Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nỗi buồn Quân phục

Collapse
X

Nỗi buồn Quân phục

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nỗi buồn Quân phục

    Nỗi buồn Quân phục

    Nguyễn Tài Ngọc
    Sat. 03-16-2013


    Fowarded by TRINH HUYNH (Lính Thủy)
    Đọc và tùy nghi, Post lên diễn đàn có thể gây tranh cãi ...(TH)


    Hai tháng trước nhân dịp vợ chồng một anh chị bạn ở Canada đến chơi, chúng tôi và một vài cặp bạn khác hẹn nhau ăn ở một nhà hàng trên đường Brookhurst, Westminster. Mấy tháng nay bạn bè liên miên nên có tháng hai lần chúng tôi phải lái xe xuống phố Bolsa. Khoảng cách khá xa, 120 km, lái xe mất một giờ 20 phút. Lái xa nhưng đến đây thì có thức ăn Việt Nam. Mỗi lần xuống đây đi dạo xem sinh hoạt của người Việt, lần nào tôi cũng dành ba phút yên lặng cảm thương cho những người Việt sống ở hải ngoại nơi khỉ ho cò gáy không có nhà hàng bán bánh cuốn, bánh bèo, hay thức ăn chơi như bánh rê, bánh cay. Phải ba phút yên lặng vì sống không gần gũi với thức ăn Việt Nam đau đớn vô cùng, một phút không thể nào cho đủ.

    Ăn thì ngon, nhưng vào nhà hàng Việt Nam tôi sợ ba điều: thứ nhất là không sạch, thứ nhì là khung cảnh u mê ám chướng, mình ăn mà có bàn thờ Thần Tài thổ địa khói hương nghi ngút đuổi tà ma... khách hàng, và thứ ba là có người đến gạ bán bông hoa, hàng hóa. Sợ nhà hàng bẩn thì dễ, tìm nhà hàng nào sạch hãy vào. Tránh tiệm ăn nào có bàn thờ Thần Tài cũng dễ thôi, tẩy chay để cho họ biết ông Địa là tôi, là khách hàng mang tiền đến cho họ chứ chẳng là ông Thần Tài nào khác ; thế nhưng tránh người mình đang ăn họ đến quấy rầy thì không thể nào tránh được.

    Khi chúng tôi đang ngồi ăn thì một ông Việt Nam, tôi đoán xấp xỉ vào khoảng 65, và một cậu bé nhỏ cũng người Việt, khoảng 12 tuổi, đến quyên tiền. Cậu bé mặc quần áo hướng đạo cầm một hộp giấy trong tay, và ông kia mặc quân phục với huy hiệu của một binh chủng Việt Nam Cộng Hòa. Ông ta xin lỗi quấy rầy chúng tôi đang ăn, và xin chúng tôi cho tiền ủng hộ nạn nhân của cơn bão Sandy. Ông ta nói cho chúng tôi biết tại sao chúng tôi phải cho tiền: mấy chục năm trước nước Mỹ đã hy sinh cứu người Việt Nam tỵ nạn thì bây giờ mình nên trả ơn.

    Quan sát ông này, có ba điểm làm tôi không cho tiền:
    1. Trừ những người tôi thực sự quen biết, còn không thì ai xin tiền ca bài ca con cá cho người nghèo này người nghèo nọ, tôi không cho một xu vì tôi không biết số tiền thu sẽ đi đâu, nó có thực sự đến nơi đến chốn hay không, hay vào túi của họ.

    2. Tôi không thích người lạ giảng đạo đức cho tôi. Ngày xưa khi còn trẻ có thời vào cuối tuần tôi theo ông Mục Sư đến gõ cửa nhà người lạ để giảng đạo. Tuy rằng "cùng một phe", tôi cảm thấy khó chịu khi gặp một người lạ không quen biết mà ông Mục sư đã bảo là họ có tội, phải ăn năn tiếp nhận Chúa thì mới được cứu rỗi. Tội của tôi cao ngập hơn đống rác ở chợ Bàn Cờ, bảo đảm tày trời còn hơn người khác thì làm sao tôi giảng đạo đức cho người khác được? Ông này đạo đức như thế nào mà giảng cho tôi là người Mỹ ngày xưa cứu mình, bây giờ mình cứu họ?

    3. Ông ta mặc quân phục: Theo tôi, ông ta đã mặc quần áo lính Việt Nam Cộng Hòa không đúng chỗ.

    Dù rằng hiện đang sống trên nước Mỹ gần 40 năm sau 1975, tôi cứ thấy mấy ông Việt Nam, và cả mấy bà, có dịp là mặc quân phục. Nơi nào cũng mặc quân phục. Biểu tình mặc quân phục. Hát hò mặc quân phục. Lễ ở chùa mặc quân phục. Hội họp chẳng ăn thua gì đến quân đội cũng mặc quân phục. Vào chợ mặc quân phục. Mở đại nhạc hội thu tiền túi mặc quân phục. Lên TV phỏng vấn mặc quân phục. Và bây giờ, lần đầu tiên tôi thấy vào quán ăn quyên tiền trong khi thiên hạ đang ăn cũng mặc quân phục. Đối với riêng tôi, tôi chỉ đồng ý cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa mặc quân phục tham dự một lễ hội quốc gia, quân đội như lễ Quốc Khánh của Úc hay diễn hành đầu năm vào dịp Tết…, hoặc dự đám tang của một đồng đội để chia sẻ với người đã khuất những giây phút cuối cùng của kỷ niệm xưa kia sống chết bên nhau.
    Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 38 năm về trước. Mặc dù đã chống trả quyết liệt trong 20 năm, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã bại trận trước quân đội cộng sản. Biết bao nhiêu quân nhân đã chạy nạn chỉ với mỗi một bộ quân phục trên người, và cũng như tôi còn giữ được chiếc áo trắng đồng phục thời Trung học, đại đa số quân nhân giữ lại bộ quân phục đó cho đến bây giờ. Lâu lâu họ mang nó ra nhìn lại để hồi tưởng những trận đánh sống chết, để kiêu hãnh đã là một phần tử trong một quân đội thiện chiến không thua một quốc gia nào, để bực mình dù họ có tinh thần quyết chiến, dù họ có lập trường quốc gia, dù họ sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc, cho đồng bào, cho anh em đồng đội, dù họ dũng cảm sẵn sàng tử thủ cho đến giọt máu cuối cùng, nhưng cuối cùng đã thua trận vì một thiểu số người tham nhũng, vì một quyết định rút quân lỗi lầm không cân nhắc, không bảo toàn an ninh cho các tỉnh lỵ, thành phố, dân chúng, và những sư đoàn bị bỏ rơi.

    Họ sẽ nhìn bộ quân phục pha lẫn mùi thuốc súng một dạo nào, với hình ảnh của chiến trường Xuân Lộc, Kontum, Pleiku, Quảng Trị... vẫn còn phảng phất sâu đậm trong lớp áo vải kaki dầy cộm để tiếc nuối bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu công trình mà họ, một thành viên của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã bỏ ra hai mươi năm bảo tồn tự do cho miền Nam nhưng cuối cùng cái công khó ấy tan biến một sớm một chiều vào ngày 30-4-1975. Không để cho ngọn đèn tranh đấu dìm tắt theo đêm khuya, họ kể lại quãng đời cầm súng cho con cái của họ với hy vọng thể nào rồi cũng có một đứa tiếp tục đốt sáng ngọn đèn không để cho nó dập tắt.

    Bộ quân phục họ mặc chạy loạn 1975 tuy rằng bây giờ đã được ủi và treo trong tủ áo, nhưng không cần mặc nó trên người, trong những lúc đi làm, đi chơi, đi dự hội họp với các bạn đồng đội cùng binh chủng ngày xưa trên xứ Mỹ, nó lúc nào cũng hiện hữu trong tấm lòng của họ, ấn sâu trong tâm khảm của họ, khắng khít đi theo với họ. Nó vẫn sáng ngời như năm nào. Nó vẫn làm cho họ kiêu hãnh đã có một thời mặc nó, và nó cũng kiêu hãnh là họ đã làm sáng danh cho mầu áo, cho binh chủng Việt Nam Cộng Hòa thuở nào.

