Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Không Gian Hằn Nỗi Nhớ

Collapse
X

Không Gian Hằn Nỗi Nhớ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    Chiêu Hồn - Phần 1


    Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
    Nét chinh phu trăng dõi dõi soi
    Chinh phu tử sĩ mấy người
    Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn
    (Chinh Phụ Ngâm Khúc)



    Khóa 72A cho tới giờ phút nầy đã có ít nhất là 15 người ra đi, và trong số đã có những người ra đi rất sớm. Hãy kể tên những anh em đã khuất và cho họ một phút mặc niệm.
    "Phút mặc niệm bắt đầu!"
    1. Bùi Văn Bích (Mụn)
    2. Nguyễn Văn Chiến (Răng Vàng) : Vị Quốc Vong Thân
    3. Lương Thiện Cường
    4. Nguyễn Văn Dân
    5. Lê Minh Hải (Cải Lương) : Vị Quốc Vong Thân
    6. Trần Đình Long (Đui)
    7. Nghiêm Xuân Mạnh
    8. Lê Công Ngữ (Công Ngủ)
    9. Nguyễn Thiện Nhượng
    10. Ngô Hoàng Oanh
    11. Nguyễn Thanh Quan (Đen)
    12. Dương Hồng Sơn : Vị Quốc Vong Thân
    13. Phan Vĩnh Thành
    14. Quách Dũng Tiến : Vị Quốc Vong Thân
    15. Trần Trung Tín

    Hãy vinh danh bốn bạn đã hy sinh trong khi thi hành công vụ trước. Theo lời kể của một người trong 72A, sau khi tốt nghiệp ra Phi Đoàn 221 Biên Hòa, Chiến Răng Vàng đã tử trận ở mật khu Mây Tào, Long Khánh trong một phi vụ đón Biệt Kích 81. Vinh danh bạn Nguyễn Văn Chiến đã hy sinh vì quốc gia dân tộc.

    Cũng theo lời người đó, Hải Cải Lương ra Phi đoàn 243 Phù Cát và đã chết vào cuối tháng 03/1974. Hôm đó Hải bay gunship thuộc Phi đội Hắc Sư khi đang bay tiếp tế cho một đồn bộ binh tại đèo Phù Ly thuộc quận Phù Cát thì được lệnh về Nha Trang đáp. Hải Cải Lương cùng trưởng phi cơ cũng tên Hải ráng ghé về lấy đồ đạc và đã bị bắn rớt chết tại taxiway số 8.

    Sau đây là lời Hải Ác Tăng nói về Dương Hồng Sơn:
    "Dương Hồng Sơn thì tôi gặp ở trại Thượng Sĩ Tiến và khi ra Nha Trang ở cùng phi đội và barrack. Tướng Sơn thư sinh, đẹp trai và rất Không Quân. Sơn hội đủ điều kiện hoãn dịch nhưng vì mê làm phi công nên đăng lính. Gia đình Sơn là một gia đình nhà binh vì bố là sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến và bà chị cả là sĩ quan Nữ Quân Nhân. Có lần Sơn tâm sự là đã thầm yêu trộm nhớ một người bạn của bà chị cũng là một sĩ quan Nữ Quân Nhân nữa nhưng chưa dám tỏ tình và vấn kế phải làm sao. Tôi cười và nói: "Bả lớn hơn mày ba tuổi, bộ mày thích đồ cổ lắm hả ? Hôm nào về phép, mày phải ăn mặc cho thật là "lính", mời chị ấy đi xi nê, và chờ lúc nào trên màn ảnh họ hôn nhau thì theo như thế mà làm". Không bao lâu sau đó, có lẽ để thực hiện chương trình, Sơn đã cùng Nguyễn Hữu Roanh và Nguyễn Minh Tâm dù về Sài Gòn, và khi trở ra thì bị Thiếu Tá Bé nhốt vào Cải Hối Thất và loại ra Bộ Binh. Khi ra trường Thủ Đức, Roanh về Địa Phương Quân đóng ở Long An, Tâm về Thủy Quân Lục Chiến ở căn cứ Sóng Thần và Sôn thì chọn Lôi Hổ ra Pleiku. Năm 1974 tôi có gặp Sơn tại Sài Gòn trong bộ đồ đen với huy hiệu Lôi Hổ, tóc dài, đen đúa, và trong túi áo có hai trái lựu đạn mini. Ngồi trong quán nước qua điều thuốc, Sơn đã nói: "Mỗi lần tao nhảy vào sào huyệt địch là một lần tao nghĩ không có ngày về". Đó có lẽ là lời trăn trối, vì giữa năm 1974 khi tôi ghé thăm gia đình Sơn ở Thị Nghè thì được cho hay Sơn đã tử trận đâu đó nơi miền núi Cao Nguyên. Trong sự bàng hoàng cảm xúc, tôi đã thương cho Sơn ra đi với mối tình chưa kịp tỏ bày".

    Về Quách Dũng Tiến thì có Nguyễn Hữu Tín là bạn cùng học khóa 2 HTTT cùng về Phi Đoàn 225 Ác Điểu, Cần Thơ. Tín đã kể lại chuyện sau đây:
    "Khoảng đầu năm 1975, Quách Dũng Tiến đi hành quân ở mật khu Hải Yến, Cà Mau. Chuyến đi nầy Tiến là co-pilot cho Trung úy Tuấn bay chiếc gunship số 2 hộ tống một chiếc slick. Trong khi đang yểm trợ tiếp tế cho một đần quân bạn bị Việt cộng bao vây khoảng gần giữa trưa thì tàu Chiến bị bắn rớt. Gunship số 1 và chiếc slick đã cứu được Cơ Phi và Xạ Thủ văng ra hai bên phi cơ trên đám ruộng đầy nước. Từ đó đền tối các phi tuần A-37 thay nhau oanh tạc để bộ binh của Sư Đoàn 21 tiến vô, nhưng mãi hôm sau họ mới đến được tàu.

    Ngày hôn đó tao bay với Trung Tá Châu đáp tận nơi tàu rớt vào khoảng giữa trưa. Đầu trực thăng của Tiến cắm xuống ruộng nước và đã cháy rụi, chỉ còn một khung sườn sắt. Bộ binh lượm được một mảnh nhỏ áo bay của Trung Úy Tuấn còn bảng tên và miếng vải để đeo lon, nhưng cái lon thì đã bị gỡ mất. Mảnh vải áo đó đã được tìm thấy trong vườn nhà dân cách tàu không xa lắm. Phần Tiến thì không còn một di vật gì, có thể vì Tiến mặc đồ bốn túi nên tất cả đã cháy ra tro. Sau đao tao có đền nhà Tiến ở khu gia binh Trường Quân Cụ Gò Vấp cho gia đình Tiến biết tin".

