Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện Hai Thằng - Lê-Phiếu

Collapse
X

Chuyện Hai Thằng - Lê-Phiếu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện Hai Thằng - Lê-Phiếu

    Chuyện ký

    HAI THẰNG

    Để tưởng nhớ đển một người bạn
    đã nằm xuống với vô vàn nhớ thương!....



    TÔI với hắn cùng tuổi canh dần sinh 1950. Nhưng ngoài chuyện tuổi tác ra thì hai đứa hoàn toàn đối ngược, một bên cao lêu nghêu, một bên lùn tịt, tôi thì trắng bóc thư sinh, hắn thì đen xì và lì đòn trầm tĩnh, kg biết sợ hãi là gì. Hắn ở tận Cầu Hai gần đèo Phước Tượng quốc lộ 1, còn tôi ở cống Lương Y trong Thành Nội. Hai thằng từ lúc mạ sinh ra không hề quen biết, ấy vậy mà ở chung nhà, ngủ cùng giường. đi học với nhau từ đệ thất lên đến đệ tứ và suốt bốn năm tuổi thơ, chúng tôi đã song hành với không biết bao nhiêu là kỷ niệm... mà mãi cho tới hôm nay, dù đã quá tuổi lục tuần, tôi vẫn không khỏi rơm rớm nước mắt mỗi lần nhớ đến hắn...

    Bạn tôi, thằng bé cục mịch năm xưa ấy, có cái tên cũng khá dữ dằn không kém nét mặt, Huỳnh Tấn Khiêm. Lúc mới lên 2, Khiêm đã sớm đối diện một bất hạnh lớn nhất đời người, đó là mẹ của hắn mất khi sinh đứa em trai do chứng "sản hậu", chẳng bao lâu sau thì cha có vợ khác...

    Mẹ tôi nhìn thấu suốt hoàn cảnh thương tâm của hắn, nên đã luôn ứng xử như con ruột, do vậy mà hai thằng tôi giống như hai anh em, cái miếng ăn chi cũng được chia đôi ngang bằng, từ chén cơm với nước mắm đong buổi sáng, đến củ khoai, trái bắp và lâu lâu có miếng ngon mỗi lần mẹ tôi trúng mánh ngoài chợ. Khoanh chả, miếng thịt đều được ngắm nghía trước khi cắt đôi. Mẹ hay đưa ánh mắt bảo bọc nhìn hắn rồi lại nhìn tôi và thì thầm "thằng Khiêm... chứ thằng Phiếu mà như rứa thì mần răng giữa Trời đây hè!?"...

    Cuộc đời mỗi người theo tôi thấy, hình như bất luận điều chi cũng có nhân duyên đưa đẩy. Ngay cả chuyện tôi đựợc đi học dưới mái trường làng Tây Lộc, rồi gặp và cùng với hắn sánh bước mỗi ngày trong suốt thời gian đệ nhất cấp cũng không ngoại lệ. Tính đến hôm nay đây đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, và hiện giờ thằng tôi thì đang phiêu bạt nơi xứ người, còn thằng bạn nhỏ năm xưa của tôi đã không còn trên cõi đời này nữa!... Khiềm đã sớm bỏ mình trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn lúc tuổi đời chưa qua 24, chết tức tưởi dưới lằn đạn man rợ cuả quân thù và thân xác vùi dập một nơi nào trong lòng đất mẹ, không ai hay ai biết mà tôi sẽ kể tiếp trong phần cuối...

