Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lẩm Cẩm – Lải Nhải Chuyện Tết

Collapse
X

Lẩm Cẩm – Lải Nhải Chuyện Tết

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lẩm Cẩm – Lải Nhải Chuyện Tết


    Lẩm Cẩm – Lải Nhải Chuyện Tết



    Quanh đi quẩn lại ngày tháng hết

    Mới Tết mà bây giờ lại Tết

    Biết chúc gì nhau vào dịp Tết?

    Chẳng biết sao, cứ nói đến Tết với những lời chúc tụng, là Lẩm Cẩm lại nhớ ngay đến bài thơ năm chữ nổi tiếng viết về ông đồ già của Vũ Đình Liên thời tiền chiến:

    Mỗi năm hoa đào nở

    Lại thấy ông đồ già

    Bầy mực tàu giấy đỏ

    Bên Phố đông người qua

    Bao nhiêu người thuê viết

    Tấm tắc ngợi khen tài

    Hoa tay thảo những nét

    Như phượng mú rồng bay…

    Ông đồ già đã sẵn sàng để “hoa tay thảo những nét” rồi đấy, vậy thì bà con ta nhờ ông viết hộ những lời chúc gì?

    “Nhất Bản Vạn Lợi”: tốt lắm chứ, đi buôn với vốn một đồng , mà làm ăn có lời đến hàng ngàn, hàng vạn…

    “Thọ Tỉ Nam Sơn”: tốt lắm chứ, bà con ta chúc nhau sống lâu như ngọn núi kia cứ lừng lững trơ gan cùng tuế nguyệt…

    “Phúc Như Đông Hải”: tốt lắm chứ, bà con ta chúc nhau được phúc nhiều như biển Đông rộng mênh mông…

    “Đa Tử, Đa Tôn, Đa Phú Qúy”: cũng tốt lắm chứ, nhưng xét cho cùng, thì chỉ mục “đa phú qúy” thì ai ai cũng “hồ hởi phấn khởi” đón nhận thôi; chứ còn bây giờ mà nếu cứ “thuận vợ thuận chồng” thì “con đông mệt quá!” Lời cầu chúc “đa tử đa tôn”, vì thế, e rằng ít ai đủ cam đảm nhận lãnh!

    Theo tôn ý của một bạn hiền cao niên của Lẩm Cẩm, thì chẳng những chỉ vào dịp Tết nhất, mà ngay cả hàng ngày, lời chúc tốt nhất, thực tế nhất bà con ta nên chân thành trao cho nhau là lời chúc sức khỏe tốt.

    Lý do thật dễ hiểu. Nếu không có sức khỏe để có thể ngược xuôi buôn bán, thì làm sao có “vạn lợi”? Nếu không có sức khỏe để có thể vui hưởng tuổi già, thì “thọ tỉ nam sơn” để làm chi? Nếu không có sức khỏe để vui hưởng cây phúc mình đã vun trồng, thì cái “phúc như Đông hải” đó để cho ai? Nếu không có sức khỏe để sống vui cùng con đàn cháu đống, thì “đa tử, đa tôn” mà làm gì?

    Theo lão bạn hiền, nếu muốn có sức khỏe tốt, mọi người chỉ cần nhớ lời dặn dò “đêm bẩy, ngày ba, vào ra không kể”

    Vì biết Lẩm Cẩm quá rõ, chi nên nói đến đây là cụ liền cười lớn, chỉ tay vào mặt Lẩm Cẩm mà rằng: “Chớ vội vận dụng đầu óc đen tối của nhà ngươi mà liên tưởng ngay đến chuyện toa thuốc Minh Mạng! Lời khuyên của lão chẳng dính dáng gì đến ‘chuyện ấy’ đâu!”

    Lão bạn hiền giải thích rõ “đêm bẩy ngày ba, vào ra không kể” nhằm chỉ 3 việc cần làm để có sức khỏe tốt:

    Đêm bẩy: mỗi đêm ngủ từ 7 tiếng trở lên;

    Ngày ba: ngày ăn ba bữa; và

    Vào ra không kể: mỗi lần đi ra hoặc đi vô, nhớ uống nhiều nước.



