Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ba Mươi Năm Viễn Xứ

Collapse
X

Ba Mươi Năm Viễn Xứ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ba Mươi Năm Viễn Xứ

    Lời người viết:

    Tôi, đã lâu không còn cầm bút. Có những tâm sự mà chỉ cần chút điều kiện thì tuôn tràn như thác đổ, bởi đó chính là cuộc sống thực, có gì viết thế không thêm bớt, không cần phải là những ngòi bút chuyên nghiệp để viết nên. Đây cũng là tâm trạng của chính chúng tôi và rất nhiều bạn bè ta sau ngày 30.4, cũng là cảnh ngộ đau lòng của rất nhiều người sau cuộc đổi đời.
    Xin một nén hương thắp lên, để tưởng nhớ những linh hồn thuyền nhân, vì tự do phải bỏ mình trên biển đông .
    Riêng tặng nhà nhà tôi. Sinh ra, lớn lên rồi yêu nhau trong thời chinh chiến. Bao nhiêu là kỷ niệm trong thời thơ ấu, trải dài trên con đường thôn quê, đầy rẫy ổ gà, gồ ghề và bùn đất, với những cây cầu khỉ nhiều khi không còn cả tay vịn. Đôi ta đã sánh bước tới nhà thờ, trường học, những buổi tối hẹn hò tay trong tay . Lấy nhau vội vã trong lúc nước mất nhà tan, lại vào đúng ngày đổi tiền lần thứ nhất(22-09-1975). Tương lai, tài sản một sớm một chiều không cánh mà bay! Anh đi tù"cải tạo", em phải thôi học (ba cũng là ngụy quân). Bốn năm sống tủi nhục, nghèo nàn ngay trên xứ mình. Đúng ba mươi năm sống tranh đấu từng ngày trên xứ người. Hơn 34 năm, cùng nhau xây "Lâu Đài Tình Ái", trải qua những ngày vui, buồn, cùng cực nhất cuộc đời.

    Tôi lịm chết giữa điệu buồn chất ngất
    Thả hồn theo một kỷ niệm xa mờ
    Phút vị vong thắp lại nén hương xưa
    Mà tưởng nhớ một thời xưa đã sống
    Thơ Nguyễn Định

    Nói Lời Tạ Từ:

