Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đảo Hoàng Sa và Kế Hoạch Kamikazé

Collapse
X

Đảo Hoàng Sa và Kế Hoạch Kamikazé

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đảo Hoàng Sa và Kế Hoạch Kamikazé

    Đảo Hoàng Sa
    và Kế Hoạch Kamikazé



    Báo Cali phát hành giữa tháng 10-98 có đăng “Tuyên Cáo của Tổng Hội Hải Quân và Hàng Hải VNCH” khẳng định về chủ quyền Viêt Nam tại đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuyên cáo công bố ngày 8-10-98 tại San Diego, California, nhân dịp húy nhật Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Thánh Tổ Hải Quân VNCH.

    Tuyên cáo có 4 điểm, trong đó có 2 điểm cực lực phản đối nhà cầm quyền Trung cộng xâm lăng lãnh thổ Việt nam và cũng phê phán tà quyền Việt cộng đã hèn hạ nhượng bộ đất đai cho Trung cộng. Điểm 3 Tuyên Cáo xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo kể trên với đầy đủ sử liệu và nhân chứng quan trọng, đó là các chiến sĩ Hải quân QLVNCH đã từng đổ máu để bảo vệ từng tất đất của Cha Ông.
    Bài báo trên đã gợi nhớ vài điều liên quan đến “Kế Hoạch Kamikaze”, sau khi Hải Quân VNCH đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa trong tư thế bất lợi về chiến cụ và địa thế.

    Cuối tháng 1/1974, việc Hoàng Sa bị Trung cộng cưỡng chiếm đã gieo vào lòng quân dân miền Nam một nỗi buồn xa vắng. Một điều tủi nhục nữa la chế độ Cộng sản miền Bắc vẫn nín khe trước sự xâm lăng trắng trợn của quan thầy Trung cộng.

    Trong toàn dân và toàn quân miền Nam có nhiều người nghĩ rằng, phải dùng không lực để đánh trả tàu chiến Trung cộng.

    Vào thời điểm trên, Không quân VNCH có khoảng 18 Phi đoàn khu trục, trong đó có 10 Phi đoàn A37, 05 Phi đoàn F5 và 3 Phi đoàn AD6 đồn trú rải rác các Căn cứ Pleiku, Đà Nẵng, Biên Hoà và Bình Thủy (Cần Thơ). Nếu dùng không quân đánh trả tàu chiến Trung cộng, thì đương nhiên phải xuất phát từ Đà Nẵng, bởi vì khoảng cách gần nhất từ Đà Nẵng đến Hoàng Sa ước chừng 200 dặm. Thời gian bay tối đa của A37 là 1 giờ 45 phút với tốc độ bình phi chừng 250 dặm/giờ. Theo đó thì phản lực cơ A37 không đủ nhiên liệu để bay ra Hoàng Sa, oanh kích mục tiêu rồi bay về căn cứ (đi về 400 dặm, trên 2 giờ bay). Đó là chưa đề cập khả năng Mig Trung cộng cất cánh từ Hải Nam bay ra nghênh chiến.

    So với A37, phản lực cơ F5 có thể bay nhanh và bay lâu hơn chút đỉnh, cũng không thể đảm trách nhiệm vụ một cách hoàn hảo được. Điều nầy những nhà quân sự miền Nam đã thấy rõ.

    Vậy thì, đành chịu sao ?

    Thời bấy giờ, trong toàn quân, nhiều người biết hai cây bút quân đội, đó là Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh và Thiếu tá Phạm Huấn (1). Hai ông chủ trương nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, Nhật Báo Tiền Tuyến và tuần báo Diều Hâu. Riêng nhà văn nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh là người thường viết những loạt bài “chính trị giả tưởng” và “chiến trận gỉa tưởng” đăng trên báo Diều Hâu. Dù là giả tưởng, nhưng lý luận vẫn dựa trên những dữ kiện cụ thể liên quan đến cuộc chiến Quốc Cộng vừa qua, và rất bổ ích cho những nhà soạn kế hoạch quân sự.

    Trong một dịp ghé thăm Pleiku, hai ông đã trình bày “Kế hoạch Kamikazé” trước Trung tá Nguyễn Văn Bá (2), Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật (KĐ72CT), các Đơn vị trưởng cấp Đoàn và một số Sĩ quan Tham mưu Không Đoàn.

    Xin mở ngoặc, các ông Nguyễn Đạt Thịnh và Phạm Huấn đã giới thiệu ông Phan Văn Phan, được anh em quen gọi là Anh Tư Paul, Giám Đốc Trung Tâm phát hành sách báo Việt Nam đứng ra đỡ đầu KĐ72CT thời ông NVB và Sư Đoàn 6 Không Quân thời tướng Phạm Ngọc Sang. KĐ72CT là đơn vị không quân đầu tiên trong Không lực nhận được sự đỡ đầu của một nhóm quân dân hậu phương Sài Gòn. Phái đoàn kết nghĩa nầy rất mặn mà với Không quân Pleiku. Phái đoàn đã yểm trợ cho căn cứ nhiều công trình thiết thực, đáng kể nhất là nhà Bảo Sanh SĐ6KQ. Phái đoàn vẫn thường được mời lên Pleiku tham dự những sinh hoạt manh tính hỗ trợ, cổ vũ nâng cao tinh thần quân sĩ ở chốn đèo heo hút gió nầy. Xin đóng ngoặc).

