Thông báo

Collapse
No announcement yet.

CƠN ÁC MỘNG 30 tháng tư 75.

Collapse
X

CƠN ÁC MỘNG 30 tháng tư 75.

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • CƠN ÁC MỘNG 30 tháng tư 75.

    CƠN ÁC MỘNG 30 tháng tư 75.
    Trần Khánh Liễm.

    ( bút ký : cơn ác mộng của một nhà giáo tôi gặp trên hải trình HQ 801 đêm 29.4.75).

    Suốt đêm tôi nằm trằn trọc không ngủ được. Cả tuần tôi chạy khắp đó đây, tìm đủ mọi cách để có thể thoát ra khỏi nước.
    Bây giờ vận nước đã tới lúc tuyệt vọng vô phương cứu chữa
    : miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản.

    Tôi chạy tìm gặp mấy người bạn không quân, không gặp được người nào. Cố vào phía hải quân, tôi không cách nào lọt qua vòng đai để vào bến Bạch Đằng. Nhìn lại mấy thập niên qua, sau khi ra trường trung học, bạn bè mỗi người đi một ngả. Một số bạn : đứa tình nguyện học các lớp sỹ quan, đứa nhận lệnh động viên, đứa đi du học đã về làm việc ở nhiều cơ sở.. Số còn lại theo nghề giáo. Chúng tôi thi vào đại học sư phạm. Sau khi ra trường, mỗi người được bổ nhiệm một cơ sở trong khắp miền Nam. Một vài người tùng sự ngay ở Sài Gòn. Dù thế nào đi nữa, chẳng mấy ai có dịp lui tới liên lạc với nhau, ngoại trừ những lần chấm thi chẳng may trùng vào một hội đồng giám khảo. Trong những dịp này, cũng chỉ chào hỏi, rồi mạnh ai nấy làm những việc riêng của mình.

    Tình bạn sau khi ra trường , mỗi người một ngả, không còn thắm thiết như lúc còn ngồi học trong một mái trường. Với nghề thày giáo, tôi cũng như các bạn cùng lứa. ngày nào cũng tới trường trong những thời biểu ấn định. Tan trường trở rồi về nhà, lo cho vợ con cũng đủ mệt rồi : không có thì giờ cho bạn bè. Tất cả những bạn thân nhất của tuổi trẻ cứ dần dần rơi vào quên lãng vì nghề nghiệp, vì hoàn cảnh chiến tranh, vì những trói buộc riêng của mỗi người.

    Lúc này tôi mới thấy hối hận. Tôi đã lầm khi nghĩ rằng cuộc sống của mình quá ổn định, không cần có những liên hệ với ai. Tôi tự trách mình sống quá ích kỷ, không biết tới ai. Nếu tôi đã không liên lạc, hay giúp đỡ bạn bè, thì làm sao tôi có tư cách gì đi tìm bạn bè giúp tôi trong lúc này.

    Từ khi phi trường bị pháo kích, mọi người chạy tán loạn. Cửa phi trường đóng kín. Một hy vọng cuối cùng là người ta túa tới phía hải quân, đó là lối thoát duy nhất, là hy vọng cuối cùng.

    Tôi thu dọn những thứ cần cho gia đình. Mỗi người một bao gồm quần áo, một vài món cần thiết, một ít lương khô. Vợ chồng tôi mỗi người giữ một ít tiền, một ít đồ nữ trang hòng khi kẹt có còn chút ít để lo cho các con. Tôi chất đầy chiếc xe hơi : vợ con, bố mẹ và người em ruột của tôi. Xe trực chỉ đường Phan Thanh Giảng, rồi phía Hai Bà Trưng xuống Bạch Đằng. Đường phố chật ních, cuối cùng tôi đã tới nơi. Tôi dìu mọi người ra khỏi xe. Chiếc xe được khóa cẩn thận tại một góc đường, hòng khi không thoát được vẫn còn phương tiện trở về nhà.