    Bây giờ xin nói về cái thằng tôi. Niên khoá 60-61 tôi đang học lớp nhì trường Bồ Đề Thành Nội, nơi dãy nhà gỗ dài ngăn ra thành 5 lớp dành riêng cho bậc tiểu học nằm khuất bên hông trái cổng chính của trường. Dãy phòng sơn màu lam, lợp mái tôn này vào giờ ra chơi rất là ồn ào, nhưng trong giờ học im phắt và luôn được đóng kín các cửa, nhất là về mùa đông. Ngoài trời thì mưa gió, bên trong lớp có nhiều ống đèn điện nê ông đựợc bật lên. Tôi thích vô cùng cái ánh sáng màu trắng lan tỏa ấm cúng (nhà tôi thắp đèn dầu hỏa vào thời đó). Vậy mà sau khi cô Lan quê Hội An dẫn tôi lên văn phòng để lãnh quà dành cho học sinh nghèo, gồm gói kẹo nhỏ và cái áo thun sọc màu xanh lá chuối, cũng là lúc tôi bị cho nghỉ học ngày hôm sau vì thiếu tiền đóng học phí. Lúc bấy giờ tôi nào biết chi... còn mừng "húm" hí hửng chờ tan buổi học để chạy về đem áo kẹo khoe và đưa tờ giấy cho ba đọc... Có ai thông cảm cho cái "tội" cha mẹ nghèo làm khổ lây con cái!?.. Sáng hôm sau ngủ dậy, tôi đã khóc nhiều lắm khi tới giờ đi học, mẹ tôi dỗ dành tôi càng khóc to hơn, nước mắt ràn rụa...Tôi buồn ảo nảo và cho đến hết hè năm đó, vẫn chưa thể nguôi ngoai đựợc nỗi nhớ cái màu trắng đèn nê ông và các bạn nhỏ vui đùa. Qua đến tháng chín năm 1961, một buổi sáng cuối thu, ba tôi đã không hỏi không han mà cứ việc chở tôi đến nhà anh rể tôi, tiệm may nhỏ Việt Cường (cũng là tên của anh) ở khu Canh Nông, hoá ra người lớn đã sắp đặt xong xuôi. Từ đây tôi sẽ phải theo học nghề may do anh rể dạy. Xin đựợc nói qua. Ba tôi là "cựu binh sĩ" thời lính Pháp sống nhờ cuốn sổ hưu, mẹ tôi bán nón lá Huế dạo ở chợ Đông Ba. Gạo đong từng ngày. Anh tôi học trường Hàm Nghi và đang vào mùa thi lấy bằng "Thành chung" đựợc cả nhà nuôi hy vọng, dồn hết nổ lực... thỉnh thoảng đựợc tẫm bổ, khi thì cái trứng vịt lộn, khi thì tô phở bò viên giữa khuya để thức học bài. Có một đêm mẹ tôi tay bưng đồ ăn mới mua về và liếc mắt vô giường tôi đang nằm khi đi ngang qua rồi chép miệng "ngủ say rồi, tội nghiệp!.." Mẹ nói rất khẽ nhưng tôi vẫn nghe đựợc và nhắm mắt lại ngay để giả vờ ngủ... Thỉnh thoảng tôi cũng nghe câu "nhà mình nghèo con ạ", mę tôi chỉ góp ý chừng ấy lời là hai người chị tôi nín thinh ngay không đòi hỏi nữa... Tôi út ôi bé nhỏ nhất nhà luôn đựợc cưng chiều mà cũng không ngoại lệ. Cho nên chuyện tôi đi học thành thợ may, một quyết định hệ lụy cả cuộc đời, tôi chỉ biết ngoan ngoãn vâng theo. Thế nhưng, như tôi đã nói ở trên, mỗi con người ta đều có nhân duyên định đoạt, cái số của tôi vẫn còn đựợc chữ "sĩ" chiếu mạng nên chỉ mấy ngày sau... trong lúc dạy đơm khuy áo, bỗng dưng ông anh rể nhìn chăm chăm vào cái mặt sáng sủa, trắng trẻo của tôi rồi biểu đứng dậy đi thay áo quần. Liền sau đó anh rể đã chở tôi qua cống Vĩnh Lợi rồi rẽ trái ghé chợ mua hai cuốn tập cây viết, tiếp tục đạp tới ngã tư Thái Phiên thì ngừng xe trước hai cổng trụ xi măng lớn. Tôi ngước thấy cái bảng hiệu Bồ Đề Tây Lộc. Ôi! Lạy Phật! Lần này thì tôi đã được đi học thiệt rồi... trong lòng tôi reo lên!

    Đào Hoà là thằng bạn đầu tiên, trống đánh ra chơi là chạy ngay tới bên tôi làm quen và gạ gẫm... Đã 55 năm, tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu cái cười môi mỏng dính, mặt rổ hoa và lời hắn nói "nhìn cái sẹo bên màng tang là biết ngay đá "xuya" (hay) rồi! Vô đội tui nha" tôi nhìn Hoà hơi hoảng hốt!.. Tan trường buổi học đầu tiên hôm đó. tôi đi bộ về một mình với cõi lòng hân hoan đến đỗi bị lạc đường hồi nào không hay. Ngay tại chỗ ngã ba cống Vĩnh Lợi, thay vì quẹo trái tôi đã đi hứớng ngược lại. Ở nhà thấy đã quá trưa mà chưa về, Anh rể đạp xe đi tìm và tôi đã khóc oà mùi mẫn khi thấy mặt anh rể...

    Lớp nhất C là lớp lớn nhất trường, có chương trình dạy riêng cho học sinh đã thi rớt "càng-cua" năm trước. Tôi thuộc nhóm "lớp nhất mới lên" nhưng vẫn là lớp đàn anh, lâu lâu tới phiên đựợc phân công cầm thước dài, cho ra trước đứng ở ngoài đường cái để giữ trật tự giờ tan học. Tha hồ trợn mắt la lối lũ "nhí" dưới lớp, cũng oai phong nên thích lắm!..

    Dân húi "cua" chúng tôi vào thời điểm lúc bấy giờ, nhìn con gái cũng đã biết phân biệt và cả thẹn, như Bùi Thị Bé tròn trắng mủm mỉm, Trần Thị Lệ Hiền đen mà có duyên. Nguyễn Thị Hè già và xấu hoắc luôn cười toét miệng.. v.v.. Vậy mà hầu như cả bọn chúng tôi tỉnh bơ mặc tà lỏn, áo may ô, đi chân đất đến trường, chỉ trừ Lê Văn Mau cao quá khổ là không thể bày chân, bày đùi và Lê Duy Đóa tí hon nhất lớp là mặc quần dài áo sơ mi mang giày. Tôi quên, có thêm một lớp sát vách không biết từ đâu tới là hoàn toàn khác hẳn, luôn đồng phục quần dài xanh, áo trắng và bảng tên trên túi áo nghiêm chỉnh thật đẹp mắt, nhìn vào chẳng khác chi trẻ em người kinh giữa đám con nít dân thiểu số! Sau này tôi mới biểt đó Tây Lộc "du học sinh" đệ nhất cấp trường công, đang ăn nhờ ở đậu Bồ Đề tiểu học tư thục của tôi. Chê bai nói xấu theo lối trẻ con là thế, nhưng trong lòng tôi vẫn rất chiêm ngưỡng và thầm ước ao. May mắn thay cuối năm đó tôi đã thi đậu vào Đệ thất còn gọi là lớp TL2, vậy là cái duyên đựợc học trừờng "Tây" của tôi đã thành sự thật (1962-1966) và chỉ duy nhất mình tôi, ở tận cống Lương Y ra tới cuối cửa Đông Ba không còn bạn nào khác nữa, một mình lội ngược dòng để đi học mỗi sáng (thường phải ở lại trưa vì quá xa). Trường nhỏ, thiếu thốn đủ mọi thứ nhưng tình thầy trò bạn hữu càng gần gũi đậm đà, chỉ khổ nỗi là cuốc bộ quá xa, rất vất vả nắng nôi nên lắm lúc tôi cũng cảm thấy tủi thân.