    (xem thêm chi tiết tại http://hoiquanphidung.com/showthread...c-dieu-ngay-ve) , ghi chú của HQPD)

    Hà Tấn Thông có ghi lại rằng Tiến đã gẫy cánh vào tháng 12/1974 tại Thới Bình, Cà Mau vì phòng không 12,8 ly của Cộng Sản trên đường vào điểm đáp. Đây là nơi mà Hà Tấn Thông đã hành quân hôm trước đó. Vinh danh bạn Tiến đã hy sinh vì quốc gia dân tộc.

    Sau đây là những bạn đã qua đời vì bệnh, tai nạn hay tự kết liễu đời mình.

    Người đầu tiên phải được nhắc tới ở đây là Nguyễn Thanh Quan tự Quan Đen, bởi cái chết của chàng có dính líu tới thời cuộc tháng 04/1975. Nguyễn Hữu Tín kể về Quan như sau:
    "Tao biết khá rõ về Quan Đen trong những ngày chót. Ngày xưa ở Bình Dương, Nguyễn Thanh Quan, Võ Thanh Hà và tao học cùng lớp. Còn Nguyễn Thanh Tâm thì học chung với Ủ Văn Anh Dũng học Nông Lâm Súc. Dũng là người ở Biên Hòa nhưng qua Bình Dương học.

    Số quân của Nguyễn Thanh Quan là 73/606400. Mãn khóa 42 HTQS, Quan về Phi Đoàn 110 Đà Nẵng cùng Mai Đẹp Trai. Cuối tháng 03/1975 thì Phi Đoàn 110 di tản về Biên Hòa vài bửa rồi về Tân Sơn Nhất. Tao có gặp Quan ở Bình Dương trong những ngày cuối cùng đó. Trong chiều 28/04/1975 là hôm Nguyễn Thành Trung bay A-37 đánh bom Tân Sơn Nhất, Quan chở tao xuống Tân Sơn Nhất bằng chiếc Rabbit của tao (*đây là mộc chiếc xe hai bánh giống như chiếc Vespa, máy 150 phân khối, xài demarreur để mở máy. Xe nầy xưa các cố vấn Mỹ và Cảnh Sát Đặc Biệt ưa dùng với bảng số ẩn tế). Tao có rủ Quan xuống Cần Thơ để có thể sẽ ra đi với tao nhưng nó từ chối. Sáng hôm sau thì tao đền phi trường Trà Nóc. Sau hai ngày trong cảnh hoảng hốt và thiếu dự tính, tao đã không ra đi mà lại quay về Bình Dương. Về tới nơi vào lúc hai giờ chiều thì tao được tin Quan đã tự sát tại nhà nó ngày 30/04/1975 vừa mới chôn xong.

    Theo lời bạn bè lối xóm kể lại thì sau khi đưa tao đi xong, Quan đã trở lại Bình Dương lấy chiếc Rabbit của tao chạy vòng còng cùng mấy đứa bạn học cũ, và trong cốp xe lúc não cũng có cây P-38 của nó. Trưa 30/04/1975 khoảng 11 giờ rưởi Quan chở hai thằng bạn ra trụ cờ ở chợ Bình Dương xem họ hạ cờ vàng xuống và treo cờ xanh đỏ sao vàng của MTGPMN lên. Sau khi chở hai thằng bạn về, nó về nhà tắm rửa leo lên giường đắp mền và sai đứa em trai tên Lâm đi mua mấy điếu Capstan. Em nó đi rồi thì nó lấy súng bắn vào tim. Khi ở nhà tìm được xe đưa vào bệnh viện thì nó đã chết.

    Ngày nay ba má và em trai của Quan đều đã chết. Gia đình chỉ còn một cô em tên Ngọc Dung lấy chồng tên Châu sau năm 1975 và hai vợ chồng đã đi Pháp vào năm 1978 (* lời bạn Tín : "Châu tên thật là Lâm Minh Châu, học Nông Lâm Súc cùng lớp với Dũng và Tâm. Ai có liên lạc được với Dung hoặc Châu làm ơn cho Tín biết)".

    Nói về cái chết của Quan Đen, không ai có thể ngờ được rằng một người bạn vô tư hay nghịch phá như Quan Đen lại có một thái độ nghĩa khí như thế. Nghĩ cũng đáng buồn cho người quân tử trong lúc cùng đường
    xem thêm bài viết về Nguyễn Thanh Quan tại (http://hoiquanphidung.com/showthread...YEN-THANH-QUAN) , ghi chú của HQPD.

    Cuối năm 2000, trong khi mọi người đang chuẩn bị nghỉ ngơi và thở phào vì vẫn chưa tận thế thì Lê Công Ngữ ở San Diego mướn phòng khách sạn uống thuốc ngủ tự tử chết để lại một lá thư tuyệt mạng. Trước đó Ngữ đã có viết một lá thư gởi bạn bè 72A. Lá thư nầy chàng đề ngày 12/09/2000, gửi qua bưu điện cho Đỗ Tiến Như và được chép lại nguyên văn sau đây:

    "Những giòng chữ nầy đến Như thì mình đã đi xa rồi, xa lắm. Ở đó mình sẽ gặp Hải Cải Lương, Chiến, Mạnh, Dân và có lẽ vài thằng bạn nữa. Lần cuối mình gởi đến Như lời chào vĩnh biệt và nhớ Như cho mình nhắn lời từ giã tới đám "đầu trâu mặt ngựa 72A". Mình đi trước vài năm hoặc vài chục năm. Ở đó mình sẽ đợi chờ các bạn. Hy vọng lúc các bạn tới mình đã trờ thành siêu siêu đai cồ và mình hứa săn sóc kỷ các bạn".


    Kể ra thì Lê Công Ngữ có lòng lắm, vì chàng ta đã ký là SVSQ 72A với cái tên "Công Ngủ" bất hủ mà anh em đã đặt cho. Lời thư tỉnh táo, mạch lạc, lại còn đượm nét khôi hài chứng tỏ một cái chết có dự tính chứ không phải vì một phút giây nóng giận. Ngữ, nếu dùng chữ mà mầy hay dùng ngày xưa để nói, thì mày ra đi như thế là "vô hậu". Cái chết của người bạn xuề xòa vui tính nầy có nên là một điều đáng cho anh em suy nghĩ hay không?

    Khi Lê Công Ngữ đã chết rồi thì một số anh em có góp tiền phúng điếu. Bạn Đỗ Văn Bính bảo rằng cái chết của Ngữ đã làm cho chàng suy nghĩ nhiều. Dù Bính có đóng góp như các anh em khác, chàng đã ngậm ngùi nói lên nỗi tiếc đã không giúp được bạn mình khi còn sống qua hai câu ca dao: "Khi sống thì chẳng cho ăn, đến khi chết xuống làm văn tế ruồi".

