hết sức “lố bịch”.

        Tại buổi lễ tiếp nhận chức chỉ huy PACOM hôm 27-5, ông Harris bày tỏ lập trường cứng rắn đối với hoạt động xây dựng trái phép 7 hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một trong những thách thức mà ông phải đối mặt khi tiếp quản vị trí mới.

        “Mỹ sẽ tái lập thế cân bằng ở Thái Bình Dương. Lực lượng kết hợp của chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các đồng minh và bạn bè ở khu vực. Nếu được yêu cầu, chúng tôi sẽ chiến đấu ngay buổi tối hôm nay (27-5) để bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực này” – ông Harris phát biểu trong lễ nhậm chức.

        Cũng có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhắc lại lập trường của Mỹ là phản đối bất kỳ hành động quân sự hóa nào của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

        Ông Carter nói: “Đầu tiên, chúng tôi muốn giải quyết các tranh chấp trong hòa bình và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức ngừng cải tạo đất (ở biển Đông) dựa trên các yêu sách của mình. Thứ hai, Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi thuyền và triển khai hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như cách chúng tôi đã từng làm trên phạm vi toàn thế giới”.
        “Cuối cùng, với những hành động của mình ở biển Đông, Trung Quốc đang đứng ngoài hai tiêu chuẩn quốc tế, đó là đe dọa an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương và vi phạm nguyên tắc “tiếp cận không cưỡng chế” mà các nước trong khu vực đang theo đuổi”.

        Cuối tuần này, hai ông Carter và Harris sẽ tới Singapore để tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) và gặp gỡ nhiều đối tác quân sự. Ông Carter cho biết trong bài phát biểu ngày 30-5 tới, ông sẽ kêu gọi các thành viên trong khu vực củng cố thể chế an ninh cùng các mối quan hệ nhằm đảm bảo việc duy trì hòa bình và an ninh lãnh thổ, trước tình hình đầy biến động hiện nay.

        Đô đốc Harri Harris, tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ.


        Ông Harri Harris 59 tuổi là người Mỹ gốc Á đầu tiên trở thành tướng 4 sao trong Hải quân Mỹ, đứng đầu lực lượng chiếm 1/2 quân số Hải quân nước này. Ông sinh ra tại Nhật Bản, mẹ ông là người Nhật và cha ông phục vụ trong Hải quân Mỹ.
        Đô đốc Harri Harris tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ và sau đó tiếp tục học các đại học Havard, Georgetown và Oxford.
        Blog: Nguyễn H Điền.



        ...Xem tiếp : Kế Hoạch oánh Tàu của uncle SAM @ HQPD
        Last edited by Trần Hòa; 05-29-2015, 09:12 PM.

        Comment


        • #5
          Né tránh, trì hoãn hay khiếp nhược, không làm cho tình thế khá hơn

          Né tránh, trì hoãn hay khiếp nhược, không làm cho tình thế khá hơn
          Tác giả: Song Chi (05/29/15)

          Những ngày này, trong lòng những người con Việt còn quan tâm đến chủ quyền, đến vận mệnh quốc gia lại sôi lên như lửa đốt trước những thông tin được đăng tải trên báo chí trong ngoài nước về việc Trung Quốc ồ ạt cải tạo đất tại các bãi đá cạn thuộc quần đảo Trường Sa mà họ đánh chiếm của VN trước kia thành những hòn đảo nhân tạo với quy mô lớn hơn gấp hàng trăm lần. Trên những hòn đảo đó Trung Quốc hối hả xây dựng các cơ sở hạ tầng, doanh trại quân đội, sân bay lớn với đường băng đủ dài để mọi loại phi cơ cất và hạ cánh…

          Máy bay trinh sát P8 Poseidon của Mỹ chụp được các hình ảnh cho thấy hành động ‘lấp biển lấy đất’ của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ngày 21/5/2015.

          Như các nhà phân tích, bình luận chính trị trên thế giới đã chỉ ra, không còn nghi ngờ gì nữa, mục đích của Trung Quốc trong việc cải tạo đá thành đảo này rất rõ. Một phần để “thực tế hóa” phạm vi chủ quyền của “đường lưỡi bò” mơ hồ, cực kỳ phi lý mà họ vẫn tuyên bố từ trước đến nay, mặt khác, biến những hòn đảo đó thành những căn cứ quân sự để tiến tới thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông.

          Ngay cả các quốc gia nào từ trước đến nay còn cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là hòa bình không phương hại gì đến ai, như những lời nói đầu môi chót lưỡi của các thế hệ cầm quyền Trung Nam Hải, có lẽ cũng phải giật mình nghĩ lại. Nhất là khi những hình ảnh, thông tin về quá trình cải tạo và mức độ quy mô của những hòn đảo nhân tạo cũng như các công trình trên đó, do phía Mỹ và các đài truyền hình quốc tế đưa ra trong những đợt tuần tra, khảo sát mới đây.

          Từ chỗ không có một mảnh đất cắm dùi trên biển Đông, sau khi chiếm được Hoàng Sa của Nam Việt Nam vào năm 1974 rồi một phần quần đảo Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đã có được bàn đạp để dấn tới. Theo thời gian, khi những nhà lãnh đạo của nước này tự cho rằng Trung Quốc nay đã đủ nội lực về sức mạnh kinh tế, quân sự, cộng với những yêu cầu cấp bách về năng lượng, về việc phải mở một con đường ra biển để đưa đất nước phát triển lên một vị trí mới, tất nhiên Trung Quốc sẽ muốn độc chiếm hay ít nhất là khai thác, kiểm soát những lợi ích to lớn mà biển Đông và con đường giao thông hàng hải to lớn này đem lại, dần dần hất chân Mỹ ra khỏi khu vực Thái Bình Dương và sắp xếp lại trật tự trong khu vực cũng như trật tự thế giới…

          Tất cả những lý do đó đã dẫn đến thái độ nhất quán trước sau như một của các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc cho dù có thay đổi đôi chút trong phương pháp bên ngoài, khi nhẫn nhịn chờ thời, nay công khai tỏ rõ tham vọng…Đến nay thì bàn cờ trên biển Đông đã rõ ràng, Bắc Kinh, với những bước đi được tính toán rất kỹ lưỡng, với tầm nhìn xa tính trước hàng chục hàng trăm năm, đã dần đạt được tham vọng của họ nếu như các nước trong khu vực và thế giới không có hành động gì ngăn chặn.

          Trong khi đó thì thái độ của các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản VN ra sao? Họ cũng rất nhất quán, nhưng là nhất quán trong sự nhịn nhục đến hèn hạ trước Trung Cộng, và tự bộc lộ một tầm nhìn không quá lỗ mũi, nếu không thường xuyên đánh giá sai mối quan hệ giữa hai đảng thì cũng không ý thức hết mưu sâu kế độc của Trung Nam Hải.

          Vì đánh giá sai mối quan hệ giữa hai đảng, vì ngu muội tin vào việc cùng ý thức hệ, cùng là “đồng chí anh em”, năm 1958, Thủ tướng nhà nước cộng sản VN lúc bấy giờ là Phạm Văn Đồng đã ký vào bản công hàm tai hại công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam).

          Cũng với tầm nhìn ấy, Hà Nội đã không hề lên tiếng lúc Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, lại còn cho rằng thà để Hoàng Sa cho Trung Quốc anh em giữ còn hơn nằm trong tay bọn “ngụy”, và rằng Trung Quốc giữ dùm thì sau này họ sẽ trả lại cho ta chứ sao đâu.
          Đến khi Trung Cộng đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của VN năm 1988 thì lúc đó không chỉ là sự hèn hạ trước kẻ xâm lược mà phải gọi thẳng là hành động phản quốc, khi ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh lệnh cho bộ đội VN “bằng bất kỳ giá nào cũng không được nổ súng”, khiến 64 người trở thành những tấm bia thịt trước mũi súng của bọn lính Trung Quốc!