    Nhưng đến giữa niên học 62-63 và liên tục 3 năm sau đó, cái bóng nhỏ của tôi không còn độc hành trên con đường làng nữa, mà đã có thêm hắn, thằng bạn tuy xấu xí mà tốt bụng và nóng như lửa, Huỳnh Tấn Khiêm. Hắn ta thân nhỏ mà đầu rất to, tóc cứng lởm chởm, môi dày thâm đen và đặc biệt hai lòng bàn tay của hắn, chỉ có duy nhất một đường chỉ tay nằm bắt ngang, coi Trời bằng vung...

    Tôi còn nhớ giờ cổ văn một sáng nọ, thầy Lê Văn Chưởng dành 10 phút đầu để cho một thằng nhóc chuyển trường từ Cầu Hai lên, tự giới thiệu và làm quen... hắn vòng tay, lim dim mắt, giọng cố lên xuống nhưng chẳng ai hiểu chi hết, hắn đang thao thao thì thầy Chưởng ra dấu thôi! ngưng!.. cả lớp cười "ồ" hắn cũng cười theo cái miệng rộng toác hoác. Lúc đó Tôi không thích mà cũng không thấy ghét hắn nhưng chẳng để tâm tới...

    Cho đến khoảng tuần sau thì có một sự kiện đã xảy ra và gắn chặt tôi với hắn. Lúc vừa tan học buổi chiều, nhóc con Nguyễn Văn Tường rủ tôi theo sau cô Ngân lên xe buýt Tây Lộc- Đông Ba. Cô ngồi, hai đứa tôi đứng hai bên ghế. cô trả tiền xe cho cô rồi trả luôn thêm một xuất cho hai đứa. Tường xuống giữa chừng vì nhà hắn ở ngã tư cửa Thượng Tứ. Xe đỗ bến Đông Ba, cô còn đi thêm chuyến về "Chợ Nọ" còn tôi lội bộ ngược vô cống Lương Y, thực tình tôi chỉ thích ngồi xe, ngắm phố xá chứ thời gian về đến nhà còn trễ hơn là đi bộ.

    Đang bươn qua cầu để vô cửa Đông Ba thì gió dưới hồ thổi tốc ngược làm bay chiếc mũ phốt nylon. Tôi cố chạy theo để lượm... vừa đúng lúc một thằng nhóc con xuống xe đạp, dùng chân chặn chiếc mũ lại, tôi lại gần thì ra là hắn thằng đầu to Huỳnh Tấn Khiêm, hắn dùng ngón tay cái ra dấu tôi leo lên xe hắn chở về nhà... Mấy ngày sau mỗi lần tan học hắn đều chở tôi về nhưng chỉ ngang ngã tư Đinh Bộ Lĩnh và Lê Văn Hưu, Khiêm đi thẳng vì nhà hắn ở sát bên nhà sách Khánh Quỳnh. Sau này tôi được biết thêm hắn ở với chị Điểm vợ sắp cưới của anh Khuê là anh ruột của hắn. Anh chị rất thương hắn, mua cho cả xe đạp nhỏ (về sau không vừa cho hai đứa ngồi) và thỉnh thoảng được dắt đi ăn tiệm nhưng hắn luôn trề môi phụng phịu đòi cho được dẫn tôi theo mới chịu (sau khi đã về ở chung nhà). Thân nhau chưa tới tuần lễ và hắn chưa bao giờ đề cập với tôi điều chi. Vậy mà một chiều chủ nhật, tôi đi chơi về thì thấy một bác đang ngồi nói chuyện rất tâm đắc với ba mẹ tôi, có thêm chú nhỏ đứng bên cạnh, thì ra ba hắn đã từ dưới làng Cầu Hai lên gởi gấm hắn. Tôi là út, cách khoảng anh chị nhiều năm, ba mẹ thì lo tảo tần, nay có thêm thằng bé trong nhà để bầu bạn cùng tôi, cũng nên lắm! Ba mẹ tôi đồng ý ngay. Tôi như bắt được nhịp cầu qua sông, hai đứa mau chóng trở thành đôi bạn chí thân sau cái đêm nằm chung mùng đầu tiên, rồi cặp kè bên nhau gây nên không biết bao nhiêu "bão tố" cho người lớn trong suốt thời gian 4 năm đệ nhất cấp mà mọi rắc rối hư đốn đều do hắn chủ đạo... Tôi không hiểu lắm nhưng hình như để bù trừ cho cân bằng hay sao!? Hắn chỉ thích lân la chơi thân với loại thư sinh mảnh mai như tôi, Lê Phước Lộc thầy chùa, Nguyễn Văn Tường bước không qua ngọn cỏ, để cuối cùng ngay cả hiền khô như tôi cũng trở thành thứ "học trò quỷ quái" những lần "hú hồn hú vía".

