Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ông Tướng và tôi - Nguyễn Vũ Dương MĐ54

Collapse
X

Ông Tướng và tôi - Nguyễn Vũ Dương MĐ54

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ông Tướng và tôi - Nguyễn Vũ Dương MĐ54

    Ông Tướng và Tôi

    Nguyễn Vũ Dương MĐ54



    Sau trận Cổ Thành và động Ông Đô, Quảng Trị, tôi được lệnh về trình diện tướng Lê Quang Lưỡng. Trước khi vào trình diện, tôi gặp quan ba Hòe, phụ tá trưởng phòng I, quan Hòe cho biết, lệnh của bộ tổng tham mưu cắt dứt quân số, thuyên chuyển tôi về Saigon phục vụ đã hơn tháng nay; nếu ông tướng có hỏi, anh nói giùm sư đoàn bận hành quân nên quên. Nghe nói vậy tôi an tâm, chứ trước đó, đang âu lo, lại có ông bà nào trong Saigon kiện về tội ăn nhậu đập phá các quán bar.

    Lý do là do bởi sự việc đã xảy ra cách đây không lâu. Khi không, đang lặn lội ở bên ngoài. Tự nhiên bị gọi về trình diện tướng tư lênh sư đoàn mà không biết lý do nào. Ngày đó còn tư lệnh, có hỗn danh “Hynos tướng quân” (Trung tướng Dư Quốc Đống, TLND 1964-1972, ngv ghi chú), sở dĩ ông có hỗn danh này nghe đâu qua câu chuyện sau đây. Một lần nọ, khi nhảy dù hành quân vùng Tây Ninh, trong một buổi chiều, mấy ông quan lớn to nhỏ của bộ tư lệnh tiền phương ngồi tán dóc, trong căn lều dã chiến. Tướng tư lệnh hỏi ông quan sáu phó:

    - Ê Phước! sao anh em thường gọi mày là Phước đen?
    - Ông Tướng à, tụi nhỏ chúng cũng nói, trông ông y chang gã da đen hình chụp nơi túp kem đánh răng hiệu Hynos.
    - Ê, bộ tao giống gã da đen đó lắm sao mày?
    - Thưa ông tướng, chắc cũng đâu đó thôi!

    Ngày đó, ông đã ra lệnh cho toán quân cảnh 204 ra tận nơi hành quân, áp giải tôi về trình diện. Khi ấy, tôi hoàn toàn không hay biết lý do; khá âu lo, chuyện gì đây?

    Sao lại một anh đại đội trưởng bị quân cảnh ra tận nơi hành quân, áp tải trình diện tướng tư lệnh? Hỏi quan ba phó cò quân cảnh 204, đại úy Hùng, ông cũng không biết lý do gì, ngoài cái lệnh đi áp giải, quan ba này còn sống và kẹt lại tại Việt Nam sau 75. Trước khi vào trình diện, quan cò phó và bố trung sĩ già, tôi quên mất tên rồi, bố là thân tín giúp việc của tư lệnh. Cả hai đã căn dặn tôi, khi vào trình diện tư lệnh phải đứng nghiêm chào, (dĩ nhiên rồi, chẳng lẽ tại thao diễn nghỉ), và hô xưng thật to, mắt nhìn lên trần nhà, đừng ngó xuống liếc nhìn ông. Điều này được bố già giải thích, ông tư lệnh rất nóng tính, nóng còn hơn cả Trương Phi của Tàu trăm ngàn lần.

    Mỗi khi mà ông lên cơn tức giận và trong khoảng khắc đó, nếu ông đang cầm ba tong, ông sẽ lụi ngay vào người, hay chụp lấy một cái gì đó bên cạnh ném vào người mình, nhớ tuyệt đối đừng né tránh, cứ chịu đau một tí, rồi thì ông sẽ nguôi ngay thôi và tha tào. Xin cám ơn bố già và quan phó cò 204 một lần nữa ở đây.

    Sau khi đứng trước mặt ông, tôi còn nhớ khá rõ, mắt ngó lên trời, miệng hô vang xưng cấp bậc tên Ông tướng nói:

    - ĐM, chỉ huy đánh giặc cũng khá đấy, sao mà là sĩ quan lại đi lấy tiền phá quán bar của người ta.

