Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lanspring - Cuba Du Ký

Collapse
X

Lanspring - Cuba Du Ký

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lanspring - Cuba Du Ký

    July 12, 2016
    Lanspring – Cuba du ký (part 1)
    CUBA


    Đôi lời: Lanspring là cựu biên tập viên của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA . Cuba du ký là email “vui vui” (như lời tự nhận của tác giả) được chị gửi đến bạn bè sau chuyến đi .

    Tuy chỉ là một điện thư mang tính cách cá nhân nhưng qua cái nhìn tinh tế của một nhà báo, chị đã mở rộng tầm mắt cho người đọc về một quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản vừa được Tổng Thống Obama của Hoa Kỳ viếng thăm chính thức vào ngày Chủ Nhật 20/3/2016 vừa qua, mở đầu cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế mang tính lịch sử giữa 2 nước.

    Xin cảm ơn chị Lanspring đã cho phép mp’s blog được trích đăng chuyến du lịch kỳ thú (cũng tạm gọi là “lịch sử”) của một công dân Mỹ gốc Việt sau đây.

    Lanspring – Cuba du ký (part 1)



    Đầu tiên em phải rào trước đón sau rằng đây chỉ là một cái nhìn hết sức phiếm diện và chủ quan của một người từ Mỹ đến xứ sở của ông Fidel Castro trong vòng có một tuần lễ, thành thử nó có thể đúng với sự thực tới một mức độ nào đó, mà cũng có thể … trật lất. Nếu có trật thì cũng xin các bác đừng kiện cáo gì đấy nhé.

    Sở dĩ em chiu khó cong lưng viết email cho các bác là vì biết các bác chưa dám ghé răng cắn vào trái cấm Cuba, chứ các nơi khác thì em đâu dám múa rìu qua mắt thợ. Hiện thời công dân Mỹ chưa được phép du lịch Cuba, các hãng du lịch Mỹ muốn tổ chức tour thì phải núp dưới danh nghĩa “tăng thêm hiểu biết về văn hóa hay đi vì mục đích học hỏi !!” Thế nên cho dù giá cả ở Cuba còn rất rẻ nhưng các hãng du lịch này biết lợi dụng óc tò mò của khách hàng bèn chém thẳng tay, ta chẳng nên dại gì đưa đầu vào máy chém!!

    Trước tiên là chuyện phi trường ở Varadero, một thành phố biển nổi tiếng của Cuba, cách thủ đô La Havana 3 giờ lái xe. Phi trường nhỏ tí, đơn giản, nhưng sạch. Đa số du khách đi trên chuyến bay Air Canada từ Montreal tới là dân Canada, một số từ Đức và các nước Âu châu khác. Hình như chỉ có 2 bà già người Mỹ gốc Mít là em và một người bạn đồng hành mang sổ thông hành US mà thôi. Có lẽ vì vậy mà khi đi qua di trú, nhân viên Cuba ngắm nghía, xăm soi hơi kỹ, sau đó họ bảo chúng em đi ra 2 cái bàn khác để trình giấy bảo hiểm y tế! (theo thiển ý có lẽ họ muốn nhân viên an ninh chìm ngắm lại cho kỹ dung nhan hai mạng đến từ đế quốc tư bản). Ai vào Cuba cũng phải mua bảo hiểm y tế trước khi đi đấy nhé. Rồi họ cũng để cho đi.

    Nơi chúng em ở là một khu nghỉ dưỡng hạng sang nhất mà so với cái giá phải trả thì quá, quá rẻ. Họ bao ăn ở tất cả mọi thứ, rượu vang, rượu mạnh, cocktail ê hề, chỉ tiếc là em chỉ uống nước lạnh và ăn nhiều rau thôi. Bãi biển kề cận, từ phòng mình ở đi bộ 5 phút tới nơi. Em đoán cái giá này chắc chỉ vài năm nữa sẽ thay đổi .



