Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ðèn Cù và Trần Ðĩnh, một vài câu hỏi…

Collapse
X

Ðèn Cù và Trần Ðĩnh, một vài câu hỏi…

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ðèn Cù và Trần Ðĩnh, một vài câu hỏi…

    Ðèn Cù và Trần Ðĩnh, một vài câu hỏi…
    ~~~



    Ðèn Cù và Trần Ðĩnh. Một cuốn sách và một tác giả có lẽ khá lạ với độc giả hải ngoại. Với đề tài viết về một thời đã qua khi còn là một đảng viên Cộng sản thân cận với những nhân vật lãnh đạo đảng chắc có nhiều khám phá từ trong thực tế hỗn tạp của lịch sử Việt Nam, có lẽ đó là lý do chính để lôi kéo độc giả.

    Và quả nhiên, tác phẩm vừa được xuất bản đã gây ra nhiều sôi nổi trong giới cầm bút với nhiều nhận định nhiều khi trái ngược nhau. Có nhiều bài viết khen tặng hết mực nhưng cũng có những bài viết phê phán nặng lời. Với tư cách là một người đọc yêu văn chương, mong mỏi được đọc những tác phẩm có tính tích cực vừa cả trên phương diện văn chương lẫn chính kiến, tôi đã đón nhận cuốn sách này một cách đặc biệt. Một tác giả còn sống ở trong nước, tuy tuổi đã già, nhưng vẫn dám viết về những chi tiết mà chế độ chuyên chính gọi là những điều nhạy cảm và có thể bị khép tội phản động chống đảng. Một người đã có quá khứ làm việc thân cận với các lãnh tụ Cộng sản suốt mấy chục năm nếu viết thành thực thì sẽ là những phản tỉnh cho những người vẫn còn bị ảnh hưởng của văn chương tuyên huấn tôn sùng lãnh tụ. Như vậy, chắc có nhiều khám phá kỳ thú và rút tỉa ra được nhiều kinh nghiệm bổ ích.


    Nhưng khi đọc xong tác phẩm, tự vấn lại suy tư của mình, tôi thấy nảy ra nhiều câu hỏi phát xuất từ những thắc mắc gây ra từ nội dung tác phẩm. Những câu hỏi ấy, có khi một mình tôi lý giải nhưng vẫn thấy có những điều chưa thấu đáo. Tôi đi hỏi những bạn bè tôi đã đọc cuốn sách may ra có thể rút tỉa ra những điều cần thiết không. Mỗi người trả lời một ý nhưng tựu chung cũng cùng có những thắc mắc như tôi.

    Cảm giác của tôi khi bắt đầu giở những trang sách của Ðèn Cù và khi đọc xong, gấp lại những trang sách thật khác nhau. Lúc đầu, đầy thiện cảm và đến độ háo hức vì chắc rằng sẽ biết được thêm nhiều bí mật cung đình của một chế độ mà thực và giả không phân biệt được vì những hỏa mù, những gian dối trong sách lược cai trị của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng đọc xong, thấy có sự hụt hẫng. Và thấy được khoảng cách giữa văn chương thực sự và văn chương của tác phẩm Ðèn Cù.