    Sau bao ngày tháng sửa soạn cho lộ phí chuyến đi. Vợ chồng tôi đã bán đi tất cả cái gì có thể bán được, mà phải bán từ từ từng thứ, sợ bị lộ qua những con mắt tò mò cú vọ của bạn bè hàng xóm, vì lúc này phong trao vượt biên khá là rầm rộ dưới miền Rach-Giá, nhất là trong các kênh của những người bắc di cư. Vì mới lấy nhau được vài năm, nên chúng tôi chưa có nhiều gia tài chi cho lắm. Chỉ có ít lúa gạo dự trữ cho đủ ăn trong năm, con heo nái, vài con gà và cuối cùng là ít vàng bạc, nữ trang mà cha mẹ hai bên, cho vợ chồng chúng tôi hồi cưới nhau mới mấy năm về trước. Vào thời điểm này ai ra đi là coi như vĩnh biệt, nếu may mắn không nằm trong bụng cá mập, thì cũng không mong ngày về. Đâu phải như bây giờ, tất cả ai về thăm đều là "Việt kiều yêu nước" hay kêu hơn nữa là "khúc ruột ngàn dặm" .Đối với tôi, cái đau khổ nhất là phải dữ kín trong lòng, không dám nói nên lời từ biệt trước lúc ra đi, với bất cứ ai kể cả người sinh thành ra mình. Tôi biết là bố mẹ tôi cũng biết sự gì sẽ sẩy ra từ mấy tuần trước, vì mọi giấy tờ của vợ chồng tôi mượn danh nghĩa, đi buôn đá trên con tầu lớn đều phải qua tay bố tôi ký nhận, lúc này bố tôi đang làm Trưởng Ban của ấp, trước khi có thị thực của xã và huyện. Tuy không nói ra lời, nhưng qua khóe mắt buồn buồn của mẹ "con mắt là cửa sổ của tâm hồn", cái miệng mếu máo khi bà ôm đứa cháu nội độc nhất, thì thào vừa đủ cho tôi nghe "Thôi con đi...VỀ ...mạnh khỏe ...bà sẽ cầu nguyện cho con ...có dịp nhớ về thăm nội" có phải đây là lời vĩnh biệt?! Mẹ con, bà cháu chỉ nói được vài câu ngắn ngủi thế sao ? Hai mươi bốn năm về trước Mẹ bế con tứ Bắc vào Nam, giờ con phải bỏ Mẹ một mình ra đi ?! Lòng tôi lúc này buồn vô tả, lồng ngực trở nên nặng trữu như phải đá đè, cục đờm thật to dâng lên trong cổ họng nghèn nghẹn từ lúc nào, làm tôi phải nuốt vội . Tôi phải bế vội cháu ra trong cánh tay run run vì cảm động và gầy còm của mẹ, nhưng cháu lúc này mới lên hơn hai tuổi đời, làm sao đọc được lời chỉ nói được trong ánh mắt, trong màn lệ chia ly của bố lẫn bà, còn cố quay cổ lại dặn dò "mai con sẽ lại tới thăm ...nội " Trừ tôi ra, cả bà và cháu đâu có biết đó là câu nói cuối cùng và cũng là câu từ biệt, vì ngày mai là ngày chúng tôi lên đường .
    Trước đó khoảng một tuần, vợ chồng tôi có nhã ý mời tất cả bạn bè thân thiết ở cùng kênh hay các kênh kế cạnh, tổ chức một đêm văn nghệ "không ngủ" . Trong đám bạn bè tôi, có vài người chơi đàn và ca rất hay, đã từng thắng nhiều giải thi văn nghệ của xã và tỉnh . Dù chỉ với cây đàn thùng tróc sơn vì ngày tháng, dây cũng phải nối vài sợi . Trong lúc chén tạc chén thù, có môt anh bạn hỏi tôi lý do cho bữa tiệc hôm nay? Tôi trả lời là vợ chồng tôi sắp đi làm xa, và sau đó cố bắt lảng qua chuyện khác . Trăng thượng tuần đêm nay đã lên quá ngọn tre, xa xa mờ mờ ở bên bờ sông bên kia . Gió "nồm" từ phương Bắc thổi về, qua cánh đồng lúa trải dài thẳng cánh cò bay, mang theo làn gió quyện hơi nước hòa lẫn sương đêm, lành lạnh lúc trời về khuya nơi đồng nội . Trong lúc ngà ngà say cả sáu thằng chúng tôi ôm cây đàn ra bờ sông hứng gió, phần vì đèn trong nhà đã hết dầu . Qua cánh đồng Cái - Sắn vào tháng này nước ngập mênh mông, tiếng đàn càng về khuya, càng vọng xa lại càng hay . Có một vài người hàng xóm lớn tuổi ở gần nhà, không biết vì khó ngủ, hay là vì tiếng đàn ai oán cũng ra ngồi thưởng thức và chung vui với chúng tôi cho tới mãi khuya . Trước lúc chia tay, có một anh bạn hát tặng vợ chồng tôi bản Biệt Kinh Kỳ .

    Bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi
    Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi
    Thành Đô lưu luyến chắn bước chân tôi
    Trước giờ chia tay mấy ai không bùi ngùi

    Con Tầu Định Mệnh

    Chiếc thuyền lớn mà vợ chồng tôi tạm đứng ra làm chủ đang đậu trên núi Sập. Địa điểm này nằm giữa ranh giới hai tỉnh Long - Xuyên và Rạch - Giá, tuy chỉ cách chổ tôi ở cũ vài cây số đường chim bay, nhưng rất tiện cho việc mua hàng và chuyển người từ mọi nơi về. Điều quan trọng nhất là chỗ này toàn người "địa phương" ở, nên không ai biết, hay để ý đến chúng tôi. Trong những ngày đợi chờ ở đây,chiều chiều nghe tiếng chuông của các nhà thờ, trong các kênh từ xa đổ về, tiếng đọc kinh, tiếng tập hát của các ca đoàn vang vọng qua đồng nước mênh mông, làm tăng thêm nỗi u buồn của kẻ sắp mất quê hương !
    Từ khi khôn lớn, cuộc đời tôi đã qua bao mùa Giáng Sinh . Vui cũng có mà buồn cũng nhiều . Đối với người Bắc công giáo, dù nghèo đến đâu cũng phải có chút thịt thà trong ngày lễ trọng đại này . Người lớn thì lo dọn nhà, dọn sân từ trong ra ngoài vì mùa gặt đã gần kề . Còn chúng tôi thanh thiếu niên mới lớn lên . Lớp nhỏ thì lo tập trống, đánh trắc, cắt cỏ và dọn dẹp trong ngoài nhà thờ . Lớp lớn hơn thì lo cắt chữ dán biểu ngữ, dựng cột treo cờ, làm ngôi sao . Nhiều khi các cô "Hội Con Đức Mẹ" cũng nhờ chúng tôi dựng và trang hoàng hang đá . Có lẽ chỉ có lúc này, vào các dịp lễ lớn ở nhà quê chúng tôi, trai gái mới có dịp hò hẹn bán công khai . Lỡ ai có bắt gặp ngoài phố đi với nhau thì nói là cha xứ sai chúng cháu đi mua đồ về làm ngôi sao là song truyện . Trong lúc chúng tôi cắt giấy, trèo cây treo cờ thì các chị đi xay bột nấu hồ . Chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một câu nói vu vơ, môt cái nhìn trừu mến là mọi khó nhọc đều tan . Chiều đến cố làm cho nhanh việc nhà để mà đi tập hát mãi đến khuya mới về . Những Giáng Sinh trong quân ngũ là lúc tôi được nếm mùi thế nào là xa nhà, là nhớ nhung . Ai có đạo thì được phép ra ngoài đi lễ xong rồi trở về . Quân trường mà tôi đang học tập hoàn toàn xa lạ, không một ai thân thiết, thành ra đã trở thành "Con bà phước" dài dài . Sau ngày mất nước thì hết chỗ chê, sống chung với con người vô thần .Thay vì cấm không cho đi nhà thờ, chúng cứ nhằm ngày lễ trọng, lễ lớn là gọi tập trung, không đi làm tập thể, thì đi thủy lợi .Không đi thì là phản cách mạng . Nhất là bản thân tôi, cha ông đã mang tội tầy đình là trốn Cộng Sản, đi bằng tầu há mồm từ Bắc vào Nam, giờ thằng con đi làm giặc lái cho Mỹ .