    Ngày xưa tôi chưa gia nhập quân đội nên không biết luật lệ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa như thế nào, nhưng thiết tưởng luật lệ của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa chắc có lẽ cũng tương tự như các quân đội tự do trên thế giới, và có lẽ sát với quân đội Mỹ hơn vì bắt đầu vào năm 1961, Tổng Thống John Kennedy theo lời yêu cầu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, gửi 1000 cố vấn quân sự Hoa Kỳ sang Việt Nam để huấn luyện 170,000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa.

    Đây là luật lệ của Quân Đội Mỹ, mà nếu đọc cho kỹ, tôi nghĩ chắc có lẽ cũng là nền tảng của các quân đội tự do trên thế giới:

    Qui Tắc Quân Đội Hoa Kỳ Army Regulation AR670-1 về mặc quân phục:
    Quân nhân còn tại ngũ, kể cả giải ngũ và phòng bị, không được mặc quân phục trong những nơi sau đây:

    · Nơi hội họp có mục đích thương mại hay chính trị. ·
    Khi làm việc cho các cơ sở tư nhân trong khi nghỉ phép. · Khi đọc diễn văn nơi công cộng, tham dự nơi biểu tình, được phỏng vấn, trừ khi đã dược cấp phép thỏa thuận của các cơ quan có thẩm quyền. ·

    Khi tham dự một hội đoàn quá khích. ·
    Khi vi phạm thanh danh của quân đội. ·

    Ở những nơi luật lệ Quân Đội ghi chép rõ ràng cấm không được tham dự.
    Quân nhân vừa được giải ngũ, theo đoạn 125 của National Defense Act (39 Stat. 165, 211) chỉ "được mặc quân phục từ trại lính về nhà. Một khi đã về nhà thì quân phục phải đem cất vì mặc nó ra đường là vi phạm luật pháp". Cựu quân nhân có thể mặc quân phục khi tham dự các lễ lộc quân đội, các diễn binh vào ngày quốc lễ, các đám cưới hoặc đám tang quân đội. Khi mặc quân phục, tóc phải cắt ngắn theo tiêu chuẩn quân đội hiện hành, và không được mang râu quai hàm hay râu cằm.

    Ai không là quân nhân mặc quần áo lính thì phạm Khinh tội theo Section 125, Act of Congress, ban hành vào ngày 3-6-1916. Người nào bị kết tội này sẽ bị phạt $300 dollars hay/và có thể phạt tù tối đa sáu tháng. Trong United States Code 10, Subtitle A, Part II, Chapter 45, Sections 772 cũng liệt kê một trường hợp ngoại lệ mà một người không ở trong quân đội có thể mặc quân phục: khi đóng trong một phim kịch.

    Đại đa số cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, có thể là theo luật lệ quân đội cũ, hay là tự cảm thấy không cần thiết, không muốn phô trương, hoặc không muốn nhắc lại chuyện quá khứ, khi định cư trên nước Mỹ không còn đụng đến bộ quân phục ngoài phạm vi trong nhà. Thế nhưng một thiểu số mặc quần áo quân đội đi phô diễn khắp nơi. Điểm đáng nêu ra là bộ quân phục những người này mặc hiện thời không phải là bộ quân phục cũ mang theo vào năm 1975. Mọi người mập mạp hơn trước nên ai cũng ra tiệm may quân phục mới cho vừa kích thước của mình. Do đó, bộ quân phục mới họ mặc ra đường, lên TV phỏng vấn, dự những buổi chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, hát ở Đại Nhạc Hội, không còn một giá trị kỷ niệm chân thật, mà chỉ là một hình thức trình bày bên ngoài.

    Nếu họ là cựu quân nhân Mỹ, những người bây giờ còn mặc quần áo lính phạm vào hai luật của quân đội Hoa Kỳ sau đây: -

    Cựu quân nhân không được mặc quân phục ở nơi hội họp có mục đích thương mại hay chính trị: Những người mặc quân phục hát ở các chương trình nhạc tư nhân rõ ràng dùng niềm kiêu hãnh chung của lính tráng Việt Nam Cộng Hòa, dùng tiếng tăm của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa để làm lợi cho túi tiền hay kiêu hãnh cá nhân riêng. Ngày xưa trước 1975 ca sĩ mặc quân phục lên hát trên TV vì đài truyền hình là của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, do Tổng cục Truyền thanh, Truyền hình và Điện ảnh điều hành dưới quyền Bộ Dân vận (không phải của tư nhân) cho phép. Bây giờ ca sĩ lớn tuổi, M.C., và những anh ca sĩ mặt non choẹt trước 1975 chưa bao giờ cầm súng, chưa bao giờ biết đánh nhau là gì tranh đua nhau mặc quân phục. Vài người còn đeo thêm quân hàm ! Quân đội mình hùng tráng như thế mà tại sao ngày xưa thua trận thì tôi thật tình không hiểu. Ở đây tôi xin ra ngoài đề một tí là khi xem lại DVD các chương trình nhạc Việt Nam để nghiên cứu, tôi tình cờ xem một chương trình nhạc mà họ còn đem Thượng Tọa, Đại Đức, Giảng sư Phật giáo ra ngồi làm bình phong cho một bài nhạc mở đầu. Đem Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa ra làm tiền chưa đủ, họ đem luôn cả tôn giáo ra phô trương với mục đích thương mại. Điểm rất buồn là không một người thấy chướng, tất cả khán giả đi xem vỗ tay ! -

    Cựu quân nhân không được mặc quân phục khi đọc diễn văn nơi công cộng, tham dự nơi biểu tình, được phỏng vấn, trừ khi đã dược cấp phép thỏa thuận của các cơ quan có thẩm quyền:Ai có dịp xuống Santa Ana nếu thấy một đám người biểu tình, có lẽ sẽ thấy một vài người mặc quân phục Việt Nam. Ở những buổi hội hè đình đám, thỉnh thoảng có người mặc quần áo lính Việt Nam Cộng Hòa lên đọc diễn văn. Xem chương trình truyền hình Việt Nam phát hình ở Mỹ, thỉnh thoảng có mấy ông bà trong quân phục lên phỏng vấn. Cả người mặc quân phục lẫn đài truyền hình không thấy người mặc quân phục 38 năm sau là một sự phô trương hình thức không cần thiết.

    Phần đông chúng ta sẽ thấy ngượng nghịu khi người khác gán cho mình điều gì mình không xứng đáng hay mình không phải như vậy. Chẳng hạn như gần đây nhiều người gọi tôi là "nhà văn", hay là "thi sĩ". Tôi rất đa tạ sự trịnh trọng của họ nhưng tôi cảm thấy xấu hổ vì tôi không xứng đáng với những chức tước đó. Danh xưng này nên dành cho những người chuyên nghiệp, tôi chỉ viết cho vui khi rảnh rỗi, không sinh sống bằng nghiệp văn bút. Ấy thế mà tôi thấy bao nhiêu người ngày xưa không bao giờ gia nhập quân ngũ mà giờ ai cũng đua nhau mặc quần áo lính. Người nào sinh năm 1957 nếu học đúng tuổi thì năm 1975 vừa học hết lớp 12, chuẩn bị thi Tú Tài. Vì thế trừ khi tình nguyện nhập ngũ, và ở vài trường hợp đặc biệt, ngày xưa người đi lính phải sinh từ năm 1956 trở về trước. Những người năm nay 56 tuổi thì trước 1975 chưa bị bắt quân dịch. Bao nhiêu người sinh sau 1956, từ M.C. đến ca sĩ chuyên nghiệp, đến ca sĩ tài tử, đến phó thường dân ở Mỹ, ai cũng tranh nhau mặc quân phục hát xướng và trình diễn như là một mốt thời trang thịnh hành. Vào Youtube xem sẽ thấy nhiều video clip của các cô, các bà, các anh ngày xưa không bao giờ đi lính nhưng bây giờ thì mặc quân phục lên hát và múa vũ loạn xạ.