    Có người hỏi tôi, theo tác giả, Ðèn Cù là “truyện tôi” nhưng có lúc là “tự truyện”. Như vậy anh có thấy sự khác biệt giữa hai từ ngữ này không? Trang bìa của Ðèn Cù có hàng chữ:” Số phận Việt Nam dười chế độ Cộng sản. Tự truyện của người từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh”. Như vậy, thì có lẽ tự truyện là phần chính. Nhưng, còn “truyện tôi” thì sao. Có khác biệt gì không với tự truyện? Trong bài tựa cuốn sách thì được lý giải về “truyện tôi” như sau: “Ðèn Cù đầy rẫy những “đoạn phim” ngắn như vậy. Rất nhiều “clip” chợt hiện trên màn ảnh trong nửa phút, rồi chuyển ngay sang cảnh khác, liên tiếp chạy nhanh qua não bộ... Ðoạn phim lưu đọng trong óc mình mãi mãi, trộn lẫn cùng những đoạn phim ngắn khác, không theo thứ tự thời gian cũng không theo một dòng lý luận nào. Tất cả cho người đọc một toàn cảnh sống động về xã hôi nước Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ trước và sau khi tác giả đặt bút viết cuốn sách để đời này. Tất cả là “truyện tôi”. Nếu không có cái tôi sống, tôi quan sát, tôi rung động, tôi ghi nhớ, tôi suy nghĩ thì không có “truyện tôi”. Trong trí não con người đời sống vốn không có trật tự, nó chợt hiện chợt tắt ngổn ngang chắp nối không sắp đặt theo không gian cũng không theo dòng thời gian đơn tuyến và trực tuyến. Ðời sống thực vẫn như vậy.”

    “Tự truyện” hay “truyện tôi”, có giống như chuyện mèo trắng mèo đen của Ðặng Tiểu Bình? Chỉ là để bắt chuột mà thôi!

    Lai có người thắc mắc hỏi tôi: Viết tiểu sử cho Hồ Chí Minh, cho nhiều lãnh tụ Cộng sản khác, Trần Ðĩnh bảo không phải là tác phẩm của ông. Còn Ðèn Cù mới là tác phẩm đích thực. Anh nhận xét thế nào về sự kiện này? Tôi trả lời với cái chủ quan riêng của tôi, một người đọc với cảm quan trung thực. Tôi nghĩ, ông đã từ chối những gì mà ông “hãnh diện” nhắc đến trong “Ðèn Cù”. Không phải “của ông”, sao ông lại nhắc đến quá nhiều những cuốn sách ấy và với một cách tự hào. Ngay trong tựa đề “Tự truyện của người viết tiểu sử Hồ Chí Minh” cũng đã rõ ai là người viết. Chẳng lẽ là người khác? Tại sao ông lại nói một cách mâu thuẫn như vậy? Hay là ông muốn nhắc đến sự phản tỉnh của ông, trước khác sau khác. Nhưng khác biệt thế nào thì còn tùy “mức độ” …

    Có người cật vấn tôi. Hỏi anh một câu: Tác giả Ðèn Cù, Trần Ðĩnh ông là ai? Và anh cắc cớ cho tôi một câu trắc nghiệm:

    a- là một người yêu nước và tranh đấu cho dân chủ
    b- là một người yêu chế độ xã hôi chủ nghĩa thân Liên Xô ghét Trung Cộng.
    c- Là cả hai câu a và b
    d- Không a và b. mà là người thuộc phe bị thất sủng, bị gạt ra ngoài hệ thống quyền lực, không cho hành nghề tuyên giáo nên bất mãn.

    Tôi phân vân khi chọn a, b, c hay d. Mỗi câu đều có phần đúng. Cùng một nhân vật, nhưng có những chi tiết khác nhau như vậy.

    Có thể tác giả Trần Ðĩnh là một trí thức Cộng sản phản tỉnh vì nhìn thấy được mặt trái của các lãnh tụ của chế độ Cộng sản. Nhưng khi viết cuốn Ðèn Cù ông có thay đổi cái tư tưởng đã thâm căn cố đế ăn nhập vào óc não ông không ? Ông muốn cải tiến chế độ hay muốn phá bỏ đi chế độ tay sai của Cộng sản quốc tế? Tôi sẽ võ đoán nếu cố trả lời về một điều mà một người đọc như tôi chưa tỏ tường. Nếu có vị nào cao minh xin giúp đỡ tôi và cả người đã “cật vấn“ tôi như vậy!

    Tôi đọc bài phỏng vấn của nhà báo Ðinh QuangAnh Thái được in trong phần cuối của Ðèn Cù có đoạn:

    “ÐQAT: Theo ông nhận định tình hình Việt Nam hiện nay đang diễn biếu theo chiều hướng nào?