    Nghe vậy tôi biết mình bị bắt oan, bị gọi trình diện lầm. Tuy nhiên, tôi cũng liều trả lời:

    - Thưa Tư lệnh, tôi không có lấy tiền, chỉ phá quán chút đỉnh, vì chủ quan kinh khi nhảy dù, họ coi thường không tiếp anh em Dù vì nghĩ rằng anh em dù vào quán ăn không có tiền để trả.
    - ĐM, Họ nói chúng mày phá quán và đòi thiệt hại hơn hai trăm ngàn đồng,,,,, mà,,, họ có khinh nhảy dù thật không?
    - Thưa Tư lệnh, nếu họ không khinh khi nhảy dù, anh em đâu có quậy phá chút đỉnh cảnh cáo.
    - ĐM. mày nói thật không đấy? Con mẹ chủ quán đó mà dám khinh khi nhảy dù? ai,,,, ai,,,,,mà dám khinh khi nhảy dù tao bắn bỏ. ,,,. Và rồi, thôi, ĐM, mày đi ra, còn chuyện cái con mụ chủ quán kiện ở Saigon, để đấy tao giải quyết.

    Ra ngoài, tôi thuật lại. Anh em bảo, sao mà ông khôn lanh thế, cứ dổ thừa nhảy dù bị khinh khi là ông tướng chịu ngay, bởi ông nổi tiếng là rất yêu quí binh chủng mình. Sự thật câu chuyện quậy phá quán tại Saigon mà tôi bị gọi lên trình diện chỉ là một sự lầm lẫn tên trong đơn kiện. Người quậy phá đích thực, một ông quan ba cùng tiểu đoàn, tên anh ta và tôi chỉ khác nhau ở vần đầu. Ông quan ba ma mãnh này vẫn còn sống, có ám danh đàm thoại Quách Tỉnh, lệnh Hồ Sung, mỗi lần ngoài trận tuyến, lúc nào cũng xung phong bừa, húc càn ẩu, còn mỗi khi trong bàn tiệc, ít khi nào gã tỉnh rượu, luôn luôn ngà ngà say. Gã gốc người miền Trung và cũng giống như nhiều vị quan sinh đẻ ngoài đó, có tửu lượng nốc khá cao. Trong số các vị quan tá này, có một cặp quan tá khá nổi tiếng trong binh chủng và một trong hai vị này đã phát biểu ngon lành trong bàn nhậu như sau :
    - Quê hương tớ, miền Trung, cái xứ nghèo đến độ cha mẹ đặt tên con đâu có được chữ lót.

    Chuyện ông tướng Hynos nóng tính và nổi tiếng bênh vực đơn vị, không những trong binh chủng anh em ai cũng biết mà còn lan ra tận bên ngoài, như qua câu chuyện, vụ hành quân Hạ Lào, nghe nói trong lúc tức giận, ông đã dùng gậy chỉ huy đập xuống bàn và văng tục cả với vị tướng tư lệnh vùng, khi ông tướng này tỏ vẻ không mấy quan tâm đến sinh mạng của binh lính ngoài trận địa. Kính thưa “Hynos tướng quân”, tiếc rằng khi tôi viết mẩu chuyện này ông đã không còn, ông đã nằm xuống cách nay mấy năm. Đám tang ông, tôi và những người anh em thuộc cấp của ông, có cả ông bà cựu tướng lãnh Mỹ đồng minh, vị cố vấn cũ năm xưa của ông, người bạn đồng minh trung thành của nhảy dù, vị cố vấn này, sau cuộc chiến vẫn luôn luôn ở bên cạnh anh em để an ủi, để bênh vực tinh thần chiến đấu, và cũng đã không ngừng chê trách đám chính trị chính em đất nước Hoa kỳ phản bội lại dân quân miền Nam. Tất cả đã cùng đến viếng nghiêng mình chào ông, một vị tướng thuần túy quân sự, một chiến sĩ nhà nghề không vướng bận cảnh bon chen bên ngoài.