    Trong 1 tuần lễ ở Cuba, em và chị bạn đồng hành lấy 2 chuyến đi chơi, 1 chuyến đi 2 ngày ở thủ đô La Havana, ngủ lại 1 đêm ở đây, tối đi xem một buổi trình diễn ca vũ nhạc rất sôi động với hàng trăm vũ công, tiêu biểu cho âm nhạc và vũ điệu nóng bỏng của xứ nàỵ (mambo, salsa , rumba, cha cha cha v..v. vũ công ăn mặc rất mát mẻ trên sân khấu lộ thiên đồ sộ, huy hoàng, thế mà chẳng cô nào bị muỗi đốt, trong khi khán giả thì ngứa liên miên). Ngày cuối cùng em ở khu nghỉ dưỡng đoàn hát phái 8 vũ công đến tận nơi trình diễn ở lobby để quảng cáo.




    Nhà cửa ở thủ đô Havana mới thì ít mà cũ thì nhiều, cũ mới chen nhau lẫn lộn, có những căn rêu phong, đổ nát, hoang tàn, có căn chỉ còn trơ vài bức tường chẳng ai có thể ở. Đường xá rất nhỏ bé, nhất là lề đường hẹp vanh, nhưng hết sức sạch sẽ, không thấy rác rưởi bụi bặm dơ dáy như ở VN. Đặc biệt là ít hàng quán, không thấy các sạp hàng, xe bán những món ăn đường phố la liệt, lộn xộn, mất trật tự khắp hang cùng ngõ hẻm như ở xứ mình. Nhất là dân tình vô cùng thân thiện, lương thiện và hiền hòa, tha hồ đi khắp nơi không sợ trộm cắp, cướp giật. Hầu như không thấy hành khất trừ ở nhà thờ chánh tòa tại trung tâm thành phố em chỉ thấy có một bà già đứng xin tiền. Dân Cuba có cả da trắng, da đen nhưng nhiều nhất mà em thấy ở ngoài đường là da ngăm ngăm, mặc dầu hướng dẫn viên du lịch nói 60% tổng dân số gần 12 triệu người là da trắng. Các sắc dân, màu da đều chung sống hoà bình, không có nạn kỳ thị . Nói chung đàn bà con gái Cuba thon thả, mặt mũi thanh tú, mặn mà.

    Ở ngay gần bến tàu của thủ đô là 1 trung tâm mua sắm dành cho du khách, họ bán nhiều tranh và quà kỷ niệm. Xin nhắn bác nào muốn mua tranh đem về phải ra bàn giấy trong khu vực này để đóng thuế và lấy giấy chứng nhận đã đóng thuế mới không bị rắc rối khi qua quan thuế ở phi trường.

    Lang thang trong thủ đô nhỏ bé thì cũng chỉ có những nhà thờ, những công trình kiến trúc tiêu biểu của quốc gia, không gây ” ấn tượng ” gì mấy. Không hề thấy các quán bia ôm, không có các khu đèn đỏ, không có gái đứng đường, mình không thấy vì nó thực sự không có hay chỉ vì mình “người trần mắt thịt” mà không nhìn thấy??

    Nghe nói ở Cuba hiện thời chưa có tệ nạn ma túy và súng đạn để giết người.

    Đi trên con lộ chính nhìn ra hải cảng bắt gặp tòa đại sứ Mỹ với lá cờ bay phấp phới thấy lòng vui chi lạ. Thế là nước Mỹ cuối cùng rồi cũng hiện diện ở đây. Một tàu biển chở khách đi cruise của Mỹ cũng đậu trong cảng này.

    Rất nhiều xe taxi là những chiếc cadillac đủ màu xanh đỏ tím vàng từ thập niên 1950 mặc dù xe mới cũng có. Chính những chiếc xe này tạo nên vẻ độc đáo cho Cuba. Ngoài ra còn xe ngựa, xe xích lô và xe lam màu vàng 2 chỗ cho du khách ngoạn cảnh nữa. Không thấy nạn kẹt xe hay ô nhiễm vì khói xe.