    Hẵn nhiều người còn nhớ, Tuần Báo Diều Hâu, đã phát động chiến dịch Vành Khăn Sô từ đầu thập niên 70 khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, kêu gọi toàn dân yểm trợ cô nhi quả phụ có chồng, cha đã vị quốc vong thân. Chiến dịch Vành Khăn Sô được hưởng ứng nồng nhiệt. Thời đó, tại các tiệm cà phê nhạc, thường treo bức ảnh Tiếc Thương do nhiếp ảnh gia phóng viên chiến trường Nguyễn Ngọc Hạnh chụp khuôn mặt một góa phụ trẻ, hai tay nâng niu thẻ bài kim khí với giọt lệ đọng trên mi. Bức hình nầy và bức hình Vành Khăn Tang phủ lên đầu hai mẹ con rất sống động, đã gây xúc động bùi ngùi cho toàn thể người dân miền Nam bấy giờ.

    Có thể từ thành tựu của chiến dịch Vành Khăn Sô mà hai ông Thịnh và Huấn đã nghĩ ra một chiến trận giả tưởng, gọi là Kế Hoạch Kamikaze’ chăng?

    Nôm na, kế hoạch nầy có 3 giai đoạn:

    Giai đoạn một chiêu mộ

    Một phái đoàn được phép chính phủ đi đến các Phi đoàn Khu trục để chiêu mộ những phi công tình nguyện vào Phi Đội Quyết Tử. Trong 18 Phi đoàn Khu trục nêu trên, có khỏang 500 phi công. Ước tính 1% trong số 500 phi công đó tình nguyện, thì Phi Đội Quyết Tử có ít nhất 5 chiến sĩ.
    Dĩ nhiên điều kiện độc thân vẫn được xem là ưu tiên.

    Giai đoạn hai huấn luyện và hành động

    Số phi công tình nguyện nầy sẽ được huấn luyện để thi hành phi vụ đặc biệt. Có thể bay trong hoàng hôn, bay trong bình minh hay những ngày lễ để tạo bất ngờ. Và khi hành động, sẽ cất cánh từ Đà Nẵng, bay cao độ thấp để tránh tầm rada và tránh Mig Trung cộng. Khi đến gần tàu chiến của kẻ thù ở Hoàng Sa thì “đâm vào” cho nổ tung. Đây là phi vụ quyết tử. Ra đi không bao giờ trở về.
    Ra đi không ai tìm xác rơi.

    Giai đoạn ba kết thúc

    Quân sử và lịch sử sẽ ghi danh chiến tích của người phi công anh dũng vị quốc vong thân. Quốc táng người phi công anh dũng sẽ được cử hành trọng thể. Gia đình vợ con cha mẹ người phi công anh dũng sẽ được chính phủ trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng. Con cái người phi công anh dũng được xem là quốc gia nghĩa tử và được chinh phủ nuôi ăn học nên người.

    Mục đích của Kế Hoạch Kamikaze’ không những tiêu diệt tàu chiến của bọn xâm lược Trung cộng mà còn là tiếng chuông đánh động cho toàn thế giới biết đến sự xâm lược của Trung cộng và nhân thể nói lên quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của Tổ Tiên của quân dân Viêt Nam Cộng Hòa.

    Đây là một kế hoạch khả thi (3)

    Rất tiếc, khi hai ông Thịnh và Huấn trình bày kế hoạch nầy cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương thì được cụ Hương cho biết, Mỹ họ không yểm trợ kế hoạch nầy!

    Nay nhân đọc Tuyên Cáo của Tổng Hội Hải Quân VNCH, chúng tôi muốn kể lại chuyện nầy, âu đó cũng là một cách hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Hội, đóng góp phần nhỏ bé của mình vào trách nhiệm bảo vệ từng tấc đất của Tiền Nhân để lại.

    Ước mong sao, con cháu đời sau đọc được kế hoạch nầy, và biết đâu, chúng sẽ thực hiện và ghi được một trang sử vẻ vang cho Dân tộc !

    võ ý
    Trích “Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo”, Cội Nguồn, 2003.

    ***

    Ghi chú:

    (1) Ông Nguyễn Đạt Thịnh, hiện dịnh cư tại Houston, TX; còn ông Phạm Huấn thì đã vĩnh biệt trần gian khoảng 2005 tại San Jose.
    (2) Đại tá Nguyễn Văn Bá hiện định cư San Jose’.
    (3) Hiện nay, sinh viên thanh niên trong nước đã rầm rộ biểu tình chống Trung cộng áp đặt hành chánh cai tri hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa dù bị công an Việt công đàn áp.
    Chúng ta, những cựu quân nhân, những cựu tù nhân cộng sản trong tập thể Chiến sĩ QLVNCH đang lưu vong tị nạn cộng sản, tất nhiên chúng ta không thể dùng vũ khí để chống xâm lược Tàu cộng, nhưng giòng máu bất khuất chống ngoại xâm phương bắc vẫn còn luân lưu trong huyết quản của con cháu Triêu Trưng, chúng ta có thể rầm rộ xuống đường chống xâm lược Bắc triều, để nói cho kẻ thù và thế giới biết rõ ý chí bão vệ chủ quyền hải đảo của chúng ta, và cũng nhân thể hổ trợ cuộc đấu tranh chính đáng của anh chị em sinh viên thanh niên trong nước.
    Rất mong các tổ chức cựu quân cán chính hải ngoại sớm có “ kế hoạch khả thi” nầy.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X