    Ngoài việc chỉ rõ những việc cần làm hàng ngày, cụ còn hướng dẫn thêm là nếu muốn, chúng ta cũng có thể cầu xin các đấng linh thiêng phù hộ, độ trì cho có sức khỏe. Tuy nhiên, cụ nhấn mạnh là phải biết cách cầu cho đúng. Và cách van vái tốt nhất như sau:

    CT (viết tắt “chúng ta”): Con cầu Trời phù hộ những người thân cùng bạn hữu của con mãi mãi được khỏe mạnh và hạnh phúc.

    Trời: Chỉ cho 4 ngày thôi.

    CT: Thế thì xin Trời cho họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trong những ngày mùa xuân, những ngày mùa hè, những ngày mùa thu và những ngày mùa đông.

    Trời: Chỉ cho 3 ngày thôi.

    CT: Nếu chỉ được 3 ngày, thì con xin cho họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trong ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai.

    Trời: Chỉ cho 2 ngày thôi.

    CT: Như vậy, con xin cho họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trọn ngày hôm nay và ngày mai.

    Trời: Chỉ cho 1 ngày thôi.

    CT: Vâng, cũng được.

    Trời (thắc mắc): Vậy là ngày nào?

    CT: Con xin cho họ được mạnh khỏe và hạnh phúc từng ngày.

    Trời (vui vẻ cười rồi phán): Tốt lắm, những người thân và bạn hữu của con sẽ được khỏe mạnh và hạnh phúc mỗi ngày.

    Chúc “Thọ Tỉ Nam Sơn” là chúc cho nhau sống lâu, mà sống lâu

    tức là chúng ta trở thành già! Vì thế, có những vị tỏ vẻ lo lắng về cái già, đồng thời nuối tiếc thời son trẻ đã qua! Diễn tả khuynh hướng lo buồn và nuối tiếc này là hai bài thơ sau đây:

    Ngày xưa … Ngày nay

    Ngày xưa mái tóc buông lơi,
    Bây giờ sợi rụng sợi rơi đầy nhà.
    Ngày xưa da trắng nõn nà,
    Bây giờ da đã trổ hoa đồi mồi.
    Ngày xưa miệng cười thật tươi,
    Bây giờ móm xọm, rụng mười cái răng.
    Ngày xưa mặt sáng như trăng,
    Bây giờ xám xịt như vầng mây đen.
    Ngay xưa yểu điệu như tiên,
    Bây giờ lẹt đẹt như con vịt bầu .
    Ngày xưa chum chúm núm cau,
    Bây giờ lỏng thỏng như bầu trên cây.
    Ngày xưa nhựa sống căng đầy,
    Bây giờ vắt mãi bẩy ngày cũng không.
    Ngày xưa thắt đáy lưng ong,

    Bây giờ to bụng, còn mông phẳng lờ.
    Ngày xưa rậm rạp cỏ mơ,
    Bây giờ thưa cứng tựa hồ rễ tre.

    Ngày xưa ăn nói dễ nghe,
    Bây giờ cẳn nhẳn chua lè khó ưa.
    Ngày xưa thích được mây mưa,
    Bây giờ hạn hán hết ưa tù tì.
    Ngày xưa thường sánh vai đi,
    Bây giờ chỉ thích năm ì xem phim.
    Ngày xưa nhớ nhau đi tìm,
    Bây giờ mặc kệ, con tim mất rồi!

    Ôi thời oanh liệt

    Ngày xưa sung sức thì nghèo,
    Bây giờ rủng rỉnh thì teo mất rồi!
    Ngày xưa sức khỏe tuyệt vời,
    Bây giờ nó có đàn hồi nữa đâu!
    Ngày xưa sức mạnh như trâu,
    Bây giờ công cụ nát nhàu như dưa!
    Ngày xưa chẳng kể sớm trưa,
    Bây giờ loáng thoáng, lưa thưa gọi là!
    Ngày xưa như sắt như đồng,
    Như đinh đóng cột, như rồng phun mưa.
    Bây giờ như cải muối dưa,
    Mười thang Minh Mạng vẫn chưa ngẩng đầu!
    Trải qua một cuộc bể dâu.
    Ôi thời oanh liệt còn đâu nữa mà …
    Nay mai về với ông bà,
    Nấp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân!