    Người dân sự mặc quân phục hay đeo hoặc mang bất cứ thứ gì liên hệ đến quân phục như quân hàm, nón lính, huy hiệu…, có được không? Ở Hoa Kỳ đã có chuyện tương tự giải đáp cho câu hỏi này xảy ra vào năm 2003:

    Cô Sarah Smiley, tác giả của quyển sáchI'm Just Saying... A Collection of Essays vàGoing Overboard: The Misadventures of a Military Wife, viết thường trực cho một tờ báo. Chồng cô ta là Đại-Úy Dustin Smiley của Hải Quân. Năm 2003, đội vào cái nón Hải Quân của chồng, cô ta chụp hình và dùng bức ảnh kèm theo tên cô ta đăng trên báo khi viết bài.

    Bức ảnh này làm nhiều người lên ruột vì họ nghĩ rằng dân sự không thể nào mặc quân phục, dù rằng chỉ là đội một cái nón.Theo họ, khi mặc quân phục, một người dân sự có thể làm xấu hổ cho quân đội. Sarah Smiley không đồng ý, biện luận là cô ta không làm gì xấu hổ, mà còn làm hãnh diện cho Hải Quân Hoa Kỳ khi đội nón của chồng. Cô thách thức khán giả cho biết ý kiến là có nên lấy bức ảnh đó ra khỏi báo không, nếu số đông đồng ý thì cô ta sẽ tuân lời. Mọi người rất ngạc nhiên với con số khán giả viết thư biểu quyết: 95% độc giả nói bức ảnh đó không có gì sai lầm. Đi đến đâu trong thành phố cô ta ở, mọi người đều gặp và ủng hộ cô triệt để: "Keep the hat !" - "Giữ cái nón !".Với sự ủng hộ của đại đa số độc giả, cô ta giữ bức ảnh đăng trên báo trong suốt bốn tháng trời. Cho đến khi cô ta nhận được email của một người gửi cho cô điều luật United States Code 10 là cô đã vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.

    United States Code 10 là gì? Theo Chương 45, Đoạn 771, Tiểu Mục 10 của United States Code (10USC771),"không một người nào, ngoại trừ một thành viên của Quân Đội Hoa Kỳ, được mặc quân phục hay mang bất cứ một thứ gì liên hệ đến quân phục của Quân Đội Hoa Kỳ, trừ khi luật pháp cho phép." ("In accordance with chapter 45, section 771, title 10, United States Code (10 USC 771), no person except a member of the U.S. Army may wear the uniform, or a distinctive part of the uniform of the U.S. Army unless otherwise authorized by law").Lý do của luật này rất dễ hiểu: ngăn chận người khác làm xấu hổ quân đội, và ngăn chận kẻ thù nghịch mặc quân phục trà trộn và làm hại quân đội Hoa Kỳ. Ngay cả trên phương diện quốc tế, Thỏa hiệp Genève cũng ngăn cấm một người khác xứ mặc quân phục của một quốc gia khác.
    Sau mấy tháng trời bình chân chữ vại không chịu nhường nhịn, cô Sarah Smiley rút bức ảnh, không cho đăng trên báo nữa vì bây giờ khám phá ra nó vi phạm luật lệ quốc gia. Nếu cứ tiếp tục để yên trên báo mà nếu có người thưa thì hậu quả cho cô không phải là một tuần ở Disneyland mà là ba tháng ở Khám Chí Hòa.

    Những người Việt Nam ngày xưa không đi lính, bây giờ vào tiệm quần áo may quân phục mặc vì lý do này hay lý do khác nên đọc câu chuyện này. Tuy rằng đây là luật lệ của Quân Đội Hoa Kỳ, nó rất đúng và rất có ý nghĩa: quân phục không phải chỉ bỏ tiền ra mua là mặc. Một người phải gia nhập quân đội mới mặc nó được. Tôi nghĩ ra chữ tiếng Anh nhưng không biết làm sao dịch ra tiếng Việt cho ngắn gọn:Military uniform cannot be bought, it has to be earned. Quân phục không phải chỉ mua là được, nó phải xứng đáng. Người mặc nó phải đổ mồ hôi nước mắt, phải là thành viên của một tập thể có kỷ luật: Quân Đội.

    Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 38 năm. Tôi đồng ý cho dù nó có chấm dứt 100 năm nữa và nếu mình vẫn còn sống, mình cũng không thể quên được. Thế nhưng chúng ta mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa nhan nhãn ở khắp nơi để làm gì? -

    Để chống chính thể cộng sản bằng võ lực? Hoàn toàn không có chuyện đó vì lấy tiền đâu mà mua súng ống? Hơn nữa, chưa kể chính phủ Hoa Kỳ sẽ bắt về tội oa trữ vũ khí bất hợp pháp và âm mưu khủng bố. Ấy là chưa nói đến mấy ông bây giờ tuổi già bụng xệ, làm gì có sức đánh đấm ai? - Để dạy dỗ con cái cho chúng nó không đời nào quên chính thể Việt Nam Cộng Hòa? Điều này có thể làm riêng ở trong nhà, không cần người ngoài biết. -

    Để nhớ lại dĩ vãng một thời đã chiến đấu cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa? Không cần mặc quân phục mới nhớ được. Bằng chứng là bao nhiêu trường học tổ chức reunion hàng năm, có trường nào mà cựu học sinh mặc đồng phục đến dự không? Nhưng họ vẫn nhớ trường của họ như thường. Nếu chúng ta mặc quân phục vì lý do để "hãnh diện" thời đi lính ngày xưa thì tôi xin hỏi: ngày xưa khi đụng trận, mình có bị thương tích, hoặc có giết kẻ thù nào chưa? Nếu chưa thì có gì mà khoe khoang với thiên hạ? Nghiệp lính của chúng ta cũng như nghiệp giáo, nghiệp buôn, thế thôi. Những nghiệp khác không phô trương thì tại sao mình phô trương?

    Còn nếu câu trả lời là có, mình đã đụng trận và giết địch quân thì giết người có gì để khoe khoang? Ngày xưa nếu tôi phải cầm súng đối đầu với địch quân nơi chiến trường, tôi sẽ không ngần ngại dùng súng đạn kết liễu cuộc đời của đối phương vì tôi bảo vệ tự do cho đồng bào tôi và cho sinh mạng của chính tôi. Nhưng chuyện đó đã xảy ra 40 năm trước, tôi không có lợi lộc gì nhắc lại chiến tranh vì chiến tranh là tàn phá, chiến tranh là hủy hoại, chiến tranh là lấy đi mạng sống của một người khác, chiến tranh là đau thương, chiến tranh là một kinh nghiệm nên giữ sâu trong lòng để nhắc nhở mình phải cố gắng dùng mọi tài năng giúp quốc gia ngăn ngừa những mưu toan xâm lăng ngoại nhập để con cháu và đồng bào mình được sống mãi trong hòa bình, không phải tham gia vào chiến tranh.