    Vũ Xuân Quảng nói đã có gặp Ngữ trong thời gian 1983-1985 ở chợ trời Sài Gòn sau khi Quảng đi "học tập" về khoảng cuối năm 1980. Khi Ngữ và Quảng gặp lại nhau trong lần họp khóa năm 1999 ở miền nam California, Ngữ có kể rằng làm ăn thua lỗ và vợ không vui vẻ. Vào đầu năm 2000, một buổi tối Ngữ đã gọi Quảng bảo rằng muốn từ San Diego lên Orange County ở gần Quảng, và Quảng đã bảo rằng hãy cứ lên, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, nhưng sau đó không thấy Ngữ dọn lên. Trong đám cưới con gái Na tháng bẩy cùng năm đó, Quảng thấy vợ chồng Ngữ rất bình thường nên cho rằng vợ chồng dù có lúc giận hờn nhưng đêm nằm ngủ đụng nhau là huề thôi, không ngờ đến cuối năm thì được tin không lành về Ngữ. Quảng rất ân hận đã không tìm hiểu thêm về bạn mình trước khi việc đáng tiếc xảy ra.

    Lê Công Ngữ và Nguyễn Hữu Tín học chung khóa 2 HTTT. Theo lời Tín kể thì sau khi qua Mỹ, Ngữ là người sống gần gũi với Tín nhất. Trong thời gian Ngữ bị vợ hắt hủi, Tín cũng đã nhiều lấn cố gắng khuyên can. Tín đã viết về Ngữ như sau:

    "Ngữ ở San Diego với Dân Già, Thụy, Dương và tao. Trong những lần vượt biền tìm tự do Ngữ đã mất mẹ, mất đứa con, đứa em gái. Con của đứa em gái đã bị bắn chết khi Ngữ đang bồng trên tay. Khi vô được trại Mã Lai và tìm được xác con, Ngữ đi gom củi và thiêu xác con ngay trên bãi biển. Ngữ đến San Diego khoảng năm 1991. Trên xứ tự do gia đình nó tan vỡ. Nó đã tìm đến cái chết một lần nhưng được cứu thoát. Trong lần thứ hai thì nó đã ra đi."
    Ngữ có gửi một lá thư cho Huỳnh Thanh Hải. Lá thư đó được chép gọn lại sau đây:

    "San Diego, 15/10/1999
    Ác Tăng thân mến,
    Chiều hôm qua thằng Dân đưa tao cái áo mà tao gởi mua cho mày, sáng nay tao sẽ đi gửi cho mầy, kèm theo hình đám cưới của tao hồi 1989 ở Sài Gòn cùng hình tao, vợ tao và bốn con. Đây là gia đình nho nhỏ của tao.

    Ác Tăng mến, khi đi lính gặp mầy sống với mầy, mầy là thằng bạn thân nhất của tao. Khi mày đi Biên Hòa học khóa 1 thú thật tao chỉ muốn vác sắc theo mầy thôi. Sau nầy suốt một thời gian dài sóng gió tới nay những lúc mơ về dĩ vãng hình bóng mày luôn hiện diện với tao và tao mỉm cườĩ. Cuộc đời bầm dập quá phải không mày? Nhưng mầy yên tâm, bạn mầy vẫn sống, vẫn đùa giởn với số phận. Tao chỉ muốn bạn tao biết rằng: tao sống luôn lương thiện, hợp đạo lý.

    Với cuộc đời phức tạp cần nghị lực và sự tính toán thì tao không có được những điều đó. Tao vẫn như ngày nào sống cẩu thả vô tính toán thì làm sao khá được? Khi Như về cùng mấy thằng bạn khóa mình nhậu ở nhà Tín thì tao có chạy ngang nhưng không vào. Đêm đó tao ngủ trong xe nghe sương rơi lộp độp.
    Hải ơi, mai kia mốt nọ dầu bất cứ chuyện gì xảy ra cho tao mầy cứ nghĩ đó là số mệnh.
    Bạn thân của mầy,
    Lê Công Ngữ".

    Sau đây là những lời Hải Ác Tăng viết về Lê Công Ngữ:

    " Lê Công Ngữ tánh tình ba gai nhưng rất trung hậu với bạn bè. Trong năm 1973 khi Thiếu Tá Bé chuẩn bị tổ chức hội chợ thì có cho một SVSQ 73A về phép với điều kiện khi ra phải mang theo sáu con bọ, một loài vật bốn chân lông trăng trắng lớn hơn con chuột, để chờ dùng trong hội chợ. Sau khi bọ được mang ra thì chúng được cất trong phòng Thượng Sĩ Hội. Ngữ bảo tôi: "Mầy canh cho tao vào chôm mấy con bọ đó nhậu chơi!" Thế là nó lấy hết sáu con bọ mang ra sau trại Ngân Hà nhờ một bà rô ti đêm đó nhậu với rượu nếp than. Dĩ nhiên là Thiếu Tá Bé chưa bao giờ tìm ra thủ phạm cả.

    Cho đến năm 1975 khi ra Nha Trang học bổ túc giai đoạn 2 quân sự, Ngữ và tôi thuê một căn phòng ở gần chợ Nguyễn Hoàng. Một buổi chiều hai thằng đang đi bộ từ trại Phi Dũng về gần tới bến xe đò Nguyễn Hoàng thì thấy một em bé trai cụt tay đứng khóc. KHI Ngữ hỏi tại sao thì em vừa khóc vừa chỉ một đám năm sáu tên thanh niên đang đứng trước một quán nước và trả lời: " Em từ Pleiku về vừa xuống xe thì bị tụi nó lột hết đồng hồ và tiền", Ngữ kéo tay cậu bé băng ngang đường đền gần đám thanh niên và hỏi "Thằng nào?" bằng một giọng gằn nặc mùi Quảng Trị. Khi em bé chỉ vào một tên trong bọn thì Ngữ lập tức nắm ngực áo tên ấy lôi ra giữa đường đánh túi bụi. Khi mấy thằng còn lại nhẩy vô thì tôi cũng nhảy vào vòng chiến. Lúc đó tôi thấy Ngữ anh hùng thiệt, và đó là Lê Công Ngữ, một kẻ "giữa đường gặp chuyện bất bình ra tay".