          Sâu xa hơn, hành động phản quốc này vẫn là hệ quả của hai điều xuyên suốt trong mọi đường lối chính sách đối nội lẫn đối ngoại của đảng cộng sản VN: Một, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, thậm chí của một nhóm người trong đảng, lên trên quyền lợi tối thượng của đất nước, dân tộc. Thứ hai, thiếu một tầm nhìn xa trông rộng nói trên, nên không nhận ra hết sự nguy hiểm nếu Trung Cộng chiếm được một số đảo ở Trường Sa, từ đó tạo thành những căn cứ quân sự trong thế cài răng lược đầy nguy hiểm với VN như hiện tại, chưa kể có thể dấn tới chiếm nốt những hòn đảo còn lại.

          Suốt những năm qua, Trung Cộng liên tục có những hành động ngày càng hung hăng bắt nạt các nước láng giềng nhỏ yếu hơn, nhất là VN, cộng với những hoạt động xâm lấn ngày càng công khai trên biển Đông và trong khu vực thuộc chủ quyền của VN. Tàu cá Trung Quốc đi từng đoàn hàng chục, hàng trăm chiếc có các loại tàu quân sự khác nhau hỗ trợ ngang nhiên đánh bắt trong khu vực Hoàng Sa Trường Sa, trong lúc tàu cá nhỏ lẻ của ngư dân VN bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, đánh cướp, bắt cóc, đòi tiền chuộc, đánh chìm tàu, thậm chí có lúc gây thương vong cho ngư dân…

          Dấn tới một bước Trung Quốc ngang ngược áp đặt lệnh đánh bắt cá hàng năm, tàu Trung Quốc va chạm và cắt đứt cáp quang tàu VN đang hoạt động khảo sát địa chấn trong vùng biển thuộc lãnh hải của mình, mới tháng 5 năm ngoái là vụ kéo dàn khoan dầu “khủng” Hải Dương-981 vào trong khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam để tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí. Hành động này đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ dẫn đến những cuộc biểu tình của người dân VN.

          Và bây giờ là quá trỉnh cải tạo đá thành đảo, xây dựng các đảo thành những căn cứ quân sự quy mô.

          Trước tình hình ngày càng nguy hiểm như vậy, nhưng phản ứng của nhà cầm quyền VN lại rất bạc nhược, lúng túng, không rõ ràng, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Những người phát ngôn kế tiếp nhau của Bộ ngoại giao tiếp tục đưa ra những lời phản đối suông và những tuyên bố chủ quyền lặp đi lặp lại, đôi khi cũng có một vị trong “tứ trụ triều đình” của Hà Nội tuyên bố đôi câu mạnh mẽ nhưng chẳng làm ai sợ, càng không làm cho Trung Cộng buồn quan tâm.
          Hà Nội cũng có đặt mua tàu ngầm, mua vũ khí, đầu tư cho quốc phòng nhất là hải quân, nhưng so với nguồn tài chính khổng lồ và mức chi tiêu quân sự liên tục tăng hàng năm của Trung Quốc thì chẳng thấm vào đâu; và tiếp tục dùng dằng đu dây trong mối quan hệ với hai nước lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Người dân VN và cả thế giới nhìn vào không thể hiểu được nhà cầm quyền VN muốn gì, khi họ lúc thì muốn nhờ cậy sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để ngăn chặn mối nguy từ Trung Quốc nhưng lại vẫn thể hiện mối quan hệ “nồng ấm” với Bắc Kinh và không có bất cứ một hành động mạnh mẽ nào để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ lãnh hải.

          Những năm qua họ chẳng làm được gì bao nhiêu để ngăn chặn những hành động của Trung Cộng, bây giờ khi nhìn thấy quy mô, âm mưu…rõ như ban ngày của Trung Cộng thì họ càng không biết phải đối phó cách nào, càng cố né tránh, cố giữ quan hệ mong Trung Quốc để cho yên. Họ tự ru ngủ mình rằng Trung Quốc sẽ không đánh VN vì mối quan hệ giữa hai bên, vì Trung Quốc cũng cần VN làm phên dậu, không muốn VN ngả hẳn vào Mỹ, ngược lại Mỹ cũng cần VN.

          Nhưng thực sự giữa Mỹ và VN ai cần ai hơn, khi không có VN, Mỹ cũng đã có nhiều đồng minh khác mạnh hơn, đáng tin cậy hơn trong vùng? Còn Trung Cộng nếu muốn chiếm thêm đảo hay muốn mở một trận chiến dằn mặt các nước khác, thì có quốc gia nào thuận tiện hơn là VN?

          Bên cạnh đó, trong mối quan hệ với Trung Quốc, có một điểm yếu nữa mà người ta nhận thấy rất rõ ở đảng cộng sản VN, là trên mặt trận thông tin, tuyên truyền.

          Trước đây, đảng cộng sản VN thắng được Mỹ vì rất nhiều lý do, trong đó không thể phủ nhận 2 điều mà Bắc Việt làm được lúc đó: Một, liên tục tấn công trên mặt trận tuyên truyền, tranh thủ dư luận trong nước và quốc tế, gây khó khăn cho Mỹ trong việc tiếp tục cuộc chiến. Thứ hai, truyền được lòng căm thù cho người dân lao vào chiến đấu. Bây giờ, ngược lại, VN không chỉ thua Trung Quốc về kinh tế, quốc phòng, quy mô quân sự, còn thua cả về tuyên truyền. Từ thông tin về những cuộc chiến tranh biên giới, những trận hải chiến với Trung Cộng trước đây cho đến tình hình biển Đông hiện tại.

          Các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản VN cho đến tận giờ phút này vẫn xử sự như những con ngựa tự bịt mắt mình, không muốn nghe, không muốn thấy về âm mưu, những hành động, những bước đi của Trung Quốc, và cũng không muốn cho nhân dân biết. Họ tiếp tục che dấu một phần lớn thông tin với người dân, đồng thời tiếp tục sẵn sàng bỏ tù bất cứ ai mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích mối quan hệ Việt-Trung và những hành động xâm lược của Trung Quốc.
          Ngay các đại biểu quốc hội cũng không bị thiếu thông tin. Dân chờ các đại biểu quốc hội có thái độ rõ ràng, dứt khoát về biền Đông nhưng chính các đại biểu Quốc hội cũng còn đang “đề nghị Chính phủ phải thường xuyên thông tin tới người dân về tình hình trên biển”. (“Đại biểu Quốc hội đang nghĩ gì về tình hình biển Đông?”, VNEconomy), còn đang phải đấu tranh để “QH xếp Biển Đông vào chương trình kỳ họp như một nội dung chính thức”, vì “nội dung này không được chủ động đưa vào nghị trình từ đầu mà chỉ khi ĐBQH đề nghị mới đưa vào một buổi nghe tình hình chung.” (“Đại biểu khát thông tin về Biển Đông”, VietnamNet)…

          Đối ngoại, những hoạt động nghiên cứu, hội thảo, giải thích về chủ quyền của VN với thế giới, so với TQ là kém xa.

          Nhớ lại cuộc chiến với Khơ Me Đỏ trước đây hay cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi với Trung Quốc, lúc ấy, một trong những thiệt thòi mà VN phải chịu là từ việc không tuyên truyền thông tin đầy đủ, thế giới không hiểu vì sao VN đánh Cambodia và đóng quân ở đó cả chục năm, tại sao TQ và VN đánh nhau…Bây giờ có thể cái may của VN là thế giới đã nhìn ra mưu đồ, tham vọng rất lớn của Trung quốc trên biển Đông và mọi hành động nhằm tiến tới khống chế, kiểm soát biển Đông của Trung Quốc sẽ đụng chạm đến quyền lợi của nhiều nước khác nữa, kể cả Mỹ, chứ không riêng gì VN.

          Nhưng nếu Trung Quốc chỉ đụng đến VN thôi, như chiếm thêm vài cái đảo, thì chưa chắc đã có ai giúp VN.

          Khi tai họa sắp tới, nếu cứ trì hoãn, không thẳng thắn đối diện với sự thật thì tai họa có vì thế mà tự biến mất không?