    Trở lại lần này vào gặp tướng Lưỡng, tôi an tâm hơn không âu lo, vì trước đó, phòng I đã báo tin. Sau khi đứng nghiêm hô chào trình diện, ông tướng nói:

    - Nếu tôi nhớ không lầm, cái lệnh cho anh về Saigon tôi đã xem thấy nó hơn tháng nay rồi, giờ sao mới về trình diện.
    - Dạ thưa Tư lệnh, tôi không biết gì, chỉ vừa được lệnh về trình diện Phòng I và Tư lệnh sáng nay thôi.
    - Sao, sáng nay à? đánh đấm cũng được đấy, mà cậu lạnh cẳng rồi sao mà xin về Saigon.
    - Thưa Tư lệnh, quả thực đánh giặc cũng có hơi lạnh cẳng thật, cũng không còn hứng thú, tôi chán nản cảnh sinh mạng con người được mang ra bán rẻ nơi các bàn hội nghị. Nhưng không bao giờ muốn rời bỏ binh chủng.
    - Tùy cậu thôi, nếu không muốn về, cậu có thể ở lại bộ tư lệnh làm việc, đại đội trưởng tác chiến, ra ngoài cậu bảo lệnh của tôi, cậu đến gặp trưởng phòng 3, nơi đó sẽ xắp xếp công việc và chức vụ cho cậu. Khi nào chán nhảy dù thì nói, tôi cho cậu về Saigon.

    Ngày đó, thay vì về Saigon phục vụ, tôi đã xin được ở lại và làm việc tại phòng hành quân bộ tư lệnh tiền phương của sư đoàn. Ít tháng sau đó, trong buổi lễ bàn giao chức tư lệnh sư đoàn giữa tướng quân Hynos và ông tướng một sao thật đơn giản. Buổi lễ đặt dưới sự chứng kiến của ông tướng cũng vừa mới đảm nhận chức vụ tư lệnh vùng, ông xuất thân từ Nhảy Dù và cũng cùng tiểu đoàn của tôi. Nhìn vóc dáng bên ngoài, ông tướng này, trông không khác gì mấy anh chàng hạ sĩ quan ốm con, tàng tàng. Ông quả là một dị tướng, bởi từ cấp bậc nhỏ nhất khi rời quân trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức cho đến lon ba sao, ông đều được lên đặc cách ngoài mặt trận. Ông làm việc gần như trọn 24 giờ một ngày, chiếc ghế bố vải làm giường ngủ, được kê sát ngay sau chiếc bàn làm việc, trên đó dán dầy đặc các bản đồ hành quân. Ông cũng nổi tiếng như tướng Hynos, về tính bênh vực nâng đỡ, ban thưởng cho thuộc cấp, khi những người này làm việc được, ngoài ra ông còn có được một trí nhớ rất tốt lâu dài. Sau khi buổi lễ bàn giao kết thúc, ông và đoàn tùy tùng bước vào ngay phòng hành quân bộ tiền phương sư đoàn. Khi nhìn thấy tôi đứng lên chào, ông nói:

    - Hình như tôi đã gặp anh ở đâu rồi thì phải?
    -Thưa tư lệnh, ngày trước khi tư lệnh còn làm tư lệnh khu XI chiến thuật, thường ghé thăm căn cứ Mỹ Phú Bài/Huế, lúc bấy giờ tôi đang làm sĩ quan liên lạc đồng minh tại căn cứ.
    - Sao? Lúc này anh cấp bậc gì rồi?
    -Thưa tư lệnh, đại úy.
    - Tôi tưởng ít ra bây giờ anh cũng phải đeo lon thiếu tá chứ! Quay sang tư lệnh mới, ông nói:
    - Anh chàng sĩ quan này, hồi còn làm sĩ quan liên lạc, tụi lính Mỹ nó khen lắm. Nếu được nâng đỡ anh ta.