    Khi viết những giòng chữ về Sơn và Ngữ, tôi đã đốt một nén hương lòng cho một bạn chết cho quê hương tổ quốc trong khi bạn kia đã ra đi bởi dòng đời nghiệt ngã. Khi để lại bốn đứa con thơ, đối với tôi thì Ngữ như một đào binh trốn trách nhiệm. Tôi cầu mong cho hai bạn cũ sẽ bình yên hơn ở bên kia thề giới."

    Last edited by hung45qs; 06-15-2011, 04:06 PM.
    Hung45HTQS

    Comment


    • #17
      Chiêu Hồn (Phần 2)


      Tưởng cũng cần phải nói đôi giòng về người viết những đoạn trên. Hải Ác Tăng mà viết thư tình thì chắc là anh em phải cuốn gói chạy dài sau khi để lại cho chàng tất cả tiền trong bóp để "cúng tổ". Bạn nào không tin xin đọc tiếp những giòng sau:
      "Hôm nay trời Virginia cứ mưa rỉ rả, không gian như u ẩn nỗi lòng, ngổi viết những dòng chữ nầy tôi đang quay ngược lại dòng thời gian sống lại khoảng đời thân thương trong cuộc đời quân ngũ, tuy có gần 3 năm ngắn ngủi. Vâng ba năm. Ngắn hơn phi đạo Dĩ An, buồn hơn phi đạo An Lộc và thảm sầu hơn phi trường Lộc Ninh trong những chiều cuối Thu. Tuy vậy nhưng tất cả vẫn còn ghi lại sâu đậm trong ký ức, bồng bềnh theo mây trời và thương nhớ mông mênh cho tới bây giờ."

      Nói về chuyện viết thư tình đã đành, còn chuyện viết văn tế để cúng những bạn đã ra đi thì như đã thấy bên trên, Hải cũng phải thuộc hàng cao tăng, dù là Ác. Nhưng tại sao lại là Ác Tăng cơ chứ?


      " Tôi nhớ buổi chiều ngày đầu nơi trại Thượng sĩ Tiến, bọn mình hớt tóc để làm lính và chuẩn bị ra Nha Trang thụ huấn. Tôi muốn hớt thật ngắn, thật nhà binh. Nhìn tôi thằng Nguyễn Trọng Tiến cười và đặt ngay cái tên AC Tăng với ý nói là Air Cadet Tăng, tức là Air Cadet Thầy Chùa, nhưng thằng mắc dịch Mai Ngọc Trai đã sửa thành Ác Tăng là thầy chùa gian ác. Cả bọn đã cười ồ lên và cái tên Ác Tăng bắt đầu từ đó."

      Khi nghe Hải Ác Tăng than phiền, Trai Đầu Bò chẳng những đã không xin lỗi bạn mà còn ngang ngược trả lời rằng:
      " Lý do tao đặt mày là Ác Tăng là vì hớt trọc, cái đầu mầy đẹp như đầu mấy ông Tăng, nhưng con mắt của mầy cứ liếc dọc liếc ngang mấy mụ nữ quân nhân, thì tao nghĩ chỉ có phường ác tăng mới như vậy mà thôi."

      Nhắc đến Trai Đầu Bò, hãy nghe chàng kể về Nguyễn Thanh Quan:
      " Trong năm 1974 là năm mà khóa 42 Hoa Tiêu Quan Sát bắt đầu tham gia cuộc chiến. Một hôm Quan Đen thi hành phi vụ hướng dẫn khu trục tại khu vực Thường Đức thuộc tỉnh Quang Nam, cách Đà Nẵng khoảng 80 cây số về hướng Tây Nam. Sau khi rời tần số Panama của đài Kiểm Báo Sơn Chà thì Quan vào vùng. Đang chăm chú bay thì bổng có tiếng la "Úi cha" từ ghế của Quan Sát Viên phía sau làm cho Quan sửng sốt vì không biết việc gì đã xẩy ra cho hắn. Chưa kịp hỏi thì bổng Quan thấy một mùi thật khó chịu xông vào mũi. Khi Quan ngoảnh lại thì hỡi ôi, bởi cái bộ mông đít to tướng của anh ta đang làm việc khẩn cấp theo tiếng gọi của thiên nhiên để đưa những phế liệu vào cái bao nylon dùng để chứa xăng. Trong khi Quan vội vã mở cửa sổ, đưa mũi vào ống hơi gió để thở và chửi thề ỏm tỏi thì anh ta túm gọn bao ném ra ngoài và lẩm bẩm mấy lời xin lỗi, lỡ có người nào đang đi dưới đất không may bị bao rớt trúng...

      Phi cơ lúc đó đang bay ở cao độ bẩy ngàn bộ so với mặt biển nhưng thực sự cách mặt đất không bao nhiêu vì núi cao hiểm trở. Dù tin tình báo cho hay là vùng có nhiều quân địch tập trung nhưng anh quan sát viên nhìn mãi mà không thấy động tịnh gì cả. Trong khi đó thì mấy chiếc A-37 đang làm vòng chờ và đã sẵn sàng để đánh. Khi Quan hạ xuống thấp trên rừng cây thì bổng thấy Việt Cộng chạy tán loạn và bắn túi bụi vào chiếc L-19 mỏng manh. Anh quan sát viên bây giờ đã nhẹ nhỏm, ung dung hướng dẫn các phi tuần A-37 của Hổ Cáp, Phi Hổ và Nhện Đen làm việc liên tiếp. Tiếp theo đó là pháo binh nã tơi bời.


      Khi về đáp và vào phòng hành quân ký sổ phi lệnh, tất cả Phi đoàn từ Phi Đoàn Trưởng trở xuống đều ra bắt tay hai người hùng. Kết quả sơ khởi cho biết lá cả tiểu đoàn địch quân bị tiêu diệt và nhiều tiếng nổ phụ đã được ghi nhận. Sự khen ngợi nồng nhiệt thì Quan nhận được còn huy chương có lẽ đã được dành cho tên người khác không có dính líu gì với chiến công đó cả. Xin bạn Quan Đen thông cảm nhé!"

      Một bạn tự quyết nữa là Lương Thiện Cường.
      Ủ Văn Anh Dũng đã có lần đưa Cường vô làm cùng hãng. Cái kết cuộc của Cường cũng tương tự như của Ngữ ở chỗ có vấn đề với gia đình mà giải quyết không xong.
      Bạn Nguyễn Thiện Nhượng đã được Nguyễn Tiến Cường nhắc tới trong một chương trước. Sau đây là lời của Đoàn Anh Thuấn:
      " Nguyễn Thiện Nhượng là người rất hiền lành nên anh em thường gọi là ông linh mục. Khi đậu Anh văn về đi Mỹ, Nhượng còn nợ ít tiền ghi sổ ở quán cô Thương mà sau nầy đi Mỹ về ra Nha Trang học Giai Đoạn 2 Quân Sự, chàng đã tự tìm tới trả. Nhượng là người duy nhất của khóa 72A phải ra Bắc Việt học cải tạo tới sáu bẩy năm. Điều bất công nầy có lẽ vì hai lý do. Thứ nhất, bố của Nhượng là một mục sư, tức là đã có tội dưới một chính thể vô thần. Thứ nhì, khi làm tờ tự khai, Nhượng đã đề rằng "tháp tùng tử". Những cán ngố vốn đã dốt mà Nhượng lại cho đọc chữ Hán thì họ lại càng sợ hãi nên phải tìm cách đàn áp cho mau.

