Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Say rồi xỉn

Collapse
X

Say rồi xỉn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Say rồi xỉn

    Say rồi xỉn

    Tác Giả: Trần Lý Lê


    Bên trời Âu Mỹ, mùa lễ lạt kéo dài từ những ngày trước Giáng Sinh qua đến Tết Tây và bá tánh ăn nhậu tưng bừng. Nhưng tại Á Châu, nhất là những địa phương chịu ảnh hưởng của văn hóa Tàu thì mùa lễ lạt thứ nhì theo sau Tết Tây là Tết Âm Lịch. Và tại quê nhà xa tít kia thì dường như lúc nào cũng là lễ lạt vì cư dân ăn nhậu triền miên, khắp nơi, mọi chốn!?

    Ăn và nhậu (uống rượu) là hai hoạt động thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng của cơ thể, xuất phát từ miệng và lưỡi. Cái lưỡi nêm thức ăn thức uống mà con người mang vào cơ thể. Được ăn uống ngon lành vừa miệng mang lại cảm giác sung sướng như câu ví von “đã con tì con vị”, một cảm giác của cơ thể. Đôi khi cảm giác sung sướng kia còn đem lại sự tự mãn hay vừa lòng với chính mình, một cảm giác về tinh thần qua việc “hơn người” vì nhiều tiền bạc, chức vụ… mà được phong lưu, hưởng thụ. Khi ăn nhậu người ta không chỉ ăn những món thường nhật mà chọn món khác lạ, quý hiếm và dĩ nhiên là tốn kém (để được tự mãn). Tạm hiểu là việc ăn nhậu mang đến sự thỏa mãn từ “tâm” đến “thân”. Tự đó mà con người ăn nhậu lu bù khi có cơ hội.

    Tất nhiên ăn nhậu lu bù mang theo các hệ quả của sự hưởng thụ quá mức. Ăn quá nhiều gây bệnh tật, từ mập phì đến tiểu đường, cao mỡ và cả chục thứ bệnh linh tinh khác. Hệ quả của ăn nhiều chỉ xuất hiện sau nhiều ngày tháng. Tương tự, uống nhiều cũng tai hại không kém, tai hại nặng nề nhất là chết vì say nhưng hệ quả của mềm môi quá chén xuất hiện khá nhanh chóng. Tệ hại nhất là cái chết, ngồi một chỗ cũng chết vì não bộ ngưng làm việc và cơ thể đình công theo. Rồi đến cái chết vì tai nạn, say xỉn nên chân nam đá chân xiêu. Đây là câu chuyện của những người trẻ, hè nhau đổ rượu từ quán nhậu, rồi ói mửa; có người ói làm sao mà thức ăn lọt vào khí quản gây tắt thở; có đứa trẻ ói xong rồi té và vùi mặt vào bãi thức ăn vừa ói ra và nó chết “đuối” vì thiếu dưỡng khí. Ấy là chưa kể các tai nạn xe cộ gây ra từ tài xế say sưa, cẩu thả!

    Uống nhiều thì tai hại như thế nhưng uống không nhiều lắm thì sao? Trừ khi ta là bợm nhậu, uống triền miên ngày nay sang tháng khác, cơ thể quen với hơi men và hai lá gan làm việc cật lực để lọc rượu, thì không đến nỗi xỉn (hay “hangover”, một trạng thái xảy ra sau khi say khướt) như mấy kẻ lâu lâu quá chén một lần và khật khưỡng cho đến ngày hôm sau.

    Xỉn hay “hangover” không chỉ xảy ra vào dịp lễ lạt cuối năm mà xảy ra đều đều vào những buổi cuối tuần. Tại cư xá đại học, 25% sinh viên “xỉn” ít nhất một lần trong thời gian đi học. Với bá tánh chung chung, khoảng 15% người lớn say và “xỉn” hàng tháng sau khi cụng ly với bạn bè! Tại Việt Nam, con số này chắc cao hơn nhiều?

    Khoa học chưa tìm ra nguyên nhân của “hangover” nhưng có một vài giả thuyết khả tín. Rượu sau khi vào cơ thể được chuyển hóa thành acetaldehyde. Hàm lượng acetaldehyse gia tăng và tích tụ trong máu, tỷ lệ với lượng rượu uống. Acetaldehyde tác động đến nhiều phản ứng sinh hóa trong cơ thể, từ hệ đề kháng (the immune system), sự chuyển hóa đường huyết, đến sự tác thành của prostaglandines… và tạo ra nhiều hậu quả khác nhau.

    Ngoài acetaldehyde, có thể còn những thành chất như “congener” trong rượu cũng gây hậu quả cho việc mềm môi quá chén. Congerner là chất được bỏ thêm vào rượu để lấy hương vị, màu sắc hoặc là các thành chất của phản ứng hóa học trong rượu khi pha trộn với nhau như amines, amides, acetones, acetaldehydes, polyphenols, methanol, histamines, fusel oil, esters, furfural, và tannins. Hầu hết các hóa chất này, tùy theo hàm lượng mà tác động như chất độc.