    Chuyện bẻ trộm bắp - Nhà tôi nằm gần sát mí thượng thành, đó là một vòng đai kiên cố xây bằng gạch bọc quanh Đại Nội, xưa kia là cung cấm triều đình nhà Nguyễn. Đứng ở trên nhìn xuống "ngợp" lắm vì vừa cao vừa trống trải, nhìn gần thì bụi cây dây leo đủ loại chằng chịt um tùm, đương nhiên là chỗ ở lý tưởng của bao loài rắn rết hoang dã... Còn nhìn ra xa là cầu Thanh Long mãnh mai thẳng đuột không có vài cầu, bên trái dưới cầu nếu nhìn từ phía nhà tôi là vạt dài cồn cát giữa có nhánh sông nhỏ nối liền tới cống Lương Y. Đó là nói về mùa đông chứ ra tết qua hè thì nơi đây trở thành rừng bắp, một màu xanh bát ngát phủ kín... Tôi và hắn đứng trên Thựợng thành đang chơi thả diều, bóng hai thằng nhỏ xíu. Gió rất tốt để diều căng nhưng bỗng nhiên hắn ngưng thả thêm dây mà nhìn xuống cánh đồng xanh và như suy nghĩ điều chi, sống ở vùng quê từ bé hắn rất rành biết đựợc bắp đã già trái, thế là kế hoạch đã thành hình trong cái đầu to mà cổ ngắn rất mất cân xứng... Hắn rỉ tai tôi "khuya này trèo thành xuống bẻ bắp"... Tôi gật đầu.

    Học bài xong, hai đứa leo lên giường bỏ mùng. Hắn cố thở bằng mũi, mẹ tôi nằm góc đối diện nói vọng qua "ui chao! Con nít thiệt dễ ngủ..."

    Chờ mẹ tôi tới thổi tắt cây đèn dầu xong, hai đứa bò ra...

    Trời tối om, hắn leo xuống trước, dò dẫm từng đoạn rể cây bồ đề rồi đặt bàn chân tôi vào chỗ hốc an toàn, từng công đoạn rất công phu vừa mạo hiểm vừa rất nguy hiểm đến tánh mạng con người mà mục tiêu chỉ để có được mươi trái bắp cắn trong miệng khi leo lên... Chưa nói đến mấy chòi canh, bắt được đánh què giò, bị té ngữa hay rắn rít cắn giữa đêm khuya, ai biết được!? cái giá phải trả quá khủng khiểp mà chỉ đáng năm, bảy đồng đi ra chợ mua. Eo ơi! Cái tuổi học trò ngu muội. Ngu ơi là ngu!

    Chuyện pháo kích "liệng đá". Có một đêm vào giữa khuya, hắn và tôi thức dậy ra sau vườn tiểu tiện cùng lúc. Đứng nhìn cảnh thanh vắng, bóng dáng mờ mờ, im ắng cao thấp vô trật tự của từng căn nhà mái tôn hiện ra giữa nền trời đêm, một ý nghĩ lạ đời nẩy sinh trong cái đầu to dị thường của hắn, thế là hai đứa tôi đã cong ngón trỏ để "ngoéo" Hể thức giấc bất luận giờ nào là rủ nhau ra đây liệng đá thật nhanh liên tiếp ba lần trên ba mái nhà khác nhau (nhà của bà xã tôi lúc đó cũng là một mục tiêu). Hai thằng khởi sự thực hành ngay và nhiều đêm xảy ra liên tiếp như thế đều trót lọt, rồi không hiểu do đâu và từ lúc nào mà cả hai thằng tôi riết đâm "ghiền" cái thứ âm thanh ma quái giữa đêm khuya khoắt, khởi đầu chát chúa tiếp theo sau là tiếng đá lăn loảng xoảng dọc theo đường xối tôn trước khi rơi "bịch" xuống đất, cảm giác "ghiền" của tôi và hắn cũng là cơn ác mộng kinh hoàng của người lớn đang say ngủ... Thứ âm thanh nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò này vang lên giữa đêm khuya khoắt, bất kể giờ giẩc kéo dài gần cả tháng làm chấn động toàn khu phố Thuận Lộc, một số đưa tin đồn "ma trả thù", nhất là xóm tôi ở có cái "pháo lộ" nghe nói xưa kia Tây chết ở đó nhiều lắm. Một số người trẻ không tin chuyện nhảm nhí, âm thầm chia nhóm để thức "canh". Riêng hai thằng tôi, một cao, một thấp, bên trắng nỏn, bên đen xì, một nho sinh đi bên cạnh tướng cướp vị thành niên, thật khó ai mà đoán được! Hai thằng cứ tủm tỉm cười lấy làm đắc chí...

    Và giá như không có cái lần hai thằng đi đại tiện ban ngày tại "lỗ châu mai" mà tầm đạn đạo rất thuận lợi để tác xạ mục tiêu mới khiến hai thằng hứng chí đổi tông "pháo" ban ngày và xui xẻo làm sao cho tôi và hắn vì khổ chủ mới lúc bấy giờ là một lão Bắc Kỳ Bùi Chu thứ thiệt có biệt danh là "Địt mẹ cái nập nà" mỗi lần lão gây gỗ với vợ, cả xóm thường gọi " Nhơn sứt môi" tướng tá rất dữ dằn... Lão ta dõi mắt định hướng và đợi đến tiểng pháo kích thứ ba mới từ bên kia bụi chè tàu lộ diện, lăm lăm trên tay thanh sẳt dài thòng thật khiếp viá! Đi bên cạnh còn có thằng Khánh răng cời con của lão và cũng là bạn của tôi mới chết chứ! Cả hai cha con hùng hổ lùng bắt hai thằng phi pháo. Nhưng địa thế nơi này nhiều ngõ ngách mà cả hắn và tôi đều thuộc làu nên hai thằng dễ dàng né tránh, cuối cùng lách được vô nhà ông thầy Giáo dạy học( tên thầy là Giáo) giàu lòng nhân ái, hai thằng đã được thầy dấu vô phòng riêng của "ái nữ" tị nạn (đã vậy hai thằng còn tha hồ lục đồ cuả tiểu thư), chờ cho tới tối ba mẹ tôi về và lão Nhơn phần nào hạ hỏa, đôi bên người lớn thương lượng ngã ngũ xong xuôi thầy Giáo lúc đó mới chịu mở cửa phòng ái nữ...
    Cả xóm bu quanh và hai thằng giặc ngồi giữa sân, chịu trói hai tay với nhau bằng cái khăn lau mặt cho có lệ vì dù sao hắn và tôi lúc đó chỉ mới 13. Tuy nhiên cũng biết cố ráng thút thít hối cải để người lớn vui lòng. Và cũng từ đêm đó tiếng pháo kích bằng liệng đá giữa khuya đã im bặt...