    Trần Ðĩnh: Việt Nam hiện đang có đổi mới tình hình đang có chiều hướng đi lên. Trước kia giới lãnh đạo đảng đóng cửa đất nước bây giờ thì họ phải mở cửa làm bạn với thế giới. Thế là bắt đầu thoáng rồi đấy. Trước kia không ai biết tình trạng đất nước như thế nào, bây giờ thì mọi người biết trẻ em suy dinh dưỡng ra làm sao, bệnh viêm gan như thế nào, đói thế nào. Ðó là bước đầu của tiến trình minh bạch hóa mọi việc. Những sự kiện đó cho thấy có tiến lên tất nhiên theo kiểu Việt Nam

    ÐQAT: Xin ngắt lời ông, hướng thay đổi đó có tốt đẹp không?

    Trần Ðĩnh: Tốt đẹp chứ. Thế giới ngày nay đang toàn cầu hóa. Mà khi đã toàn cầu hóa thì dân chủ phải toàn thế giới. Thế` giới mới sẽ có một nền dân chủ cho cả thế giới. Tức là cái tiêu chuẩn chung sẽ thành là của chung. Như tại Việt nam tự do kinh tế sẽ khiến dân chúng khá hơn và tự do kinh tế sẽ dẫn tới những tự do khác. Tất nhiên đảng Cộng sản vẫn còn những điều mà dân người ta không bằng lòng thì dân người ta sẽ có ý kiến. Mà tôi cho rằng từ nay trở đi dân chúng bắt đầu có ý kiến được rồi đấy mà tôi thấy giới lãnh đạo đảng cũng bắt đầu phải nghe dân rồi đấy. Còn tất nhiên nghe đến mức nào thì còn cần phải có thời gian. Còn nếu mình quan niệm phải có một cái gì long trời lở đất xẩy ra thì suy nghĩ đó cũng không phải. Vì đất nước mình khổ quá rồi dân mình chém giết nhau nhiều rồi, thành ra làm thế nào mình phải đưa đất nước lên tốt đẹp.”

    Tác giả Trần Ðĩnh trả lời cuộc phỏng vấn từ tháng 7 năm 2001. Từ đó đến nay, tình hình đất nước có tốt đẹp hơn không? Tốt đẹp cái gì mà đang trong hiểm họa mất nước vì bọn đế quốc phương Bắc? Tốt đẹp gì mà nhân quyền bị chà đạp, kinh tế thì tệ hại nợ nần vì tham nhũng? Tốt đẹp gì mà quốc thể thì bị coi thường, người Việt đi đến đâu trên thế giới cũng bị khinh rẻ? Không hiều ông Trần Ðĩnh có biết như vậy không khi viết Ðèn Cù? Biến cố long trời lở đất để thay đổi một chế độ độc tài toàn trị khiếp nhược với ngoại bang nhưng tàn ác với dân chúng là chế độ Cộng sản thì chưa thấy nhưng chắc chắn sẽ xẩy ra. Và có thể sẽ không có sự chém giết. Bởi vì, biện pháp bạo lực chiến tranh ở thời đại bây giờ không phải là một biện pháp tốt. Chế độ Cộng sản sụp đổ ở Nga và các nước Ðông Âu có phải là một kinh nghiệm tốt cho người Việt Nam để phá bỏ đi một chế độ tay sai của Cộng sản quốc tế…

    Trong phụ lục cuốn sách có đăng bức thư của nhà văn Nguyễn Khải gửi Trần Ðĩnh. Có người hỏi tôi anh biết Nguyễn Khải là ai không? Có phải là tác giả của hồi ký mà ông ta viết lúc cuối đời “Ði tìm cái tôi đánh mất” một phản tỉnh nửa vời mà Vương trí Nhàn gọi là đánh xóc dĩa cả hai mặt chẵn lẻ? Liệu Trần Ðĩnh có phải là tri kỷ với tác giả Gặp Gỡ Cuối Năm này không?