    Mỗi loại rượu chứa một lượng congener khác nhau. Vodka (trong vắt) chứa rất ít congener trong khi bourbon chứa khá nhiều độc tố này. Đây có thể là lý do khiến mấy ông thần lưu linh bỏ nhỏ với nhau, tớ uống rượu abc thì không sao nhưng khi nhậu xyz thì nhức đầu như búa đập!

    Mỗi cơ thể “nhận” và chuyển hóa rượu khác nhau nên hậu quả xuất hiện khác nhau trong mỗi con người. Tựu trung, sau khi uống rượu cơ thể chịu các phản ứng như khô nước, mạch máu dãn nở nên máu chạy rần rần, mặt đỏ rần, tim đập mạnh và nhanh… chưa kể các ảnh hưởng về tâm thần. Rượu khiến con người mất sự tự chế, ăn nói linh hoạt (hay cẩu thả) hơn, mạnh dạn (hay hung hăng) khác thường và mất hết sự sợ hãi. Đây là lý do khiến người say sưa ưa cãi cọ, quá chén nên miệng quá đà dẫn đến đập lộn, quá chén nên quá tay!

    Hệ quả của việc lâu lâu quá chén một lần là “hangover” hay “xỉn” xảy ra vào ngày hôm sau. Triệu chứng của “xỉn” bao gồm mệt mỏi, khát, nhức đầu, đau ê ẩm toàn thân, ánh sáng và tiếng động đều khiến cơ thể đầu óc đau đớn khó chịu, chóng mặt, run rẩy, mất khả năng tập trung và nhất là trầm uất. Cơ thể đi vào tình trạng “không muốn nhúc nhích” và không thể làm nổi việc gì đôi khi kể cả việc tự kiểm soát bàng quang.

    Triệu chứng của “xỉn” xuất hiện sau khi việc “say” [ngất ngư] tan biến, cơ thể nhận biết trở lại và con người kia không sung sướng chút nào khi mỏi nhừ ê ẩm. Có lết được đến chỗ làm thì cũng không thể làm việc gì ra hồn hoặc cáo ốm bỏ việc bỏ học…

    Hậu quả của say xỉn khá nặng nề nên bá tánh tìm cách hóa giải. Đã có khá nhiều cách “chữa trị” được truyền tay truyền miệng trong dân gian. Như rễ Kudzu, được các thầy lang [thang] rao bán là trị say xỉn. Ngược lại, loại rễ này gây hậu quả trầm trọng hơn khi pha trộn với rượu (còn sót lại trong cơ thể).

    Món khác, món “thuốc” giúp “dã rượu” từ thời La Mã, vẫn còn thỉnh thoảng được sử dụng ngày nay, là món trứng sống. Người xưa biểu rằng cứ uống / ăn một trái trứng sống thì bớt say (?) Có người còn dùng trứng sống trộn chung với ớt, muối và tiêu (cho dễ nuốt kẻo trứng sống thì tanh quá xá?). Gần đây thì những người trẻ trong khuôn viên đại học, học đại, truyền tay bí kíp dã rượu bao gồm món ăn chiên giòn (đọc ra là thịt gà chiên, khoai chiên…) và nước cà chua (tomato juice). Chẳng có tài liệu nào chứng minh rằng các món thuốc “giải” kể trên hiệu nghiệm. Có người thử xong thì ói mửa kịch liệt đến độ bạn bè phải khênh đến phòng cấp cứu! Không biết sau khi bình phục thì mấy anh chàng kia có tởn đến già không nhỉ?

    Theo hội chuyên khoa Cấp Cứu, một vài thứ có thể giúp cơn xỉn qua nhanh hơn. Như uống nước sẽ giúp cơ thể bớt khô, và do đó bớt chóng mặt nếu người xỉn tỉnh táo đủ để uống từng ngụm nước. Ăn một chút tinh bột hoặc protein sẽ giúp dạ dày bớt khó chịu và nghỉ ngơi là điều quan trọng nhất trong khi chờ đợi cơ thể đào thải hết độc tố sau khi quá chén.

    Nói chung, rượu quá chén khích động hệ đề kháng khiến đầu óc mất khả năng tập trung, làm mòn mỏi trí nhớ và khiến cơ thể ngầy ngật, không minh mẫn. Rượu cũng khiến mức đường huyết xuống thấp, thấp đến độ gây run rẩy, mất sức và đôi khi gây kinh phong chưa kể nhức đầu, buồn nôn và mất tự chủ.

    Kết luận? Rượu để uống cho vui và thưởng thức món ngon món lạ nhưng đừng mềm môi, quá chén. Với một chút tự chủ, ta có thể định liệu sức mình và chấm dứt khi vừa đủ, có thể sau vài ngụm hoặc vài ly rượu. Mùa lễ là thời gian ta chia sẻ với gia đình thân nhân, khi phải dùng khoảng thời gian quý giá ấy trên giường bệnh hoặc tại phòng cấp cứu thì quả là phí phạm lắm, phải không bạn?

    TLL


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X