    "Đi xem tuồng hát bội". Thằng Khiêm "đại soái", sở dĩ bạn tôi có thêm biệt hiệu này là do Trần Mỹ miệng méo, ngồi cùng bàn sát với hắn đã cố tình nhổ tóc ngứa mà hắn cứ để yên, ngày qua ngày đến lúc mất một mảng tóc lớn giữa đỉnh đầu, "Đại Soái" có tên trong danh sách TL2 được khoảng chừng 2 tháng thì xuất hiện thêm Lê Minh Hiệu dân Sài Gòn chính thống, trước kia không biết học đâu rồi chuyển vào TL2, chỉ thấy sống với má, hai mẹ con ở trong rạp hát bội Đồng Xuân Lâu, nước da thằng này cũng ngăm đen, cũng láu lĩnh ba trợn không thua chi hắn... Chúng tôi trở thành bộ ba vì Hiệu còn ở chỗ xa hơn hai đứa tôi, ra khỏi cửa Đông Ba. Buổi trưa phải ở lại trường, nói đúng hơn là cái đình làng nhiều cột, kèo, gươm, giáo, mác bằng gỗ xưa sơn màu đỏ và trắng dụ... Thế là chúng tôi tha hồ mà múa và la hét, không ai cản ai, thầy cô đến 2 giờ mới trở lại dạy buổi chiều. Thằng Hiệu có lẽ đã bị lây nhiễm nặng vì hằng đêm phải xem tuồng và thỉnh thoảng phụ trách kéo màn hoặc cho làm quân sĩ. hắn đứng ngồi không yên, chân tay lúc nào cũng múa máy rất đúng điệu, nhưng cái giọng nam rè rè, ngắt ngắt không giống ai... Khán giả chỉ có tôi và thằng Khiêm vẫn rất nhiệt tình hâm mộ, khoái chí nhất là cái đậm chân điêu luyện của Hiệu đen, kéo theo cà men, chén bát và vài thứ đồ lĩnh kĩnh khác dưới gầm bàn rung lên phụ họa, thằng Hiệu lắc lắc cái đầu diễn xuất hay ra phết!!.. Được một lúc sau thì tiêu hết cơm, bụng đói, thằng Hiệu ngồi bệt xuống đất kêu cái "bịch", hai thằng tôi vỗ tay... hết tuồng, cả ba đứa đứng dậy và cùng ý nghĩ như đã có hẹn trứớc trong đầu, kéo nhau qua cộng đồng Xuân Lộc trộm ổi. Tôi phụ trách đứng dưới lượm, hai thằng đen cùng leo lên một lựợt, thân ổi nhỏ mà rất dai, hai đứa nằm úp cong người trên mỗi nhánh và chỉ một thoáng là nhặt hết già lẫn non, tôi đứng dưới lượm không xuể...

    Màn độc diễn hát bội của nghệ sĩ Minh Hiệu riết rồi đâm ra chán ngắt! Một buổi chiều hẹn hò nhau trước, ăn cơm xong tôi và Khiêm đi ra Đồng Xuân Lâu coi hát bội rạp, trong túi cả hai thằng không có một xu, nhưng thằng Hiệu hứa sẽ ra dẫn vô, vở tuồng tôi còn nhớ là "Tơ vương đến thác" nghe thằng Hiệu nói hay lắm và hai thằng tôi rất háo hức dù không hiểu nghĩa tựa đề là gì và thằng Hiệu cũng chẳng biết giải thích ra sao, hắn chỉ nói vai chính là anh Răng, anh Tít đóng còn có chị Nuôi "độc lắm!" hai thằng tôi mù tịt mà chẳng cần hỏi chi thêm, miễn sao lọt được vô trong chứ đứng ngoài nghe tiếng trống, phèn la vọng ra cũng ấm ức lắm!..

    Ngang qua " pháo lộ" nơi trú thân miễn phí của hai mẹ con thằng bạn Lê Quang Nghĩa, mẹ chằm nón, con nức vành đủ kiếm cơm qua ngày, Nghĩa tuổi sửu, sinh trước hai thằng tôi một năm, học Hàm Nghi trường phố nhưng dưới lớp và "đệt" chứ không được "văn võ" song hành như hai đứa tôi, mỗi thằng một vẻ. Nhớ nhiều lần nấp sau hàng rào, tôi và Khiêm dùng ná cao su bắn rách nát lá cờ bằng giấy học trò mà sáng nào hắn cũng kéo lên trước khi đi học, cột cờ làm bằng thanh tre dài mạ hắn mua chẻ ra làm nón mà hắn nài nỉ xin cho được rồi cột trên cao ngay cửa vòm mạ hắn cúi lưng mỗi lần ra vào, những lần bị bắn rách như thế hắn chỉ biểt đứng mếu máo và dậm chân mét mạ, được thể hai thằng tôi càng làm tới bắn tiếp...