          Hỏi tức là đã trả lời. Né tránh không làm cho sự thật biến mất. Trì hoãn thời gian chỉ làm cho sự việc càng khó đối phó hơn. Chỉ có con đường đối mặt với sự thật, thay đổi thể chế, thay đổi đường lối chính sách ngoại giao, từ bỏ mối quan hệ bất tương xứng với Trung Quốc đồng thời kết bạn, tìm đồng minh khác mới mong thoát ra khỏi mối nguy từ Trung Quốc mà thôi. Và đối với người dân thì phài tích cực nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, làm sống dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng bảo vệ chủ quyền, bảo vệ đất nước trước mọi âm mưu xâm lược chứ không phài tìm mọi cách kìm hãm lòng yêu nước, khuyến khích thái độ bàng quan vô cảm với tình hình chính trị, sử dụng bạo lực và sự ngu dân làm yếu hèn, làm bạc nhược đi tinh thần của nhân dân, như cách mà nhà cầm quyền VN đã làm lâu nay.

          Không chỉ nhà cầm quyền mà từ chính mỗi người dân. Đất nước này, giang sơn này không phải riêng của đảng cộng sản để họ cứ tiếp tục toàn quyền định đoạt từ con đường đi đến số phận của VN như họ đã làm suốt bảy thập kỷ qua và đã đưa VN đến tình thế khó khăn mọi mặt ngày hôm nay.

          Đất nước là của chung mọi con dân Việt. Hơn 90 triệu người dân Việt trong và ngoài nước phải là sức ép buộc nhà cầm quyền thay đổi, và nếu một khi nhà cầm quyền vẫn không chịu sửa đổi, tiếp tục dẫn dắt dân tộc VN trượt sâu vào hố thẳm mất nước, diệt vong, đồng thời là vật cản chính trên con đường “thoát Trung” của dân tộc VN, thì người VN sẽ phải đứng lên giành lại quyền quyết định vận mệnh đất nước trước khi quá muộn.

          Song Chi
          Nguồn Blog Song Chi

          Comment


          • #6
            Xin phép NT post 1 tấm hình (sưu tầm):
            Việt Nam tôi đâu

            Comment


            • #7
              Trên Biển Đông, Mỹ hay Trung Quốc, ai sẽ lùi?

              Trên Biển Đông, Mỹ hay Trung Quốc, ai sẽ lùi?

              Theo nguyên sĩ quan Tham mưu Hải quân Lê Ngọc Thống, Mỹ đã ra tay sớm trên Biển Đông khiến Trung Quốc chỉ có thể lùi đến “làn ranh đỏ” mà Mỹ đã vạch ra…

              Mâu thuẫn Mỹ-Trung Quốc trên Biển Đông là không thể thỏa hiệp

              Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông trên bản đồ “đường lưỡi bò” họ đưa ra.

              Cơ sở của cái “lưỡi bò” này là việc Trung Quốc cho rằng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) do Trung Quốc sở hữu, do đó, 200 hải lý bao quanh 2 quần đảo này là khu vực đặc quyền kinh tế, đặc quyền quân sự của Trung Quốc.

              Tuy nhiên, tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc vấp phải 2 vấn đề lớn.
              • Thứ nhất là về chủ quyền. Trung Quốc đã bất chấp UNCLOS mà chính họ là thành viên nên tính pháp lý của tuyên bố, của hành động, là phi pháp.

              • Thứ hai là Biển Đông có “tính quốc tế” vô cùng lớn. Biển Đông không phải là “đường sinh mạng” của Trung Quốc như chính họ đánh giá, mà là khu vực tạo nên “hành lang an ninh” của nhiều quốc gia châu Á – TBD.

              Biển Đông lại là một khu vực địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế rất quan trọng mang tính toàn cầu. Do đó, xung đột lợi ích quốc gia với các cường quốc như Mỹ là không thể tránh khỏi.

              Đối với Mỹ, khi Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông thì có 3 vấn đề trầm trọng về chiến lược sẽ phát sinh.
              Một là: Mỹ bị Trung Quốc đánh bật ra khỏi Biển Đông không chỉ về quân sự mà lớn hơn là vai trò, ảnh hưởng đến khu vực địa chính trị quan trọng nhất của châu Á-TBD là khối Đông Nam Á cũng bị “bật bãi”. Lúc này, chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang châu Á-TBD bị phá sản.

              Hai là: Lợi ích quốc gia của Mỹ trên Biển Đông là tự do hàng hải, hàng không,cũng như cam kết bảo vệ tự do hàng hải, hàng không của một cường quốc quân sự số 1 thế giới bị thách thức.
              Có 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông…

              Ngay với Australia, tưởng như “miễn nhiễm” với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng hơn 2/3 hàng hóa xuất khẩu và 1/2 lượng nhập khẩu cũng đều phải qua tuyến hàng hải Biển Đông…

              Những số liệu lạnh lùng đó chứng tỏ an ninh hàng hải với Nhật Bản, Australia…trên Biển Đông là sự sống còn của nền kinh tế, do đó cũng là sự sống còn của an ninh quốc gia.

              Ba là: Khi Mỹ không chấp nhận “chia đôi cai quản Thái Bình Dương” với Trung Quốc thì Biển Đông là tuyến xuất phát tấn công “chia đôi TBD” với Mỹ thuận lợi nhất.

              Lúc này tuyến phòng thủ ngăn chặn Trung Quốc trên biển Hoa Đông của Mỹ-Nhật Bản về cơ bản không còn ý nghĩa khi Hawaii của Mỹ bị đe dọa trực tiếp từ phía Tây, có nghĩa là an ninh nước Mỹ ở phía Tây bị đe dọa.

              Như vậy, đây là 3 vấn đề có tính chiến lược sống còn tại châu Á-TBD của Mỹ mà Biển Đông được coi như tâm điểm, là khu vực “quyết chiến chiến lược” giữa 2 thế lực do Mỹ đứng đầu và Trung Quốc.

              Đương nhiên, Trung Quốc không bao giờ chấp nhận chiến lược thù địch của Mỹ đối với một cường quốc kinh tế và quân sự mà không cố gắng hành động để chống trả.

              Trên Biển Đông, Mỹ hay Trung Quốc, ai sẽ lùi?

              Trong 3 lần (thế giới gọi là 3 lần khủng hoảng eo biển Đài Loan) hành động của Trung Quốc bị Hải quân Mỹ, với sức mạnh vượt trội, răn đe, can thiệp đều phải xuống thang, từ bỏ ý định.
              Đặc biệt, cuộc khủng hoảng lần thứ 3 từ 7/1995 đến 11/3/1996. Trung Quốc tiến hành tập trận quanh đảo Đài Loan và phóng tên lửa bay qua hòn đảo này.

              Lập tức Mỹ điều 2 nhóm tàu sân bay chiến đấu đi vào eo biển Đài Loan khiến Trung Quốc lùi bước, xuống thang để “tránh xung đột với Mỹ” và cũng trong năm đó, năm 1996, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS.

              Hiện nay, liệu có xung đột quân sự của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông không?

              Trước hết, Đài Loan chỉ có ý nghĩa về chính trị với Trung Quốc mà thôi trong khi Biển Đông nó gồm cả ý nghĩa quân sự và kinh tế. Biển Đông quan trọng hơn Đài Loan. Vì thế quyết tâm của Trung Quốc có thể cao hơn so với tình thế Đài Loan.

              Các “hỏa lực mồm” từ Hoàn Cầu thời báo đã nổ ầm ầm, nhưng về khả năng, thực lực Hải quân Trung Quốc PLAN vẫn chưa đủ tuổi để đối đầu với Hải quân Mỹ.

              Đánh giá của chuyên gia quân sự Nga trước đây giờ vẫn chưa thay đổi. Đó là muốn diệt một hạm đội sân bay Mỹ, PLAN phải mất 40% lực lượng. Với một giá đắt như vậy, giới quân sự Trung Quốc sẽ không mạo hiểm.