    Phương tiện giao thông của người dân thành phố là xe buýt. Ít khi thấy xe gắn máy, xe đạp hay xe scooters. Khi ra đến ngoại ô là xe thổ mộ, in hệt như thời xưa hồi mình còn nhỏ ở Việt Nam. Dân ngoại ô hay vùng quê ở Cuba thường đi nhờ xe, đứng giữa đường vẫy vẫy. Một số đông dân lao động lưng ướt đẫm mồ hôi đi chung trong những chiếc xe tải cũ kỹ và trả 1 khoản tiền nhỏ cho chủ xe .

    Phải nói đa số dân chúng rất nghèo, nhưng trông khỏe mạnh, chắc chắn, không mấy ai bệ xệ, có lẽ vì phải làm việc, đổ mồ hôi và đi bộ. Nghe nói bữa ăn của họ hiếm khi có thịt. Một lần em ghé một trung tâm bán quà lưu niệm chờ chị bạn đồng hành mua sắm, thấy người bán hàng đang ăn trưa, liếc sơ qua đĩa cơm chỉ thấy cơm nấu với đậu đen và 1 tí gì đó.

    Đến thủ đô La Havana du khách nhất định phải ghé quán rượu nơi văn hào Hemingway tới uống hầu như hàng ngày khi ông có mặt trong thành phố. Quán rượu có tên là La Bodeguita del Medio (Quán Nhỏ Giữa Đường), cũng là nơi khai sinh ra món cocktail Mojito ưa thích của Hemingway. Em cũng đến xem căn phòng mà ngày xưa Hemingway từng ở tại 1 khách sạn trong thủ đô, xem chiếc giường ngủ, những cần câu và tranh ảnh cùng những tác phẩm ông sáng tác khi ở Cuba. Rất tiếc chưa có dịp đến tận căn nhà chàng từng cư ngụ một thời, cách thủ đô khoảng 12 dặm. Thôi để lần tới .



    Xì gà và rượu Rhum là hai sản phẩm tiêu biểu (đặc sản!!) của Cuba. Xì gà thứ sang bán cho du khách lên tới giá 15 đô la 1 điếu. Đây là 2 thứ gắn liền với Hemingway. Huớng dẫn viên du lịch dặn rằng chớ nên mua xì gà ngoài đường vì dễ mua phải hàng dổm, hàng giả lắm.

    Trong mọi dịch vụ mua bán, du khách nước ngoài phải dùng tiền CUC, 100 đô la Mỹ chỉ đổi được có 85 CUC thôi đấy nhé. Tuy nhiên khi quí vị chi tiền tip thì đồng đô la Mỹ rất được ưa chuộng. Trước khi đi, du khách nên đổi vài ba trăm đô la giấy 1, 2 hay 5 đồng mang theo để cho tiền tip vì dân ở đây nghèo lắm. Vị nào hào phóng hơn thì cứ đổi vài ngàn càng tốt! Lợi tức đầu người mỗi tháng chỉ khoảng từ 20 đến 40 đô la (Em hơi thắc mắc, vì 1 hướng dẫn viên nói như thế, hôm sau 1 người khác nói khoảng 300 đô la! Người đầu tiên có vẻ thật thà hơn), và họ nói sống nhờ vào tiền tip, nhưng cũng có những người khách chẳng nỡ bỏ ra đồng nào cả.

    Theo bà hướng dẫn viên du lịch giảo hoạt và ít thật thà hơn thì các nguồn lợi cho kinh tế Cuba là sản phẩm y tế (pharmaceutical products, thuốc men gì đó) và xuất cảng bác sỹ ra nước ngoài làm việc, đại loại là xuất khẩu trí thức chuyên nghiệp thay vì xuất khẩu lao động như VN .