      Có một điều hết sức trớ trêu là một người hiền lành như Nhượng thì lại gặp toàn chuyện rủi ro. Lắm kẻ đi vượt biên như đi du lịch, tới nơi còn nước đá lạnh và nước ngọt, trong khi đó thì bạn Nhượng sau khi ở tù về đã cố ra đi mấy chục lần không lọt. Không chết ngoài Bắc trong tù mà lại chết vì ngã sông! Đời thật là có nhiều chuyện rủi may không lường được."

      Sau đây là những giòng cảm khái của Nguyễn Văn Bực khi nhớ về Long Đui và Chiến Răng Vàng:
      "Anh em 72A thân mến,
      Tớ rất lấy làm thương tiếc Trần Đình Long. Cái ngày bay U-17 ở Bình Thủy chưa lãnh lương anh em đói meo nó ra moi khoai lang non của người ta trồng về nấu, sao mà lúc đó ăn nó ngon làm sao. Một tối nằm ngủ nghe tiếng cá lóc đớp mồi rộn ràng. Ngày hôm sau mới biết một ông nào đó đem cá bỏ vô bồn câu

      Thời gian học bay tớ nhớ trời Cần Thơ hình như mưa nhiều hơn nắng. Ở đó buồn tận mạng nhưng vẫn còn thua Ban Mê Thuột anh em ạ. Cái buồn núi rừng là một cái buồn muôn thuở không bút mực nào tả hết. Giờ đây ai từng về miền Tây thì hát giùm tớ bài ca mà Nguyễn Văn Chiến tự Chiến Consolei (*Chiến Răng Vàng) thường hát: "Có ai về miền Tây... la la la". Nếu có ai từng về Ban Mê Thuột thì nhắn lại với Nguyễn Văn Hóa rằng đừng quên ăn bắp nướng khi chiều chiều dạo phố Ban Mê Thuột với người đẹp. Nếu Hóa có đọc đến đây xin hãy điền vào cho đầy đủ cho tớ vì lâu quá rồi tớ không còn nhớ chi nhiều. Anh em đừng nói tớ lằng nhằng. Tớ nhớ gì ghi nấy."


      Cái chết của Nghiêm Xuân Mạnh đã là một bí ẩn cho anh em trong nhiều năm qua. Để giúp soi sáng một phần nào sự việc, Nguyễn Hữu Tín kể rằng Mạnh có một thời gian chạy tắc xi và bị xe đụng gãy chân. Mạnh đã được bồi thường thỏa đáng và chân của chàng cũng đã hồi phục. Hai tuần trước khi Mạnh chết, chàng ta còn có gặp Nguyễn Quang Hưng. Nghe đâu một hôm Mạnh đã trượt chân té thang lầu trong lúc say sưa và đã mất vì tai nạn nầy.

      Trong chương nầy, Nguyễn Hữu Tín đã viết nhiều về mấy người bạn khuất núi. Chàng có lý do sau:
      "Bởi trong đời tao chỉ có viết thư tình cho một người yêu mà tao quen từ thời trung học rồi sau đó thành vợ tao sau khi tao về lúc hết năm năm tù cải tạo ở Tây Ninh, tao phải cố gắng nhiều để viết cho 72A. Thời tụi mình ở trại Phi Dũng hoặc trại Ngân Hà thì tao không nhớ nhiều nên tao viết về những thằng đã ra đi như để thay mặt toàn khóa 72A đốn nén hương lòng cho tụi nó".

      Trong danh sách 15 người kể ở trên đã bỏ sót một trường hợp hầu như chắc chắn, nhưng không ai dám xác nhận. Đó là trường hợp của bạn Nguyễn Thanh Liêm, tức là Liêm Cá Mập của 14 chàng đậu Anh văn đầu tiên. Liêm ra trường A-37 cùng với Đoàn Anh Thuấn. Sau 1975 có người nói là Liêm mất tích khi trốn trại cải tạo, có người khác lại nghe nói là bịnh chết trong trại. Sau đây là lời Đỗ Minh Hùng:
      " Nguyễn Thanh Liêm được gọi là Liêm Cá Mập vì tướng hắn to con, mập mạp.Hắn trốn trại cải tạo khoảng cuối năm 1975 hay đầu năm 1976. Không bị bắt lại. Khoảng năm 1984 tình cờ tôi quen được anh ruột của Liêm ớ Pullman, Washington State. Tôi có đến nhà anh của Liêm chơi. Trong nhà có để bàn thờ Nguyễn Thanh Liêm. Tôi kể chuyện về Liêm và chúng tôi đồng ý có lẽ Liêm đã chết trên con đường tìm tự do. Tôi có đốt vài nén hương cho Liêm trong lần đến thăm đó."

      Lê Văn Cảnh có lẽ là người gặp Liêm sau cùng:
      " Lúc ở Đà Nẵng, tôi và Trần Thanh Liêm tức Liêm Cá Mập ở chung một Phi đoàn A-37 là Nhện Đen 550. Tuấn thuộc một trong hai Phi đoàn A-37 còn lại. Khi học quân sự giai đoạn 2 tại Nha Trang, tôi với Liêm ở chung một nhà. Nhà nầy là của một chiến hữu bạn của anh Sơn, là anh ruột của Liêm.

      Trong các phi công A-37 của khóa 72A, Liêm là một trong những người tham gia nhiều chiến dịch trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến. Các bạn A-37 tại Cần Thơ hoặc Phù Cát thì tôi không rõ, nhưng Liêm Cá Mập đã tham dự nhiều phi vụ tác chiến, kể cả các trận đánh ác liệt tại Thường Đức. Nếu nghiệp bay không bị chấm dứt oan uổng, chắc chắn Liêm sẽ là một phi công xuất sắc, can trường.


      Lúc ở Đà Nẵng có lúc hai đứa không còn tiền. Mồng hai mồng ba tết con mèo đầu năm 1975, tôi và Liêm đã ăn cháo trắng với tôm khô. Khi Đà Nẵng mất, tôi về Sài Gòn bằng C-130, nhưng Liêm mang được chiếc A-37 về đến Phù Cát và phải đáp khẩn cấp vì bánh không bung ra. Chi tiết nầy do chính Liêm kể cho tôi nghe.