    Đại Dương Bao la

    Theo đúng dự tính là vào đêm Giáng Sinh, khi nhà thờ đổ chuông cho lễ nửa đêm là chúng tôi cho thuyền nhổ neo chạy từ núi Sập ra cửa biển Rạch - Giá. Con thuyền này dài khoảng 12 m và bề rộng thì hởn 3 m, loại ghe chở lúa trong sông chứ không phải ghe đánh cá chuyên nghiệp ngoài biển, nhưng Ba vợ tôi đã cho đóng thêm một tấm ván dài khoảng tám phân bề cao cho hai bên thành cao hơn, và trên mặt thì đóng hầm kín mít phòng khi sóng biển ập tới, vả lại chiếc thuyền này lòng khá là sâu nên gối sóng rất vững . Đến đúng đêm giao thừa(tết tây) thì thuyền chúng tôi đã ra khỏi cửa biển Rach-Giá không mấy khó khăn gì, có lẽ vì các trạm canh, lơ là trong ngày đón giao thừa, như Ba vợ tôi đã lấy được tin tức, của các người đánh cá ra vào thường xuyên ở miền này . Thuyền chạy ra khỏi cửa biển khoảng nửa tiếng thì các ghe con chở người lúc này cũng đã ra tới nơi . Tiếng gọi nhau hòa lẫn tiếng trẻ con khóc, tiếng thì thùm văng bọt nước của những tảng đá to tướng mà mọi người cố quăng xuống biển để lấy chỗ, vì lúc này không cần đến nó nữa . Lúc này chúng tôi cho thuyền xả máy, chạy tối đa nhắm hướng 118 độ nam theo địa bàn . Đi được khoảng 3 tiếng đồng hồ, lúc này hầu hết mọi người đã vào trong lòng thuyền bưng kín mít . Đang ngồi nói truyện với tài công chúng tôi phát hiện hai tầu rẽ sóng ở đàng sau, đang đuổi chúng tôi .Tầu này là loại tầu cũ của Hải Quân VNCH nên chạy với vận tốc rất nhanh, so với chiếc thuyền của chúng tôi, nên chẳng mấy chốc hai chiếc này chạy sát kè thuyền của chúng tôi rất gần, đến nỗi chỉ qua ánh trăng, tôi cũng có thể nhận diện đó là hai lá cờ đỏ sao vàng . Lúc này mọi người trong lòng thuyền đã biết sự gì đang xẩy ra ở trên . Dù qua tiếng ồn ào khóc la của cả ngưởi lớn lẫn con nít, tôi nghe rất rõ một tiếng kêu "Tên Cực Trọng", của một em bé lúc này mới lên 7 hay 8 tuổi và mọi người bắt đầu hùa theo, vừa đọc kinh, vừa khóc lóc và van xin Mẹ Maria cứu giúp. Khoảng nửa tiếng thì hai chiếc tầu này chay vượt hẳn lên, rồi rẽ sóng chạy đi mỗi chiếc một ngả, thoáng chốc mất dạng. Lúc nầy mọi người lại càng đọc kinh to hơn, tạ ơn Chúa và Đức Mẹ vừa cho chúng tôi một ơn quá lớn phải nói là một phép lạ.
    Đi được khoảng 2 ngày 2 đêm thì thuyền của chúng tôi tới hải phận quốc tế. Đoán như thế vì thỉnh thoảng chúng tôi thấy vài tầu rất lớn nhấp nhô từ đàng xa qua lại, chúng tôi cố làm mọi dấu hiệu để xin giúp đỡ như dùng gương đánh "moóc", dơ cờ trắng có chữ S O S (Save our soul), thậm chí cả đến kêu la, giơ tay múa chân, nhưng đều vô vọng. Đến bây giờ tôi mới để ý sao nước biển bây giờ đen thế, mấy người đánh cá cho tôi biết là nước càng đen bao nhiêu, thì biển càng sâu bấy nhiêu. Ngồi một mình trên đầu mũi thuyền, tâm tư tôi lúc này rối như tơ vò, buồn vì xa Quê Hương, người thân, bạn bè ... Còn vui là đã được thở không khí của phương trời Tự Do, mặc dù tương lai vô định. Lâu lâu tôi phải xuống khoang thuyền thăm nom, giúp đỡ vợ con và các người thân. Cả hai mẹ con nằm dẹp vào một chỗ người mềm như dưa, tôi phải bế cả hai lên mũi thuyền để rửa mặt và lấy ít không khí trong lành cho tỉnh người. Khoảng gần chiều ngày thứ hai, từ xa xa chúng tôi thấy một tầu buôn thật to và trắng xóa. May mắn thay chỉ vài tiêng đồng hồ sau chúng tôi đã đuổi kịp chiếc tầu này, nhìn qua các lá cờ treo trên tầu chúng tôi biết đây là tầu buôn của Tây Đức, họ cho chúng tôi rất nhiều thức ăn cùng nước uống, sau cùng chúng tôi hỏi họ sẽ đi về đâu? Họ trả lời sẽ ghé vào bến Hải Phòng, nếu muốn về họ sẽ kéo về. Chúng tôi đành nói câu cám ơn họ rồi chia tay.