    Chiến tranh không phải là một điều vinh hạnh. Chiến tranh không có gì để tâng bốc. Chiến tranh là bất đắc dĩ: ở nước Mỹ, báo chí, cơ quan truyền thanh, truyền hình hay chính phủ chỉ nhắc đến các trận chiến mỗi năm một lần vào ngày kỷ niệm. Chiến tranh không có gì để khoe khoang, dù rằng mình đứng bên chính nghĩa: bức ảnh nổi tiếng của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn một người Việt Cộng chứng minh điều này. Vào tháng 2 năm 1968, trong thời gian căng thẳng của Tết Mậu Thân mà Cộng Sản mở cuộc tổng tấn công chỉ có hai ngày trước đó, một Việt Cộng tên Nguyễn Văn Lém được giải đến trước Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Sau khi nói chuyện với binh lính cấp dưới tìm hiểu nguyên nhân người này bị bắt, Tướng Nguyễn Ngọc Loan rút súng lục bắn chết tên Việt Cộng ngay thái dương. Võ Sửu, người quay phim của NBC và Eddie Adams, nhiếp ảnh gia làm việc cho Associated Press cả hai đều quay phim và chụp hình hành động này. Bức ảnh của Eddie Adams khi đăng báo làm chấn động thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ, và làm Eddie Adams thắng giải Pulitzer về nhiếp ảnh. Nó làm cho dư luận Hoa Kỳ thay đổi, thiên về chống chiến tranh Việt Nam vì họ thấy tấm hình đó quá ghê rợn (Xin chú thích ở đây là nếu tên Việt Cộng mặc quân phục thì đã được Hiệp Định Genève bảo vệ là tù nhân chiến tranh, Tướng Loan có thể bị truy tố ra tòa tội xử tử tù nhân ; nhưng vì anh ta mặc quần áo dân sự nên Tướng Loan được bảo vệ bằng luật pháp quốc tế, cũng như của Việt Nam Cộng Hòa). Nó làm cho nhiều người ghét Tướng Loan, nghĩ rằng ông ta quá bạo tàn. Khi định cư ở Hoa Kỳ, Tướng Loan mở một tiệm bán pizza ở Rolling Valley Mall ở Burke, Virginia gần Washington, D.C. Thế nhưng vào năm 1991 khi danh tánh bị tiết lộ, ông ta phải đóng cửa nhà hàng vì bị nhiều người Mỹ quấy nhiễu, chỉ vì họ còn nhớ ông ta là người trong bức ảnh nổi tiếng bắn tên Việt Cộng (Chỉ ba tháng sau khi bị chụp trong tấm ảnh đó, đụng trận lần thứ hai vào tháng 5-1968 khi cộng sản tái tấn công, Tướng Loan bị thương và một chân phải bị cưa. Ông mất ngày 16-07-1998, hưởng thọ 67 tuổi). Khi chụp bức ảnh đó, Eddie Adams không biết nguyên nhân tại sao Tướng Loan bắn tên Việt Cộng (và cả thế giới khi xem tấm hình này cũng không biết lý do). Thế nhưng sau này Eddie Adams tìm ra nguyên nhân: tên Việt Cộng vừa mới giết một sĩ quan cảnh sát và cả vợ con ông ta làm Tướng Loan nổi giận xử tử hắn ngay tại chỗ. Sự khám phá này làm Eddie Adams hối hận đã chụp cảnh xử tử khiến cho cả thế giới bôi nhọ Tướng Loan khi xem tấm hình. Ông ta đã chính thức đến gặp Tướng Loan và gia đình để xin lỗi đã chụp bức ảnh nổi tiếng thế giới. Trong chương trình TV "Chuyện chiến tranh với Oliver North", Adams gọi Tướng Loan là "một anh hùng". Khi Tướng Loan chết vào năm 1998, và được hỏi ý kiến, Eddie Adams nói Tướng Loan "là một người anh hùng. Nước Mỹ nên khóc (cho sự ra đi của Tướng Loan). Tôi thật tình không muốn ông ta chết mà thiên hạ không biết gì về ông ấy". Chia buồn về sự ra đi của Tướng Loan trên báo TIME, Eddie Adams viết về bức ảnh ông đã chụp: "Tôi thắng giải Pulitzer năm 1969 nhờ bức ảnh tôi chụp một người này bắn một người kia. Hai người đã chết trong bức ảnh đó: người lãnh viên đạn và Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Tướng Loan đã giết tên Việt Cộng. Tôi giết Tướng Loan với máy chụp hình của tôi. Hình chụp là vũ khí lợi hại nhất thế giới. Người ta tin nó, thế nhưng không biết rằng hình ảnh có lúc láo, dù rằng không ai vận dụng nó. Nó chỉ có nửa đúng thôi. Bức ảnh đó không cho người ta biết rằng "Ông/bà sẽ phản ứng như thế nào nếu ông/bà là Tướng Loan vào cái ngày căng thẳng chiến tranh hôm đó, bắt được một quân địch vừa mới giết một, hai, hay ba người Mỹ?"".

    Câu chuyện này cho ta thấy chiến tranh không có gì để khoe khoang, phần đông người khác thấy chiến tranh là tàn ác, dù rằng chúng ta đứng vào bên có chính nghĩa. Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa hiện nay không còn hiện hữu nên không còn một thẩm quyền nào kiểm soát hành động của cựu quân nhân theo quân luật. Bộ quân phục giống như tranh vẽ Picasso: chỉ có những bức tranh nguyên thủy do Picasso vẽ thì mới đáng giá bạc triệu, còn những tấm vẽ lại chẳng có giá trị gì cả. Tôi có thể thấy kỷ niệm lưu luyến nếu bây giờ một người vẫn mặc bộ quân phục nguyên thủy chạy loạn từ năm 1975, thế nhưng khi một người may một bộ quân phục khác với huy hiệu của binh chủng Việt Nam Cộng Hòa cho vừa kích thước của mình, mặc nó phô diễn nơi chốn công cộng thì ý nghĩa đã thay đổi. Nó đã trở thành hình thức, không còn là nội dung. Nó trở thành phô trương, không còn là kỷ niệm. Nó trở thành khoe khoang tuyên dương cá nhân mặc ai nấy làm, không còn đại diện cho một tập thể có kỷ luật gay gắt, và khi dùng nó trong những buổi hát nhạc để thu tiền túi cho riêng mình, cho ca sĩ, cho M.C., cho người tổ chức chương trình..., thì nó trở thành thương mại cá nhân, không còn là lập trường quốc gia chân chinh.


    Nguyễn Tài Ngoc.

  • #2
    Mấy hôm trước tôi thấy có người post bài nầy lên HQPD, đọc xong định bụng sẽ viết ít hàng bày tỏ chút niềm riêng nhưng sau một thời gian ngắn thì bị lấy xuống. Hôm nay có cơ hội đọc lại do một bạn khác post lên. Thực sự bài viết không có gì đáng nói nếu như nó cứ nằm yên trên trang web của tác giả : http://www.saigonocean.com/trangNguy...goc/vanNTN.htm , tuy nhiên nó đã được copy và "phát tán" khắp nơi qua email, được post vào các diễn đàn lính với giọng mai mỉa, trịch thượng. Và là một người lính, có mấy điểm xin được góp vài ý thô thiển sau đây:

    1.
    "... Dù rằng hiện đang sống trên nước Mỹ gần 40 năm sau 1975, tôi cứ thấy mấy ông Việt Nam, và cả mấy bà, có dịp là mặc quân phục. Biểu tình mặc quân phục. Hát hò mặc quân phục. Lễ ở chùa mặc quân phục. Hội họp chẳng ăn thua gì đến quân đội cũng mặc quân phục. Vào chợ mặc quân phục. Mở đại nhạc hội thu tiền túi mặc quân phục. Lên TV phỏng vấn mặc quân phục. Và bây giờ, lần đầu tiên tôi thấy vào quán ăn quyên tiền trong khi thiên hạ đang ăn cũng mặc quân phục..."
    Có dịp ở đây tức có cơ hội để giới thiệu sự hiện hữu của một tập thể đã bị xóa mờ, bị hạ nhục, bị gán ghép cho đủ thứ tội. Trước năm 1975, miền Nam VN là một quốc gia trong tình trạng chiến tranh, hình ảnh người Lính xuất hiện hàng ngày trong mọi góc cạnh xã hội, người ta không thấy sự cần thiết phải tự giới thiệu. Ngày xưa cũng không ai cấm một phật tử là người quân nhân, không ai dị nghị khi một quân nhân vào chợ mua vài món đồ, đi nghỉ phép cũng mặc quân phục, các cuộc vui đơn vị vẫn mặc quân phục, không ai cấm cản người lính vào quán ăn phải thay đồ dân sự..... Theo tôi nghĩ vấn đề không phải là mặc quân phục ở đâu mà cách mặc quân phục có đứng đắn hay không. Bộ quân phục và người quân nhân là một hợp thể không thể tách rời dù nơi chiến trường hay trong những sinh hoạt xã hội. Trước đây luật pháp ngăn cấm người quân nhân không được tham gia các hoạt động chính trị vì nhiều lý do, trong đó chính yếu là sự tập trung ý chí chiến đấu bảo vệ quê hương mà không phải là quyền lợi phe nhóm hay đảng phái như cs trước đây: "trung với đảng, hiếu với dân..."
    Ngày nay, tại hải ngoại, người lính miền Nam đang hiện diện trên mặt trận chính trị, chính yếu nhằm chống lại cộng sản và tay sai xâm nhập và lũng đoạn, duy trì hình ảnh QLVNCH với thế hệ tiếp nối cũng như năng nổ trong mọi công tác góp phần xây dựng cộng đồng. Thiết nghĩ mỗi quân nhân có thể giữ hình ảnh người lính, chiến hữu của mình trong tim nhưng xã hội một lúc nào đó, nhất là lớp trẻ sẽ không còn ai biết đến QLVNCH. Hải ngoại sẽ phải cám ơn đã có những người còn mặc bộ quân phục trên người, lớp trẻ đã không khinh bạc bộ quân phục mà làm theo là một điều may mắn. Chúng ta không nói về vấn đề quân luật ở một môi trường mà quân đội không còn, không nói về khía cạnh luật pháp quốc gia khi một quốc gia không hiện hữu. Chinh phục lòng người và lợi ích giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của người lính VNCH trong xã hội mới là điều đáng nói ở đây.
    Trường hợp thí dụ mà tác giả đưa ra: " Cô Sarah Smiley, tác giả của quyển sách I'm Just Saying... Năm 2003, đội vào cái nón Hải Quân của chồng, cô ta chụp hình và dùng bức ảnh kèm theo tên cô ta đăng trên báo khi viết bài.... Bức ảnh này làm nhiều người lên ruột vì họ nghĩ rằng dân sự không thể nào mặc quân phục, dù rằng chỉ là đội một cái nón.Theo họ, khi mặc quân phục, một người dân sự có thể làm xấu hổ cho quân đội. Sarah Smiley không đồng ý, biện luận là cô ta không làm gì xấu hổ, mà còn làm hãnh diện cho Hải Quân Hoa Kỳ khi đội nón của chồng. Cô thách thức khán giả cho biết ý kiến là có nên lấy bức ảnh đó ra khỏi báo không, nếu số đông đồng ý thì cô ta sẽ tuân lời. Mọi người rất ngạc nhiên với con số khán giả viết thư biểu quyết: 95% độc giả nói bức ảnh đó không có gì sai lầm. Đi đến đâu trong thành phố cô ta ở, mọi người đều gặp và ủng hộ cô triệt để: "Keep the hat !"
    Con số 95% biếu quyết ủng hộ thuần về tình cảm cho thấy sự quan trọng của lòng người mà người lính VNCH không dám ao ước nhưng là một điều để suy ngẫm, riêng 5% duy lý sẽ không đáng kể trong môi trường hải ngoại nầy. Tôi không thể tưởng tượng được một buổi ca nhạc về người lính lại có thể mang bộ đồ nào khác hơn là quân phục, dù trẻ hay già, người lính trong phim ca nhạc là hình ảnh người lính VNCH nếu họ thực hiện một cách đứng đắn. Việc nầy có ý nghĩa nhiều hơn là một buổi trình diễn thương mại, bởi nó nhắc nhở mọi người về hình ảnh một thời của người lính, và đã có không ít lần vc phải lên tiếng chửi bới hay cấm đoán những cuộn phim "phản động" nầy. Sự việc lấy bộ quân phục ra nhằm khinh mạn những người lính cũ là một việc làm không công bằng. "Vào quán ăn quyên tiền trong khi thiên hạ đang ăn cũng mặc quân phục...", người ta sẽ đàm tiếu nếu người đi quyên tiền không mặc bộ đồng phục hay biểu hiện cho một tập thể nào đó, vả chăng, người lính đi quyên tiền cho một mục đích tốt đẹp, không phải đi xin ăn và không ai bắt buộc mình phải cho tiền. Trong những buổi Thánh Lễ nhà thờ cũng thường có màn lạc quyên tại chỗ, người ta mang lon đi từng hàng ghế để quyên góp, không ai tủn mủn dị nghị và cũng không ai bắt buộc mình phải cho. Ăn uống để bồi bổ cơ thể, cầu nguyện để bình an tâm hồn, cả hai đều có những mục đích tương tự nhau.


    2.
    "...Biết bao nhiêu quân nhân đã chạy nạn chỉ với mỗi một bộ quân phục trên người, và cũng như tôi còn giữ được chiếc áo trắng đồng phục thời Trung học, đại đa số quân nhân giữ lại bộ quân phục đó cho đến bây giờ. Lâu lâu họ mang nó ra nhìn lại để hồi tưởng những trận đánh sống chết, để kiêu hãnh ..."
    Điều nầy không đúng. Giữ chiếc áo trắng đồng phục của trường học thì dễ, chuyện giữ chiến bào còn vương mùi thuốc súng để kỷ niệm của người chiến binh không dễ dàng. Đa số người Lính trận sau ngày 30.4.1975 đã tan tác, da thịt còn rách nát đừng nói chi chiến bào. Bộ quân phục đã bị lột bỏ vội vàng, bị hạ nhục. Những ai còn lưu luyến với bộ quân phục sẽ không yên thân với bọn cs, với phường khóm và bọn công an khu vực. Chạy nạn và vượt biên thì còn cái thân mình và quần cụt là may mắn, trừ những nguời có cơ hội theo tàu Hải Quân hay Phi cơ rời VN vào ngày 30.4.75. Khi những Sĩ Quan VNCH vào trại tù tập trung, có người đã phải mặc loại quần áo tự may bằng bao cát dùng làm công sự phòng thủ trước kia vì không còn áo quần lành lặn. Ngày trở về chỉ còn mớ áo quần tả tơi. Với người Linh VNCH, bộ quân phục giờ đây là một biểu tượng hơn là một bộ áo quần đơn thuần. Một biểu tượng được tái tạo trong niềm trân quý (và đôi khi không còn gốc chính) và không phải ai cũng có thể có điều kiện để tạo mặc.