    July 12, 2016
    Lanspring – Cuba du ký (part 2)



    Chuyến đi thứ nhì từ Varadero đến 3 thành phố là Santa Clara, Trinidad và Cienfuegos. Họ dẫn mình tới Santa Clara chỉ để xem… lăng bác Hồ! Thay vì lăng bác thì xem bảo tàng viện Che Guevara, trưng bày hình ảnh của Che từ ngày chàng còn là một em bé ra đời ở Á Căn Đình trong một gia đình trung lưu, lớn lên học y khoa, tốt nghiệp bác sỹ năm 1948, bình thường như mọi người thôi, nhưng sau chuyến chu du một số các quốc gia châu Mỹ thấy dân tình nghèo khó, khốn khổ quá, chàng bèn giã từ ống nghe, ống chích cầm súng carbine đi làm cách mạng. Trên bước đường lưu vong ở Mexico, chàng gặp đồng chí Fidel Castro, thế là cặp bài trùng này làm nên cơ đồ cho cuộc cách mạng Cuba lật đổ Batista. Sau khi giữ một số chức vụ quan trọng trong chính phủ mới ở Cuba, chàng lại nổi máu giang hồ đi làm cách mạng nữa ở các nước châu Mỹ Latin khác rồi bị bắn tử thương ở Colombia, thay vì sinh bắc tử nam như các bộ đội bác Hồ thì chàng sinh ở Argentina và tử ở Colombia! Tro cốt của chàng và một số đồng chí sau đưọc xin lại và đem về thờ trong căn phòng ở bảo tàng viện này tại Santa Clara, xứ Cuba.

    Sau Santa Clara chúng em đến Trinidad, một thành phố cổ của Cuba với những đường phố nhỏ bé , lề đường hẹp, giữa đường lát đá hơi khó đi, có một số hàng quán thơ mộng .


    Quán cà phê thơ mộng ở góc phố cổ Trinidad.


    Một quán khác được em đặt tên là quán Cây Xoài cũng trong phố cổ Trinidad (Nhớ đến quán Cây Dừa năm xưa ở Xa Lộ Biên Hoà của má Phương Liên)

    Ngay tại khu chợ nhỏ bán quà lưu niệm ở một thành phố xa xôi này chúng em gặp được một bà người Việt quê ở Thái Bình lưu lạc qua Đông Đức rồi theo chồng sang Cuba làm ăn. Nhận ra nhau vì hai thân già chúng em léo nhéo tiếng Việt, bà ấy nghe thấy nên ra hỏi chuyện.
    Bà thì bán hàng, chồng làm nghề chở xe, làm ăn cũng tàm tạm.


    Hình bà Việt Nam lưu lạc xứ người (trái) và chị bạn đồng hành (phải)

    Phải nói thức ăn trong các khu nghỉ dưỡng cũng từa tựa nhau, phòng ốc bài trí lịch sự, nhân viên phục vụ tận tình, còn trong các chuyến đi họ bao gồm luôn cả các bữa ăn cũng tươm tất nhưng đừng trông đợi là tuyêt hảo vì Cuba là xứ nghèo, khép kín cả hơn nửa thế kỷ thì làm sao so bì với những nơi khác? Tuy nhiên trong bữa trưa ở Trinidad, chúng em được đưa tới một quán ăn rất ưng ý, món ăn thì chỉ có gà, tôm, thịt heo hoặc cá thôi, nhưng vì nguyên liệu thật tươi, nuôi hoặc đánh bắt theo phương pháp tự nhiên, nấu khéo nên rất ngon miệng.

    Nhân tiện đây cũng phải đề cập đến nguồn thực phẩm ở Cuba.

    Khi đi thăm các thành phố, xe buýt chạy qua những vùng quê cây cối xanh tươi, ruộng mía, vườn chuối xanh um, có những đàn bò nhiều con đã già, da thịt lõng thõng mà vẫn sống không bị sát sinh. Hỏi ra mới biết ở nước này người ta bảo vệ bò là nguồn sữa cho trẻ, muốn giết một con phải xin phép, còn giết lậu có thể bị án tù từ 7 đến 20 năm. Thế nên thịt bò ở Cuba tương đối ít, người ta nhập cảng thịt trâu để thay thế phần nào.