    Mèng đéch ơi, cái gì mà chưa chi đã vội lo “nấp sau nải chuối, ngắm gà khỏa thân”? Sao mà buông trôi thế, chán thế? Đâu đến nỗi gì sớm thế?

    Vậy, nếu không muốn lo buồn, nuối tiếc, tiêu cực thì có thể vui được bằng cách nào?

    Khó chi mô? Trước hết, cần phải cùng nhau đồng ý về một điểm: bao nhiêu tuổi mới là già? Bài thơ Lẩm Cẩm đã đọc được ở đâu đó trả lời rất rõ:
    60 chưa phải đã già
    60 là tuổi mới qua dậy thì
    65 hết tuổi thiếu nhi
    70 là tuổi mới đi vào đời
    75 là tuổi ăn chơi
    80 là tuổi yêu người yêu hoa
    90 mới bắt đầu già
    Đêm đêm vẫn cứ mặn mà yêu đương
    100 có lệnh Diêm Vương
    Cứ ở trên ấy yêu đương thỏa lòng
    Bao giờ đạn hết lên nòng
    Từ từ nằm xuống là xong một đời.

    Niên tuế đã đủ trăm rồi, mà Diêm Vương còn bật đèn xanh cho “cứ ở trên ấy yêu đương thỏa lòng”, thì có chi mà ngại chuyện già? Thực tế ngày nay cho thấy:

    Thất thập xưa khó tìm ra,
    Ngày nay thất thập mỗi nhà đều đông.
    Ngày xưa thất thập ngồi không,
    Ngày nay thất thập còn mong đi làm.
    Ngày xưa thất thập lão làng,
    Ngày nay thất thập là chàng thanh niên.

    Vì ngày nay thất thập còn là thanh niên, cho nên:

    Thất thập về nước liên miên,
    Các cháu gái nhỏ luân phiên chào mời:
    “Mừng anh thăm nước nhà chơi,
    Mời anh cắt tóc, thảnh thơi gội đầu.
    Mời anh trẻ đẹp, sang giàu,
    Đón em qua Mỹ, em hầu hạ anh.

    Như vậy, tại sao ngại chuyện già? Các ông 70 thì như thế, còn các bà thì sao?

    Các bà bảy chục xuân xanh,
    Tóc đen, má phấn, xâm viền vành môi.
    Bà nào cũng đẹp, cũng tươi,
    Lả lướt sàn nhảy, nói cười thật duyên.
    Các bà dáng dấp dịu hiền,
    Các ông say đắm nghiêng nghiêng mắt nhìn.

    Như vậy, tại sao ngại chuyện già? Vì các lý do thượng dẫn, tác giả bài thơ mới “vững niềm tin”:

    Bây giờ tôi vững niềm tin
    Trả lời câu hỏi linh tinh ban đầu:
    “Tuổi già khởi sự từ đâu?
    Tuổi già khởi sự khi nào ta quên.
    Quên chồng, quên vợ, quên tên,
    Quên cười, quên bạn, quên mình là ai?

    Người ta chỉ già sau khi đã quên, còn chưa quên là dứt khoát chưa già. Vì chưa quên, chưa già, chi nên mới có chuyện tìm bạn bốn phương của các cụ thuộc loại sáu, bảy chục bó để mà du dương, để mà hủ hỉ với nhau :

    Nữ 60 tuổi xinh ngoan,

    Cả đời chăm sóc lo toan việc nhà.

    Chồng về Nam Việt năm qua,

    Gặp cô con gái bán “bar” mê liền.

    Em nay chán cảnh ngồi thiền,

    Anh nào yêu bé, cho tên tặng hình.

    * * *

    Nữ 65 tuổi giỏi dang,

    Chồng vừa khuất núi vì mang bệnh già.

    Các con nay lớn ở xa,

    Cảnh nhà đơn chiếc vào ra một mình.

    Anh nào tức cảnh sinh tình,

    Biên thư, điện thoại, gửi hình em coi.