    Lần này để khoe có bạn quen giữ cửa rạp hát, hơn nữa quá tin tưởng lời hứa của thằng Hiệu, tôi rủ Nghĩa cùng đi coi tuồng, mạ hắn tế nhị dúi cho đồng bạc để ngồi coi mua bắp ăn xã giao, ba thằng sau đó đứng đợi trước cửa rạp, đã quá giờ hẹn và tuồng đã diễn mà chẳng thấy tăm hơi thằng Hiệu đâu.. Tôi gợi ý Khiêm lấy đồng bạc của Nghĩa "dúi" gác cửa để vô tìm thằng Hiệu đen, quả là công hiệu, chỉ 15 phút sau là hai thằng đen đi ra, Hiệu và Khiêm đứng bên trong hàng gỗ làm rào ngăn chỉ chỏ một hồi, Hiệu lại gần cho tôi biết chỉ được cho dắt vô một người, quá mừng và nôn nóng sợ trễ tuồng, tôi quên mất thằng Nghĩa, đến khi ngoãnh lại thì thấy thằng bạn cùng xóm đang đứng khóc, hắn khóc nghe rõ cả tiếng "tớt! tớt!" vì nghẹn trong cổ, nên tôi dù còn là con nít, hai chữ đạo nghĩa vẫn hiện ra trong lòng và chính tôi đã nhanh chóng đưa ra đề nghị một cách cương quyết làm "Đại Soái" Khiêm chưng hững nhưng phải vâng lệnh ngay. Thương lượng đổi hai lấy một, Nghĩa vô coi. Hai thằng tôi ra, thằng Hiệu lúc đó đã vội vã chạy đi làm quân sĩ hay kéo màn đâu mất tiêu...

    Chuyện tới đây chưa hết, quỷ dữ vẫn còn đang giăng bẫy tôi và Đại Soái... tiếng chiên trống, giọng ngân ư..ư..ư của tuồng hát bội cứ réo rắt bên tai, tưởng tượng thằng Nghĩa đang há miệng ngồi coi... hai thằng tôi như lửa đốt, bèn tính kế vòng ra phía sau biết đâu tìm ra cái lỗ nhỏ để dán mắt vô. Một tốp thiếu niên mới lớn tụ tập đứng dựa vách thành nói chuyên vang trời. Phiá bên trong bức thành tối thui... một đứa trong bọn xúi hai thằng tôi leo bờ thành nhảy xuống. lì đòn như thằng Khiêm đầu bự mà hắn còn thấy ớn huống chi tôi, một màu đen hơn mực, có thấy chi dưới mà nhảy! Biết ý hai thằng tôi đang nghĩ gì, tên ác độc bèn chuyển hướng "Sợ à! có chi đâu mà sợ!? Cứ đứng đây chờ nghe!" Hắn bỏ đi một hồi khoảng chừng mươi phút sau thì bên dưới có tiếng vỗ tay ra hiệu vọng lên, thằng Khiêm "ùm" ngay xuống liền, tôi không suy nghĩ nhảy theo luôn. Trời ơi! gió rít cả hai tai... Sao lâu chạm đất vậy!? Thật ra nơi nầy là hầm chứa đồ, sâu ơi là sâu!.. Cũng may như có ông bà đỡ đần, mò mẫm từng bước tôi đụng thằng Khiêm cũng đang quơ quơ tay tìm lối ra. Vừa lúc có ánh đèn pin chiếu vào mặt tôi, sau đó một người xuất hiện dắt tay hai thằng kéo đi tới trình diện một bà mập ú ngồi ghế bành, trên đầu có treo tấm giấy thùng to tướng lâu lâu có người tới giật giây để thành cái quạt đong đưa qua lại.. Nghe tiếng nói chính là hắn, thằng khốn nạn xúi giục, Nhưng có lẽ thấy hai thằng tôi còn quá nhỏ cũng động lòng. Bà không quát tháo mà chỉ thiết tha!.. "Lỡ chết thì răng con, răng mà dại lắm rứa!? Thôi lên đó mà ngồi coi, lần sau đừng có liều."

    Vở tuồng "Tơ vương đến thác" tối hôm nọ tôi vẫn chưa hiểu ý muốn nói cái gì nhưng sao nghe na ná chuyện hai thằng tôi vậy? Làm tôi cứ nhớ mãi tới bây giờ... Giã từ tuổi thơ và từ giã cuộc đời !..


    Suốt bốn năm trung học đệ nhất cấp, tôi với Khiêm là hình với bóng, bất luận giờ giấc và ở nơi đâu đều luôn có mặt cả hai thằng, một đen một trắng, bên thấp bên cao, thằng trông hung dữ, thằng hiền như con gái nhà lành... Thấy tôi mãi ru rú trong nhà, mẹ tôi bấm bụng cho tôi được một lần theo hắn về thăm quê dưới làng Cầu Hai vào dịp cuối tuần, lúc đó hai thằng đã ở tuổi 15 bắt đầu vô toán khó "quỹ tích" lớp Đệ tứ và hắn đã biết tự làm ra tiền bằng sức lao động chính mình.. Giai đoạn miền trung bãi khoá (64-65) chống chính phủ mới, các trừờng học đóng cửa vô thời hạn, hắn đã ở lại luôn dưới làng và khi trở lên hắn kể chuyện làm ăn đi "cây", sáng sớm tinh mơ trai tráng cả làng trong đó có cả hắn, đùm cơm nước vô rừng, chiều tối mỗi người vác về một thân cây trên vai để làm cột nhà thế là có tiền bỏ túi. Cây lớn nhỏ tuỳ vào sức vóc, đồng tiền vô túi cũng thế, thằng Khiêm nhỏ tuổi nhất trong đám người khổ cực vậy mà hai túi áo hắn nhiều tiền hơn ai hết... Hôm nay được ngồi chung xe hàng xuyên huyện Huế - Cầu Hai với hắn, đối với tôi đây là lần đầu tiên xa nhà, xa ba mạ và ở lại đêm, lòng tôi không khỏi bồi hồi!... Còn hắn như sóc thả vô rừng, nhìn thấy và nghe giọng điệu đối đáp giữa hắn và lơ xe tôi mới nhận ra cái khoảng cách, thằng Khiêm trong nhà tôi và "đại soái" ngoài đời, theo hắn lần này tôi cũng hiểu thêm vì sao về sau này hắn không còn lủi vô vườn nhà người ta trộm ổi trên đường đi học về chiều thứ sáu để làm quà thăm nhà cuối tuần và có khi vô quán bên đường vào ban đêm, giả vờ chọn kẹo rồi "bợ" luôn cả thẩu loại Thủy tinh đắt tiền của Pháp nhưng hắn chỉ cần cái ăn còn cái dùng thì giá trị gấp chục lần cũng bị quăng xuống cống Lương Y để phi tang. Rồi nào là dép nhật, áo quần, đồ chơi trẻ con.. v.v.. hắn rất bình tĩnh và lẹ tay lanh mắt, hớ hênh là chộp ngay, gọn lỏn... tẩt cả đều để dành cho em hắn gọi là "quà mua từ trên Huế" về...