    Những nơi chúng em đi thăm ở miền trung đảo quốc là vùng đất đỏ như Đà Lạt, đất tốt, màu mỡ, nông dân trồng theo phương pháp canh tác tự nhiên, họ không hoặc chưa biết dùng phân bón, hoặc không nhập cảng phân bón nên rau trái của họ nhỏ cây, tương tự như các nông phẩm mà người Việt mình được ăn thời xa xưa. Rau rất ngọt và đậm đà, nhưng trái cây chỉ quanh đi quẩn lại có chuối, dưa hấu, đu đủ, dứa, ổi chín. Buổi sáng vào phòng ăn họ xay 4 , 5 thứ như dưa chuột, dưa hấu, ổi hay đu đủ với tí nước lạnh, không bỏ đường, kem hay sữa gì cả, uống thật tốt vì toàn là những rau trái trồng theo phưong pháp tự nhiên mà thôi. Tuy không uống rượu như Hemingway với nhiều loại cocktail mà chàng từng pha chế, em bèn bắt chước làm ra mấy món fruit juice coctails bằng cách trộn hầm bà lằng nước dưa leo, ổi, dưa hấu, đu đủ vào với nhau cũng thành món uống ngon đáo để, lại bổ dưỡng nữa, các bác có phục sáng kiến của em không? Đâu thua gì Hemingway?

    Ồ mà quên, nhân bữa lên ăn trưa trên tầng lầu 33 ở Havana, chúng em quá khát nước vì sau 1 chuyến đi dưới trời nắng nóng, nhà hàng dọn coca cola. Mấy năm chẳng uống 1 tí soda, nhưng hôm đó em tính cầm ly lên thưởng thức thì người hầu bàn hỏi có muốn uống Cuba Libre (phiên âm là Kuba Librê ) hay không? Sau một vài giây ngơ ngác con nai vàng thì được giải thích đây là món cocktail ra đời năm 1959, năm cuộc cách mạng thành công, gồm coca cola, mấy lát chanh xanh và Rhum. Bụng bảo dạ đã giải phóng mà sao vẫn phải dựa dẫm vào coca của đế quốc Mỹ nhỉ?

    Sau cùng chúng em tới Cienfuegos, thành phố kiểu Pháp duy nhất ở Cuba, được xây dựng sau này khoảng thế kỷ thứ 18, 19 nếu em nhớ không lầm. Nhà cửa cao rộng hơn là kiểu Tây Ban Nha, và nó còn là 1 thành phố kỹ nghệ nữa. Tuy nhiên cũng không có gì lưu lại cho em ấn tượng sâu sắc, ngoại trừ nơi đây giới trẻ xử dụng điện thoại di động nhiều hơn các thành phố khác, một điều hiếm hoi tại Cuba. Các bác nên nhớ ở Cuba rất khó dùng thẻ tín dụng, internet và wifi hầu như không có, chỉ trừ trong khu nghỉ dưỡng chúng em ở và khách sạn lớn thôi , mà phải ra lobby của họ, mua thẻ, 2 CUC 1 giờ, trong phòng riêng không có. Gọi điện thoại thì 3 đô la 1 phút, có Viber cũng như không .

    Sau 2 chuyến đi này chúng em dành thời giờ thăm thú thành phố Varadero đẹp rực rỡ với những cây phượng vỹ đỏ thắm (em có duyên với hoa này , đi đâu cũng gặp), các loài hoa nhiệt đới và biển xanh màu ngọc bích. Hai mạng leo xe ngựa len lỏi khắp thành phố êm đềm, bình lặng với hàng dừa, những cây xoài quả treo từ ngọn đến gốc. Rất tiếc chưa được nếm mùi xoài Cuba vì còn xanh, tháng 8 mới chín.



    Người tình Cuba ??


    Thưa không, làm gì có chuyện hai bà với … một khách… tình chung như thế ?? Ghen chết đi được!