    3.
    "...Để nhớ lại dĩ vãng một thời đã chiến đấu cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa? Không cần mặc quân phục mới nhớ được. Bằng chứng là bao nhiêu trường học tổ chức reunion hàng năm, có trường nào mà cựu học sinh mặc đồng phục đến dự không? Nhưng họ vẫn nhớ trường của họ như thường. Nếu chúng ta mặc quân phục vì lý do để "hãnh diện" thời đi lính ngày xưa thì tôi xin hỏi: ngày xưa khi đụng trận, mình có bị thương tích, hoặc có giết kẻ thù nào chưa? Nếu chưa thì có gì mà khoe khoang với thiên hạ? Nghiệp lính của chúng ta cũng như nghiệp giáo, nghiệp buôn, thế thôi. Những nghiệp khác không phô trương thì tại sao mình phô trương?..."
    So sánh giữa quân phục và đồng phục là một điều nực cười vì lố bịch. Bộ đồng phục của nhà trường mà ông Ngọc đã còn giữ được là biểu tượng cho một tập thể thụ nhận những kiến thức mà xã hội đạt được, trong khi bộ quân phục là biểu tượng của một tập thể cống hiến, hy sinh cho xã hội. Sự cống hiến và thụ nhận khác nhau nhiều lắm. Cống hiến, kể cả máu xương mình cho Tổ Quốc là một vinh dự và người mang quân phục luôn tự hào. Người lính trấn giữ biên cương không phải là làm một chuyến đi buôn hay để gõ đầu trẻ, họ có trách nhiệm thiêng liêng hơn nhiều không cần phải nói thêm. Nghiệp giáo được học trò kính trọng, nghiệp buôn để được cơm no áo ấm cho riêng mình, nghiệp lính thì chỉ có hy sinh để bảo vệ làng xóm, trong đó có nghiệp giáo và nghiệp buôn nầy.

    4. Mặc quân phục không có nghiã là để cổ võ chiến tranh vì hơn ai hết, người lính hiểu rõ sự tàn khốc của chiến tranh. Hơn nữa, thêm một chút, trước kia người linh miền Nam không gây chiến tranh mà chỉ tự vệ trước sự tấn công của phương Bắc để bảo vệ miền Nam thân yêu, bảo vệ những quyền căn bản của con người, trong đó có quyền ăn tục nói phét.

    Dùng quân phục đúng chỗ tức mỗi năm vài lần trong những ngày lễ trọng đại quốc gia, hình ảnh người Lính VNCH sẽ từ từ mất đi. Cũng như bài quốc ca chỉ được hát trong những dịp lễ quốc gia, mỗi năm được vài ngày, từ từ sẽ mai một. Cuối cùng nếu nói thêm nước VNCH không còn tồn tại thì làm gì có những ngày lễ quốc gia nữa để cử hành lễ lộc...., mặc quân phục hay hát quốc ca chỉ là hình ảnh không còn hợp thời hay lạc điệu và nên chấm dứt đi thì hơn (trước sự hài lòng của nhiều người).

    Tôi nghe giọng điệu nầy khá quen thuộc.
    Tiểu Chùy
    Last edited by chieutim; 03-26-2013, 08:05 AM.

    Comment


    • #3
      Mời quý vị đọc bài này để có thể biết rỏ câu chuyện THẬT đằng sau vụ giãi phẩu khối u to nhất 80 kg ,và đồng thời thấy tính cách hay nổ của Nguyễn Tài Ngọc ( người viết bài đả kích việc mặc quân phục trước đây ) ,không biết rỏ mà hay nói thì bị hố nặng là vậy.

      Người đàn ông có cái bướu nặng 90 kí-lô

      Chilothorax là có thực. Chính McKinnon cũng không giải thích được nguyên nhân tại sao. Khi họp chung, qua cách ông ta nói thì ông tự cho là có kinh nghiệm mổ những cái bướu neurofibroma to. Ca to nhất là một bệnh nhân ở Roumania, nhưng không to bằng cái này ( ông có cho xem video clip). Khi tôi đặt vấn đề là hô hấp có thể bị ảnh hưởng sau mổ và risk bị complications nguy hiểm thì ông ta lướt qua và lờ đi. Tôi hiểu là ông ta thích thú với ca bướu 80kg này và rất là muốn mổ. Vì tình hình chilothorax mới xuất hiện, BVUB phải làm thêm một số xét nghiệm nên kế hoạch mổ chậm lại mấy ngày. Ông McKinnon đã dự kiến ở lại 1 tuần sau mổ rồi sẽ bay qua Thái Lan biểu diễn mổ ca khác. Chậm trễ nên nếu vẫn mổ thì chỉ một ngày sau là ông ta biến. Điều này về mặt Nghĩa vụ luận y khoa là không đúng, người phẫu thuật viên có trách nhiệm theo dõi người bệnh cho đến khi ổn định và không còn nguy cơ biến chứng, không thể mổ xong rồi quẳng cho người khác lo tiếp hậu phẫu như thế.
      Trong kế hoạch mổ nhiều BV chuyên khoa trong thành phố tham dự : Chấn thương chỉnh hình, Tiết niệu, Truyền máu Huyết học..v.v... dự kiến đem sang cho mượn nhiều loại máy móc hiện đại và cả nhân viên thao tác để phục vụ việc theo dõi hồi sức người bệnh. Trang thiết bị của BVUB phần đông đã cũ, không hiện đại lắm, đủ dùng cho những ca mổ nặng. Nhưng đối với ca mổ này sẽ có những yếu tố nặng đặc biệt như:
      - thời gian sẽ kéo dài trên 10 tiếng.
      - phải có kế hoạch cố định người bệnh, nhưng từng lúc lại phải xoay trở người bệnh khi phải thay đổi trường mổ.
      - vấn đề gây mê kéo dài, lượng máu mất nhiều - dự trù trên chục lít máu để truyền - theo dõi về huyết động học đúng mức-....v.v rất nhiều vấn đề lớn.
      - Chilothorax đã được rút bớt, không thấy tái lập nhanh, hô hấp bệnh nhân tạm ổn nhưng không lường trước những risks có thể xảy ra. Phải mượn thêm máy giúp thở mới cho chắc ăn.
      Tôi đánh giá ca mổ sẽ khó khăn nhưng sẽ thành công. Nhưng tôi rất lo thời kỳ hậu phẫu sẽ sóng to gió lớn làm " chìm thuyền " !.
      Cân nhắc thì đây là một ca bướu LÀNH TÍNH, tái phát 2 lần, và anh bn Hải đã sống chung với nó nhiều năm, nếu không mổ thì anh vẫn sống với nó thêm nhiều năm nữa. Mổ thì tỷ lệ thành công cao nhưng kết quả sau cùng là 5 ăn 5 thua. Nếu là các bác thì các bác có dám quyết định mổ hay không ?

      Sau ca mổ thành công bên FV có người hỏi tôi có tiếc không? Tôi đã trả lời là KHÔNG TIẾC, và mừng cho anh Hải. Bên FV có nhiều máy móc tối tân, và có một thứ mà không BV nào ở Sài Gòn có là máy thu lại lượng máu chảy ra từ trường mổ, xử lý tiệt trùng và truyền lại cho bệnh nhân. Đó là phương án tối ưu cho ca mổ mất máu quá nhiều.

      Những điều tôi kể ở trên chẳng mấy người nắm rõ. Mọi chuyện đã trôi qua, nhưng qua mail của bác Chí Võ, thêm lời bàn loạn của bác Trữ tôi bắt buộc phải bộc bạch. Tôi hy vọng các bác đa số không cùng chuyên ngành cũng hiểu phần nào vấn đề và thông cảm. Sorry đã làm phiền các bạn,
      Cuồng sĩ khinh đao PDM
      _____________________________

      Bác........... à,
      Chắc CO chẳn có ý gì đâu. CO mới nhận được bài nầy thì chuyển cho YF coi chơi thôi.
      Người viết bài là ông Nguyễn Tài Ngọc, hình như là em cuả BS Nguyễn Tài Mai, người cùng quê Boston cuả HXX phải không ?
      ______________________________