    Hải Tặc

    Ngày hôm sau, khi gặp một chiếc tàu nhấp nhô từ xa, chúng tôi đã vội dùng đủ mọi động tác xin cấp cứu. Nhưng khi đến gần thì chúng tôi mới nhận ra là mình đã làm một lầm lẫn chết người... Trên tầu lô nhô cả gần chục người đàn ông, mặc xà rông ngực trần và mặt mày vẽ vôi trông rất hung dữ... Họ cười nói chỉ trỏ những tiếng Hi hi hô hô...Những âm thanh như mọi rợ, phát ra từ những người này nghe rất dễ sợ. Chúng tôi cố gắng khoát tay cho họ đi đi và nổ máy chạy hết ga... nhưng đã quá muộn. Tàu họ mạnh hơn rất nhiều nên đã đuổi kịp chúng tôi dễ dàng. Những người đàn ông này múa giao, cầm gậy và quăng giây cột tàu chúng tôi lại. Phụ nữ cùng trẻ con trên thuyền bắt đầu lậy van, khóc lóc. Chúng tôi hiểu, chúng tôi đã gặp hải tặc Thái-Lan. Họ bắt chúng tôi, đàn ông, đàn bà ngồi xa riêng biệt. Mỗi lần tìm được chút của cải là bọn hải tặc reo hò vui mừng. Sau hơn tiếng đông hồ lục lọi từ trong ra ngoài, trên thân thể mọi người, thậm chí họ bắt chúng tôi há miệng vạch tai cho chúng xét. Sau khi không còn gì để lấy họ đền cho chúng tôi nồi cháo trắng và vài con cá khô. Chưa kịp hoàn hồn, thì một chiếc tầu khác giống hệt chiếc tầu vừa rồi đuổi theo và bắt kịp chúng tôi. Những người này, từ khuôn mặt cho tới hành động, họ có vẻ hung dữ hơn toán trước rất nhiều. Sau môt hồi lâu lục soát, có lẽ không còn gì để lấy, nên họ càng thêm tức giân. Sau một hồi giơ chân múa tay đe dọa, họ dùng tầu của họ húc vào thuyền chúng tôi bể một miếng khá lớn. Một số đàn ông thanh niên chúng tôi bị thương, vì dùng tay chân cố chống đỡ khi hai chiếc tầu đụng vào nhau. Cuối cùng họ bắt năm người phụ nữ qua tầu của họ, rồi chạy đi, mặc cho chúng tôi khóc lóc và van xin, trong số này có hai bà sơ. Chúng tôi lại bắt đầu đọc kinh. Cầu xin Đức Mẹ, thánh cả Giu-Se và các Thánh, xin bàn tay quyền lực của các Ngài cứu giúp chúng tôi vì lỗ thủng lúc thuyền bị đụng, nước bắt đầu vào và nhất là cho các người bi bắt. Khoảng hơn một tiếng đông hồ sau, chiếc tầu lúc nãy họ trở lại và trả lại tất cả các người mà họ đã bắt, không hề xẩy ra truyện gì đáng tiếc . Nhờ ơn trên, lại một lần nữa chúng tôi đã thoát nạn .Về sau khi lên tới trại ty nạn, chúng tôi đã được mắt thấy tai nghe những hoàn cảnh vô cùng thương tâm do hải tặc gây ra như :hãm hiếp đàn bà con gái, thậm chí nhiều em gái mới trên dưới mười tổi !!! tra tấn đánh đập đàn ông thanh niên .Nhiều người có răng vàng răng bạc cũng bị họ lấy kìm ra bẻ, nếu ai tỏ vẻ chống cự hay đe dọa họ không ngần ngại quăng xuống biển .Đến chiều ngày thứ ba thì tiếng anh tài công reo lên "Bà con ơi,tôi thấy đất liền rồi" thế là cả thuyền điều nhao lên reo hò vì sung xướng, tuy lúc này mọi người vẫn ở trong lòng thuyền kín mít .Tôi xuống dưới lòng thuyền mang vợ con lên mui cho dễ thở, vừa mới nhìn thấy đất liền vợ tôi tỉnh ngay ra, hết còn say sóng,hỏi han đủ điều như kẻ di xa mới về, sau ba ngày đêm không cả ăn uống . Đến chiều tối thì chúng tôi vào tới một làng đánh cá bên ven biển Thái Lan .Chúng tôi phải dùng Anh ngữ để nói truyện với họ,và xin gặp cao ủy để xin tỵ nạn,dù năn nỉ thế nào họ cũng không cho chúng tôi lên bờ .Tệ hơn nữa họ kéo thuyền chúng tôi trở lai ra biển sau một hồi lục lọi khám xét ,khi biết không còn gì để lấy họ mới để chúng tôi yên .Lúc này thuyền của chúng tôi chỉ còn một máy trong lòng thuyền là còn chạy được, hai cái dầu F10 gắn hai bên mạng tầu đều bị lấy cả .Cứ dọc theo bờ biển chúng tôi tiếp tục chạy cả đêm .Cũng qua kinh nghiệm cướp bóc vừa rồi chúng tôi không muốn lên bớ trong đêm tối .Điều vui mừng và quan trọng nhất là chúng tôi đã và đang sống bên bớ Tự Do .Mặc dù đất nước này đã cướp bóc và xua đuổi chúng tôi !Vâng hai chữ này chúng tôi đã phải trả quá mắc .Tới lúc mờ sáng không biết vì tiêng máy xa lạ hay là lúc nay các thuyền nhỏ bắt đầu ra khơi đánh cá,họ bắt đầu bu quanh thuyền và khi biết là thuyền vượt biên,họ điều nhảy qua hôi của ,họ lấy tất cả mọi thứ nếu gì có thể mang đi được .Lúc này trới đã sáng,công thêm thuyền bị vào nước quá nhiều, chúng tôi quyết định ủi đại lên bờ Tự Do .