    Xin giải thích rõ, đây là chàng xà ích đánh xe cho chúng em đi dạo ở Varadero đấy ạ! Đẹp trai ra phết phải không các bác?

    Không lẽ đến một đảo quốc mà lại không tắm biển? Chị bạn đồng hành rất sợ nắng nóng nên không ra biển. 8 giờ sáng em ra đến bãi tắm, chưa có người canh em cũng ung dung xuống nước. Không một bóng người, trời nước bao la thuộc riêng một mình ta, thoải mái chứ? Biển không sóng, không biết bơi nhưng thả nổi cũng đỡ. Khách tạm trú ngủ muộn vì đêm hôm trước chắc còn xem trình diễn văn nghệ, nhảy salsa, rum ba mệt nghỉ và uống rượu lu bù tới khuya. Buổi chiều khi gần hết nắng em cũng chạy ra biển xuống nước thêm một lần nữa cho bõ nguyên 1 tháng mưa gió dầm dề ở Virginia.

    Đến đây lại nhớ đến Jamaica Farewell, lời Việt do Ý Lan hát , mời các bác nghe:

    <iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KedJtlkq0mQ?rel=0" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>

    Bài đã dài quá rồi, em sắp kiệt sức tới nơi, xin nghỉ ít phút để ăn tối rồi sẽ thức tới khuya viết hồi 3 trình các bác. Phần này có thể quan trọng mà cũng có thể không tùy … người đối diện.!!

    Lanspring – Cuba du ký (part 3)




    Nếu các bác còn vương vấn Jamaica Farewell chưa nỡ dứt tình thì xin nghe tiếp Harry Belafont, ghi âm năm 1958.

    <iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/o4r5C6MUqO4?rel=0" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>

    Thôi nhé, mộng mơ đủ rồi, bây giờ em xin có đôi chút nhận xét, biết rằng rất nông cạn, về nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Cuba:


    A. Positive
    (Em không ưa hai từ tích cực và tiêu cực mà văn chương báo chí ở VN hay dùng)

    1. Màu sắc cộng sản rất mờ nhạt ở Cuba . Ngoài đường phố không thấy nhan nhản hình ảnh, khẩu hiệu, cờ quạt tuyên truyền chói tai gai mắt như ở các nước cộng sản Tàu hay Việt. Nqay cả lá cờ Cuba cũng hiền hòa, một hình tam giác sát cán cờ màu vàng nhạt, ở giữa là 1 ngôi sao nhỏ màu đỏ, phần còn lại là 3 sọc màu thiên thanh trên nền trắng. Rất ít hình ảnh của Fidel hay Raul được trưng bày, khác hẳn bác Hồ của đỉnh cao trí tuệ xứ mít! Trên thực tế, người ta thấy hình ảnh của Che Guevara còn nhiều hơn là 2 ông cựu và đương kim chủ tịch nước này.

    2. Hệ thống giáo dục miễn phí, giáo dục cưỡng bách đến hết lớp 9. Y tế miễn phí, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân Cuba được WHO xếp chỉ sau Hoa Kỳ có vài ba điểm.

    3. Môi trường sống trong lành, từ không khí, nguồn nước, nguồn thực phẩm đến đất dai trồng trọt. Thành phố được giữ sạch sẽ, trật tự, không rác rưởi,bẩn thỉu, bụi bặm. Người dân tuy không dư dả nhưng hoạt động nhiều vì phải đi bộ, đổ mồ hôi, không ăn nhiều thịt hay mỡ động vật (vì có đâu mà ăn ?) nên khỏe mạnh, rắn rỏi, đỡ tốn ngân sách để chữa trị bệnh tật .

    4. Đại đa số dân chúng, ngay cả ở thủ đô, là những người hiền lương, không lươn lẹo, ma giáo, không giành giật, tham lam, mặc dù số đông đều nghèọ.
    Một xã hội với những công dân nghèo nhưng luơng thiện là điều hiếm thấỵ. Họ nghèo nhưng ăn mặc tươm tất, sạch sẽ, đúng là đói cho sạch, rách cho thơm .