      Bác .................. thân,
      Chuyện đã xong từ lâu, bác nhắc lại tôi không hiểu với ý gì?
      Trong các buổi họp bàn về ca bướu 80kg của anh Hải tôi đều có dự. Và tôi có nêu 2 ý kiến:
      1- Nếu có chuyên gia nước ngoài nhận đứng ra mổ thì toàn bộ BVUB sẽ hỗ trợ hết sức mình.
      2- Lần bn Hải trở lại để chuẩn bị mổ lúc đó có bị thêm chilothorax 1 bên. Cũng chính tôi nêu ý kiến với tình hình mới này thì nếu là TÔI quyết định thì tôi sẽ không mổ ở BVUB.
      Làm phẫu thuật viên hơn 30 năm, tôi biết thực lực và khả năng về ngoại khoa của BVUB như biết trong lòng bàn tay mình.
      Vì thế thì mổ tại BVUB do ê kíp ông MacKinnon khả năng thành công là có thực. Thế nhưng tôi không an tâm về ICU sau mổ. Lúc đó McKinnon qua Thái Lan rồi, có gì BVUB lãnh đủ, quan trọng là bn Hải có thể tiêu tùng vì biến chứng hậu phẫu.
      Quan sát diễn tiến mổ, nhìn các máy móc hỗ trợ tai FV Hosp tôi xác định mình đã nghĩ đúng. Khoa Gây Mê Hồi Sức nơi tính mổ cho Bn Hải về sau đã cảm ơn tôi đã cản, vì khi họp không ai dám rút lui mặc dù run trong bụng.
      Lẽ dĩ nhiên là Ban GĐ là người đã thông báo cho McKinnon việc từ chối mổ. Tôi biết là ông ta thắc mắc và bực bội, và không có ai giải thích thỏa đáng.
      Chuyện cũ nhắc lại tôi không thích tí nào! Nhưng tôi không hối hận đã nói lên lời từ chối, và tôi mừng vì BGĐ nghe theo ý tôi. GS Hùng là trưởng của cái ban chỉ đạo cũng êm re cơ mà.
      Cuồng sĩ khinh đao PDM
      ________________________________________________

      --- Ngày Thứ 5, 21/03/13, Chi Vo đã viết:

      Khi trở lại Bệnh Viện Ung Bướu TP HCM vào ngày thứ ba, người bác sĩ (?) Việt Nam có quyền quyết định mà bác sĩ McKinnon gặp lại là một người lạ, không có mặt trong nhóm bác sĩ & y tá mà ông trình bày ba ngày trước. Ông bác sĩ này viện lý do nước vào phổi (pleural effusion), bệnh nhân yếu sức, từ chối không cho giải phẫu, và cám ơn bác sĩ McKinnon đã bỏ thì giờ đến Việt Nam. Bác sĩ McKinnon trả lời rằng nêu ra "nước vào phổi" để từ chối không cho mổ chỉ là lợi dụng một lý do vô cớ. Việc quan trọng không phải là ông ta tình nguyện bỏ thì giờ đến Việt Nam nhưng việc quan trọng là ông ta phải cay đắng nhìn nhận là ông ta đã thất bại trong việc thuyết phục những người cùng nghề nghiệp với ông (ở Việt Nam) là cuộc giải phẫu sẽ thành công. Ông ta còn phải nói với bệnh nhân vì không được phép giải phẫu, anh Hải sẽ không có một cơ hội cứu sống nào khác, chắc chắn sẽ chết trong vòng một năm


      THE MAN WITH THE 200-IB TUMOR
      Người đàn ông có cái bướu nặng 90 kí-lô


      Mời xem tình trạng y tế ở Việt Nam.

      WE DO NOT LIVE IN VIETNAM...VIETNAM LIVES IN US

      Nguyễn Tài Ngọc
      http://www.saigonocean.com/trangNguy...goc/vanNTN.htm

      Ba tuần trước vào một buổi tối tình cờ bật TV đài TLC, The Learning Center, tôi xem một phim tài liệu tựa đề: "The man with the 200-lb tumor- Người đàn ông có cái bướu nặng 90 kí-lô". Người có cái bướu khổng lồ này là một anh Việt Nam tên là Nguyễn Duy Hải ở thành phố Đà Lạt, 32 tuổi. Lúc mới sinh ra anh ta bình thường nhưng khi lên bốn tuổi chân phải của anh to lớn khác thường so với chân trái.

      Năm 1997, anh Hải đi nhà thương và nghe theo lời bác sĩ, cắt chân phải để ngăn chận sự bành trướng. Thế nhưng sau khi cắt, một cục u tiếp tục nẩy nở từ vết cắt, dần dần to lớn thành một cục bướu nặng 90 kí-lô. Vì nó quá to lớn, nặng gấp hai lần trọng lượng thân thể, anh Hải nằm trên giường trong suốt thời gian sáu năm. Qua một sự tình cờ, thân nhân của anh Hải ở Florida biết được một bà Mỹ tên Amanda Schumacher làm việc thiện nguyện. Bà này liên lạc với Bác Sĩ McKay McKinnon.

      Bác sĩ McKay McKinnon và vợ chụp ở SG (tuoitrenews.vn)

      Bác sĩ McKay McKinnon ở Chicago, Hoa Kỳ, chuyên về phẫu thuật, nổi tiếng về giải phẫu cắt bỏ bướu khổng lồ của bệnh nhân khắp thế giới. Sau khi xem video của anh Hải qua iPad và bỏ thì giờ chẩn bệnh, bác sĩ McKinnon đồng ý tình nguyện thì giờ của mình bay sang SàiGòn vào ngày 16 tháng 11 -2012 giải phẫu miễn phí cắt bỏ cái bướu cho anh Hải.

      http://www.estergoldberg.com/.a/6a01...436c970c-500wi

      Xe cứu thương trước đó vài ngày đã chở anh Hải từ Đà Lạt vào SàiGòn đến Bệnh Viện Ung Bướu TP HCM để sẵn sàng cuộc giải phẫu.

      http://www.hervietnam.com/images/stories/29490787.jpg

      Một phòng bệnh của Bệnh viện Ung Bướu

      http://www.thanhnien.com.vn/pages/20...uo%CC%81u.aspx

      Khi nhập viện, anh Hải than khó thở, bác sĩ Việt ở Bệnh Viện Ung Bướu cho Bác Sĩ McKinnon biết nguyên do là anh Hải bị nước vào phổi (pleural effusion), và lo ngại cho anh Hải nếu bị mổ. Bác Sĩ McKinnon nói việc ấy không có gì quan trọng, bảo nhân viên nhà thương chích rút nước ra. Bác sĩ McKinnon nghĩ rằng có lẽ anh Hải đã nằm trong suốt thời gian tám tiếng vận chuyển từ Đà-Lạt, rồi vào nhà thương cũng nằm nên nước vào phổi. Ông bảo nhân viên cho anh ta ngồi dậy thay vì nằm để tránh tình trạng nước lại vào phổi.

      Sau khi rút nước, anh Hải thở lại dễ dàng.

      Ở bên Mỹ một khi bác sĩ quyết định giải phẫu thì bệnh nhân đến nhà thương, có sẵn một đội y tá hay bác sĩ giúp bác sĩ trong khi giải phẫu (nếu trường hợp hiểm nghèo, phức tạp như trường hợp này). Bảo hiểm y tế của bệnh nhân sẽ trả tiền bác sĩ lẫn chi phí tiền nhà thương, Giám Đốc nhà thương hoàn toàn không liên hệ gì đến trường hợp mổ. Nhưng ở Việt Nam, dù rằng hội đoàn của bà Amanda Schumacher sẽ trả tiền nhà thương, Bác sĩ McKinnon phải bỏ thì giờ giải thích cho nhà thương lý do tại sao họ nên cho giải phẫu vì cần giấy phép chấp thuận của Bệnh Viện Ung Bướu. Những người ở ngoại quốc như chúng ta xem video phim tài liệu này sẽ thấy một chuyện không thể nào tin được: tuy rằng không một ai ở Bệnh Viện Ung Bướu TP HCM giỏi hơn, và có kinh nghiệm cắt bỏ ung bứu như bác sĩ McKinnon, ông ta phải giải thích cho khoảng chừng 30, 40 bác sĩ (và y tá?) của nhà thương để mong cho họ chấp thuận cho phép. Sau đó, ông ta về khách sạn đợi ba ngày để Bệnh Viện Ung Bướu quyết định!