    Cũng cần viết thêm ở đây về tính bao dung và nâng đỡ thuộc cấp của tướng Hynos. Tại buổi lễ bàn giao tại căn cứ Hòa Khánh hôm đó. Khi ngỏ lời phát biểu để từ giã binh chủng, ông đã thẳng thắn nói cho mọi người biết, đúng ra chức tư lệnh thay thế ông, sẽ do một trong hai tướng xuất thân từ binh chủng về đảm trách, một tướng ở vùng IV và một tướng đang chỉ huy đoàn quân Mũ Nâu.

    Tuy nhiên,, trong tinh thần nâng đỡ những người đi sau tiến thân, ông đã đề nghị tướng Lê Quang Lưỡng thay thế và ông cũng nói thẳng cho biết, Saigon đã chấp nhận đề nghị mà không qua sự chấp nhận thông thường của bộ tổng tham mưu. Ít tháng sau nhận chức, tướng Lưỡng đã làm một vài chuyện thay đổi nhỏ trong sư đoàn. Một trong các thay đổi là tất cả quân nhân tác chiến, tên và cấp bậc phải là mầu đen và may dính liền vào quân phục, còn quân nhân phục vụ tại các phòng, ban tham mưu trực thuộc bộ tư lệnh, tên trên ngực áo là mầu vàng. Sự thay đổi này có làm tăng thêm chút ít tính tự hào của mấy anh chàng lội rừng bên ngoài và cũng khá thuận tiện cho mấy anh quân cảnh 204 kiểm soát.

    Tư lệnh mới, người vừa tầm thước, nét mặt hơi đăm chiêu, đôi mắt nhìn xa vắng, vẻ trầm ngâm, Lúc ông còn đảm nhận chức lữ đoàn I, nổi tiếng khá lì lợm, ít nói và gan dạ, không ồn ào như mấy ông lữ đoàn trưởng, lữ đoàn phó khác. Ông cũng thường xuyên ghé thăm anh em tại những đơn vị nhỏ, nhưng cũng chẳng bao giờ tỏ vẻ giận giữ hay la rầy cả mỗi khi anh em không giữ nghiêm được tôn ti kỷ luật. Nếu ở tướng Hynos, anh em binh lính thường hay tránh né gặp ông, vì lo sợ những cơn nóng giận vụt chợt đến, thì ở ông tướng người quê tỉnh Bình Dương miền Nam này, anh em thường hay la cà tìm đến ông để trò chuyện hay cũng cả gan mời ông cùng chén anh chén tôi dăm ba xị.

    Hiệp định ngừng bắn 73, một lối thoát đê hèn của đám chính trị Hoa kỳ áp đặt để có được lợi nhuận trong năm tháng mùa bầu cử. Hiệp định Paris với mười ba quốc gia hạ bút ký chưa ráo mực, thì Cộng quân vẫn tiếp tục đánh phá khắp nơi. Phía đoàn quân Mũ Đỏ đã chỉ phản ứng, sau khi một trung đội nhảy dù nơi tuyến đầu bị đối phương bắt giữ.

    Mậu Thân Huế, lúc đầu lực lượng Hoa Kỳ án binh bất động. Hành quân Hạ Lào, một toan tính triệt hạ sức chiến đấu của quân lực miền Nam. Thị trường buôn bán Hoa Lục bắt đầu được mở cửa, sau chuyến đi của ngoại trường Hoa Kỳ năm 71. Thế trận cờ Domino đổi chiều. Tất cả gây chán nản trong tôi. Do đó, sau mùa Xuân 74, tôi xin phòng I sư đoàn làm sự vụ lệnh, trình tướng Lưỡng, cho tôi rời khỏi binh chủng về Saigon.

    Sáng ngày rời binh chủng, tôi vào trình diện tướng tư lệnh, ông tỏ vẻ thông cảm, chắc ông đã nhớ lần trước, tôi đã thẳng thắn thưa với ông là tôi thực sự đã chán nản cảnh đánh đấm. Xin cám ơn ông tướng, xin cám ơn binh chủng, một đơn vị mà bất cứ người trai nào cũng đều hãnh diện được sống và chiến đấu dưới mầu cờ sắc áo, “một ngày Nón Đỏ, một đời Nón Đỏ”. Một đơn vị mà mọi người phải sống và chiến đấu ở ngay vùng tuyến đầu, phải gánh chịu những trận đánh phá khốc liệt, gian khổ nhất của kiếp người. Đó cũng là câu giải đáp, sau cuộc chiến, anh chị em nhảy dù sau bao nhiêu năm vẫn quây quần bên nhau như anh em ruột thịt của gia đình Mũ Đỏ. Nhận xét này là của vị tư lệnh lữ đoàn 4 nhảy dù, ông hiện đang sinh sống tại tiểu bang Florida Hoa Kỳ.