    Chúng tôi đến tới phía ngoài hàng rào bến Bạch Đằng vào lúc năm giờ chiều tối 29 tháng tư. Tôi thấy ghê sợ với một lớp người chật như nêm chen lấn vào phiá hàng rào kẽm gai. Quân nhân hải quân cầm súng giàn hàng ngang ngăn chặn không cho ai ra vào, ngoại trừ lâu lâu có một hai quân nhân đưa gia đình tới, thì hàng rào lại hé mở. Lợi dụng thời cơ, một số người khác cũng chen lấn lọt vào được. Thế là cơ hội may cho họ, cũng lợi dụng theo gia đình những người lính tiến tới bến tầu.. Người đâu tới đây lúc này sao mà đông thế. Họ chen lấn nhau lên cầu thang giữa những tiếng la lối, cãi cọ không ai nhường ai, không có một kỹ luật một chút nào.
    Ai cũng nói mình là gia đình hải quân để có ưu tiên lên tầu.

    Một hồi lâu, lớp người lại ùa vào hàng rào với sức đẩy mãnh liệt. Lúc này trời đã tối hẳn, không khí trở nên gay gắt quyết liệt hơn, hàng rào kẽm gai một lần nữa lại bị chọc thủng một khoảng gần nơi chúng tôi đứng. Thế là cũng giống như nước vỡ bờ, chúng tôi bị cuốn đi theo lớp người này : lẫn lộn với quân nhân và gia đình của họ. Chúng tôi cố ghì tay đưa nhau vào gần tới phía bờ sông. Bỗng dưng vợ con tôi bị buột khỏi tay tôi. Tay tôi chỉ còn nắm được tay ba mẹ tôi. Mắt tôi mờ đi, tay tôi khùa khoạng như điên khùng. Trời ơi ! thằng em tôi, vợ con tôi bị lùa tới đâu tôi không hay biết.Tôi khóc tru trếu như đứa lên ba. Tôi lảo đảo không đứng vững. Tôi mất vợ, mất con. Tôi đã mất hết. Một hồi lâu, ba mẹ tôi dừng . Ông bà quyết định không tiến tới nữa. Ông bà lùi lại, coi như là những người thua cuộc đành trở về nhà.
    Tôi thất thểu như kẻ mất hồn bước đi theo sự xô đẩy của lớp người từ đằng sau. Tôi khùa khạo đi từ cầu tầu này tới cầu tầu khác. Tôi khản cổ kêu tên vợ tôi, kêu tên con tôi. Giữa những chấn động, tôi vẫn kêu thét nhưng không tìm thấy vợ con tôi. Lớp người cứ xô đẩy tôi, tôi bị trôi dạt tới cửa hải quân công xưởng, rồi trôi theo lớp người đi tới từng cầu tầu.
    Người lúc này đông đến độ không thê chen chân. Cầu tầu nào cũng như nêm. Người đông như kiến, chen chúc trèo lên nhau để lên tầu. Có những người xẩy chân rơi tõm xuống sông, có những người bị dẫm lên người kêu oái oái. Tôi lần mò mãi tới gần nửa đêm, theo người khác lên chiếc tầu há mồm HQ 801. Cũng nhờ chiếc tầu to lớn này có khả năng chứa nhiều ngàn người bất hạnh còn một chút niềm tin để bám víu lấy.
    Vào đúng nửa đêm, cầu tầu được rút lên. Con tầu từ từ rời bến. Tôi đã được cứu sống. Con tầu này chính là niềm tin để chúng tôi có thể bấu víu trong lúc vô phương thế rời khỏi Sài Gòn mà không biết sẽ về đâu.
    Tôi lần lên trên boong tầu, tránh cảnh chật chội. Tôi như người mất trí. Miệng tôi khô, cổ tôi ráo. Tôi mất hết không còn gì trên tay, ngoại trừ một chút tiền và đồ nữ trang. Với những món này, có ích lợi gì trong lúc này. Tôi đã thất lạc vợ con. Tôi không hiểu lúc này vợ và các con tôi ở đâu, còn sống hay có ai bị rớt xuống sông như tôi đã chứng kiến cái cảnh chen lấn nhau lên tầu đêm nay. Tôi muốn gieo mình xuống giòng sông. Nhưng làm thế để làm gì, có giải quyết được những bế tắc đang đè nặng trong tâm can tôi.. Tôi nghĩ không lẽ tôi lại hèn đến độ hủy hoại đời mình ? giả dụ vợ con tôi còn sống, khi không còn tôi ở trên mặt đất này, thì việc kết liễu đời sống là một quyết định ngu xuẩn. Tôi phải sống, tôi phải nuôi hy vọng để có thể gặp lại gia đình.