    Nguyễn Khải (1930-2007) là một nhà văn mà con đường sáng tác đã đi theo thời sự một cách rõ nét. Khi miền Bắc đang có phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, ông có tiểu thuyết “Xung Ðột”, “Mùa Lạc“. Khi cuộc nội chiến Nam Bắc ở giai đoạn khốc liệt nhất thì ông có ký “Họ sống và chiến đấu”. Sau năm 1975 , khi miền Bắc chiến thắng ông có tiểu thuyết “Cha và con, và..”, “Gặp gỡ cuối năm “. Khi rộ lên phong trào đổi mới, lại có “Hà Nội trong mắt tôi”. Và khi gần lìa dời có tiểu thuyết mang vóc dáng tự truyện “Thượng đế thì cười” và tùy bút chính trị “Ði tìm cái tôi đã mất.”. Sự theo sát thời sự như thế nên con đường quan lộ cũng thênh thang và trong đời sống văn học cũng như thường ngày, ông là một người khôn khéo, biết tùy thời, tiến lui nhịp nhàng, Nhiều người đã có những nhận xét khá đặc biệt về ông. Như Xuân Sách, đã phác họa:

    “Cha và con.. và họ hàng
    hết bay mùa thóc lẫn Mùa lạc
    cho nên Chiến sĩ thiếu lương ăn
    Họ sống chiến đấu càng khó khăn
    Tháng ba ở Tây nguyên đỏ lửa
    Tháng tư còn đi xa hơn nữa
    Ðường đi ra đảo đường trong mây
    Những người trở về mấy ai hay
    Xung đột mỗi ngày thêm gay gắt
    Muốn làm Cách mạng nhưng lại dát.”

    Xuân Sách đã dùng tên các tác phẩm đề mô tả chân dung Nguyễn Khải: “Cha và con , và..”, “Mùa Lạc”, “Chiến sĩ” , “Họ sống và chiến đấu”, “Tháng ba ở Tây Nguyên”, “Xung Ðột”, “Cách mạng”.. Câu kết “muốn làm cách mạng nhưng lại dát” đúng nhưng chỉ biểu lộ một phần tâm tính Nguyễn Khải.

    Dương Tường, một người biết rõ về Nguyễn Khải đã thổ lộ:

    “Nguyễn Khải, như tôi đã cảm nhận, là một “ca” đặc biệt. và phức tạp nữa. Trong Khải luôn luôn có hai con người. Một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn. Một Nguyễn Khải hèn nhát và một Nguyễn Khải khinh ghét tay Nguyễn Khải hèn nhát kia. Và sự tranh chấp giữa hai con người ấy không bao giờ ngã ngũ. VÌ thế tôi đón nhận bài tùy bút “Ði tìm cái tôi đánh mất” với mối quan tâm đặc biệt, thầm mong đó có thể là một cái gì giống như “tiếng hót của con thiên nga”..”

    Nhưng Vương Trí Nhàn thì nghĩ khác:

    “Thế tại sao Nguyễn Khải lại viết “Ði tìm cái tôi đã mất”? Theo tôi, trường hợp này cũng giống như Chế Lan Viên viết “Di Cảo Thơ” hay Tố Hữu tâm sự với Nhật Hoa Khanh. Thực chất cái việc các ông “cố ý làm nhòe khuôn mặt của mình” như thế này là cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông không bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới. (Bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã xử dụng.)

    Rồi Vương Trí Nhàn đã kể những lời nói giả dối ra sao như Nguyễn Khải thường tỏ ra coi thường các giải thưởng văn học nhưng thực tế thì lại khác, ông rất bực mình khi có ai phụ họa theo bởi vì ông là người ham hố chức tước và giải thưởng nhất. Hay khi Nguyễn Khải tự đánh gía sự nghiệp văn học của mình như “Cái tài sản tinh thần thâu góp một đời ấy về già nhìn lại thì chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nhạp chẳng có giá trị gì” chỉ là một câu tự khiêm nhường mà nói ra nhưng ông lại nghĩ khác .