    Chiến cuộc kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1975, bằng sự phản bội của Hoa Kỳ, sự lật lộng đê hèn của Cộng Việt, thêm váo còn có sự tiếp tay tạo kết thúc mau chóng là đám truyền thông báo chí Mỹ, và có cả những tên khoa bảng miền Nam hám danh lợi và những tên đội lốt tôn giáo đã lợi dụng sự tôn trọng tư do và tính nhân bản của quân dân miền Nam. Vì nếu không có những điều này, không bao giờ cộng sản Việt lấn chiếm trọn miền Nam.

    Trải qua hơn mười năm tù đày, tôi vượt thoát sang đây và rồi lại gặp được tướng tư lệnh, Lê Quang Lưỡng. Đại hội gia đình mũ đỏ tổ chức nơi tiểu bang Florida hơn mười hai năm trước đây, lần đầu tiên tôi gặp lại ông sau rất nhiều năm xa cách, tướng tư lệnh đoàn quân Dù. Vẫn dáng người năm xưa, vẫn khuôn mặt và tướng đi người niềm Nam hiền hòa và vẫn còn điếu thuốc lá cầm tay để xuôi người đưa ra xa, bởi chắc ông không chịu đựng được mùi khói thuốc, Tôi tiến lại đứng nghiêm chào trước mặt ông, lúc ông đang đứng trò chuyện cùng quan năm lữ đoàn 4.

    - Kính chào tư lệnh, tư lệnh còn nhớ tôi không?
    - Ông dơ tay chào lại, cũng cần xin viết thêm về cách kiểu chào tay của ông, gần như có một không hai trong hàng ngũ tướng lãnh, nó giống y như kiểu cách chào của mấy anh lính già lê dương Pháp, hay kiểu chào của mấy anh chàng binh lính quân đội hoàng gia Úc. Bàn tay phải xòe ra, tay đưa lên cao ngang đầu và bỏ xuống phía trước. Nhíu đôi chân mày, ông tướng nói:
    - À tôi nhớ ra anh rồi, lúc còn ở Quảng Trị, anh nói, anh lạnh cẳng xin về Saigon. Sao? qua đây lâu chưa?
    - Thưa Tư Lệnh, tôi mới sang đây thôi, sau 75 bị bắt và đi tù hơn mười năm, về vượt thoát sang đây bằng ghe.
    - Thưa tư lệnh, nếu nhảy dù về lại, tư lệnh vẫn chỉ huy anh em?
    - Hy vọng thế !, mà tôi chắc anh cũng về và sẽ không còn lạnh cẳng đấy chứ?
    - Thưa tư lệnh, dĩ nhiên rồi, không còn lạnh cẳng nữa đâu. Bởi nếu có trở lại, tôi tin anh em Dù sẽ dánh đẹp, đánh thẳng tay và nhanh gọn hơn trước nhiều.

    Sau nhiều năm mới lại được gặp ông, tuy vẫn vóc dáng ấy, vẫn tướng đi của người miền Nam chầm chậm, cái đầu lưng hơi cuối xuống vì tuổi già chồng chất, mái tóc đã muối tiêu khá nhiều và thưa thớt. Nét mặt ông thật lạ buồn mỗi khi nhìn anh em chúng tôi, và qua đó tôi hiểu được nỗi đau đớn đến tận cùng của một người làm tướng bị bức tử khi không thể làm gì tốt hơn cho thuộc cấp. Ở trong ông, tôi tin, ông đang mang mặc cảm của một người chỉ huy không xứng đáng, trong khi mình vẫn còn mà lại có rất nhiều người dưới quyền phải chịu cảnh chết chóc và tù đày.

