Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Guantanamo Bay – Trại tù thế kỷ

Collapse
X

Guantanamo Bay – Trại tù thế kỷ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Guantanamo Bay – Trại tù thế kỷ


    Guantanamo Bay – Trại tù thế kỷ



    Hồi tuần trước, Tổng Thống Obama lại một lần nữa đưa ra kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo Bay, một trong những điều Obama đưa ra ngay sau khi đắc cử Tổng thống nhưng vẫn chưa thực hiện được do sự chống đối của đảng Cộng Hòa và sự ràng buộc của một số yếu tố pháp lý khác. Tại sao một trại tù có sự bảo vệ an ninh tối đa giữa một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, lại nằm trên lãnh thổ của Cuba cộng sản và lại thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, cũng như trở thành một yếu tố chính trị gây tranh cãi ngay tại Hoa Kỳ trong nhiều năm trời ?


    Bên ngoài Trại Delta thuộc căn cứ hải quân Mỹ ở Vịnh Guantanamo, ngày 06 tháng 3, 2013. Photo by Bob mạnh / Reuters

    Từ sau vụ khủng bố 911, cái tên trại tù quân sự Guantanamo Bay của Hoa Kỳ vẫn thường hay xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt từ sau các phóng sự điều tra của New York Times và Washington Post cho thấy các tù nhân tại đây đã chịu sự tra tấn và ngược đãi. Bị tổ chức Ân Xá Quốc Tế gọi là “Gulag của thời đại” – theo tên của trại tù khổ sai của Nga thời Stalin, nhà tù Guantanamo Bay nằm tại Cuba là nơi giam giữ những tên khủng bố đặc biệt nguy hiểm, được thiết lập từ năm 2002 trong căn cứ quân sự của Mỹ tại đây. Một căn cứ quân sự và trại tù của Hoa Kỳ lại nằm trên lãnh thổ một quốc gia cộng sản thù địch như Cuba cũng có lý do của nó.


    Một phần của căn cứ hải quân Guantanamo Base. photo Roberto Schmidt / AFP / Getty Images

    Như hầu hết các nước Mỹ La Tinh khác, Cuba vốn là một đảo quốc thuộc địa của Tây Ban Nha cho đến cuối thế kỷ 19. Năm 1898, sau cuộc chiến giữa Mỹ và Tây Ban Nha , các nước Phi Luật Tân, Puerto Rico và Cuba đã giành được độc lập từ tay Tây Ban Nha qua sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Nhờ vậy, năm 1903 Cuba đã ký khế ước cho Mỹ thuê nhượng vùng đất và biển rộng khoảng 120 cây số vuông tại vịnh Guantanamo để làm căn cứ hải quân và tiếp liệu nhằm đánh đổi sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Vì vậy đây là căn cứ quân sự nằm ngoài nước Mỹ lâu đời nhất của Hải Quân Hoa Kỳ. Năm 1933, Tổng Thống Franklin Roosevelt tái ký khế ước thuê đất với chính phủ Cuba Cộng Hòa có thêm điều kiện là khế ước này chỉ được hủy bỏ một khi có sự đồng ý của cả hai bên. Sau khi Fidel Castro nắm quyền vào năm 1959 và biến nước này thành một nước cộng sản, Cuba không thừa nhận hiệp ước này nên đã liên tục phản đối sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ trên lãnh thổ mình và đòi lại vùng đất này, từ chối nhận tiền Mỹ trả. Nhưng cũng chẳng thể làm gì khác hơn khi phải tuân theo luật quốc tế, Cuba đành chấp nhận sự hiện diện của căn cứ quân sự này. Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh lạnh ngỡ đã xảy ra chiến tranh thật sự khi Liên Xô đưa phi đạn nguyên tử sang Cuba năm 1962, vào thời Tổng thống Kennedy thì căn cứ này vẫn hoạt động dù trong tình trạng báo động và cho di tản gia đình các binh sĩ về Mỹ. Nhưng từ một căn cứ tiếp liệu, căn cứ này cũng biến thành một căn cứ quân sự có chiến đấu cơ, xe tăng, pháo binh hạng nặng, hệ thống giao thông hào, nhằm có thể chống cự nếu Cuba bất thần tấn công vào đây trong khi chờ viện binh từ Mỹ sang, dù điều này chưa hề xảy ra. Với mối bang giao mới giữa Hoa Kỳ và Cuba, căn cứ này có khả năng hoặc Mỹ sẽ trả lại cho Cuba theo yêu cầu để giữ mối giao hảo, hoặc Cuba có thể có những quyết định và thỏa thuận chính thức hơn về vùng đất thuê nhượng này, điều mà giới phân tích cho biết chắc chắn Cuba sẽ mang ra thảo luận với Obama trong chuyến công du sang Cuba sắp tới của ông.