    Tôi lần mò tới một góc trên boong tầu, ngồi dựa lưng vào thành tầu. Tóc tôi rối bời, tâm hồn tôi hoàn toàn suy sụp. Đôi mắt tôi mờ đi vì rướm lệ. Sau mấy tiếng đồng hồ ngụp lặn tìm vợ con, tôi bị trôi đi theo làn sóng người xô đẩy, ồ ập, vội vã, dành giựt nhau để bám lấy một chút hy vọng cuối chót của cơn cuồng loạn mong thoát ra khỏi cõi chết.

    Lúc này tôi không còn chen chúc, nhưng tôi được yên thân co ro người tôi vào một xó trên boong tầu. Gió phả vào mặt tôi mát rượi. Chiếc áo sơ mi rách tả tơi ướt đẫm mồ hôi lúc buổi tối, giờ này từ từ khô lại. Cổ họng tôi khô ráo không có lấy được một giọt nước. Lưỡi tôi đắng như mật. Tôi nhìn lên tầng mây cao xám xịt, thỉnh thoảng thấy những vì sao lấp lánh. Tôi cầu mong những vì sao đó hẳn không phải là những oan hồn của vợ con tôi. Tôi là một trong những người tin linh hồn bất tử, khi mãn cuộc đời, linh hồn người ta bay lên ở trên những hành tinh sáng chói đó. Tôi không muốn những ánh nhấp nháy trên không trung biểu hiện một truyền cảm, vì tôi tin vợ con tôi vẫn còn sống trên chốn dương gian này. Tôi hy vọng nay mai, chúng tôi sẽ lại còn tìm gặp được nhau. Nghĩ rồi nước mắt tôi lại chan hòa. Tôi lại trở về cái trạng thái như bóng không hồn trôi vật vờ theo gió thổi, theo làn sóng nhấp nhô lầm mũi của cuộc sống. Tôi không làm gì cưỡng lại được định mệnh. Tôi thụ động và bó tay trong lúc này.

    Tôi lại bắt đầu cật vấn lương tâm. Trong gần hai mươi năm trôi nổi từ Bắc vào Nam, học hết trung học, rồi đại học. Năm 1962 là năm các bạn tôi nhận được giấy động viên. Họ can đảm xông pha chiến trường: có đứa đi mịt mù không thấy tăm hơi, có đứa chiến công hiển hách đón nhận huy chương, tuyên dương công trạng, cũng có đứa đã anh dũng bỏ mình vì tổ quốc, để lại cảnh vợ góa con côi. Những hình ảnh đó mang lại cho tôi một cảm nghĩ hãnh diện cho các bạn bè của tôi : làm trai cho đáng nên trai là thế.

    Còn tôi, tôi trở thành một nhà mô phạm. Tôi mang ơn nhà nước nhờ được hoãn dịch để gây dựng tương lai cho lớp trẻ. Tôi đã làm gì cho xứng với cái biệt lệ đã dành cho tôi ?