    Thưa ông tướng, ở lớp tuổi của ông và chúng tôi, kiếp con người được sinh ra nơi đất nước có quá nhiều đau khổ. Chào đời đầu cuộc chiến, trưởng thành trong bom đạn và khi tiếng súng ngừng nổ lại chịu cảnh đọa đày trong lao tù hay phiêu bạt lang thang sống tha hương. Duy có một điều tôi và cũng không riêng gì ông tướng và các cựu chiến binh Dù, tất cả không bao giờ hổ thẹn là mình đã chọn lựa đúng con đường đi, đã chiến đấu đúng vì lý tưởng tự do và dân chủ nhân bản cho quê hương. Gần bốn mươi năm sau tháng tư 75, và mặc dù nhiệm vụ chưa hoàn thành, nhưng các cựu chiến binh Dù vẫn luôn giữ được khá trọn vẹn là những con người Việt Nam chân chính.

    Hằng năm anh chị em Dù đều có tổ chức các đại hội và ông tướng cũng thường xuyên về tham dự, ông chỉ không đến dự, khi sức khỏe không cho phép. Ông mất năm 2007, nhà quàn nơi ông nằm, tọa lạc tại vòng đai bên ngoài một thành phố nhỏ hiền hòa, ở giữa đoạn đường đi từ San Jose và Orange county. Nơi đây nó cũng tương tự như quê hương tỉnh Bình Dương, cũng ở vòng đai bao quanh của Saigon, xứ hiền hòa nổi tiếng có rất nhiều loại cây ăn trái thơm ngon.

    Những điều ông căn dặn trước khi mất, tang lễ không nên có bất kỳ một lễ nghi quân cách nào ngoài lễ nghi tôn giáo và anh chị em nhảy dù, nếu có đến viếng thân xác ông lần chót, cũng không nên bận quân phục. Đám tang ông, tôi và anh chị em các cấp trong binh chủng đến viếng khá đông. Tuân theo lệnh, đã không có một chiếc nón đỏ và bộ quân phục mầu hoa rừng nào của ngày trước.

    Tuy chiếc nón đỏ và bộ quân phục hoa rừng, ông cũng đã bận chỉ vừa mới đây, khi tham dự các đại hội thường niên cùng anh em. Bộ quân phục đã đi vào lịch sử và niềm tự hào của những chàng trai đất Việt, và chính ông là người đã cưu mang nó từ ngay sau khi rời quân trường huấn luyện sĩ quan trừ bị khóa 4 Thủ Đức.

    Tất cả đến, để được kính chào lần sau cùng trước vị tư lệnh của binh chủng, vị chỉ huy hiền hòa khả kính. Trong tang lễ tiễn đưa, ngoài anh chị em Dù, còn có những cựu quan chức lớn nhỏ khác binh chủng và dân sự, và cũng có cả những quân dân cùng làng quê với ông, (hội đồng hương Bình Dương) như người bạn của ông, vị quan sáu chỉ huy trưởng pháo binh Dù.

    Ngồi nơi hàng ghế đầu trong nhà quàn là người bạn đời trong suốt hơn nửa thế kể trong tình nghĩa vợ chồng với ông, bà ngồi im bất động câm nín nhìn thân xác ông trong quan tài, bên cạnh các cô con gái đã trưởng thành và đàn cháu của ông bà. Tôi cảm nhận được trong thâm tâm bà, nỗi đau đớn đến tận cùng đã mất đi người đàn ông mà bà đã từng chia sẻ những ngọt bùi, những lo âu sợ hãi thời ông còn tham dự các trận đánh khốc liệt ngoài chiến trường và cả lẫn đắng cay trong tình nghĩa vợ chồng.

    Khi ấy, tôi cũng chỉ biết ngỏ lời chia buồn qua với Mỹ, người con gái trưởng của ông bà, rằng con người ai cũng phải chấp nhận số phận. Với tôi, trên thế giới này, chỉ có người phụ nữ Việt Nam, nhiều nhất là những người vợ của lính, cùng một lúc phải hứng chịu cảnh mất cha, mất chồng và mất cả những đứa con thân yêu khi tuổi chúng vừa mới trưởng thành, họ chính là những người mẹ muôn đời đáng kính của quê tôi.