              Không những thế, trên Biển Đông, Mỹ không chỉ có một mình, vừa có lợi thế địa lý khi các căn cứ quân sự tại Philippines, Singapore, Australia…vây quanh, còn Trung Quốc thì có gì?

              Các đảo nhân tạo đang dở dang, hay kể cả dù đã hoàn thành thì không ai hiểu “tuổi thọ” của nó bằng Mỹ và…Việt Nam, người chủ thực sự của chúng về mặt pháp lý.

              Điểm nóng của sự căng thẳng trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ việc tàu chiến, máy bay tuần tra của Mỹ bị Trung Quốc tố cáo là xâm nhập vào “không phận”, “lãnh hải” Trung Quốc trên các đảo đá Trung Quốc đang xây dựng trái phép.

              Bản chất của sự đối đầu căng thẳng Trung-Mỹ là nếu Mỹ chấp nhận sự xua đuổi của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông như đường “lưỡi bò” đã vẽ.

              Nếu Trung Quốc chiếm đoạt được Biển Đông, tuyên bố ADIZ, thì hậu quả với Mỹ như phân tích ở trên.
              Mỹ không thể chấp nhận tình huống này nên bất chấp các cảnh báo của Trung Quốc điều lực lượng sang Biển Đông cùng với các đồng minh như Nhật Bản, Australia, Philippines hành động.

              Nếu Trung Quốc không làm gì ngăn cản được các hành động tuần tra của Mỹ và liên minh thì tuyên bố về chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc là vô giá trị.

              Nghĩa là Trung Quốc chỉ có các đảo đá xâm chiếm trái phép với vùng lãnh hải là 12 hải lý phi pháp là thứ mà Mỹ tôn trọng, còn đương nhiên, lúc đó, cái đường “lưỡi bò” sẽ trở nên vô nghĩa.

              Đây cũng chính là “làn ranh đỏ” mà Mỹ vạch ra cho Trung Quốc là Trung Quốc phải tuân thủ UNCLOS mà chính Trung Quốc là thành viên. Chúng ta chờ xem ai sẽ lùi trên Biển Đông.

              Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Ngọc Thống, Kỹ sư chỉ huy-Hoa tiêu, nguyên sỹ quan Tham mưu Hải quân.

              Comment


              • #8
                Nếu phải giao tranh, tiền đồn TQ ‘không trụ nổi một ngày’

                Báo Mỹ: Nếu phải giao tranh, tiền đồn TQ ‘không trụ nổi một ngày’

                Trong bài viết đăng trên tạp chí War Is Boring hôm 21/5, tác giả Kyle Mizokami tự tin Mỹ có đủ hỏa lực để loại bỏ hệ thống tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ trong vài giờ.

                Theo ông Mizokami, năm vừa qua Trung Quốc đã có những động thái "rất bất thường" trên Biển Đông. Cụ thể, Bắc Kinh đã và đang xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm với mục đích đặt căn cứ quân sự, trong đó có sân bay.

                chuyên gia an ninh quốc phòng châu á Kyle Mizokami
                Nhà phân tích này ví hệ thống tiền đồn trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng như một "sợi xích" kết nối với Bắc Kinh, với đầy đủ trang thiết bị từ radar dò tìm hay máy bay chiến đấu đến vệ tinh theo dõi và tàu ngầm bảo vệ.

                Trong trường hợp chiến sự nổ ra, "sợi xích" này sẽ đóng vai trò xác định vị trí các tàu nước ngoài, đặc biệt là những chiến hạm lớn như tàu sân bay, và nếu cần thiết có thể đánh chìm.
                Tuy nhiên, theo ông Mizokami, hệ thống tiền đồn này của Bắc Kinh "mỏng manh dễ vỡ" hơn nhiều so với một tàu sân bay di động.

                Trong trường hợp có giao tranh trên Biển Đông, hệ thống phòng ngự của Trung Quốc sẽ không trụ nổi quá vài giờ đồng hồ.

                Ông Mizokami lấy ví dụ về căn cứ do Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (chủ quyền Việt Nam). Do vị trí chiến lược giữa Biển Đông, đây cũng chính là căn cứ quân sự tối tân nhất của Bắc Kinh.

                Năm 2011, Trung Quốc xác định Đá Chữ Thập là "trung tâm chỉ huy chính". Kể từ đó, tiền đồn này được đầu tư phát triển thành một căn cứ quân sự đích thực. Đến nay, đảo nhân tạo trên Đá Chữ Thập đã có thể lắp đặt đường băng dài 3km, đủ để "chứa chấp" gần như bất kì loại máy bay nào của quân đội Trung Quốc.

                Theo ông Mizokami, Trung Quốc có hai lý do để mở rộng căn cứ quân sự như vậy.

                Thứ nhất, Bắc Kinh ngang ngược đòi chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông, nhưng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) rõ ràng không thể có đủ nguồn lực cũng như vị trí địa lý thuận lợi để tuần tra trên toàn bộ không gian đó.

                Thứ hai, Trung Quốc muốn tăng diện tích đảo nhân tạo để chứa được máy bay không người lái, phương tiện có thể giúp Bắc Kinh tuần tra mà không phải huy động nhiều sức người.

                "Không ăn thua"

                Theo ông Mizokami, tuy hệ thống tiền đồn này rất hữu dụng với Trung Quốc trong việc tuần tra thời bình, nhưng trong trường hợp xảy ra giao tranh với quân đội Mỹ, "sợi xích" của Bắc Kinh sẽ không phát huy mấy tác dụng
                Nguy cơ xảy ra chiến tranh Mỹ -Trung là hoàn toàn có thể, trong thời điểm Mỹ tuyên bố điều tàu và máy bay do thám tới giám sát tại Biển Đông, còn Trung Quốc không ngừng thực hiện âm mưu bành trướng của mình.

                Vấn đề lớn nhất của các đảo đá nhân tạo đó là chúng không thể di chuyển như các tàu sân bay. Tọa độ cố định của các "mắt xích" này khiến việc công kích trở nên rất dễ dàng, đặc biệt là trong thời đại vũ khí cự ly dài phát triển.
                Một ví dụ, theo ông Mizokami, là việc tàu USS Michigan thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hoàn toàn có khả năng phá hủy căn cứ quân sự của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập chỉ trong vài phút.

                "Một đợt tấn công với 10 tên lửa hành trình Tomahawk-D là đủ để tiêu diệt hết máy bay, radar, tháp kiểm soát, kho xăng dầu, và kho vũ khí trên Đá Chữ Thập. Trong khi đó tàu USS Michigan đang mang theo tới 154 tên lửa hành trình Tomahawk" - ông Mizokami cho biết.

                Chuyên gia này cũng nói thêm, Trung Quốc có thể sử dụng hệ thống đối không HongQing-9 trên các đảo nhân tạo. Nhưng ông cho rằng một lực lượng đổ bộ của Thủy quân Lục chiến Mỹ có thể dễ dàng tiếp cận và vô hiệu hóa hệ thống tên lửa này.

                "Tóm lại, những căn cứ quân sự này tuy rất quan trọng với Trung Quốc, nhưng cũng có thể bị công kích tương đối dễ dàng. Trong thời chiến,"tuổi thọ" của chúng có lẽ chỉ được tính bằng ngày, nếu không muốn nói là giờ" -ông nhận định.

                Tuy nhiên, ở thời điểm tương đối "trời yên biển lặng" như hiện tại, ông Mizokami cho rằng "sợi xích" của Trung Quốc vẫn tương đối hữu dụng trong việc tuần tra trên Biển Đông.

                "Những tiền đồn cỡ nhỏ kiểu này sẽ tiếp tục là một phần không thể thiếu trong chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng với công nghệ quân sự phát triển như bây giờ, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ không cho xây dựng thêm nhiều ’mắt xích’ trong tương lai".

                Comment


                • #9
                  Tại sao Trung Cộng dại dột?