    * * *

    Nam 70 tuổi hiên ngang,

    Dẻo dai, tốt tướng, nhà sang nhất miền.

    Tháng tháng nhà nước phát tiền,

    Ngồi xe Nhật lái liên miên cả ngày.

    Tìm em gái Việt thơ ngây,

    Ai muốn qua Pháp, anh đây sẵn sàng.

    * * *

    Nữ 75 tuổi dịu dàng,

    Chồng con bỏ lại lang thang chợ đời.

    Thân già lặn lội ngược xuôi,

    Đi chùa, đi chợ, lôi thôi lạc đường.

    Tìm người cùng cảnh đoạn trường,

    Nắm tay đi tiếp quãng đường dở dang.

    Vì cái già là lẽ tự nhiên (sinh, lão, bệnh, tử), nên dù ta có lo cũng chẳng được. Hơn nữa, vì cái già cũng chẳng phải là cái đáng ghét, nên vào tháng Chín niên 2009, thi sĩ TSN đã phóng bút ra bài thơ:

    Thích Già

    Làm sao tránh khỏi được tuổi già?

    Thời gian xồng xộc sau lưng ta,

    Chớp mắt, hai phần ba thế kỷ,

    Theo cơn gió lốc vụt bay qua.

    Tuổi già vẫn đẹp như cành hoa,

    Dù khô, nhưng chẳng thiếu mặn mà,

    Sắc hương tuy không còn lộng lẫy,

    Nhưng đủ thêm duyên giữa lẵng hoa.

    Ngắm cháu dễ yêu, ta thích già,

    Bé thơ nũng nịu gọi Ông Bà,

    Hương thơm sữa mẹ trên má phính,

    Còn gì sung sướng hơn đời ta?

    Dìu nhau âu yếm khi về già,

    Còng lưng, chống gậy chung đường xa,

    Chẳng phải ghen tương khi ai ngó,

    Miệng vui khẽ hát bản tình ca.

    Đừng lo bệnh hoạn khi về già,

    Thiên đường, địa ngục ai thoát xa,

    Tiền bạc sao mua thêm tuổi ngọc,

    Vậy cứ vui đi, sợ chi già?

    Cái kết luận “vậy cứ vui đi, sợ chi già” của người thơ TSN thật chí lý!

    Để vui với cái già, Lẩm Cẩm xin kể hầu qúy vị đôi ba chuyện vui về người già.

    1. Thành Công Của Người Già

    Lúc 5 tuổi, thành công là không đái dầm.

    Lên 10 tuổi, thành công là biết đi xe đạp.

    Đến 16 tuổi, thành công là có nhiều bạn bè.

    Khi 20 tuổi, thành công là có người yêu mình.

    Đến 40 tuổi, thành công là rủng rỉnh tiền bạc.

    Lên 50 tuổi, thành công vẫn là rủng rỉnh tiền bạc.

    Lúc 60 tuổi, thành công là vẫn có một người yêu mình.

    Sang 70 tuổi, thành công là vẫn đi được xe đạp.

    Qua 80 tuổi, thành công là vẫn có nhiều bạn bè; và

    Khi 85 tuổi, thành công là không đái dầm!



    2. Như Bé Sơ Sinh

    Hai cụ ông ngồi hóng mát dưới tàn cây trong khuôn viên của nhà già.

    Cụ Ngọ quay sang nói với người bạn:

    – Ông Sửu ơi, năm nay tui 83, cả ngày toàn thân đau nhức, rêm rêm miết đi thôi! Ông cỡ tuổi tui, ông thấy mình mẩy thế nào?

    Cụ Sửu đáp:

    – Tui thấy mình giống như “bê-bi” sơ sinh.

    Cụ Ngọ nghi ngờ:

    – Thiệt hả? Giống “bê-bi” thiệt hả?

    Cụ Sửu khẳng định:

    – Chứ còn gì nữa! Hổng có tóc, hổng có răng và dường như tui vừa đái dầm ướt quần; vậy hổng phải giống “bê-bi” thì giống cái thứ gì?