    Thế mà đã đúng 30 năm, từ khi tôi bỏ Viêt Nam đi tìm tự do. Có nhiều lần, tôi được gặp lại một số người xưa, trong đó có cả hai, của một cái biên giới gọi là bạn - thù. Nhưng tất cả đều giống nhau - đều là nạn nhân, một con chốt trong ván bài đen đỏ của các cường quốc và đứng sau là một tập đoàn lãnh đạo lừa bịp và đạo đức giả.
    Giờ đây tóc đen của tôi đã có nhiều phần lẩn trắng . Đã sinh ra ai lại không chết? Tục ngữ ta có câu: "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng". Không dễ dàng chết là hết! Có người chết để lại bao thương tiếc. Có người chết để lại cái tiếng mà lịch sử nhắc mãi, để làm con cháu đời đời tủi hổ. Và ngay cả khi còn sống , vẫn có một loại tòa án, không cần nhân chứng, không cần luật sư biện hộ, không cần thẩm phán buộc tội, mà phán xét vẫn rõ ràng như những tiếng vọng trong đêm về sâu thẳm đó là TÒA ÁN LƯƠNG TÂM .

    Viết xong trong mùa Thu lần thứ 29 của vùng trời Bắc Mỹ

    Vũ Ngọc Đoan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X