    5. Không có tệ đoan ma túy, mại dâm


    B. Negative


    1. Quốc gia này giống như ở vào thời kỳ tổng thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng Hòa vậy , lý do: hầu như khung cảnh sống đã ngưng đọng lại ở những năm 1958, 1959 khi cuộc cách mạng Cuba thành công và đà tiến cũng dừng lại ở đó. Người dân ít có cơ hội tiếp cận với những phương tiện tiên tiến .

    Khung cảnh tại những quận lỵ xa xôi hệt như bức tranh Thạch Lam tả trong truyện ngắn Hai Chị Em, hằng ngày chờ chuyến tàu hỏa đến. Từ xe buýt nhìn ra khách thấy người dân buổi chiều cũng đứng trước hiên nhà nhìn ngắm xe chạy qua. Nhà cửa cũ kỹ, tường vách loang lổ, nghèo và buồn. Có những lúc xe chạy trên đường quê mà em ngỡ như đang ở giữa nước Viêt ngày em 12, 13 tuổỉ chứ không cảm thấy mình ở 1 đất nước xa lạ. Nếu ai nặng lòng hoài niệm về một ngày tháng cũ thì nên đến đây.

    2. Giới trẻ ao ước được mở cửa rộng hơn nhưng nhà cầm quyền chưa muốn.

    3. Khi nói chuyện với 1 cặp vợ chồng nghèo tình cờ gặp ngoài phố và khuyến khích họ dựng 1 chiếc xe bán nước dừa chẳng hạn, họ nói là khó lắm, đó là đặc quyền đặc lợi của con ông cháu cha hay quen biết thôị.

    4. Nhìn với con mắt bàng quan thì mọi chuyện có vẻ xuôi thuận, nhưng nếu mình là 1 công dân trong xã hội đó có lẽ tâm cảnh sẽ khác, như các bà áo trắng đòi tự do cho chồng chẳng hạn.

    Có lẽ giới cầm quyền ở nước này cũng đang lo ngay ngáy, mở cửa hay không mở cửa, đó là cả một vấn đề.

    Mở cửa đón nhận các đại công ty vào làm ăn sẽ tạo thêm công ăn việc làm tốt cho dân, lợi tức đầu người sẽ khá hơn, GDP tăng mạnh hơn, người dân được hưởng những tiện nghi văn minh hơn, nhưng đồng thời có phần chắc môi trường sẽ bị hủy hoại nếu không biết theo đuổi phát triển bền vững, thức ăn nước uống sẽ nhiễm độc, sức khỏe dân chúng sẽ xuống dốc, khoảng cách giàu nghèo sẽ tăng, nạn mãi dâm, ma túy sẽ xuất hiện. Người dân sẽ chạy theo đồng tiền và rồi thì nạn hối lộ sẽ hoành hành, kéo theo cả xã hội vào vòng hệ lụỵ

    Thôi thì để cho giới cầm quyền họ lo với nhau. Nghe nói sau Raul Castro sẽ có 1 tay trẻ hơn, chừng 50 ngoài, cấp tiến hơn, được chỉ định làm lãnh tụ. Còn em có lẽ sẽ trở lại trong tư cách 1 tây ba lô trong vòng 18 tháng nữa để có một kinh nghiệm khác, trừ khi có bác nào cần em hộ tống đi Cuba thì cứ trả tiền khách sạn hạng sang cho em là xong.

    Nếu bác nào thắc mắc tại sao em muốn trở lại trong vòng 18 tháng thì cứ gọi điện thoại, em sẽ giải thích. Đừng e mail vì em mỏi tay và mỏi mắt lắm rồi đấy.

    PS: nếu đi Cuba, các bác nhớ đem theo kem chống nắng thứ mạnh và thuốc xịt muỗi nhé.

    Thân mến,

    P.Lan


    nguồn : MP's Blog


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X