    Bây giờ thì khác hẳn, về thăm nhà lần này không biểt do có tôi cùng đi, hay nay đã làm ra tiền và đôi chút trưởng thành hiểu biết, mà ngoài quà "mua" cho em, hắn còn biết nghĩ đến sở thích của ba hắn nữa, một hộp bánh quy mặn và gói trà "mai hạc". Thì ra khi đã có tiền, con người ta cũng bớt nghĩ đến điều xấu...

    Đúng hai ngày và một đêm được ở nơi sinh đẻ của thằng Khiêm, tôi theo sau lưng hắn len lỏi mọi ngỏ ngách, thức gần suốt đêm chỉ để ngồi coi và nghe hắn tán dóc với tốp con gái làng gói bánh chưng, bánh lọc để sáng sớm túa ra bán cho khách đi tàu lửa dừng trạm, chung đụng với họ mới thấy hết cảnh khổ!.. Có một con bé khá trắng trẻo tên là Khánh mà nhà cô ta, nói đúng ra là cái lều tre lợp tranh nằm sát biển, ngồi bên trong nghe rõ cả tiếng sóng vỗ rì rào, thằng Khiêm dẫn tôi tới chơi mà không giới thiệu cũng không nói một lời nào, con bé kể chuyện vu vơ tôi cũng chẳng để tâm... Sau đó con bé cho riêng tôi cái thẩu rất nhỏ có hai con cá cũng rất nhỏ màu đen đang bơi. Về lại nhà tôi nói Khiêm mới biết và cứ hỏi hoài "Tại sao cho!?" mà lúc đó làm sao tôi biết được tại sao để trả lời!? Giờ thì đã hiểu nhưng cũng may là tôi đã vô tình để quên thẩu cá trong nhà hắn khi lên xe về lại Huế, không thì cũng là một điều hối tiếc cho tôi bây giờ!?

    Mà không riêng chi bé Khánh, hình như cái nước da trắng hồng, lời nói nhẹ êm của tôi quá nổi bật giữa đám dân làng mà cuộc sống hầu hết là dầm sương dãi nắng... ai cũng nhìn tôi như món lạ dễ vỡ, họ bắt chuyện với tôi cũng khác hơn giữa họ với nhau. Một thằng "Ben" (tên gọi) không quen biết kéo tôi về nhà. Đỗ ra giữa thềm xi măng thùng đồ đạc, tìm cái quẹt lửa "zippo" tặng tôi và rút ra cái hình cũ rich đề thêm hàng chữ xiêu vẹo trình độ cở lớp 3 (viết chậm lắm) "tặng bạn Phiếu Ký tên BEN". Không biết Ben bao nhiêu tuổi nhưng thấp và nhỏ con hơn tôi nhiều, Ben khoe có người chị đầu làm sở Mỹ, hắn nhìn tôi và hỏi một câu vô tích sự "Phiếu như rứa mà răng chơi thân được với thằng Khiêm!?" Tôi quay lại nhìn thằng bạn mới, dáng dấp Ben lụ khụ như một cụ đồ trong tranh vẽ và không biết phải trả lời sao!?

    Ba tháng hè của năm học cuối lớp Đệ tứ đã trôi qua và như mọi khi tôi ngong ngóng chờ.... Thông thường hắn lên sớm trước ba ngày gặp nhau chỗ mẹ tôi đứng bán nón, hắn luôn có nhiều đồ mới vào lúc đó, áo quần, giày mũ. Rồi Trước hết hai đứa xuống rạp Châu Tinh coi phim, đi ăn chè hắn bao hết, thằng Khiêm tuy cục mịch nhưng rất biết ý, Nghĩ hè được về quê, hắn vui, háo hức bao nhiêu thì tôi cảm thấy hụt hẫng bấy nhiêu, không có hắn, lại ở trên phố không tiền xi nê biết đi chơi đâu!? Thế nên gặp lại là hắn như để bù đắp... Vậy mà kỳ này ngày mốt đã đi học trường mới Quốc Học, danh tiếng lẫy lừng, hắn không mê sao? hay có chuyện gì bất trắc ấy!?. Tôi lại ra chợ đứng bên mạ, vừa nhớ vừa lo, mẹ tôi cũng không kém, vắng hắn trong nhà như thiếu cái gì, nhất là hắn luôn biết giữ khuôn phép...