    Và Vương Trí Nhàn cho rằng sự tranh chấp giữa hai con người Nguyễn Khải chỉ là một trò trình diễn trên sân khấu. Thực tế ông hòa hợp với cả hai, tùy theo trường hợp tiến hay lùi, ông đưa ra con người này hay con người khác để làm hàng. Và “lối nghĩ này đã giúp ông thành công chói lọi trong suốt đường đời, và cho đến chung cục của đời sống ông vẫn giữ, không tự khác mình đến một mili-mét”.

    Nguyễn Khải đã viết thư cho Trần Ðĩnh như một cách chia sẻ tán đồng. Không hiểu câu nói dân gian “ngưu tìm ngưu mã tìm mã” có đúng không trong trường hợp này?

    Trần Ðĩnh có nhắc đến nhân vật Kỳ Vân rất nhiều. Suốt từ đầu sách đến cuối sách, tính chất của nhân vật này được đề cập đến với nhiều tình cảm. Tôi thắc mắc không hiểu dụng ý nào của tác giả Trần Ðĩnh khi có lối viết như vậy. Nhưng khi đọc đến đoạn sau trong Ðèn Cù tôi đã hiểu tại sao:

    “Nửa thế kỷ sau, năm 2000, trong dịp mừng Lưu Ðộng tám mươi tuổi, Hồng Sĩ, bạn Kỳ Vân, cũng tù xét lại đã bảo tôi: Kỳ Vân nó yêu mày. Mày viết Bất Khuất có chi tiết, Thuận đứng đèn mấy ngàn oát mà vẫn chịu đựng được, tớ bảo Kỳ Vân là thằng Ðĩnh nói phét. Bênh cậu, Kỳ Vân nói rằng Thuận, tức Tư Móm làm nghề thổi thông phong cho nên chịu nóng giỏi.”

    Thì Kỳ Vân yêu Trần Ðĩnh thì cố nhiên phải có sự yêu lại. Dĩ nhiên như vậy. Nhưng quan trọng hơn vẫn là hình tượng của người Cộng sản Kỳ Vân mà Trần Ðĩnh muốn đề cập đến sự tương tự như ông ta và là môt mẫu đảng viên thuần thành lý tưởng:

    “Nhưng hơn hết tôi muốn cho anh hiện lên như một tiêu biểu cho một lớp người không hiếm trong đảng Cộng sản. Ông nội tri phủ, ông ngoại tri huyện, bố mẹ chủ nhà đất và ruộng nhưng anh khao khát tự do. Ðọc thấy con đường mang biển dẫn tới tự do thế là hăm hở đi vào. Rồi nhận thấy cái tự do này là nhằm cho loài do đó nó phải giam tự do của cá nhân vào trong cái lồng tập thể đúc bằng kỷ luật thép mang tên chế độ tập trung dân chủ. Thế là cả cuộc đời liền bị giằng xé giữa hai thứ tự do đối chọi nhau vô cùng nước lửa… Ðể không chóng thì chầy tất nhiên đi tới chống đảng, cái tổ chức độc quyền tất cả, bao cấp toàn bộ tự do chính nghĩa đạo đức, nhân dân đất nước, chân lý, quy luât, rồi miếng ăn chỗ ở, hôn nhân ma chay, quyền sống, phân chết đã được đảng thiết kế cho mỗi hạng người, mỗi con người.”