    Căn cứ quân sự này từng được biết đến như một điểm son của lòng nhân đạo nước Mỹ, khi nó đã được trưng dụng để đón tiếp và giúp đỡ cho những người Cuba vượt biên và hàng chục ngàn người tị nạn Haiti đổ ra vùng biển Caribbean vào năm 1993 hay cứu giúp nạn nhân trong trận động đất dữ dội tại Haiti hồi 2010. Nhưng nó được công luận chú ý và nhắc tới thường xuyên kể từ khi trại tù giam giữ những tên khủng bố từ sau vụ 911 cho đến nay. Vài tháng sau vụ khủng bố 911, nhà tù Guantanamo được xây dựng trong căn cứ quân sự này nhằm giam giữ những tù nhân đặc biệt nguy hiểm của Al-Qaeda và Taliban, cùng những tên khủng bố mang nhiều quốc tịch khác nhau bị bắt hay bị giao nộp cho Mỹ. Nằm giữa một căn cứ quân sự kiên cố và trang bị vũ khí tối tân, không có nhà tù nào có được mức độ an ninh cao như trại tù này. Nhóm cố vấn tư pháp cho nội các Tổng thống George W. Bush và Bộ Quốc Phòng cho rằng vì những kẻ khủng bố bị giam tại trại tù không nằm trên lãnh thổ Hoa Kỳ nên có thể không cần phải đối xử theo hiến pháp HK và một số quyền pháp lý theo luật định, cũng như vì là khủng bố nên không được đối xử theo công ước Geneva về việc đối xử với tù binh. Thoạt đầu, Bộ Quốc Phòng giữ bí mật về số tù nhân bị giam giữ tại đây nhưng hãng AP viện dẫn đạo luật về quyền được cung cấp thông tin để có được danh sách những tù nhân, trong đó có những tên đầu sỏ của Al-Qaeda hay những tên mà tình báo CIA đã giam giữ tại những địa điểm bí mật tại nước ngoài được đưa về. Cùng với việc giam giữ vô hạn định không qua xét xử, tin tức bị tiết lộ ra ngoài cho thấy đã có những vụ tra tấn, hành hạ khi thẩm vấn các tù nhân, dẫn đến những sự phản đối của Liên Hiệp Quốc, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế cùng chính phủ Cuba. Một số cuộc bạo động, tuyệt thực hay tự tử đã từng xảy ra tại đây, cũng như các hình ảnh, thông tin mà giới truyền thông đưa ra một cái nhìn đầy bất lợi của thế giới với nhà tù khắc nghiệt này. Yếu tố pháp lý của nhà tù Guantanamo đã đưa đến Tối Cao Pháp Viện với một phán quyết không đồng thuận rằng, những tù nhân tại đây phải được đối xử tối thiểu theo công ước Geneva và có một số quyền lợi pháp lý, nhưng bỏ trống không nói rõ chính xác quyền gì (như quyền được bào chữa, xét xử hay có nhân chứng… theo các thủ tục pháp lý thông thường) . Một loạt các vụ tranh tụng phức tạp khác cũng đã diễn theo sau tại các tòa liên bang và Tối Cao Pháp Viện về tư cách hay danh xưng pháp lý của các tù nhân tại đây, nhằm có thể truy tố trước tòa án binh một cách thích hợp. Cho đến nay thì nhà tù Guantanamo đã giam giữ gần 800 tên khủng bố và các hồ sơ mật bị Wikileaks tiết lộ cho thấy một số lớn nghi phạm tại đây bị tình báo các quốc gia như Pakistan, Afghanistan, Yemen… bắt và bán cho Mỹ. Một số đã chuyển đi hay được trao trả tù binh, trả về cho các cố quốc, hiện đang còn 91 tù nhân.


    Cổng trại Delta – nguồn en.wikipedia.org

    Sau khi nhậm chức, TT Obama đã ra lịnh đóng cửa trại tù này trong vòng một năm nhưng không thực hiện được vì không tìm được nơi giam giữ những kẻ đặc biệt nguy hiểm này, cũng như gặp sự phản đối của đảng Cộng Hòa. Cả hai lý luận đều viện dẫn lý do an ninh quốc gia để đóng hay giữ trại tù này. TT Obama cho rằng trại tù này làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi các tổ chức khủng bố sẽ lấy nơi này làm phương tiện tuyên truyền, chiêu mộ và gieo rắc lòng hận thù của các tổ chức khủng bố với nước Mỹ, đồng thời làm suy giảm mối quan hệ ngoại giao với một số quốc gia đồng minh hay đang hợp tác với Hoa Kỳ về việc giam giữ vô thời hạn các công dân của họ mà không được xét xử, trong đó từng có cả những nghi phạm thiếu chứng cứ để kết tội. Đóng cửa trại tù này còn giúp tiết kiệm ngân sách quốc gia khi chi phí cho nó vào khoảng 400-500 triệu mỗi năm, một trại tù có chi phí thuộc loại cao nhất thế giới. Phía Cộng Hòa thì cho rằng vì an ninh quốc gia nên không thể đóng cửa trại tù Guantanamo và đưa các tù nhân này về các trại tù liên bang trong nước Mỹ. Mặt khác, nhiều dân biểu cho rằng những tù binh chiến tranh này có thể bị giam giữ vô thời hạn, bằng không chúng có thể gia nhập trở lại những tổ chức khủng bố một khi được trả về cố quốc. Chính vì vậy mà trại tù Guantanamo Bay có bị đóng cửa hay chừng nào sẽ bị đóng cửa sẽ còn là điều tranh cãi và còn kéo dài, xét cả hai mặt pháp lý và giải pháp. Dù bất cứ giải pháp nào, yếu tố an ninh quốc gia cần phải vượt lên trên các yếu tố chính trị và đảng phái.


    Một nhóm tù nhân Hồi giáo trong giờ cầu nguyện sáng sớm tại Guantanamo Bay Naval – nguồn japantimes.co.jp

    Dinh Yen Thao

    @BaoTreonline


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X