    Ngày khai giảng trường mới, tôi không còn lội ngược dòng như trước, mà hiên ngang ra hướng cửa Đông Ba, nhan nhãn học sinh trên đường phố Phan Bội Châu rồi Trần Hưng Đạo, tôi cứ ao ước... giá như có hắn thì vui biết mấy! Thế nhưng tôi lại chỉ một mình, vừa đi vừa nhớ.... Hắn đang ở đâu và làm gì vào lúc này!? Có đang đi đến trường như tôi!? Chờ tới cuối tuần nghỉ học là tôi đến nhà thăm thầy Chưởng ngay mà mục đích là hỏi tin tức về hắn vì anh Khuê của hắn là bạn của thầy. Tôi bước ra cửa và muốn bật khóc, thầy Chưởng đã cho biết Khiêm không lên Huế nữa vì dưới đó năm nay đã mở thêm lớp đệ tam, tôi không tin lắm biết đâu cái thằng mắc dịch này ham tiền đi "gỗ" (vô rừng đốn cây như đã nói ở trên) và đã bỏ học rồi! Vì thương mà tôi quá tức nhưng không biết làm sao liên lạc được Khiêm!?

    Mãi đến hai năm sau, tôi thi đậu tú tài1, còn hắn không biết đã bỏ học hay thi rớt mà đi lính trung sĩ Quân cảnh, thôi như vậy cũng yên tâm nhưng tôi chỉ nghe nói chứ chưa gặp lại hắn bao giờ. Mẹ tôi nói có một lần thằng Khiêm ghé chợ mua nón bài thơ chắc là tặng bồ, lúc ni mặc đồ lính, cũng ra dáng nhìn không ra. Qua đầu năm 1969, tôi cũng tình nguyện vào Không Quân rồi du học Mỹ mất hai năm, trở về nước lái phản lực A37 phi đoàn 516 ở Đà Nẵng đúng vào lúc cuộc chiến đang hồi khốc liệt, cuốn hút bao tuổi thanh xuân vào cơn lốc bom đạn mà cái chết và sự sống chỉ biết được từng ngày... Tôi đã quên bẵng thằng Khiêm đen!
    Biển cố 75 xảy ra. Vợ tôi lúc đó đang mang thai đứa con đầu lòng sắp tới ngày sinh và chiếc F5 của tôi chỉ duy nhất một ghế ngồi... Tr/u Thành sĩ quan kỹ thuật đích thân hối thúc nhưng tôi đã không thể nào bỏ lại vợ mình với đứa con trong bụng mà ra đi! Đà Nẵng thất thủ và tôi đã bị kẹt lại...

    Rồi sau hơn một năm ở trên trại tù Aí Tử. Một hôm đi rừng để đốn cây, trên đường về bỗng dưng tôi lại thấy nhớ hắn, nhớ đến quay quắt! Nhất là khi nhìn xuống con suối ngay dưới lối mòn, một thằng đang dùng tay vốc nước để uống, cái đầu bự cổ ngắn, dáng dấp giống hệt thằng Khiêm... Tôi quăng khúc cây trên vai và bước xuống, đúng là cái miệng rộng, vành môi thâm tím, chỉ khác thân thể cao to hơn trước, không lẽ là hắn đây sao!? Tôi nhủ thầm, Quân Cảnh hạ sĩ quan cũng bị coi là ác ôn và biết đâu thằng Khiêm cũng bị dưới làng đưa đi cải tạo!? Tôi mon men lại gần... đúng là hắn rồi!

    Tôi tin chắc như thế, nhưng dù sao cũng đã hơn 10 năm xa cách với lại sao hắn chẳng có chút phản ứng chi khi thấy tôi!? Không nghĩ lôi thôi, tôi tới đứng ngay trước mặt:

    - Xin lỗi có phải anh tên Khiêm? Tôi có người bạn giống anh y hệt.

    Bạn kia trả trả lời ngay:

    - Đúng như rứa! Mà bạn của anh là Huỳnh Tấn Khiêm phải không?

    Tôi giật cả người và đang còn ngơ ngác thì bạn kia nói tiếp:

    - Tôi là Huỳnh Sĩ Khiêm, Tấn Khiêm là anh tôi, anh Khiêm chết rồi, chết năm 74...

    Thằng Khiêm em, chẳng ai xa lạ, tôi đã gặp một lần lúc về làng, tôi nhớ ra rồi... nay đã là chuẩn uý, QLVNCH, cũng đen đỉu lì đòn như Khiêm anh, nhưng mặt mày, giọng nói vẫn còn non choẹt...

    Khiêm em buồn bã kể tiếp, tôi cũng đau cả tấc lòng ngồi lắng nghe... "Anh Khiêm ra trung sĩ Quân Cảnh, được ở phố nhưng anh chỉ muốn ra trận, tình nguyện đổi qua Biệt động Quân, VC công đồn bắt luôn vợ con trại gia cư, chia thành hai nhốt riêng mỗi bên, đêm sau thì anh vượt trốn và đã bị bắn chết trước mặt vợ con, xác bị kéo đi chôn đâu mất tới nay vẫn không tìm ra!..". Khiêm em còn cho tôi biết có thêm người anh cả là Tr/tá Huỳnh Tấn Khoa ở cùng Trại 1 với tôi nhưng bọn VC ác ôn canh me suốt ngày đêm cho tới lúc xáo trại, tôi vẫn không gặp được...

    Hôm nay đây dù đã hơn 40 năm nhưng với chương trình HO, hy vọng anh Khoa và Khiêm em hiện đang đựợc ở nơi nào đó trên đất Mỹ này, mong sao có một ngày hạnh ngộ mình gặp nhau để cùng chia sẻ phần nào niềm đau chung bởi lẽ Lê Phiếu và Khiêm anh cũng đã từng như là anh em song sinh một thời thơ dại.

    Một nén hương lòng xin chân thành gởi đến hương linh bạn tôi Huỳnh Tấn Khiêm.

    Lê Phiếu
    Tháng 2- 2016


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X