    Chính ra ở hậu phương, ngoài việc dạy dỗ lũ học trò, tôi phải sát vai kề cánh với mọi người, tôi phải cộng tác xây đựng một xã hội lành mạnh ở hậu phương mới phải.. Thế nhưng, ngoài việc dạy học, tôi chỉ lo vinh thân phì gia, không biết những gì đang xảy ra chung quanh tôi.
    Tôi không làm gì để ngăn ngừa giới trẻ đang chạy theo tiền bạc, chạy theo những cám dỗ trong một xã hội mà quân ngoại quốc đang đổ dồn quân lực, tiền bạc và mọi thứ phản luân lý đang hủy hoại những mái đầu xanh. Những tệ trạng này đưa tới một xã hội bị suy đồi, tới chỗ không còn một hy vọng nào cứu vãn. Các học sinh nam của tôi trở nên chểnh mảng việc học hành, sống vội vã vì tương lai không bảo đảm, vì đe dọa của chiến tranh. Các nữ sinh của tôi đang học mau anh ngữ, kiếm thêm việc làm ở sở mỹ hay những cơ quan liện hệ đến việc cung cấp giải trí cho quân đội đồng minh. Quần áo chúng lúc này có vẻ tươm tất hơn, mặt mũi chúng có vẻ tươi tỉnh diêm dá, son phấn nhiều hơn.

    Những gì đang xảy tới cho xã hội, không ai bảo được ai, không ai nói cho ai có thể nghe.
    Cái xã hội đương từ từ lâm vào cõi hoang tàn. Cảnh sống xã hội thay đổi mau lẹ một cách đột ngột. Vật chất đã lôi cuốn và chiếm hẳn lấy tâm tư của đa số quần chúng, cả những giới có trách nhiệm với tiền đồ của dân tộc.
    Xã hội miền Nam bất ổn, hết cuộc đảo chính này đến cuộc đảo chính khác. Miền Nam mỗi lúc một yếu dần để đưa đến cảnh sống ngày hôm nay : là mỗi ngày một tin rút quân, một tin mất tỉnh này tỉnh kia, quân thù đã kề cận và đây là lúc tất cả đang tháo chạy thay vì đứng lại để quyết chí tử thủ.

    Tôi và tất cả mọi người đều tham dự một vai trò trong xã hội và phải nhận lấy phần trách nhiệm và những lỗi lầm của mình đối với dân tộc, với lịch sử. Cái tội tầy trời đó, cái tội trực tiếp hay gián tiếp dâng quê hương yêu dấu và những người dân lành cho một lũ lang sói đằng đằng sát khí.
    Tôi tự trách mình không đóng góp được những phần đáng kể với cái vốn liếng học thức của tôi. Tôi không thay đổi được cuộc sống của tôi và những người chung quanh tôi để hiệp lực với những người bạn của tôi xông pha gió sương, họ đã hy sinh hạnh phúc gia đình để ngăn chặn quân thù.

    Suy từ bụng tôi, tới những người khác cũng như tôi thôi. Thay vì tạo dựng một miền Nam trù phú, thì chúng tôi đã dúng tay vào hủy hoại đất nước bằng những hành động ươn hèn không xứng đáng là một nam nhi. Miền Nam vì thế như một con bệnh vô phương cứu chữa. Ngày nay miền Nam sụp đổ và tôi đang trôi nổi trên con tầu này, không phải là một nạn nhân, mà chính là một thủ phạm, một kẻ tội lỗi của dân tộc, một tội nhân đáng án tử hình mới phải.
    Thái độ của chúng tôi như thế, thì làm sao trách được những quốc gia đồng minh phản bội, mà chính là vì ta không tự cứu mình.
    Cơn đau dâng cao đến uất ức cùng cực, làm tôi chết lịm trong giấc ngủ với bao nhiêu ác mộng của một hình phạt lương tâm đè nặng trong tâm hồn và thân xác tôi.

    Con tầu vẫn tiếp tục cuộc hải trình. Tất cả chìm trong đêm tối. Không một bóng đèn, không một tiếng động. Con tầu dùng radar trong hải hành. Những họng súng đen nghịt được giương ra chĩa vào hai bên bờ sẵn sàng nhả đạn. Tiếng sóng dập dình đều đặn trước mũi và hai bên hông tầu. Con tầu định mạng cho mấy ngàn người không biết trôi giạt nơi nào của vận nước trong giờ đen tối mù mịt.

    Trần Khánh Liễm.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X