      Sau 30/04/1975 Liêm và tôi đi bán xăng để sinh sống cho tới lúc đi tù cải tạo. Năm 1976 tôi đã gặp người bạn gái của Liêm học tại Mạc Đỉnh Chi trong đám cưới của một người bạn, tôi có hỏi thăm về Liêm nhưng cô không biết được tin gì. Đến nay đã hơn 25 năm qua. tôi nghĩ rằng hoặc Liêm bị bắn chết khi trốn trại, hoặc bệnh chết trong trại."

      Trong con số 11 anh em qua đời sau chiến cuộc, có tới năm người chết vì tự tử. Trừ Quan Đen ra, bốn người kia đều ở Mỹ. Những thanh niên hào hoa một thời nầy đã mỏi mệt đến như thế! Nguyên cớ gì đã gây ra thảm trang nầy, phải chăng vì xã hội máy móc vô tình của ngày hôm nay đã thực sự chứng minh cho cái nhìn của Georghiu trong Giờ Thứ Hai Mươi Lăm, khi con người đã biến thành một bánh xe răng cưa trong một guồng máy, không quay đều lả gẫy? Hay chính những người bạn đời của họ, những con mèo ngày xưa nay đã trở thành cọp cái, đã đẩy họ tới chỗ không còn lối thoát? Những chiến hữu trung thành từ khi tất cả còn đầy nhiệt huyết, ngày nay không còn tương trợ gì được cho họ nữa hay sao? Cái truyền thống "không quên anh em, không bỏ bạn bè" có nghĩa là gì? Phải chăng nó chỉ được thể hiện sau khi một chiến hữu đã ra đi, rồi anh em kêu gọi nhau quyên tiền giúp cho thân quyến còn ở lại. Điều này làm cho ta dễ liên tưởng tới những gia đình có cha mẹ già khi sống thì không cho ăn, còn nói nặng nói nhẹ hàng ngày, đến khi chết thì làm ma chay, cúng kiếng linh đình. Đó có phải chăng là cách trả hiếu của những kẻ có tiền?

      Một yếu tố chung cho những anh em đã tự kết liễu đời mình là họ ít liên lạc với ai, và do đó khi quẩn trí thì không ai nói được với họ đôi điều khuyên giải, hoặc để lắng nghe những bực tức trong đầu họ, hầu giúp họ vượt qua để tiếp tục kéo cày trả nợ đời và nuôi con nhỏ. Điển hình là trường hợp Lê Công Ngữ. Nếu Ngữ ở Anaheim gần tiệm dán kính xe của Vũ Xuân Quảng để thỉnh thoảng tạt qua hút một điều thuốc chửi đời ủng oảng vài câu thì đã có khá hơn cho chàng hay không?
      Last edited by hung45qs; 06-30-2011, 01:02 AM.
      Hung45HTQS

      Comment


      • #18
        Tre Già Măng Mọc



        Trong những vở tuồng vọng cổ ngày xưa, tôi ưa nhất là Hạng Võ Biệt Ngưu Cơ do Tấn Tài, Lệ Thủy và Út Trà Ôn hát. Trong vở tuồng nầy, khi Sở Bá Vương Hạng Võ chở Ngu Cơ trên con ngựa Ô Chùy chạy đến Ô Giang không đi được nữa thì Ngu Cơ đã tự vận:
        Để tướng quân được rảnh tay nối bước quan hà
        Hãy chôn lấp tình ta trong chiến địa!

        Ông Đình Trưởng vào lúc nầy đã mỉa mai Hạng Võ:
        Tôi tuy là kẻ chèo đò dốt nát,
        Thấy chuyện đời cũng bàn bạc một vài câu.
        Chớ trước tình cảnh của ngài dạ tôi cũng nao nao,
        Vậy ngài cứ xuống bến tôi sẽ đưa giùm làm nghĩa!

        làm cho Hạng Võ phải than:
        Ta hiện giờ chỉ là một tên chiến bại,
        Cả một thời oanh liệt đất Giang Đông,
        Đến ngày nay sự nghiệp vẫn hoàn không
        Ta còm muốn sang sông làm chi nữa!

        Rồi rút gươm tự vẫn. Vở tuồng này cả ba đóng xuất sắc không có chỗ nào chê được, tuy nhiên nó hơi buồn và "không có hậu", vì sau khi Hạng Võ và Ngưu Cơ chết đi thì không còn ai tiếp nối, và như thế là đã dứt tuyệt rồi.


        Trong câu chuyện cô bạn gái của tôi thì dù cô từ giã cõi đời nhưng chưa tuyệt, nhờ vào cô con gái. Kể ra thì Ngân cũng đã hưởng dương được tới ba mươi bẩy tuổi, tức là bẩy năm nhiều hơn cái giấy phép mà thầy bói đã cho nàng vào năm 1972, nhưng phép lạ không phải là ở đó, mà là ở đứa con gái của nàng với người chồng đầu. Sau khi Ngân mất thì mẹ và em nàng cùng người chồng thứ nhất đã hợp nhau lại trong tinh thần hòa giải kết đoàn để đi kiện ông chồng Mỹ gốc Ý kia, vì họ cho rằng nàng đã bị mưu sát. Theo lời yêu cầu của họ, nhà xác đã giảo nghiệm xác của Ngân trước khi quàn, và họ xác nhận rằng Ngân đã bị đứng tim trong giấc ngủ. Trong mấy năm cuối của đời nàng, Ngân đã không mấy quan tâm tới sức khỏe của mình. Nàng hay than với mẹ và con gái là bị mệt, nhưng nhất định không đi bác sĩ.

        Người chồng cũ của Ngân sau đó đã đệ đơn xin bắt đứa con gái ruột mười sáu tuổi của ông về nuôi. Tòa đã phán quyết từ chối lời thỉnh nguyện đó của ông ta vì hai lý do. Thứ nhất là những năm sống một mình, ông đã thua bạc ở Atlantic City phá sản không còn hội đủ điều kiện tài chánh nuôi con. Thứ nhì và cũng là yếu tố chính, là đứa con gái của ông đã chọn ở với người cha ghẻ. Theo lời khai của cô ta trước tòa thì chính người nầy mới là người dưỡng nuôi và chăm sóc cho cô trong bấy năm qua, trong khi người cha ruột của cô đã không hề ngó ngàng gì tới cô từ khi ông ta và mẹ cô ly dị vào năm cô mới lên sáu tuổi.