    3. Lãng Tai

    Cụ Hai Tín năm nay vừa đúng 90. Sức khỏe cụ tốt, thân thể tráng kiện, tinh thần minh mẫn. Cụ không quên, không lẫn chi hết; chỉ có cái tai là yếu, nên khả năng nghe của cụ bị giảm sút đáng kể!

    Con cháu nhiều lần đề nghị cụ đeo máy trợ thính để nghe cho rõ, nhưng cụ nhất định không chịu. Mãi đến khi bác sĩ gia đình ráo riết khuyên, thì cụ mới đồng ý. Cụ lặng lẽ mua và dùng máy nghe, nhưng không cho con cháu biết.

    Sau hai tuần lễ dùng máy trợ thính, cụ Hai Tín trở lại gặp bác sĩ theo lời dặn. Bác sĩ hỏi:

    – Sao, cụ đeo máy rồi thấy nghe rõ không? Có vấn đề gì không?

    Cụ trả lời:

    – Máy trợ thính này tốt thiệt, giúp tui nghe rõ hết sức!

    Bác sĩ hỏi:

    – Con cháu chắc rất vui và hài lòng với chuyện cụ chịu đeo máy nghe?

    Cụ Hai Tín:

    – Tụi nó đâu có biết tui đã đeo máy trợ thính, nên làm gì có ý kiến chi. Mấy

    đứa con tui còn không biết một chuyện nữa là kể từ ngày tui đeo máy và nghe rõ tất cả những gì tụi nó nói, tui đã thay đổi di chúc ba lần rồi đó!

    Tết nhất, ngoài ba thứ thường có như bánh mứt, bánh chưng, bánh tét, thịt kho, dưa hành, la de, củ kiệu…, bà con ta còn có thể lai rai chút rượu. Khách đến thăm ngày đầu năm, chủ nhà rót chén rượu đầu xuân để chủ khách cùng nhau đối ẩm.

    Mai Quế Lộ là một trong những thứ rượu Lẩm Cẩm từng được thưởng thức trong dịp Tết nơi quê nhà. Gần đây, vì biết Lẩm Cẩm ưa thứ này, một bạn hiền đã chỉ cách làm rượu Mai Quế Lộ mà bạn hiền cam đoan nhấp vào rất tới!

    Làm theo cách này, phải mất ít nhất 6 tháng mới có rượu để nhấm nháp, chi nên khi công thức làm rượu lọt được vào mắt qúy vị, thì không cách chi qúy vị có thể kịp có Mai Quế Lộ để thưởng thức dịp Tết này! Tuy nhiên, Lẩm Cẩm cũng cứ xin phổ biến cách làm rượu đơn giản và dễ dàng dưới đây để, nếu muốn, qúy vị có thể nhâm nhi Mai Quế Lộ vào dịp Tết con Mèo:

    – Mua:
    1 chai Glutinuos Rice Cooking Wine
    1 ly rượu Rhum ( Meyers Rhum, original dark )

    – Rang vàng :
    2 muỗng (tablespoon) Hạt Ngò Khô (Graines de corriande)
    30 gram vỏ Cây Quế (Cinamon)
    30 gram Đinh Hương (Dried Cloves)
    5-6 trai to Đại Hồi (Anise )

    – Cho tất cả vào một keo thủy tinh, đậy thật chặt và kín. Để ít nhất 6 tháng thì dùng được.
    Càng để lâu, rượu càng có mùi thơm.
    Vào dịp Tết, những người thơ còn thường sáng tác các thi phẩm vịnh cảnh Xuân. Lẩm Cẩm nhớ là cách đây đôi ba năm, một bạn hiền cao niên và thân qúy là ông giáo Đỗ Quang Vinh đã gửi tặng bài thơ “Mãi Mãi Còn Xuân”. Bài này ông giáo sáng tác theo thể thất ngôn bát cú thuận-nghịch độc:

    Mãi Mãi Còn Xuân

    (thuận-độc)

    Hương xuân ngát toả thắm tình thơ,

    Ngọc chuốt lời dâng ngập cõi bờ.

    Thương mến chứa-chan còn mãi ước,

    Dấu yêu ngây-ngất vẫn hoài mơ.