    Kính thưa bà, chúng tôi cũng vừa mất đi vị chỉ huy thân thương khả kính, người thầy, người bạn dồng hành của những người đã chọn đúng lý tưởng phục vụ cho đất nước mình chào đời. Và ở nơi nào đó, tôi tin, ông sẽ luôn phù trợ cho bà, những con cháu và cho cả chúng tôi nữa; bởi ước vọng của ông và chúng tôi về một nước Việt Nam có tư do và dân chủ thật sự vẫn chưa có được hôm nay. Các chiến binh Nhảy Dù vẫn luôn luôn phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, thưa Đích thân Tư Lệnh.

    Dư luận trong tang lễ ông, không có lễ nghi quân cách dành một cấp tướng, đã dấy lên vài làn sóng tranh luận về việc này. Có người nói, không riêng gì một ông tướng mà chỉ là một quân nhân bình thường, một khi họ qua đời, quan tài họ phải được hưởng nghi lễ phủ cờ quốc gia mình phục vụ hay cũng như là một minh xác nguồn gốc quốc gia của người quá cố. Có người nói nghi lễ phủ cờ quốc gia, chỉ thực hiện khi đang còn cuộc chiến và nhất là quốc gia đó vẫn còn tồn tại theo quan điểm định nghĩa của Liên Hiệp Quốc. Điều này, tôi nhớ lại, trước khi ông qua đời có một lần ông đã bày tỏ cảm nghĩ, đi lính lên đến lon tướng, nhất là tướng bị thua trận, kể cả bị bạn đồng minh phản bội tạo nên. Vậy khi chết, đâu có còn xứng đáng gì để mà hưởng những lễ nghi quân cách. Quan điểm của riêng tôi, vấn đề tùy mỗi người suy nghĩ , và tôi đồng ý với ông tướng,. Những con người chính trực gần như không bao giờ họ tỏ vẻ cho ai đó ca tụng họ.

    Ngày nay, quan điểm nên hạn chế các lễ nghi quân cách đã được nhiều người đồng thuận. Xin cám ơn ông tướng, khởi đi từ tang lễ ông đến nay, đã bớt đi rất nhiều cảnh nhố nhăng của mấy ông quan lớn bé bày trò, để đánh bóng tên tuổi hay hội đoàn tổ chức của mình trong các dịp tang lễ. Cũng sau 1975, nổi lên khá rõ nét những kẻ đã hại dân hại nước, khi vừa mới trước đó, họ là những người đã ăn trên ngồi trước. Lòng tự trọng và liêm sĩ tối thiểu của con người, được đổi lấy bằng sự luồn cúi, để có chút cặn bã miếng ăn thừa của đối phương. Tuy nhiên bên cạnh đó, ông tướng là một trong số ít người chỉ huy, sống âm thầm câm nín, tôi chưa bao giờ thấy ông sinh hoạt hay phát biểu này nọ về cuộc chiến, ngoài sinh hoạt cùng anh chị em cựu chiến binh nhảy dù mà ông luôn luôn coi trọng, cũng như mang cả nỗi mặc cảm tội lỗi trước những người dưới quyền mình.

    Kính thưa tướng Tư Lệnh, Lê Quang Lưỡng, số báo Mũ Đỏ này, số đặc biệt nói về các tướng quân. Theo “mệnh nệnh” của Mũ đỏ hạ sĩ khinh binh Phan Bội Yên, tiểu đội trưởng ban biên tập của tờ báo, tôi tản mạn viết về ông, vị tư lệnh cuối cùng binh chủng Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong miền tin về quê hương nhất định có tự do và dân chủ trong nay mai. Kính xin Đích thân Tư Lệnh, vui lòng cùng đồng ca với anh chị em chiến binh Dù bản “Sư đoàn Nhảy Dù hành khúc” và hô to vang với chúng tôi, ba lần: “Nhảy Dù Cố Gắng”



    Nguyễn Vũ Dương, MĐ54
    Source: "http://www.quehuongngaymai.com"


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X