        Lời phán quyết của tòa đã là một niềm cay đắng cho ông già, bởi bây giờ ông không còn gì nữa. Mấy đứa con của ông với bà vợ trước vì hận ông bỏ mẹ chúng lại Việt Nam nên đã lâu không có liên lạc. Ông lang thang thất thểu sống nhờ vào lòng tốt của những người bạn cũ ở vùng bắc Virginia. Đến năm 1997, ngày cô con gái của ông lập gia đình sau khi tốt nghiệp đại học, cô có mời ông sang dự. Sau đó vì chạnh lòng thương cha, cô đã thuê cho ông một căn phòng nhỏ cách mộ của Ngân hai trạm xe buýt để ngày ngày ông có thể đón xe ra thăm mộ Ngân cho tiện.

        Ông già là một kẻ ở trọ trầm lặng. Ăn uống thì chủ nhà nấu giùm. Bên xứ nầy ở thì tốn kém chứ ăn đâu có bao nhiêu. Gia tài của ông già chỉ gồm vài bộ quần áo và một cuốn album chứa hình kỷ niệm những ngày huy hoàng của ông. Tấm mà ông ưng ý nhất chụp ông hồi còn trẻ mặc quần tắm đứng ưỡn lồng ngực nở nang bên cạnh một chiếc xe Peugeot đề ca pô táp trên bãi biển vào một buổi trưa rực rỡ sau ngày ông theo quân đội Pháp trở lại Việt Nam sau bẩy năm du học ở mẩu quốc mà không được cái văn bằng nào. Ngoài ra ông còn một tấm lịch Tam Tông Miếu treo trên một chiếc đinh nhỏ mặc dù chủ nhà đã cấm không cho đóng đinh lên tường. Mỗi năm ông cũng còn để ý tới mấy ngày Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu. Tết Nguyên Đán ông ra chợ mua một xấp phong bao đỏ cho vào mỗi cái một tờ giấy bạc một đồng mới nhưng không có ai để lì xì. Tết Trung Thu ông mua được một hộp bánh thập cẩm về pha trà, nhưng căn nhà của ông bị che khuất nên ông không ngắm được ánh trăng rằm, và ăn bánh uống trà xong thì ông bị đầy bụng.


        Ông già có một quyển truyện Kiều cũ nát còn giữ được từ ngày mới ra làm ăn riêng với vốn liếng cha mẹ cho. Thỉnh thoảng ông thức dậy sớm tắm rửa sạch sẽ ăn mặc tề chỉnh rồi lâm râm khấn vái: "Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, tôi tên là ... xin được câu thứ..." rồi lật cuốn sách long bìa sứt gáy ra tìm câu ứng nghiệm. Có hôm ông xin được hai câu:
        Ai ngờ lại hợp một nhà,
        Xuân Lan Thu Cúc mặn mà cả hai.

        Trong những ngày sau đó ông hy vọng sẽ có gì đổi mới, như là có đứa con nào mang ông về ở, nhưng không có gì xẩy ra cả. Lúc sau nầy ông không hay xem bói nữa, vì theo kinh nghiệm, dù ông xin được câu gì rồi sau đó cuộc sống của ông cuộc sống của ông cũng không có gì đổi mới. Bộ xương còm cỏi vẫn hay đau nhức, bao tử thì chỉ tiêu hóa được xôi nếp, tiền già vẫn chỉ vừa đủ tiêu dè xẻn, và những việc thực tế hàng ngày thì vẫn nhớ trước quên sau. Điều làm cho ông bực mình nhất là khi phải đi tìm mắt kính.

        Năm kia có đứa cháu gái của ông chủ nhà làm phúc đưa ông già đi chùa xin được quyển kinh Bát Nhã. Trong những ngày tàn, ông đang tìm được một chút an ủi trong những câu kinh Bát Nhã. Ông đã học thuộc lòng 262 chữ của bài kinh bắt đầu từ:
        Quán Tự Tai Bồ Tát
        Hành thâm bát nhã ba la mật đa,
        Thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không,
        Độ nhứt thiết khổ ách.

        Bởi trí nhớ của ông bây giờ kém cõi, ông rất mừng khi tìm được bản tiếng Việt:
        Bồ Tát Quán Tự Tại
        Khi quán chiếu thâm sâu
        Bỗng soi thấy năm uẩn
        Đều không có tự tánh.
        Thực chứng điều ấy xong
        Ngài vượt thoát tất cả
        Mọi khổ đau ách nạn.
        Xá lợi Tử nghe đây:
        Sắc chẳng khác gì không.
        Không chẳng khác gì sắc.
        Sắc chính thực là không.
        Không chính thực là sắc.
        Còn lại bốn uẩn kia
        Cũng đều như vậy cả.

        Ngày ngày trì tụng bài kinh, ông tự nhủ rằng thân mình chỉ là đất nước gió lửa tạm thời hợp lại mà thôi, không có gì trường cửu, và nếu một ngày kia ông nhắm mắt xuôi tay đẩ cát bụi trở về cát bụi thì cũng chẳng có chi đáng níu kéo. Điều nầy làm cho ông thấy lòng già thư thái ít nhiều.

        Có một diều đáng ngạc nhiên là vợ chồng cô con gái của ông và Ngân rất có tinh thần hướng về nguồn cội. Cô bắt đầu hiểu thế hệ cha anh mình nhiều hơn sau khi tìm hiểu được rằng Việt Nam chịu ảnh hưởng khe khắt của Khổng giáo. Phần đàn ông thì:
        Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung
        Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu.
        và về phần đàn bà thì tam tòng:
        Tại gia tòng phụ,
        Xuất giá tòng phu,
        Phu tử tòng tử.

        cùng tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh. Cô biết rằng ngoài văn hóa Trung Hoa, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Ấn Độ từ lâu. Vào giữa thế kỷ thứ 19, sự hiện diện của các cường quốc Âu Châu ở Đông Nam Á đã mang tới nhiều xáo trộn. Kỹ thuật tân tiến, ý tưởng mới về cơ cấu chính trị, kèm với sự áp bức các hoạt động kinh tế, ba thứ nầy đã là những tiềm lực làm thay đổi các xã hội Đông Nam Á như chưa từng thấy trong lịch sử trước đó.
        Khi giới lãnh đạo của Việt Nam cố thích ứng với các thế lực mới, họ đã làm cho mọi việc tệ hại hơn nữa. Sự cố gắng dung hòa giữa mới và cũ của họ đã vô tình tạo thành một tập hợp của những cái dở gồm có mới lẫn cũ. Họ bỏ mất cái truyền thống "nam nhi hữu trách" cũng như những tư tưởng về nhân quyền của Tây Phương, là những cái hay, mà chỉ giữ lại cái văn minh vật chất (materialism) và cái truyền thống độc tài xưa cũ, là những cái dở. Kết quả của sự hợp nhất này là một sự đổ nát kéo dài liên tiếp trong bao nhiêu thế hệ.