    Tôi đọc Ðèn Cù và thấy những đoạn như trên đã trích, rất nhiều của văn phong tuyên huấn. Cũng không thể khác được một người như Trần Ðĩnh làm sao gột rửa được suy tư của một anh làm báo đảng mấy chục năm và là một nồng cốt của báo chính thức của đảng là Sự Thật sau đổi thành Nhân Dân. Cũng có lúc ông cũng hiển lộng chữ nghĩa như một nhà văn nhưng vẫn là thứ yếu so với văn phong của một quan tuyên huấn, nói và lý luận rất hay…Có người nói Trần Ðĩnh viết văn xuôi tài hoa như đầy chất thơ ở trong ngôn ngữ. Và có người phát biểu Ðèn Cù là một trường thiên thi ca của thời đại nữa. Riêng, ở cảm nhận của tôi là một người đọc rất yêu thi ca, dù cố gắng kiếm tìm những tính chất ấy nhưng rất hiếm họa. Có lẽ vì cái tạng của loại văn viết kiểu này cần những khám phá những điều mà người đọc mong mỏi có được những chi tiết mới và lạ. Và riêng trường hợp tôi cũng khá xa lạ với cách dùng chữ và cách diễn tả của tác giả Trần Ðĩnh. Nên đọc Ðèn Cù khá vất vả chứ không thoải mái đi một lèo như khi đọc những quyển sách mà mình thích ý khác.

    Có người hỏi tôi tác giả Trần Ðĩnh viết về sự thực có khác với “sự thật” mà đảng chủ trương không? Tôi nghĩ ông có lúc viết thật nhưng khi dùng phương pháp xử dụng những chuyện kể giống như sự phác họa của những “clip” liên tiếp nhau với sự lấp lửng thì sự thực ấy có thật nhưng chưa lột tả hết được tính chất của hiện tượng.

    Viết về đời tư của Hồ Chí Minh, Trường Chinh, hay các lãnh đạo khác mà ông gần gũi hầu như suốt cuộc đời, Trần Ðĩnh đã cho độc giả thấy được nhiều chi tiết mới lạ. Dù rằng, trước Ðèn Cù đã có Mặt Thật của Bùi Tín, Ðêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Ba Người Khác của Tô Hoài, Ðỉnh Cao Chói Lọi của Dương Thu Hương,… cũng có những khám phá động trời về Cải cách ruộng đất, về đời tư tham lam dâm dục của các lãnh tụ Cộng Sản cũng như các thủ đoạn gian dối đã trở thành quen thuộc trong môi trường sống ấy. Cái môi trường mà nhà văn ở trong nước đã quá cố Hoàng Ngọc Hiến cám cảnh và than thở “ở nước ta nó thế” như một chuyện quen thuộc thường ngày.

    Có người nhận xét tác giả Trần Ðĩnh khi kể chuyện về Hồ Chí Minh và Trường Chinh vẫn còn trọng vọng và không dám phê phán. Ðó có phải là rơi rớt của tâm tư đã có sẵn từ lúc ông mới đôi mươi và gia nhập đảng Cộng sản? Thậm chí có lúc ông có vẻ chống chế bào chữa cho những việc khuất lấp và có người đã cho rằng đó là một cách ngấm ngầm: bảo vệ thần tượng” của chế đô. Nhưng nghĩ như thế nhiều khi có vẻ hơi cay nghiệt với tác giả.

    Trần Ðĩnh cũng viết và nhận xét về các nhân vật cùng ngành tuyên huấn như Tố Hữu, Hoàng Tùng, Hồng Hà, Thép Mới, Nguyễn Phú Trọng,…? hình như thấp thoáng là một sự đố kỵ có khi là xem thường tư cách hoặc chức vụ của những người này. Tố Hữu quyền uy ghê gớm là thế mà trong khi diễn tả là một nhân dáng tầm thường bất tài và dùng sự nịnh bợ để làm nấc thang lập công danh.

    Bài này chỉ là những sơ lược chưa đầy đủ quanh tác phẩm Ðèn Cù. Lẽ ra phải trích dẫn từng đoạn và phân tích từng câu để tìm cho ra được dụng ý của tác giả. Nếu nói đây là một tư liệu có nhiều điều khá mới lạ hoặc tuy cũ nhưng cũng có nhiều khám phá độc đáo thì còn chấp nhận được. Nhưng nếu bảo đây là một tuyệt tác của một người Cộng sản phản tỉnh thì điều ấy còn phải xét lại….

    Nguyễn Mạnh Trinh

    (sangtao.org)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X