    Dương-triêu ánh rực tranh sao đẹp!

    Tuyết trắng đông tàn cảnh quá xưa!

    Vương-vãi nắng xuân còn mãi mãi,

    Sương pha tóc mướt óng vàng tơ.

    (nghịch-độc)

    Tơ vàng óng mướt tóc pha sương,

    Mãi mãi còn xuân, nắng vãi-vương.

    Xưa quá, cảnh tàn đông trắng tuyết!

    Đẹp sao, tranh rực ánh triêu-dương!

    Mơ hoài vẫn ngất-ngây yêu dấu,

    Ước mãi còn chan-chứa mến thương.

    Bờ cõi ngập dâng lời chuốt ngọc,

    Thơ tình thắm toả ngát xuân-hương.



    Điểm rất đặc biệt của “Mãi Mãi Còn Xuân” là nó có thể biến dạng thành 17 bài khác nhau, tùy theo cách cắt từ, ngắt câu và ráp nối. Xin mời qúy độc giả vui Xuân bằng cách tự tìm ra các bài thơ từ bài số 3 tới bài số 15, dựa vào chỉ dẫn dưới đây của ông giáo:

    – Ngắt giữa bài đọc xuôi, thì được bài 3 và 4.

    – Ráp 2 câu đầu bài 3 với 2 câu cuối bài 4, thành bài 5

    – Ráp 2 câu cuối bài 3 với 2 câu đầu bài 4, thành bài 6

    – Cắt 2 từ đầu mỗi câu trong bài đọc xuôi , thành bài 7

    – Cắt 3 từ cuối mỗi câu trong bài đọc xuôi , thành bài 8

    – Cắt từ thứ 3 và thứ tư mỗi câu của bài đọc xuôi thành bài 9

    – Cắt 4 từ đầu mỗi câu trong bài đọc xuôi, thành bài 10.

    – Ngắt giữa bài đọc ngược, thì được bài thứ 11 và 12.

    – Ráp 2 câu đầu bài 12 với 2 câu cuối bài 13, thaành bài thứ 13

    – Ráp 2 câu cuối bài 12 với 2 câu đầu bài 13 thì được bài 14

    – Cắt 2 từ đầu mỗi câu trong bài đọc ngược thì được bài 15.

    Với hai bài thơ thứ 16 và 17, thì dưới đây là cách tạo thành:

    – Cắt 3 từ đầu mỗi câu từ dưới lên trên trong bài đọc ngược, rồi đảo vị-trí của 4 từ còn lại, thì được bài 16:

    Tóc mướt pha sương,

    Nắng xuân vãi-vương,

    Tàn đông trắng tuyết.

    Rực ánh triêu-dương

    Ngây-ngất yêu dấu,

    Chứa-chan mến thương.

    Lời dâng chuốt ngọc,

    Ngát toả xuân-hương.

    – Cắt từ thứ 3 và thứ tư của 4 câu trong bài 12, rồi cắt từ thứ tư và thứ năm của 2 câu đầu trong bài 13, rồi cắt 2 từ đầu của câu thứ 3, rồi cắt từ thứ ba và thứ tư của câu cuối trong bài 13, thì được bài thứ 17:

    Tơ vàng tóc pha sương,

    Mãi mãi nắng vãi vương.

    Xưa quá đông trắng tuyết!

    Đẹp sao ánh triêu-dương!

    Mơ hoài vẫn yêu dấu,

    Ước mãi còn mến thương,

    Ngập dâng lời ngọc chuốt,

    Thơ tình ngát xuân-hương.

    Đọc hết cả 17 bài thơ “Mãi Mãi Còn Xuân” của người thơ Đỗ Quang Vinh, chắc qúy vị đồng ý với Lẩm Cẩm là thi sĩ già của chúng ta quả đã nghịch ngợm một cách tài tình trong cách sáng tác thơ độc đáo của ông!

    Lải nhải đã dài, Lẩm Cẩm xin chấm hết. Và bắt chước lão bạn hiền, Lẩm Cẩm chân thành cầu chúc qúy vị sức khỏe thật tốt.

    Lẩm Cẩm

    @Khoahocnet .com


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X