        Vào năm 1998, cô nhỏ đã cùng chồng theo công việc dọn sang Đức. Trong một thời gian nghỉ hè, cô đã sang La Mã tìm được người thầy tu ở Hàm Tân ngày cũ để báo tin rằng mẹ mình đã mất. Cô hứa khi nào có dịp về lại Mỹ sẽ lấy lại sợi dây chuyền có cây thánh giá cũ của Ngân mà cô đã đưa cho cha ruột giữ, để trả lại cho ông làm vật hoàn cố chủ.

        Trong một buổi chiều ngồi bên một chiếc bàn sắt, đặt trên một khoảng sân giữa những con bồ câu bận rộn chạy loang quanh trên những lát đá xám đã mòn nhẵn dưới những bước chân của thời gian qua bao nhiêu thế hệ, nghe cô nhỏ kể chuyện Ngân và những biến cố của đời, người thầy tu đã dịu dàng nói với cô gái:

        " Hình ảnh của con hôm nay gợi lại cho ta hình ảnh cuối mà ta còn giữ được của mẹ con hai mươi lăm năm về trước, khi bà mười chín tuổi. Hôm đó trời mùa hè cũng nắng rực rỡ như hôm nay, và dưới bóng một cây vú sữa, mẹ con đã nói với ta về những mơ ước của bà sau nầy khi ra trường Luật để cố thực thi những gì gọi là công bình trong xã hội, cũng như về lại Hàm Tân để xây cho cha mẹ già một căn nhà ngói. Ta có cần gì sợi dây chuyền kia, khi mà ta đã nguyện không sở hữu một của cải gì của thế gian nầy. Cha ruột của con mới cần nó hơn ai hết, bởi đó là món duy nhất mà ông còn trong tay, trong cuộc đời, và hơn nữa nó lại là di vật của mẹ con. Nếu con thương yêu mẹ con, ta muốn giao co con một trọng trách. Đó là con sẽ phải nối tiếp công việc dang dở của bà. Riêng về phần ta, hiện thời phong trào đấu tranh cho tự do tín ngưỡng ở Việt Nam đang tiến triển mạnh, và ta phải giúp một phần cho cuộc tranh đấu đó. Biết đâu có một ngày ta sẽ lại gặp con dưới cây vú sữa năm xưa, và ta sẽ cho con một cây thập tự giá mới, giống như ngày xưa ta đã cho mẹ con trước ngày ta xa xứ..."

        Không hiểu cô gái đã hiểu được bao nhiêu qua những lời của người thầy tu nói với mình, bằng lời của một giáo sĩ đứng trên bục giảng, lúc chậm lúc nhanh, lúc trầm lúc bổng, lúc bằng tiếng Anh, lúc bằng tiếng Việt, nhưng khi hai người từ giã thì cô đã cầm tay ông bằng hai bàn tay mềm mại và nhìn ông bằng đôi mắt sáng trong của tuổi trẻ đầy hy vọng. Dưới bầu trời xanh của buổi chiều hè, những tia nắng rực rỡ chiếu qua mái tóc ông ánh lên từng sợi bạc, và đôi mắt nhân từ của ông mà đuôi đã hằn lên những vết nhăn, dường như đã nói lên lời nhắn nhủ chân thành mà chúng đã từng thốt lên trong một khung cảnh bất an nào đó của một thời xa xưa mà cô không có dự phần. Khi lui gót, có lẽ cô đã chợt hiểu rằng trên đời nầy còn có những thứ tình cảm và niềm tin thiêng liêng không lượng giá được bằng tiền bạc và cũng không xâm chiếm được bằng sức mạnh. Cô linh cảm rằng cái ngày mà cô gặp lại người tu sĩ khả kính kia dưới gốc cây vú sữa huyền thoại sẽ không phải là không có thể trở thành sự thật.

        Last edited by hung45qs; 06-30-2011, 01:24 AM.
        Hung45HTQS

        Comment


        • #19
          Bạt



          Chiều dần buông bên ngoài khung kính. Vẳng lại từ bên ngoài lộ là những tiếng động mơ hồ. Một giọng ca ngọt ngào truyền cảm xưa cũ pha đầy không gian của gian phòng ăn như một làn hương:
          Em là chim yến nhỏ,
          Anh khoác áo vân du,
          Đường xa em có ngại,
          Áo mây anh ấp ủ.

          Người đàn bà mỉm cườĩ:
          - Những phi công các ông gia nhập cuộc chiến phải chăng vì hoàn cảnh bắt buột? Các ông đâu phải chiến đấu cho chúng tôi. Giỏi lắm là các ông đã chiến đấu cho chính bầu nhiệt huyết của các ông, bởi lúc đó các ông mới lớn...

          - Và còn nhiều lý tưởng, thưa bà. Những người em gái nhỏ hậu phương đã là nơi chốn quay về của chúng tôi, như bóng mát trong trưa hè nắng cháy. Chúng tôi đã làm hết sức mình trong mọi hoàn cảnh. Ngày đó chúng tôi đã được tuyển chọn, sau khi tình nguyện vào quân đội. Chúng tôi đã có thể tìm cách trì hoãn hoặc tìm những việc làm ít nguy hiểm hơn. Ngay trong những năm sau nầy, chúng tôi có thể có thái độ thụ động hơn trong cuộc sống. Chúng tôi luôn tích cực và dấn thân, thưa bà, và ít khi chúng tôi ít khi có dịp sống cho riêng mình. Nhưng thôi, câu chuyện chưa thể kết thúc hôm nay được. Chiều đã buông xuống rồi, tôi xin đưa bà về. Mình sẽ còn gặp lại nhau.

          Người đàn ông bước tới sau lưng người đàn bà và trân trọng kéo ghế cho bà đứng dậy. Cổ chân người đàn bà thon nhỏ chưa phai hết nét thanh lịch của một thời son trẻ. Đôi chân đó đã có thể bước một đêm đi vào lịch sử, nhưng tiếc thay trang sử đã dở dang. Bà lơ đãng đưa tay vuốt phẳng chiếc váy nhung màu huyết dụ che nửa đầu gối tròn. Người tình cựu phi công già giơ tay cho bà ta khoác và họ bước qua khung cửa ra ngoài trong khi đèn đường vừa bật sáng...

          Last edited by hung45qs; 07-11-2011, 01:34 AM.
          Hung45HTQS

          Comment



          Hội Quán Phi Dũng ©
          Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




          website hit counter

          Working...
          X