      Bệnh nhân và người thân ngồi chờ la liệt ở sân Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chờ đến lượt khám chữa bệnh

      http://tuoitre.vn/ban-doc/468110/hai...benh-vien.html

      Khi trở lại Bệnh Viện Ung Bướu TP HCM vào ngày thứ ba, người bác sĩ (?) Việt Nam có quyền quyết định mà bác sĩ McKinnon gặp lại là một người lạ, không có mặt trong nhóm bác sĩ & y tá mà ông trình bày ba ngày trước. Ông bác sĩ này viện lý do nước vào phổi (pleural effusion), bệnh nhân yếu sức, từ chối không cho giải phẫu, và cám ơn bác sĩ McKinnon đã bỏ thì giờ đến Việt Nam. Bác sĩ McKinnon trả lời rằng nêu ra "nước vào phổi" để từ chối không cho mổ chỉ là lợi dụng một lý do vô cớ. Việc quan trọng không phải là ông ta tình nguyện bỏ thì giờ đến Việt Nam nhưng việc quan trọng là ông ta phải cay đắng nhìn nhận là ông ta đã thất bại trong việc thuyết phục những người cùng nghề nghiệp với ông (ở Việt Nam) là cuộc giải phẫu sẽ thành công. Ông ta còn phải nói với bệnh nhân vì không được phép giải phẫu, anh Hải sẽ không có một cơ hội cứu sống nào khác, chắc chắn sẽ chết trong vòng một năm (tim không đủ sức nuôi cục bướu khổng lồ như vậy), tuy rằng chính anh Hải mong muốn cho ông ta cắt cái bướu của mình, mặc dù anh biết cơ hội chết trên bàn mổ có thể là 100%.
      Bác sĩ McKinnon sau đó đến Bệnh Viện Ung Bướu để báo tin buồn cho bệnh nhân là nhà thương không đồng ý cho ông ta giải phẫu. Anh Hải biết là cơ hội cứu mạng sống anh ta từ Bác sĩ McKinnon bây giờ như sao chổi sẽ biến mất tuyệt dạng, nói cảm ơn: "Em rất cảm ơn tấm lòng của bác sĩ đã đến với em. Em sẽ nhớ mãi kỷ niệm em đã được gặp bác. Em cầu mong ở một đất nước xa xôi nào đó có một bệnh nhân giống em mà thể trạng của họ khỏe mạnh hơn em và chính tay của bác sĩ cầm con dao phẫu thuật giải thoát cho họ khỏi được cuộc sống chập chờn. Phần duyên số của em thì em chấp nhận như vậy, và em mong rằng một lúc nào đó khi bác sĩ hồi tưởng về Việt Nam, bác sĩ sẽ nhớ một bệnh nhân như em. Riêng em, em sẽ nhớ mãi được gặp bác sĩ. Thank you".

      Với câu trả lời: "Anh là một gương sáng cho chúng tôi nêu theo. Tôi không biết nói gì hơn là xin lỗi", bác sĩ McKinnon rời Việt Nam trở lại Chicago với sứ mạng cắt bướu bệnh nhân bất thành.

      tuoitrenews

      Câu chuyện tưởng đến đây là hết nhưng hai tháng sau, sau khi liên lạc với nhiều người, bà Amanda Schumacher đã thuyết phục được bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Giám Đốc Bệnh viện Pháp Việt (FV Hospital) TP HCM giúp Hải được giải phẫu.

      Bệnh viện Pháp Việt (FV Hospital) TP HCM (nguồn: http://iims-asean-vietnam.blogspot.c...1_archive.html)

      Bệnh viện FV Hospital đài thọ một phần chi phí nhà thương, trả tiền máy bay và khách sạn, mời bác sĩ McKinnon trở lại SàiGòn làm phẫu thuật cho Hải với một đội bác sĩ y tá do Bệnh viện Pháp Việt cung ứng trong việc hỗ trợ giải phẫu.

      vietnamnet

      Ngày Thứ Năm 5 Tháng Giêng, 2012, sau gần 13 tiếng giải phẫu, bác sĩ McKinnon đã thành công cắt đứt cục bướu khỏi người anh Hải.

      Khi còn ở Chicago, bác sĩ McKinnon đã đồng ý giải phẫu miễn phí thêm cho hai bệnh nhân Việt Nam khác bệnh tình trầm trọng như anh Hải nên sau khi nghỉ phục sức ngày Thứ Sáu, ngày Thứ Bẩy hôm sau ông đến Bệnh Viện Chợ Rẫy cắt những cái bướu trên mặt của cô Kiều Thị Mỹ Dung,

      Cô Mỹ Dung trước khi giải phẫu (nguồn: vnexpress)

      Cô Mỹ Dung sau khi giải phẫu (nguồn: vietnamnet)

      và Chủ Nhật, cắt một số bướu của cô Thạch Thị Sa Ly.

      Bác sĩ McKinnon và cô Sa-Ly trước khi giải phẫu

      Cô Sa-Ly trước, và sau khi giải phẫu (nguồn: vnexpress)

      vnexpress

      Bạn có thể xem phim Tài Liệu "The man with the 200-lb tumor" này ở YouTube. Người upload phim này tách rời thành bẩy chapter, chapter 6 tôi không tìm thấy, và chapter 5 thì mất khoảng mười phút:

      http://www.youtube.com/watch?v=IJAJ4TvUmws
      http://www.youtube.com/watch?v=0xw7aA91FEk
      http://www.youtube.com/watch?v=9ICd77vrRKQ
      http://www.youtube.com/watch?v=ZA6g6dz72Z8
      http://www.youtube.com/watch?v=mR3xZWYQ0ck
      http://www.youtube.com/watch?v=iYTYVQbgnNw

      Xem xong phim tài liệu này, nếu tôi là bác sĩ McKinnon, sau khi nghe những người không giỏi bằng mình, không có kiến thức giải phẫu như mình, không có kinh nghiệm phẫu thuật như mình kết luận họ giỏi hơn mình, ngăn cấm sự giải phẫu cho bệnh nhân mà tôi đã tình nguyện bỏ mấy ngày giải phẫu miễn phí, khi tôi trở về Mỹ, tôi sẽ không bao giờ quay trở lại một lần nữa. Thế mà chỉ hai tháng sau, sau khi bệnh viện Pháp Việt mời ông ta trở lại giải phẫu ở nhà thương của họ, ông ta nhận lời, và không những chỉ giải phẫu cho một người, mà cho đến ba người trong ba ngày khác nhau, tất cả hoàn toàn miễn phí!

      Hải sau khi giải phẫu

      Bệnh Viện Ung Thư TP HCM từ chối không giải phẫu cho một công dân của chính nước Việt Nam của mình, nhưng một công dân của "đế quốc Mỹ Ngụy" và một nhà thương của "thực dân Pháp", hai từ ngữ xấu xa mà đọc báo chí hay xem Internet lúc nào cũng thấy Việt Nam hiện thời còn dùng để chỉ Hoa Kỳ và Pháp, đã không quản ngại tiền bạc và công sức để cứu giúp một công dân của nước Việt Nam.

      Ấy là chưa nói đến hai đồng minh vĩ đại của Việt Nam, Trung Quốc và Nga-Sô, chẳng nghe nói năng gì về giúp đỡ bệnh nhân Nguyễn Duy Hải.

      Tôi thật là may mắn được sống ở đất nước Hoa Kỳ, một quốc gia không bao giờ dùng lời đay nghiến với một nước thù nghịch, một quốc gia nơi có những người đầy lòng hảo tâm với tôn chỉ giúp đỡ nhân loại mà không cần biết người đó đang sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

      Nguyễn Tài Ngọc
      March 2013
      http://www.saigonocean.com
      Last edited by Phòng Trực; 03-27-2013, 02:01 AM.

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X