                  Tại sao Trung Cộng dại dột?
                  Ngô Nhân Dụng


                  Vụ phi cơ thám thính P8-A Poseidon của Mỹ bay qua các hòn đảo Trường Sa mà Trung Cộng đang chiếm của nước ta khiến nhiều người đặt câu hỏi: Khi lập các “đảo nhân tạo” để xây dựng căn cứ quân sự, hải đăng, và phi trường, Cộng Sản Trung Quốc khôn hay dại?

                  Từ năm 2002 Trung Cộng đã thỏa thuận với các nước Ðông Nam Á là không thay đổi “nguyên trạng” trên các hòn đảo tranh chấp. Ðắp các đảo nhân tạo không những làm trái thỏa thuận này mà còn vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Cộng được lợi gì khi thay đổi nguyên trạng?

                  Về mặt quân sự, mấy phi trường và căn cứ mới chỉ có chút giá trị nếu Trung Cộng đánh nhau với Việt Nam. Nhưng tất cả đều là những căn cứ cố định, phơi bày giữa biển chứ không giống những đoàn quân chui rúc trong rừng; cho nên có thể bị hỏa tiễn Mỹ xóa tan ngay trong một cuộc đụng độ giữa Trung Cộng với Philippines hay Nhật Bản, là những nước được hiệp ước an ninh với Mỹ bảo vệ.

                  Về mặt kinh tế, Trung Cộng không cần phải có các căn cứ quân sự mới làm gì. Ðường tiếp tế dầu khí và nguyên liệu cho kinh tế Trung Quốc chưa bao giờ bị de dọa bằng vũ lực; mà nếu bị đe dọa thì các căn cứ mới cũng không không ngăn cản được ai. Từ mấy chục năm nay Trung Cộng vẫn muốn chiếm các mỏ dầu khí trong vùng; các nước khác vẫn phản đối; tình trạng giằng co này sẽ còn kéo dài trong mấy chục năm nữa. Thế cân bằng quân sự của Trung Cộng không mạnh hơn nhờ mấy phi trường mới vội vàng xây lên và sức mạnh pháp lý cũng vậy. Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Cộng, Dương Vũ Quân, mới nói rằng họ lập các căn cứ mới trên đảo để giúp cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ môi trường và cứu nạn trên biển. Không ai tin rằng họ chỉ nghĩ đến việc phước thiện như vậy.

                  Cho nên, Trung Cộng không được lợi gì khi hấp tấp xây dựng các căn cứ mới trên các hải đảo của nước ta, như đảo Gạc Ma, đảo Chữ Thập. Ngược lại, họ tự gây ra nhiều điều bất lợi.
                  Tạo cơ hội cho phi cơ thám thính Mỹ biểu diễn bay qua các phi trường mới xây là một bất lợi. Khi Trung Cộng bắn các tàu đánh cá người Việt Nam, hay khi đem giàn khoan tới cắm trong hải phận nước ta, chính quyền Mỹ không làm gì để phản đối cả. Ðáng lẽ Bắc Kinh nên tiếp tục khuyến khích chính quyền Mỹ cứ đứng xa mà nhìn như vậy. Một tay cường hào đang lén lút chiếm đất của hàng xóm thì tốt nhất không nên để cho cả làng, cả nước chú ý đến việc mình làm. Gây sự khiến có người lên tiếng cảnh cáo, là dại. Trâng tráo nói các hòn đảo mới chiếm là của mình, rồi bị bác bỏ, càng dại nữa. Người nào đã nói lời bác bỏ đó, họ sẽ không thể ngoảnh mặt làm ngơ nếu tên cường hào ăn hiếp lối xóm hung bạo hơn.
                  Tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời Bành Quang Khiêm, giáo sư Học Viện Quân Sự, đả kích Mỹ “từ ngàn dặm bay tới trước cổng nhà, khiến Trung Quốc bắt buộc phải tự vệ!” Nhưng cả thế giới không ai tin luận điệu vừa ăn cướp vừa la làng đó.

                  Mối bất lợi thứ hai là Trung Cộng đã khiến các nước trong vùng bị đặt trong tình trạng báo động. Họ phải liên kết với nhau chặt chẽ hơn. Philippines, Việt Nam, Nhật Bản và Australia. Càng có nhu cầu được cái dù quân sự Mỹ che chở. Sau khi Trung Cộng xây các căn cứ mới, những cuộc tập trận chung được tổ chức nhiều hơn, nhiều mặt hoạt động rộng hơn, so với trước năm 2014. Mỹ chính thức mời Nhật cùng bảo vệ vùng biển Ðông Nam Á. Phi cơ P-3C của không lực Nhật Bản đã bay tới Ðà Nẵng lần thứ hai, sau khi Trung Cộng xây các căn cứ mới.
                  Tóm lại, trong việc Trung Cộng xây thêm căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo, lợi bất cập hại. Có phải giới lãnh đạo Bắc Kinh đã hành động dại dột hay không?

                  Phải giả thiết rằng họ không dại dột. Họ đầy đủ thông tin và đủ trí thông minh, nếu không hơn thì cũng không kém gì chúng ta. Họ phải biết những hành động gây sự mới này chẳng được lợi bao nhiêu trong khi gây nhiều hậu quả bất lợi.
                  Cho nên chỉ có thể giải thích những hành động “dại dột” của Trung Cộng nếu công nhận họ có những mục tiêu đặc biệt mà người ngoài không thấy.

                  Việc xây dựng các căn cứ quân vừa qua của Trung Cộng có thể nhắm một mục tiêu nhỏ hơn các suy nghĩ của mọi người. Họ chỉ nhắm vào một nước Việt Nam. Họ chấp nhận những phản ứng bất lợi từ nước Mỹ và Philippines, Nhật Bản, trong một thời gian ngắn. Sau khi mục tiêu nhắm riêng vào Việt Nam đã đạt được, Bắc Kinh vẫn có thể sẽ tỏ thái độ hòa hoãn, gây thiện cảm với các nước này bằng cách khác, để xóa bỏ những phản ứng xấu họ mới gây ra. Bắc Kinh chỉ cần ngưng các lời lẽ hiếu chiến đối với Tokyo và Manilla trong nửa năm thì cả chính quyền Mỹ cũng được thoa dịu, coi như Trung Cộng đã lùi bước.
                  Nhưng riêng với Việt Nam thì khác. Trung Cộng đã củng cố những hòn đảo chiếm được của nước ta ở Hoàng Sa và Trường Sa. Họ muốn tình trạng đó càng ngày càng được phơi bày trước thế giới một cách rõ ràng, cụ thể, hiển nhiên hơn. Họ muốn đặt dân tộc Việt Nam trước một “sự đã rồi” rõ ràng, chặt chẽ, hơn, khó tháo gỡ hơn. Trung Cộng sẽ phân trần với cả thế giới rằng họ không có ý khiêu khích Mỹ hay Nhật, không muốn “thay đổi nguyên trạng” trong cả vùng Ðông Nam Á,” liên can đến các nước khác. Họ sẽ chứng tỏ với mọi người rằng họ chỉ muốn “củng cố nguyên trạng” tại các hòn đảo đã cướp được của Việt Nam, trong viễn tượng một tương lai lâu dài và không thể đảo ngược lại.

                  Ðể biện minh cho hành động này, Trung Cộng chỉ cần trưng ra một lần nữa những thứ như bức công hàm của Phạm Văn Ðồng năm 1958, các sách giáo khoa và bản đồ do Cộng Sản Việt Nam ấn hành từng công nhận các quần đảo trên thuộc chủ quyền của Bắc Kinh. Khi Ðảng Cộng Sản Việt Nam không dám có một hành động nào mạnh hơn những lời phản đối chiếu lệ như trước đây, thì tình trạng “ván đã đóng thuyền” càng ngày càng khó đảo ngược. Nước Việt Nam sẽ tiếp tục bị cô lập. Các nước khác sẽ không có lý do nào, và cũng chẳng có quyền lợi nào, để phản đối mối quan hệ bang giao giữa Trung Cộng với Việt Nam, trong khi hai Ðảng Cộng Sản vẫn song ca bài Bốn Tốt và 16 Chữ Vàng. Cuối cùng, việc xây dựng các căn cứ và phi trường mới chỉ xác nhận cụ thể hành động bán đứt Hoàng Sa và Trường Sa của Ðảng Cộng Sản Việt Nam mà thôi.

                  Tiến trình chứng tỏ “ván đã đóng thuyền” này đã được tiến hành từ năm 1974 đến nay. Câu hỏi còn lại là tại sao giới lãnh đạo Bắc Kinh lại thực hiện các công trình mới một cách gấp rút trong thời gian chưa đầy một năm qua? Tại sao họ không tiếp tục đi từng bước nhỏ như trong bốn chục năm vẫn làm, qua những việc thành lập quận Tam Sa; việc đánh, giết các ngư dân người Việt; đưa giàn khoan lớn vào hải phận Việt Nam; hoặc lâu lâu ban hành các lệnh cấm tàu đánh cá Việt Nam hoạt động?

                  Chỉ có một lý do, là Bắc Kinh lo ngại Việt Nam sẽ thay đổi; và thay đổi nhanh chóng trước khi họ hoàn tất các biện pháp củng cố cần thiết. Xây dựng các căn cứ quân sự mới là một việc cụ thể, cần thiết để xác nhận chủ quyền của Trung Cộng.
                  Nhưng Trung Cộng có lo ngại chính Việt Cộng sẽ thay đổi hay không? Ðiều này khó xảy ra. Ðạo quân tình báo Trung Cộng vẫn nắm chắc Ðảng Cộng Sản Việt Nam trong tay. Giới lãnh đạo Việt Cộng vẫn tiếp tục để cho Trung Cộng thao túng về kinh tế, chính trị, ngoại giao, không một cá nhân nào trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Cộng đủ sức thay đổi.

                  Cho nên, mối lo thực của Trung Cộng là cả chế độ Cộng Sản Việt Nam sẽ tan rã và sụp đổ trước khi Trung Cộng củng cố vững chắc việc mua đứt các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

                  Tình báo của Bắc Kinh cũng biết chế độ Cộng Sản Việt Nam đang mong manh. Bất cứ một chính quyền mới nào ở Việt Nam mà không thuộc Ðảng Cộng Sản cũng có thể thay đổi quan điểm đối ngoại. Ðặc biệt là trong mối bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, một chính quyền không Cộng Sản có thể xóa bỏ trên danh nghĩa tất cả các cam kết đối với Trung Cộng, trong đó có lá thư của Phạm Văn Ðồng. Khi đó, tất cả công trình của Ðảng Cộng Sản Trung Hoa thực hiện ở Biển Ðông sẽ bị thế giới nhìn bằng con mắt khác.

                  Tóm lại, Trung Cộng không dại dột. Họ chỉ lo xa, tính kỹ, “tiên hạ thủ vi cường” khi lo dân Việt Nam có thể thay đổi cuộc cờ, không biết lúc nào!
                  Ngô Nhân Dụng
                  Last edited by Trần Hòa; 06-05-2015, 12:59 AM.

                  Comment


                  • #10
                    5 nước cờ giúp Mỹ "chiếu bí" Trung Quốc trên Biển Đông...

                    5 nước cờ giúp Mỹ "chiếu bí" Trung Quốc trên Biển Đông...


                    Cây bút Harry Kazianis trên tạp chí RealClearWorld khuyên Mỹ nhanh chóng "biến lời nói thành hành động" trên Biển Đông, đồng thời "mách nước" 5 cách Washington có thể làm như vậy.

                    Từ cách đây vài năm, chính phủ Tổng thống Barack Obama đã nhắc đi nhắc lại điệp khúc "xoay trục sang châu Á", với mục tiêu cân bằng cán cân quyền lực và tầm ảnh hưởng với Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Nay, khi Biển Đông đang trở thành tâm điểm của sự chú ý trong khu vực, đây được các chuyên gia đánh giá là cơ hội để Mỹ chứng minh cho các nước thấy cái "trục" của Mỹ là thật chứ không phải là một tiết mục "võ mồm" ngoại giao đơn thuần.

                    Tuyên bố cứng rắn từ tân Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, lời cảnh báo từ đô đốc Hải quân Harry Harris, và nhất là sự xuất hiện của máy bay tuần tra P-8 Poseidon trên không phận các đảo đá Trung Quốc chiếm đóng trái phép, là những gì Mỹ đã thể hiện. Hiệu quả những động thái này mang lại có thể chưa thực sự rõ rệt, nhưng chí ít điều đó cũng cho thấy lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc là có thật.

                    Tuy nhiên theo giáo sư - nhà nghiên cứu Harry Kazianis thuộc Viện chính sách Quốc phòng Mỹ, Washington cần đẩy mạnh biến lời nói thành hành động, và khẳng định lập trường của mình một cách rõ ràng hơn nữa.

                    Cụ thể, ông đưa ra 5 nước cờ chiến lược có thể khiến cái giá Bắc Kinh phải trả cho những hành vi bành trướng phi pháp của mình trên Biển Đông tăng lên gấp bội.

                    Giáo sư - nhà Nghiên cứu chính sách Harry Kazianis


                    Giáo sư Kazianis tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ), chuyên ngành Quan hệ Quốc tế. Ông hiện giữ chức vụ tổng biên tập tạp chí National Interest và thường xuyên viết về các vấn đề đối ngoại của Mỹ, trong đó nổi bật là với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, ông cũng đang tham gia nghiên cứu tại Viện chính sách Quốc phòng Mỹ.

                    1. Đồng loạt đem Trung Quốc ra tòa: Theo ông Kazianis, Washington cần tìm cách đồng lòng và thuyết phục các quốc gia trong khu vực cùng với Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế. Ông cho biết đây rõ ràng không phải là điều muốn là làm được vì mỗi nước đều có một chính sách đối ngoại riêng, nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục bỏ ngoài tai chỉ trích và đẩy mạnh các hành vi bành trướng phi pháp, các nước trong khu vực sẽ không thể cứ ngồi yên.

                    Chuyên gia này nhận định, từ trước đến nay luật pháp quốc tế không có ý nghĩa gì nhiều với một Trung Quốc ngang ngược, nhưng một loạt các đơn kiện từ nhiều phía không thể không khiến Bắc Kinh lao đao ít nhiều. "Cùng một lúc phải đối mặt với hàng loạt các vụ kiện tụng từ nhiều phía như vậy sẽ khiến Trung Quốc rơi vào một cơn ác mộng hình ảnh. Họ sẽ không thể cứ phủi tay cho qua như với trường hợp của Philippines" - ông phân tích.

                    2. Tố cáo Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông
                    Ông Kazianis cho rằng phóng sự do CNN thực hiện trên chiếc P-8 Poseidon, cũng như những báo cáo và hình ảnh vệ tinh của viện nghiên cứu CSIS, là những gì Washington nên tiếp tục phát huy một cách thường xuyên hơn trong tương lai.
                    Ảnh vệ tinh do CSIS chụp ghi lại những hoạt động xây dựng và cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn (chủ quyền Việt Nam)


                    Mỹ phải thắng Trung Quốc trên mặt trận truyền thông. Để làm được điều đó, Mỹ cần cho công chúng biết rõ từng đường đi nước bước cũng như âm mưu đằng sau những hoạt động xây dựng cải tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông".
                    Chuyên gia này liệt kê một số trường hợp Mỹ có thể tận dụng để phơi bày sự ngang ngược của Trung Quốc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
                    - Khi Trung Quốc đổ bê tông xây dựng đường băng trái phép trên đảo nhân tạo, hình ảnh và video cần được tàu/máy bay trinh thám Mỹ chuyển về ngay cho các phương tiện truyền thông.
                    - Nếu Bắc Kinh điều động máy bay chiến đấu hiện đại hay tên lửa lên các đảo nhân tạo, thế giới cần được thấy hình ảnh và video ngay lập tức.
                    - Nếu tàu Mỹ đi vào bán kính 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép để khẳng định quyền tự do đi lại mà gặp phải sự phản kháng từ Bắc Kinh, chi tiết này cũng cần được cho lên mặt báo.
                    Tóm lại, theo ông Kazianis, vũ khí truyền thông nếu được tận dụng triệt để sẽ giúp Mỹ đặt Trung Quốc vào thế bị động, liên tục phải giải thích cho những hành vi của mình.

                    3. Hỗ trợ quân sự cho các nước khu vực
                    Chuyên gia này nhận định, Mỹ có thể dễ dàng giúp đỡ các nước trong khu vực phát triển hoặc mua về vũ khí diệt hạm hiện đại.
                    Cụ thể, họ có thể kêu gọi đồng minh Nhật Bản bán tên lửa đối hạm Type 12 cho các nước này. Dù Type 12 vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng hệ thống tên lửa này có thể được nâng cấp để tăng tầm bắn, và là một mối đe dọa thực sự với Trung Quốc.


                    4. Đánh vào lợi ích quốc gia Trung Quốc
                    Theo chuyên gia Kazianis, nếu Bắc Kinh tiếp tục "gây hấn" trên Biển Đông, Mỹ cần phải chứng minh rằng những hành vi này sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng cho Trung Quốc trong những lợi ích quốc gia nước này coi trọng nhất. "Nếu Trung Quốc cứ ngang ngược thay đổi trật tự thế giới ở châu Á để phục vụ những mục đích riêng của họ, tại sao Mỹ lại phải tôn trọng lợi ích quốc gia của Bắc Kinh làm gì?"

                    -Ông nhận định. Cụ thể, theo ông Kazianis, Mỹ hoàn toàn có thể đẩy mạnh trang bị quân sự cho Đài Loan, tiếp tục nới lỏng lệnh cấm vũ khí với Việt Nam, cũng như gây áp lực lên một số lĩnh vực khác mà Trung Quốc coi trọng.

                    5. Tối hậu thư kinh tế: Sự trỗi dậy của Trung Quốc lấy trọng tâm là sự phát triển kinh tế nhảy vọt của nước này.
                    Nếu xét đến những hành vi bành trướng của Bắc Kinh trong những năm vừa qua, ông Kazianis cho rằng đã đến lúc Washington xem xét lại việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
                    "Liệu sự phát triển kinh tế của Mỹ có nên phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia đang ngày càng cho thấy mình là mối đe dọa đối với trật tự thế giới?" - chuyên gia này đặt dấu hỏi.

                    Tất nhiên việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, nhưng việc Mỹ cân nhắc thay đổi chính sách kinh tế áp dụng từ nhiều thập kỉ qua cũng đủ để khiến Bắc Kinh "giật mình".
                    Kim ngạch thương mại song phương Mỹ-Trung có giá trị hơn 550 tỉ USD, và chỉ một thay đổi nhỏ thôi cũng dẫn đến những hậu quả đáng kể, và nhiều khả năng sẽ bị giới tài phiệt Mỹ đang làm giàu ở Trung Quốc phản đối kịch liệt.

                    Nhưng theo ông Kazianis, với việc hơn 1.200 tỉ USD hàng hóa trao đổi của Mỹ đi qua hải phận Biển Đông mỗi năm, và một hệ thống an ninh đang bị sự bành trướng phi pháp của Trung Quốc tại đây đe dọa, đã đến lúc Mỹ cần xem xét lại hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
                    "Đã đến lúc Mỹ cần đưa ra chính sách cụ thể, khiến Trung Quốc hiểu rằng những gì Bắc Kinh đã và đang làm tại Biển Đông sẽ đem lại những hậu quả nghiêm trọng, và cái giá Trung Quốc phải trả nếu còn tiếp tục bành trướng sẽ rất đắt" - chuyên gia Kazianis kết luận.

                    Comment


                    • #11
                      Phải nhìn nhận âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông thế nào ? (Robert D. Kaplan)

                      Comment


                      • #12
                        Biển Đông

                        Philippines mở lại căn cứ Subic Bay đương đầu với tham vọng Trung Quốc
                        Tú Anh

                        Một tàu chiến Mỹ ghé vịnh Subic của Philippines. Ảnh chụp ngày 14/10/2014.

                        Trong kế hoạch đương đầu với tham vọng biển đảo của Trung Quốc, Manila điều máy bay chiến đấu và chiến hạm vào vùng biển phía tây Philippines. Căn cứ quân sự khổng lồ Subic Bay sắp hoạt động trở lại, sau 23 năm đóng cửa chuyển đổi thành khu kinh tế, sẽ cho phép Philippines can thiệp nhanh chóng tại Biển Đông.

                        Bộ Quốc phòng Philippines ngày 16/07/2015 cho biết đã ký hợp đồng thuê lại căn cứ Subic Bay thời hạn 15 năm có gia hạn với cơ quan quản lý dân sự Subic Bay Metropolitain hồi tháng 5.

                        Quân đội Philippines sẽ đưa về Subic Bay chiến đấu cơ phản lực mới và hai chiến hạm. Theo các chuyên gia quân sự, sử dụng căn cứ Subic Bay sẽ cho phép quân đội Philippines can thiệp hữu hiệu, ngăn chận hoạt động của hải thuyền Trung Quốc trong vùng biển phía tây của đảo Luzon. Chuyên gia an ninh quốc phòng Philippines Rommel Banlaoi nhận định : Giá trị quân sự của Subic Bay đã được quân đội Mỹ chứng minh và giới tướng lãnh Trung Quốc cũng biết được điều đó.

                        Một khi Subic Bay phục hồi vai trò quân sự, hải quân Mỹ có thể sử dụng căn cứ này một cách dễ dàng hơn cho dù khả năng Hoa Kỳ được quyền thuê trở lại vẫn chưa ngã ngũ do có sự chống đối của Tối cao Pháp viện Philippines. Từ năm 2000 cho đến nay, hải quân Mỹ chỉ đến Subic Bay trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung.

                        Theo kế hoạch của bộ Quốc phòng Philippines, kể từ tháng 12 năm nay, hai chiến đấu cơ FA-50 đầu tiên trong số 12 chiếc đặt mua của Hàn Quốc sẽ được chuyển giao và sẽ được bố trí tại căn cứ Subic.

                        Subic Bay nằm cách đảo đá ngầm Scaborough bị Trung Quốc đánh chiếm vào năm 2012 chỉ có 270 cây số. Theo chuyên gia an ninh Mỹ Patrick Cronin, chiến đấu cơ FA-50 chỉ cần vài phút là bay đến mục tiêu.

                        Comment


                        • #13
                          Biển Đông

                          TQ hoang mang vì không biết Đô đốc Mỹ "bay đi đâu trên Biển Đông"

                          Cách đây vài hôm, July 18, 2015, Mỹ lại tiếp tục bay trên biển Đông thoải mái.

                          Đô đốc Swift đã tuyên bố Mỹ giữ lập trường không chọn bên ở Biển Đông, nhưng sẽ bảo đảm tự do hàng hải và sử dụng quân lực mạnh mẽ để "chuẩn bị đối phó với bất kỳ sự cố bất ngờ nào mà Tổng thống Barack Obama cho rằng không thể tránh khỏi". Khi bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông, Mỹ đã ngang nhiên khinh thường Tàu Cộng.

                          Trung Quốc hoàn toàn không nắm được thông tin về cuộc thị sát Biển Đông của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift cũng như vị trí, khu vực mà ông đi qua.
                          Tướng Swift có thể đi tới "bất cứ đâu trên Biển Đông"
                          Hoàn cầu đặt ra câu hỏi đang khiến Bắc Kinh hoang mang vì không tìm được đáp án: "Máy bay P-8A Poseidon chở Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương làm gì ở Biển Đông?"
                          Được biết, nhiệm vụ trinh sát hôm 18/7 do trung đội máy bay tuần tra VP-45 của Mỹ thực hiện, nhưng Hải quân nước này không tiết lộ hành trình cũng như khu vực mà ông Scott bay qua.
                          Điều khiến Trung Quốc lo sợ là, không như vụ nước này đón đầu và cảnh cáo 8 lần máy bay P-8A của Mỹ hôm 20/5, lần này Bắc Kinh không hề nắm được bất cứ thông tin gì về hoạt động của ông Scott cho đến khi Hải quân Mỹ đăng ảnh và thông báo trên website chính thức.
                          Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Quân Xã bình luận trên Hoàn Cầu cho biết, Biển Đông có chiều rộng Đông-Tây khoảng hơn 900km, chiều dài Nam-Bắc hơn 1.800km.
                          "Các thông tin từ truyền thông Mỹ cho thấy, máy bay P-8A mà Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương có mặt đã xuất phát từ Philippines.
                          P-8A Poseidon có tầm bay lớn nhất lên tới trên 8.000km, bán kính tuần tra khoảng 2.600km. Với tốc độ 800km/h thì trong 7 tiếng đồng hồ, Đô đốc Swift có thể đi tới bất cứ địa điểm nào trên Biển Đông.
                          " - Trương Quân Xã phân tích.
                          Ông này nói thêm: "Với 4 tiếng đồng hồ hành trình khứ hồi, ông Swift vẫn còn 3 tiếng để dừng lại ở đâu đó. Có thể ông ta đã thị sát các hải vực và đảo, đá."
                          Hoàn Cầu cũng tỏ ra lo ngại khi dẫn các báo cáo từ phương Tây cho biết, trên máy bay P-8A của Mỹ "dường như đã xuất hiện một thiết bị mới bí ẩn" được mô tả là "có ăng-ten và vỏ hộp".
                          Theo đó, thiết bị này có khả năng giám sát thông tin liên lạc của đối thủ, cho phép truyền các đoạn hội thoại bằng tiếng nước ngoài về để các chuyên gia ngôn ngữ phiên dịch trực tiếp.

                          Trung Quốc "choáng váng" vì phải đến khi Hải quân Mỹ đăng ảnh Đô đốc Swift, Bắc Kinh mới biết về chuyến bay trinh sát Biển Đông của ông


                          Trung Quốc cay cú
                          Bộ quốc phòng Trung Quốc hôm qua (20/7) đã có phản ứng trước việc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) Scott Swift thực hiện chuyến bay trinh sát trên Biển Đông hôm 18/7.
                          "Chúng tôi đã chú ý tới các báo cáo liên quan. Chúng tôi hy vọng Mỹ tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong các vấn đề Biển Đông, có thêm hành động thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực thay vì làm điều ngược lại." - Thông cáo của BQP Trung Quốc viết.

                          Cục sự vụ báo chí BQP nước này chỉ trích: "Cần phải chỉ ra, trong suốt một thời gian dài, máy bay và tàu chiến của quân đội Mỹ đã thực hiện trinh sát với tần suất cao, phạm vi lớn và cự ly gần đối với Trung Quốc trên Biển Đông.Điều này làm tổn hại tín nhiệm song phương, nguy hại lợi ích quốc gia của Trung Quốc, rất dễ dẫn đến các sự cố ngoài ý muốn về an ninh trên biển và trên không. Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành vi này."

                          Chuyến bay của tướng Scott Swift diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông "nóng" bởi các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc.
                          Đô đốc Swift đã tuyên bố Mỹ giữ lập trường không chọn bên ở Biển Đông, nhưng sẽ bảo đảm tự do hàng hải và sử dụng quân lực mạnh mẽ để "chuẩn bị đối phó với bất kỳ sự cố bất ngờ nào mà Tổng thống Barack Obama cho rằng không thể tránh khỏi".

                          Ngày 20/7, ông Swift phát biểu tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc cho biết chuyến bay trinh sát hôm 18/7 chỉ là một nhiệm vụ theo thông lệ và Đô đốc này tham gia để "tìm hiểu chức năng máy bay P-8A Poseidon".

                          Thời báo Hoàn Cầu cay cú chỉ trích máy bay tuần tra P-8A Poseidon mà Mỹ đưa vào Biển Đông "chẳng có gì gọi là đóng vai trò hòa bình".

                          Chuyên gia không quân Trung Quốc Phó Tiền Tiêu nói với Hoàn Cầu, P-8A hiện là máy bay trinh sát săn ngầm tân tiến nhất của Mỹ và đang được thay thế dần cho loại cũ là P-3C Orion trong những năm gần đây.

                          Ông Phó cho rằng lý do "khảo sát tính năng máy bay" của Đô đốc Scott "chỉ là cái cớ", bởi việc vị Tư lệnh này tìm hiểu hay bay thử nghiệm trên một loại máy bay đã được hoàn thiện "không có ý nghĩa gì lớn lao".

                          Nguồn: http: soha.vn/quoc-te

                          Comment


                          • #14
                            Biển Đông : Trung Quốc kêu gọi Philippines rút đơn kiện
                            Thụy My / 23-07-2015


                            Biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Manila phản đối việc Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo - AFP /Jay Directo


                            Trung Quốc hôm nay 23/07/2015 lên tiếng kêu gọi Philippines rút đơn kiện tại Tòa án Trọng tài Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về yêu sách đường lưỡi bò 9 đoạn của Bắc Kinh tại Biển Đông, và quay lại với bàn đàm phán song phương.
                            Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh luôn nhấn mạnh, việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với các nước láng giềng cần phải được giải quyết thông qua thương lượng song phương.
                            Nhưng trong tháng này, yêu sách của Trung Quốc lần đầu tiên sẽ một định chế tư pháp quốc tế xem xét tỉ mỉ, khi Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc ở La Haye nghe điều trần theo đơn kiện của Philippines năm 2013. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện.
                            Khi báo chí hỏi liệu Philippines có rút đơn kiện ở La Haye hay không, ông Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua), đại sứ Trung Quốc tại Manila nói : « Chắc chắn là tôi hy vọng như thế, phía Philippines sẽ ngồi lại với chúng tôi để thương lượng hòa bình. Cuộc đàm phán đòi hỏi sự kiên nhẫn, có thể mất thời gian nhưng đó là phương cách duy nhất. Một giải pháp hòa bình cần phải thông qua đối thoại song phương ».
                            Một đội ngũ chuyên gia tư pháp của Philippines trong đó có hai luật sư Mỹ, trong tháng này đã giải trình trước tòa việc đưa ra tư pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp là đúng đắn, phù hợp với Công ước quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc mà cả hai nước đều đã ký kết.
                            Philippines tìm cách thực thi quyền khai thác vùng đặc quyền kinh tế, theo quy định của Công ước là trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển. Tháng 12/2014 Trung Quốc đã ra văn kiện nêu lý lẽ việc tranh chấp không nằm trong phạm vi của Công ước, vì liên quan đến chủ quyền chứ không phải quyền khai thác.
                            Bắc Kinh yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, và ngày càng quyết đoán hơn với việc hối hả xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, khiến các nước trong khu vực và Hoa Kỳ lên tiếng phản đối.
                            Báo chí Trung Quốc lý sự rằng nước này muốn triển khai các dự án năng lượng tái tạo trên biển, cũng hữu ích cho các nước láng giềng. Việc xây dựng đảo nhân tạo không chỉ nhằm mục đích quân sự, nhưng còn để xúc tiến giao thông hàng hải. Nhân dân Nhật báo trích dẫn Cục Hải sự nói rằng Trung Quốc cần cung cấp dịch vụ hàng hải chất lượng cao cho các quốc gia xung quanh Biển Đông, tiến hành bảo vệ môi trường trong đó có việc thành lập một ngân hàng gien sinh vật biển.
                            Tuy nhiên theo Manila, việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo đã phá hủy khoảng 1,2 kilomet vuông rạn san hô, khiến các quốc gia ven biển bị thiệt hại khoảng 100 triệu đô la mỗi năm.

                            Comment



                            Hội Quán Phi Dũng ©
                            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                            website hit counter

                            Working...
                            X